Tình Yêu Không Hẹn Trước


Tôi dạy trên thành phố, quãng đường đi về cũng chỉ gần hai tiếng đồng hồ nên cứ cách tuần lại tót về với mẹ một lần nhưng đợt này vừa phải ôn thi cuối kỳ cho học sinh, vừa có tên trong danh sách thi giáo viên dạy giỏi nên cả mấy tuần liền không về được.

Mẹ tôi tối nào cũng gọi điện hỏi tôi sao lâu rồi không thấy về, dặn tôi nhớ ăn uống đầy đủ, mẹ kể chuyện đàn gà mới nở, chuyện mấy buồng chuối sau vườn mới chín… ngày nào cũng từng đó chuyện, có lần tôi nghe tiếng bố can trong điên thoại:
-Bà gọi nó ít ít thôi, để con nó còn soạn giáo án.
Giọng mẹ tôi buồn xo:
-Ừ thì tôi dặn nó thế.
Tôi cúp máy, tự nhiên nhớ nhà kinh khủng, thèm rúc đầu vào lòng mẹ ngủ một giấc ngon lành như hồi còn nhỏ, thế là tôi mặc kệ, đạt danh hiệu hay không không quan trọng bằng về hít hà cái mùi của mẹ, chiều thứ bảy xong tiết dạy liền ra đón xe về nhà.

Bình thường tôi hay chạy xe máy nhưng hôm đó thấy hơi mệt, lại cũng muốn lúc lên mang theo được nhiều đồ nên mới leo lên xe khách để về, thế mà rồi đồ đâu chưa thấy lại thấy số mình sao mà xui xẻo thế không biết.
Lúc xe chạy về gần tới nhà tôi thì bị hư, tôi và mấy người khách trên xe lục tục kéo nhau xuống đứng bên vệ đường.

Trời mỗi lúc một tối nên ai cũng nóng ruột nhưng giữa đồng không mông quạnh thế này biết làm thế nào.

Tôi lấy máy ra gọi cho anh Toàn nhưng gọi mấy cuộc cũng không ai bắt máy, đang nghĩ thôi cứ ngồi đợi chung với mọi người cho vui thì thấy có chiếc xe máy chạy chầm chầm rồi tấp vào chỗ tôi, tôi nheo mắt nhìn thì thấy Sinh, anh ta dừng hẳn xe rồi như sợ tôi không nhận ra còn nhiệt tình kéo khẩu trang xuống:
-An, An hả em?
Tôi không nói gì, chỉ khinh khỉnh quay mặt đi, anh ta vẫn hỏi tới tấp:
-Em về nhả hả? Xe hư hả em?
Đồ dở người, tôi đứng ở đây không về nhà thì đi đâu, xe thế không hư thì lại lành à? Đến lúc này tôi cũng không hiểu sao mười năm qua mình lại đâm đầu vào yêu anh ta cho được.
Sinh dừng xe hẳn bước lại gần tôi nhiệt tình:
-Lên xe đi anh chở về, giờ tối rồi mà đứng đợi ở đây biết đến bao giờ?
Tôi nhìn quanh, đúng là chỗ này có kiếm mỏi mắt cũng không có xe thật, hơn nữa hồi chiều tôi đi thẳng từ trường nên lúc này vừa đói vừa mệt, gọi cho anh Toàn thì mãi chả thấy bắt máy, thấy tôi im lặng anh ta nói tiếp:
-Không sao đâu, tại anh có việc đi ngang qua đây, em lên đi anh chở về luôn.
Tôi thì không muốn phiền phức thật, nhưng nghĩ bụng trời tối thế này chắc không ai thấy, mà có thấy thì tôi cũng có làm gì đâu mà sợ, vì thế tôi nói:
-Thế anh cho tôi về tới cổng làng thôi, tôi tự đi bộ về nhà.
Lúc leo lên ngồi sau xe Sinh rồi tôi mới thấy tự nhiên mình ngượng ngùng làm sao ấy, người quen, xe quen, cảnh cũng quen mà sao mình không thấy đau lòng gì cả nhỉ, chẳng lẽ tình yêu của tôi lãng xẹt đến thế? Tới cổng làng thì Sinh không đợi tôi nhắc mà chủ động dừng xe, đêm tối nên tôi không nhìn rõ mặt hắn nhưng có vẻ giọng hơi buồn, hắn cúi mặt nói nhỏ:
-Giờ đến việc chở em hiên ngang đi tới nhà em anh cũng không có tư cách nữa.
Tôi cảm ơn Sinh rồi mang ba lô đi bộ về nhà, tư cách với chả tư ciếc, giờ tôi chỉ muốn về tới nhà tắm rửa cái rồi lục chén cơm lấp đầy cái bụng đang đói cồn cào cái đã, ai hơi đâu mà đi quan tâm cái tư cách gì của hắn.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm theo mẹ ra chợ phiên, ở quê tôi họp chợ theo ngày, hôm nay là chủ nhật nên tới phiên chợ gần nhà tôi.

Phải nói so với không khí ngột ngạt bon chen ở thành phố thì sáng sớm được đi bộ ven cánh đồng lúa chín mượt, hít hà hơi sương còn đọng lại trên từng phiến lá mới thấy dễ chịu biết bao.

Mẹ vừa đi vừa bảo:
-Để mẹ mua ít bánh chiều mang theo.


Còn rau củ thì lát về ra vườn hái, à, còn trái mít với buồng chuối, đợt này ít về thì chịu khó mang nhiều một chút.
Tôi đi bên cạnh khoác tay mẹ:
-Thôi mẹ ơi, có mình con à, mang gì nhiều thế.
-Mày cứ nói thế, mang lên chia bớt cho cái Nhi với thằng Nam nữa, đồ ở quê mình sạch sẽ không hóa chất gì cả, con cứ cho vào tủ lạnh cả nửa tháng cũng không hư ấy chứ.

Mà này, nhắc thằng Nam mới nhớ, hay mày chịu nó đi, con gái cứ phải lựa cái đứa nó thương mình nhiều hơn mà lấy con ạ.
Tôi bất lực quay sang nhìn mẹ:
-Ơ kìa mẹ, con với anh Nam có gì đâu?
-Thì mẹ cứ dặn thế, thằng đó mẹ chịu, nó mà mở lời một cái là tao trói chân mày cho bố mày chở sang nhà nó luôn, khỏi phải đưa rước gì nữa.
-Mẹ buồn cười thật đấy, con mẹ mà mẹ làm mất giá thế, cứ như bán mớ rau ấy.
-Ừ thì mày lại chả mất giá, ngày xưa bằng tuổi mày…
Mẹ tôi chưa nói hết câu thì đã nghe có giọng nói của ai đó oang oang đâu đây, cái giọng chua ngoa cực:
-Này con kia, mày ăn không được định phá cho hôi phải không? Mày đêm hôm giở trò quyến rũ con tao đấy à?
Cả tôi và mẹ đều ngơ ngác nhìn xung quanh thì thấy mẹ Sinh vừa cầm cái nón phe phẩy quạt vừa sấn sổ tới, bên cạnh là cô con dâu tay ôm cái bụng lùm lùm nước mắt ngắn dài.

Mẹ tôi cũng không hiền, bà quăng cái làn xuống đất cái “ phịch” rồi xắn tay áo lên chửi:
-Này bà kia, bà chửi xiên chửi xéo gì con tôi thế hả? Ai rù quyến gì con nhà bà? Báu lắm đấy.
Mẹ Sinh xông tới:
-Tôi thèm vào chửi xiên chửi xéo nhá, tôi là tôi chửi thẳng mặt đấy, cái ngữ này mà cũng đứng lớp dạy được học trò cơ đấy.
Bà ta vừa nói vừa bỉu môi, hai tay chống nạnh, tôi thì đang chửi thầm mình lỡ ngu một lần mà để tình ngay lý gian bị đánh ghen giữa đường thế này mới chết cơ chứ, đang định kéo tay mẹ lại thì mẹ gạt ra:
-Mày đứng im, việc gì phải sợ.
Rồi mẹ quay sang ngẩng đầu nhìn mẹ Sinh, mẹ thấp hơn nên phải nhón nhón mãi:
– Này, tôi nói cho bà biết nhá, con nhà tôi ăn học đàng hoàng, công việc tốt, xinh xắn giỏi giang, ngày xưa tôi còn không muốn gả về nhà bà huống hồ giờ đã tan đàn xẻ nghé rồi, bà ảo tưởng nó vừa vừa thôi, tránh ra.
Mẹ tôi vừa nói vừa kéo tay tôi đi tiếp, mới được mấy bước thì mẹ Sinh cất tiếng tiếp:
-Không nhăm nhe cướp chồng người khác mà nửa đêm nửa hôm bắt con trai tôi lên tận trên huyện để chở về? Này nhá, khôn hồn thì tránh xa thằng Sinh ra, cô mà lẽo đẽo bám theo nó nữa thì tôi cho cả cái trường cô dạy biết bộ mặt thật của cô đấy nhá.
Mẹ tôi nghe nói thế thì quay sang nhìn tôi, có lẽ bà cũng không ngờ được là tối hôm qua tôi lại về cùng với Sinh thật, tôi thì vốn cũng không phải hiền lành nhưng trước giờ cứ nghĩ dù sao sau này cũng là người một nhà nên hết lần này đến lần khác nhịn bà ta, nghĩ lại thấy sao mình nhu nhược thế không biết, tôi hít một hơi thật sâu rồi quay lại nhìn thẳng vào mặt bà ta bình tĩnh đáp:
-Bác ạ, là thế này, tối hôm qua đúng là cháu có ngồi xe anh Sinh về thật, về tới cổng làng thôi bác ạ.

Thật ra thì cũng là bất đắc dĩ thôi, chúng cháu cũng chẳng có gì mờ ám, nếu không tin thì bác cứ về mà hỏi anh Sinh ấy.

Còn chuyện của hai đứa cháu, dù mười năm hay hai mươi năm gì thì tạm thời cũng coi như chuyện của con cháu, không đề cập tới nữa, nhưng còn chuyện của người lớn vẫn chưa giải quyết xong kìa bác, không ấy sẵn đây mình giải quyết luôn được không ạ?
Mẹ Sinh chanh chua:
-Chuyện người lớn là chuyện gì? Nhà tao thì có việc gì phải giải quyết với cái ngữ như mày?
-Chuyện nhà bác sang nhà cháu hỏi cưới ấy ạ, hôm đó còn có cả bác trưởng họ nữa cơ mà bác? Trùng hợp cái là anh trai cháu lại có anh bạn cũng làm dưới huyện, hôm đó anh ấy tới nhà chơi nên sẵn tiện được chứng kiến lễ cau trầu kia rồi bác ạ, đúng rồi, nghe đâu là cấp trên của anh Sinh ấy ạ.


Chậc, biết sao giờ, anh Sinh đi lấy vợ khi còn hôn ước với cháu nên cũng không biết có bị ảnh hưởng gì không nữa, thôi để mai cháu mang mấy tấm hình chụp hôm đám hỏi xuống cơ quan anh ấy trình bày trước, mong các anh ấy thông cảm.

À, còn cả hình cưới nữa ạ, chắc anh Sinh chưa cho bác xem, đây ạ, đẹp lắm.
Tôi giả vờ lấy điện thoại ra lướt lướt trong bộ sưu tập định đưa cho mẹ Sinh, bà ta xua xua tay nói:
-Thôi thôi, hiểu nhầm thì thôi, đã không cưới nữa còn giữ hình làm gì?
Tôi cất điện thoại vào giỏ đáp:
-Vâng, cháu giữ để sau này cứ thấy thằng nào hao hao con bác thì cháu tránh ra trăm mét bác ạ.
Vợ Sinh đứng bên cạnh không nói lời nào, từ đầu tới cuối chỉ ôm bụng khóc thút thít, có vẻ cũng là người bị lừa giống tôi chứ không phải dạng tiểu tam phá hoại gì ai, tự nhiên tôi thấy thương hại nên quay sang an ủi:
-Em yên tâm, ghen với ai chứ đừng bỏ công ghen với chị cho mệt em ạ, chị đang tự hỏi ngày trước có phải mình ngã đầu vô bãi c.ứt trâu hay sao mà ngu thế này đây.
Mẹ Sinh nghe tôi nói thế có vẻ sợ nên vội kéo tay con dâu đi, mẹ tôi quay sang hỏi:
-Mày chụp hình với nó khi nào thế?
Tôi tủm tỉm:
-Con bịa ấy, con có chụp hồi nào đâu.
Thật ra lúc đó tôi biết chỉ cần đụng tới cái ghế công an của Sinh là bà ta sợ nên cứ nói bừa để hù thế thôi chứ tôi làm gì có tấm hình nào trong máy, cũng chẳng có anh bạn nào làm cấp trên của Sinh cả.

Nghĩ tới cảnh đang xù lông lên vội cụp xuống của mẹ Sinh là tôi không nhịn cười được, cũng phải thôi, Sinh học hành làng nhàng, ban đầu làm dưới xã sau lo lót mãi mới được điều lên huyện.

Tự nhiên tôi lại thấy cái Nhi nó nói đúng, phải phúc mấy đời tôi mới bị bỏ trước cưới thế này đây.
Trưa đó đang ăn cơm anh Toàn lườm lườm hỏi:
-Tao nghe nói hồi sáng mày bị chặn đường đánh ghen à?
Mẹ tôi từ sáng giờ có vẻ quên quên, giờ nghe anh Toàn nhắc lại nóng m.áu hăng lên:
-Ghen vớ ghen vẫn, làm như con bà ấy dát vàng ấy, lúc đó mà bà ta không đi thì không khéo mẹ xô xuống ruộng luôn cho chừa.
Anh tôi vừa gắp miếng thịt bỏ vào chén mẹ vừa tủm tỉm:
-Sao mẹ xô được bà ấy, bà ấy phải to gấp đôi mẹ.
-To mà ăn à, mẹ mà đẩy cho một cái thì cả cục mỡ nằm dưới sình ấy chứ.
Bố tôi dừng đũa quay sang nạt :
-Sao lần nào gặp nhau bà cũng phải hơn thua với người ta thế, bà như thế chứng tỏ bà đang tiếc đấy.
-Tôi tiếc hồi nào?
-Thì tôi biết bà không tiếc, thế nên bà cũng phải để cho người ta biết bà không tiếc chứ, bà cứ kệ họ, việc của họ không liên quan gì đến mình thì thôi.
Bố tôi vừa khuyên mẹ xong liền quay sang nhìn tôi hỏi :
-Sao thế con?

Tôi nghe bố hỏi thế liền ấm ức kể :
-Mẹ thằng cha Sinh ấy bố, lúc con với mẹ đi chợ liền dắt theo con dâu tới chửi con.
Bố tôi chưa kịp nói gì thì anh Toàn đã gắt:
-Mày dính lấy nó làm gì mà để bị chửi?
-Lúc tối xe khách hư dọc đường mà em gọi cho anh mãi có được đâu, đúng lúc thằng ấy đi ngang nên em ngồi một đoạn.

Thề, về tới cổng làng là em đã xuống đi bộ rồi mà sao đứa nào tinh mắt thế không biết.
-Mày làm như mày đang đi một mình giữa sa mạc ấy mà không ai thấy.

Gọi cho anh không được thì phải biết gọi bố chứ?
Tôi gân cổ lên cãi :
-Thế chẳng lẽ bắt bố đêm hôm lên đó đón em à?
Bố tôi can ra:
-Thôi được rồi, lỡ lần này rồi thì thôi, sau này cố gắng hạn chế tiếp xúc lại, mình thì không có ý gì nhưng người ta lại nghĩ khác, hơn nữa mất công vợ nó suy nghĩ tội nghiệp con ạ.
-Vâng ạ.
Tôi vừa xúc thêm thìa cơm thì bố nạt tiếp:
-Còn nữa, thằng cha Sinh là thằng nào? Trước giờ xưng hô thế nào thì giờ cứ thế ấy mà gọi, mình phải chuẩn mực thì mới tạo được lòng tin cho người ta, nghe không?
Bố tôi thế đấy, sau khi nghỉ hưu bố thường đến chùa làm công quả và nghe thầy giảng Pháp nên lúc nào cũng dặn anh em tôi phải tự tìm ra lỗi sai của mình trước khi tìm ra lỗi sai của người khác, ngay cả chuyện này mà bố cũng khuyên tôi phải tạo lòng tin cho mẹ và vợ Sinh, để họ đủ tin tưởng mà không nghi ngờ tôi nữa.
Tôi lén nhìn mẹ mới đi xuống bếp mới ghé tai bố thì thầm:
-Công nhận mẹ dữ cực bố ạ, may mà lúc sáng cãi nhau lúc chưa vào đến chợ chứ không vào đó đông người thì con xấu hổ chết.
Anh Toàn gõ đôi đũa vào đầu tôi cái “ cóc” :
-Mày không nghe bà nội trước đây từng nói à, bố với mẹ đúng là hai thái cực trái dấu hút lấy nhau.
Bố tôi dừng đũa cười :
-Ngày xưa mẹ con hiền lắm, hiền nhất làng ấy chứ, tại sau này do hoàn cảnh nên bà ấy mới phải dữ ra như thế, khi chưa lấy bố thì phải chèo chống nuôi con, lấy bố rồi thì phải gồng gánh bán buôn nuôi cả nhà chứ lương giáo viên của bố không đủ nuôi anh em con.
Lặng một chút bố nói tiếp :
– Hoàn cảnh nó tạo ra tính cách con người các con ạ, mẹ con phải thế mới chèo chống được gia đình mình.

Bởi vậy sau này các con cứ tìm được một người mà mình được sống là chính mình, không cần phải thay đổi gì cả thì mới hạnh phúc được.
Bố tôi cả đời sống đơn giản, thế nên hạnh phúc đối với bố cũng chỉ đơn giản thế thôi.
Ăn tối xong anh Toàn rủ tôi đi uống cà phê với mấy anh bạn nữa, ngồi được một lát thì tôi có điện thoại của bố ruột, tự nhiên tôi thấy bất an trong lòng, lâu lắm rồi tôi không gặp bố, từ khi ông nội mất mỗi năm tôi chỉ về bên đó hai ngày, một ngày giỗ ông, một ngày là trước giao thừa, cũng là để thắp hương cho ông.

Bố nói muốn gặp tôi có vài chuyện nên sáng mai sẽ lên chỗ tôi, bố không biết là tôi đang ở nhà, nghĩ dù sao thì sáng mai cũng không có tiết dạy nên tôi nói bố không cần phải lên, mai tôi sẽ sang nhà gặp bố.
Sáng ngày mai tôi nói dối bố mẹ và anh Toàn để sang nhà bố nhưng đi được nửa đường thì bố nhắn địa chỉ một nhà hàng mới mở, bố nói tôi tới đó hai bố con vừa ăn vừa nói chuyện, như thế cũng tốt, về bên đó mất công phải gặp bà nội và dì tôi không tự nhiên.
Bố bỏ vào chén tôi mấy con tôm đã được lột sẵn, từ nhỏ giờ bố con tôi không có dịp nào gần gũi thế này, bố không cần tôi, còn tôi thì hình như đã được ông trời bù đắp một tình phụ tử thiêng liêng khác nên với tôi mà nói thì có gặp bố hay không không quá quan trọng, ngồi với bố thế này tôi lại thấy cứ ngượng ngùng xa lạ làm sao ấy.

Bố gắp cho tôi thêm một chút thức ăn rồi nói :
-Ăn đi con, đợt này con gầy hơn.
Tôi vâng nhỏ rồi cắm cúi ăn nốt mấy miếng còn lại, cũng không hỏi xem rốt cuộc có chuyện gì muốn nói mà bố phải dẫn tôi tới đây gặp riêng thế này.


Đợi tôi ăn xong bố mới nói tiếp:
-An này, đợt trước bố có nghe chuyện của con và Sinh, coi như hai đứa con không có duyên nợ con ạ.
Chuyện qua lâu rồi, ngày mới xảy ra chuyện thì bố không hỏi han giờ tự nhiên còn nhắc lại làm gì không biết, tôi hờ hững đáp:
-Vâng ạ, con cũng quên luôn rồi.
Bố tôi nâng ly rượu lên uống một hơi rồi nhìn tôi nói:
-Có chuyện này bố cứ trăn trở mãi hôm nay mới nói được với con, bố biết có thể con sẽ giận bố nhưng nghĩ tới ông nội bố cứ thấy nặng lòng.
Nhắc tới ông nội tự nhiên tôi chùng xuống, bố thấy tôi không nói gì thì kể tiếp:
-Ngày trước chắc con cũng có nghe ông nội nói thời đi bộ đội ông có một người bạn vào sinh ra tử nào đó đúng không? Con biết không, tình bạn, tình đồng chí của những chiến sĩ bộ đội ngày đó trân quí lắm, dù sau này họ thất lạc nhau cho đến tận khi ông nội con sắp qua đời mới được gặp lại nhưng bố nghĩ như thế ông cũng mãn nguyện rồi.
Đợt đó tôi có biết về người bạn thời chiến của ông, ông nói bạn ông đã từng vào sinh ra tử với ông, từng cõng ông chạy xuyên rừng khi ông bị thương và hai người đi lạc đồng đội, ông nói nếu không có người bạn đó có khi ông không còn vẹn nguyên trở về với gia đình nữa.

Hòa bình lập lại thì hai người lạc mất nhau, nhiều buổi chiều ông ngồi nơi bậc thềm nhìn xa xăm mãi, hồi đó công nghệ thông tin chưa rộng rãi như bây giờ nên dù ông cũng tìm nhiều cách nhưng chưa tìm được.

Cũng may trước khi mất mấy tháng thì người bạn kia tìm được ông, lúc này ông yếu lắm rồi, gặp lại bạn ông chỉ run run ú ớ chứ không nói được gì nữa, hai mắt cũng khô khốc không còn nước mắt để chảy nhưng bàn tay toàn xương với xương của ông cứ đặt lên vai bạn ông run rẩy mãi, hai người gặp nhau được mấy lần thì ông tôi đi.
-Chỉ là ngày đó hai người lại từng lập hôn ước sau này sẽ trở thành thông gia của nhau con ạ.
Bố tôi thở dài cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, chuyện này tôi cũng từng nghe chính ông nói, ngày đó tôi cũng nghĩ ông tôi phải trân quí lời thề đó lắm mới canh cánh trong lòng nhiều năm như thế nhưng vì lúc đó họ chưa tìm được nhau, hơn nữa chuyện đó có vẻ cũng không liên quan tới mình nên tôi không để tâm lắm, mãi tới bây giờ bố nhắc lại tôi mới nhớ.
-Nhà bên đó mới nhắc lại chuyện này con ạ, ông bên nhà vẫn muốn hai gia đình thực hiện lời hứa hôn ngày đó.
Tôi hoài nghi nhìn bố:
-Nhưng thời này là thời nào rồi mà còn có chuyện hứa hôn ạ? Hôn nhân là hạnh phúc cả đời của hai con người sao nói hứa gả là gả được?
Bố tôi châm điếu thuốc hít một hơi rồi thở dài:
-Thì bố cũng nghĩ thế nhưng bà con không chịu, bà nói phải chi ngày ông còn sống mà hai bên nói chuyện rõ ràng rồi hủy cái lời hứa đó đi thì không sao, nhưng ngặt cái khi họ gặp lại thì ông con yếu quá rồi nên không ai nhớ nữa, giờ ông cụ nhà bên kia ngỏ ý thế bố cũng không biết phải làm sao đây.
Lúc đó tôi vẫn nghĩ chuyện đó không liên quan đến mình vì bố với dì có cả con trai cả con gái nên trong trường hợp không thể sắp xếp khác thì vẫn có thể toại nguyện được nên chỉ nhỏ giọng an ủi bố:
-Nhưng ông cụ nhà bên vẫn còn minh mẫn phải không ạ, sao bố không tới nói chuyện với ông cụ xin bỏ lời hứa đi xem sao ạ?
-Không được con ạ, bố tới rồi, thật ra ông cụ cũng không phải muốn ép con ép cháu nhưng vì lời hứa giang dở giữa người còn người mất nên cũng canh cánh mãi trong lòng, mà bà nội thì muốn dù ông mất rồi nhưng vẫn phải toại nguyện cho ông của con.
Tôi không biết phải nói sao nữa nên chỉ cúi đầu im lặng, có thể ngày đó lời hứa cũng chỉ xuất phát từ tình đồng chí thiêng liêng, muốn sau này gần nhau hơn một chút nhưng bố nói đúng, để cho lời hứa giang dở giữa người còn người mất như thế khác gì lời nặng tựa ngàn cân?
Bố chợt đứng dậy bước lại gần đặt tay lên hai vai tôi:
-Hồi còn sống ông thương con nhất, bây giờ bố hi vọng con có thể toại nguyện để ông dưới suối vàng được yên lòng An nhé!
Tôi sửng sốt đưa mắt lên nhìn bố.
-Bố sang nhà bên đó rồi, nhà bác ấy khá giả hơn cả nhà mình, cậu thanh niên kia lại giỏi giang thành đạt nên bố thấy con cũng không hẳn là thiệt thòi lắm khi gả về bên đó.
Tôi tủi thân rớt nước mắt, bố không chỉ có một người con gái, huống hồ từ nhỏ tới giờ bố còn không để tôi vào mắt, từ khi rời khỏi nhà bố tôi sống chết gì bố cũng chẳng quan tâm.

Ngày chưa về nhà bố nuôi có lần nửa đêm tôi lên cơn sốt mẹ một mình cõng tôi băng qua hai ngọn núi để đi lên trạm xá, lúc đó bố ở đâu? Hay có đợt nhà không còn gạo hai mẹ con tôi cứ nắm rau dại hái dọc đường và vài củ khoai củ sắn qua ngày, lúc đó bố ở đâu? Tôi biết ngày đó có nhiều lần mẹ lén đi bán m.áu để lấy tiền mua sách cho tôi, người mẹ gầy rộc đi sau mỗi lần như thế, những lần đó tôi nhớ hết, ký ức của tôi về bố hiếm hoi tới mức nhiều khi tôi đã nghĩ người sinh ra mình trên đời là bố nuôi, ấn tượng của bố trong tôi mờ hơn cả ảo ảnh.

Vậy mà bây giờ khi cần một người để hoàn thành tâm nguyện của ông thì bố lại tìm đến tôi? Bố thậm chí còn không ngần ngại nhắc tới chuyện tôi bị hủy hôn để gây áp lực tâm lý cho tôi.

Đáng sao? Tôi đáng bị đối xử như vậy sao?
Nhưng đây không phải là lời hứa của bố, đây là lời hứa của ông.

Tôi chết lặng, từng đoạn ký ức về ông trở về nguyên vẹn, tôi phải làm sao đây?.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận