Tố Hoa Ánh Nguyệt

Mẫu thân có ý với Nghiêm gia biểu muội, Lục Mân vẫn luôn biết nhưng không tán thành. Nghiêm gia biểu muội dung mạo đoan trang mỹ lệ, tính tình dịu dàng rộng lượng, nhưng lại ít đi vài phần linh động, vài phần phong thái xem việc nặng như việc nhẹ, không thể chinh phục lòng người.

Người tổ mẫu vừa ý chính là Từ gia biểu muội, bà đã từng mỉm cười hỏi hắn:

- A Trì biểu muội có được không?

Lục Mân vì hiếu thuận lão nhân gia nên miễn cưỡng gật đầu:

- Dạ được, A Trì biểu muội rất tốt.

Nhưng trong lòng hắn lại nói thầm, A Trì quá yếu ớt, sau này ta chẳng phải nhường nhịn nàng ấy cả đời sao.

Mẫu thân cũng nói như vậy:

- Cô dượng cô mẫu con quá nuông chìu A Trì, không để nó chịu chút xíu uất ức nào. Cưới một nữ tử như thế về, không thể quản lý việc nhà, không thể chăm sóc cha mẹ chồng, chỉ để cho đẹp mắt à?

Mẫu thân từng cười nói với hắn:

- Mân nhi, cưới vợ phải cưới người đức hạnh. Chủ mẫu trong nhà không cần xinh đẹp mà quan trọng nhất là hiền lành độ lượng. Có hiền thê giỏi xử lý việc nhà rồi thì nạp thêm vài thiếp thất mỹ mạo tuyệt sắc chẳng phải là song toàn sao.

Đạo lý mà mẫu thân nói, Lục Mân đều hiểu. Trên đời này không ít nam tử cũng làm như vậy, cưới một người môn đăng hộ đối, giỏi giang hiền đức về làm vợ, rồi lại nạp thêm vài thiếp thất hoặc xinh đẹp, hoặc khéo léo, hoặc có tài hoa, thê thiếp vây quanh, cuộc sống trôi qua vô cùng ung dung tự tại.

Nhưng, nữ tử chịu làm thiếp thân phận phần lớn đều thấp kém, không có phong thái cao quý, dù có xinh đẹp có quyến rũ hơn nữa cũng không làm cho người ta tôn trọng nổi. Đâu giống như bóng hình trong mộng ấy, rực rỡ như hoa, cao quý như ngọc, chỉ một cái liếc mắt cũng khiến người ta ngây dại.

Trong đôi mắt dài nhỏ của Lục Mân tràn đầy nhu tình, A Trì biểu muội tuy hơi yếu ớt nhưng rất hiểu chuyện nghe lời. Một lá thư của tổ mẫu vừa gửi đến là nàng ấy ngoan ngoãn sao chép “Hoa Nghiêm kinh”, rất ít khi ra ngoài, cũng rất ít khi nhàn rỗi. Nữ tử ở nhà có yếu ớt chút thì sao chứ, biết nghe lời mới là tốt.

Nếu có thể đón A Trì biểu muội đến An Khánh ở một thời gian……Tim Lục Mân đập thình thịch, nếu A Trì biểu muội đến An Khánh, nhất định sẽ hơn hẳn Nghiêm gia biểu muội! Tổ phụ, tổ mẫu, phụ thân chắc chắn là thích A Trì hơn, thậm chí là mẫu thân, khi thấy A Trì ngoan hiền đáng yêu, cũng sẽ rất hài lòng, có lẽ sẽ thay đổi chủ ý cũng nói không chừng.

Lục Mân đứng lên, do dự ở trong phòng. Lấy phong thái của A Trì, nếu đến An Khánh, đứng giữa đám tỷ muội đích thị là như hạc giữa bầy gà, xuất sắc hơn người. Gặp nàng rồi, mẫu thân sao còn khăng khăng bảo mình định hôn với Nghiêm gia biểu muội như vậy nữa.

Nhưng, cô dượng cô mẫu sao chịu để biểu muội đến An Khánh chứ? Lục Mân nghĩ đến điều này thì quả thật có chút chán nản. Cô mẫu đối với mình luôn quan tâm quý mến, sinh hoạt hàng ngày đều chiếu cố rất chu đáo, nhưng không hề hỏi đến chuyện chung thân đại sự của mình; cô dượng thì càng khỏi phải nói, khách khí mà ôn hòa, nhưng một câu nói nhiều cũng không có.

Tổ mẫu, tâm tư của người có phải là uổng phí rồi không? Lục Mân cười khổ. Người để con đến Phượng Hoàng Đài, thứ nhất là vì chuyện học hành sự nghiệp, thứ hai là để con và A Trì sớm chiều gặp mặt, rồi lâu ngày sinh tình, cô dượng cô mẫu vì thương nữ nhi mà sốt ruột, dĩ nhiên là mọi chuyện nước chảy thành sông. Nhưng người có biết đâu, con rất hiếm khi được gặp A Trì, cho dù có gặp thì cũng chỉ là khách khí chào hỏi mấy câu xã giao mà thôi, có cô dượng cô mẫu và biểu ca biểu đệ ở đó, muốn nói riêng với nhau vài câu cũng không được.

Điều duy nhất làm cho người ta vui mừng chính là, Nghiêm gia biểu muội đã đến tuổi cập kê, không thể đợi nữa; A Trì tuổi còn nhỏ, có thể thoải mái chọn lựa. Lục Mân lại ngồi xuống, cầm sách lên lần nữa, giận dỗi nghĩ: “Mẫu thân không phải căn bản là không thèm để ý tâm tư của con, nhất định chọn Nghiêm gia biểu muội sao? Người nói với tổ mẫu đi! Nếu tổ mẫu hết cách với người, người cũng hết cách với tổ mẫu thì chuyện này sẽ dây dưa kéo dài, xem ai chịu thiệt hơn ai. Dù sao A Trì cũng còn nhỏ, vốn dĩ không cần vội.”

Từ Tốn mặt mày vui vẻ đi tới:

- A Mân, ngày kia đệ có rảnh không? Vũ Hương hầu phủ đưa thiếp mời, không bằng chúng ta đi tụ tập một bữa cho náo nhiệt.

Lục Mân mỉm cười nói:

- Hội thi thơ mấy ngày này, văn thì náo thế nào không rõ nhưng đầu thì muốn hôn mê luôn.

Hội thi thơ gì đó của Vũ Hương hầu phủ hắn đều không ham nổi.

Từ Tốn thấy biểu đệ không quá hứng thú thì cũng không nói thêm gì nữa:

- Vậy đệ ở nhà cố gắng học cũng được, yên tĩnh. Ta theo mẫu thân và muội muội qua đó, còn muốn xem hai đứa nhóc Từ Thuật, Từ Dật này nghịch ngợm.

A Trì biểu muội cũng muốn đi? Trong lòng Lục Mân không thoải mái, không phải là sao chép kinh thư cho tổ mẫu sao, còn đi dự tiệc tùng gì nữa. Biểu muội rốt cục vẫn còn nhỏ tuổi, không có kiên nhẫn gì cả, mà cô mẫu lại quá cưng chiều.

Từ Tốn làm sao biết trong lòng hắn nghĩ gì, vui vẻ nói mấy câu tán gẫu rồi cáo từ rời đi. Lục Mân tiễn hắn đến cửa viện, khó chịu vô cùng. Biểu ca từ khi định hôn thì từ sáng đến tối đều thần thanh khí sảng, cũng không nghĩ đến bên cạnh còn có một biểu đệ vẫn cô đơn chiếc bóng, chuyện chung thân đại sự vẫn không biết đi đâu về đâu.

Tiễn Từ Tốn đi rồi, Lục Mân một mình trở lại thư phòng học tập, “Thú thê mạc hận vô lương môi, Thư trung tự hữu nhan như ngọc”*, mình bây giờ chỉ có công danh tú tài, cô dượng mới mặt không đổi sắc; đợi đến khi mình đề tên bảng vàng thì cô dượng chắc chắn sẽ nhìn mình với cặp mắt khác xưa.

* Xuất xứ từ bài thơ “Khuyến học văn” của vua Tống Chân Tông, dịch nghĩa: Cưới vợ chớ hiềm không có người mai mối tốt, Trong sách tự có mỹ nhân đẹp như ngọ

Xế chiều, Từ Sâm về đến nhà, cả nhà bắt đầu ăn cơm tối. Từ Sâm nhìn A Trì đánh giá một lần:

- Khuê nữ của ta hình như hơi gầy.

A Trì chớp chớp đôi mắt to, tội nghiệp nhìn Từ Sâm mà không nói gì.

Lục Vân cũng đau lòng:

- Còn không phải sao, ta cũng thấy khuê nữ nhà ta gầy quá.

Từ Thuật, Từ Dật tranh gắp thức ăn cho A Trì:

- Tỷ, ăn nhiều chút.

Từ Tốn nửa dụ dỗ nửa ra lệnh:

- A Trì nghe lời, ăn nhiều thêm nửa chén cơm đi.

A Trì hữu khí vô lực nói:

- Ăn không nổi. Cả ngày ngồi chép kinh, làm sao có khẩu vị chứ.

Sống an nhàn tự tại đã quen, bỗng nhiên xảy ra chuyện chép kinh này nọ, quả thật chịu không nổi.

Từ Sâm để đũa xuống, cũng không ăn nữa:

- Khuê nữ của ta không ăn cơm sao được.

A Trì trước đó mỗi lần từ Tây Viên trở lại đều vui vẻ như muốn bay lên; hôm nay thì ngược lại, khí sắc không được như trước, cả người cũng gầy đi, chuyện này làm sao được chứ.

Từ Thuật là một đứa trẻ lanh lợi:

- Ngoại tổ mẫu rất thương tỷ tỷ, nếu biết tỷ tỷ vì chép kinh cho người vất vả như vậy, không chừng sẽ đau lòng lắm. Theo con thấy, chuyện chép kinh này, không bằng ca ca với con và cả A Dật nữa đều cùng nhau chép, tỷ tỷ cũng không cần cực khổ như vậy.

Từ Dật không hề lười biếng, vỗ ngực nhỏ nói:

- Chữ của con cũng dễ nhìn lắm, rất nho nhã! Con sao chép kinh thì ngoại tổ mẫu nhất định sẽ thích!

Cứ coi như là luyện chữ thôi, dù sao thì mỗi ngày đều phải luyện mà.

Từ Tốn trầm tư chốc lát:

- Phụ thân, mẫu thân, sao chép kinh Phật là việc thiện tích đức. Việc tích đức này không thể chỉ dành cho mỗi A Trì mà cũng chia cho con và A Thuật, A Dật nữa mới công bằng.

Từ Sâm và Lục Vân nhìn nhau một cái, đồng thời gật đầu:

- Được, quyết định vậy đi.

Vẫn là để cho bốn đứa nhỏ cùng nhau chép, đừng để A Trì mệt mỏi quá không tốt. Nhìn đi, cằm của A Trì đều tóp lại rồi.

Suy nghĩ của Từ Sâm thì sâu xa hơn một tầng, đến khi kinh thư được đưa đến An Khánh, biết là bốn đứa nhỏ cùng nhau chép, cũng đỡ cho lão phu nhân vẫn ôm cái suy nghĩ kia không buông mà nghĩ tới A Trì nhà ta.

Bỗng chốc vơi đi ba phần tư nhiệm vụ? A Trì hai mắt sáng lấp lánh, giải phóng rồi! Từ Dật rất ân cần giới thiệu thức ăn:

- Tỷ, đây là món gà hoa quế, vừa mềm vừa thơm nè.

A Trì cười hì hì gắp một khối thịt gà, ăn cơm cũng có mùi có vị hơn.

Sau bữa cơm tối, Từ Sâm và Lục Vân dẫn theo các con đi tản bộ trong vườn hoa, rồi mỗi người về phòng mình nghỉ ngơi. Từ Tốn buồn cười nhìn muội muội mình, không phải là tại nha đầu này ăn nhiều nên muốn đi vài bước cho tiêu thực sao. Nha đầu nghịch ngợm này mấy ngày qua ở nhà buồn bực rồi, ngày kia tranh thủ dẫn nó ra ngoài chơi cho đỡ chán.

Đến ngày kia, A Trì cùng Lục Vân lên xe ngựa, Từ Tốn dẫn hai đệ đệ đi đến Vũ Hương hầu phủ. Vũ Hương hầu phủ ở cầu Trấn Hoài, khu vực phồn hoa, nhà cửa tráng lệ, phong cảnh tươi đẹp, là một nơi tốt để ăn uống chơi bời.

Được mời đến đều là những gia đình quen biết thường xuyên qua lại, A Trì đi bái kiến từng người một, nhận được không ít lời khen. Quý phu nhân cũng đến đây, so với trước thì thân mật hơn rất nhiều:

- Con bé này tướng mạo thật tốt, ta nhìn cũng thích đây này.

Bà tháo chiếc vòng trên cổ tay, đích thân đeo cho A Trì.

A Trì sau khi bái kiến các phu nhân thì được Vũ Hương hầu phủ thập tiểu thư Lư Nam mời qua ngồi trò chuyện cùng các thiếu nữ khác. Đám người An Hiệp, Trình Hi, Trình Bạch, Phùng Uyển, Cổ tiểu thư bình thường đều quen biết nhau nên cũng không cần quá khách khí.

Lư Nam là con của Vũ Hương hầu phu nhân, là tiểu thư nhỏ tuổi nhất của Lư gia, xấp xỉ tuổi A Trì, ngây thơ xinh đẹp, thanh tú đáng yêu, xem ra ngày thường luôn được cưng chiều. Tuy được cưng chiều thì cưng chiều nhưng lễ tiết vẫn rất chu đáo, đãi khách nho nhã lễ độ.

Lư cửu tiểu thư Lư Mai ngồi bên cạnh nàng thì thua kém hơn nhiều. Lư Mai không phải là bề ngoài không đẹp, mà là trang điểm quá đậm nên lộ vẻ thô tục. Lư Mai là con do thiếp sinh, đã cùng với thứ tử nhà Ngô thủ bị định hôn, có thể nói là môn đăng hộ đối.

Ngồi ở đây có vài vị cô nương dung mạo xuất chúng, chẳng hạn như A Trì, chẳng hạn như Lư Nam, chẳng hạn như Trình Bạch. A Trì và Lư Nam đều là đích nữ, Lư Mai tự biết thân phận mình không bì được thì cũng thôi, nhưng cùng là thứ nữ, Trình Bạch lại có phong thái xuất sắc, nổi bật hơn người, làm nàng ta thấy khó chịu.

Lư Mai rất muốn châm chọc Trình Bạch hai câu, nhưng nàng ta vừa mới thanh thanh cổ họng, định mở miệng nói chuyện thì gặp phải ánh mắt sắc bén của người thị nữ đứng đối diện nhìn sang, Lư Mai liền rùng mình, biết điều ngậm miệng lại. Người này là Tiểu Bình, thiếp thân thị nữ của Vũ Hương hầu phu nhân, đặc biệt được phái tới để hầu hạ khu vực yến tiệc bên này, nàng ta sẽ không để bất cứ lời nói hay cử chỉ vô lễ nào xảy ra trên yến tiệc. Nếu như có nửa điểm sai lầm, trở về Lư Mai sẽ phải ngoan ngoãn ở trong phòng, đừng bao giờ mong được xuất đầu lộ diện nữa.

Trình Bạch cũng không để ý tới ánh mắt xoi mói của Lư cửu tiểu thư, khách khí hỏi thăm An Hiệp:

- Nghe nói mấy ngày tới ngũ biểu thúc và thúc mẫu sẽ tới đây phải không?

Trình ngự sử cha nàng và Trương Tịnh xem như là biểu huynh đệ, nàng đương nhiên gọi Trương Tịnh là “ngũ biểu thúc”.

Trình Hi chậm rãi nâng chung trà lên uống, khóe môi hơi nhếch mang theo ý cười như có như không. Thứ muội nhà mình xem như đã có bài học rồi, vô cùng khiêm tốn với phu nhân, nghe lời răm rắp, cuối cùng cũng được thả ra ngoài, lại nhìn thấy ánh mặt trời.

Gương mặt thanh tú của An Hiệp nhàn nhạt nói:

- Vết thương cũ của ngũ cữu cữu tái phát nên muốn đến Nam Kinh tìm danh y. Vị danh y kia hành tung không xác định, cực kỳ khó gặp. Phụ thân ta mấy ngày trước đã đích thân đến quê tìm cũng không gặp được người.

Trình Hi thở dài nói:

- Ngũ biểu thúc chinh chiến nhiều năm, ổn định biên cương nhưng chính mình cũng mang một thân bệnh tật.

Phùng Uyển hơi sốt ruột:

- Nếu như tìm không được vị danh y kia thì phải làm sao? Đi một chuyến phí công à?

Cổ tiểu thư an ủi:

- Không đâu, nhất định có thể tìm được.

Lư Nam ngọt ngào cười nói:

- Chuyện này có khó gì, ở trên đất Nam Kinh này, có người nào mà Vũ Hương hầu phủ chúng ta tìm không được? Tối nay ta liền nói với gia phụ, xin ông ấy cho người đi tìm, nhất định sẽ mời được vị danh y này đến.

Lư Mai cũng cười duyên góp vui:

- Đúng vậy đúng vậy, thập muội của ta nói rất đúng, gia phụ nếu ra mặt thì nhất định sẽ dễ như trở bàn tay.

Tìm một đại phu mà thôi, chuyện này có gì đâu.

Các thiếu nữ đều nói chuyện với nhau rất nhã nhặn, lịch sự. An Hiệp lôi kéo A Trì cùng đi vệ sinh, dọc đường An Hiệp phàn nàn nói:

- Cứ hỏi tới hỏi lui hoài, thật đáng ghét.

Người này cũng hỏi ngũ cữu cữu, người kia cũng hỏi ngũ cữu cữu, cứ như là rất sùng bái anh hùng vậy.

A Trì sờ sờ mũi. Thật ra thì không thể trách mấy tiểu cô nương này, Trương Tịnh vốn là một nhân vật truyền kỳ, nhi tử bị bỏ rơi của hào môn thế gia, tự mình vươn lên, mới hơn hai mươi tuổi đầu đã kiến công lập nghiệp, được phong tước hầu. Sau khi trở thành trọng thần của triều đình lại cưới thứ nữ Mạnh gia về làm vợ, sinh được hai nam một nữ. Ở trong triều luôn luôn trầm mặc khiêm tốn, không hề phách lối kiêu ngạo; ở trong nhà thì giữ mình trong sạch, không hề hai lòng, các tiểu cô nương hiếu kỳ về nam tử như vậy là điều không thể tránh được.

An Hiệp bỗng dừng bước, nhìn A Trì chậm rãi nói:

- Các nàng ấy rõ ràng là ngấp nghé nhị biểu ca của muội.

A Trì khẽ mỉm cười:

- Các tiểu cô nương sùng bái anh hùng thôi, Hiệp nhi, muội nghĩ nhiều rồi.

An Hiệp bình tĩnh nhìn A Trì một lát rồi lôi kéo nàng tiếp tục đi, không nói gì nữa.

Yến tiệc ở Vũ Hương hầu phủ vui vẻ mà giải tán.

Sau khi tàn tiệc, Lục Vân dẫn theo A Trì đến cáo từ, Vũ Hương hầu phu nhân và Lư Nam tiễn tới cổng trong, nhìn họ lên kiệu nhỏ. Vũ Hương hầu phủ rất lớn, thân thích trong nhà đều lên kiệu ở cổng trong đến cửa hông phía tây mới lên xe ngựa nhà mình.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui