Tình sử Angélique

Khi nàng tỉnh dậy, làn khói thuốc vẫn dày đặc trong quán ăn. Angiêlic cựa quậy và nhận thấy má mình đặt trên một cái gối cứng, thật ra là đầu gồi của người luật sư trẻ. Thân nàng nằm duỗi trên chiếc ghế dài. Nàng trông thấy khuôn mặt Đêgrê: đôi mắt lim dim, ông tiếp tục ngồi hút thuốc, vẻ mơ màng.
Angiêlic vội nhỏm dậy, nhưng vì nhanh quá, bụng hơi nhói đau làm nàng nhăn mặt:
- Ồ, tôi xin lỗi. - Nàng lắp bắp- Tôi… tôi chắc làm phiền ông quá.
- Bà ngủ có say không ạ? Ông hỏi với giọng lè nhè, uể oải hơi say. Trước mặt ông, cái cốc vại hầu như đã cạn hết rượu.
Xécbalô và Gôngtơrăng, khuỷu tay đặt lên bàn, trông cũng có vẻ say. Thiếu phụ nhìn về cửa sổ, và nhớ mang máng có điều gì khủng khiếp vừa xảy ra. Nhưng nàng chỉ thấy ánh sáng mờ mờ của buổi ban mai, với những giọt mưa rơi thấm ướt những ô cửa kính.
Từ phòng sau, vọng ra tiếng chủ quán ra lệnh cho người làm công và tiếng hàng loạt phuy rượu lớn lăn rầm rầm trên sân gạch
Giật mình thức giấc, Xécbalô vùng đứng lên, và bất thình lình rút gươm ra hét:
- Thưa quý vị, tất cả hãy nghe đây! Tôi sẽ lên đường chiến đấu, chống lại Nhà Vua!
- Im đi, ông Xécbalô! - Angiêlic hoảng sợ van xin.
Ông ta nhìn nàng ngờ vực, đôi mắt ngơ ngác của người say rượu chưa tỉnh hẳn.
- Bà không tin tôi sẽ làm việc ấy ư? Bà chưa hiểu rõ những người xứ Gaxcônhơ đấy mà, thưa phu nhân.
Vừa vung gươm, ông ta vừa bước ra cửa, vấp phải ngưỡng cửa và ngã dúi ngã dụi. Chẳng ai buồn để ý đến những câu lảm nhảm của ông ta. Đám khách ăn tiếp tục ngáy khò khò, còn chủ quán thì cùng với người bán rượu lẻ, đang quỳ gối trước các thùng phuy để nếm rượu nho trước khi ngã giá.
Gôngtơrăng dụi mắt, ngáp và nói:
- Lạy Chúa! Đã lâu lắm rồi tôi mới có một bữa chén no nê thế này! À, mà có phải chuông nhà thờ đang rung lên trong lễ cầu nguyện buổi sớm không đấy?
- Chắc đúng rồi, còn gì nữa! Đêgrê đáp.
Gôngtơrăng đứng lên vươn vai nói:
- Anh phải đi thôi, Angiêlic ạ, kẻo ông họa sĩ, ông chủ của anh, lại kì kèo. Cô nghe anh đây, hãy đi cùng với luật sư Đêgrê đến gặp anh Raymông ở tu viện Tămplơ. Tối nay anh sẽ ghé nhà Ooctăngxơ, mặc cho cô ấy mắng mỏ. Anh nhắc lại với cô lần nữa, hãy rời Pari đi. Nhưng anh biết rằng cô là con lừa bướng bỉnh nhất trong tất cả đàn la, đàn lừa mà cha chúng ta nuôi được từ trước tới nay…
- Chỉ trừ anh thôi! - Angiêlic đáp
Tất cả bọn cùng ra đi một lượt, theo sau là con chó có tên gọi là Xoócbon.
- Sáng dậy muốn được tỉnh táo, xin mời uống vài ngụm mặt trời! - Người bán rượu trắng rao lanh lảnh.
Gôngtơrăng gọi lại mua và nốc một hơi cạn cốc rượu mạnh. Rồi anh quệt môi, trả tiền, và sau khi hất mũ chào người luật sư và em gái mình, anh biến vào đám đông trông giống hệt những người lao động khác đang bắt đầu một ngày làm việc nặng nhọc mới.
“Hãy ngắm nhìn hai anh em nhà mình! - Angiêlic nghĩ thầm trong khi đưa mắt nhìn theo anh hòa vào đám bình dân. Những đứa con kế thừa dòng họ Xăngxê đã thành đạt giỏi giang thật! Bản thân tôi đến nông nỗi này là do hoàn cảnh bức bách, còn anh Găngtơrông, vì sao lại tự ý tụt xuống chỗ quá thấp hèn như vậy?”
Hổ thẹn thay cho anh mình, nàng đưa mắt nhìn Đêgrê, nói:
- Anh ấy luôn luôn là con người lập dị. Lẽ ra anh ấy có thể thành một sĩ quan, như mọi thanh niên quý tộc khác. Nhưng lúc nào anh ấy cũng chỉ thích trộn màu để vẽ thôi. Mẹ tôi thường kể chuyện, trước kia, khi có mang anh ấy, mẹ tôi đã mất cả tuần lễ để nhuộm đen tất cả các quần áo của gia đình, vì phải để tang ông bà tôi mà. Có lẽ việc anh ưa vẽ bằng bột màu có nguồn gốc như vậy chăng?
Đêgrê mỉm cười:
- Thôi ta hãy cùng đi đến gặp ông anh linh mục dòng Tên. - Ông nói - Để cho tôi được biết vị đại biểu thứ tư của dòng họ khác thường này.
- Ồ không, anh Raymông thì đúng là một đại biểu đáng kính nể.
- Tôi chỉ mong như vậy thôi, đó là vì lợi ích của phu nhân.
- Ông chẳng nên gọi tôi là phu nhân nữa. - Angiêlic nói - Hãy nhìn tôi xem, thưa luật sư Đêgrê
Nàng ngẩng mặt lên, một khuôn mặt nhỏ nhắn dễ gây xúc động, với nước da vàng vọt màu sáp ong. Nỗi mệt nhọc làm đôi mắt xanh màu ngọc bích của nàng sáng long lanh và chuyển thành màu sắc kỳ lạ của lá cây giữa tiết xuân. Nàng nói:
- Đức vua nói: Ta không muốn nghe nói đến tên bà nữa. Ông có biết một mệnh lệnh như vậy nghĩa là thế nào không? Có nghĩa là: không còn ai là phu nhân Perắc nữa. Tôi không được phép tồn tại nữa. Tôi thật sự không tồn tại nữa. Ông hiểu rồi chứ?
- Điều tôi hiểu hơn tất cả là: Bà đang ốm. - Đêgrê nói - Liệu bà có giữ nguyên câu nói quả quyết mà bà đã nói hôm nọ không?
- Câu gì vậy?
- Rằng bà không tin cậy chút nào đối với tôi.
- Giữa lúc này, ông là người duy nhất tôi có thể tin cậy.
- Vậy thì, ta đi thôi. Tôi sẽ dẫn bà đến một nơi để người ta săn sóc sức khỏe cho bà. Để đến gần vị linh mục dòng Tên đáng gờm này, trước hết bà phải làm chủ hoàn toàn được mọi năng khiếu của mình.
Ông cầm cánh tay nàng kéo đi qua đám đông giữa Pari buổi sáng. Tiếng ồn ào nghe điếc cả tai. Tất cả các người buôn bán đều đã xuất hiện cùng một lúc và đang reo inh ỏi.
Angiêlic phải vất vả lắm mới giữ được cho đám đông chen chúc, xô đẩy không chạm vào vết thương ở vai mình. Nàng nghiến chặt hàm răng để kìm giữ những tiếng rên rỉ đang dâng lên.
Đến phố Xanh-Nicôla, Đêgrê dừng lại trước tấm biển vẽ một chiếc chậu tắm to bằng đồng trên nền xanh thẫm: những đám mây hơi nước đang bốc hơi ra từ cửa sổ tầng dưới.
Angiêlic nhận ra đây là hiệu làm tóc và nhà tắm, và nảy ra ý muốn được ngâm mình trong bồn tắm nước nóng. Ông Gióocgiơ, chủ nhà mời hai người ngồi xuống ghế và xin họ chờ ít phút, vì bản thân ông ta đang cạo râu dở dang cho một anh pháo thủ.
Một lát sau, ông chùi lưỡi dao cạo vào áo choàng và tiến lại gần Angiêlic với nụ cười niềm nở.
Người luật sư bình tĩnh nói:
- Phu nhân trẻ tuổi này mới bị thương, tôi yêu cầu ông chủ săn sóc cho bà ấy đỡ đau. Sau đó, phu nhân muốn tắm cho dễ chịu trong người.
Angiêlic cảm thấy rất lúng túng vì phải cởi áo khoác trước hai người đàn ông. Nhưng nàng chưa kịp làm gì để phản đối, Đêgrê đã cởi áo ngực nàng, tự nhiên và dễ dàng như không hề bỡ ngỡ một chút nào trước các kiểu ăn mặc của phụ nữ. Rồi ông tháo dải lụa cho áo tụt xuống ngang lưng nàng.
Ông Gióocgiơ cúi gần lại, nhẹ nhàng tháo gạc bông và thuốc mỡ bọc quanh vết thương dài ở vai nàng do mũi gươm của công tử Loren đâm phải.
- Bác thấy vết thương thế nào? - Đêgrê điềm nhiên hỏi người thợ cạo râu, trong lúc Angiêlic nhăn mặt vì đau.
- Chẳng dữ mà cũng chẳng lành. Tôi thấy rõ ràng anh chàng nào băng bó vết thương này là kẻ cực kỳ dốt nát. Ta phải rửa sạch vết thương, và bôi thuốc mỡ mắt để làm dịu đau và lên da non.
Ông thợ cạo lục trên giá cao một bình thuốc mỡ.
Angiêlic như bị tra tấn, vì phải ngồi trần giữa cái cửa hiệu sặc sụa mùi thuốc và mùi các loại xà phòng này. Một khách hàng đến cạo râu, nhìn thấy nàng liền kêu lên:
- Ôi! Những nụ hồng xinh đẹp biết bao! Ước gì tôi có được những nụ hồng ấy trong tay vào lúc trăng lên nhỉ!
Vâng theo hiệu lệnh kín đáo của Đêgrê, con chó Xoócbon đang nằm phục dưới chân chủ bỗng đứng lên và nhảy vọt đến cắm mấy răng nanh nhọn hoắt vào bắp chân lão khách vừa đến.
- Ối! Ối! Cứu tôi với! - Lão khách kêu váng lên. - À, thì ra là ngài Đêgrê, người lang thang khắp chốn với con chó dữ. Ngài là chủ nhân của hai trái táo hồng tuyệt trần kia, phải không ạ?
- Nếu ngài không phản đối. - Đêgrê nói, thản nhiên như không.
- Nếu vậy thì tôi chẳng hề trông thấy gì, tôi chẳng dám nói gì cả. Ôi, thưa ngài, tha lỗi cho tôi, và xin ngài bảo con chó khôn của mình buông tha chiếc ủng cũ nát tội nghiệp của tôi ra ạ.
Đêgrê huýt sáo gọi chó về,
- Ôi, tôi phải rời đây thôi! - Angiêlic vừa nói vừa lúng túng tìm cách mặc lại áo, đôi môi run run tức giận.
Người luật sư trẻ tuổi kiên quyết buộc nàng phải ngồi xuống. Ông nói sỗ sàng, mặc dù đã hạ thấp giọng.
- Đừng quá đoan trang như vậy, bà chị dại dột ơi. Chả lẽ lại nhắc đến câu nói của người lính: đã chiến tranh thì phải làm chiến tranh? Bà đã dấn thân vào một trận đấu sẽ định đoạt tính mạng của ông nhà và của chính mình. Bà cần phải làm mọi cách để thắng trong trận này, đâu còn thì giờ để giữ kẽ nữa.
Ông Gióocgiơ quay lại, cầm một con dao con sáng loáng, nói:
- Tôi nghĩ là phải rạch vào cơ vai. Tôi thấy dưới da có một đám trắng lầy nhầy cần phải trích ra. Đừng sợ, thưa người đẹp! - Ông ta nói thêm như dỗ trẻ - Không ai có bàn tay nhẹ nhàng hơn lão Gióocgiơ này. Mặc dù lo ngại, Angiêlic phải thừa nhận rằng ông ta nói đúng, vì ông mổ vai nàng hết sức khéo léo. Sau đó, ông tưới lên vết thương một chất lỏng khiến nàng giật thót người, rồi bảo nàng lên gác để vào buồng tắm hơi, sau đó ông sẽ băng lại vết thương cho nàng.
Nhà tắm hơi của ông Gióocgiơ thuộc loại nhà tắm xuất hiện từ thời trung cổ, khi những người dự cuộc Thập tự chinh từ Trung Đông trở về, mang theo thói quen thích lau rửa thân thể và chuộng kiểu tắm bằng hơi nước của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai phòng rộng rãi lát gạch, có những tấm ngăn bằng gỗ chia thành những ô nhỏ. Ở cuối phòng, một người làm công đang nung phiến đá trên một bếp lò.
Angiêlic được một người hầu gái phục vụ phòng tắm của khách nữ giúp cởi bỏ hết quần áo. Nàng được đưa vào một ngăn nhỏ và đóng kín cửa: ở đây có một chiếc ghế dài và một chậu nước to, người phục vụ vừa ném vào đó một phiến đá đã nung đỏ. Nước sôi xèo xèo và bốc hơi mù mịt. Ngồi trên ghế, Angiêlic sặc và thở hổn hển, tưởng chừng sắp ngạt thở đến nơi. Rồi toàn thân nàng toát mồ hôi như tắm.
Sau đó, chị người hầu bảo nàng ngâm mình trong một bể tắm đầy nước lạnh. Rồi quấn người nàng trong chiếc khăn tắm rộng, chị ta dẫn nàng sang phòng bên cạnh, ở đó đã có mấy người đàn bà đã tắm xong đang ngồi nghỉ. Qua các câu chuyện họ nói với nhau, Angiêlic đoán rằng số đông khách đến tắm thuộc giới bình dân, những người đi ở hay người bán hàng, vừa xong lễ Mixa lúc sáng sớm, tạt vào nhà tắm trước khi đi làm.
Người hầu gái bảo nàng nằm nghỉ ở một chiếc ghế dài. Một lát sau, ông Gióocgiơ đến, nhưng đám khách tắm vẫn không lấy thế làm phiền. Ông ta cầm một con dao mổ, theo sau có một cô gái nhỏ bưng một giỏ đầy những ống giác bằng thủy tinh. Angiêlic phản đối ầm ĩ:
- Bác không được lấy máu của tôi! Tôi đã mất nhiều máu rồi. Bác không thấy tôi có mang ư? Bác sẽ giết đứa bé mất!
Bác thợ cạo kiêm phẫu thuật viên bình thản bảo nàng nằm sấp xuống.
- Bà hãy nằm im, nếu không tôi sẽ gọi ông bạn bà đến giữ chặt mông đấy.
Hoảng sợ, Angiêlic đành nằm im. Bác thợ cạo chích ba điểm ở lưng nàng bằng con dao mổ, rồi áp những giác thủy tinh vào đó.
- Xem kìa, - ông ta nói - Bao nhiêu máu đen thẫm đang được hút ra.
- Hãy thương tôi, đừng hút hết máu của tôi! - Angiêlic van xin.
Cuối cùng, ông thợ cạo mới buông tha, sau khi băng bó cẩn thận các vết chích. Hai cô gái nhỏ giúp nàng chải lại tóc và mặc quần áo. Nàng cho họ một món thưởng hậu hĩ, khiến họ tròn xoe mắt.
Xuống dưới nhà, Angiêlic thấy Đêgrê đã cạo râu xong.
- Thế là bà ấy sẵn sàng rồi nhé. - Ông thợ cạo nói và nháy mắt, có vẻ đồng lõa - Nhưng xin ông gượng nhẹ cho một chút, chờ đến khi vết thương ở vai bà kín miệng lành da đã.
Lần này, người thiếu phụ bật cười hồn nhiên: nàng cảm thấy không còn đủ sức để phản kháng, dù chỉ là chút ít.
- Bà thấy trong người ra sao? - Đêgrê hỏi khi hai người đã ra tới ngoài phố.
- Tôi mệt mỏi rã rời. Nhưng thật ra, không thấy khó chịu gì lắm. Cách chữa bệnh dữ dội vừa qua liệu có tốt cho sức khỏe tôi không thì chưa biết, nhưng chắc chắn nó có hiệu quả tuyệt vời đối với thần kinh. Ông có thể tin chắc điều này: anh Raymông của tôi dù thế nào đi nữa, tôi vẫn sẽ là đứa em gái hiền lành, dễ bảo trước mặt anh ấy.
- Thế thì tuyệt. Tôi luôn luôn nơm nớp là đầu óc bất trị của bà có thể bất thần giáng đòn vào người ta đấy. Không nghi ngờ gì nữa, lần sau nếu Đức vua cho vời, bà nhớ ghé lại nhà tắm hơi trước khi vào bệ kiến nhé.
- Than ôi! Tại sao trước đây tôi không làm thế nhỉ? - Angiêlic thở dài, hoàn toàn bị khuất phục. - Sẽ không có lần thứ hai đâu. Sẽ không bao giờ tôi còn được gọi yết kiến Nhà vua một lần nữa.
- Bà không nên nói “mãi mãi không bao giờ nữa”. Cuộc đời có nhiều bước thăng trầm, bánh xe thế sự quay tròn.
Một cơn gió thổi suýt làm tung tấm khăn trùm đầu trên mớ tóc người thiếu phụ. Đêgrê dừng lại và nhẹ nhàng buộc khăn lại cho nàng. Angiêlic nắm bàn tay ấm áp rám nắng, có những ngón dài thanh nhã.
- Ông tốt quá, ông Đêgrê! - Nàng thì thầm, ngước đôi mắt nũng nịu nhìn ông.
- Bà nhầm đó, thưa phu nhân. Đây, xin hãy nhìn con chó này.
Anh chỉ con Xoócbon đang nhảy rờn dưới chân hai người. Anh cúi xuống nhấc nó lên, giữ đầu và vạch hai hàm răng đáng sợ của con chó giống Đan Mạch này ra.
- Bà thấy những hàng nanh nhọn này thế nào?
- Thật khủng khiếp!
- Bà có biết tôi đã huấn luyện con chó này để làm gì không? Chỉ để làm việc này: khi ở Pari trời đã tối, hai thầy tớ chúng tôi đi săn đuổi. Tôi cho con vật hít một mảnh áo cũ, hoặc một đồ vật gì đó của một tên cướp mà tôi đang truy lùng. Rồi tôi dắt chó đi dạo quanh, xuôi theo bờ sông Xen, lang thang dưới các gầm cầu quanh các chân cầu, dạo bước qua các vùng ngoại ô và trên các tường thành bỏ hoang, vào các sân bãi, chui xuống những hầm hố nơi sống nhung nhúc đám ăn mày và trộm cướp. Bỗng nhiên con Xoócbon vọt lên trước. Lúc tôi đuổi kịp thì cậu ta đã ngoạm vào cổ một thằng cha rồi, à vâng, cắn thật nhẹ thôi, đủ để giữ cho thằng kia không cựa được. Tôi bảo con chó: “Váctơ”, tiếng Đức nghĩa là: “Đợi” (vì con chó này do một anh lính đánh thuê người Đức bán cho tôi). Tôi cúi xuống thằng cha hỏi cung, rồi cân nhắc tội lỗi của hắn. Khi thì tôi thả cho hắn đi, khi thì tôi gọi người canh gác để dẫn hắn đến nhà giam Satơlê. Đôi lúc tôi nghĩ thầm: việc gì phải làm cho căn nhà tù thêm chật ních và quấy nhiễu thêm các ngài thẩm phán ở Tòa án? Và tôi bảo con Xoóc bon: “Xăng”, tiếng Đức nghĩa là “Nghiến chặt”. Thế là đi đời, bớt được một tên cướp ở Pari.
- Và… ông hay làm cách này ư? - Angiêlic hỏi, không giữ nổi mình khỏi run lên.
- Cũng không ít đâu. Vậy bà thấy tôi cũng chẳng tốt lắm, phải không?
Im lặng một lúc, nàng lẩm nhẩm:
- Có biết bao bộ mặt trong cùng một con người. Người ta cùng một lúc, có thể rất xấu và rất tốt. Vậy, tại sao ông theo đuổi cái nghề đáng sợ này?
- Tôi đã nói với bà rồi: tôi nghèo quá mà. Ông bố của tôi chỉ để lại cho tôi một văn phòng luật sư với những món nợ thôi. Nhưng cứ theo cái đà này, tôi tin rằng cuối cùng tôi đã biến thành một anh chàng chai sạn đáng sợ, một gã grimô mạt hạng.
- Gì kia?
- Grimô tên gọi những nhân viên cảnh sát, do bọn lâu la của ông Vua ăn mày trộm cướp đặt ra.
- Bọn chúng biết ông cả rồi ư?
- Chúng đặc biệt quen biết con chó Xoócbon của tôi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui