Duy chỉ nói thế rồi lạnh lùng quay lưng ra cửa đi thẳng, tôi cũng nghĩ nếu ở gần Duy thì bố Duy cũng không vui vẻ gì, hình như ngay từ tấm hình cả gia đình treo ở phòng khách mà tôi thấy hôm nọ thì Duy vốn đã đơn độc trong gia đình này rồi.
Tôi ngồi thêm một lúc thì có tiếng gõ cửa, mở cửa cho cô Hoa rồi tôi mới chợt nhớ ra cái ổ của mình chưa kịp phi tang, nhưng không kịp nữa rồi, vừa bước vào cô Hoa đã thấy, cô nhìn tôi thắc mắc:
-Cháu ơi, sao cái này… cái này…?
Tôi vội giải thích:
-Cái này là đồ của cháu cô ạ, giờ cháu trả phòng rồi nhưng vì còn mới nên cháu tiếc, cháu đem về bên đây lỡ có khi cần dùng.
Cô Hoa có vẻ không tin tôi nhưng cũng không hỏi tới, chỉ lẩm bẩm:
-Sao lại phải phòng?
Rồi cô vừa lúi cúi dọn phòng cho Duy vừa nói thêm:
-Chủ nhật nào cô cũng dọn phòng cho cậu Duy cả, thế nên từ giờ cô cũng cứ như vậy nhé.
Cô Hoa tháo hết ga nệm, áo gối mang đi giặt, rồi lại mở tủ sắp xếp lại quần áo trong tủ cho Duy, bộ nào ra bộ nấy, phải công nhận quần áo Duy có không ít bộ bụi bặm nhưng bộ nào bộ nấy thẳng thớm vào nếp hẳn hoi, tủ quần áo của Duy có khi còn gọn gàng gấp mấy lần tủ của tôi.
Ở đây mấy ngày tôi thấy hình như cái tên chồng kia mỗi khi nói chuyện với cô Hoa đều rất hòa nhã, nhẹ nhàng, kiểu thái độ khác hơn so với những người còn lại, mà cô Hoa cũng quan tâm Duy, dọn phòng cho hắn mà cứ tỉ mẩn từng chút một, lại còn biết cái áo nào sẽ mặc với cái cà vạt nào rồi để sẵn cho Duy luôn.
Tôi vừa phụ với cô Hoa vừa tranh thủ lân la bắt chuyện:
-Cô này, sau này phòng của vợ chồng cháu cứ để cháu dọn cho cô nhé, dù sao cuối tuần cháu cũng được nghĩ cô ạ.
Cô Hoa bỏ nốt mấy cái áo vào tủ rồi mới trả lời tôi:
-Không sao đâu cháu ạ, từ nhỏ tới giờ phòng của cậu Duy đều do cô dọn, tính ý cậu ấy sao cô rành rõ hết rồi nên cháu cứ để cô làm, cuối tuần mà có rảnh rỗi thì hai vợ chồng cháu cứ đi chơi đâu đó cho thoải mái.
À, cháu có đồ nào cần giặt không để cô mang đi giặt luôn?
-Không cần đâu cô ạ, hơn nữa cô này, cháu xuất thân từ gia đình bình dân, lại tự lập từ khi vào Đại học cô ạ, nên sau này đồ đạc của cháu cô cứ để cháu tự dọn cô ạ, còn phòng thì cháu sẽ tập từ từ cho hợp ý anh Duy, cô chỉ cho cháu nhé.
Cô Hoa nhìn tôi một lát, cuối cùng cô nhỏ giọng, cảm thông:
-Cậu Duy vốn tính ưa sạch sẽ lại hơi cộc cằn, nên nhiều khi nói chuyện hơi mất lòng người khác nhưng cậu ấy tốt tính lắm, cậu ấy đối với ai cũng tốt, cháu hiểu cho cậu ấy nhé.
Chú Tứ cũng khen Duy hết lời như vậy, mà không cần cô Hoa nói tôi cũng tự nhìn thấy thái độ của Duy đối với cô Hoa không hề có chút bề trên kênh kiệu vốn thấy như những cậu ấm khác, nhưng mà vốn dĩ nhà Duy ai cũng vậy, từ bố mẹ chồng đến anh Dũng cũng đều xem cô Hoa như người nhà, chắc vì thế mà cô Hoa nói mình đã làm ở đây hơn nữa cuộc đời.
Lát sau cô Hoa lại nắm nắm lấy tay tôi nói tiếp:
-Chắc tại cô lo xa nhưng vì thấy cháu với cậu Duy mới tìm hiểu chưa lâu, chỉ sợ cháu chưa kịp hiểu nên trách nhầm cậu ấy.
Cháu là cô giáo, ngoan ngoãn hiểu chuyện, cậu Duy gặp được cháu cô mừng lắm.
Sẵn thấy cô Hoa đang nhắc nhiều về Duy nên tôi hỏi tới:
-Cô ơi, cháu thấy hình như bố chồng cháu không hợp với anh Duy lắm phải không ạ?
Cô Hoa thở dài một cái rồi mới đáp:
-Ngày nhỏ cậu Duy ngoan lắm, cả hai anh em đều ngoan, ông chủ lúc nào cũng tự hào về hai đứa con trai của mình, chỉ tại…
Cô Hoa ngập ngừng một lát mới nói tiếp:
-Sau đợt đó cậu Duy trở nên khép kín, ông chủ thì lao vào làm ăn nên khoảng cách hai bố con cứ ngày càng lớn.
Cô Hoa chỉ nói tới thế nên tôi cũng không biết rốt cuộc “đợt đó” là đợt nào nữa, sự tò mò cứ mỗi ngày một lớn.
Một tuần sau đó có vẻ Duy ngoan hơn, bằng chứng là hắn có vào công ty của bố nhưng bù lại thì tối nào cũng thức tới khuya lắc khuya lơ, khuya lắm, có hôm tới nữa đêm vẫn còn chúi mắt chúi mũi vào màn hình máy tính mày mò nghiên cứu cái gì đó, Duy bận tới mức kể cả vài câu trả treo với tôi cũng trở nên hiếm hoi.
Dù sẽ không sống với nhau lâu dài nhưng tôi không mong chồng mình là kẻ hư hỏng, tôi cũng mong Duy được bố chồng công nhận như anh Dũng, chẳng biết tự khi nào tôi lại trở nên quan tâm tới cái thể diện của hắn như thế, có lẽ là từ khi nghe những lời nói đầy cảm thông của cô Hoa.
Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ Duy không còn lườm nguýt với tôi vài lần, còn tôi thì cứ thế, cứ nằm trên sô pha trở qua trở lại mấy lần, thỉnh thoảng nhìn ngó về phía ánh đèn từ máy tính đang hắt lên mặt hắn.
Có một lần nửa đêm tỉnh dậy vẫn còn thấy Duy cặm cụi ngồi gõ gõ, bên cạnh là cả chồng sách cao gần quá đầu, thấy Duy cứ đêm nào cũng thức, lúc chiều lại còn dầm mưa nên giọng hơi cảm, tôi lò mò đi tới hỏi han:
-Anh làm gì mà giờ này chưa ngủ vậy? Con người chứ có phải cái máy đâu mà không cần nghỉ ngơi thế?
Duy vẫn im lìm, còn tôi vẫn kiên trì khuyên hắn tiếp:
-Anh không biết xót cho anh thì cũng phải xót cho người khác chứ, lúc chiều mẹ anh nhắc tôi để ý đến anh, mẹ anh nói dạo này anh gầy hơn.
Lúc này Duy mới ngẩng đầu lên:
-Gì?
Thôi thì dù sao hắn cũng đang là người chăm chỉ, thức đêm thức hôm để làm việc, người ta nói những người đang vì chí lớn thì có thể thông cảm nên tôi mặc kệ thái độ gắt gỏng đó, đang định khuyên hắn thêm câu nữa thì vô tình liếc mắt vào màn hình máy tính thấy trong đó cơ man nào là hoa, hoa gì cũng có, cả quyển sách trước mặt cũng viết về hoa, cứ tưởng hắn chăm cỡ nào hóa ra chỉ đang hoa lá hẹ gì đây không biết, tôi bực mình xẳng giọng:
-Muộn rồi, tắt cái máy tính đi, đêm nào cũng chói hết cả mắt như vậy làm sao tôi ngủ?
Sau đó thỉnh thoảng tôi lại đi cùng anh Dũng, anh Dũng nói đang có dự án gần chỗ trường tôi nên sẵn chở tôi luôn, khi nào không đi cùng anh Dũng thì bố chồng lại kêu tài xế chở đi.
Thật ra tôi không muốn phiền phức như vậy nhưng đó là ý của bố chồng, hơn nữa cũng chẳng còn bao lâu nữa là hết học kỳ một rồi, dù sao cũng không phải phiền anh Dũng quá lâu.
Ngày thì không gặp nhau, tối thì Duy bận bịu chúi mũi vào đống hoa hòe gì đó, thậm chí nhiều hôm còn đi đâu mãi muộn mới về nên ở trong nhà chồng người tôi thường nói chuyện nhất là anh Dũng, có vẻ anh Dũng cũng đoán được phần nào mối quan hệ của tôi và Duy nên lần nào cũng tỏ vẻ cảm thông.
Có một lần ăn tối xong tôi đi lang thang ngoài vườn cho mát, vườn nhà Duy rộng lắm, lại nhiều cây cối nên đi dạo ở đây rất dễ chịu, đi một lát tôi ngồi xuống cái xích đu gần đó, đang đu đưa thì anh Dũng đi tới, anh cũng ngồi xuống ghế gần đó lên tiếng hỏi tôi:
-Hôm nọ bố nói thế nhưng nếu em không muốn vào làm trong công ty thì thôi, để anh hỏi người quen của anh xem bên trường đó có tuyển giáo viên không rồi anh báo lại nhé.
Chuyên môn của tôi vốn là sư phạm, nếu có vào công ty thì cũng không chắc mình có làm được chuyện gì hay không, dù sao thì cũng là nhờ, mà nhờ anh Dũng thì sau này có xảy ra chuyện gì cũng không đến nỗi ngại lắm nên tôi dè dặt:
-Vâng ạ, được thế thì tốt quá, em cũng muốn được làm công việc theo đúng chuyên môn của mình anh ạ.
-Ừ, để anh hỏi, nếu vào được trường này thì em đi dạy cũng tiện, từ nhà mình sang bên đó gần thôi.
Chúng tôi ngồi thêm một lát thì anh Dũng bỗng hỏi thêm:
-Em với Duy… trước khi cưới mới tìm hiểu chưa được bao lâu, hai đứa… có thật sự ổn không?
Tôi hơi giật mình khi nghe anh hỏi thế vì bấy lâu nay khi có người khác cả hai chúng tôi đều luôn diễn vai vợ chồng mới cưới, tình cảm cười nói các kiểu, đặc biệt mỗi lúc trước mặt anh Dũng thì Duy lại diễn quá lên một chút, tôi nghĩ vì anh Dũng là người trẻ nên tinh ý hơn, hoặc vì anh Dũng biết lý do Duy lấy tôi nên Duy mới phải làm như vậy.
Tôi không muốn anh Dũng biết rõ hơn về hợp đồng giữa hai đứa nên chỉ mỉm cười:
-Đúng là bọn em chưa có điều kiện tìm hiểu nhau lâu nên ban đầu có nhiều thứ chưa kịp thích nghi nhưng lâu dần thì sẽ dung hòa được hết anh ạ, dù sao thì có ai sinh ra trên đời mà vốn hợp với ai đâu.
Nghe tôi nói thế Anh Dũng chỉ im lặng thở dài một cái, tiếng thở dài trong đêm trầm đục nặng nề.
Giờ này cũng không còn sớm nữa nhưng vì Duy chưa về thì tôi có về phòng cũng chưa chắc đõ ngủ được, lại cũng muốn chứng minh cho anh Dũng thấy tình cảm của hai vợ chồng tôi tốt đẹp nên tôi cố ngồi đợi thêm còn anh Dũng cũng không vào.
Im lặng một lát tôi lãng sang chuyện khác:
-Anh ơi, hôm nọ em thấy anh mới xới thêm đất ở vạt kia à?
Mẹ chồng tôi có một điểm cực kỳ giống với mẹ tôi là sáng nào cũng ra vườn, vườn thì có cô Hoa chăm sóc tỉa tót hết rồi nhưng sáng nào bà cũng đội nón ra.
Từ nhỏ tôi quen phụ mẹ rồi nên dù không khéo lắm thì những việc này cũng chẳng khó khăn gì với tôi.
Cả tôi, mẹ chồng và cô Hoa đang nhổ cỏ thì anh Dũng cũng đi ra, quần sọc, áo thun, đầu đội cái nón lá xới xới mảnh đất bên cạnh, lúc đó nhìn thấy anh như thế tôi lại nhớ tới ngày đầu tiên tới đây không nhịn được mà bật cười một cái, hôm đó anh áo vest thẳng thớm từng đường ủi, cà vạt các kiểu đúng chuẩn soái ca.
Hôm thấy anh xới đất quên chưa hỏi anh trồng thêm rau gì nên sẵn hôm nay nhớ ra tôi hỏi luôn, vườn nhà chồng tôi cơ man nào là rau rồi, chẳng biết anh còn định trồng thêm gì nữa.
-Ừ, anh xới để ít hôm trồng thêm ít rau mồng tơi.
-Vậy ạ, thế mà em còn tưởng anh trồng hoa, nếu mà trồng được một vườn hoa nhỏ nhỏ ở đây thì đẹp anh nhỉ?
Ngày nhỏ xem trên tivi thấy mấy nhà giàu thường có vườn hoa rất đẹp, cả tuần đi làm, cuối tuần cả nhà cùng ngồi uống trà thưởng hoa tôi thích lắm, bố mẹ chồng tôi cũng hay ngồi uống trà ngoài vườn nhưng lại chẳng có cây hoa nào để ngắm cả.
Anh Dũng nhìn tôi một lát rồi mới lên tiếng hỏi:
-Em thích hoa gì?
Tôi cười:
-Em nói thế thôi chứ em bị dị ứng anh ạ, hoa chỉ để ngắm thôi chứ em mà lại gần là hắt xì cách cả hai cây số còn nghe ấy.
Ngày trước ở nhà em cũng chỉ trồng mỗi hoa mặt trời, em thích hoa mặt trời, tuy ngắn ngủi nhưng nó đã sống một cuộc đời rực rỡ nhất.
Có lẽ anh Dũng ngạc nhiên khi nghe tôi nói thế, lát sau anh nói, nhỏ thôi, chỉ như đang nói với chính bản thân mình:
-Ừ, hoa mặt trời đẹp, chẳng cần tỏa hương, cũng chẳng cần kiêu sa khoe sắc, cứ mộc mạc, cứ bình dị rực rỡ theo cách riêng của mình…như em.
Lời cuối cùng anh hạ giọng, chỉ nói nhỏ xíu nên tôi nghĩ có lẽ mình nghe nhầm.
Có tiếng một cành cây gãy ở gần đâu đây, hình như có con chim vừa lỡ đậu vào cành cây mục nát.
***
Mấy tuần sau thì tới đám giỗ của ông, từ hồi ông mất tời giờ năm nào giỗ ông tôi cũng về, nhưng chỉ thắp hương xong là tôi đi luôn chứ không ở lại lâu, dù sao thì nơi đây cũng không có ai chào đón mình hơn nữa nhìn di ảnh của ông, những kỷ niệm ít ỏi về ông lại ùa về làm cho lòng tôi nặng trĩu.
Duy cũng đi cùng tôi, chúng tôi ngồi nói chuyện với bà nội, những câu chuyện không đầu không cuối và có phần gượng gạo vì bà đối với tôi vốn cũng chẳng có quá nhiều tình cảm như những người bà khác.
Ngồi nói chuyện một lúc thì bà nói cái Vy mới về còn mệt nên đang nghỉ ở trên phòng, dù sao cũng đã tới đây rồi, hơn nữa mấy năm rồi Vy đi học xa nên chúng tôi không gặp nhau, nghĩ thế tôi dặn Duy ngồi đợi còn mình thì lên tầng trên định tới gặp Vy chào hỏi một chút.
Đi ngang qua phòng của bố và dì tôi nghe thấy tiếng cãi nhau, không phải tôi cố ý nghe trộm đâu nhưng vì tiếng của bố rất to, lại đúng lúc nghe loáng thoáng tới tên mình nên tôi bước sát hơn một chút, giọng của bố tôi gay gắt:
-Bà làm sao đó thì làm, tụi nó mới cưới có mấy tháng mà tôi đã dùng danh nghĩa tình cảm để nhà anh Nhâm nhượng lại cho mấy cái dự án rồi, giờ bà muốn tôi đòi thêm là đòi thế nào?
-Thì nhà anh Nhâm giàu có cỡ đó, dăm ba cái dự án bé tí tẹo đó nhằm nhò gì so với họ?
Anh cũng đã gả con gái cho thằng con lêu lổng của nhà bên đó rồi đó thôi, từng đó nhằm nhò gì?
Có tiếng vỡ loảng xoảng từ trong vọng ra, bố tôi lớn tiếng quát:
-Bà còn nhắc được tới con An nữa, chẳng phải hai tỷ hôm nọ bên nhà anh Nhâm đưa để chuẩn bị đám cưới tôi đã đưa cho bà một nửa để gửi cho thằng con trời đánh của bà rồi còn gì? Tôi còn đang không biết ăn nói ra sao với nó nếu sau này nó phát hiện ra đây.
Bà còn muốn gì nữa?
-Thì dù sao ông cũng đã đưa cho nó một tỷ, một tỷ kia là nó cứu em nó chứ có phải cứu người ngoài đâu mà thiệt, thằng Vũ dù sao cũng là em nó, có trách nhiệm với em là đạo lý đúng, kể cả sau này nó có biết cũng chẳng có lý do gì để trách anh cả.
Bên trong im lặng một lát, sau đó cò tiếng thở dài của bố tôi, bố hạ giọng:
-Hôm nay giỗ bố tôi, tôi không hi vọng bà nhắc tới tên cái thằng phá gia chi tử thêm lần nào nữa, tranh thủ xuống dưới đi, mọi năm năm nào con An nó cũng tới giờ này.
Lặng một lát bố tôi lại nói tiếp:
-Con An đúng là chị thằng Vũ, nhưng từ nhỏ nó đã phải chịu thiệt thòi quá nhiều, bà còn lương tâm thì để cho nó được sống yên ổn chứ đừng đi tìm vợ chồng anh Khiêm nữa.
Biết thế này ngày đó tôi gả con gái bà sang bên đó để xem bà còn ăn nói như thế được không?
Dì tôi nghe thế giãy nãy lên:
-Nếu như cậu con trai cả nhà bên đó chịu như sắp xếp ban đầu của bố mẹ nó thì anh còn phải nói chắc? Con Vy xinh đẹp giỏi giang du học tận bên trời tây, làm sao em có thể gả cho cậu con trai lêu lổng thứ hai kia được?
Bố tôi chỉ bất lực thở dài thêm một tiếng:
-Bà….