Tình Yêu Cũng Giống Như Tiền Vậy

Bách Diệp chuyển đến nhà Giang Long ngay hôm sau, bắt đầu chuỗi ngày mang tiếng là ăn nhờ ở đậu nhưng còn sướng hơn lên giời. Cậu chọn một phòng trên tầng hai, ngay cạnh phòng Giang Long có view rất đẹp. Từ phòng này, cậu có thể quan sát toàn cảnh khu vườn bên dưới, tất cả bầu trời bên trên. Địa thế phải nói là cực kỳ tuyệt hảo.

Không rõ Giang Long dặn dò người làm như thế nào mà cậu được đối xử như ông chủ: cơm bưng nước rót, quần áo thay ra có người giặt, đồ đạc vứt lung tung có người dọn, cả ngày chỉ có mỗi việc cầm bản thiết kế đi giám sát, đốc thúc công trình. Hợp đồng vừa ký xong, 50% tiền đã được chuyển vào tài khoản công ty. Bách Diệp đặt tờ sao kê tài khoản dưới gối, đêm ngủ ngon đến tận sáng. Đương nhiên, đời mà như mơ thì làm gì sinh ra vĩ nhân? Từ ngày đến đây, Bách Diệp dần dần nhận ra tất cả những điều thằng cha kia nói đều là tào lao hết. Cái gì mà không biết bơi ngồi bên bờ quẫy nước? Sáng nào hắn chả bơi tới bơi lui ở cái bể trong nhà đến mấy chục vòng. Đồ chết tiệt. Thảo nào không cần bể bơi nữa. Đã có một cái to đùng thế này rồi còn bày đặt bắt ông đây thiết kế mấy hồi. Rồi sẽ có bữa ông thả hóa thi phấn vào bể bơi cho nhà ngươi tiêu luôn. Lại còn cái gì mà tôi đã ngũ tuần? Rõ ràng thấy mấy cái bằng khen trong phòng đọc sách ghi sinh năm 19xx, tính ra mới có ba lăm tuổi. Con mẹ nó, mình lại hớ rồi. Lần sau, gặp ai cũng đoán hai mươi cho chắc. Mặc dù rất khó chịu vì bị gạt nhưng vì cuộc sống nhìn chung khá thoải mái nên Bách Diệp cũng không thèm nghĩ nhiều, tranh thủ tận hưởng mấy tháng ngắn ngủi trong tòa lâu đài miễn phí của Giang Long.

Hắn quả là người rất biết hưởng thụ. Từ ngày cậu đến đây, hầu như tối nào hắn cũng ăn cơm ở nhà. Mà bữa tối của hắn xa hoa đến Hòa đại nhân cũng không bằng. Ngay buổi đầu tiên, Bách Diệp đã bị con tôm hùm to đùng làm cho ấm ách bụng dạ suốt đêm. Phải đến mấy năm nay, kể từ sau bữa tiệc đó, cậu chưa được ăn tôm hùm. Thấy con tôm lớn như thế, không ăn thì thật hổ thẹn với lương tâm. Giang Long nhìn Bách Diệp mắt dán vào con tôm, tay chấm tay bóc, không nhịn được mà mỉm cười.

“Anh không ăn à?”- Rốt cục Bách Diệp cũng nhận ra ai đó không hề động đũa.

Nhìn cậu ăn là no rồi.

“Ngon không?” – Giang Long chống tay vào cằm, nhìn cậu chăm chú.

Bách Diệp gật như gà mổ thóc: “Ngon lắm. Hồi còn ở Anh, có một lần tôi cũng được ăn con tôm to thế này.”


Anh chớp chớp mắt, ra vẻ hóng chuyện: “Kể đi.”

Bách Diệp được hỏi đến niềm tự hào, hớn hở kể ngay: “À, hồi đó tôi đoạt giải nhất trong cuộc thi thiết kế. Cuối năm, thị trưởng thành phố mở tiệc chiêu đãi, tôi cũng được mời dự. Chính là tôi gặp gỡ con tôm hùm trong bữa tiệc đó.”

Giang Long nén cười suýt chết sặc. Nói cái kiểu gì vậy? Người nào nghe không kỹ lại tưởng cậu là Cinderella gặp hoàng tử trong buổi dạ hội chứ.

Anh biết cậu đã không kể hết. Nếu chỉ vì được giải thưởng gì đó mà được thị trưởng mời ăn tối thì ông thị trưởng đó quá hoang phí rồi. Nguyên nhân chủ yếu khiến Bách Diệp được mời chính là năm đó, cậu được vinh danh một trong mười công dân tiêu biểu của thành phố. Hồi ở Anh, Bách Diệp dành hai ngày thứ bảy, chủ nhật đến nhà các cụ già neo đơn, chăm sóc vườn tược cho họ. Thỉnh thoảng cậu còn mua hoa đến trồng. Vì thiếu tiền nên cậu thường chỉ mua được những loại rẻ. Các thiết kế sân vườn cho mấy cụ già chỉ sử dụng hoa dại, cỏ và những loại hoa dễ kiếm, ít tiền. Một trong các mẫu vườn đó đã được giải nhất cuộc thi thiết kế của thành phố nhờ tính sáng tạo và gần gũi với thiên nhiên của nó.

Một người lúc nào cũng thở ra toàn mùi tiền cũng biết làm từ thiện thực khiến Giang Long ngạc nhiên. Anh muốn tìm hiểu xem cậu những gương mặt nào nữa.

“Hồi ở Anh, cậu làm gì để sống?”

Bách Diệp phun miếng tôm trong miệng ra, vỗ vỗ ngực. Trời đánh tránh miếng ăn. Anh có thể đừng động đến nỗi đau của tôi được không?

Nhà Bách Diệp kinh tế rất khá nhưng không theo nghiệp học hành. Bố mẹ cậu cho rằng họ có cần bằng cấp gì đâu mà vẫn kiếm tiền như thường. Vậy tại sao thằng con lại phải học cho mất thời gian, cứ thừa kế sản nghiệp của gia đình là được rồi. Bách Diệp khăng khăng không chịu. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, cậu âm thầm nộp đơn học ngành Garden Design ở Anh. Nhờ thành tích thời phổ thông xuất sắc, cộng thêm hoạt động xã hội năng nổ, trường cấp cho cậu một suất học bổng toàn phần nhưng chi phí sinh hoạt phải tự lo. Giá cả ở Anh quốc không phải đắt tầm thường, toàn bộ tiền tiết kiệm chỉ đủ tiêu trong tháng đầu.

“Thì bằng tiền gia đình chu cấp, rồi thì làm thêm.”

Trả lời vậy cũng không tính là nói dối. Quả thực học kỳ đầu tiên có bố mẹ Thủy Tùng hỗ trợ; nhưng thứ nhất là nhà cô chú nghèo, cố gắng được chừng đó đã là hết sức, thứ hai là Bách Diệp không muốn nhờ vả nhiều nên từ học kỳ hai đã bắt đầu kiếm việc làm thêm. Dĩ nhiên, những việc phổ thông sinh viên Việt Nam vẫn làm khi du học kiểu hái hoa quả, bán hàng, rửa bát nọ kia thì vẫn có thể khai ra được. Nhưng nguồn thu nhập chủ yếu giúp cậu vượt qua những năm tháng khó khăn bên xứ người thì nhất định là sống để bụng chết mang theo. Lỡ có ai phát hiện ra, Bách Diệp này chỉ còn nước đào cái hố mà chui xuống.

Giang Long biết cậu không nói thật. Sinh hoạt phí ở Anh thuộc hàng đắt nhất thế giới, dăm cái việc tay chân đó làm sao trang trải nổi. Anh không hiểu tại sao cậu phải che giấu. Lẽ nào lại là chuyện gì đáng xấu hổ?


“Nếu thích ăn tôm thế thì bảo nhà bếp mai làm nữa mà ăn.”

Bách Diệp vừa chùi mép vừa đáp: “Thôi, không cần. Làm người phải biết đủ.”

Cái gì? Cậu cũng biết nói câu đó hả?

Dĩ nhiên là không. “Thổ” ra câu trên xong, Bách Diệp đã âm thầm bổ sung: “Trừ tiền. Tiền thì biết bao nhiêu mới đủ?”

*

Ngày hôm sau, Bách Diệp ngơ ngác nhìn bàn ăn nào cải xoong, cải thìa, cải bắp, su hào, dưa chuột…

“Hôm nay ngày rằm hay mùng một mà ăn chay thế này?”

Giang Long tỉnh bơ: “Tối qua cậu bảo phải biết đủ mà. Tôi tưởng cậu ngán hải sản rồi nên hôm nay chỉ toàn rau thôi.”


Bách Diệp chẳng nề hà, ngồi luôn xuống bàn, vui vẻ gắp đồ: “Hồi ở Anh, tôi ít ăn rau lắm nên bị táo bón suốt. Giờ thì tốt rồi.”

Giang Long nhắm mắt, hít một hơi, cố nén cảm giác buồn nôn. Anh sinh ra trong giàu có, nói năng thanh lịch, chưa bao giờ trên bàn ăn lại nói chuyện ị đái kiểu này. Thật là mất khẩu vị.

“Sao lại không ăn rau?”

Bách Diệp khinh bỉ xì một tiếng: “Anh đúng là cậu ấm mà. Rau ở nước ngoài rất đắt. Đắt hơn thịt luôn á. Tôi đào đâu ra tiền mà ăn nhiều rau?”

Giang Long nghe có chút xót xa trong lòng mà không hiểu vì sao. Bất giác, anh có loại lỗi giác muốn che chở cho người trước mặt, để cậu không bao giờ phải chịu khổ nữa. Ít ra, cũng không để cậu… phải táo bón nữa. Chết tiệt thật, chưa gì đã nhiễm cái thói ăn nói vung mạng rồi. Giang Long thật chỉ muốn cắn lưỡi mấy nhát.

Thực ra, anh chỉ định trêu cậu thôi. Tưởng cậu sẽ kêu la bữa ăn đạm bạc, rồi bỏ cơm này nọ. Đến tối, anh đã dặn nhà bếp làm rất nhiều món ngon, chờ đến khi cậu đói mèm sẽ lôi ra chọc cậu chơi. Ai ngờ nhóc này dễ nuôi quá thể, cho gì cũng ăn. Thôi thì mấy món đó cho bếp tự xử vậy.

Nhìn nhóc này ăn còn ngon hơn bản thân thức ăn. Lúc nào cũng chăm chú, tận hưởng cho dù ăn rau hay ăn trứng cá hồi muối. Thật là… đáng yêu! Dùng từ này với một cậu con trai kể ra cũng hơi rợn tóc gáy nhưng Giang Long tạm thời chưa nghĩ ra từ thay thế nên cứ nghĩ vậy cho thanh thản.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận