Tiêu Tương Cô Tịch

- -----------------------

Kết quả vừa truyền ra, Hồ tộc có thêm chuyện hay bàn tán.

Chính vì trận tranh tài ấy bất phân thắng bại, cả Cục Tuyết và Di Phong đều được truyền tu vi. Có điều, nói về chuyện tiên diễm, sau ba mươi vạn năm qua Thanh Khâu vẫn không thể xuất hiện thêm kỳ tích.

Có người kể, tình thế khó đoán định, anh em nhà họ ngày nay luôn ngang tài ngang sức, chính là kẻ tám lạng người nửa cân, vì vậy rất khó để phân định cao thấp. Một người giỏi dụng kiếm và áp sát đối phương, còn một người lại giỏi tiên thuật đối kháng từ đằng xa. Tôi nghe xong, từ đó cũng ngẫm ra được đôi chút về thiên phú của mình.

Theo lẽ đó thì cá nhân tôi trung hoà, không áp sát cũng không ở xa. Đa phần, trong mọi tình huống, tôi bày chiêu tháo chạy để khỏi mất thì giờ.

Đã năm ngày trôi qua, tôi không gặp lại Cục Tuyết nữa.

Rõ ràng, chàng cũng biết đến sự hiện diện của tôi ở Thanh Khâu, thế nhưng lại không làm gì cả. Thứ tôi nhận được chỉ là cái nhìn thoáng qua lạnh như băng của chàng, tựa như hai người dưng qua đường, thậm chí chàng chẳng tới gặp tôi. Tôi ấm ức, quyết tâm giận dỗi chàng một phen.

Vậy nhưng, cái quyết tâm ấy cũng chỉ được hai ngày. Nghĩ đến Cục Tuyết còn đang bị trọng thương, giận hờn trong lòng tôi hết lúc nào không biết.

Một tuần Di Phong nằm tịnh dưỡng, cũng là một tuần tôi bị đám thú vật trên núi bám váy dai như đỉa. Thế là tôi rút kinh nghiệm, buộc tà váy cao lên đến ngang đùi. Đám tiên nga dưới thung lũng trông thế lấy làm thú vị lắm, cũng học hỏi theo tôi. Có điều lạ thay rằng, những vụ tai nạn trên mây đột nhiên tăng đáng kể.

Đám hươu, nai và những con vật nhỏ xinh trên núi hình như rất yêu mến Di Phong. Có hôm, một bầy sóc leo lên ngôi nhà trúc, trút cho tôi đầy giỏ hạt dẻ, lại có hôm, một con hươu cao cổ cố nghển đầu vào chỉ để nhìn mặt hắn, mong sao hắn bình phục. Mỗi ngày tôi đều nấu cho Di Phong một bát canh hoa lê, tay nghề cũng nâng tầm hơn hẳn. Quanh nhà không hề thiếu hoa tươi trái ngọt, tôi còn cho Tiểu Chước ăn cùng.

Cục Tuyết và Di Phong quả nhiên là một cặp song sinh, tính khí cũng giống nhau mấy phần. Ài… tại sao trước kia, Cục Tuyết sống trong phủ Nguyệt Lão không cần gia nhân nào, thì bây giờ đến cả Di Phong cũng cố chấp như thế? Hại tôi phải chăm sóc cho hắn.

Tuy nhiên lời đồn quả không sai, Đế Phi dường như không ưa con trai thứ của mình. Bà ta chưa từng thăm Di Phong. Xem chừng, làm một thái tử cao cao tại thượng, nhưng thiếu thốn tình thân cũng chẳng hề hạnh phúc.

Tôi dần dà thấy thương cảm cho hắn.

Căn phòng nơi lầu ba rất rộng, giữa nhà, đặt một bức bình phong sơn thuỷ tinh tế, chạm khắc tinh xảo bằng gỗ lê nâu bóng, trên mặt lụa phủ những hoa văn mây nước mềm mại như tiên cảnh nhân gian. Phía sau tấm bình phong mập mờ, hắt ra bóng áo tím nhạt của một nam tử đang nằm trên giường trúc. Gió xuân phơi phới bên khung cửa, như tiếng thiếu nữ cười trong veo.

Có lẽ, Di Phong vẫn còn đang say ngủ. Hương táo hoà quyện cùng trầm hương khiến lòng người thư thái.

Tôi gạt tấm rèm lụa buông hờ, nhẹ nhàng bước chân đến. Lại nghe thanh âm trầm vọng ra: “Ta tự lo được rồi. Trời vẫn còn sớm lắm, cô nương ngủ thêm đi”.

Bên ngoài trời mới tờ mờ sáng, có khi Mão Nhật Tinh Quân nổi tiếng dậy sớm nhất Thiên giới còn chưa tỉnh giấc nữa. Đặt chậu nước xuống sàn nhà, tôi nhún vai, nhìn ra khung cửa, nói: “Công tử xem, hai con hồng hạc kia mỗi sớm lại ghé qua Thanh Khâu bay lượn hơn chục vòng. Chúng còn kêu to nữa, bảy ngày nay sao tôi ngủ nổi chứ?”.

Khói chàm toả bốn phía. Di Phong ngoảnh đầu, nhìn ra ngoài cửa sổ, đúng là có bóng dáng một đôi hồng hạc khổng lồ trên bầu trời Thanh Khâu. Tiếng hạc trong như nước, lại cao như tiếng ngọc vỡ vụn trong đáy chén dương chi. Nơi đôi hạc bay qua, những vệt mây ánh hồng đan lại như đuôi chim phượng hoàng.

Hắn nheo mắt, nhẹ giọng: “Chúng đều là sủng vật ta thu được ở trên đảo Bồng Lai”.

Hạc trên đảo Bồng Lai? Hoá ra, Di Phong cũng từng qua đảo Bồng Lai rồi.

Ai nấy đều biết, hạc nơi đó nổi tiếng bất trị, nhưng ít kẻ hay rằng, đám hạc khó bảo kia lại rất thích thứ quả tên Kế Bách. Đấy chính là khuyết điểm của chúng. Nghĩ thế, tự dưng tâm trí tôi tưởng tượng ra cảnh Di Phong vừa bay qua bay lại, vừa hớt hải ôm bao tải chứa đầy quả Kế Bách, sau đó ném vào miệng đôi hồng hạc khổng lồ: “Cục cục tác cục ta…”.

Làm bữa no bụng xong, lũ hạc nhớ lại chắc sẽ tổn thương lắm. Tâm trạng tôi thoáng chốc ảm đạm: “Vậy công tử nhét chúng vào đâu thế? Sáng nào cũng thấy chạy lung tung”.

Di Phong trấn an tôi, bây giờ tạm thời chúng vẫn ở Bồng Lai, sáng sớm mới ghé qua Thanh Khâu một chút. Có lẽ sắp về rồi.

Chân trời đằng đông ửng hồng như lớp lớp hoa đào, quả nhiên, tôi nhìn lên vòm trời, cánh chim hạc đanh từ từ đổi hướng, sau đó đã khuất bóng xa dần. “Ừm… nhưng mà tôi thắc mắc, đôi hồng hạc này mỗi ngày đều đến đây vậy sao? Chúng đến để làm gì?”.


Di Phong an bài sủng vật như vậy, chắc hẳn có lý do gì đó. Tôi từng nghe qua nhiều vị tiên thu phục những linh vật thuần tuý, mỗi sáng thả chúng ra để hấp thu tinh hoa nhật nguyệt, phong thuỷ trời đất, như một cách hữu hiệu trong tu luyện Đạo pháp. Chuyện này tựa như việc người phàm dùng cỏ huyên, câu đối, đào phù,… hoá giải khí trạch xấu, mưu cầu bình an vậy.

Nếu đôi hạc đanh làm chuyện có ích, tôi chịu thâm quầng mắt cũng không vấn đề gì.

Người tựa bên đầu giường hơi ngẩn ra một chút. Lúc sau, lúc sau tôi mới nghe có tiếng khẽ đáp trả, xen lẫn tiếng ho nhẹ: “Khụ, cũng gần gần như thế. Cô nương có thấy sủng vật của ta kêu rất ồn ào không? Tiếng rất vang, rất rõ, chuông Phật còn phải thua nữa là. Vậy nên, mỗi sớm qua Thanh Khâu đánh thức ta ngủ dậy, thế đấy”.

Tôi tán thưởng, thầm dặn Tiểu Chước đi mua một ít bả chim phòng trừ.

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Sau khi đôi hồng hạc bỏ đi, tôi vô cùng bao dung, tự thưởng cho bản thân mình về phòng ngủ một giấc, thế nhưng chưa được bao lâu thì lại bị phá đám.

Người đến là tiên nhân mặc áo lam lần trước. Đứng từ trên ban công vọng xuống, tôi đã nghe giọng nam ồn ào: “Di Phong, ta đến thăm ngươi đây! Còn đem cho ngươi một nhánh liễu của Quan Âm Bồ Tát, nghe nói đặt vào tay áo sẽ nhanh khoẻ hơn đấy”.

Tôi ngáp ngủ xuống nhà, nghĩ bụng bây giờ Di Phong không thể tiếp khách được, nên nói câu gì để đuổi khéo gã đi. Tiên nhân nọ liền mắt tròn mắt dẹt: “Ngươi… ngươi chính là nữ nhân hôm ấy? Hoá ra ngươi sống cùng Di Phong, đáng ghét! Muốn tức chết ta sao!”.

Tôi cực khiêm nhường, đáp: “Tiên hữu chớ hiểu nhầm, oan uổng cho tiểu nữ. Tiểu nữ từ Thiên giới đến Thanh Khâu có việc, nên đành mạo phạm, ăn nhờ ở đậu một thời gian. Mong tiên hữu bớt giận”. Lại nói: “Nếu tiên hữu muốn tìm gặp Di Phong, thì chàng ta nghỉ rồi”.

Sở dĩ tôi phát ngôn lễ độ như thế, bởi thân phận người này có lẽ không tầm thường. Đâu phải ai cũng có phúc diện kiến được Quan Âm Bồ Tát, còn may mắn cầm trên tay liễu thánh của người. Haizz, tiếc là nhánh liễu này phải được giắt vào tay một cô nương trẻ trung như tôi mới hợp tình hợp lý.

“Cứ cho là như thế, Di Phong đi nghỉ rồi. Chẳng lẽ hắn không tiếp ta thật sao?”.

Tôi gật đầu khẳng định, cố cho bản thân mình tỉnh ngủ.

Chẳng ngờ y phản đối om sòm, đòi gặp người bằng được mới thôi. Hơn nữa, còn giấu nhẹm nhánh liễu của Quan Âm Bồ Tát vào tay áo: “Đừng mơ ta gửi cho ngươi nhé, cái này ta chỉ tặng riêng hắn”.

Tôi mỉm cười hiền hòa: “Vậy tiên nhân cứ để lại đây đi. Lát nữa tôi sẽ trao tận tay Di Phong, ngài không cần mất thời gian đợi nữa”.

Biểu cảm của y lộ rõ năm chữ ‘ta không tin nhà ngươi’, còn tôi phải cố gắng lắm, mới nín nhịn được niềm khát khao sờ thử cành liễu thánh. Tôi trấn an với y bằng chất giọng như nước, rằng xưa kia mình từng làm tiên đồng, đương nhiên độ uy tín phải tăng cao hơn rồi.

“Tiên đồng theo hầu thường là những đứa trẻ. Ngươi rõ ràng đã thành một cô nương, chẳng lẽ Thiên giới mới biết đổi luật lệ? Hay là…”, y bán tín bán nghi, rồi vỡ lẽ mà rằng: “Còn không mau hiện hình! Ngươi cố học ấn thuật của nha đầu Hằng Nga, biến thành thiếu nữ xinh đẹp để tiếp cận Di Phong, đúng không?”.

Nói như thế, chẳng phải gã ta chê mọi bộ phận trên cơ thể tôi đều là hàng giả sao! Đang định sai Tiểu Chước mổ cho y tỉnh ngộ, tôi chợt nghe có tiếng người khẽ nói: “Nhạc Ân, đừng bắt nạt Tịnh Yên nữa. Nàng ấy là bằng hữu của ta”.

Thanh âm không trầm không bổng, nhưng lại mang âm điệu đặc biệt, chính là nửa ôn hoà, nửa ung dung, trầm tĩnh. Tựa như một ngọn gió mùa xuân len lỏi qua hồ sen ngan ngát, lại như một trận mưa bụi làm sáng bừng không gian.

Di Phong đang đứng trên hành lang, nhìn xuống, sắc mặt còn xanh xao, nhưng thần trí ổn hơn trước rất nhiều. Tôi chỉ e rằng kẻ kia mang tiếng đi thăm bệnh, càng vô tình khiến bệnh tình tệ hơn.

“Di Phong, thương thế của ngươi ra sao rồi? Làm ta bồn chồn mãi! Ngươi cho nữ nhân này ở chung nhà thật ư?”.

Haizz… không ở chung thì xẻ đôi căn nhà ra chắc?

Di Phong chưa trả lời, tiên nhân áo lam lại sốt ruột, rảo bước đi lên lầu: “Sao thế? Ngươi không muốn tiếp đón Nhạc Ân ta thật à?”.

Nhạc Ân, tôi lẩm nhẩm, cái tên này dường như đã nghe ở đâu rồi thì phải? Không phải tôi thấy tên hay mà ra chuyện quen biết. Hình như, nhớ không nhầm, trước kia Tử Nhan từng kể chuyện về người mà Yêu Vương vốn ghét cay ghét đắng, tránh xa hơn ngàn dặm. Kẻ kia tên Nhạc Ân.

Mà y, lại chính là lão Thuỷ Thần hám tiền sống trên Cửu Trùng Thiên…


Tôi nhếch mép, nhớ lại xưa kia bị thổ địa dưới trướng Thuỷ Thần bóc lột nơi giếng trời. Ngay lúc này chỉ muốn lao đến hét to vào mặt y đòi nợ, à không, tôi sẽ đóng vai một cô nương năm đó bị kẻ xấu ức hiếp, bị chặt chém thê thảm, phong thái moi tiền bồi thường cũng lí lẽ hơn nhiều.

Vì tôi mải tưởng tượng, hậu quả thành ra không biết hai người kia nói gì, quay sang thấy Nhạc Ân đề nghị: “Nam Cực tiên ông đang phàn nàn, phủ đệ của lão mấy năm nay bị mây bụi phủ đầy, lại nghe nói đôi hồng hạc ngươi nuôi chỉ ăn mây cũng đủ sống qua ngày. Vậy nên hôm nào cũng giục ta, năn nỉ ngươi thử bán lại cho lão. Ngươi định đề ra giá bao nhiêu?”.

Di Phong nghiêng người, vỗ trán: “Sao không đi mượn quạt Ba Tiêu của Thiết Phiến nương nương? Đừng nói là mây bụi, cả mười phủ đệ đều sáng đẹp như mới”.

Nhạc Ân híp mắt: “Ngươi biết thừa, bà già đó sẽ không cho mượn rồi! Đã già còn thích mấy công tử xuân xanh! Nam Cực tiên ông chỉ là một lão tiên lọm khọm, may ra ta đến mượn còn được”. Tôi nhìn lên một lượt, thầm nghĩ, nếu ngay cả Nhạc Ân mà thành công mượn quạt, càng chứng tỏ Thiết Phiến nương nương có khẩu vị kì lạ.

“Tốt rồi, cứ như vậy làm đi”.

“Thật sao, ngươi đồng ý bán đôi hạc bao nhiêu?”.

Chưa để ai mừng vội, bóng áo tím nhạt xoay người vào trong nhà, tác phong rất nhẹ nhàng: “Không, Nhạc Ân đi mượn quạt. Không chừng Nam Cực tiên ông sẽ cảm kích, còn gả cháu trai lại cho ngươi. Nhớ xưa kia, ngươi khen ngợi ta là bạn tốt nhất, ta ngẫm nghĩ liền thương lượng với lão, đến giờ để ra một người chưa lập gia thất đấy”. Nghĩ đoạn, người kia bổ sung thêm: “Về chuyện đôi hồng hạc, dặn tiên ông rằng đây là điều kiện bán”.

Tôi nhìn Nhạc Ân.

Nhạc Ân lườm tôi: “…”.

Ngay hôm ấy, nói cách khác, sau bảy ngày tẻ nhạt, Chiêu Từ Đế Phi - người mang danh thân mẫu nhân từ kia, mới sai một lão đại phu vô danh tiểu tốt đến ngọn núi Tiêu Tương.

Tiểu Chước theo tôi ra cửa núi tiếp đón.

Ông ta tự nhận kiếp trước là đại phu dưới trần, có tay nghề tận tuỵ, thế nhưng khổ nỗi thay tài tật liên miên, đến lúc chết vẫn chưa kịp tìm ra phương thuốc nào độc đáo. Không biết xui xẻo hay may mắn, lại nằm chết trên đất lành của một vị tiên nhỏ. Tiên nhân đó bắt đền, kéo theo hồn phách ông ta lên Thiên giới, thi triển thuật nhập xác, bắt làm công trả nợ đã hơn ba mươi năm.

Tiểu Chước bình luận: “Trong tiểu thuyết, tình huống này giống như bắt đầu một chuyện tình chủ tớ. Nhưng đáng tiếc, tôi và chủ nhân Tịnh Yên là bóc lột thực sự”.

Tôi đuổi nó, rồi an ủi đại phu: “Ồ, vậy đó chính là điềm lành, hay gọi là may mắn! Biết bao phàm nhân, tu sĩ muốn như ông đều không được đâu đấy. Ông chỉ việc trả nợ vài chục năm, đổi lại sống dai, lâu già như người trời, quá hời rồi đấy thôi? Biết đâu, còn gặp được phu quân của ông vào một năm nào đó…”.

Dáng đi của ông ta xiêu vẹo, lên nhà sắc thuốc rồi xin phép cáo từ. Tôi cũng hỏi thăm được sơ qua, tình hình Cục Tuyết không cần lo ngại nữa.

Vì lúc tiễn đại phu trở về, tôi nhìn thấy ông ta cầm theo một túi bạc khá lớn, là số bạc mà Di Phong chi trả, tò mò không biết đơn thuốc ấy thế nào. Lúc mở ra cả mặt mày choáng váng.

“Bột ngọc trai đỏ, tuyết liên ngàn năm, lông vũ Cát Quang, đông trùng hạ thảo, hoàng kỳ, nhân sâm, phục linh, quất bì, bạch thược, trạch tả, hoàng liên, sài hồ,…?”. Tôi suýt khóc: “Công tử mua nhiều thế! Không xong rồi, tôi toi rồi, hai chúng ta đành phải chặt trúc, vặt hoa lê gặm ăn qua ngày mất”.

Nhìn xem, bây giờ chúng tôi còn nghèo hơn cả lão đại phu vừa đến. Đành rằng Di Phong là thái tử Thanh Khâu, nhưng số thuốc kia chí ít đã tiêu tốn bao kim trân tài bảo.

Tôi cam phận nhìn hắn.

“Yên cô nương, đại phu ấy rất tội nghiệp, ông ta than dạo này đang túng thiếu”.

Di Phong chạm tay vào cạnh bàn, đặt cuốn sách cổ đang đọc dở dang xuống. “Vậy nên?”, tôi vội nuốt nước bọt: “Công tử lại thương tình, mua thêm cả đống đó?”. Chưa kể còn bảy thang thuốc bổ…

Di Phong ngạc nhiên, trên gương mặt biểu cảm hơi khó coi, tựa như vừa trông thấy một trận tuyết đổ xuống giữa nắng hè oi ả.

“Bảy thang? Chỉ có bảy thang sao?”. Tôi còn đang tiếc hùi hụi, đã cảm nhận tiếng bước chân vọng lại. Hương hoa lê tản ra trong không khí: “Sau này, không vời linh tinh nữa. Rõ ràng tại hạ nói, hàng mua nhiều thường được quyền giảm giá, tổng cộng đống thuốc kia cùng mười thang thuốc bổ, tính giá tiền một nửa. Tiền trao cháo múc, đạo lý ấy dễ hiểu, vậy mà ông ta dám lén lút cuỗm mất hẳn ba thang”.


Tiền trao cháo múc, hiểu ra điều hắn nói, tôi ngẩng mặt: “Sắc thuốc xong, đại phu liền kêu mình túng thiếu hay sao?”.

Bóng áo tím trầm ngâm, gật đầu: “Nhưng trả một nửa tiền, thế đã là ổn rồi”.

Tôi thở phào: “Thật không? Nghe như vậy còn được”.

“…”.

***

Vài ngày sau, Thiên giới đã có quyết định chính thức bổ nhiệm Nguyệt Lão mới.

Theo di nguyện trước khi quy tiên, người kế nhiệm là bạn cũ của lão, một tiên lão hiền hậu rất thích nuôi cá cảnh. Suốt một trăm năm qua, ông ta thử làm quen với chức vụ mới này, đến nay đã hoàn toàn thông thạo. Nhờ ân phúc của Thiên Đế, tân Nguyệt Lão quyết định mở hội thơ, ra mắt các chúng tiên.

Thiệp mời được chuyển tới Di Phong nhanh chóng.

Khi tôi cầm tấm thiệp thơm ngát mùi hoa lan, tình cờ biết được tấm thiệp sau có đề tên Cục Tuyết. Tên tiểu tiên thở ngắn than dài, kêu công việc này phải đi lại vất vả, nhưng vẫn không quên khen ngợi Tiêu Tương có phong cảnh hữu tình.

Tôi háo hức, chọn lấy cho mình một bộ váy nhã nhặn, lại nhận ra, trong rương đồ chẳng còn một cây trâm nào cả. Sau khi phủ Nguyệt Lão ra đi, nữ trang của tôi còn lại cũng không nhiều.

Tiểu Chước tư vấn nói, chọn xương cá thay cho trâm cài đầu cũng ổn. Vậy nên, sứ mệnh của nó là ở lại trông nhà.

Thiệp mời ghi rất rõ, Phủ tân Nguyệt Lão toạ lạc gần suối ngọt Dao Trì, nằm trên một dải mây vàng nhạt. Từ Tiêu Tương khởi hành cũng không phải xa lắm. Di Phong dắt tôi nhảy lên mây, cười nói: “Sao lại ỉu xìu thế?”.

Kì thực, tôi vẫn tiếc đống nữ trang ngày xưa bị thất lạc. Có cơ hội đi dự yến tiệc, vậy mà chẳng thể trang điểm đẹp đứng trước mặt Cục Tuyết.

Lý do này quả thực hơi khó đỡ. Không biết nói thế nào, tôi lúng túng đáp bừa: “Hình như làm rơi một cây trâm thật rồi”.

Nói xong, tôi mới rõ mình đã nói cái gì.

Chỉ là dùng vài chiêu múa rìu qua mắt thợ, thế nhưng, không ngờ người đối diện tôi đây rút ra một cây trâm ngọc thật, khẽ cúi đầu, ung dung hái một chùm hoa lê, lại ung dung cài lên búi tóc đen như mực của tôi. Thậm chí, tôi còn trông thấy sương mai đọng long lanh trên đài hoa thơm ngát, nơi đó in hình mấy rặng núi xanh xanh…

“Váy màu thanh thiên rất hợp trâm bích ngọc, thêm chùm hoa lê nữa. Phải không?”.

Di Phong nhoẻn miệng cười, để lộ ra một bên lúm đồng tiền càng sâu, trong ánh mắt lại là sự dịu dàng khôn xiết.

Tôi chợt nhớ đến mấy bức họa đồ cầu duyên của tiên nữ hay gửi cho Nguyệt Lão, trong mỗi dịp tiết xuân. Quả nhiên là ngày xuân rất đẹp.

Tâm tình cũng thoáng đãng hơn hẳn: “Công tử thật chu đáo. Dường như công tử rất am hiểu phụ nữ?”.

“À không”. Di Phong chối không hẳn, rồi lôi ra mấy cây trâm còn thừa trong túi áo. Đa phần, đều là trâm cài tóc dành riêng cho nữ nhân.

“Ta chỉ mạo muội đoán, mùa xuân đi dự yến tiệc, thường hay chạm mặt mấy biểu muội họ hàng. Bọn họ, ai gặp ta cũng nói đánh rơi trâm ngọc rồi”.

Tôi bực mình: “Công tử đi chết đi!”.

“…”.

Phủ tân Nguyệt Lão không có thềm mây đỏ như cũ, thay vào đó là một lạch nước nhỏ trong xanh bên ngoài phủ. Từ trên cao nhìn xuống, chúng tôi thấy giữa khuôn viên xây một ao hồ lớn, trong ao thả rất nhiều ngọc châu và cá chép gấm thượng hạng.

Cây Cầu Duyên vẫn treo đầy lụa đỏ, sân nền lát bạch ngọc trong suốt… Trong phút chốc, có cảm giác như tôi đã vượt thời gian trở về một trăm năm trước đây.

Trăm năm rồi… tất cả không còn như xưa nữa. Chỉ có mọi thứ nguyên vẹn trong ký ức của tôi, Nguyệt Lão thường hay đứng ở dưới tán cây, luôn miệng lải nhải dạy tôi những bài học vô nghĩa. Vũ Vũ ngậm hoa ngủ, còn Thái Thu thì luôn miệng giục: “Sen trong hồ nở rồi. Tịnh Yên, bao giờ cô mới chịu hái đây?”.


Còn thêm cả đám sóc, cao thủ truyền tin nhanh nhạy nữa. Nguyệt Bà hay động tay động chân, nhưng thực ra bà lại rất tốt bụng. Lão thổ địa trong hồ có phần hơi rụt rè, nhưng lão là người đáng tin cậy, luôn biết hoàn thành tốt mọi công vụ được giao.

Đó là những tháng ngày xa lắm.

Khắp hoa viên, bàn ghế cho khách quan rất nhiều. Tôi còn đang mải mê ngắm nghía, thì có một tiên đồng tìm đến, mời Di Phong gặp Thái Dương Tinh Quân.

Hắn nhã nhặn rời đi, tay áo mây khuất dần sau vườn liễu.

Xem ra chúng tôi đến hơi sớm, hội thơ phải một canh giờ nữa mới chính thức bắt đầu. Gia nhân phủ tân Nguyệt Lão ai nấy đang tất bật, người phủ khăn trải bàn, người tranh thủ rót trà dâng khách. Tôi đứng nhàn nhã vậy kể ra không phải đạo.

Trong đám gia nhân ấy có một tiên nga khá yếu ớt, gương mặt mang nét hiền lành, đang bưng ba ấm trà đồ sộ. Tự dưng tôi nhớ đến dáng vẻ năm xưa của Thái Thu trong phủ, cũng là một cô nương đơn thuần giản dị, đợi cô ta đến đây, bèn thuận tay phụ giúp. Cô gái đó cảm động, nhờ tôi dâng một ấm ra sau hoa viên.

Trà Ngân Châm thơm phức, tôi học theo Di Phong cách pha trà thanh nhã. Xung quanh chính là vườn hoa đang nở rộ, quả nhiên thật thư thái.

Giữa lúc gần pha trà xong xuôi, dáng hình một người quen khiến tôi dừng hẳn lại.

Haizz, Cục Tuyết. Lỡ rót ra ngoài rồi.

Chàng đứng dưới tán một cây tùng vắng vẻ, tấm lưng rộng đối diện về phía tôi. Hôm nay, Cục Tuyết vận chiếc áo choàng xám, in hoa văn vân đá, mái tóc thắt lên cao bằng một dải lụa mảnh. Dải lụa đó mặc sức buông thả trên sóng tóc của chàng.

Tôi định bụng phải làm gì để gây ấn tượng mạnh, tính toán mình nhảy lên thế nào, rồi yểu điệu lướt xuống ra sao, cứ theo chiều gió thổi, váy áo của tôi sẽ tung bay thật đẹp. Chỉ là người tính vốn không bằng trời tính, lúc tôi phi lên như một con chim yến, tiên nga nào đó lại hiểu nhầm sự việc, nàng ta kêu thất thanh.

Tôi phát hoảng trượt chân, dải lụa quanh hông mắc vào ngọn cây tùng. Cả thân hình tung tẩy như một con nhái bén.

Đúng là, yêu hoa không thể học tiên nữ.

Dải lụa nhanh chóng đứt, tôi thấy chàng giơ tay lên. Chỉ tiếc rằng không phải anh hùng ôm mỹ nhân, cánh tay ấy nhanh như chớp hướng thẳng nơi cổ tôi, bóp nghẹt. Tôi trố mắt vì cơn đau ập đến, ai mà tin cho nổi!

Nhưng mà lực siết chặt đến vậy, ngoài muốn giết nạn nhân ra thì không còn gì cả.

Không gian lặng ngắt như tờ, Cục Tuyết nhàn nhạt nói: “Tuy yêu khí bị tiên khí lấn át, tinh vi đấy, nhưng vỏ quýt dày luôn có móng tay nhọn. Muốn giết ta? Yêu tộc hết quỷ kế hay sao lại để ngươi trà trộn?”.

Xương cổ tôi có thương tật để lại, chính là vết thương chí mạng do tiên thú Băng Đãi gây ra hơn một trăm năm trước. Khoang cổ họng đau rát, như đi trên chảo lửa. Tuy đau đến tái mặt, càng chưa hiểu những lời buộc tội kia thế nào, tôi cố gắng thi triển phép độn thổ thoát thân.

Cục Tuyết buông tay, người không còn đấy nữa.

Tôi ho khan một hồi, nhận thấy lồng ngực đã mĩ mãn hít đầy không khí. Dù ôn hoà đến mấy cũng đâu thể nhịn được: “Hừ, ai ngờ một trăm năm sau chàng lại hư như thế! Nói cho chàng nghe rõ, tiên thuật tôi tuy dở, nhưng đấu võ chó mèo không ngại gì đâu đấy”.

Người kia bước từng bước nặng nề: “Nếu ngươi là tiên nữ, ta đương nhiên không đánh. Có điều, yêu nữ lại khác hẳn”.

Tôi há miệng sửng sốt: “Ồ? Hay cho trò phân biệt chủng tộc”, ngay tức khắc, trong đầu tôi có âm thanh vọng đến: “Tịnh Yên, phải coi chừng đại ca!”.

Nhưng đâu còn kịp nữa, một chưởng phong đột ngột đập vào bả vai tôi. Chính ra mà nói, chưởng phong đó lẽ ra đập vào bả vai tôi, chỉ khác là ngay giữa phút chót, một cơn gió khiến nó tan thành bụi.

Mà bờ eo tôi cũng có một bàn tay đỡ lấy.

Dường như, trong gió xuân thơm mùi hương hoa quế, tôi đã trông thấy những con hạc trắng đang bay lượn lả lơi. Quả nhiên quay đầu lại, vẫn là hình ảnh vị công tử phong nhã, chiếc áo mây tím nhạt, mái tóc xoã thong thả trên vai. Chàng ta hơi nghiêng đầu, làm cho vài hạt sương lãng đãng tan mất.

Không có tiếng động nào ngoài gió nhẹ đung đưa.

Ánh mắt Di Phong dần trở nên phức tạp. Tôi còn chưa định thần, một trường kiếm bằng gió, trong suốt chĩa thẳng vào Cục Tuyết: “Đại ca, huynh đang làm gì vậy? Đừng quên nàng ấy là nhi nữ”.

- -------------------------


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui