Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội Mầm Xanh

2.

Tiếp theo, chúng tôi đang trên đường về nhà. Giữ đúng theo lời hứa, chị hai vừa bước lên xe, chạy xa được một đoạn là bấm máy gọi "anh Tâm". Nhưng mãi vẫn không bắt máy. Chị hai chỉ gọi đúng một lần, chắc có lẽ chị hiểu rằng anh ấy đang bận... Không thấy phản hồi thì quay lại tiếp tục tập trung lái xe. Tôi khó có thể không hỏi:

"Ủa chị ơi, mà anh Tâm là ai vậy?"

Ngay lập tức, chị đáp lại tôi với đôi lông mày hơi nhăn. Sau đó từ từ thư thái ra: "Anh Tâm là... chị quen biết anh ấy ở trường Y."

"Là bạn cùng lớp của chị à?"

Tôi hứng khởi. Bởi lẽ, chị hai chưa bao giờ đề cập đến mối quan hệ nào, kể cả là bạn bè, từ trước đến nay.

Chị lắc đầu, "Không. Anh ấy là trợ giảng của giảng viên khoa."

"Dạng giống như một người thầy ấy ạ?"

Tôi ngạc nhiên. Chị hai không chữa cũng như không thừa nhận điều đó. Hình như, có cái gì giữa mối quan hệ của chị và anh Tâm nhưng chị lại không nói ra. Tôi có thể thấy sự trầm ngâm hiện lên trong mắt người ngồi bên cạnh. Nhưng cuối cùng, thì chị gật đầu với tôi. Khoảnh khắc ấy thật gò ép. Rồi tự dưng, trời Sài Gòn đổ một cơn mưa nắng. Thật ngẫu nhiên và kỳ lạ. Đối nghịch với chúng tôi ngồi yên vị trên xe thì dòng người trên nẻo đường liền đồng loạt tấp vào lề. Họ như cùng hẹn trước. Ai nấy nhanh chóng mặc chiếc áo mưa vào rồi rong ruổi tiếp tục. Những hạt mưa trắng làm trĩu những chiếc lá xanh.

"Chị hai, em mở kính ra nhé." Tôi nói rồi bấm nút để kính xe hạ xuống.

Hình như chị đã tính ngăn cản tôi nhưng không kịp. Mưa nên không khí bên ngoài rất mát. Mưa vậy mà bầu trời vẫn xanh và nắng vẫn vàng rực rỡ. Sài Gòn có biết bao nhiêu điều lạ lẫm. Đến một cơn mưa bất ngờ cũng khiến ta nôn nao. Bấy giờ, chị tắt điều hoà đi, vẫn tiếp tục tĩnh lặng lái xe về phía trước. Cơn mưa nắng thất thường ngắn ngủi đã sớm tạnh nhưng sau đấy thì mặt đất dường như đã nở bung ra. Tôi nghe thấy mùi của sự sống của cây non đâm chồi. Tiếng chim lại hót ríu rít. Một bản nhạc dịu dàng, ấm áp. Vẫn còn vương trong khí là mùi của mưa. Nhưng đổi lại, trên cành hoa sữa trắng đã nở, bẽn lẽn ướt át.

Tiếng chuông điện thoại của chị bỗng reo lên. Chúng tôi ngó vào, là anh Tâm.

"Em nghe?"

Anh Tâm không trả lời chị hai ngay. Điều đó làm tôi thấy kỳ lạ. Trên màn hình thể hiện rằng anh ấy đang yêu cầu videocall.

"Chị hai, ảnh muốn gọi facetime á."

Chị hai xiết một hơi, đầu vẫn giữ thẳng về phía trước.

"Em đang lái xe."

"Ồ vậy à?" Ngay sau đó, anh Tâm liền đáp lại. Như là anh đã chờ chị đồng ý. Như là anh rất muốn nhìn thấy mặt chị. Thật lạ lùng.

Giọng Tâm rất dịu dàng, "Thế em gọi anh có chuyện gì đấy?"

"Chuyện bên trại của Tú chứ gì?" Chị hai hơi cau mày, giọng cũng hơi gắt tuy vẫn giữ vẻ bình tĩnh. "Em... tụi nó tìm thấy một con cún bị gãy chân. Ban đầu tính gọi nhờ anh nhưng anh lại bận mất, nên em phải đi thay."

"À, anh bận nên không chú ý điện thoại. Anh đang ở viện. Hôm nay anh phải trực mà." Lời nói như dùng để dỗ dành. Từ đó, chị hai cũng không còn khó chịu nữa.

"Ừa thì, cũng không có gì... nhưng hình như nó có dấu hiệu viêm da. Rảnh anh đến xem liền đi."

Anh Tâm nói. "Ừ, anh biết rồi."

Tôi không nói gì cả, im lặng để hai anh chị trò chuyện với nhau. Có vẻ như, ngoài việc vẫn xưng hô vai vế anh-em bình thường thì chị hai thật tâm không hề có thái độ bên dưới Tâm. Không phải tôi nói vậy là không lịch sự... mà là cứ như họ rất thân, thân đến mức xưng hô chỉ là thứ phụ thôi.

Đến đây, Tâm hỏi: "Thế bây giờ em đang từ đó chạy về à?"

Chị hai khịt khịt mũi, "Vâng. Mệt chết đi được ấy."

Nghe đến đó tôi ngạc nhiên nhìn chị hai. Hai mắt trân trân không tin được là chị vẫn đang nói tiếp.

"Sáng nay... rồi giờ em mới đón thằng em trai từ sân bay. Mãi chưa được về nữa." Đôi lông mày của chị cau lại.

"Thế giờ bên cạnh em là em trai à?" Giọng anh hơi ngạc nhiên.

"Yep."

Từ ngữ của chị hai càng lúc càng trở nên thoải mái, nhân tiện thì đó là điều mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Thậm chí, chị còn cứ luôn luôn miệng.

"Nó ngồi ngay cạnh em nè. Mới làm quen với Tú và Diệp xong."

Rồi chị quay sang tôi.

Không cần phải kể đến việc ra hiệu, ngay lập tức tôi nhảy vào cuộc trò chuyện.

"Chào anh! Em là Phương ạ! Anh là bạn chị hai à?" Tôi nói rất to.


Nhưng chả có tiếng hồi đáp nào. Cứ như thế, tự dưng cuộc hội thoại bị rơi vào im lặng. Mà chị hai mới là người nói tiếp theo.

"Anh không nghe được à?"

"Anh không nghe rõ lắm."

Sao có thể? Chúng tôi ai nấy đều nhăn mày với câu nói đó của Tâm. Ngó một chút vào, chị ấn nút bật cam. Từ đó, tôi và Tâm có thể nhìn thấy được nhau. Anh Tâm trông thật bình thường, với áo blouse trắng trên vai và cặp mắt trầm tĩnh, lẳng lặng sau lớp kính. Chỉ nở một nụ cười mà cũng không cười, anh nhìn tôi.

"Chào anh! Em là Phương ạ! Anh là bạn chị hai à!"

Tôi lặp lại câu nói mà lần này còn lớn hơn, lớn đến mức chị hai phải giật mình, quay sang nhìn rồi nhăn mày. Vậy mà, đổi lại, Tâm chả hề hồ hởi. Cái mà tôi nhận được vẫn là không có gì cả, ngoài gật đầu. Ủa, như thể là anh vẫn chưa nghe được ấy? Thấy thế, chị hai ở bên cạnh phụt miệng cười tươi. Thật ngạc nhiên, chị hai chưa từng nhếch mép từ lúc gặp tới giờ.

Cứ thế, tôi ngơ ngác nhìn chị hai.

"Anh cứ chào đại cho em nó vui đi anh." Nụ cười ở trên khoé môi vẫn chưa tắt mà lại còn đang nở rộ hơn.

Anh Tâm lắc đầu. "Thế thôi hai chị em về đi. Hà về nhớ ăn uống, nghỉ ngơi nha em. Ngày mai anh sẽ gặp em nhé."

"Bai bai anh." Chị hai nói và rồi anh Tâm cũng đáp lại như vậy, như thể là anh muốn là người ở lại câu chuyện này hơn.

Điện thoại cúp máy, không khí trên xe chìm vào khoảng lặng nhưng đuôi mắt chị hai vẫn rộ ý cười. Bấy giờ, tôi tức tối. Tuy Tâm chẳng làm gì sai cả, nhưng sao anh lại chả hề chú ý đến tôi? Ủa, sao anh lại không nghe được chứ? Tôi có bao giờ nói nhỏ đâu? Tôi thậm chí còn vẫy tay với anh... Ủa gì ngộ vậy trời? Sao vậy nhỉ? Kỳ ghê. Điều này khiến tâm trạng tôi bị chia làm hai nửa. Nửa khó chịu mà nửa thì lại vui mừng vì đây là hiếm hoi nhìn thấy chị nở nụ cười. Thú thật là tôi, còn mẹ nữa, đã luôn rất muốn nhìn thấy chị hai mỉm cười. Bởi lẽ, ngay từ nhỏ, chúng tôi đã không được ở gần nhau. Khác với tôi, chị hai luôn ở Sài Gòn cùng ba, chưa bao giờ thường xuyên về thăm nhà hay nô đùa, thậm chí là gặp mẹ. Ít những lần như thế lắm... vậy mà chỉ qua một cuộc điện thoại ngắn ngủi, anh Tâm đã khiến chị nở nụ cười. Thật lạ lùng biết bao. Nhưng nụ cười của chị quý đến mức khiến mình quên bẵng đi mọi thứ khác. Rồi tự dưng, đột nhiên, chuông điện thoại của tôi reo lên. Lấy từ túi quần ra, trên màn hình hiện rõ: là ba. Có hơi ngạc nhiên nhưng theo phản xạ, tôi cứ bắt máy trước cái đã... Ngay sau khi nghe tôi alo một tiếng, giọng ba ập tới mạnh mẽ, đến mức lọt ra khỏi loa.

"Hai đứa bây về nhà chưa đấy? Tao đã bảo chúng mày là khi nào về tới nhà phải báo cho tao mà!"

"Thì tụi con đã về đến nhà đâu." Tôi nói, mắt nhìn chị hai. Ở đó, nụ cười đã tắt ngúm tự lúc nào.

Giờ thì tôi mới mở loa ngoài.

"Còn đi đâu nữa mà không về ngay? Chúng mày đưa nhau đi la cà chỗ nào?" Ba gần như là đang quát bọn tôi.

"Thì tụi con đi chơi một xíu..." Tôi nhăn mặt.

"Chơi cái gì mà chơi?" Càng lúc cách nói chuyện của ông càng sắc bén hơn. Có vẻ như mẹ đang không ở cạnh ba. "Tao đã bảo mày là đừng có kéo chị mày đi mấy chỗ vô bổ. Tao cũng dặn con Hà là đừng có chiều theo ý mày. Thế mà vẫn cứng đầu cho bằng—"

"Ủa ba thì tụi con cùng muốn đi là được chớ gì? Giờ tụi con bắt đầu chạy về nhà rồi nè."

Đâu thể để ông cứ xa xả vào mặt mình. Nhăn hết cả mặt, tôi ngắt lời ba. Tại sao ba luôn dùng thái độ này với chúng tôi?

Ở bên cạnh, chị hai không nói gì cả, chỉ khẽ khàng thở dài. Tôi thấy mắt chị nhìn thẳng về phía trước, hai tay nắm chặt vô lăng. Hình như hơi mím môi.

"Thật không hay chúng mày vẫn còn lông bông đấy? Mày đưa máy cho con Hà xem nào!"

"Ủa ngộ! Chị hai đang lái xe. Ba muốn tụi con về càng nhanh thì để chị ấy lái xe đi." Tôi trả treo lại. Tuy hiện tại là đèn đỏ thì tôi cũng không để chị nói chuyện với ba.

Nhưng, vì một lý do nào đó, chị hai đã lên tiếng. Chị không nói mà bấm kèn. Ba tiếng kèn xe hơi bỗng vang lên giữa con đường rộng thênh thang, còn là ngay giữa đèn đỏ. Và như thế, cứ như đó là tín hiệu giữa chị và ba. Họ hiểu nhau đến thế, ba biết chị đang thực sự lái xe đưa tôi về.

Giờ thì tôi thấy Sài Gòn đang đổi màu vì hoàng hôn.

Ba đã thôi cằn nhằn bọn tôi, "Vì mẹ chúng mày hỏi nên tao phải xem chúng mày ở đâu đấy." Ra là chủ ý của mẹ, mà cũng không quá khó để đoán ra.

"Liệu hồn mà về nhà luôn đi. Về đến nhà thì báo ngay cho bọn tao."

"Con biết rồi." Tôi nói to. "Mẹ đâu rồi ba?"

"Mẹ mày đang nấu ăn trong bếp."

Vậy là ba đang đứng ngoài vườn. Bởi lẽ ba không thể quát mắng bọn tôi nếu có mẹ ở đó.

"Đưa máy cho mẹ đi ba." Tôi muốn kể mẹ nghe về ngày hôm nay, về cái trạm cứu hộ thú nuôi, về Tú và chị Diệp, về anh Tâm... về mọi thứ và nhất là về nụ cười của chị hai.

Nhưng ba đã nói không, "Lại luyên thuyên cái gì. Thôi ngay."

"Gì sao vậy ba? Con nói chuyện với mẹ chút thôi mà!" Tôi gào lên.

"Một chút hay lát hồi thành ba tiếng đồng hồ? Thôi." Ba luôn không thích mỗi khi mẹ và tôi nói chuyện nhiều với nhau. Chả hiểu sao lại thế.

"Chỉ một chút thôi mà!"


"Mày để dành cho ngày mai đi." Tuy không nhìn thấy tận mắt nhưng tôi biết ba đang dùng tay còn lại vuốt mặt mình. Thậm chí, mắt và lông mày của ông đã nhăn hết lại với nhau. "Tối mai ăn tối ở nhà hàng The Western King, tha hồ mà kể."

"Ủa mấy giờ á ba?" Tôi tươi roi rói. Còn tưởng là ba sẽ bận bịu công việc lắm.

"Bảy giờ ba mươi. Đừng có lu bu cái gì rồi đến trễ đấy, tao đã cho người đặt sẵn bàn rồi."

"Dạ, tụi con biết rồi." Tôi dạ rang. "Nhưng mà ba cũng phải cho con nói chuyện với mẹ xíu chứ?"

Bất chợt, tôi nghe tiếng mẹ gọi ba. Hình như là mẹ đã nhận ra là tự dưng đột nhiên sao ông lại biến mất khỏi phòng khách...

"Thôi nhé. Giờ tao phải bận rồi." Ngay lập tức, ba liền trả lời lại mẹ và nhất định là, ông sẽ muốn cúp máy liền.

Cuối cùng, ba nói với chúng tôi mấy lời dặn dò, "Đừng có quên đấy. Đêm nay tao với mẹ chúng mày sẽ bay sang. Chúng bây đi ăn cái gì rồi về thẳng nhà đi." Những lời dặn dò mà chúng tôi không mấy vui vẻ khi nghe. "Con Hà bật máy lên."

Và thế rồi tắt máy, một cái rụp lạnh lùng, vô cảm. Tôi chưng hửng người ra. Ba thật đáng ghét, vẫn luôn đáng ghét như vậy. Chưa bao giờ nói những lời dịu dàng hay yêu thương với chúng tôi... ba lúc nào cũng nghiêm khắc. Thậm chí, đôi khi, cái sự nghiêm khắc và lạnh lùng đấy như những mảnh thuỷ tinh bén cứ cắt vào từng nhát lên chúng tôi. Nhưng, ba biết mà không quan tâm. Chẳng có một câu từ nào thốt lên, dù nhỏ nhất, từ nãy đến giờ bởi chị hai. Và, ngay sau cái dập máy vô cảm đó, tôi cũng chỉ thấy chị xiết hơi giữa hàm răng mình. Tay phải chị với qua màn hình, bật chế độ định vị lên. Sự im lặng lạnh lẽo này làm tôi nhớ đến hồi bé, một trong những lần hiếm hoi ba về nhà. Ông luôn đi làm xa nhà, xa Côn Sơn, nơi mà mẹ con tôi sinh sống. Mỗi năm, những lần ba về nhà ít ỏi đến mức có thể đếm được hết trên đầu ngón tay. Cái lần đó mà tôi còn khá nhỏ, chắc chỉ khoản năm sáu tuổi. Độ tuổi tuyệt vời nhất. Tôi ở năm đó rất hiếu động,.. Mẹ luôn khuyến khích tôi chạy nhảy, chơi thể thao và bản thân mình cũng cực kỳ ưa thích điều đó. Cứ thế thành thói quen nên tôi hay ném bóng trong nhà, ngoài vườn,... với con Vàng. Khi đó, nó sẽ cố gắng nhảy lên để ngoạm được quả bóng. Chúng tôi luôn vui đùa rất vui. Rồi một ngày, là cái ngày mà ba trở về sau một chuyến công tác kéo dài đến tận nửa năm,... Như thường lệ, cứ mỗi buổi chiều rỗi, tôi và con Vàng lại cùng nhau chơi ném bóng tại phòng khách. Ba cũng ở đấy, ngồi đọc báo trên ghế sofa. Ít ra thì ba không ngăn cấm chúng tôi. Được một lúc vui vẻ thì bỗng dưng bị trượt chân. Khi ngã, tôi đã xô cái tủ gỗ, làm vỡ chậu hoa thường được đặt trên tủ. Một cái xoảng vang nhà. Và rồi, ba quay sang nhìn tôi. Ba không nói gì cả, cũng không đứng bật dậy... thật sự chỉ im lặng nhìn tôi từ từ đứng dậy. Lúc đó, tôi vẫn chưa bị thương. Sợ đến phát khóc, tôi nước mắt đã chực trào ra. Con Vàng cũng rún lại. Chúng tôi đều bẽn lẽn nhìn ba.

"Ba ơi..." Tôi nghẹn ngào.

Ba không đánh tôi. Nhưng, ông đã làm một điều khiến tôi đau đớn tựa như bị đánh. Sau khoảng im lặng đấy, ba rất bình thản xoay người trở lại đúng như ban đầu đang ngồi trên ghế sofa. Thậm chí, ông chỉ lẳng lặng nói với tôi:

"Đi gọi cô Liên để cổ dọn."

Ra là ba không quan tâm đến tôi. Tôi đã nghĩ là có thể ba không khó khăn, nhưng hoá ra, ba không quan tâm. Nuốt nước mắt vào trong, tôi đã định một mình tự tay, lúi húi thu nhặt những mảnh vỡ trên sàn. Nhưng mà, khi bị cạnh bén cắt vào thì tôi đã hoàn toàn vỡ oà. Nước mắt chảy vào miệng còn mặn hơn cả máu đỏ. Tôi khóc to. Khi nghe thấy tiếng khóc thì mẹ và cô Liên ở trên lầu đã chạy xuống. Ngay lập tức, mẹ ôm tôi vào lòng và dỗ dành. Mẹ là người đã băng bó lại vết cắt cho tôi. Mẹ thổi vào đó bao tình yêu thương. Nhờ vậy, tôi không nhớ mình đã đau đến mức nào. Vì dù sao nữa thì, hiện tại cũng không còn thấy buồn bã khi nhắc đến chuyện đó. Có lẽ là vì nó đã được chữa lành bởi mẹ, hay là cuối đoạn kết, mẹ đã mắng ba một trận... Chà, có lẽ vậy. Tôi đã báo thù được. Nên chỉ hoài niệm lại câu chuyện thuở bé này như là một ký ức không vui. Nó chính xác là thứ tôi sẽ kể với bất kỳ ai nếu họ hỏi về ba.

Giờ đây, tôi nhìn sang chị hai. Chị vẫn ngồi yên, hướng về phía trước, tựa như một bức tượng cứng nhắc. Tôi thắc mắc... liệu chị hai có câu chuyện nào giống như tôi không? Liệu, thuở bé, ba có như thế với chị không? Ba có quan tâm đến chị và nếu không, thì vết cắt đó, chị đã được chữa lành như thế nào, dẫu chẳng có mẹ ở bên? Tôi tự hỏi, vì biết dù nói ra cũng sẽ không có đáp án. Tôi biết chỉ vì đơn giản là tôi biết thôi. Khụ. Khụ. Đột nhiên, chị hai ho lên vài tiếng. Khi đấy, không chỉ cặp lông mày cau lại mà cả cơ thể chị cũng co rúm... Chị vẫn tiếp tục ho, liên tục vài tiếng không dứt. Lặng lẽ với tay qua xoa lưng chị, tôi ở đây.

Trời đã không còn nắng vàng hay mây trắng lúc hai đứa trẻ trở về nhà, sau khi ăn tối bên ngoài. Con đường êm ả như thể đã thật sự rơi vào giấc ngủ. Trên cành lá cây lạo xạo vì gió, tôi ríu rít âm thanh không ai hay biết. Chiếc xe đen đã rẽ vào đầu ngõ. Hà đỗ nó lại ở trước một căn nhà có cổng sắt, đối diện với cổng sau của một trường tiểu học. Căn nhà được bao quanh khuôn viên là mặt sân rộng rãi. Trong sân không có gì, dù rất thích hợp để tuỳ ý trồng một chậu cây... Bấy giờ, Phương từ trong xe ngó ra, nó reo lên là căn nhà đẹp quá. Với bờ tường được sơn màu xanh lá nhạt có những ô cửa sổ với cửa thì màu đậm hơn, cùng màu với mái ngói. Ước tính ngôi nhà cao ba tầng lầu với một khoảng sân thượng trống trải, gió thổi bay bay. Một nơi tĩnh lặng, thanh bình giữa phố thị Sài Gòn.

Trong khi Hà bước xuống, bấm khoá mở cổng thì thằng nhóc tinh nghịch kia lại chú ý đến sạp tạp hoá kế bên. Ngay lập tức, nó nhanh nhảu chạy lại chỗ bà bán hàng đang dọn các hàng trái cây ế ẩm dưới ánh đèn vàng.

"Con chào cô."

Không đáp lại lời đứa trẻ hào hứng, mà hình như người phụ nữ còn hơi giật mình. Bà ta đứng ngây ngốc, nhìn Phương. Chỉ mình nó bước đến chào, giữa khung đường vắng lặng, yên ả.

"Phương. Đi vào nhà."

Ngay sau đó, Hà gọi thằng nhóc sau khi đã đỗ xe vào trong. Dù hơi luyến tiếc nhưng nó vẫn vâng lời người chị khó tính. Phương nhanh chân đi theo chị, cánh cửa lớn đóng sập lại ở phía sau chúng. Cứ như thế, người phụ nữ tại hàng tạp hoá không hề nói gì, lại tiếp tục quay lại với công việc dở dang. Lúc này, hai đứa trẻ bước qua cái sân trống rỗng, và một cánh cửa lớn khác lại mở ra trước mặt tụi nó. Có tiếng động lạ, xoạc xoạc lên sàn nhà bằng đá trơn,... khiến thằng Phương giật mình. Nó không biết âm thanh đó là gì, cho đến khi Hà bật đèn lên. Ngay lập tức, mắt thằng Phương sáng ngời lên. Nó ngồi thụp xuống ôm chầm lấy chú chó đang vẫy đuôi mừng chủ về.

"Đáng yêu quá! Ủa chị không kể với em là chị có nuôi chó đấy."

Theo thói quen, Hà đặt chìa khóa lên cái bát. Cũng lúc ấy, nó liếc nhìn Phương.

"Ủa mà nó tên gì?" Con chó màu nâu vẫn đang quấn quýt với vị khách mới. Đôi mắt con vật cũng sáng bừng lên, đuôi cứ lắc đung đưa liên hồi.

"Nó không có tên." Hà cứ lần lượt trả lời những câu hỏi của thằng bé cũng như cởi bỏ áo khoác và quăng giỏ xách lên ghế sofa.

Đến đây, Phương ngạc nhiên, "Sao lại không có tên chứ?", rồi thằng bé quay sang con chó cưng. "Lu! Giờ kể từ giờ mày tên Lu nhé! Mày là Lu."

Như hiểu được, Lu cứ liên tục vẫy đuôi vui mừng. Thấy thế, Phương càng thêm thích thú.

"Mà nó không sủa hen chị! Chắc nó biết em là em trai chị đó nên nó không sủa!"

Hà quay người, đứng tựa lưng vào thành bếp, "Con này không sủa được."

"Ơ? Tại sao?" Phương trân mắt nhìn chị mình.

"Nó bị câm." Tức thì, Hà liền dập tắt niềm hân hoan vừa mới chớm của thằng bé bằng giọng nói nhẹ nhàng. "Người ta cắt lưỡi của nó rồi."

Có lẽ, thằng bé suýt thì khóc, cũng như chửi thề. Lấp lánh lưng tròng trong mắt, nó nhìn con chó dưới chân đầy thương tâm. Lúc này, hai bàn tay thằng bé run lên, cố gắng kiềm chế mà xoa đầu chú cún.

"Chị hai đúng là tốt bụng hen." Thằng bé cố gắng gỡ gạc cảm xúc bồi hồi bằng những lời khen ngợi. Trong mắt Phương, Hà là người mà nó ngưỡng mộ vô cùng. Nhận nuôi một con chó bị câm, mấy ai làm chuyện này chứ?

Vừa nãy, Hà đã rót một ly nước. Nên bây giờ khi hai tay đặt ly nước trước mặt, thì ta không thể biết được biểu cảm của nó trông như thế nào.

Nhưng, nó cất tiếng, "Cho đỡ ồn." Rồi thản nhiên uống ngụm nước trong khi thằng em trơ mắt nhìn.


Ơ?

"Đi khiêng vali vào đi."

Cuối cùng, Hà đặt ly nước xuống bàn, trong căn bếp mà hầu hết mọi thứ đều là màu trắng. "Rồi tao dẫn mày lên phòng."

Ngay lập tức, Thằng Phương dạ rang. Liền đứng bật dậy và quên khuấy mất chuyện vừa xảy ra, nó với con Lu quấn quýt cùng nhau chạy ra bên ngoài. "Dạ. Đi! Mình đi Lu!"

Sau đó, chỉ còn lại một mình Hà giữa gian nhà trống vắng, rộng rãi nhưng âm u. Tích tắc trên bức tường cũng màu trắng nốt, Hà mệt mỏi ngó lên đồng hồ. Đã là chín giờ tối... điện thoại trong túi quần con bé bỗng rung lên. Một dãy số lạ mà quen nhưng nó không trông chờ điều đó. Tay bốc máy, tay còn lại Hà vòng qua trước ngực.

"Nghe."

"Hà có biết Thư ở đâu không? Hay Hà có đang ở với Thư không?"

Bên đầu dây kia là Bảo. Bảo là người duy nhất mà Hà không bao giờ trông mong gì cuộc gọi từ, đồng thời và cũng tréo ngoe, Bảo là bạn trai Thư. Giờ đây, đôi lông mày của Hà cong lại, ruột gan khó thở. Cái giọng thằng Bảo làm nó buồn nôn.

"Đây có phải là màn thử xem tôi và Thư có còn chơi với nhau sau khi anh cấm nó chơi với bọn tôi không?"

Sau câu hỏi đó thì Bảo hơi ngượng ngùng. Cậu ta không trả lời ngay. Phải mất mấy giây và một cái tặc lưỡi thì Bảo mới đủ gan nói tiếp:

"Không... Tôi tìm Thư thật mà. Hôm nay rảnh trực một xíu, muốn tìm cô ấy để hẹn hò nhưng khi đến nhà thì mợ Lan cũng không biết là đi đâu."

"Vậy tiếc quá. Vì sau cái lệnh cấm vô lý đó thì tôi với Thư đã không chơi với nhau cho vừa lòng anh rồi." Hà gắt gỏng mỉa mai. "Nhưng sáng nay thì nó có đi đám tang,... anh liệu cứ mà đến nghĩa địa tìm."

Bảo não nề, "Thôi đừng giận mà."

Một lần nữa, Hà lại nhìn lên đồng hồ đang tích tắc từng nhịp. Hôm nay là một trong những ngày tháng cuối năm, vậy ra Tết sắp đến... Hà thở dài.

"Anh nên sớm khôn hơn đi." Đôi mắt của nó nheo nhỏ lại. "Hoặc ít nhất là hiểu bạn tôi hơn."

Rồi nó tắt máy cái rụp, chẳng đợi xem Bảo phản ứng thế nào. Thư đang ở đâu nhỉ? Một buổi tối muộn, chín giờ tối, gần Tết,... Hà biết chắc con bạn mình ở đâu, thậm chí là đang làm gì, với rượu bia, thuốc lá hay tiếng nhạc xập xình sôi động quậy banh đường phố Sài Gòn.

Rồng phụng ở trên lưng Thư trong khi ánh đèn xanh đỏ rọi xuống lớp da.

Khi con beat vang lên khắp cả khuôn nhà sáng tối chớp nhoáng thì tôi đã hòa mình vào đám đông đang gật gù đầu như mấy con chó trên xe ô tô. Bấy giờ, thằng DJ trên đài bật loa to hết cỡ, giờ thì có hét lên cũng chả ai nghe thấy... Nồng nặc nhiều mùi thơm trộn lẫn nhau, giữa khói phê đến tận não, chẳng đôi chân nào đứng được yên. Tiếng cười chao đảo như thể đây là địa ngục. Địa ngục khoái cảm sướng đến tận nóc. Mắt nhắm lại, nhún nhảy chân và đưa tay lên... Chơi hết mình, chơi không còn gì vướng bận. Không để một ai lao đao, cùng nhau bay đến tận trời, đại náo thiên cung cùng những nốt nhạc mạnh điên đảo. Giật điên cuồng, nhanh gấp gáp và phê đến tận não, mấy thằng nhà giàu ngu tím tái hết mặt mày. Chúng lúc này người nóng như những con thiêu thân bị đốt bởi lửa. Giờ chúng còn hiểu được gì chăng? Toàn bọn thiểu năng. Y chang mấy thằng đó thì bọn con gái cũng nhũn phê đến mức nhũn tay chân. Môi đỏ liên tục chu ra... Nốc, nốc, nốc! Mấy mươi shot xuống cổ họng. Uống thì mới bay đã được chứ. Nốc hết sáng mai lết.

Nhanh nhẹn, khéo léo, tôi lại xoáy được một cái ví dày cộm. Thứ ảo diệu nhất chúng nó tưởng là nhạc và cách thuốc phiện có thể đưa chúng bay đến điên đảo thế nào... Sợ quá cơ. Màn ảo thuật của tôi mới là thứ ảo nhất. Không cần quá nhiều động tác cũng có thể lừa mấy bọn ngu. Thuận tiện áp sát, di chuyển theo từng bước nhún nhảy, thò tay vào, úm ba la. Phải nhanh, trời, chỉ mất hai phút là bọn này nó ra rồi. Phê như con tê tê. Cứ lướt nhẹ, tôi kẹp chiến lợi phẩm vào hai ngón tay, kéo khỏi túi quần mấy con gà. Thậm chí, chỉ một cái cạ nhẹ sượt qua là xong. Cứ thế là cái tết này ấm no. Xời, có gì đâu, tôi đã làm chuyện này từ lúc bé xíu. Từ khi ông Hùng, rồi anh Hiếu,... chỉ tôi. Cực ngọt mà không phải đường, à thì là đường lướt vào rút lấy ví hay điện thoại của bọn bại não. Chẳng có gì phải sợ vì tôi không làm một mình. Khắp cái đường này, quán nào chả có ba bốn đứa, lành nghề và nhọn hoắc. Từ thằng DJ điên khùng chà đĩa liên tục dù ở nhà má nó kêu rửa chén là nó chửi đến thằng bartender chuyên lén luôn viên thuốc vào cuống họng đói khát của khách. Rít một hơi, lũ ngu cười nổ bóng, bụp, đêm nay ngủ ngoài đường. Mọi đứa như mọi lần, thằng nào con nào thoát khỏi móng vuốt khi tôi đã nhúng tay? Đến thằng n cũng biến thành sông quê vào lần đầu tiên,... hên là thằng em tôi cũng trả ví cho nó. Từ đó, đến xe máy, n cũng méo dám đỗ lại. Luộc không cần nước.

Bấy giờ, trong khi tôi làm việc quần quật thì thằng n lại phê hết nấc. Có thể nhìn thấy nó ngửa đầu ra phía sau để nốc rượu cùng với mấy em nhỏ xíu ở góc VIP kia. Giờ thì ông Hùng với thằng này quen cả mặt. Nhờ vậy, nó thoải mái dạng háng mấy em mà nhậu phê đến tận não. "Chúng mày thích phê đâu phê đi." Mắt thằng n trắng dã, chả thấy được ai lên ngồi đùi mình... Thôi thì, uống đi em. Nó hối thúc mấy đứa con gái nuốt hết chứ đừng có nhấp môi rồi nhả ra. Cáu. Như thế, đừng làm nó quạu. Nó quạu nó phạt gấp đôi. Chát.

Sau khi đầy tay và đầy túi, cũng chẳng có ai dám bám theo khi nhìn thấy rồng phụng trên lưng, tôi bước ra ngoài cổng. Mùi thuốc từa lưa bám khắp người, kể cả từng sợi tóc. Hai tay tôi mướt hết cả lên, trượt những chiếc ví dày cho Hiếu ngồi giữa anh em. Hắn vò mái tóc đỏ, ngậm trong mồm điếu thuốc cháy nửa nở nụ cười. Sượt nhẹ qua bàn tay thô ráp của Hiếu, tôi bỏ những tờ sột soạt vào rãnh ngực rồi kéo áo lên. Gọn nhẹ. Khịt khịt. Tôi định uống ngụm bia rồi tiếp tục. Trong đó nóng hãi hùng.

"Thư!"

Cái quái gì... Tôi ngạc nhiên quay đầu lại thì nhìn thấy điều mình không bao giờ mong muốn nhất trên đời. Đéo mẹ gì, sao lại... Leo xuống từ xe máy, với Toàn ngồi sau lưng, Bảo chạy ngay đến trước mặt tôi. Đéo mẹ, gì sao hắn biết mình ở đây?

Lúc này, anh em đang trân mắt nhìn tôi, Hiếu còn định đứng dậy nhưng cái phẩy tay đã khiến họ ngồi yên. Xu cà na, tôi kéo Bảo né sang một bên vắng.

"Cái đéo... Anh làm cái gì ở đây?"

Bảo còn tức giận hơn, "Anh là người phải hỏi em câu đó mới đúng. Sao em lại ở đây? Trước một cái vũ trường, với bọn con trai giang hồ xăm kín mình và... cái quái gì lại ở trên người em?"

** má, chỉ là một cái áo khoác thôi thằng này nó điên à?

"Chỉ là một cái áo khoác và em mặc nó từ bốn năm trước rồi làm ơn đi,..." Tôi cố gắng không chửi thề vì dẫu gì chúng tôi vẫn là bồ bịch, mà ** má, Bảo không thích tôi chửi thề.

Mọi người đều đang nhìn. Muốn điên cái đầu.

"Anh đi về đi, lát hồi em sang sẽ nói chuyện sau." Tôi nên cứu vãn tình huống trước khi mọi chuyện gớm ghiếc hơn.

"Không." Hắn nắm chặt lấy cổ tay dù tôi cố gắng vùng vẫy. Đừng coi, điên à? "Em giải thích liền cho anh! Tại sao em lại không nghe máy? Sao em lại ở đây giờ này với đám đó? Em chả lẽ...đừng nói là?"

Giờ đây, Bảo đã bắt đầu để cơn thịnh nộ và những suy nghĩ khiến tôi nôn mửa nuốt trọn lý trí. Hắn ngu tới mức không thấy nó bất hợp lý ở chỗ nào! Cứ như vậy, tôi dùng hết sức đẩy Bảo ra. "Anh điên à... em đi làm thôi!" Giờ thì người ta đã bắt đầu túm tụm và chú ý nhiều hơn. Cái lùm má, tôi cứ muốn xáng cái đế giày vào mắt bất cứ đứa nào đang soi mói.

"Anh về đi! Lát hồi em sẽ giải thích sau!"

Nhưng Bảo vẫn cố gắng giằng co.

"Không, em phải nói cho anh biết!"

Lạnh thấy mụ nội. Hai chân cứng ngắt vì nay váy ngắn cũn cỡn. Bốn mắt chúng tôi chạm nhau, của Bảo đỏ lửng. Đéo mẹ nó. Tôi không thể nào khai thật mình đang làm cái quái gì được. Thế thì lộ tẩy ra và chết mất xác mẹ luôn. Tôi không thể chuyện cỏn con này làm liên luỵ Hiếu và anh em. Thật điên đầu... Bỏ ra đi thằng chó điên này!

"** má! Tao làm đĩ đấy được chưa, mày vừa cái lòng mày!"

Hết sức chịu đựng, tôi gào lên khắp nơi đều có thể nghe mình. Thà như thế chứ thừa nhận mình là đứa trộm cắp thì khỏi, ngày mai, tôi khỏi thở nữa và đến nhà cũng cháy thành tro.

"Tao làm đĩ để kiếm tiền đấy. Bởi tao đâu phải là thứ con cái nhà giàu ăn no rửng mỡ như mày. ** má, giờ thì cút mẹ đi!"


Sự bộc phát của tôi đã kéo theo như cú nổ liên hoàn. Bảo giận nóng mặt hoá đỏ chót. Hắn thậm chí không buông tay ra mà còn định xấn tới tát mạnh vào mặt tôi. Chớp mắt, tôi đã thấy tay hắn vung lên. Bị xô tới nhưng không ngã xuống mặt đất, tôi co người lại trong phút chốc nhận ra mình được một trong những người anh em của Hiếu vây lấy. Nhưng đằng trước thì lại không phải ai mà mình biết. Hình như, người đó đỡ bàn tay của Bảo rồi đạp hắn lăn quay ngã ra lề đường. Mái tóc dài buộc cao, dài dọc theo sống lưng. Cô ta quay lại nhìn tôi. Đôi mắt sắc sảo. Thì ra là khi nãy, trong khoảnh khắc ngắn ngủi, cô gái kia đã xen vào cứu tôi một cái bạt tai. Và chớp thời cơ, khi cô ta đá vào ngực Bảo khiến hắn ngã nhào thì anh Hiếu và anh em đã chạy đến. Mọi chuyện tanh banh cả. Không thể gói lửa được nữa rồi. Bấy giờ, thấy tôi từ từ đứng dậy, cô gái liền chìa tay và hỏi:

"Chị không sao chứ?" Cô ta cười tươi. "Suýt thì."

Tôi ngơ ngác mà mấy anh em cũng ngơ ngác. Ủa má này ở đâu ra hay vậy?

"Hè hè. Em tên là Huyền Anh."

Gì vậy ta?

Lúc Bảo lộm cộm đứng dậy thì nhóm của anh Hiếu cũng đã đứng bao vây tôi lẫn Huyền Anh. Như có lá chắn dựng trước mặt, đông tới mức giờ không thấy Bảo đâu luôn. Giờ đây trước mắt tôi chỉ là những vết mực đen hình hổ vằn. Mà thằng n tự nhiên ở đâu ra cũng chồm tới bên cạnh.

"Mày sao Thư? Giờ mày chỉ cần nói một tiếng thôi. Giết nó luôn đại đi." Nó nghĩ là anh Hiếu không ngán đâu. "Ông bà già tao lo hết."

Nụ cười của thằng n toe toét ma mãnh, nó khát khao chuyện này vãi ra. Và đúng anh Hiếu cũng không ngán. Nhưng thôi, tôi phủi bụi trên chân mình... rồi lách người đến phía trước vỗ vai Hiếu. Ở thế còn lại, Bảo thì đang bị Toàn can ngăn. Hiếu nhìn tôi, chỉ là ánh mắt thôi cũng đủ sắc để cắt cổ họng bất kỳ thằng nào.

"Bảo." Tôi nói, và Bảo ngửa mặt lên nhìn tôi. "Về đi. Không thì anh em tôi cũng không ngại đụng chạm với anh em của anh đâu."

Hai bờ môi của hắn mím lại. Rút quân.

Toàn kéo Bảo ra khỏi vũng lầy, và tôi với cả băng cũng tản ra. ** má, không thể yên được dẫu chỉ một chút... đi mấy bước, suýt té, tôi lạng quạng víu vào người thằng n.

"Ủa sao vậy má?" n hỏi. Nó thấy tôi ngồi mẹ xuống mặt đất, cái chân chẳng nhấc nổi lên.

"Trẹo chân rồi chớ sao." Tôi bực bội trả lời. ** má, đâu có ngờ phải đánh lộn với đôi guốc mười ba phân dưới chân đâu...

Ngước lên nhìn anh Hiếu, tôi nghiến răng chịu đau, "Em chắc phải về rồi. Má... nó đau."

"Để anh kêu tụi nó đưa em về." Hiếu gật đầu rồi tiếng huýt sáo của anh réo lên.

Tôi nhăn mặt nhìn thằng n, "Hay mày kêu uber cho tao về đi. Mày trả tiền."

"Mày thiệt là má tao luôn á Thư." n mè nheo.

"Hay là, em đưa chị về nhé?"

Khoan. Ủa? Má này lại ở đâu ra vậy? Là Huyền Anh. Ủa nó vẫn chưa đi nữa hả? Ủa,... nó vẫn đứng đấy nhìn tôi. Mắt lấp la lấp lánh.

"Được không?" Hiếu hỏi thăm dò.

"Ủa bộ anh quen nó hả?"

Tôi giờ vẫn chưa hiểu là con nhỏ từ cái lỗ nào chui lên luôn... Thường thì sẽ là rơi từ trên trời xuống nhưng lạ lùng vậy thì phải là từ cái cống nào ngoi lên. Vậy mà Hiếu lắc đầu. Nhưng Huyền Anh vẫn cười tươi roi rói. Nó nhất quyết thuyết phục tôi:

"Chị không biết em mà em biết chị đó, chị Thư. Để em đưa chị về nhé. Em đi xe phân khối lớn nên nhanh lắm. Nha?"

Tôi, Hiếu và n nhìn nhau. Ba đứa hiểu gì chết liền. Nhưng thế đéo nào, thôi kệ... tôi đành đồng ý. Dù sao, cũng mới cứu mình, giờ giao luôn cái mạng rách này cho nó vậy. Thế là anh Hiếu bế tôi ra xe của Huyền Anh. Một chiếc xe phân khối lớn đại bác, loại khủng long bạo chúa. Đến thằng n cũng phải lác mắt ngạc nhiên. Sao lại có đứa con gái đi xe này chứ?

Huyền Anh đội chiếc mũ bảo hiểm lên giúp tôi. Hai mắt nó cong tít lên.

"Chị Thư ngồi cẩn thận, ôm em nhé."

Đến lúc này, tôi vẫn bàng hoàng gật gật đầu. Véo, nó phóng cái vèo trên đường phố Sài Gòn đêm.

Huyền Anh có con xe chạy như bay. Nó ào ào từ phố Bùi Diện(*) lên cầu trong phút chốc. Gió đập vào chân tôi lạnh ngắt, nhưng tôi thấy sướng rơn. Giờ còn đau đớn gì nữa. Tôi vừa tận hưởng vừa chỉ nó đường về nhà. Nó quẹo cua khét thật chứ. Đến đèn đỏ cũng không dừng. Tôi phải vòng tay ôm chặt eo nó kẻo theo gió mà lỡ bay đi. Nhắm mắt mở mắt, bánh xe đã ùa tới trước cửa nhà như cơn bão. Ghê thiệt,... gì trong tích tắc thế. Huyền Anh đỡ tôi khỏi xe khi vẫn còn đang bỡ ngỡ. Nó đỡ lấy hai vai tôi cứ thế mà ôm xuống.

(*) Bùi Diện: trên thực tế là Bùi Viện, khu phố ăn chơi nổi tiếng nhất Sài Gòn. Vì người Sài Gòn phát âm chữ "v" thành "d" nên lấy chữ Diện làm cách gọi trại ra.

"Chân chị còn đau không?" Huyền Anh hỏi.

Bấy giờ, cả con hẻm chìm trong im lặng. Chỉ có đèn đường và mắt nó sáng trưng. Tôi lắc đầu, đứng tựa vào cửa sắt. Và giây phút đó, tim tôi thắt lại. Đột dưng tôi muốn nói điều này với Huyền Anh.

"Cảm ơn nha." Tôi đã nói và con bé tít mắt cười, như thể nó sẵn lòng vì mình.

Bấm chuông, đứng đợi mợ Lan ra mở cửa. Đèn bếp vẫn sáng, bả vẫn đang đợi tôi về. Lúc sau, Huyền Anh leo lại lên xe khi nghe tiếng lạch cạch mở khoá. Nó vui vẻ nói với tôi:

"Thế em về đây, chị Thư ngủ ngon nhé. Giờ thì em biết nhà chị rồi."

Mặc dù vẫn chưa hiểu là con này nó sao mà quen với biết nhưng thôi, chắc men say làm tôi không nhớ nổi là đã gặp ở đâu... À nhưng mà!

"Huyền Anh này!"

"Dạ chị?" Tay nó đã đặt lên tay côn.

Tôi giải thích lại cho chính mình.

"Tao không có làm đĩ đâu đấy nhé."

Huyền Anh cười hề hề, "Tất nhiên.", rồi véo, nó chạy đi luôn khi cánh cửa vừa mở ra. Cứ như vậy, tiếng động cơ xe sa dần vào bóng tối màn đêm, còn mình tôi đứng yên tại con hẻm vắng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận