Tơ Đồng Rỏ Máu

Lão nằm trên giường, người lúc thì rã rời như thể xướng cốt nát nhừ , lúc thì đau đớn ngạt thở như bị trói chặt cứng. Thượng đế có thể lấy lão bất cứ lúc nào.

Có thượng đế hoặc Phật tổ thật không? Nếu có, thì tại sao họ lại bất công với lão nhường này? Lão bị giày vò từ nhỏ, từ lúc ngây thơ nhất! Cho nên không hề có thượng đế hay Phật tổ; hoặc nếu có thì lẽ ra họ không được hưởng quá nhiều vinh dự như thế, không được nắm giữ số phận của nhiều người như thế.

Vì vậy lão phải thiết kế ra trò chơi của mình.

Mục tiêu tiếp theo đã được lựa chọn, rất hoàn mỹ và phù hợp với mọi yêu cầu. Chỉ cần lão vẫn còn hít thở đến ngày hôm đó thì tất cả vẫn có thể tiếp tục thực hiện như kế hoạch.

Vụ án “ngón tay khăn máu” sẽ tiếp diễn.

Trước giờ nhà ăn đóng cửa, Na Lan mua được suất cơm rồi ngồi một mình nhấm nháp. Đầu óc cô vẫn hiện lên ký tự kỳ quái do Mễ Trị Văn sáng tạo ra. Thỉnh thoảng hình ảnh ngôi nhà gác nho nhỏ kỳ quái và hai chủ nhân của nó cũng lướt qua. Chỉ trong nửa ngày đã có quá nhiều chuyện kỳ quái.

Khác với hình dung của cô, Sở Hoài Sơn rất trẻ, hào nhã, khiêm tốn. Điểm đặc biệt nhất của anh ta là luôn tỉ mỉ từng li từng tí, chỉ đôi dép lê cũng rất chỉn chu. Dì Tư thì khiến người ta hết sức khó hiểu. Na Lan không cần giao lưu thêm cũng nhận ra thái độ hằn học không che giấu của người ấy. Tại sao lại thế? Là ý thức che chở và ghen tị của giống cái chăng? Tại cô chưa hề thể hiện mong muốn trở thành tri âm tâm đắc của người cháu tài ba nhà bà ta chăng?

Na Lan nhìn di động đang đặt trên bàn. Từ sau tối hôm qua, số máy quen thuộc ấy không lóe lên nữa. Tần Hoài đang giở chứng bỡn cợt gì không biết.

“Lan muội đang thẫn thờ gì thế?” Cô gái không mời mà đến, ngồi xuống bên cạnh Na Lan. Một cô gái rất hay cười. Khuôn mặt cô không thực sự hài hòa, nhưng đôi môi luôn nở nụ cười đã bù đắp đáng kể.

Đào Tử!

Đào Tử là bạn thời đại học rồi lại làm bạn nghiên cứu sinh với Na Lan, kể cả khi không học họ vẫn luôn quấn quýt, vì ở cùng một phòng trong ký túc xá. Họ rất hiểu nhau, đến nỗi người này nói ra câu trước thì người kia có thể nói tiếp câu sau. Hai năm qua có vài gã thích trêu ngươi thường gửi vào hộp thư của họ những cuốn tiểu thuyết bách hợp [1], thoạt đầu hai cô rất tức giận, ít lâu sau thì coi như “trơ” rồi, không thèm để ý nữa.

[1] Tiểu thuyết về đồng tính nữ

Na Lan nói, “Còn có thể là gì khác? Đương nhiên là mình đang nhớ đến ai đó…” Thực ra là cô đang nhớ đến con chữ kia, nhưng cô biết dù mình không nói trại đi thì Đào Tử cũng sẽ quy kết về Tần Hoài, đã nhiều lần Đào Tử khuyên cô hãy đá phăng Tần Hoài cho nhẹ nợ. Nhưng cô không làm được. Sau lần trùng phùng ngắn ngủi với Cốc Y Dương, tình xưa vừa nồng ấm trở lại thì đã tan vỡ. Chính Na Lan cũng không biết những lúc thẫn thờ nhớ nhung thì cô nghĩ đến ai.

Đào Tư cười nhạt, “Cậu định lừa ai thế? Nếu đang nhớ đến Tần Hoài thật thì cậu sẽ không nói ra!”

Đúng, chỉ có Đào Tử thấu hiểu cô.

“Mình nói thật vậy, hôm nay mình gặp một anh rất điển trai”. Na Lan do dự, không biết có nên kể cho bạn nỗi sợ hãi đối với Mễ Trị Văn hay không. Đào Tử là bạn chí thân, cô không muốn bạn chí thân vị cuốn vào cùng nguy hiểm nhất trong cuộc sống của cô. Nhưng cô lại thấy ý nghĩ này thật buồn cười, Mễ Trị Văn như khúc gỗ mục bị trói trên giường bệnh thì có gì là nguy hiểm?

Vụ “ngón tay khăn máu” sẽ còn tiếp diễn! Là sự đe dọa vô căn cứ hay là lời dự báo không hề úp mở?

Nghe Na Lan kể xong mọi điều tai nghe mắt thấy ở căn nhà Sở Hoài Sơn, Đào Tử nhẩn nha nói, “Anh chàng này cũng hơi thú vị đấy! Hội chứng “sợ đám đông” không phải bênh bẩm sinh, cảnh ngộ của anh ta ra sao?”

“Một là, cha mẹ đều mất, đứa trẻ từ nhỏ sẽ thiếu cảm giác an toàn.” Na Lan vẫn nghĩ, liệu có phải mất cảm giác an toàn bắt nguồn từ việc người cha bị hại một cách khác thường không?

Đào Tử chỉ ra, “Nhưng anh ta vẫn còn có tình thường của dì Tư.”

“Mình cho rằng không ai có thể thay thế cha mẹ.” Cô còn định nói dì Tư là nhân vật rất thú vị ở ngôi nhà nhỏ ấy.

“Điều thứ hai là gì?” Đào Tử hỏi.

“Có lẽ vị cao nhân này hồi nhỏ mắc tật nói lắp.” Na Lan nói. Mình không có căn cứ gì, nhưng anh ta thường nói nhát gừng, nói câu ngắn, nghe hơi kỳ lạ, đôi khi ngừng ngắt giữa chừng. Trẻ con nói lắp thường bị bạn học chế nhạo, vì thế mà thấy sợ đám đông, sợ giao tiếp.”

“Cậu ngẫu nhiên nói đến nỗi đau của mình rồi đấy, hôm nay mình đến bệnh viện Giang Kinh dạy Tâm lý học dẫn luận cho cánh trẻ , học sinh thời nay thái độ rất kém!”

Na Lan cười ngặt ghẽo, “Nhất là khi nhìn thấy cô giáo mỹ nhân dạy Tâm lý học, nam sinh thì được ngắm, nữ sinh thì vừa ngưỡng mộ vừa ghen tị, thái độ của họ tốt sao được?”

Buổi chiều, Na Lan phải lên lớp trợ giảng đến 5 giờ rưỡi. Khi cô chuẩn bị rời văn phòng thì chuông di động réo vang.

Sở Hoài Sơn gọi. Cô hơi bất ngờ.

“Cả chiều nay tôi nghĩ đến cô…”

Na Lan đỏ mặt. Sao anh ta có thể thế này?! Lẽ nào kỳ tài này còn là kỳ tài tán tỉnh?

Nghe tiếp thì cô mới hiểu, câu đầy đủ của Sở Hoài Sơn là “cả chiều nay tôi nghĩ đến cô, thuật lại lời Mễ Trị Văn, rằng ‘chỉ có cô mới có thể giải mã’.” Na Lan gượng cười, nhớ lại lúc trưa mình có kể với Đào Tử về tật nói ngắn, nhát gừng, ngắt câu không đúng chỗ của Sở Hoài Sơn, khiến người nghe hiểu lầm.

“Anh nói tiếp đi!” Na Lan tin chắc anh ta đã nhen nhóm ý tưởng nên mới gọi điện cho cô.

“Nói là chỉ cô mới có thể giải mã, thì chữ này phải liên quan đến cô. Hai phần trên dưới, gồm chữ Nhân hoăc Nhập, và chữ Thập, đều rất hay gặp. Đáng chú ý chỉ là, phần giữa của chữ này.”

“Nó hơi giống chữ Điền, phải không?”

“Tôi khẳng định không phải chữ Điền.” Giọng Sở Hoài Sơn rất tự tin. “Từ thời cổ đến giờ, chữ Điền luôn được khoanh kín xung quanh, còn chữ này thì bên dưới bỏ ngỏ, ở giữa có hai nét sổ, trông giống chữ Sách [2] hơn.”

[2] Chữ Điền (田), chữ Sách ( )

“Vậy nó có thể là chữ gì? Hay chẳng là chữ gì cả?”

“Cô đã trồng trọt bao giờ chưa?”

Na Lan cảm thấy quá xa xôi, “Tôi sống ở thị trấn, chưa trồng cây bao giờ cả.”

“Nhưng chắc cô đã nhìn thấy ruộng?”

“Có chứ! Nhưng anh vừa nói… phần giữa không phải chữ Điền?”

“Cô nghe cho kỹ đây.” Giọng Sở Hoài Sơn trở nên già dặn . “Bây giờ cũng ‘chỉ cô’ mới làm được, cô nhớ lại xem, cô đã từng nhìn thấy ở đâu đó một dấu hiệu, một bức vẽ , phù điêu, hoặc một kiến trúc … có thể là nằm ngoài ruộng đồng… trông na ná bộ phận ở giữa con chữ này không?”

“Dấu hiệu? Ở ruộng đồng?” Na Lan lẩm bẩm, và cố nhớ lại. Có vài hình ảnh, vài chuyện xưa cũ thấp thoáng lướt qua trong đầu.

Cô tĩnh tâm suy nghĩ, Sở Hoài Sơn cũng im lặng, để cô có thời gian và tinh thần hồi tưởng. Lát sau anh bổ sung một đặc điểm then chốt, “Chi tiết ấy có liên quan đến chết chóc, đến vụ án “ngón tay khăn máu” mà cô muốn khám phá. Chết chóc…”

Na Lan bỗng đứng lên. Hình ảnh chập chờn trong đầu lúc nãy… cô gần như đã có thể liên hệ các sự việc lại với nhau. Liên quan đến chết chóc!

“Tôi nhớ ra rồi. Tôi đã từng nhìn thấy một thứ giống như phần giữa của những chữ này.”

“Thế à?”

Cô đã nhớ ra, trong “vụ án năm xác chết” hồi nọ, cô từng đến vùng ngoại thành Lĩnh Nam để tìm khu mộ của gia đình “nhân vật số 1 Lĩnh Nam” Quảng Cảnh Huy. Ở đó có xây một cổng chào viết bốn chữ “Quảng thị âm thổ”. “Thì ra, hình tượng ở phần giữa cái chữ kia là cổng chào! Nằm giữa ruộng đồng và đương nhiên có liên quan đến chết chóc, vì cổng chào ấy xây ở lối vào khu mộ.”

Sở Hoài Sơn nói tiếp, “Đúng là rất giống. Rất hay gặp. Kết cấu của cổng chào kiểu đó là bốn trụ, ba cổng. Mễ Trị Văn nói đúng đấy, chỉ cô mới có thể giải được câu đố!”

“Thế mà gọi là đã giải được à?” Na Lan ngạc nhiên, nhưng mau chóng hiểu ra.

Con chữ quái dị của Mễ Trị Văn, trên cùng là chữ Nhập (đi vào), phần giữa là cái cổng chào chỉ mình Na Lan nhận ra, ngụ ý là nghĩa địa. Tức là tung tích của Nghê Phượng Anh ở đâu? Ở nghĩa địa! Có nhiều khả năng là “đã nhập mộ rồi”.

Xuống đất. Đã bỏ mạng.

Nhưng ở nghĩa địa nào?

Sở Hoài Sơn vẫn im lặng. Na Lan hiểu rằng anh ta muốn cô đưa ra kết luận. Cô thận trọng hỏi, “Có phải chữ Thập bên dưới là manh mối để tìm ra ngôi mộ không? Nó sẽ ở đâu? Có lẽ nó là tên của một nghĩa trang?”

“Các vụ ‘ngón tay khăn máu’ xảy ra ở Giang Kinh.” Sở Hoài Sơn tiếp tục gợi ý.

“Nghĩa trang chủ yếu của Giang Kinh là nghĩa trang Vạn Quốc. Nhưng hình như còn có nhiều nghĩa trang mới, an trí bên ngoài năm tuyến vành đai. Tên là nghĩa trang Bách Kiều, nghĩa trang…”

“Tây Sơn công mộ, Vĩnh Lăng viên, Vong Xuyên công mộ, Mai Hạc đường… trong các tên này đều có chữ Thập.” Sở Hoài Sơn không ra khỏi nhà nhưng dù sao vẫn là dân Giang Kinh, anh thuộc lòng tên các nghĩa trang.

Nhập, mộ, thập… chữ Thập sau khi chết?

Na Lan bỗng thốt lên, “Cơ đốc giáo! Giang Kinh có nghĩa trang của Cơ đốc giáo không?”

Ở đầu dây bên kia, Sở Hoài Sơn thở ra một hơi, không rõ là cảm xúc gì. Phải chăng anh ta đã đoán ra rồi? Lát sau anh ta mới nói, “Ở Giang Kinh có một nghĩa trang Thiên chúa giáo, tọa lạc đằng sau một nhà thờ cũ, nằm ở vùng giáp gianh hai khu Văn Viên và Tân Giang, cách Đại học Giang Kinh của cô không xa. Thời xưa là khu tô giới, người nước ngoài chết, nếu đưa về nước chôn thì phải chở bằng tàu thủy, quan tài sẽ bốc mùi, nên họ chôn ở đây. Tất nhiên cũng có một số mộ của các giáo dân danh giá người Trung Quốc…”

Na Lan ngồi trở lại bàn, lên mạng tra cứu, nghĩa trang Thiên chúa giáo là khu di tích cấp thành phố được bảo vệ, số nhà 153 đường Ao Bán Mẫu.

Vấn đề đã sáng tỏ hẳn, chữ Điền mà không phải chữ Điền, lại là chữ Mẫu! Hai nét chữ phía trên chữ Điền, trông tựa như chữ Nhập [3].

[3] Chữ Điền (田), chữ Mẫu ( ).

Sở Hoài Sơn tiếp tục nói, “Nhưng nghĩa trang này ngừng chôn cất từ lâu rồi…”

Na Lan rất muốn hỏi, anh có thể ra khỏi nhà, đi cùng tôi đến đó không? Liệu anh ta có chấp nhận việc bước ra xã hội lần đầu tiên lại là đi đến nghĩa địa? Nếu chứng sợ đám đông bắt nguồn từ vấn đề thiếu cảm giác an toàn, thì một mình cô tháp tùng đâu đủ trấn an anh ta? Cừ từ từ đã vậy.

Cô bèn nói cảm ơn. Rồi rảo bước ra khỏi văn phòng.

Nếu trao đổi với Sở Hoài Sơn thêm vài phút nữa, Na Lan sẽ biết ở Giang Kinh này có năm nhà thờ Thiên chúa giáo, trong đó nhà thờ Đức Bà và nhà thờ Chính tòa Thánh Giuse nằm ở khu Văn Viên. Nhà thờ Chính tòa Thánh Giuse là tổ chức duy nhất có nghĩa trang ở Giang Kinh. Na Lan ra vào khu nghĩa trang, trước mặt cô là cây thập tự bằng đá bạch ngọc nay đã sẫm màu.

Nhập, Điền, Thập; Nhập, Nghĩa trang, Thập; Mẫu, Thập… nên lý giải sao đây? Đầu óc cô vẫn rối bời.

Cổng sắt khóa. Nếu chờ cho trời tối hẳn, có thể trèo qua mà vào. Nhưng Na Lan không có tài leo trèo bẩm sinh nên đành đi vòng sang góc ngoặt, gõ cửa nhà thờ.

“Đã hết giờ mở cửa.” Bên trong, một bà xơ dịu dàng từ chối. Bà chừng ngoài 40 tuổi, rất điềm đạm.

“Cháu… không vào để làm lễ Misa ạ.” Na Lan không biết nên tự giới thiệu ra sao. “Cháu chỉ muốn… vào xem nghĩa trang của giáo hội các vị.”

Bà xơ rất nhẫn nại, “Ba mươi năm nay nghĩa trang không an táng ai nữa. Thành phố đã xếp hạng là kiến trúc lịch sử để bảo vệ, nói chung người ngoài không được…”

Di động của Na Lan bỗng đổ chuông, cắt ngang màn thuyết phục của cô.

Lại là Sở Hoài Sơn.

“Tôi chợt nghĩ ra, có lẽ cô không thể vào khu nghĩa trang ấy.” Kỳ tài lúc này chẳng khác gì quân sư nói vuốt đuôi!

Na Lan thở dài mỉm cười chào bà xơ. Bà cười đáp lễ rồi đóng cửa lại.

“Anh tiên tri giỏi nhỉ? Giá mà anh cho tôi biết trước…”

“Tôi vừa mới nghĩ ra. Thật đấy! Ấn tượng mà Ba Du Sinh, gây cho cô không đúng. Tôi chỉ là người có chỉ số IQ tầm tầm, chỉ số EQ thì thấp…” Anh ta quá khiêm tốn để làm gì nhỉ?

Na Lan nghĩ ngợi. “Nhưng, anh gọi điện chắc không chỉ là để tự kiểm điểm?”

“Cô đã nghe nói về, ông Ngôn Phụ Đức chưa?”

Na Lan lắc đầu, “Ông ta có thể giúp tôi mở cổng nghĩa trang phải không?”

“Đúng! Từ năm 1963, ông ấy là linh mục, đứng đầu giáo xứ Giang Kinh, đến năm 1998 thì qua đời, và được an táng, ở nghĩa trang này.” Xem ra, bà xơ nói “ba mươi năm không an táng ai” e là có vấn đề.

“Ý anh là, tôi nên sắm vai người nhà của ông Ngôn Phụ Đức?”

“Cô nên đoán xem, lần sau gặp Ba Du Sinh tôi sẽ, khen ngợi cô như thế nào.” Hình như Sở Hoài Sơn đang mỉm cười. “Cô nên tự xưng, là cháu họ ngoại của ông ấy. Ông ấy chỉ có, một cô cháu gái sinh cuối thập kỷ 1990, xấp xỉ tuổi cô, đã theo cha mẹ sang Canada định cư.”

“Anh cho rằng các bà xơ sẽ tin tôi nói khoác hay sao? Anh có thể cho tôi giấy tờ tùy thân của cô ta chắc?” Na Lan tưởng tượng ra mình ê mặt vì bị từ chối lần thứ hai.

“Không! Không phải cô, khoác lác. Tôi nói luôn vậy, bây giờ, cô là Tiêu Hoa Nguyệt, cháu của ông Ngôn Phụ Đức. Cô không cần chìa, giấy tờ gì hết. Chỉ cần để bà xơ, hỏi thử xem, cha xứ đương nhiên là ông Bão Quảng Hữu có nhớ ra, bé Nguyệt Nguyệt, cháu gái của, cha xứ quá cố không? Bé Nguyệt Nguyệt, đã từng ăn quả nhót tây, ở sân sau nhà linh mục Bão Quảng Hữu.”

Nghe mấy chữ “bé Nguyệt Nguyệt”, Na Lan lập tức nghĩ đến vụ án xảy ra gần trăm năm trước đang lưu truyền trên mạng, cô hơi lạnh xương sống, “Chuyện cách đây hai chục năm sao anh lại biết được?”

“Ai cũng có thể, biết chuyện hai chục năm trước, đọc Tiếng nói giáo dân, đọc trang web của thư viện thành phố, lướt mạng… là biết hết. Ông Ngôn Phụ Đức rất có uy tín, trong giáo hội, đã bồi dưỡng ông Bão Quảng Hữu. Ông Quảng Hữu, thường tổ chức, liên hoan giáo dân. Theo bản tin Tiếng nói giáo dân, cả nhà ông Ngôn Phụ Đức đều từng tham dự, khi đó bé Nguyệt Nguyệt 5 tuổi, đã biết hát Thánh ca… Tôi sẽ gửi cho cô các tư liệu này…”

Na Lan lại đến gõ cửa nhà thờ, vẫn bà xơ ấy, với nụ cười hơi giảm bớt sự kiên nhẫn.

Cháu mạo muội làm phiền…” Dù chưa chắc ăn nhưng Na Lan cũng đã tự tin hơn. “Vừa nãy xơ nói là… nói chung, không cho phép vào nghĩa trang, nhưng chắc vẫn có ngoại lệ?”

“Nếu là người nhà vào viếng mộ thân nhân, có hẹn trước, thì chúng tôi sẽ thu xếp.”

“Hẹn trước? Nhưng e không kịp mất! Ngày mai cháu phải ra sân bay, trở về Canada…”

“Cô là…” Dưới ánh đèn, thấy cặp long mày thanh mảnh của bà xơ hơi động đậy.

“Cháu là Tiêu Hao Nguyệt. Ông ngoại cháu an táng trong đó…”

Trời đã muộn, màn chiều đang buông xuống cả khu nghĩa trang. Na Lan đã cố thuyết phục để bà xơ không đi cùng, một mình cô len lỏi giữa các hàng bia mộ.

Hơn bốn trăm bia mộ, Na Lan soi đèn pin nhìn từng tấm bia. Sau khi trải qua hai vụ án lớn và vô số đêm hãi hùng, cô đã hình thành thói quen mang theo đèn pin.

Đúng như đã lường trước, ở đây không thấy có tên Nghê Phương Anh. Hung thủ của vụ án “ngón tay khăn máu” không thể trắng trợn công khai dựng bia cho nạn nhân mà hắn hãm hại, tự phơi bày tội ác cho thiên hạ biết. Điều này chứng tỏ hắn không phải hạng người quái gở dám thách thức quyền lực, khiêu khích luật pháp xã hội.

Mà là một kẻ nhu nhược.

Mục đích phạm tội của kẻ nhu nhược dường như không nhằm phô trương khả năng gây án của mình. Cho nên hắn đã che giấu rất kỹ tội ác gây ra rải rác ba mươi năm. Nhưng tại sao hắn lại công khai cái khăn dính máu và ngón tay bị chặt đứt? Xem ra, cũng như nhiều tội phạm sát nhân khác, hắn vẫn muốn thể hiện một điều gì đó.

Hắn muốn thể hiện điều gì?

Liệu có phải nếu không ai hiểu được ý đồ của hắn thì vụ án “ngón tay khăn máu” vẫn tiếp diễn, như Mễ Trị Văn dự báo không?

Lúc này Na Lan hầu như đã phủ định Mễ Trị Văn là hung thủ. Lão giống một diễn viên hạng hai hạng ba, chỉ lo mình không đủ tài diễn kịch. Nếu lão là đạo diễn vở “ngón tay khăn máu” thì rất khó hình dung suốt ba mươi năm nay lão kìm nén được sự thèm khát ra tay. Nhưng tại sao lão lại biết tung tích của Nghê Phượng Ah và chỉ dẫn cô tìm đến nghĩa trang này?

Hàng trăm bộ hài cốt nằm ở đây, bộ nào là của Nghê Phượng Anh?

Na Lan thất vọng nhìn khắp bốn bề khu mộ, muốn mình phải đào tất cả lên hay sao? Không thượng đế nào đồng ý.

Đại sư Mễ Trị Văn cũng không đồng ý. Niềm vui thực sự của đại sư còn ở phía sau. Lão đang sốt ruột chờ cô trở về. Cửa ải thứ nhất này không thể nào lại khó nhằn như thi Olympic Toán.

Cách tư duy phải đơn giản.

Na Lan quay trở ra cổng sắt của nghĩa trang, dừng lại bên một tấm biển lốm đốm gỉ, rọi đèn pin lên bảng nhựa in sơ đồ các khu vực bên trong. Nghĩa trang hình chữ nhật, gồm bốn khu vực trên dưới trái phải được chia bởi hai con đường hình chữ thập lát gạch, giao nhau.

Na Lan chú ý đến điểm giao nhau ấy.

Lại nhận ra một chữ “thập” nữa!

Cô vội bước đi, đến giữa đường gạch giao nhau. Cô cúi xuống, soi đèn pin vào viên gạch vuông ở chính giữa. Nó chỉ đặc biệt vì ở chính tâm, ngoài ra cũng rạn rịa cũ kỹ như da mặt người già, chẳng có gì khác các viên gạch lát xung quanh. Cô mở túi lấy con dao nhỏ, cũng là thói quen tốt hình thành sau khi trải qua hai vụ án lớn, thọc mũi dao vào kẽ quanh viên gạch, ở đó là đất cát và bùn, rêu cùng cỏ non ứ lên sau mưa, giống như vách ngăn tình cảm giữa người và người. Cô moi hết đất, cỏ và rêu, rồi nậy hẳn viên gạch lên. Đá vụn rải bên dưới đã bị xói đi quá nửa theo dòng thời gian, chỉ còn lại một lớp mỏng. Cô bới hết lớp đá, bên dưới là bùn đất xỉn khá mềm, do thấm nước mưa. Coi con dao như cái xẻng, cô đào sâu xuống khoảng ba phân rồi dừng lại.

Thấy một cái túi nhỏ.

Ánh đèn rọi vào một cái ví tiền xanh nhạt bằng nhựa, in các ô ca rô vàng, lam và lục, trông giống mẫu thiết kế của thương hiệu Burberry. Na Lan nhớ đến ví tiền nhựa mẹ dùng thời con gái, hồi nhỏ cô từng trông thấy khi vào gian chứa đồ của gia đình chơi trò tìm “báu vật”.

Và cũng thấy có ảnh cài trong ví, như lúc này.

Nghê Phượng Anh trang nhã xinh đẹp, đứng trước cây cầu bắc qua sông Thanh An mỉm cười, tràn trề sức xuân. Trong các “bài học” mà Ba Du Sinh đưa cho Na Lan có bản photo ảnh này. Dưới ánh đèn pin, nụ cười của Nghê Phượng Anh hiện lên nhợt nhạt, mắt cũng phảng phất ưu tư.

Nét ưu tư này trông quen quen? Na Lan sực nhớ đến bức tranh vẽ bà mẹ Sở Hoài Sơn.

Chắc tại ngồi xổm quá lâu, cô bỗng thấy chóng mặt. Có phải tại mưa bụi ngày xuân không, mà mắt cô nhòe ướt?

Nghê Phượng Anh rời xa thế gian này đã lâu. Không phải bây giờ Na Lan mới biết điều đó, nhưng vẫn cảm thấy thật khó chấp nhận sự thật này, nhất là cô có cảm giác người thiếu nữ quá cố ấy rất gần gũi với mình.

Cô hít vào một hơi thật sâu. Miệng ngậm đèn pin, dùng cả dao lẫn tay tiếp tục bới sâu xuống chừng nửa mét. Bấy giờ cô thấy đằng xa có tiếng bước chân, thậm chí nghe được cả giọng thất thanh của bà xơ, “Cháu đang làm gì thế?”

Na Lan dừng tay. Không phải vì câu nói của bà xơ.

Dưới ánh đèn pin, giữa đám đất nhão, hiện ra mấy mẩu xương trắng.

Là xương ngón tay.

Na Lan dường như nhìn thấy một bàn tay tuyệt vọng đang cố sức thò lên mặt đất, cầu cứu lúc sắp chết.

Mặc kệ tay đang dính đầy bùn, cô lấy do động ra gọi thẳng cho Ba Du Sinh.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui