Tình sử Angélique

Ngày hôm sau, vừa sáng sớm tinh mơ, Angiêlic đã thức dậy, nàng đánh thức Bacbơ, Rôdin và bọn trẻ:
- Tất cả dậy đi thôi, đừng quên hôm nay các bà bán hoa sẽ đến đây. Chúng ta phải làm ăn ra trò để các bà ấy biết.
Flipô làu bàu:
- Tại sao lúc nào cũng là chúng ta phải làm nhỉ? Tại sao cái thằng David lười biếng chậm như rùa ấy vẫn còn ngáy ầm ầm, mãi đến l lửa cháy trong lò rồi, nước sôi rồi, bếp nước sạch sẽ rồi mới chịu xuống. Cô phải dựng nó dậy đi, bà Chúa của các Thiên thần ạ.
- Này, các cháu, cô không còn là bà Chúa của các Thiên thần nữa đâu nhé. Và các cháu cũng không còn là những đứa ăn mày nữa. Lúc này chúng ta là những kẻ phục vụ, những cô hầu, những thằng bé chạy việc vặt. Chúng ta sẽ trờ thành những công dân lương thiện.
- Cháu không thích những công dân đức độ như thế, đấy là những người mà chúng ta đã móc túi, đã giật áo choàng của họ. Cháu không muốn trở thành một người lương thiện. - Flipô nói.
- Thế chúng cháu sẽ gọi cô thế nào nếu cô không còn là bà Chúa Thiên thần nữa? - Linô hỏi.
- Các cháu cứ gọi cô là “bà” thôi.
- Ồ, chúng mình vĩ đại thật - Flipô trêu trọc.
Angiêlic cho cậu ta một cái bạt tai hoa cả mắt khiến cậu ta hiểu ngay là nàng nói nghiêm chỉnh. Nàng xem lại quần áo của hai thằng bé, rặt những đồ tồi tàn xấu xí do nữ Công tước Xoaxông gửi cho. Tuy vậy nó vẫn sạch sẽ gọn gàng. Chúng còn đi những đôi ủng đế có đóng đinh tuy rất khó chịu nhưng dù sao cũng chống đỡ được cái rét cắt thịt của mùa đông.
- Flipô, cháu sẽ ra chợ cùng với cô và David, còn Linô cháu sẽ làm giúp chị Bacbơ. Cháu đi lấy củi và nước. Rôdin trông hai đứa bé và lo nướng chả trong bếp.
Flipô thở dài ngao ngán:
- Công việc này thật chẳng hay ho gì. Ăn mày móc túi, sống thoải mái, hôm nào kiếm được tiền thì tha hồ mà bét nhè, không kiếm được thì nằm co tha hồ mà ngủ, còn hơn là phải làm trâu ngựa rồi mới có cái tọng vào bụng.
- Nếu cháu muốn cứ về với Hành-khất-Đại-đế của cháu, cô không giữ đâu.
- Ấy không, chúng cháu chẳng còn ở đấy, chúng cháu sẽ ăn dao của chúng nó thôi.
Angiêlic thở dài:
- Cháu lại nhớ những cuộc phiêu lưu của cháu chứ gì. Ôi thằng bé khốn khổ, cô hiểu. Nhưng ở cuối đường của cháu là cái giá treo cổ đấy. Theo con đường của cô thì có thể có ít tiền hơn nhưng chúng ta sẽ trở thành những người được tôn trọng. Thôi, đi đi.
Thằng bé bước ầm ầm xuống cầu thang.
Angiêlic dừng lại ở đầu cầu thang, đấm cửa phòng David và sau đó bước vào:
- Dậy đi chàng đầu bếp.
Chàng trai thò đầu ra khỏi chăn.
- Dậy, dậy đi. - Angiêlic nhắc lại giọng vui vẻ - Đừng quên từ nay cậu là tay nấu bếp cừ khôi đấy nhé, các món ăn của cậu nấu toàn dân Pari này phải ngưỡng mộ đấy.
Lão Buốcgutx lẩm bẩm, vẻ phân vân. Tuy nhiên, lão vẫn trao cho Angiêlic một túi tiền để ra chợ.
- Nếu ông sợ tôi lấy mất của ông rồi chuồn thì ông cứ theo tôi ra chợ. - Nàng nói với lão. - Nhưng tốt hơn là ông cứ ở nhà sửa soạn gà thiến, gà tây, vịt và vô khối việc khác. Ông nên nhớ rằng các bà ấy đến đây là phải có ấn tượng tốt ngay từ đầu. Quầy bày hàng bỏ không đầy bụi bặm, phòng ăn tối tăm sặc mùi thuốc lá và mốc, cái vẻ nghèo nàn của một quán ăn làm sao mà lôi cuốn được khách. Tuy tôi đã nói với họ là họ sẽ rất vừa lòng khi đến đây nhưng đến đây mà không được như thế thì họ cũng chẳng tin tôi nữa.
- Nhưng sáng nay cô định mua gì, các bà ấy đã đặt trước món nào đâu.
- Tôi sẽ mua những thứ trang hoàng.
- Thứ... những thứ gì
- Đủ mọi thứ, những thứ làm cho quán ăn của ông hấp dẫn: thỏ này, cá này, thịt ướp lạnh này, hoa quả và cả rau thơm nữa.
- Nhưng tôi đâu có cung cấp được đủ mọi thứ, tôi chỉ có bán thịt quay thôi. Cô muốn tôi phải cõng cả phường hội chủ hiệu bánh ngọt lẫn thợ làm bánh ngọt à?
- Thế ông sợ người ta làm gì ông?
- Đàn bà thật chẳng bao giờ hiểu được những việc nghiêm túc. - Lão Buốcgutx vừa làu bàu vừa vung đôi cánh tay ngắn ngủn. - Mấy tay ở các phường hội ấy có thể kiện tôi, lôi tôi ra tòa. Nói tóm lại là cô sắp làm tôi sạt nghiệp.
- Thì ông đã sạt nghiệp rồi còn gì. - Angiêlic nói một cách bướng bỉnh. - Vì vậy, ông chẳng còn gì mà mất nữa. Mà cứ cố thử xem, cứ tỉnh ngộ lại đi, đừng triền miên trong cơn say của ông nữa. Ông nên bắt tay vào việc đi. Ông hãy ra cảng Grevơ xem tình hình thế nào, tôi thấy người quảng cáo rượu vừa thông báo là có rượu sâm banh sắp về đấy.
Đi mua sắm các thứ ở quảng trường Pilori. Angiêlic phải cố hết sức để khỏi bị lừa. Còn David thì luôn mồm kêu ca:
- Thế này là quá đủ rồi! Đắt quá! Ông bác tôi sẽ nói gì đây?
- Ngốc ạ. - Angiêlic nói - Cậu không thấy xấu hổ à. Một chàng trai miền nam nấu ăn giỏi mà đi mua sắm thức ăn dè xẻn như vậy ư? Cứ như lão hà tiện ấy. Cậu chẳng nói với tôi quê ở Tuludơ là gì?
- Thì đúng thế. - Chàng trai đầu bếp mới vào nghề phản ứng. - Bố tôi là ông Salu, cái tên đó có làm bà chị nhớ đến điều gì không?
- Không. Thế bố cậu làm gì?
Anh chàng vênh váo có vẻ ỉu xìu giống một thằng bé bị người ta lấy mất kẹo trong tay:
- Nhưng chắc là chị biết bố tôi là người bán rau có tiếng ở quảng trường Garôn ấy, là người duy nhất chuyên bán tất cả các loại rau thơm, gia vị để làm hấp dẫn thêm các món ăn.
“Hồi ấy mình không hay ra chợ” - Angiêlic nghĩ thầm.
- Chị biết không? Sau mỗi chuyến đi ông ấy mang về đủ thứ mà chúng tôi chẳng biết là cái gì, bố tôi trước kia chả là đầu bếp trên tàu Đức vua - David nói tiếp - ông ấy chính là người đầu tiên ở Tuludơ buôn bán sôcôla đấy.
Angiêlic cố lục lọi ký ức xem xem tiếng đó có gợi cho nàng nhớ cái gì không. “À, phải rồi, đã có lần người ta nói đến nó ở phòng khách”. Nàng nhớ lại câu nói của một quý bà người Tuludơ:
- Sôcôla hả? Đấy chính là món mà người Ấn Độ hay uống.
David dường như kém vui vì theo cậu ta Angiêlic đã không hiểu tầm quan trọng lẽ ra nàng phải thấy trong đôi mắt cậu ta. Cậu tiến lại gần Angiêlic hơn và nói rằng cậu sẽ kể cho nàng nghe một điều bí mật mà cậu chưa hề nói cho ai biết, ngay cả ông bác của cậu. David khẳng định cha cậu ta hồi còn trẻ là một người thích du lịch có tiếng. Ông đã từng nếm đủ mùi vị sôcôla của nhiều nước khác nhau. Sôcôla được chế biến từ một loại hạt nhập khẩu từ Mêhicô. Vì vậy, khi ở Tây Ban Nha, ở Ý và thậm chí ở cả Ba Lan, ông hoàn toàn tin tưởng và hiểu giá trị hương vị của thứ đồ uống sôcôla mới mẻ này, ngoài ra nó lại còn có giá trị về dược liệu nữa.
Một khi David đã chủ động khơi mào câu chuyện thì cậu ta có thể nói bất tận không mệt mỏi. Cậu ta nói chuyện một cách say sưa nhằm thu hút sự thích thú của người đàn bà mà cậu ta vẫn nghĩ là rất quý phái cao sang. Với giọng hùng hồn, cậu ta tuôn ra hết những gì mà cậu biết...
- Ôi dào! - Angiêlic nói. Nàng nghe chàng đầu bếp nói vẻ thờ ơ. - Tôi chưa bao giờ được nếm thử mùi vị ấy cho nên tôi chẳng thấy thèm tí nào. Người ta vẫn đồn là Hoàng hậu điên lên vì sôcôla làm triều đình bối rối, họ giễu cợt ngài đấy.
- Đấy chỉ là bọn triều thần không quen ăn sôcôla thôi. - Chàng đầu bế mới tập sự cãi. - Bố tôi cũng nghĩ như vậy, ông được Đức vua cấp giấy môn bài được phép sản xuất và phổ biến rộng rãi mặt hàng mới này. Nhưng tiếc quá bố tôi chết rồi và vì thế tôi là người duy nhất còn lại được phép dùng cái giấy môn bài ấy. Tôi chẳng biết làm gì với nó cho nên cũng chẳng nói với ông bác tôi làm gì, ông ấy lại chế giễu cả hai bố con tôi thôi. Ông ấy vẫn nói bố tôi là thằng điên.
- Cậu có cái giấy môn bài ấy? - Angiêlic đột nhiên hỏi.
- Vâng. - Cậu ta trả lời một cách khó khăn qua hơi thở.
- Đề ngày bao nhiêu?
- Tháng 5, ngày 28, năm 1659, đặc quyền có giá trị trong 29 năm.
- Có nghĩa là trong 29 năm, chỉ mỗi mình cậu được quyền sản xuất và buôn bán mặt hàng nhập ngoại này?
- Vâng, đúng...
- Chúng ta phải tìm hiểu xem sôcôla có gây nguy hiểm không? - Angiêlic thì thầm - Nếu như thiên hạ khoái ăn cái món này thì liệu cậu có thử làm không?
- Có.
- Thế cậu thấy sôcôla thế nào?
- Tôi thấy nó không được ngọt lắm. Nếu thêm một ít hạt tiêu hay ớt vào thì vị ngọt sẽ đậm hơn. Còn bây giờ thì tôi lại thích vài cốc rượu vang. - Cậu ta nói có vẻ đắc ý.
- Chú ý, nước này. - Có tiếng nói to phía trên. Cả hai người kịp nhảy sang một bên tránh dòng nước ào ào xuống như mưa rào. Angiêlic túm lấy tay chàng trai. Nàng thấy anh ta run lên.
- Tôi muốn nói với chị là... - Anh ta nói lắp bắp. - Tôi chưa bao giờ gặp một người đẹp như chị.
>- Tất nhiên là cậu nhìn thấy rồi. - Angiêlic nói khích. - Chàng trai khốn khổ của tôi ơi. Đáng lẽ giúp tôi mua sắm thì cậu lại cắn móng tay. Nếu cậu muốn tôi hài lòng thì hãy kể cho tôi nghe về món sôcôla của cậu chứ đừng cho tôi đi tàu bay giấy nữa.
Nhìn thấy vẻ ngơ ngác của David, Angiêlic cố làm cậu ta hài lòng. Nàng tự nhủ thật dại dột nếu làm David cụt hứng. Cậu ta có thể ăn nên làm ra với cái giấy môn bài ấy. Nàng cười và nói:
- Chàng trai này, tôi không còn là cô gái mười lăm nữa đâu. Hãy trông đây này, tôi già rồi, tóc tôi đã bạc.
Nói đoạn nàng kéo một túm tóc hoa râm ra khỏi cái mũ chụp, hậu quả những đêm kinh hoàng mà nàng phải trải qua ở ngoại ô Xanh-Đơni.
- Flipô đâu rồi?- Angiêlic nhìn quanh - Thằng chó con chuồn rồi sao?
Nàng lo lắng, sợ thằng bé Flipô bị bọn xấu kích động có thể nó lại làm bậy chăng.
- Chị làm gì phải chú ý đến thằng mất dạy ấy. - David nói giọng có vẻ ghen tị - Ban nãy tôi nhìn thấy nó, xung quanh nó là cả một lũ lớn bé đứng trước nhà thờ xin ăn. Sau đó biết mất trên lưng khoác cái giỏ, ông bác tôi sẽ phát cáu lên mất thôi.
- Cậu luôn nhìn thấy mặt xấu của nó, cậu David khốn khổ của tôi ạ.
- Tôi chả bao giờ gặp may cả.
- Thôi, chúng ta quay lại đi rồi sẽ thấy nó.
Nhưng thằng bé đã xuất hiện ở phía xa. Angiêlic rất thích dáng điệu của nó. Đôi mắt chim sẻ sáng ngời, cái mũi đỏ, mớ tóc dài dưới chiếc mũ rách nát. Angiêlic tiến về phía nó và thằng Linô, thằng này đã hai lần được nàng cứu ra khỏi móng vuốt của lão Giăng-Thối-rữa.
- Cô đoán xem, bà Chúa Thiên thần, - Thằng Flipô hổn hển. Vì lo lắng quá nó quên cả nhiệm vụ Angiêlic giao.
- Cô đoán xem ai là “đầu gấu mới”. - Lão Trôn-gỗ, đúng là lão Trôn-gỗ ở tháp Nexlơ. - Flipô hạ thấp giọng và thì thào nói thêm vẻ sợ sệt.
- Bọn nó bảo với cháu: coi chừng, mấy thằng nhóc, chúng mày cứ núp dưới cái váy của con mụ phản bội ấy đi.
Angiêlic thấy máu trong người lạnh toát.
- Chúng nó không nói gì nhưng... có thằng nói đến việc cô đã đi báo cảnh sát như thế nào để bắt bọn nó.
- Có những ai ở đấy?
- Có thằng Bánh-mì đen, thằng Thọt, ba mụ già cùng băng chúng mình và hai đứa “động kinh” của băng khác.
Thiếu phụ và hai thằng bé nói với nhau bằng tiếng lóng của bọn trộm cắp nên David chẳng hiểu gì cả nhưng gã cũng nhận ra vẻ sợ sệt của họ qua giọng nói. Gã cảm thấy vừa xao xuyến vừa sờ sợ khi thấy rằng người đàn bà mà gã có cảm tình sao quá quen thuộc với lũ cặn bã xã hội của Pari này.
Trên suốt dọc đường về, Angiêlic không nói một lời, nhưng khi nàng bước qua ngưỡng cửa quán trọ, nàng quyết tâm gạt bỏ những phân vân lo sợ của mình. Nàng tự nhủ “rồi đâu cũng vào đấy cả, cô bạn ơi, cũng như là tỉnh dậy vào một buổi sáng đẹp trời thấy mình đang trôi dạt trên sông Xen. Một thời gian dài mình đã dấn thân vào cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Những lúc không có các ông hoàng theo đuổi thì cũng lại là lũ ăn mày. Nhưng không sao, mình phải chiến đấu cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Mình không thể ra khỏi cảnh khốn cùng nếu không chiến đấu mãnh liệt và nhiều khi phải làm cả những việc... Chẳng phải đã một lần lâu lắm rồi ông Môlin nói với mình như thế sao?”
- Nhanh tay lên, các cháu. - Nàng gọi to - Các quý bà trong hội hoa ấy chắc phải tan chảy như bơ ấy dưới ánh nắng mặt trời khi bước qua ngưỡng cửa này.
***
Các quý bà trông quả thật phong nhã tuy quần áo các bà hơi bụi bặm tí chút. Họ đi xuống ba bậc thang vào quán Gà quay vàng. Chẳng những không khí của quán chứa chan mùi vị hấp dẫn của các món ăn mà bề ngoài của họ cũng thật hiếu khách, mang đủ những nét đặc thù.
Củi đang cháy lách tách trong lò tỏa ra ánh lửa vàng trông thật dễ chịu, cộng với những ngọn nến đặt trên bàn tỏa ánh sáng vào bát đĩa được bày rất khéo léo. Bên cạnh đó là những nồi xoong đã được đánh bóng lộn. Hơn nữa Angiêlic đã cố moi được mấy cái đĩa bằng bạc sáng bóng mà lão Buốcgutx keo kiệt giữ rịt trong hòm. Lại còn một loạt đĩa đựng hoa quả: nho, táo, đào bày rất đẹp mắt. Màu sắc hoa quả trông càng đẹp dưới ánh lửa từ trong lò tỏa ra làm các bà bán hoa rất ngạc nhiên và thích thú.
Vẫn quen cảnh phải mang hoa đến tận nhà theo yêu cầu của các vị quyền quý, các bà cũng có phần nào có cảm giác mình được đánh giá cao.
Là những thương gia giàu kinh nghiệm, các bà không thích bày tỏ sự hài lòng quá rõ rệt mà chỉ ngắm nghía những vật trang trí trên tường, quan sát đồ dùng nhà bếp, những bát đĩa bày biện đẹp mắt. Một bà chắc là Hội trưởng mãi mới phát hiện ra một thiếu sót nhỏ:
- Ồ, còn thiếu hoa - bà ta nói. - Cái thủ lợn sữa này trông thật ngộ nghĩnh nếu như có hai bông cẩm chướng cắm vào hai lỗ mũi và bông Mẫu-đơn đặt giữa hai tai.
- Thưa bà, - lão Buôcgutx trả lời rất lịch sự - Chúng tôi đâu dám múa rìu qua mắt thợ, đâu dám tỏ ra khiếm nhã trong việc bày biện trang trí trong những cuộc vui như thế này mà khách đến dự là các bà, các bậc thầy của nghệ thuật này.
Ba bà vui vẻ ngồi xuống bên bếp lửa và người ta mang vào bình rượu vang ngon nhất lấy từ dưới hầm lên. Linô duyên dáng đang dạo bản nhạc bằng chiếc đàn phong cầm quay tay của nó trong khi bé Phlôrimông chơi đùa với con khỉ Picôlô.
Thực đơn được quyết định nhanh chóng trong không khí thân mật giữa nhà hàng và khách hàng.
- Bây giờ thì sao, - lão chủ quán ca cẩm sau khi đã đưa tiễn các bà ra về - làm sao đây với những thứ này, bán cho ai. Đám thợ thủ công và dân lao động chỉ tới đây với món thịt bò trộn salát quen thuộc. Họ không ăn những món cao lương mĩ vị này đâu, chưa nói đến là họ làm gì có nhiều tiền để xài những món này. Tại sao lại phải tốn kém vô ích thế này?
- Ông Giắc - Angiêlic nói - Sao ông lại nói thế nhỉ? Tôi nghĩ lẽ ra ông phải có đầu óc kinh doanh hơn nữa mới phải. Những khoản chi hơi tốn kém này sẽ cho ông số lãi gấp mười lần khoản chi cho hôm nay đấy. Ấy là chưa kể những số tiền mà các bà chi thêm nếu bữa tiệc được tổ chức chu đáo vui vẻ. Chúng ta sẽ tổ chức cho họ mở vũ hội ở đây nữa và thế là các khách qua đường cũng tới dự, điều đó sẽ mang lại doanh thu lớn cho chúng ta.
Tuy lão chủ không tỏ ra đồng tình nhưng thâm tâm lão cũng công nhận như vậy. Bị lôi cuốn vào việc chuẩn bị cho bữa tiệc mà các bà hàng hoa đặt trước, lão quên phắt đi các vò rượu vẫn thường làm cho lão lơ mơ, lè nhè suốt buổi sáng.
Quả thực Angiêlic đã thuyết phục được lão chủ quán bằng cách làm cho lão hiểu rằng vẻ thịnh vượng bên ngoài của một nhà hàng là cơ sở để nó làm ăn phát đạt. Lão đã sắm cho chàng đầu bếp - thằng cháu của lão - một bộ trang phục đầu bếp mới toanh và cho cả thằng Flipô nữa. Cả khăn trải bàn cũng được lão cho đem ra hiệu giặt trắng bong.
Vào một buổi sáng, lão Buốcgutx tìm gặp Angiêlic. Lão mỉm cười, hai tay xoa liên hồi.
- Cô Angiêlic - lão nói với giọng của một người tốt bụng - Cô đã thực sự lấy lại vẻ vui tươi, thịnh vượng cho cái quán của tôi mà bà nhà tôi trước đây vẫn làm. Tôi có ý định như thế này. Cô đi vào đây với tôi một lát.
Lão ra hiệu cho nàng đi theo lão. Đến đầu cầu thang đầu tiên, cả hai dừng lại và bước vào phòng riêng của lão. Một cảm giác lo sợ vụt đến với Angiêlic mà trước đây nàng chưa hề thấy. Liệu lão chủ quán có nhân dịp này lại “đặt vấn đề” với nàng chăng - một người dường như đã tự nguyện làm công việc thay bà vợ xấu số của lão?
Lão chủ thoáng mỉm cười khi khép cửa lại và tiến tới cái tủ đựng quần áo. Trong một lúc bối rối bất ngờ, Angiêlic không biết nên xử sự như thế nào đây. Từ bỏ các ý định tốt đẹp của mình chăng? Từ bỏ cái quán đã khá dễ chịu này chăng? Lại đem các con và cái gia đình khốn khổ nhỏ bé của mình đi lang thang đầu đường xó chợ ư? Đầu hàng ư? Hai má nàng nóng bừng bừng khi nghĩ đến điều ấy.
Angiêlic thấy lão thở gấp và đang làm gì lục cục trong cái ngách nhỏ của căn phòng, lát sau lão đẩy ra một cái hòm gỗ to màu đen.
- Nào giúp tôi một tay. - Lão Buốcgutx nói một cách mệt nhọc.
Angiêlic giúp lão kéo cái hòm ra giữa phòng Lão vừa phủi hai khuỷu tay vừa nói:
- Này, tôi nghĩ mãi rồi, chính cô vẫn nói rằng chúng ta phải ăn mặc thật đường hoàng, nghiêm trang như lính cảnh vệ Thụy Sĩ ấy. Tất cả chúng ta, thằng David này, hai thằng đầu bếp này, và cả tôi nữa, chúng ta phải tiếp khách hàng. Tôi sẽ mặc bộ quần áo lụa màu nâu. Nhưng cô, cô gái khốn khổ ạ, cô không thể làm cho quán của chúng ta hấp dẫn thêm được mặc dù có cái khuôn mặt rất đáng yêu, vì thế mà tôi nghĩ mãi rồi...
Lão chủ quán nói đứt đoạn, ngập ngừng rồi lão mở hòm ra, trong đó là trang phục của bà Buốcgutx. Mấy cái váy ngắn, vài cái áo dài, mũ phụ nữ, khăn quàng cổ có cài nơ màu xanh trông rất đẹp được xếp gọn ghẽ ngay ngắn.
- Bà ấy đẫy hơn cô một chút - Lão chủ lắp bắp nói giọng xúc động - Nhưng cô có thể dùng kim băng cài lại cho vừa...
Lão lấy tay dụi đi những giọt nước mắt và giục Angiêlic:
- Đừng đứng nhìn tôi chằm chằm như thế, cô chọn đi.
Angiêlic lần lượt lấy ra từng cái. Đó là những bộ quần áo may bằng vải hường nhưng được may rất kiểu cách, màu sáng trang nhã, chứng tỏ rằng cho đến cuối đời bà chủ quán Gà quay vàng vẫn là vợ của một nhà buôn thịnh vượng nhất trong vùng. Thậm chí bà có cả các bao tay bằng nhung đỏ có một đường viền mạ vàng. Angiêlic ướm thử vào tay mình với niềm thích thú không giấu giếm.
- Thật tuyệt. - Lão chủ mỉm cười rộng lượng - Bà ấy thấy cái bao tay này hồi chúng tôi đi xem Cung điện, bà ấy thích quá đòi mua, tôi nói với bà ấy: “Amăngđin, em thích làm gì với cái bao tay ấy? Nó chỉ hợp với các bà quý tộc hay đi dự tiệc, hay tiếp xúc với các ông bà lớn thôi”. Nhưng rồi tôi cũng mua tặng bà ấy nhân dịp Nôel năm ngoái. Bà ấy mừng làm sao! Ai ngờ rằng chỉ sau đó vài hôm, bà ấy... chết.
Angiêlic cố nén sự xúc động của mình:
- Tôi tin chắc rằng bà ấy sẽ thanh thản trên thiên đàng khi thấy ông rất tốt với tôi. Nhưng tôi sẽ không bao giờ đeo bao tay này đâu vì tôi đâu có xứng đáng với vẻ đẹp của nó. Tôi rất vui nhận món quà của ông, ông Buốcgutx ạ. Tôi sẽ xin những cái gì hợp với tôi. Ông làm ơn gọi Bacbơ lên đây để nó giúp tôi chọn cái gì cho hợp.
Nàng đứng trước gương với vẻ của một bà quý phái bên cạnh cô hầu nhỏ. Bacbơ cũng nhận ra điều ấy, nó sung sướng ra mặt và khẽ gọi “Madam”.
“Cái may này có lẽ một phần là do các bà hàng hoa đem lại cho mình” - Angiêlic nghĩ thầm, nàng mỉm cười sung sướng. Nàng chọn một bộ áo lót bằng vải xẹc màu xanh, một cái váy có sọc bằng xatanh màu đen, một cái tạp dề cũng bằng xatanh màu trắng có điểm những bông hoa vàng. Trông nàng chẳng khác gì phu nhân của một ông chủ quán giàu có. Trong các túi nhỏ của bà chủ quán đã quá cố, Angiêlic thấy có một số đồ trang sức đơn giản: ba chiếc nhẫn vàng, hai cái thánh giá, mấy chiếc hoa tai có gắn ngọc trai. Angiêlic bước xuống cầu thang, đầu đội mũ nghiêng nghiêng giấu đi mớ tóc điểm hoa râm. Nàng đeo đôi hoa tai có gắn ngọc trai, cổ đeo dây chuyền vàng có thánh giá. Lão chủ quán không giấu giếm nỗi sung sướng khi nhìn thấy nàng mới lộng lẫy và hấp dẫn làm sao.
- Lạy thánh Nicôla, cô đúng như đứa con gái mà tôi với bà nhà tôi vẫn ao ước. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn mong mỏi có một đứa con gái chừng mười lăm, mười sáu tuổi. Nó sẽ ăn mặc như thế này, như thế kia... nó sẽ ra vào niềm nở mời mọc khách hàng..
- Ông tốt quá, ông Buốcgutx ạ, ông đã quá lời khen nhưng tôi có còn là con gái mười lăm, mười sáu nữa đâu, tôi đã là mẹ của một gia đình...
- Tôi không biết cô là cái gì. - Lão chủ quán nói giọng lộ vẻ xúc động, những thớ thịt trên khuôn mặt lão giật giật - Nhưng hình như trước đây cô không phải là cô. Từ ngày cô đến cái quán của tôi, có lúc cô làm phiền tôi, có lúc lại giúp tôi rất nhiều. Tôi còn nhớ rất rõ đêm hôm ấy, cô để đầu tóc rối bù, cô nói với tôi “Ông có con bé giúp việc tên là Bacbơ phải không?”. Những tiếng ấy cứ vang mãi trong đầu tôi như tiếng chuông... Có lẽ đấy là điềm báo trước cô có một vai trò nào ở đây chăng?
“Mình cũng nghĩ như vậy” - Angiêlic nghĩ thầm nhưng nàng đáp lại giọng nhẹ nhàng đầy tình cảm.
- Vì ông say nên ông bị tiếng chuông ám ảnh đấy thôi.
Bữa tiệc đặt ở giữa quán của lão Buốcgutx làm các bà hàng hoa rất hài lòng. Riêng khoản hoa để trang trí bàn ăn đã hết một khoản tiền kha khá, toàn loại hoa đẹp và đắt tiền.
Lão Buốcgutx và thằng Flipô xăng xái luôn chân luôn tay tiếp các món ăn hảo hạng. Rôdin giúp Bacbơ trong bếp, còn Angiêlic thì nhanh thoăn thoắt chạy từ bếp tới hết bàn ăn này đến bàn ăn khác để quan sát, điều khiển cả bữa tiệc và vui vẻ đáp lại những lời chào mời nồng nhiệt của các bà. Nàng khích lệ kịp thời tài nấu ăn của David bằng lời khen, chê rất nhũn nhặn.
David tỏ ra còn trội hơn khả năng vốn có của cậu. Khi Angiêlic kéo cậu vào phòng tiệc, các quý bà nhao nhao tán thưởng tài nghệ nấu ăn của cậu. Tay đầu bếp thẹn thùng mặt đỏ bừng, các bà phấn chấn bởi vị rượu ngon đã trêu chọc cậu bằng những câu hỏi bông đùa nghịch ngợm, rồi hôn cậu, vỗ vào người và cù vào sườn, làm cậu càng bẽn lẽn lên và sung sướng. Thằng Linô cầm cây đàn của nó rồi hát lên một bài. Mọi người cùng nâng cốc chúc tụng nhau. Sau đó, đến lượt con khỉ Picôlô biểu diễn những trò vui của nó khiến cả phòng tiệc rộn lên tiếng cười không dứ


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui