Từ lúc biết được tình trạng mất ký ức của Ngô Uyển Nhi, Mạc Anh Khôi luôn dành thời gian rảnh tìm hiểu thông tin cũ.
Bởi vì lúc Uyển Nhi học lớp mười hai, anh đã đi học bên Nhật, không biết được chuyện gì đã xảy ra, nên những thông tin trong khoảng thời gian này, khá khó khăn để tìm kiếm.
Chân Lý biết Mạc Anh Khôi điều tra, liền đề nghị để cô cùng thực hiện.
Ban đầu Mạc Anh Khôi từ chối, không muốn phiền Chân Lý.
Sau được biết Chân Lý và Uyển Nhi đã điều tra năm năm nay, mất không ít tâm sức nhưng kết quả thì không được bao nhiêu.
Chân Lý hy vọng, có Mạc Anh Khôi việc điều tra sẽ tiến triển nhanh, xem như cùng giúp cho Uyển Nhi.
Nghe vậy, Mạc Anh Khôi mới đồng ý.Hai người, cứ đến cuối tuần, lại cùng nhau đi dò la tin tức của tất cả những người có liên quan đến Ngô Uyển Nhi.
Mạc Anh Khôi và Trần Chân Lý thống nhất với nhau, chỉ âm thầm làm mà không cho Uyển Nhi biết, sợ không điều tra được gì khiến cô thất vọng.
Vả lại, Uyển Nhi còn dạy kèm bận rộn.
Chi bằng đợi có tin tức gì tốt thì hãy báo cho cô hay.
Nhờ vậy mà mối quan hệ của hai người đã trở thành bạn bè đúng nghĩa.
Mạc Anh Khôi vui vì có thêm người bạn dễ thương, Chân Lý thì càng vui vì được gần Mạc Anh Khôi như thế.Mạc Anh Khôi và Trần Chân Lý tìm ra được nơi ở của gia đình Uyển Nhi, sau khi nơi ở cũ bị đưa vào diện quy hoạch.
Lần tìm đến nơi, sau nhiều lần hỏi thăm, biết được chi tiết về hoàn cảnh cuối đời của ba mẹ Uyển Nhi…Học xong lớp mười hai, Uyển Nhi nghĩ rằng mình chắc chắn thi vô đại học Mỹ thuật, thì biến cố ập đến.
Ba mẹ Uyển Nhi trong lúc đi công việc về, bị xe ngược chiều đâm phải.
Khi Uyển Nhi đến bệnh viện thì họ đã hôn mê.
Sáu tháng trời như thế, bao nhiêu đồ có giá trị trong nhà cứ lặng lẽ ra đi, vẫn không giữ được sinh mạng cho ba mẹ cô.
Họ trút hơi thở cuối cùng khi cô chuẩn bị bước sang tuổi mười chín.
Ba mẹ Uyển Nhi đều là con một, ông bà mất đã lâu, chỉ có họ hàng xa thân ai nấy lo, vậy là Uyển Nhi chỉ còn biết lẻ loi sống một mình.
Từ cô tiểu thư được bao bọc trong vòng tay ba mẹ, Uyển Nhi dần bước ra xã hội tự mưu sinh, ước mơ học hành đành gác lại.Hai người càng thấy thương cho Uyển Nhi, biến cố quá đột ngột, lại phải gồng gánh lo cho ba mẹ, một cô gái nhỏ như Uyển Nhi lúc đó, làm cách nào để vượt qua.Dù đau thương nhưng đó cũng là ký ức của Uyển Nhi, lại liên quan đến ba mẹ cô, Mạc Anh Khôi và Trần Chân Lý quyết định cho Uyển Nhi biết.
Uyển Nhi khóc như mưa.
Cô chỉ biết ba mẹ cô mất vì tai nạn giao thông, đâu biết họ còn trải qua sáu tháng trời đau khổ như thế.Biết mọi lời an ủi đều không có nghĩa, để cho Uyển Nhi khóc cho vơi nỗi lòng.
Sau khi cô qua cơn xúc động, Mạc Anh Khôi mới từ tốn lên tiếng:“Em nói sau khi ba mẹ mất thì em về sống cùng Dương Phước An, nhưng không rõ chi tiết phải không? Mà Dương Phước An cũng đã mất.
Hay là chúng ta trở về Gia Lai, tìm đến mái ấm nơi Phước An sống xem có điều tra được gì không?”“Em đã đi về rồi, không có ai có tin tức gì cả.” Uyển Nhi chán nản trả lời.“Thì cứ đi lại một chuyến xem sao.
Anh sẽ chỉ em những nơi ba mẹ em, Dương Phước An, anh và em cùng đi qua để em nhớ lại.
Nếu không thu hoạch được gì thì xem như em về thăm quê ngoại, hoặc là đi du ngoạn cho khuây khoả.” Mạc Anh Khôi thuyết phục.“Đúng đó chị, trước đây chị cũng điều tra mà không rõ về tình hình của hai bác, giờ anh Khôi đã tìm được chút thông tin.
Biết đâu lần này đi, có anh ấy, mình tìm được thông tin gì thì sao?” Chân Lý cũng nói thêm vào.Uyển Nhi nghe vậy gật đầu đồng ý.“Vậy trưa thứ Bảy, sau khi Uyển Nhi dạy xong, chúng ta bay ra Pleiku, tuỳ tình hình sẽ về tối Chủ Nhật hoặc sáng thứ Hai.” Mạc Anh Khôi sắp xếp.“Vậy để em đặt vé và phòng.
Ba chúng ta cùng đi.” Chân Lý hào hứng nhận nhiệm vụ.Uyển Nhi gật đầu.
Đối với hai người bạn này, cô biết mọi lời cảm ơn đều không đủ, chỉ biết ghi nhận tấm chân tình của họ.
Ông trời lấy của cô nhiều thứ, nhưng vẫn để lại cho cô những người bạn tuyệt vời thế này, cũng là một sự bù đắp.***Trưa thứ Bảy, cả ba hào hứng lên máy bay.
Sau bốn mươi lăm phút bay, thành phố Pleiku hiện ra trong tầm mắt, với Biển Hồ mênh mông xanh ngắt, trải dài ngút tầm mắt, những rừng thông, đồi chè, cà phê, cao su bạt ngàn.
Không quá đông đúc và được cải tạo nhiều như Đà Lạt, Pleiku còn giữ cho mình vẻ hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.Lúc này là tháng Một, khí hậu ở Pleiku rất tuyệt vời.
Mọi người đều nói đến Pleiku sẽ được cảm nhận không khí của bốn mùa trong một ngày, cái nắng nhẹ ấm áp của mùa xuân vào sáng sớm, một chút oi nóng của mùa hè vào buổi trưa, những cơn gió mát mẻ của mùa thu vào mỗi buổi chiều, còn buổi tối không khí se se lạnh như mùa đông.Bước xuống máy bay, tạm bỏ lại những nhộn nhịp hối hả của Sài Gòn, cả ba khoan khoái hít thở không khí mát mẻ, trong lành, dễ chịu.
Về khách sạn để đồ, cả ba kéo nhau đi ăn phở khô, hay còn gọi là phở hai tô, món ăn nổi tiếng của phố núi.
Sau đó, Mạc Anh Khôi đưa Uyển Nhi đi đến mái ấm nơi Phước An sống, trên đường đi, anh nhắc lại cho Uyển Nhi nhớ những chuyện lúc xưa…Mỗi mùa hè, ba mẹ đưa Uyển Nhi về Gia Lai, quê ngoại ở lại vài tuần.
Mỗi lần đi luôn có Mạc Anh Khôi tháp tùng, ba mẹ cô cũng quý anh, xem như con trai nên cả nhà rất hoà hợp.
Họ thường đi thăm các em nhỏ ở mái ấm tại ngoại ô Pleiku.
Tại đây Uyển Nhi và Anh Khôi kết bạn với Dương Phước An – lớn hơn Uyển Nhi bốn tuổi, hơn Anh Khôi ba tuổi.
Dương Phước An sống tại mái ấm từ khi mới lọt lòng, có người nhặt được cô ấy trước cửa nhà, mang đến cho mái ấm nuôi dưỡng. Dương Phước An hiền lành, chắc lúc nhỏ ở mái ấm thường bị ăn hiếp, nên khi gặp được hai người bạn Uyển Nhi và Anh Khôi, cô ấy rất vui, cộng thêm lớn tuổi hơn nên thường chăm sóc, nhường nhịn hai em.
Tuy ở xa nhưng ba người họ chơi với nhau thân thiết.Uyển Nhi nghe Mạc Anh Khôi kể đến đây, lấy từ trong ví ra tấm hình năm người chụp chung.
Mạc Anh Khôi nhìn thấy, lên tiếng thuyết minh:“Tấm hình này chụp vào dịp hè, năm em học hết lớp mười một, anh vừa tốt nghiệp lớp mười hai, chuẩn bị đi du học.
Dương Phước An lúc đó đã đi làm trở về thăm mái ấm.”“Không ngờ đây là tấm hình chụp chung cuối cùng của ba mẹ em và Phước An.” Uyển Nhi sống mũi cay cay nói..