Tình yêu trở lại

Chương 44Tác giả: Madge SwindellsD ưới sự lãnh đạo của một người thuộc phái bảo thủ, ông Conrad Pietersen, một ủy ban được lập ra nhằm mục đích thuyết phục Anna không tham gia tranh cử. Cuộc gặp mặt đầu tiên được diễn ra vào lúc tám giờ tối tại văn phòng của tòa soạn báo Ngôi sao Stellenbosch. Pietersen sở hữu tòa báo này cùng với những xưởng in và một mạng lưới các cửa hàng buôn bán tạp phẩm. 
Sáu người đàn ông ngồi quây quanh một chiếc bàn, đầu bàn là Pietersen, khuôn mặt đỏ ửng bóng nhẫy, xương quai hàm bạnh ra và cặp mắt thì trố lồi. 
- Kể ra cũng khó, - ông ta nói với một sự tức tối trong lòng. - Không hề có vụ tai tiếng nào. Không có nhược điểm gì để chúng ta có thể lợi dụng được. 
Nhưng chẳng ai buồn để ý đến lời ông ta cả. 
Ngồi cạnh đó là William Rose, chủ bút tờ báo, người đã ôm lòng căm hận Anna kể từ cuộc chạm trán đầu tiên trên sân ga trong ngày Simon trở về từ quân ngũ. Một gã đàn ông gầy giơ xương, có biệt hiệu là “Mật thám”, lúc này đang cau có mặt mày lắng nghe những quan điểm khác nhau của những người ngồi quanh bàn. Bên phải Rose là ông già Joubert. Ngoài một nhà máy sản xuất rượu vang ra, ông ta còn sở hữu một vài cửa hàng thực phẩm ở mạn ngoại ô phía bắc. 
- Lẽ ra con bé chỉ nên chú tâm vào công việc đồng áng thôi. - ông ta lẩm bẩm, rõ ràng đang rất khó xử. Rồi ông quay sang người bạn và cũng là đồng sự của mình, ông Eugene van Brenda, chủ tịch nhà máy rượu. - Cô ấy đã gây được giống lợn nái Landrace tốt nhất nước ta đấy.
Eugene nhún vai. “Ai thèm quan tâm nào”, - ông ta nghĩ bụng. Nếu như Anna mà vào được hội đồng thị trấn thì cô ta sẽ ủng hộ tụi công nhân nhà máy rượu trong việc thành lập liên đoàn thương mại mất. Cô ta phải bị ngăn lại, bằng mọi giá. 
Đối diện với Joubert là John Ross, chủ một vườn nho lớn. Ông ta đã bị mất nhiều nhân công trẻ tuổi có năng lực vì Anna đã tìm được công việc khác cho họ. Bên cạnh ông ta là Jack Tassetti, người gốc Ý, chủ một trại gà lớn duy nhất có đủ sức cạnh tranh với trại gà của Anna.
Pietersen quả là đã chọn lựa kỹ càng, Rose trầm ngâm suy nghĩ. Tất cả bọn họ đều sẽ có lợi nếu như Anna thất bại. 
Pietersen gõ nhẹ lên mặt bàn. Bọn họ đã có đủ thời gian để uống say túy lúy và trao đổi với nhau những câu chuyện phiếm. 
- Có lẽ chúng ta nên bắt đầu thôi. Mục đích chúng ta lập nên ủy ban này là nhằm ngăn cản Anna van Achtenburgh-Smit thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới, nếu hạ gục được cô ta trước ngày bầu cử thì càng tốt hơn. Các vị đánh giá cơ hội của cô ta thế nào? - ông ta quay sang phía Jourbert.
- Cũng khá tốt đấy, - Joubert buồn bã trá lời. - Quả thực là rất tốt. Cô ta được nhiều người dân trong vùng ngưỡng mộ, đặc biệt là ở thị trấn. Cô ta là một nhân vật nổi danh chứ không phải là con người tầm thường. Chẳng có một tổ chức nào là không được hưởng lợi từ tiền của cô ta cả, mà tiền thì có sức mạnh ghê lắm. 
- Theo như… a… ý kiến của cô ta…a.. về tự do, - Tassetti nói xen vào, tay huơ huơ vào trong không khí, - thì chắc sẽ có… a… nhiều người ủng hộ. 
- Ngoài ra, - Rose tiếp lời, - người đàn bà này dường như được sinh ra dưới một ngôi sao may mắn vậy. Bất cứ thứ gì rơi vào tay cô ta đều biến thành vàng.
Cuộc bàn luận cứ diễn ra đều đều nhưng chẳng đi tới đâu cả. 
Cuối cùng Rose cắt ngang. Giọng của hắn ta khô khốc như một cơn gió lạnh lùa trong đám lá khô xác. 
- Vấn đề là cô ta sẽ thắng bởi vì cô ta được ngưỡng mộ. Còn những quan điểm mới mẻ của cô ta thì dân chúng chắc chưa tính đến đâu. Cách duy nhất bây giờ có thể đánh gục Anna là phá hủy lòng ngưỡng mộ đó. Cô ta phải bị bôi nhọ, phải bị vùi đập xuống một vũng bùn nhơ nhớp. Đó là việc của chúng ta. 
- Ôi thôi nào, - Joubert ngắt lời. - Đó là một việc làm bẩn thỉu. Liệu có cách nào khả dĩ hơn không? 
- Buộc phải thế thôi, - Pietersen nói. - Điểm mấu chốt là cuối cùng ta thắng, còn không quan trọng thắng bằng cách nào. Cô ta phải bị hạ gục, tốt nhất là trước khi cuộc bầu cử bắt đầu. 
- A... chính vậy. 
- Nghe này, nghe này, - van Brenda nói, - nhưng làm thế nào để bôi nhọ được thanh danh của Anna? Đó là cả một vấn đề đấy. Có ai biết được chuyện gì xấu xa về Anna để chúng ta có thể moi móc ra được không?
Căn phòng trầm lại. 
- Có lẽ cũng chẳng cần phải làm vậy đâu, - Joubert nói. - Hãy cứ để tôi nói chuyện với cô ta trước đã. Dù sao thì tôi cũng đã từng qua lại thân thiết với gia đình nhà ấy khi ông bố cô ta còn sống. Để tôi thử nói chuyện với cô ta xem sao.
- Con mụ trời đánh thánh vật ấy giống như một người máy vậy - Pietersen nói. - Không thuốc lá, không đàn ông, không một vụ tai tiếng. Chỉ làm việc thôi. Chúng ta có thể làm gì với một người đàn bà như thế nào? 
- Chắc chắn… a… là phải có một cái gì đó chứ, - Tassetti hắng giọng. - Ở Ý.. a… có một câu thành ngữ là: Không ai là không có vết nhơ cả. 
Rose thận trọng nói: 
- Cô ta cũng có mà. 
- Đúng vậy, - Rose tiếp lời, - nhưng chuyện của cô ta với Simon xa xưa rồi.
- Thôi, - Pietersen nói. - Nếu như có một chuyện xấu hổ nào đó thì Rose sẽ tìm ra nó. Anh ta là một chuyên gia trong lĩnh vực này mà. Trong lúc đó chúng ta sẽ bắt đầu chiến dịch tấn công vào những khoản lợi nhuận của cô ta. Kim cương à? Đó là một mỏ gia tài kếch sù. Những gì mà cô ta làm từ thiện chỉ là một phần không đáng bao nhiêu so với những gì mà cô ta có. Bắt đầu như vậy đi, Rose. - ông ta vỗ vỗ vào vai viên chủ bút rồi uống cạn ly rượu của mình. - Hãy viết một bài xã luận, hãy biến tính hào phóng của cô ta thành sự ti tiện! 
Rose gật đầu.
- Chắc tôi không cần phải nhắc nhở các vị đâu nhỉ, - Rose nói, - rằng chúng tôi có những cột báo đăng các bài xã luận trên tờ Ngôi sao Stellenbosch. Tôi nghe nói Anna là một con người cực kỳ kín đáo và nhạy cảm. Cô ta sẽ hiểu ngay rằng chúng ta không ủng hộ cô ta khi đọc được thông tin nào đó. Chúng ta nên thận trọng. 

* * 
- Ngài Joubert, thật tuyệt khi được gặp lại ngài. Ngài đến đúng lúc quá, Nella vừa mới nướng xong một chiếc bánh sữa nhân táo. Tôi vẫn nhớ hình như đó là món ăn ưa thích của ngài. 
Anna đứng ở trước cửa, cảm thấy vô cùng bối rối khi thấy Willem Joubert đến nhà. Ông ta đã tới muộn, cô có một cuộc hẹn gặp với luật sư của mình vào lúc năm giờ. 
- Vâng, vâng, quả có thế cô ạ, nhưng dạo này tôi phải ăn uống cẩn thận hơn rồi. - ông ta chỉ tay lên ngực mình, mặt mày nhăn nhó.
Trông ông ấy già đi nhiều quá, cô nghĩ trong lúc dẫn Joubert đi ngang qua căn nhà, mặt ông ta thậm chí còn đỏ hơn ngày trước, sậm xuống như một trái xê- ri. Anna rất ít khi gặp một ai trong gia đình ông ta kể từ ngày cha cô mất. Cuộc viếng thăm hôm nay thật lạ lùng và chẳng bình thường chút nào. Cách đây vài ngày, ông ta đã gọi điện cho cô, bảo rằng cổ phần của nhà máy rượu của ông ta sẽ được đem ra bán và ông ta muốn mời cô tham gia. 
Anna dẫn Jouberl ra ngoài sân sau và bảo Jacob đi gọi Nella mang trà tới. 
- Ngài tốt bụng quá vì đã có thiện ý nghĩ đến tôi - Cô nói. - Tất nhiên là tôi rất muốn có một ít cổ phần, càng nhiều càng tốt. 
Lúc này, đôi mắt sắc sảo khôn ngoan của ông ta đang nhìn cô dò xét. Ông già này hình như đang trong một tâm trạng bất an, nhưng chắc chắn không phải là do chuyện bán đấu giá cổ phần nhà máy rượu. Số cổ phần ấy người ta chả tranh nhau vồ lấy ngay khi chúng được tung ra bán ấy chứ. 
- Việc tiêu thụ rượu vang dạo này gặp rất nhiều khó khăn - ông ta than phiền. - Tôi muốn thoát khỏi chuyện đó. Giờ tôi già rồi, chỉ thích lui về làm nông nghiệp và trồng nho thôi, không muốn dấn thân vào kinh tế thị trường nữa. 
- Tuy nhiên, - ông ta tiếp tục khi thấy cô vẫn ngồi im, - gia đình tôi sẽ vẫn giữ một số lợi nhuận lớn ở đó. Chúng tôi muốn giữ được nhiều tới mức có thể, và Anna ạ, chúng tôi coi cô là người trong nhà. 
- Ô, ngài tốt bụng quá… 
- Chẳng gì thì, - ông ta ngắt lời cô, - ngày xưa đã có lúc tôi mong cô trở thành con dâu của gia đình tôi mà. André và tôi đã từng rất thân thiết, đặc biệt là khi chúng tôi còn trẻ. Không biết cha cô có kể cho cô nghe không nhỉ, nhưng nhiều lần khi còn chưa lấy vợ, chúng tôi đã bỏ nhà đi chơi hoang mấy ngày rồi mới về đấy. 
Anna nhã nhặn mỉm cười. Vấn đề chỉ là thời gian thôi, cô nghĩ, trước khi ông ta để cập tới câu chuyện chính.
Mãi tới khi bữa trà kết thúc, Joubert mới đem mục đích chính của cuộc viếng thăm ra bàn. 
- Tôi luôn luôn ngưỡng mộ cô, Anna ạ, - ông ta nói. - Cô đã xây được ngôi trường đầu tiên trong vùng cho con em nông dân tới học bất chấp rất nhiều ý kiến phản đối; và không thể đánh giá thấp câu lạc bộ mà cô đã lập ra.
- Tất nhiên là chúng ta không thể đồng ý cái cách người ta đối xử với những người làm công da đen của chúng ta. Ngài là một con người coi trọng việc học hành, chắc ngài cho thế là đủ. Nhưng tôi lại nghĩ rằng vấn đề được học hành tới nơi tới chốn sẽ chẳng đi tới đâu nếu như những người làm công đó không được thỏa mãn những hoài bão khát vọng của họ. Chuyện gì sẽ xảy ra? Họ sẽ trở thành những con người bất mãn với xã hội. 
Ông ta thở dài.
- Vâng, cô nghĩ xa thật đấy, và cô đã làm những gì mà cô cho là đúng. Tôi luôn khâm phục cô về đức tính đó. Tôi cũng cho rằng chúng ta phải thay đổi cách nghĩ để theo kịp được sự biến động của xã hội. Ngày nay chính phủ rất chú trọng cho việc học hành của người da đen mà.
Anna không muốn bị lôi kéo vào một cuộc tranh luận. Cô biết rõ những quan điểm bảo thủ của ông già Joubert. Chính ông ta là người đã giơ nanh giơ vuốt ra để chống lại cô, đặc biệt là chống lại văn phòng giới thiệu việc làm.
- Anna này, hôm nay tôi tới đây để cảnh báo cho cô một việc, - ông ta nói, đặt một bàn tay nóng hổi của mình lên cánh tay cô. - Lần này cô đang phạm sai lầm đấy. Cô đang tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Chúa mới biết rằng cô sẽ gặp sự tổn hại nào nhưng hậu quả chắc sẽ khiến cô và tất cả mọi người phiền muộn. 
- Gì cơ ạ, ngài đang nói về chuyện gì thế ngài Joubert? - Anna nhẹ nhàng hỏi lại, mặc dầu cô thừa hiểu nội dung của câu chuyện đang diễn ra.
- Tham gia Nghị viện với tư cách là một người theo chủ nghĩa tự do. Dân chúng quanh vùng sẽ chẳng ủng hộ cô đâu. Mọi người sẽ chống lại cô. Chắc cô biết rõ điều đó. 
- Vậy thì việc gì ngài phải lo nếu như tôi không được một người tín nhiệm bầu? - Cô vặn lại. 
- Cũng có người đi bỏ phiếu mà chẳng hiểu họ đang bầu cho ai. - ông ta cau mày. - Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm cảnh báo cô, vì tình bạn giữa tôi và ông André quá cố. - Lúc này trông ông ta có vẻ ngượng ngập. - Đảng Tự do rồi sẽ sớm bị cấm hoạt động thôi. 
- Nhưng tôi không có ý định gia nhập bất cứ đảng phái chính trị nào mà, thưa ngài Joubert. Tôi sẽ tham gia vào cuộc bầu cử như là một cá nhân độc lập. 
- Một cá nhân độc lập với những tư tưởng tự do.
Anna cười to:
- Nếu như đó là cách ngài gọi việc giúp đỡ mọi người.
- Khi phụ nữ bắt đầu can thiệp vào những việc mà họ không mấy hiểu thì họ thường gây ra rắc rối. - Joubert nặng nề nói. - Cô chẳng biết tí gì về chính trị đâu, Anna ạ. Cô chỉ là một người muốn cải cách tư tưởng, và cô sẽ đơn thương độc mã. Cô nghĩ rằng mình sẽ làm được nhiều việc có ích ư? 
- Thế ngài nghĩ rằng tôi không biết mình đang làm gì ư? - Anna nhìn ông ta trân trối, trong lòng thầm hỏi tại sao mình lại phải chịu đựng một bài thuyết trình từ ông già ngu xuẩn này. - Tôi cam đoan với ngài rằng tôi biết. - Cô dừng lại. Nhưng việc gì mà mình lại nổi nóng lên như vậy nhỉ? Dù sao thì ông ta cũng có ý tốt mà. - Tôi hoàn toàn phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, - cô bắt đầu từ tốn hơn, - nhất là đối với trẻ em bởi vì như vậy thì chúng sẽ không thể nào có được một tương lai tốt đẹp. Ngài biết không, tôi không thể nào nhìn những đứa trẻ da đen bẩn thỉu, lầm lì ấy mà không nghĩ tới việc đưa một trong số chúng về nhà nuôi nấng như nuôi chính con đẻ của mình. Chỉ khác nhau về màu da thôi, mà dẫn đến nhiều sự khác biệt quá, - cô vội vã nói thêm. 
Joubert phá lên cười thật to. 
- Nghị sĩ Anna van Achtenburgh sẽ không thể thay đổi được điều đó đâu dù chỉ là chút ít. Cô đang phí thời gian lo lắng cho việc chống kỳ thị chủng tộc rồi vì đó chỉ là một chuyện hoang đường.
- Tôi không nghĩ rằng bất kỳ một người làm công nào sẽ đồng ý với ngài đâu, thưa ngài. - Anna lạnh lùng nói. 
- Anna, hãy nghe tôi, - Joubert tiếp tục một cách nhẹ nhàng hơn khi ông ta trông thấy vẻ giận dữ trên khuôn mặt của Anna. - Từ rất lâu rồi đảng Dân tộc chủ nghĩa đã cho rằng một khi chế độ thực dân bị xóa bỏ thì chỉ có hai cách lựa chọn nếu như những người Nam Phi gốc Âu muốn trụ lại được mảnh đất cực Nam này: hoặc là chấm dứt sự phân biệt chủng tộc, hoặc là sống biệt cư. Họ đã chọn phương án thứ hai “a-pác-thai” theo như chúng ta vẫn gọi. Nó không đơn thuần chỉ là phân biệt về màu da, mà còn phân biệt cả về kinh tế, địa lý và văn hóa nữa. - ông ta hít một hơi thật sâu. - Cô và nhiều người khác nữa đang có một góc nhìn hạn hẹp đối với tình thế này. Cô cho rằng mọi việc sẽ khác đi nếu như tất cả những người da đen đều có một làn da trắng ư? Hoàn toàn không phải vậy tôi xin đảm bảo với cô: chúng tôi gọi đó là cuộc chiến tranh tôn giáo, hoặc đấu tranh giai cấp. Vậy cả thôi! Nói toạc móng heo ra là hai nhóm người khác nhau đang giành giật quyền được tồn tại và phát triển trên cùng một mảnh đất. Nghe tôi đi, Anna, đừng cố đâm đầu vào đá nữa bởi vì cô chẳng hiểu chút nào về chính trị cả. - ông ta lôi ra một chiếc khăn mùi soa và hỉ mạnh mũi vào đó. - Những người theo chủ nghĩa tự do muốn làm thay đổi đất nước này, đặt nó lên đĩa và trao trả lại cho người da đen. Có phải đó là điều cô muốn hay không? 
- Ngài đang cường điệu hóa vấn đề quá đấy, hay là ngài muốn nhắn nhủ tôi điều gì? - Nụ cười của cô gượng gạo, nhưng cặp mắt xanh trong trẻo lại ánh lên lấp lánh. - Tôi nghĩ là ngài đã quên rằng gia đình tôi tới mảnh đất này lập nghiệp còn trước gia đình ngài tới hai trăm năm ấy chứ. - Cô nói với một thái độ kiêu căng ngạo mạn. - Tôi không quan tâm tới các đảng phái chính trị, có thể là tôi không hiểu, như ngài nói, nhưng tôi hiểu rõ khát vọng của con người Khi các ngài nói tới chính trị, thì tôi nói tới thức ăn; khi các ngài nói về giải pháp lâu dài, tôi lại nói về đồng lương tối thiểu. Tôi sẽ không tham gia vào một đảng phái nào cả và tôi cũng sẽ không mợ mộng hão huyền đâu. Tôi sẽ chỉ quan tâm tới những mục tiêu cụ thể thiết thực: trường học, cơm ăn và áo mặc. Chúa ơi, đó chính là quyền lợi mà khi sinh ra con người ta ai cũng phải được hưởng. - Cô đứng bật dậy một cách căng thẳng và đập mạnh hai tay vào nhau.
- Vậy thì cô cứ giữ lấy những ý kiến đó, Anna ạ, cho cuộc vận động bầu cử sắp tới của cô. 
Joubert cũng đứng lên và trong một phút, hai người bọn họ nhìn nhau trừng trừng, giận dữ, hệt như hai con gà chọi chỉ chực xông vào quần nhau vậy. Rồi Joubert cười to và vỗ nhẹ vào vai cô: 
- Anna ơi, cô phải hiểu là những người nông dân da đen quý hóa của cô chẳng có chút uy tín chính trị nào đâu trên đất nước này. Họ chỉ là những nạn nhân, những người thiểu số. Tại sao cô không quan tâm tới sự phát triển chung của cả xã hội. Hãy thức thời, con gái! 
- Tôi đã nghĩ rất lâu và rất kỹ rồi, thưa ngài Willem Joubert. Tôi sẽ đặt vấn đề thức thời sang một bên, tôi sẽ làm theo lương tâm mình. 
Sau khi ông la đi khỏi, Anna không còn tâm trí nào nữa để đến gặp luật sư. Cô gọi điện thoại và hủy bỏ cuộc hẹn. Thay vào đó, cô dành ra cả buổi tối hôm ấy lập kế hoạch cho chiến dịch của mình. Quỷ tha ma bắt tất cả đi, cô rủa thầm. 

* * 
Vào sáng ngày thứ Sáu. Acker trở về từ những trang trại của gia đình ở Malmesbury. Cậu tìm thấy Anna ở trong phòng làm việc, mặt tái đi vì giận dữ, đang đọc tờ Ngôi sao Stellenbosch. “Quân chó đẻ” - cô lẩm bẩm, ngước lên và trông thấy Acker. 
- Chào con! Con xem bọn chó má ấy viết gì này. 
Đó là một bản liệt kê hoàn hảo những khoản lợi nhuận mà Anna được hưởng, nhưng phóng đại lên tới mười lần. 
- Những con số này đã bị xuyên tạc một cách kinh khủng, - cô nói. - Chúng ta không có tới như vậy, ít nhất là ở mỏ kim cương. Họ sẽ phải đăng lời cải chính. 
Acker nhìn mẹ thương hại.
- Mẹ không thể buộc họ làm vậy được đâu, và có cần thiết phải nói thật ra cho công chúng biết tài sản của chúng ta có đến đâu hay không nhỉ? Thôi bỏ qua đi mẹ. À mà mẹ này, điều gì đã khiến họ tấn công mẹ, à quên, tấn công chúng ta một cách độc địa như vậy?
Cô thở dài. 
- Ôi Acker ơi, mẹ con mình hầu như chẳng nói chuyện với nhau bao giờ. Con thường xuyên bận rộn ở một nơi nào đó. Mẹ đang tính ra tranh cử vào Nghị viện với tư cách là một cá nhân độc lập có tư tưởng tự do. Mẹ đã đề xuất ra một vài ý kiến không được người ta ưa thích. Đây là cách mà họ tuyên chiến với mẹ.
- Cũng khá hiệu quả đấy nhỉ - Acker nói. - Tuy nhiên, con cho rằng họ cũng chỉ có một vở này thôi. Mẹ giàu có, và đấy là tội lỗi duy nhất mà mẹ phạm phải. - Cậu mỉm cười, vòng tay ôm quanh người mẹ. - Thôi quên nó đi mẹ ạ. 
- Chắc chắn là con phải nghĩ được điều gì đó chứ, Acker? 
- Mua một tờ báo cạnh tranh với tờ Ngôi sao Stellenbosch và phản công trở lại họ. - Acker gợi ý.
- Ôi Acker, con có biết ai là người mà bọn họ ủng hộ để ra tranh cử không? Thiếu tá Barrett đấy. Liệu con có thực sự muốn mẹ bị lôi kéo vào một cuộc cạnh tranh xấu xa với con chim già tội nghiệp ấy không? - Cô đứng dậy và quẳng tờ báo lên giá sách. - Dù sao thì con cũng có một ý kiến hay đấy, - cô mỉm cười. - Trang trại ra sao rồi? 
Acker đón nhận câu hỏi với một thái độ hết sức trang nghiêm. Cậu mở va li ra và Anna bị chìm ngập trong một dãy những con số thống kê hết sức chi tiết về tất cả các trang trại của họ.
- Chỉ có trại gà là hơi có vấn đề, - cuối cùng Acker mới nói. - Dạo này trứng gà xuống giá quá, ta không nên giữ nhiều gà trừ những con đã được nuôi nhốt trong chuồng. 
- Một nửa số gà của chúng ta vẫn còn được nuôi trong những chiếc lán gỗ - Anna nói. - Vậy con muốn đề nghị mẹ bán bớt số đó đi sao? 
- Không nghi ngờ gì nữa, càng sớm càng tốt, và mở rộng hệ thống chuồng nuôi gà nhốt.
- Vậy con cứ tiến hành đi.
- Còn bây giờ là những tin tức vui vẻ - Acker nói tiếp với một bộ mặt hớn hở giả tạo. - Con đã ở cùng cha hai đêm liền và mẹ sẽ không ngờ được rằng cha khá tới mức nào đâu. Con mà nói ra thì chắc chắn mẹ sẽ ngạc nhiên à xem. 
- Con nói đúng, mẹ rất ngạc nhiên. - Anna lạnh lùng trả lời.
- Dịch vụ của cha bây giờ đã là một món kha khá rồi. Tại sao mẹ không tới đó tham quan nhỉ? Mẹ sẽ bị gây ấn tượng mạnh đấy.
Anna nhún vai. 
- Ông ấy không cần phải đọa đày mình tới vậy. Cha và mẹ đã lấy nhau, do vậy cùng được hưởng quyền lợi như nhau từ gia sản này. Một nửa những gì mà mẹ có là của cha, nhưng cha con chẳng bao giờ thèm động tới một xu trong số đó. 
- Mẹ ơi, đàn ông thì phải có lòng tự trọng chứ - Acker nói tiếp - Hôm qua là sinh nhật của cha, cha đã bốn mươi ba tuổi rồi.
Anna nhận thấy sự trách móc trong lời nói của cậu con trai, cô nhìn đi chỗ khác. 
- Mẹ quên. - Cô nói, giọng cô đột nhiên khô khốc như một đám bùi nhùi. - Còn việc gì nữa không? 
- Không đâu ạ. - Cậu trả lời, dường như hiểu được tâm trạng của mẹ. Cậu so vai, đút sâu hai tay vào trong túi áo. Acker chưa bao giờ từ bỏ việc hàn gắn mối quan hệ giữa cha và mẹ, nhưng cậu chẳng bao giờ thành công cả.
- Mẹ có nhận được tin tức gì của Katie không? - Cậu hỏi. 
- Không, con bé lười viết thư lắm, nhưng mẹ có nhận được tin từ bà hiệu trưởng. Bà ấy muốn Katie học opera một cách nghiêm túc. Hiển nhiên là con bé rất có năng khiếu mà.
- Con không thích em nó ra nước ngoài. - Acker bắt đầu. 
- Đừng lo, con trai ạ - Anna cười lớn. - Nó sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu. Nó chỉ là một vật trang trí cho cuộc đời này thôi, để cho đám dân hèn mọn trong vùng ngưỡng mộ. Nó sẽ trở về nhà trong kỳ nghỉ hè sắp tới. Chỉ tám tuần nữa thôi mà. 
*
* * 
William Rose đang bị ám ảnh bởi trách nhiệm bôi nhọ Anna. Ước muốn đó của hắn ta còn lớn hơn gấp ba lần những người khác: thứ nhất, hắn ghét sự thành đạt của mọi người và bất cứ ai giàu có đều trở thành một kẻ thù tự nhiên của hắn; thứ hai, Anna phải chịu trách nhiệm cho lần hắn bị khiển trách đầu tiên trong tòa báo này; và cuối cùng, nếu thành công hắn sẽ được tăng một mức lương đáng kể. Pietersen nói điều đó với hắn rất nhiều lần và do vậy, như một con giun đất, hắn quyết định thăm dò từng hang cùng ngõ hẻm, tìm cách đào sâu moi móc vào quãng đời của Anna trong quá khứ. Số tiền trong hóa đơn công tác phí của hắn cứ ngày một cao dần bởi vì hắn phải dùng tiền để mua chuộc hết người này sang người khác. Nhưng Pietersen vẫn không phàn nàn vì lão ta tin rằng “Mật thám” sẽ tìm ra được một điều gì đó. Hắn biết được chuyện Anna bỏ nhà đến sống với Simon vì câu chuyện được bàn qua tán lại ở khắp mọi nơi. Về cơ bản tất cả đều là sự thực. Hắn thậm chí còn lần ra được cả ngày mà Anna và Simon đến tòa Thị chính để đăng ký kết hôn khi cô ta đã có mang hai đứa trẻ sinh đôi được ba tháng. Những điều này thì ai mà chả biết, với lại thời gian cũng đã xóa nhòa. Simon cũng đã trở thành một trong những người đàn ông nổi liếng nhất ở Malmesbury với một thành tích chói lọi trong chiến tranh. Có vẻ như chẳng còn gì để mà đào bới nữa. Tuy nhiên, Rose không phải là một thằng cha dễ dàng từ bỏ mục tiêu của mình. Hắn tới Vịnh Saldanha, thuê một căn phòng trọ và ngồi quanh quất trong những quán bar hết đêm này sang đêm khác, dò hỏi vu vơ, gợi ý nhẹ nhàng, nói bóng nói gió. Chẳng bao lâu sau, hắn thu thập được một khối lượng lớn những câu chuyện ngồi lê đôi mách rằng Kurt và Anna đã từng có quan hệ tình cảm với nhau trong thời gian chiến tranh. Thông tin này thật đáng giá, nhưng Rose, bằng trực giác của một gã mật thám nhà nghề, đánh hơi thấy vẫn còn một câu chuyện lý thú hơn nhiều. 
Một tối, hắn quyết định đi tới nhà máy cá và lân la hỏi chuyện những người đánh cá, xem thử có còn ai nhớ tới Simon nữa hay không. Ở đó, hắn gặp một người đàn ông gốc Thụy Điển tên là Carl, người này lại quen một gã da đen tên là Hendrickse. Anh ta nói Hendrickse đã qua đêm với một người đàn bà tên là Sophie và nhớ là Sophie không ngớt miệng chửi rủa rằng Anna đã giết chết đứa con của mụ. Khi Rose đi hỏi dò những người khác thì hắn biết được rằng đó là một câu chuyện đã quá quen thuộc với tất cả mọi người. Nhưng chẳng có ai tin cả bởi vì Anna là một nhân vật hoàn hảo không chê vào đâu được trong khi Sophie lại chỉ là một con điếm suốt ngày say khướt, sẵn sàng kể những câu chuyện tục tĩu để đổi lấy một vại bia và sẵn sàng lên giường với bất kỳ gã đàn ông nào để đổi lấy một vại bia khác. 
Tuy nhiên, câu chuyện cũng khiến dòng máu trong huyết quản của hắn chảy rần rật, tóc gáy hắn dựng ngược lên và những ngón tay của hắn thì ngứa ngáy chỉ muốn gõ ngay lên máy chữ. 
Đó sẽ là một tuyệt phẩm báo chí, với những bức ảnh chụp Sophie đang khóc lóc cho đứa con đã chết của mình được đăng ở trang nhất. Hắn thích thú khi mường tượng ra điều ấy, nhưng trước tiên phải tìm cho ra Sophie cái đã.
Hắn bắt đầu từ đám dân đánh cá sống trong những túp lều lụp xụp quanh đầm lầy, nhưng chẳng moi được chút tin tức gì ở đó cả. Sophie đã biến mất tăm từ khoảng hai năm trước và không ai biết cô ta đi đâu mặc dầu có vài người trong số họ đã lừng rất thân thiết với cô ta. Chẳng ai biết tại sao Sophie lại bỏ đi cả nhưng nghe đồn đâu như có chuyện gì đó trục trặc với tay thư ký chuyên phát lương của nhà máy cá. 
Hai ngày sau Rose tóm được tay này trong góc một quán rượu nhỏ. Gã tỏ ra là một con người trầm lặng và kín đáo, nhưng sau nửa tá rượu brandy thì gã để lộ ra rằng Sophie đã đổ bệnh cho gã. Giờ thì, gã cam đoan rằng gã đã chữa khỏi bệnh, nhưng gã cũng đã thọi cho con mụ chết tiệt ấy một cái nhớ đời và mụ đã bỏ đi sang vùng khác kiếm ăn rồi. 
- Mụ đi đâu? - Rose hỏi. 
Gã đàn ông nhún vai. Gã không quan tâm chừng nào mụ ta chưa quay trở lại.
Rose trở về Stellenbosch và triệu lập một cuộc họp của ủy ban. 
- Tôi chẳng cho đó là chuyện thực đâu. - Pietersen càu nhàu, - nhưng anh cũng cứ tìm cho ra mụ đàn bà đó đem về đây đi! 
Một nhiệm vụ không mấy dễ dàng, Rose nghĩ vào buổi sáng hôm sau trong lúc gói ghém quần áo; nhưng hắn biết có một bệnh viện ở gần bến cảng, đó là một nơi lý tưởng để bắt đầu. 

* * 
- Họ hiếm khi nói tên thật của họ cho chúng tôi biết lắm, - bác sĩ bảo Rose, - nhưng chúng tôi nhớ rõ mặt họ; họ cứ phải quay lại đây rất nhiều lần mà. Một thứ nghề nghiệp thật kinh khủng! 
Rose bắt đầu lai vãng tới những quán cà phê, quán rượu trong vịnh. Hắn còn liều mạng tìm vào quận Sáu, một khu vực ít người dám lui tới, nơi mà bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn ma cô dắt gái, những tên giết người và những kẻ găng-xtơ khiến cho dân trong quận luôn khiếp sợ. 
Ba tuần sau có một cú điện thoại từ bệnh viện gọi tới. Sophie đã quay trở lại đấy sau hai năm, ông bác sĩ vẫn còn nhớ cô ta rất rõ bởi vì cô ta luôn say khướt. 
Rose bối rối nhìn vào. Một đám đông phụ nữ nhốn nháo trong một căn phòng chật hẹp. Khi hắn ngó qua cửa ra vào thì tim hắn suýt nhảy ra khỏi lồng ngực: Sophie kia rồi. Những tháng năm rượu chè bí tỉ đã in hằn lên khuôn mặt của cô ta những vết nhăn chằng chịt; giọng nói của cô ta khàn khàn và cô ta đang say khướt. Trông cô ta như một bà lão sáu mươi, nhưng nếu đó đúng là Sophie Jasmine thật thì năm nay cô ta mới chỉ có ba mươi nhăm tuổi. 
Rose ngồi đợi ở bên ngoài và cuối cùng cũng thấy Sophie xuất hiện. Nhảy vội ra khỏi xe, hắn gọi to: 
- Sophie Jasmine - Nhưng rồi bỗng cảm thấy xây xẩm mặt mày bởi một thứ mùi hổ lốn kinh tởm của rượu mạnh và mồ hôi lưu cữu. 
- Hai mươi bảng, - cô ta nói dứt khoát. - Gấp đôi đối với người da trắng, hiểu không? Và nếu ở trong xe ô tô thì thêm năm bảng nữa. 
Rose rùng mình ghê sợ. 
- Sophie, lên xe đi! 
- Hãy xì tiền ra trước cái đã. - Cô ta nói với một vẻ vui mừng hoan hỉ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui