"Cậu lẽo đẽo theo con bé chi vậy?" Từ lúc hai đứa một trước một sau mở cổng bước vào nhà, Mặc Tâm lo dọn dẹp nấu ăn, ông Trần thấy Nguyên Phong cứ bám theo phía sau, ông chướng mắt.
Nguyên Phong gãi đầu, nghiêng mặt nhìn chú Trần khó xử: "Dạ, cháu theo xem cô ấy có sai vặt gì không?"
"Chờ con bé sai? Cậu không biết nói: em ngồi nghỉ ngơi để anh làm cho à?" Ông Trần thật muốn quăng ly nước đang uống vào đồ vô dụng nhà họ Đường.
Có thằng con quý tử chiều quá chỉ biết ngồi chờ ăn, không biết nấu nướng.
Phen này ông phải bỏ chút nước bọt và mồ hôi dạy thằng con rể này biết nội trợ làm việc nhà giúp vợ!
"Mặc Tâm, con đi tắm, nghỉ ngơi để đấy thằng Phong nó làm! Ở chùa ăn chay cũng phải làm chút việc nhà chứ?"
"Dạ, chú nói phải đó em.
Em đi tắm, để anh làm hết cho!" Nguyên Phong dành bê nồi cơm từ tay Mặc Tâm, mỉm cười nhìn cô: "Đi đi đừng lo!" Anh khoác khoác tay.
"Có ổn không đó?" Cô nghi ngờ nhìn tên công tử bột rồi nhìn ba mình: "Ba, rủi cháy hay sống gì đó là con không nấu lại đâu nha!"
Ông Trần uống nốt ly nước đứng lên: "Yên tâm để ba dạy nó!"
Đàn ông thời hiện đại vừa phải giỏi kiếm tiền vừa kiêm luôn nội trợ.
Vậy mới là mẫu ông chồng yêu thương, bảo bộc, che chở vợ con.
Chỉ biết đi làm, về nhà gác chân xem tivi ngồi ưỡn ra đó chờ vợ cơm bưng nước rót là vứt!
"Nguyên Phong, bê nồi gạo lại đây!"
Người nào kia ở đô thành chỉ tay năm ngón, ngồi phòng lạnh, ăn trắng mặc trơn, một tiếng nói, một chữ kí vung lên thu về cho Đường Gia món lợi nhuận khủng.
Ai cũng nể phục, thần tượng.
Vậy mà, giờ đây ở cái vùng khỉ ho cò gáy, lắm đá thiếu đất lại bị người khác hành.
Hết cô người yêu hành giờ đến ông bố vợ tương lai.
"Lấy nước vào, dùng tay nhẹ nhàng vo gạo, khuấy đều, chắc nước ra rồi cho nước sạch vào vo thêm hai lần nữa." Ông Trần đứng bên chỉ dạy: "Chế nước dùng ngón tay trỏ chạm gạo đo mức nước đến lóng tay đầu tiên là đủ!"
Nguyên Phong nghe chú Trần dạy sao thì làm vậy chứ hồi giờ anh chỉ biết cơm trong bát.
"Ra đây nhặt rau nấu canh!" Ông chỉ bó rau cải rồi ngồi quan sát vị Tổng giám Đường Gia làm ăn với bó rau ông mới nhổ sau vườn.
"Chú Trần, tới giờ cháu mới biết chú giỏi nội trợ!"
"Chứ cậu tưởng đàn ông nhà ai cũng vô dụng bảo thủ như nhà cậu à?" Ông lén nhìn mặt Nguyên Phong rồi nói tiếp: "Cháu đừng giống ông già cổ hủ ở nhà! Thời nào rồi mà đàn ông mở mắt ra uống trà xem báo sáng chứ?"
"Dạ chú dạy chí phải, cháu sẽ học!" Nguyên Phong giơ cây cải lên nhìn chú Trần mỉm cười rồi bẻ một cái bụp, cọng cải mất đi cái gốc.
Ông Trần nhìn hành động đó hừ một tiếng, nhếch bên mép, lấy đôi đũa bếp gõ gõ vào tay Nguyên Phong: "Cậu bẻ vậy coi chừng ế!"
"Chú?" Chú thật là nhạy cảm.
"Nhanh tay lên!"
Mặc Tâm lén đứng bên ngoài nên tiếng hai người đàn ông trong bếp, cô nghe rất rõ.
Cô búng tay nở nụ cười tạm hài lòng, vào phòng nằm đọc sách.
Một cảnh trái ngược với lối sống ở đô thành.
Khi Lâm Bình hốt hoảng gọi điện thoại tới báo tin mẹ anh đang tới công ty tìm con trai, cậu ta giật mình: "Ê, cậu mang tạp dề đó à?" Qua video cậu ta thấy Nguyên Phong đang nấu ăn.
"Ai mang tạp dề?" Tiếng mẹ anh bất ngờ từ điện thoại.
Nguyên Phong nhanh tay ấn tắt cuộc gọi.
Nhưng chỉ hai giây sau điện thoại đã đổ chuông inh ỏi.
Nguyên Phong biết ai gọi đến, anh ấn tắt luôn âm thanh, không nghe máy.
"Mẹ cậu gọi à? Nghe điện thoại đi, tôi ra ngoài đây!" Ông Trần lịch sự để không gian riêng cho mẹ con nhà người ta nói chuyện.
Ở bên vách ngoài cách xa Nguyên Phong nên ông không nghe được mẹ cậu ta nói gì chỉ nghe tiếng Nguyên Phong nói: "Mẹ, con tự biết cách quản lí công ty và biết ai là người mang đến hạnh phúc cho đời con!"
Ở đầu bên kia, nghe Nguyên Phong nói vậy, mẹ anh trầm ngâm.
Ba năm rồi bà thấy cảnh con trai đi sớm về muộn như cố ý tránh mặt ba mẹ, đêm về ngồi lặng lẽ bên chai rượu cô đơn chờ trời sáng, bà cũng xót con.
Những lúc đó, bà chỉ mong sao con mình tìm được hạnh phúc, bất kể là cô gái nào, bà không cần môn đăng hộ đối nữa.
Nhưng bây giờ biết con bỏ bê công ty chạy lên vùng núi ấy để bám theo con nhỏ bà từng đuổi đi, bà lại canh cánh trong lòng.
"Mình à, thằng Phong đang ở núi!" Bà ảo não báo cho chồng biết.
"Thiện nguyện chưa về à?" Ông Đường đang xem tivi, không nhìn vợ, hờ hững hỏi.
"Không, nó ở trên núi là do nó gặp lại con nhỏ đó!" Bà nói luôn cho chồng biết.
Ông Đường thở dài, im lặng.
Ông không hiểu thằng con mình như thế nào nữa.
Bấy lâu thấy nó chăm chỉ tập trung phát triển sự nghiệp, ông cũng an tâm.
Nay nghe tin này ông chẳng biết nói làm sao.
"Giờ sao mình?"
"Sao trăng gì? Nó ưng đám nào thì cưới cho nó đám ấy, yên bề gia thất còn tập trung lo sự nghiệp!"
"Nhưng..."
"Bà đừng nhưng nhị, cấm cản nữa! Dù sao con bé đó cũng là máu mủ nhà họ Trần, so với nhà chúng ta cũng môn đăng hộ đối!"
Môn đăng hộ đối? Con gái tiểu tam thân phận sao xứng? Bà vẫn không có thiện cảm với cô gái có tên Mặc Tâm đó.
Bà vẫn ưng Yên Linh hơn.
Nhưng không biết con bé đã đi đâu? Từ sau bi kịch hôn nhân đó, gia đình Trần Duy dọn đi đâu bà không biết được.
Chính vì vậy, khi bà tìm lên bản làng sau khe đá, hỏi thăm tìm vào nhà Mặc Tâm.
Thấy người đàn ông đang cuốc đất trồng rau ở mảnh vườn nhỏ, bà dừng lại hỏi: "Xin lỗi, cho tôi hỏi thăm đây có phải là nhà Mặc Tâm không?"
Bà tinh mắt thấy ông ta sững người nhưng chỉ một giây, ông ta từ từ thẳng lưng, quay mặt sang nhìn.
"Chú...Trần?" Thật không thể tin vào mắt.
"Nó đó!" Ông thờ ơ nhận rồi lại quay sang làm việc không có ý mời vị khách sang trọng này vào nhà uống nước.
"Sao chú lại ở đây?" Một đại gia như Trần Duy mà ở nơi thiếu thốn như thế này, bà thật không dám tin.
Ông Trần hiểu được ý người vừa nói nên ông chỉ cười khẩy rồi hỏi ngược: "Sao tôi lại không ở đây?"
Bà Đường bí lời.
Há miệng nhìn trân vào ông.
Một lúc sau bà ta mới nói: "Đừng nói chú chê Bùi Yên Thắm mê ả đàn bà nào ở đây nhé!"
Ông Trần cắm phập chiếc cuốc vào luống đất, một tay chống hông, một tay chỉ ra cổng: "Chị về giùm tôi!" Ông không ngờ tính khí người phụ nữ này vẫn vậy, bà ta không tiến bộ chút nào sau ba năm.
"Tôi lên gặp thằng Phong!"
"Nó không có!"
Bà Đường nhìn ông cơn tức đã lên đỉnh đầu, máu dồn về mặt.
Không biết nói sao để minh chứng sự hiện diện của thằng con quý tử nhà mình ở đây.
Mà giờ này thằng con quý tử của bà đang làm phu xe chở cô trò nhà người ta đi tham gia biểu diễn văn nghệ mừng xuân ở xã.