- Theo ý ông, thưa ông Đêgrê, vì sao một nhà quý tộc giấu tên lại muốn tặng tôi một tòa lâu đài với một khoản trợ cấp một trăm nghìn livrơ?
- Hãy tin tôi, - Người luật sư đáp, - tôi nghĩ rằng đó là vì cùng một lý do khiến bản thân tôi có thể đề nghị tặng Phu nhân một khoản trợ cấp một trăm nghìn đồng livrơ.
Angiêlic nhìn ông ta chằm chằm, rồi mặt nàng bỗng hơi đỏ lên dưới luồng mắt táo bạo của người luật sư trẻ. Nàng chưa bao giờ nghĩ tới ông ta dưới cái ánh sáng đặc biệt này. Không phải là không có sự xao xuyến khi nàng nhận thấy rằng bộ quần áo sờn cũ của ông ta nhất định che giấu một thân hình lực lưỡng, cân đối. Ông ta không đẹp trai vì mũi to và răng không đều, nhưng có bộ mặt sinh động. Biện lý Phalô nhận xét về ông: ngoài tài năng và sự uyên bác, ông ta thiếu tất cả những cái khác cần phải có để trở thành một thẩm phán được kính trọng. Ông không đi lại chơi bời gì nhiều với các đồng sự, mà tiếp tục la cà hàng quán y như thời còn là sinh viên. Chính vì thế, ông ta được giao một số vụ kiện đòi hỏi phải đến điều tra ở những địa điểm mà các vị luật sư của quý tộc ở phố Xanh-Lăngđri ngần ngại không muốn tới, vì sợ bị cám dỗ mất cả linh hồn.
- Đây là vấn đề khác hẳn điều ông nghĩ. - Angiêlic nói - Tôi đặt lại câu hỏi cho rõ ý: vì sao có người đã hai lần tìm cách ám sát tôi, một phương pháp chắc chắn nhất để buộc tôi im lặng?
Khuôn mặt người luật sư bỗng sa sầm. Ông ta bỏ kiểu ngồi thản nhiên ở đầu bàn trong văn phòng ông Phalô, tới ngồi nghiêm chỉnh trước mặt Angiêlic.
- Tôi cần nói rõ với bà rằng tôi chỉ có thể gỡ mối bòng bong này nếu bà cung cấp cho tôi m
i sự kiện liên quan. Nói gọn lại, tôi rất thiết tha được bà trả lời câu hỏi này...
Người luật sư đứng lên xem chừng cửa phía sau, rồi quay lại hỏi khe kh
- Trong các điều bà và ông nhà biết, có điều gì khiến cho một người trong số những nhân vật chóp bu ở vương quốc này phải khiếp sợ? Tôi muốn nói tới ngài Phukê.
Đôi môi Angiêlic bỗng tái nhợt đi. Nàng kinh ngạc tròn xoe mắt nhìn ông Đêgrê. Ông này nói:
- Được lắm, tôi thấy có điều gì đây. Trong lúc này, tôi vẫn còn ngờ tin tức của một người đi điều tra được gài vào nơi gần gũi ngài Madaranh. Nhưng có một điều tra viên khác đã giúp tôi lần theo mối tìm ra một tên đầy tớ tên là Clêmăng Tonen, tên này từng là người hầu hạ Hoàng thân Côngđê...
- Và đã có lần làm quản gia trong lâu đài chúng tôi, ở Tuludơ.
- Đúng thế. Tên này có quan hệ với ngài Phukê. Thật ra, hắn chỉ làm việc cho một mình ông này thôi, tuy rằng thỉnh thoảng cũng có kiếm chác thêm ít nhiều từ ông thầy cũ là ông Hoàng thân, có lẽ bằng cách dọa dẫm. Đây là câu hỏi thứ hai: qua người nào làm trung gian mà bà nhận được đề nghị cung cấp cho bà mọi phương tiện để ăn ở một cách vương giả?
- Thông qua phu nhân Bôve.
- Mụ Catơ một mắt! - ... thôi, đã rõ như ban ngày. Vụ này có bàn tay ngài Phukê. Ngài này trả cho mụ già những khoản tiền kếch xù để moi được mọi chuyện kín ở triều đình. Xưa nay, mụ vẫn được Giáo chủ Madaranh cấp tiền nhưng Đức vua tỏ ra không hào phóng bằng ngài tổng thanh tra tài chính. Tôi phải nói thêm rằng tôi đã dò ra dấu vết một ông lớn đã thề đè bẹp Bá tước Perắc và diệt cả chính phu nhân nữa.
- Đó là ai vậy?
- Đức ông, em ruột Vua.
Angiêlic kêu lên:
- Ông điên rồi ư?
gười luật sư trẻ nhăn nhó:
- Dễ chừng bà nghĩ là tôi ăn không số tiền 1500 đồng livrơ của bà ư? Nếu những tin tôi thu được mà phải trả tiền rất đắt, là vì tin đó luôn luôn chính xác. Chính ông em ruột Đức vua đã cài bẫy ở điện Luvrơ để tìm cách cho bọn chúng ám sát bà. Tôi thu được tin này từ miệng chính tên côn đồ đã đâm chết chị hầu Macgô của bà, tôi đã phải chi tiền mua cho hắn tới mười chai rượu nho ở quán Con gà đỏ, hắn mới phun ra đấy.
Angiêlic kể lại cho Đêgrê câu chuyện kỳ lạ, nàng đã tình cờ chứng kiến ở lâu đài Plexi-Belie mấy năm trước.
Người luật sư nói:
- Tôi xin tóm tắt tình hình: Cô tiểu thư Angiêlic Xăngxê, tức phu nhân đây, hồi còn nhỏ đã bị nghi ngờ là nắm giữ trong tay một điều bí mật đáng sợ. Hoàng thân Côngđê hoặc ngài Phukê ra lệnh cho tên người ở Clêmăng Tonen do thám Phu nhân. Hắn ta đã theo dõi bà trong nhiều năm. Cuối cùng hắn đã biết chắc chắn được một điều mà trước đó mới chỉ là một điều nghi vấn: hắn biết chính bà là người đã làm cho hộp gỗ đựng thuốc độc biến mất; và chỉ có bà và ông nhà biết được nơi cất giấu bí mật chiếc hộp gỗ đó. Viên quản gia của bà đã đến xin gặp ngài Phukê và bán tin ấy lấy nhiều tiền. Kể từ đó, số phận bà đã được định đoạt. Tất cả những ai gắn bó lợi ích của mình với vận mệnh ngài tổng thanh tra Phukê, tất cả những ai lo sợ bị mất các khoản trợ cấp hay mất đi những đặc ân của Triều đình, thì đều hợp sức với nhau chống lại nhà quý tộc ở Tuludơ là người có thể bất cứ lúc nào đến yết kiến Đức vua và nói: “Xin tâu một việc tôi được biết”. Đúng lúc này, nổ ra cái âm mưu ngu ngốc do Đức cha Tổng giám mục Frôngtơnác giật dây. Ông Bá tước Perắc cần được bắt giam vì tội phù thủy. Đức vua đã được thuyết phục để cho bắt. Chính Vua đã ghen tức với nhà quý tộc cự phú đó. Thế là việc ổn rồi! Cửa ngục Baxtiơ đã mở ra đón Bá tước Perắc vào rồi đóng sập lại, mọi người liên quan có thể thở phào nhẹ nhõm.
- Không! - Angiêlic nói với vẻ dữ tợn - Tôi sẽ quyết không để cho bọn chúng thở phào đâu. Tôi sẽ chọc trời khuấy đất để giành lại công lý. Tự tôi sẽ đến thưa với Đức Vua đầu đuôi vì sao vợ chồng tôi có nhiều kẻ thù như vậy.
- Khoan đã! - Ông Đêgrê vội ngăn. - Xin đừng để mình bị kích động như thế. Bà đang cầm trong tay một khối thuốc nổ vậy hãy coi chừng kẻo nó lại nổ tung làm chính Phu nhân bị nguy khốn trước tiên! Có cái gì bảo đảm được với ta rằng Đức vua hay cả Madaranh lại chẳng biết hết mọi chuyện cả rồi!...
- Nhưng chắc chắn lắm chứ. - Angiêlic phản đối - đó chính là hai nạn nhân đã được chọn trước làm mục tiêu cho cái âm mưu cũ đó. Giáo chủ Madaranh trước tiên cần được ám sát, rồi, nếu có thể cả Đức vua và em trai vua nữa cũng cần được khử đi!
- Vâng, tôi hiểu, thưa phu nhân. Tôi xin công nhận bà lý luận như vậy là hợp với lôgic. Nhưng bà nghĩ xem: những âm mưu của bọn người có quyền thế họp thành một thứ ổ rắn hổ mang. Người ta sẽ dấn thân vào chỗ chết nếu cố tìm cách khám phá những tình cảm thật của bọn họ. Rất có thể Ngài Madaranh đã đánh hơi được chuyện đó nhờ việc cài bọn gián điệp hai mặt vào trong một màng lưới tình báo riêng của Giáo chủ. Nhưng thử hỏi ông Madaranh có cần quan tâm nhiều tới một thời quá khứ mà rốt cuộc đã làm cho ông ta thành người chiến thắng không? Ngài Giáo chủ đã phải bận bịu nhiều trong việc thương lượng với người Tây Ban Nha về vấn đề khôi phục địa vị của Hoàng thân Côngđê. Đó không phải là lúc ghi thêm một trọng tội nữa vào một hồ sơ đang sắp được xóa thành trắng án. Vậy là giáo chủ đã giả điếc làm ngơ. Bọn người kia muốn bắt giam nhà quý tộc ở Tuludơ ư? Được, cứ để cho họ làm! Đức vua cũng là quá sẵn sàng nghe theo lời khuyên của giáo chủ; vả lại dù sao thì chắc Hoàng thượng cũng thấy chướng tai gai mắt trước khối tài sản đồ sộ của ông nhà. Thế là, việc xin Đức vua ký cho một bức thư đóng dấu để tống giam vào ngục Baxtiơ trở thành dễ dàng như trò chơi của trẻ con...
- Nhưng còn ông em ruột của Vua?
- Đức ông à? Đúng, ngài này cũng không bận tâm gì nhiều về chuyện Ngài Phukê trước kia định làm gì đối với ông ta khi ông ta còn nhỏ tuổi. Chỉ hiện tại là đáng kể đối với ông ta mà thôi. Mà hiện tại thì, ngài Phukê đang quan tâm làm cho ông ta được mát mặt. Đức ông nhỏ này chưa từng được Thái hậu và Đức vương huynh nuông chiều gì lắm. Bây giờ Đức ông sẽ sợ run lên nếu vạn nhất người che chở cho ông ta bị “liên quan” . Tóm lại, toàn bộ câu chuyện rắc rối cũ sẽ được dọn dẹp ổn thỏa, nếu như Phu nhân không xuất đầu lộ diện. Bọn họ đã hi vọng rằng, khi mà bà đã mất ông nhà là nơi nương thân, bà sẽ bỏ đi xa, không làm rùm beng gì... đi đâu không ai biết. Không ai cần biết bà đi đâu. Không người nào cần biết đến số phận của người vợ mà người chồng quý tộc đã bị thất sủng. Những bà vợ như vậy thường thường có đủ sự tế nhị để biến đi không còn tung tích. Có thể là họ vàou viện, có thể là họ sẽ đổi họ đổi tên. Chỉ có riêng phu nhân không chịu theo lệ chung đó. Bà lại đòi công lý!... Thật là đỉnh cao của sự hỗn xược, đúng không nào? Vì vậy, đã hai lần rồi, họ tìm cách giết bà. Rồi thì thất vọng, ông Phukê đã dùng màn kịch quỷ dữ cám dỗ...
Angiêlic thở dài:
- Thật ghê sợ, - nàng nói khẽ - Tôi quay về đâu cũng chỉ thấy toàn là kẻ thù, toàn là những con mắt hằn học, ghen tị, nghi ngờ, đe dọa...
- Bà hãy nghe tôi, có lẽ chưa phải đã mất tất cả đâu. - Ông Đêgrê nói - ông Phukê mở cho bà một lối thoát danh dự. Họ sẽ không trả lại cho bà cơ nghiệp của ông nhà, nhưng ít nhất họ để bà sống sung túc, bà còn muốn điều gì hơn thế?
- Tôi muốn có chồng tôi! - Angiêlic kêu to và giận dữ đứng lên.
Người luật sư nhìn nàng với vẻ mỉa mai:
- Quả thật bà là một con người rất kỳ lạ.
- Còn ông, ông là kẻ nhát gan! Thật ra, ông đang run lên khiếp sợ, chẳng khác gì tất cả bọn chúng.
- Đúng là tính mạng của một luật sư nghèo túng có đáng kể gì dưới con mắt của những người đầy quyền thế.
- Được, hãy giữ lấy các tính mạng đáng giá mười xu của ông! Giữ lấy mạng sống để bênh vực chủ hàng tạp hóa bị người làm công ăn cắp, bênh vực người thừa kế bị tước đoạt gia tài. Tôi không cần đến ông.
Người luật sư đứng lên không trả lời, mà dừng lại để vuốt thẳng một tờ giấy nhàu:
- Đây là bản kê những khoản tôi đã tiêu. Bà đọc sẽ thấy là tôi đã không giữ lại khoản tiền nào cho riêng mình.
- Dù ông là người thật thà hay là kẻ bịp bợm, điều đó tôi không quan tâm.
- Xin có một lời khuyên nhỏ nữa.
- Tôi không cần ông khuyên bảo. Tôi sẽ nhờ anh rể tôi khi cần hỏi điều gì.
- Anh rể bà không thiết tha gì việc phải đứng hẳn về một bên nào trong vụ gay cấn này. Vì vậy tôi xin nói thêm với bà một điều: hãy tìm cách xin Đức vua cho gặp.
Ông ta cúi chào thật thấp, đội chiếc mũ dạ tàng lên đầu, rồi lại quay lại nói:
- Nếu cần đến tôi, xin bà cho tìm tôi tại quán “Ba cái vồ”, là nơi tối nào tôi cũng có mặt.
Khi ông ta đi rồi, Angiêlic bỗng muốn khóc òa lên. Bây giờ nàng hoàn toàn cô độc. Nàng có cảm giác một bầu trời đầy giông tố, sấm sét đang ụp lên đầu mình, thấy từ bốn phía chân trời những đám mây đen đang ùn ùn kéo tới: nào là tham vọng của Đức cha Tổng giám mục Frôngtơnac, nỗi lo sợ của các ngài Phukê và Côngđê, sức ì của giáo chủ, và ngay bên cạnh nàng, những mối nghi ngại của anh rể và chị ruột, họ đang sẵn sàng xua đuổi nàng ra khỏi nhà ngay khi có những dấu hiệu rắc rối đầu tiên.
Ở ngoài phòng đợi, Angiêlic gặp Ooctăngxơ, với một chiếc áo choàng trắng buộc ngang tấm lưng gầy. Cả căn nhà sực nức mùi các quả dâu và cam nấu với đường: tháng chín là lúc các bà nội trợ lo xa làm mứt dự trữ.
Đang mải bưng một bánh đường to quý giá, Ooctăngxơ vấp phải ngay bé Phlôrimông vừa đi từ trong bếp ra vừa lắc rối rít cái trống bỏi bằng bạc có ba quả chuông bé xíu. Chỉ cần thế thôi là đủ làm nổi cơn giông bão.
- Chúng tôi phải sống chen chúc và bị liên lụy rắc rối thế này, chưa đủ khổ hay sao - Ooctăngxơ hổn hển nói - Tệ hơn nữa, hễ tôi cứ đi làm công việc gì thì y như là bị xô đẩy, và đinh tai nhức óc không sao chịu nổi. Đầu tôi muốn vỡ ra mất thôi! Và trong lúc tôi phải làm quần quật, thì phu nhân đây lại có thì giờ tiếp ông luật sư của mình hoặc đi dạo chơi ngoài phố, lấy cớ là để tìm cách đòi thả một ông chồng khủng khiếp!
- Chị đừng kêu gào nhiều quá như vậy! Tôi rất muốn giúp chị một tay để làm kẹo mứt.
Ooctăngxơ với bánh đường trên tay, vươn thật thẳng người lên, và tuyên bố hùng hổ như một nữ diễn viên bi kịch:
- Không bao giờ, không bao giờ tôi để cho cô nhúng tay vào món ăn tôi nấu cho chồng và các con của tôi! Tôi chưa quên được rằng cô có người chồng là tay sai cho quỷ dữ, là kẻ cho bùa mê, kẻ pha chế thuốc độc. Cô lẽ ra phải hiểu rằng đã ở lại nhà tôi quá lâu rồi. Lúc đầu cô chỉ là nghỉ lại một đêm thôi...
- Tôi bảo đảm với chị rằng tôi đang cố sức làm cho tình hình được sáng tỏ...
- Tất cả các sự đi lại, chạy vạy ấy rút cuộc sẽ làm người ta chú ý đến cô và rồi chính cô sẽ bị bắt giam mà thôi.
Angiêlic thở dài, vẻ mệt mỏi:
- Thôi được, lại đây với mẹ, Phlôrimông. Con thấy không, con đang làm cho bác Ooctăngxơ nhức đầu đấy.
Cậu bé phóng ra chỗ mẹ, tay vẫn lắc cái trống bỏi xinh xắn.
- Còn cái trống bỏi này! - Ooctăngxơ tức giận kêu lên - Không bao giờ các con tôi có đồ chơi như thế này. Cô vẫn kêu ca là không còn tiền nữa, vậy mà lại đi mua cho con mình đồ chơi kỳ quái này.
- Cháu nó thích cái trống ấy quá. Mà cũng không đắt mấy.
- Trước khi đi mua sắm thứ gì hiếm lạ, cô chớ quên rằng cô đã sa sút, mà tôi thì cũng không có ý định báo cô mẹ con cô.
- Tôi không yêu cầu chị làm thế - Angiêlic nhăn mặt buồn bực - Ngay sau khi ông Angđigiô trở về đây, tôi sẽ rời đến quán trọ
Ooctăngxơ nhún vai cười thương hại.
- Rõ thật là, cô lại còn ngờ nghệch hơn là tôi tưởng. Cô hoàn toàn không hiểu biết tí gì về pháp luật và cách thức tòa án hoạt động. Ông ta sẽ chẳng mang gì về cho cô được gì cả đâu, ngài Hầu tước Angđigiô của cô ấy mà.
Lời đoán trước bi quan của Ooctăngxơ hóa ra lại quá chính xác. Khi ông Angđigiô có người đầy tớ trung thành là Cuaxi-Ba đi theo, trở về đây, ông ta báo tin cho Angiêlic là ở Tuludơ, toàn bộ tài sản của Bá tước Perắc đều đã bị niêm phong. Ông ta chỉ có thể mang về cho Angiêlic một nghìn đồng livrơ, là tiền cho vay, với điều kiện giữ bí mật, của hai chủ trại cấy rẽ cho Bá tước Perắc. Hầu hết đồ trang sức của nàng, các bát đĩa bằng vàng và bạc và phần lớn của cải đáng giá trong Lâu đài học vui, kể cả những quặng vàng quặng bạc, đều đã bị tịch thu và chuyển một phần về Tuludơ, một phần về Môngpơliê.
Ông Angđigiô có vẻ bối rối.
- Bây giờ ông định làm gì? - Angiêlic hỏi.
- Lưu lại Pari một thời gian, giống như phu nhân, phương tiện tài chính của tôi có hạn. Tôi đã phải bán một trang trại cũ và chuồng chim bồ câu đi. Có lẽ tôi có thể xin được bổ nhiệm một chức vụ gì đấy trong triều đình...
Tiếng nói thường ngày sang sảng của ông ta nay thành uể oải, buồn bã tựa như lá cờ rũ.
- Tôi không mong muốn làm cho ông lây chuyện rắc rối - Angiêlic nói - xin cảm ơn ông đã hết lòng giúp đỡ, thưa Hầu tước Angđigiô. Tôi chúc ông nhiều may mắn ở triều đình.
Ông Angđigiô hôn tay nàng và lặng lẽ ra đi, hơi ngượng ngập. Ở phòng đợi, Angiêlic mở to mắt nhìn cửa ra vào có quét sơn của nhà ông biện lý. Nhiều người giúp việc của nàng đã bỏ đi qua cửa nhà này! Mắt họ cụp xuống, nhưng họ như trút đi được gánh nặng khi rời bỏ bà chủ bị hoạn nạn của mình.
Dù sao, một nghìn đồng livrơ cũng là một số tiền đáng kể. Đêm hôm sau, Angiêlic quyết định rời khỏi nhà chị vì không khí ở đây đã đến mức không thể chịu nổi. Nàng sẽ đưa đi theo cô hầu gái nhỏ tuổi quê ở Bêacnơ cùng với Cuaxi-Ba. Nàng chắc sẽ tìm được một cái quán trọ xoàng xĩnh nào đó. Nàng còn lại một vài thứ nữ trang cùng với tấm áo dài dát vàng. Không hiểu có thể bán mấy thứ đó được bao nhiêu tiền?
Đứa con mà nàng đang mang thai đã bắt đầu động đậy. Sau phút vui mừng đầu tiên này, nàng mới nhận ra rằng việc mình sinh đứa con thứ hai vào giữa lúc này sẽ gần như là một tai họa. Dù sao, không nên nhìn quá xa về tương lai như vậy, vì nàng cần giữ được sự vững tâm của mình.
Ngày hôm sau mang lại một tia hi vọng. Công nương Môngpăngxiê cử đến một thiếu niên tùy tùng ăn mặc chế phục lộng lẫy, với những thứ tô điểm băng vàng và nhung đen. Đệ nhất công nương yêu cầu Angiêlic đến gặp bà vào buổi chiều này. Cậu thiếu niên nói rõ là Công nương không còn ở điện Tuylơri mà nay ở điện Luvrơ.
Vào giờ đã hẹn, Angiêlic đi qua cầu Đức bà, run run vì nóng ruột. Nàng đi tới tòa lâu đài đồ sộ mà những mái và vòm tròn với những ống khói cao mang quốc huy vươn lên bầu trời nóng ngột ngạt.
Đi qua sân trong rồi trèo lên những cầu thang bằng cẩm thạch rộng thênh thang. Angiêlic tới khu vực mà người ta chỉ cho nàng là nơi ở của Công nương. Nàng không thể giữ cho mình khỏi run rẩy khi lại thấy ở trong những hành lang dài thăm thẳm, trông vẫn đáng sợ, mặc dù các trần nhà đều dát vàng và các bức tượng có bọc những tấm gỗ kẻ hoa và treo những tranh, thảm quý. Đáng sợ vì có quá nhiều bóng tối dày đặc ở những góc tường thụt vào, thuận tiện cho những chuyện phục kích và âm mưu đen tối.
Một người quý tộc báo cho Angiêlic là Công nương đang ở phòng vẽ của họa sĩ riêng của bà và dẫn nàng đến đó.
Người họa sĩ đang vẽ chân dung Công nương Môngpăngxiê là một người Hà Lan có bộ râu đẹp, đôi mắt xanh tinh nhanh và nước da hơi tái.
Công nương Môngpăngxiê mặc tấm áo nhung xanh thẫm lộng lẫy tỏa xuống thành nhiều nếp gấp, trên người đầy nữ trang châu báu, dỡ một bông hồng trên mấy ngón tay. với Angiêlic:
- Tôi sẽ gặp cô ngay bây giờ, cô em cưng ạ. Ông Van Oxen, ông đã chấm dứt cuộc đầy ải tôi chưa đấy?
Người họa sĩ làu nhàu câu gì sau bộ râu của ông, và chiếu lệ quệt thêm vài vệt ánh sáng lên bức chân dung, vào chỗ để ngực trần của công nương, là phần bức tranh được ông ta chải chuốt âu yếm nhất. Trong khi cô hầu gái giúp Công nương mặc áo dài, ông họa sĩ trao những chiếc bút vẽ cho một cậu bé phụ việc.
Trong khi hai người đi dọc theo hành lang để về nhà ở của Công nương, bà này cấm lấy cánh tay Angiêlic nói với kiểu đột ngột quen thuộc của bà:
- Cô em yêu quý, tôi đã hi vọng rằng, sau một vài cuộc điều tra, tôi có thể nói với cô rằng tất cả chẳng qua chỉ là một sự hiểu lầm đối với ông Bá tước của cô mà thôi... Nhưng bây giờ tôi sợ rằng vụ này có thể sẽ kéo dài và khá phức tạp.
- Thưa Công nương, vì lòng thương, bà đã biết được tin gì vậy?
- Hãy vào phòng tôi, xa những cái tai tò mò đã.
Sau khi hai người ngồi xuống ghế cạnh nhau, Công nương nói tiếp:
- Thật ra, tôi biết được rất ít, nếu không kể đến những chuyện tán ngẫu quen thuộc ở triều đình. Tôi phải nói rằng: chính việc không có tin tức đó lại có vẻ đáng lo ngại, theo ý tôi mọi người không biết gì cả hoặc đều là không muốn biết gì cả.
Hạ thấp giọng, bà nói thêm với một chút do dự:
- Ông nhà bị buộc vào tội phù thủy. Điều này không nghiêm trọng gì lắm, và vấn đề lẽ ra đã được giải quyết ổn thỏa không có khó khăn, nếu như ông ấy đã được giao cho một tòa án của Nhà thờ xét xử, theo đúng tính chất của tội phạm được nêu ra. Nhưng, mặc dù lời buộc tội có tính cách đặc biệt như thế, ông nhà lại được giao cho tòa án bên đời xét xử. Mà đối với thứ công lý này, tôi không có chút ảo tưởng nào. Nếu quả thật v này đưa ra tòa án xét xử - điều này chưa chắc chắn xảy ra - thì kết quả sẽ chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào tính cách của những thẩm phán được tuyên thệ để xét xử.
- Thưa công nương, có phải bà muốn nói rằng các thẩm phán của tòa án bên đời có thể tỏ ra thiên vị không ạ?
- Cái đó tùy thuộc vào vấn đề: những ai được chọn để xét xử.
- Và ai sẽ chọn họ?
- Đức vua.
- Ôi!
- Chắc là ông nhà đã biết được một điều gì đó. Dù sao đi nữa, chỉ một mình Đức Vua có thể can thiệp được. Ôi, Đức vua không phải là người ta có thể dễ dàng vận động được. Ông đã được giáo chủ Madaranh rèn luyện về thuật ngoại giao của người Florăngxơ. Người ta có thể thấy trên mặt Đức vua một nụ cười hay thậm chí một giọt nước mắt - vì Ngài vốn tốt bụng - trong lúc Ngài đang chuẩn bị lưỡi dao găm để hạ thủ một người bạn.
Thấy Angiêlic tái mặt đi, Công nương quàng tay vào vai cô và nói vui:
- Tôi nói đùa đấy, như mọi khi thôi, đừng tưởng là thật. Bây giờ ta sang vấn đề quan trọng nhất: cô có muốn được yết kiến Đức vua không?
Angiêlic gần như đã kiệt sức vì quá căng thẳng thần kinh trước hàng loạt tin dồn dập, cả vui lẫn buồn. Nàng sụp xuống chân đệ nhất Công nương. Cả hai người cùng xúc động ứa nước mắt. Sau đó công nương báo cho nàng biết là cuộc tiếp kiến Nhà vua cực kỳ hệ trọng này đã được quyết định: Hoàng thượng sẽ tiếp phu nhân Perắc trong hai giờ nữa.
Không lo sợ trước tin đó, Angiêlic trái lại cảm thấy mình rất bình tĩnh. Thế là, ngày hôm nay đây sẽ là ngày quyết định.
Không còn thì giờ để quay về khu Xanh Lăngđri nữa, Angiêlic xin công nương cho phép mình được s dụng son phấn của bà để sửa sang cho được chỉnh tề.
Ngồi trước gương ở bàn trang điểm, Angiêlic tự hỏi: mình còn đủ xinh đẹp để gây được cảm tình đối với Nhà vua hay không? Sau khi tự ngắm nghía mình kỹ lưỡng, nàng tự nhủ thầm: khuôn mặt trái xoan của mình với những vệt tím nhạt quanh mắt khiến cho đôi mắt thành to hơn, không phải là không dễ thương.
Nàng dùng một chút phấn son trang điểm thêm thật nhẹ và để chị hầu phòng chải lại mớ tóc cho mình. Một lát sau, nàng soi gương và thấy đôi mắt xanh biếc của mình sáng long lanh, nàng tự nhủ thầm:
“Không còn là mình nữa rồi! Nhưng dù sao, đây cũng là một phụ nữ xinh đẹp. Ồ, Đức vua không thể lạnh lùng mãi được. Nhưng than ôi, mình không được kính cẩn lắm đối với ngài. Cầu Chúa, hãy cho tôi thành kính cẩn, khiêm nhường!”.