Một cuộc hội ý nhanh diễn ra sau tin của vị bác sĩ.
"Mặc Tâm, em theo chăm sóc anh chứ? Anh còn rất mệt!" Nguyên Phong tranh thủ.
Tai nạn bất ngờ lần này là điều không ai muốn nhưng xem ra nó cũng là cơ hội.
Mặc Tâm do dự nhìn ba.
"Em không theo chăm anh thì anh ở đây luôn vậy!"
"Thôi được rồi! Em về cùng anh!" Mặc Tâm chiều anh.
Cô không muốn vì việc này mà bỏ lỡ cơ hội vàng cứu ba anh.
Ông Trần qua nay chăm sóc cho ông Đường, trong thâm tâm, ông thấy thương người bạn cùng mình kinh qua một thời khổ cực lắm chông gai xây dựng sự nghiệp nên ông quyết định: "Ba cùng con quay về đô thành!"
Vậy là, trên chiếc xe cứu thương đưa ông Đường chuyển viện, có bốn người nhà cùng đi theo.
Về bệnh viện đô thành, ông Trần vẫn giành phần chăm sóc cho ông sui.
Mặc Tâm lo cho bà Đường và Nguyên Phong.
Tin vị tổng giám cùng ba mẹ nằm viện nhanh chóng lan truyền về Công ty, đến giờ tan ca họ kéo nhau đến thăm anh.
Trong phòng VIP vị tổng giám dưỡng bệnh là một cảnh trái ngược.
Trên chiếc giường êm ái giành cho bệnh nhân có một cô gái đang say giấc.
Còn bệnh nhân thì ngồi chiếc ghế cạnh giường cắt dũa móng tay, móng chân cho người đang ngủ.
"Dạ chào Tổng...giám đốc!" Mấy vị giám đốc bộ phận bỏ hoa quả, nước uống bổ dưỡng đủ loại trên bàn, miệng thì chào sếp mà mắt thì nhìn trộm người khác.
Nhưng thật xui cho đám người nhiều chuyện vì cái gối nhỏ đã che kín gương mặt cô nên mấy camera đành bó tay nhìn tạm vóc dáng.
Nguyên Phong vẫn bình thản làm việc của mình.
Một lúc sau, anh thấy đám nhân viên của mình im hơi lặng tiếng, anh ngước lên, bắt gặp ánh mắt đói của bọn họ chằm chằm vào cơ thể Mặt Tâm, anh nghiến răng rít lên từng tiếng: "Từ giờ chưa được sự cho phép của tôi, ai vào thăm bệnh sẽ đuổi việc!"
Gì vậy chứ?
Mấy vị giám đốc bộ phận e dè nhìn anh, họ còn chưa biết nói sao để sếp bớt giận thì nghe vị sếp khó tính quát lớn: "Sao còn đứng đó?"
"Dạ, dạ, tụi em xin phép! Chúc Tổng giám...!"
"Rề rà quá!" Anh lại quát lên.
Thoáng thấy mặt sếp đã đen thui, đám người kia không dám chần chừ bèn nhìn thêm cô gái trên giường một chút, cười trừ rồi lượn nhẹ nhàng ra cửa.
Trong tích tắc không khí trong phòng đã dễ chịu hơn, Nguyên Phong nhìn người con gái ngủ say, khóe môi dần kéo căng một nụ cười.
Thật ra, vết thương trên đầu anh không sao gì cả, sức khỏe anh cũng bình thường.
Anh chỉ muốn tận dụng cơ hội ngàn vàng này để đưa cô về đô thành.
Trong lòng anh dù muốn dù không cũng thầm cảm ơn cơn mưa rừng và vụ sạt lở ngày hôm đó.
Bởi, một tuần ở viện, mẹ anh và Mặc Tâm như người một nhà.
Qua ánh mắt và lời nói, anh có thể nhận ra, mẹ anh rất thương Mặc Tâm.
Mà Mặc Tâm cũng luôn yêu thương, chăm sóc cho bà từng li, từng tí.
Giữa hai người có một sợi dây vô hình dần kéo khoảng cách ngắn lại.
"Mặc Tâm, để hôm nào xuất viện, mẹ đưa con đi dạo trung tâm thương mại!" Bà muốn sắm sửa cho con dâu ít quần áo đẹp, trang sức và mĩ phẩm.
"Dạ, không cần đâu mẹ!" Mặc Tâm hồi nào đến giờ có biết trung tâm đó ra sao? Ra đường lớ ngớ người ta lại cười.
Thôi ở nhà cho lành.
"Không cần là thế nào? Con là con gái phải ăn mặc đẹp và chăm chút nhan sắc!" Bà quyết định cùng cô hòa nhịp vào cuộc sống mới.
"Nhưng..."
"Anh thấy mẹ nói đúng! Em nên nghe theo mẹ!" Nguyên Phong muốn tạo cơ hội cho cô và mẹ được gần gũi với nhau hơn.
Mẹ chồng và con dâu có hòa hợp thì gia đình mới có phúc khí, thuận hòa, êm ấm.
Bản thân người ở giữa vừa làm chồng, làm con như anh cũng vui lây.
Anh đã nói vậy thì thôi cô ngoan ngoãn nghe lời.
Qua lần tai nạn này, cô chợt nhận ra: Cuộc sống quá vô thường.
Cùng người mình yêu thương vui vẻ bên nhau mới là điều trân quý.
Cô nhìn mẹ anh mỉm cười: "Đợi mẹ khỏe rồi mình cùng đi!"
Họ nhìn nhau trao nhau ánh mắt yêu thương, nụ cười vui vẻ.
Cảnh trong phòng bệnh bên này thật là ấm áp.
Còn bên kia, ông Đường cũng dần hồi phục.
Được sự chăm sóc nhiệt tình của ông bạn già, ông Đường ngày càng khỏe hơn.
Hằng ngày, hai ông cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi cờ, đưa nhau đi dạo khiến mọi khúc mắc trong lòng họ dần tiêu tan.
"Anh Đường, sau đám cưới tụi nhỏ, tui và anh quăng vợ con hết đi, tụi mình cùng đi nghỉ dưỡng!" Ông Trần mệt mỏi nằm lên giường ông sui.
"Được!" Ông Đường cười ha hả đồng ý.
Cũng đã đến lúc ích kỉ nghĩ cho riêng mình.
Hưởng thụ chút cuộc sống an lành.
Ai dè...
Ý nghĩ quăng con bỏ vợ của hai ông già đã có người phá đám.
"Ai cho mấy ông quăng vợ lén đi hả?" Là giọng của Bùi Yên Thắm.
Ông Trần ngồi bật dậy.
Ông thật không thể ngờ, người vợ đã biệt tích hơn ba năm nay, thình lình xuất hiện ở cửa làm ông sững cả người.
Ông nhớ ngày ông đưa đơn li hôn, bà ta không những không kí còn cầm lên xé nát rồi ngay sau đó gom quần áo bỏ đi biệt dạng.
Thời gian như nước chảy mây trôi, mới đó mà đã chừng ấy thời gian.
Nay gặp lại bà ta, ông Trần cứ ngỡ mình nằm mơ.
"Ngọn gió nào đưa bà về đây?" Ông thật không thể tin.
Bùi Yên Thắm chẳng nói tiếng nào liền bước tới thẳng tay kéo áo ông lên.
"Nè, nè...bà làm gì vậy hả?" Ông Trần thất kinh mà ông Đường cũng chẳng hiểu bà ta định làm gì?
Trấn lột đòi nợ sao?
"Ông bị thương chỗ nào?" Sau khi kiểm tra sau lưng, trước bụng, trên đầu không có thương tích, bà ta chợt nhìn thẳng vào mắt ông Trần hỏi.
Ông Trần sừng sờ.
Ông không hiểu lắm.
Thấy ông cố ý không nói, bà ta đẩy thẳng tay, ông Trần nằm thẳng chân xuống giường.
Bà ta toan kéo chiếc quần ông xuống: "Ông không chịu nói thì để tôi tự kiểm tra!"
Đến lúc này thì ông Trần đã hiểu.
Ông đưa tay giữ chặt chiếc quần hét lên: "Bà hiểu lầm rồi! Người bị thương là anh Đường chứ không phải tôi!"
Thì ra, đứa cháu họ hàng của Bùi Yên Thắm làm trong bệnh viện nghe tin dượng mình ở phòng số 401, phòng ông Đường nằm dưỡng bệnh, bị thương do đất đá đè, bèn lén chụp hình ông rồi gửi qua cho bà ta báo tin.
Bùi Yên Thắm đang nghỉ dưỡng ở một resort hay tin cấp tốc về thẳng bệnh viện.
Mấy năm qua, bà những tưởng lòng đã nguội lạnh.
Nhưng không phải vậy! Khi nghe tin ông bị tai nạn, tim bà đau thắt lên từng cơn, bà biết được: mình còn yêu chồng biết bao nhiêu.
Thế là, bà gạt bỏ sỉ diện, ném bỏ lòng kiêu hãnh quyết quay về chăm sóc chồng.
Giờ thì hay rồi! Người bị thương là chồng người khác.
Bà bực bội quát: "Vậy tại sao ông nằm trên giường bệnh?" Bà không nhầm mới là lạ.
Ông Trần thấy bà vợ chua ngoa của mình lại giở thói ngang ngược, ông lí nhí: "Dù sao đây có phải giường bà đâu?" Ông mệt thì nằm thôi.
Bà Bùi Yên Thắm bí lời, bà quay sang ông Đường: "Anh thấy trong người thế nào?"
"Cảm ơn thím! Nhờ có chú ấy, tôi khỏe hơn rồi!"
"Vậy thì tốt! Anh ráng ăn uống, dưỡng bệnh thật tốt để mau chóng về nhà!" Nói xong bà quay lưng đi ra cửa.
"Bà đi đâu đấy?" Ông Trần hoảng hốt nhảy xuống giường chạy theo.
Tại khúc cua hành lang, ông đã theo kịp Bùi Yên Thắm.
"Bà về rồi thì đừng đi nữa!" Ông Trần bất chợt đề nghị.
"Về?" Bà quay sang nhìn ông: "Tôi có đi đâu mà về?"
"Ủa? Vậy là sao?" Ông Trần không hiểu gì cả.
"Bấy lâu nay tôi vẫn ở đây! Người đi chỉ có ông thôi!" Bà nói rõ từng tiếng.
Thì ra, ngày đó bà chỉ bỏ đi du lịch để lấy lại thăng bằng cảm xúc, bình tâm suy nghĩ thật kĩ.
Nào ngờ, khi quay về...
"Ông trở về có định đi nữa không?" Bà hỏi luôn.
Ông Trần qua từng ấy năm, dường như cũng thấm thía bao chuyện đời nên ông không do dự nói luôn: "Tôi không đi nữa!"
"Vậy về nhà đi!" Bà ta đề nghị.
"Nhưng..."
"Đưa con bé cùng về! Tôi sẽ bù đắp lỗi lầm năm xưa cho con bé!" Bà ta nói xong, lén lau giọt nước mắt ăn năn lăn ra khóe mắt rồi xoay người rời đi..