Tình Yêu Kéo Dài 3 Năm

10. X. Tòa án ở Paris
X. Tòa án ở Paris

Ly hôn chẳng bao giờ nhẹ nhàng cả. Chúng ta sẽ là những loại rác rưởi đáng tởm đến mức nào để tin được rằng đó là một hành động không chút nặng nề? Anne đã từng tin tưởng tôi. Trước Chúa nàng đã tra gửi cuộc đời cho tôi (và còn ấn tượng hơn nữa: trước Cộng hòa Pháp). Tôi đã ký vào một thỏa ước theo đó tôi hứa với nàng là sẽ luôn luôn chăm lo cho nàng và nuôi dạy lũ con của chúng tôi. Tôi đã lừa nàng. Chính nàng đã đề nghị ly hôn: chỉ là một cách ném trả lại mọi sự, bởi vì chính tôi đã mở lời cầu hôn nàng. Chúng tôi sẽ không có con và như vậy lại càng tốt cho chúng. Tôi là một kẻ bạc tình và một tên hèn nhát, như thế hẳn sẽ giúp ích rất nhiều ột người cha trong gia đình. Tôi tự coi mình là thủ phạm – để có thể ngừng tự kết tội.
Tại sao không hề có ai ở các phiên tòa ly hôn hết cả? Tại đám cưới của tôi, tất cả bạn bè vây quanh tôi. Nhưng vào ngày ly hôn của tôi, tôi đơn độc đến khó tin. Không có nhân chứng, cũng không có các cô phù dâu, không có gia đình, càng không có những thằng bạn say khướt để vỗ vỗ vào lưng tôi. Không hoa bó, không hoa kết vòng. Tôi rất muốn người ta ném cho tôi cái gì đó, nếu không phải là gạo thì, tôi cũng không biết nữa, cà chua thối chẳng hạn. Dù thế nào thì ở lối ra của tòa án, những thứ đó cũng là một cái gì đó rất quen thuộc. Họ đâu cả rồi, tất cả những người thân thiết từng ních đầy bụng những cái bánh nhỏ ở đám cưới của tôi và giờ đây đã tẩy chay tôi, trong khi lẽ ra phải ngược lại mới đúng – người ta luôn cần cưới đơn độc và ly hôn với sự ủng hộ của tất cả bạn bè?
Có vẻ như là một số mục sư dòng Anh giáo tổ chức nghi lễ tôn giáo cho những vụ thuận tình ly hôn, với sự chúc phúc dành cho những người chi tay và lễ trao lại nhẫn cưới cho linh mục chủ lễ thật trang trọng. “Thưa cha, con xin trả lại chiếc nhẫn này như là dấu hiệu cho thấy cuộc hôn nhân của con đã chấm dứt.’’ Tôi thấy làm như thế thật ấn tượng. Đức Giáo hoàng cũng nên nghiên cứu vấn đề này: việc đó hẳn sẽ kéo được nhiều người tới nhà thờ, và rồi vụ bán lại nhẫn cưới chắc hẳn phải mang lại nhiều tiền hơn những lần quyên góp chứ, phải không nào? Ý tưởng cần đào sâu, tôi tự nhủ, trong khi viên thẩm phán phụ trách ly hôn tìm cách hòa giải. Ông ta hỏi chúng tôi, Anne và tôi, liệu chúng tôi đã chắc chắn là muốn ly hôn hay chưa. Ông ta nói với chúng tôi như thể chúng tôi là những đứa trẻ mới lên bốn vậy. Tôi những muốn trả lời là không, rằng chúng tôi đến đây để chơi một ván tennis. Thế rồi tôi suy nghĩ và nhận ra là ông ta đã hiểu thấu chúng tôi: ông ta có lý, chúng tôi là những đứa trẻ lên bốn.

Ly hôn là một dạng phá trinh tinh thần. Khi thiếu vắng “trận chiến tốt lành’’ mà chúng ta xứng đáng được có, cái dạng thảm họa này (hoàn toàn giống như là mất đi mẹ hoặc bố, tỉnh dậy thấy mình bị liệt sau vụ tai nạn xe hơi, mất chỗ ở sau một vụ sa thải bố láo) là những sự kiện duy nhất ngõ hầu dạy cho chúng ta trở thành con người.
… Thế còn ngoại tình có khiến tôi trưởng thành hay không?
Chúng ta cứ giả bộ là mình thờ ơ với chuyện ly hôn, nhưng sẽ nhanh chóng tới cái thời điểm khủng khiếp khi chúng ta hiểu ra rằng từ “Nàng công chúa ngủ trong rừng’’ đã chuyển thành “Chúng ta sẽ không già đi bên nhau’’. Vĩnh biệt những kỷ niệm đẹp đẽ, phải từ bỏ những biệt danh đáng yêu từng trao cho nhau thôi, đốt đi những bức ảnh chụp hồi trăng mật, tắt đài khi trên đó phát một bài hát đã từng lẩm nhẩm hát cùng nhau. Một vài câu nói khiến bạn phát khùng: “Trông em mặc bộ này thế nào?’’, “Tối nay ta làm gì nhỉ?’’, bởi vì chúng nhắc bạn nhớ tới những kỷ niệm tồi tệ. Mắt bạn sẽ đẫm lệ theo cái cách không thể giải thích nổi mỗi khi chứng kiến cảnh người ta gặp lại nhau ở sân bay. Và ngay cả bài Thánh vịnh cũng sẽ trở thành một trò tra tấn: “Đôi má người đẹp như má chim cu gáy còn cổ người như phủ đầy những chuỗi hạt lộng lẫy… Người đã làm thương tổn trái tim tôi, hỡi người em gái, người vợ của tôi, người đã làm thương tổn trái tim tôi chỉ bằng một con mắt và bằng một sợi tóc trên gáy nàng.’’

Một lần duy nhất chúng ta còn gặp lại nhau kể từ đây, đó sẽ là khi có mặt một bà luật sư tươi cười có một cái gu rất tệ hại là vác bụng chửa vượt mặt. Chúng ta sẽ thơm má nhau như những người bạn cũ. Chúng ta sẽ đi uống một tách cà phê như thể Trái đất không hề vừa sụp xuống. Xung quanh chúng ta người ta vẫn cứ tiếp tục sống. Chúng ta sẽ chuyện vãn bằng giọng bông đùa, rồi, khi chia tay nhau, vẻ đầy thản nhiên, thì đó sẽ là chia tay vĩnh viễn. “Chào nhé, hẹn gặp lại’’ sẽ là lời nói dối cuối cùng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận