Tìm Tình Yêu Trong Bình Yên

Vừa mới sáng sớm, trong nhà họ Châu đã nồng nặc mùi sát khí. Không cần hỏi ai là người kích mồi nổ thì cô cũng hiểu được lý do của mùi thuốc súng này và ai là người gây ra. Chắc chắn việc mấy hôm nay cô không học hành gì và anh Thế Khôi bỏ qua phòng xem phim, nghe nhạc với chị Thiên Ân đã đến tai mẹ cô. Thể nào ông anh trời đánh kia cũng kể hết toàn bộ nội dung câu chuyện cô nói tối hôm bữa cho mẹ cô nghe mà thôi. Thiên Trang vừa bước xuống nhà đã thấy gương mặt lạnh như băng, nặng chịch như đeo chì của mẹ. Thiên Ân vẫn như một tiểu thư đài cát, từ tốn im lặng ăn sáng và đi làm. Nhưng trước khi ra cửa chị có quay sang nhìn cô với một ánh mắt kỳ quái, cứ như đang cố đọc một cuốn sách khó hiểu. Chỉ có ba là vẫn bình thường, vẫn mỉm cười khi thấy cô, vẫn cố tình pha trò cho cô vui, tạo bầu không khí nhẹ nhàng hơn trong gia đình. Nhưng cô biết thật ra ba cũng mong cô học Kinh doanh để về tiếp ông quản lý công ty. Ông đang nhẫn nại chờ có cơ hội riêng, thời gian thích hợp để tự mình khuyên nhũ cô.

Không khí trong nhà quá mức mệt mỏi khiến cô không thể nào thở nổi. Vì thế hôm ấy dù Thiên Trang chỉ học 4 tiết buổi sáng, nhưng cô vẫn lấy lý do học nhóm nên ăn trưa ở ngoài, trốn cả buổi chiều không về nhà. Đơn giản cô sợ phải nghe những lời than vãn, dạy dỗ của mẹ. Mỗi ngày đều nghe cô sắp bị trầm cảm tới nơi rồi. Lúc cô mang balo đi ra khỏi cửa mẹ trừng mắt nhìn cô vô cùng tức giận. Dù vậy cô vẫn nhất quyết gấp rút lấy xe chạy đi. Làm thế nào cô cũng không muốn vừa sáng sớm đã lâm trận "khẩu chiến" với mẹ. Cô cũng cần một chút thời gian để suy nghĩ mọi chuyện, tìm chút lý do giải thích tử tế. Và mẹ cũng cần thời gian để bình tĩnh lại. Lúc đó hai mẹ con ngồi nói chuyện sẽ hợp lý hơn.

Hôm ấy, sau khi kết thúc bốn tiết học, cô chạy xe lang thang khắp Sài Gòn. Đi đến trung tâm thương mại, đi xem một bộ phim chiếu rạp vô vị, rồi đến một quán cà phê ngồi ngắm nghía cảnh vật. Đến chiều cô quay về vỉa hè chuyên bán đồ ăn vặt trước trường Tiểu học Lương Thế Vinh, ngôi trường tiểu học ngày bé hai chị em cô theo học. Những quầy ăn vặt mà ngày xưa năm đứa trẻ các cô rất thích ăn. Cô mua một loạt nào thịt viên nướng, cá viên chiên, một túi kẹo chỉ, snack... thưởng thức ngon lành. Sau khi no cả bụng, tinh thần dần ổn định hơn, có lẽ nhưng cảm xúc khi bé làm cô được tiếp thêm động lực, thế là cô quyết định trở nhà, kết thúc hành trình một ngày "đi bụi" lánh nạn của mình.

Cả buổi chiều, vì không muốn bị làm phiền, cô đã chuyển điện thoại di động qua chế độ im lặng và cất vào cặp. Lúc này Thiên Trang mới mở balo, lấy điện thoại ra kiểm tra. Có tổng cộng hơn chục cuộc gọi nhỡ, nhiều nhất là của ba cô, một cuộc của chị Thiên Ân, hai cuộc từ số bàn ở nhà chắc là ba bảo dì giúp việc gọi, vài tin nhắn zalo thông báo từ lớp Sư Phạm. Cô không gọi lại cho ai cả. Chỉ nhắn một tin cho ba: "Con không sao đâu, sắp về nhà rồi". Xong cô cất điện thoại vào cặp, chạy thẳng xe về nhà. Trong lòng không ngừng tự trấn an mình:

- Chuyện gì đến thì đến thôi, có chạy cũng không thoát. Thà chết sớm bớt đau khổ hơn. Thiên Trang mày đã lớn rồi, học cách đối diện với mọi chuyện đi.

Lúc đến cửa nhà, cô phải lặp lại câu nói này hai lần nữa mới đủ can đảm mở cổng chạy xe vào sân.

Thiên Trang vừa dắt xe vào cổng thì người giúp việc trong nhà đã vội vàng chạy ra phụ giúp cô. Dì giúp việc này tên là Hảo, là một người phụ nữ lớn tuổi đã làm ở nhà cô được mười năm nên ba mẹ cô rất quý dì xem dì như người trong nhà. Đặc biệt dì rất thương hai chị em cô. Dì đến phụ cô dắt xe, không quên nhỏ tiếng mật báo tình hình trong nhà với cô.

- Cô ba. Sáng giờ bà chủ không nói gì, ngồi phòng khách đợi cô về. Nhưng giờ nhà đang có khách.

Dì thở dài một cái rồi nói tiếp:

- Haizzz buổi trưa nay bà chủ không thèm ăn cơm trưa luôn.

Có khách. Đây có thể xem như là tin tức tốt lành hay không? Vì nếu có khách ở nhà thì mẹ có muốn "bùng cháy" cũng sẽ không bùng cháy trước mặt khách. Đối với mẹ chuyện cô học sư phạm là một điều đáng xấu hổ, điều mẹ không thích và muốn che giấu đi, rồi việc cô không chịu phấn đấu, không theo định hướng lại càng như sĩ nhục mẹ hơn. Vậy nếu có khách trong nhà thì đêm nay chắc lửa không cháy lớn lắm đâu, Thiên Trang thở ra một hơi, coi như được bảo toàn tính mạng. Cất xe xong cô vui vẻ đi vào nhà.

Vừa bước chân vào phòng khách, cô lập tức chựng lại. Cái người gọi là khách kia chính là chú Đức Dũng, và người ngồi cạnh chú không ai khác chính Đức Minh - Người vẫn thường nhắn tin zalo trò chuyện với cô trong một tháng qua. Hai hôm trước anh còn nhắn tin cho cô kia mà, anh vẫn hỏi han bình thường và hoàn toàn không nói đến chuyện mình về Việt Nam. Vậy sao hôm nay anh lại có mặt ở đây? Chẳng lẽ anh vừa về tới Việt Nam đã đến thẳng nhà cô. Do có sự xuất hiện của Đức Minh làm cô vô cùng bất ngờ, quên mất phép lịch sự phải chào hỏi khách. Cô chỉ đứng tại chỗ, đưa mắt hết nhìn hai vị khách lại quay sang nhìn ba mẹ mình.

Việc cô đột nhiên xuất hiện trong phòng khách, làm cuộc nói chuyện bị ngưng giữa chừng. Họ đều đưa mắt nhìn cô. Mẹ là người lên tiếng trước:

- Dữ không. Cô út nhà chúng ta rốt cuộc chịu về rồi đó hả. Mà về thấy có khách đang ngồi cũng không thèm thưa luôn. Phép tắt dạy dỗ con quên hết rồi sao.

Khi mẹ nói ra những lời này với cô, cô biết mẹ đã tức giận tới cực điểm rồi. Mẹ đã quên luôn cả việc phải giữ thể diện trước mắt khách khứa. Hôm nay, Thiên Trang có chạy đằng trời cũng không thoát khỏi cuộc đại chiến với mẹ. Cô hít vào rồi thở ra một hơi thật mạnh để lấy dũng cảm, giờ đánh bài chuồn cũng không kịp. Thôi thì xem như số trời đã định, cái gì tới cứ tới. Cô khoanh tay lại bước tới đứng cạnh ba mẹ. Lễ phép cúi đầu, trước tiên là chào chú Đức Dũng.

- Con chào chú Dũng.

Sau đó quay đầu sang nhìn Đức Minh, anh cũng đang mỉm cười, chớp mắt nhìn cô. Thiên Trang cắn răng, hoàn toàn không quen gọi anh là "chú". Lúc hai người trò chuyện cô vẫn gọi là "anh Minh". Nhưng giờ trước mặt ba mẹ cô không thể làm mặt quỷ với anh, không thể gọi sai. Phải coi anh như bạn của ba mẹ, là bậc cha chú của mình, lễ phép với anh.

Trong lúc cô còn đang khó chịu vì thứ tự vai vế này, môi mím chặt, mày cau có. Thì trong lòng Đức Minh cười ha hả. Sao anh không hiểu được dáng vẻ bí bách ở hiện tại của cô gái nhỏ cơ chứ. Đáng lý ra, anh định sẽ cho cô một bất ngờ nho nhỏ, nên về nước không nói cho cô biết, suy nghĩ sẽ phá cô thêm chút nữa. Nhưng nhìn vẻ mặt âm trầm của mẹ cô lúc này, anh biết cô gái nhỏ này lại làm gì cãi cha mẹ nữa rồi.

Trong một tháng qua, tuy trò chuyện với cô không nhiều nhưng đủ làm anh hiểu tính cô. Thấy vậy anh lên tiếng giải vây cho cô.

- Sao thế cô bé, không nhớ "chú" sao? - Đức Minh cố ý nhấn mạnh tiếng "chú" để chọc tức cô. - Chúng ta đã từng gặp trong bữa tiệc cách đây gần hai tháng tại căn nhà này.

- Hôm đó nhiều người thế nên cũng không tránh khỏi việc không nhớ hết mọi người. Chỉ là không biết phải gọi thế nào thôi ạ. Vì hôm trước "chú" đây bảo không thích người khác gọi là "chú" nghe già quá. - Thiên Trang không khách sáo, lên tiếng đỗ lỗi cho anh. Nhưng không phải là cô nói dốc. Đúng là anh bảo cô gọi "anh" trước mà.

- Thiên Trang, con đừng nói hỗn với người lớn vậy. - Ba cô lên tiếng, mẹ cô ngồi bên cạnh liếc  cô một cái.

- Haha. Cô út đây trí nhớ tốt ghê - Đức Minh lên tiếng. - Thật ra "anh" hay "chú" thì cũng chỉ là một đại từ quan hệ thôi. Cũng giống như ở Mỹ, mọi người dù lớn hay nhỏ, lúc nói chuyện vẫn xưng "me" và gọi người còn lại là "you". Thái độ lễ phép không phải thể hiện qua cách gọi mà thể hiện qua ánh mắt, giọng điệu và cử chỉ. Em không để ý cách gọi đâu, gọi "anh" nghe còn thích hơn, vì thấy mình trẻ hơn ấy chứ.

Bất chợt Đức Minh quay đầu sang nói với Thiên Trang.

- Thấy tôi nói có đúng không Thiên Trang. Em muốn gọi thế nào cũng được.

Lúc này Thiên Trang lại có dịp ngắm anh kỹ hơn, nhìn sâu vào đôi mắt thông minh và thâm hiểm của anh. Không phải dưới ánh đèn mông lung của đêm tiệc mà dưới ánh nắng vàng vọt của ráng chiều. Hôm nay anh không chải chuốt như hôm dự tiệc, chỉ một chiếc áo thun có cổ tối màu và chiếc quần tây cắt may đúng chuẩn. Nhưng trong anh vẫn toát ra vẻ một người làm ăn đáng tin cậy, có phong độ riêng, có sự lịch lãm riêng. Anh cũng là một người đàn ông thành đạt, nhưng phóng khoáng, không quá chú trọng áo vest comle già dặn như ba cô, hay một số người giám đốc khác mà cô gặp. Có thể vì anh là người sống ở nước ngoài nhiều năm nên thoải mái hơn chăng.

Nghe anh nói thế, Thiên Trang liếc anh cái, lên tiếng.

- Vậy chào anh chú ạ.

Lời vừa thốt ra, ba cô trừng mắt nhìn cô, mẹ cô hừ lạnh:

- Càng lớn càng khó dạy dỗ mà. Con riết.....

- Thôi thôi, xin chị đừng mắng con bé.- Đức Minh lên tiếng - Nếu nói chủ ý này sai thì em xin thay Trang nhận lỗi. Vì hôm tiệc, chính em kêu bé Trang gọi mình là anh. Nên mong anh chị bỏ qua cho em. - Rồi anh quay sang nhìn cô: - Với em cũng thích mọi người gọi bằng anh hơn. Chú nghe già lắm.

- Chào, anh Minh. - Thiên Trang nhỏ giọng.

- Đúng rồi, gọi vậy vẫn dễ nghe nhất. Chú Minh vô cùng khó nghe.

- Gọi vậy không ổn tí nào cả. Dù sao dựa theo vai vế thì... - Ba cô thấy không ổn với cách gọi này, nên nhắc nhở.

- Anh đừng phép tắt như vậy chứ. - Đức Minh nhìn cha cô - Âu chỉ là một cách gọi thôi, làm sao thấy thoải mái, cả người gọi lẫn người nghe đều thấy thích là được. Em với anh cũng không phải họ hàng gì, không phải là vai vế trong gia đình, em gọi anh là anh vì chúng ta xem nhau như anh em. Giờ em xem Trang là bạn, nên thích Trang gọi em là anh hơn, cái này cũng đâu phải vai vế trong gia đình đâu anh.

- Thôi thôi, bọn già chúng tôi cãi không lại hai người. - Chú Đức Dũng lên tiếng rồi quay sang ba cô. - Kệ tụi nó đi anh chị ơi, tụi nó muốn gọi sao thì gọi. Bọn mình gìa rồi, lỗi thời rồi.

- Không hẳn vậy đâu anh hai - Đức Minh lên tiếng - anh với anh Nhân đây có rất nhiều cái để em và Thiên Trang cần nhìn và học hỏi theo. Nhưng cũng có nhiều cái em thấy thay đổi cải tiến cũng hay. Như ngày xưa vợ chồng gọi nhau chỉ "anh" - "em" hay "tôi" với "bà" thôi; còn ngày này rất nhiều cách gọi khác nhau như "mình ơi", "vợ ơi" - "chồng ơi", "ông xã ơi" - "bà xã ơi", hoặc nhiều cặp vợ chồng còn gọi theo vai vế cuả các con "ba cu bin ơi", "mẹ cà rốt ơi". Gọi thế nào cũng được, miễn hai người cảm thấy vui vẻ khi gọi vậy là được, thay đổi tí cũng đâu sao đúng không ạ.

Ba cô không ngừng gật đâù khi nghe Đức Minh nói, sau khi nghe xong ông mỉm cười.

- Thiên Trang, sau này con muốn gọi chú Minh hay anh Minh đều được.

- Dạ vâng ạ. Con cảm ơn ba, em cảm ơn anh Minh.

Cô cười, anh cũng mỉm cười. Mẹ cô đang ngồi trên ghế bật đứng dậy.

- Được rồi, Thiên Trang. - Sự nhẫn nại và giới hạn kiềm chế của mẹ đã dùng hết, mẹ nắm tay cô gằn giọng: - Con đừng quá vui vẻ vì có người bênh mình thế. Giờ coi như con đã chào hỏi rồi. Ở đây để ba con nói chuyện với hai chú. Đừng quấy rầy chỗ người lớn bàn công việc. Theo mẹ lên lầu. Mẹ có chuyện muốn nói với con.

Tiêu rồi, nếu lên phòng là cô sẽ chết ngay lập tức. Mẹ sẽ không để cho cô sống yên đâu. Cô đảo mắt nhìn ba người đàn ông đang có mặt trong phòng một lúc. Ánh mắt cô chạm vào ánh mắt Đức Minh. Anh là người tâm sự với cô rất nhiều, động viên cô không ít, thậm chí còn an ủi việc gia đình cô nữa. Cả việc cô bị ép đi du học, không muốn đi... anh điều rõ. Ai bảo anh là người nói cô hãy làm những gì cô thích, sống với chính mình. Vậy thì anh chịu trách nhiệm chung với cô đi, gánh tội cùng cô. Có chết thì cùng chết vậy.

Cô lắc mạnh để tay mình thoát khỏi tay mẹ. Cô đứng yên tại chỗ, cất tiếng nói to rõ:

- Có gì thì mình ngồi ở đây nói chuyện luôn đi mẹ.

- Con lại định làm trò gì nữa vậy. - Mẹ cô quát lên.

- Con không giỡ trò gì cả. Con biết mẹ định nói việc gì. Vậy tại sao không nói ở phòng khách này luôn đi, có cả ba nữa.

- Nhưng ba con đang tiếp khách con không thấy sao? - mẹ cô rất tức giận.

- Từ lâu chú Dũng cũng được xem như người trong nhà rồi. Còn anh Minh thật ra tụi con luôn xem nhau như anh em thân thiết, sau ngày gặp nhau đầu tiên ở bữa tiệc thì chúng con đã cho nhau số điện thoại, thường xuyên liên lạc. Mọi việc của con anh đều biết rõ. Con biết mấy chuyện này mẹ không hề muốn cho người ngoài biết nhưng con đã kể hết cho anh ấy nghe rồi. Con xin lỗi mẹ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui