Tình Yêu Của Kẻ Thực Dụng


Phương Mục Dương nhờ người ta chuyển chiếc giường cao của mình đến chỗ chứa đồ của chủ nhà.
Phí Nghê nhỏ giọng hỏi anh: “Chuyển đi rồi thì chúng ta ngủ chỗ nào?”
“Lát nữa dọn nhà xong anh đưa em đến cửa hàng nội thất mua một cái giường mới, cái giường này ngủ một người còn được, hai người ngủ hơi bất tiện.”
Phí Nghê không trả lời, xem như chấp nhận.

Cái giường này tuy tiết kiệm không gian nhưng quả thực không tiện lắm.
Đồ đạc chuyển đến nhà họ Phương không chỉ có nội thất mà còn cả hoa cỏ trồng trong nhà.

Phòng ngủ của bọn họ không bé lắm, có thể để được tủ quần áo, bàn làm việc và máy may, còn cả chỗ để chứa thêm một cái giường lớn nữa.

Đàn dương cầm thì được kê ngoài phòng khách.
Cha mẹ nhà họ Phương biết nghịch tử không thích dương cầm, cây đàn này không cần đoán cũng biết là của con dâu.
Giáo sư Mục hỏi Phí Nghê học đàn với ai, Phí Nghê biết mẹ chồng cũng không phải đang hỏi cô giáo dạy đàn ở trường là ai.

Cô cười nói mình chỉ biết đàn chơi chơi, ngay cả cách đàn cũng là hồi tiểu học học với cô giáo dạy đàn, trình độ hoàn toàn nghiệp dư.

Cô không giống Phương Mục Dương, khi học vĩ cầm còn có người đứng đầu dàn nhạc tới dạy.
Ông Phương nói: “Mẹ con đàn cũng khá lắm, sau này cứ để bà ấy dạy con.”
Ông Phương mời phu khuân vác uống nước ngọt, ông nói với con trai: “Nước này chẳng mát gì cả, nếu trong nhà có tủ lạnh thì tiện hơn nhiều.” Phòng khách vẫn không có TV.

Ông Phương có thể lấy được phiếu TV nếu như hạ mình một chút, nhưng ông không muốn mặt dày đi xin xỏ người ta cho mình một chỉ tiêu mua TV, vậy nên TV, tủ lạnh hay đài cassette đời mới đều nằm ngoài tầm với của ông.
Những món đồ gia dụng ông muốn mua đều cần có phiếu mới mua được, thế nên ông đành phải cầm tiền đi mua tranh chữ.

Tất cả những gì ông mua đều được đặt trong phòng sách, ông không kìm lòng được mà muốn khoe hết chúng ra.

Vậy nên phu khuân vác vừa đi, con trai và con dâu còn chưa kịp sắp xếp đồ đạc, ông đã vội vàng gọi họ vào trong phòng sách, lấy một bức tranh sơn thủy của Thạch Đào(1) ra cho họ xem.

Ông Phương trước nay đều phản cảm với việc gắn thi họa vào tiền bạc, nhưng vì cảm thấy mình đã mua được một bức tranh giá trị với giá rất rẻ, ông bảo bọn họ đoán giá.
(1) Thạch Đào (1642 – 1708): Họa sĩ nổi tiếng vào cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh, được xưng là một trong là “Tứ Tăng” thời kỳ Minh mạt Thanh sơ.
Phương Mục Dương cố ý nói một cái giá thật cao, ông Phương vui sướng, cười tủm tỉm không nói gì.

Ngày xưa cứ hễ có lương là ông Phương lại đi mua tranh chữ, điều duy nhất nghịch tử làm khiến ông cảm thấy vui mừng chính là, tuy nó thường xuyên mang đồ trong nhà ra cửa hàng ủy thác bán lấy tiền, nhưng chưa từng động vào tranh chữ của ông.

Tuy nhiên, những bức tranh chữ đó dù không biến thành màu vẽ, điểm tâm và giày trượt băng của con trai, nhưng đến giờ cũng chẳng giữ được, có thể thấy vật ngoài thân khó tin cậy đến cỡ nào.

Năm ngoái ông Phương vẫn còn rất thờ ơ với mấy vật ngoài thân như thế, nhưng năm nay lại có tiền, lại bị tư bản dụ dỗ, trông thấy liền nhịn không được mà mua về.

Trải qua nhiều năm rèn luyện, giờ ông đã học được cách mặc cả, chuyện này trước kia ông luôn xấu hổ không làm.

Ông lại cho con trai xem thêm một bức tranh cuộn mình mua, nghịch tử tuy học vẽ tranh truyền thống chẳng đâu vào đâu, nhưng năng lực giám định và thưởng thức thì vẫn phải có.

Ông Phương bây giờ chẳng có ai khác để giao lưu, đành phải gọi con trai vào nói chuyện.
Ông đưa cho Phí Nghê một bức tranh họa hoa cỏ và chim chóc, bảo cô mang sang nhà thông gia, đổi bức tranh vẽ năm “con dơi” ngoài cửa về.
Không ngờ Phương Mục Dương lại tăm tia bức tranh sơn thủy của Chu Đạp(2) thay cha mẹ vợ của mình: “Cha, đổi mỗi một bức thì hơi khó coi thì phải, hay là dứt khoát đổi cả hai, đem tặng cả bức này đi.”
(2) Chu Đạp (1626 – 1705): Một bậc thầy hội họa khác thời kỳ Minh mạt Thanh sơ, cũng được xưng là một trong “Tứ Tăng” giống Thạch Đào.
Ông Phương nghe thấy nghịch tử nói thế thì đau lòng một chập, thầm nghĩ sao mình có thể nuôi được một thằng con hoang đàng đến vậy cơ chứ.

Thế nhưng trước mặt con dâu ông lại không tiện ra vẻ, chỉ đành giữ nguyên nụ cười trên mặt, vắt óc nghĩ cách chối từ.
Phí Nghê cũng biết Chu Đạp, cảm thấy món quà này quá quý báu, vội nói: “Bức tranh này cha cứ giữ lại đi ạ.

Phòng khách nhà cha mẹ con không thiếu tranh, chữ thiếu mỗi ít chữ thôi, bọn họ vẫn còn đang đợi cha viết cho mấy chữ đó.”
Ông Phương nhớ mình quả thực đã nói sẽ viết cho nhà thông gia một bức tranh chữ, may mà con dâu cũng nhớ, nếu không phải mang tặng bức tranh này mất rồi.

Giữa tranh Chu Đạp và chữ của mình mà con dâu chọn cái sau, cũng khiến ông rất cảm động.
Ông bảo Phí Nghê đợi thêm một thời gian nữa, bởi vì hiện tại ông không có giấy tốt hay mực tốt, tạm thời vẫn chưa viết được, đợi đến khi nào mua được giấy mực vừa ý thì ông sẽ viết, viết rồi lại mang qua nhà thông gia sau.
Sau đó ông Phương lại bảo con trai và con dâu xem qua một quyển sách cổ ông mới mua về.

Ông đã sớm đoán hai đứa nó sẽ không hiểu, cho bọn nó xem cũng chẳng khác nào đàn gảy tai trâu, nhưng có trâu làm khán giả thì vẫn tốt hơn là không có khán giả nào cả.

Song Phí Nghê lại có thể hiểu một chút.

Những năm vừa qua cô luôn ở trong tình trạng đói chữ, bất cứ cuốn sách nào đào được ở bãi phế liệu cũng cầm về đọc, không kén chọn một tí nào.

Cô không rành về văn cổ, nhưng nếu đào được một cuốn sách cổ thì cô vẫn sẽ đọc không sót chữ nào.
Chút hiểu biết ít ỏi của Phí Nghê đã đủ để khiến ông Phương giật mình.

Ông biết rõ nền giáo dục trung học của thế hệ Phí Nghê thiếu trung thực, vậy nên khả năng đọc hiểu hiệu đính của cô thực sự nằm ngoài dự kiến của ông.

Ông Phương kiếm được được một khán giả vừa ý, liền hứng chí chỉ thêm một số thông tin vụn vặt, mặc kệ nghịch tử có thích nghe hay là không.
Phương Mục Dương biết ông già nhà mình bị tảng lờ suốt nhiều năm, bây giờ có cơ hội để thể hiện thì chắc chắn sẽ không ngừng lại.

Anh ngả người trên ghế, lật giở cuốn tranh phong cảnh mà cha mình mua.

Nếu Phí Nghê muốn vào đại học, trong nhà có người gấp rút dạy bù cũng tốt.
Nhà vẫn chưa thuê thêm người giúp việc, bình thường ông Phương vẫn hay ra tiệm ăn cơm hoặc ăn đồ ăn mà giáo sư Mục mang từ nhà ăn về.

Nếu một mình đi ra tiệm, ông thường chỉ gọi mỗi một bát mì, thỉnh thoảng mới gọi thêm một món ăn kèm, cho dù có ăn được nữa thì ông cũng sẽ ngại không dám ăn, đi có một mình mà gọi tận hai món ăn thì đúng là quá xa xỉ.
Hiện giờ con trai và con dâu đã về đây, ra ngoài tiệm ăn cũng có thể gọi tới mấy món một lúc.

Ông Phương lên tiếng nói trước, bữa cơm này nhất định phải là ông mời.

Đầu tiên ông đưa thực đơn cho bà bạn già của mình, bạn già lại đưa thực đơn cho con dâu, con dâu lại đưa lại thực đơn cho cha mẹ chồng.

Nhường nhau một hồi, Phương Mục Dương liền trực tiếp cướp thực đơn về tay mình.
Anh cười: “Cứ đưa đẩy mãi thế thì rốt cuộc là chúng ta có ăn không đây? Thế này đi, cứ để con làm chủ, mọi người có gì không hài lòng thì lại nói.”
Phương Mục Dương cũng không hỏi bọn họ muốn ăn gì, trực tiếp gọi hai món ăn dựa theo khẩu vị của họ, sau đó lại chọn thêm một món canh.

Ông Phương thấy rất cảm động, không ngờ xa nhau nhiều năm như thế mà nghịch tử vẫn nhớ rõ mình và bạn già thích ăn gì..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui