Đại khái người ở phía dưới đợi mãi không thấy bên trên trả lời, liền tự động leo lên. Chỉ nghe tiếng chân trầm trọng, một lúc nghe rõ tiếng áo sột soạt.
Bạch Thiết Sinh sẽ hé mi mắt nhìn, thấy một người thân hình cao lớn, bộ râu dài phất phơ trước ngực, ăn vận gọn ghẽ, áo trùm ngoài rất rộng, theo sau là một thiếu niên ăn vận đồ chẽn, đương rộng bước đi tới. Họ như dụng ý làm kinh động mọi người cố tình giậm mạnh bước chân, nghe huỳnh huỵch.
Người cao lớn râu dài đi tới gần chỗ Tứ Quân Tử ngồi, ôm tay quyền lên cao, thi lễ rồi nói:
- Tại hạ là Đồ GiangNam , từ lâu ngưỡng mộ đại danh của các vị, cho nên nhận được thiếp mời, vội cùng thằng cháu tới đây gấp.
Vừa nói tới đó, ông ta chợt nhận thấy ngồi vây quanh sơn thạch có tới sáu người, bèn lại đổi giọng nói:
- Còn hai vị đây quý tính cao danh là gì? Tại hạ xin có lời chào!
Nói xong lại chắp tay vái dài một cái nữa!
Nhưng chỉ nghe tiếng gió núi thổi vào tà áo của họ phần phật, mà không nghe thấy tiếng trả lời.
Tống Văn Quang và Bạch Thiết Sinh tuy nghe ông khách nói rõ ràng từng tiếng, nhưng vẫn làm như người điếc, cứ nhắm mắt ngồi yên, chẳng nói chẳng rằng.
Đồ GiangNam cau đôi mày lại, đằng hắng một tiếng, rồi quay lại bảo người thiếu niên đứng phía sau:
- Hài nhi, Tứ Quân Tử đang vận khí điều tức, ta không nên làm rộn người. Chúng ta đi gấp đường lên đây, thành ra cha cũng thấy hơi mệt, hãy ngồi đây nghỉ một lúc đã.
Nói xong liền thủng thỉnh bước lùi lại chừng hơn một trượng, ngồi xuống xếp chân bằng tròn dưỡng thần.
Người thiếu niên cũng bước tới sát bên cạnh cha ngồi xuống.
Bạch Thiết Sinh tự nhủ thầm: "Quái lạ! Không biết tại sao ông già này lại biết việc bốn vị sư trưởng tụ họp ở đây? Nếu muốn tra nguyên nhân cái chết của bốn vi, thì đây chính là một đầu mối rất tốt."
Tống Văn Quang sẽ hé mắt nhìn bỗng một cái, rồi thi triển công phu thiên lý truyền âm nói:
- Bạch huynh có biết hai người kia là ai không?
Bạch Thiết Sinh cũng dùng phép thiên lý truyền âm đáp lại:
- Hồi huynh đệ hay đi hầu gia sư, cũng có nghe người nói đến tên Đồ GiangNam một vài lần. Hình như ông ta ở trong Tam Thương Thất trạch, cũng có đôi chút tiếng tăm thì phải. Còn lai lịch của ông ta thế nào, huynh đệ cũng không rõ lắm.
Bạch Thiết Sinh mới nói tới đây, lại nghe thấy dưới chân núi đưa lên một tràng cười dài, kế lại nghe tiếng nói:
- Vị nào chấp sự ở trên núi thế? Tại ha là Cửu Giang Đàm Khiếu Thiên, mong ơn cho triệu nên đến bái yết đây!
Bạch Thiết Sinh giật mình vội hỏi Tống Văn Quang:
- Tống huynh! Thế là cái gì? Việc bốn vị sư trưởng tụ họp ở trên toà núi cao trăm trượng này, có lẽ đã truyền đi khắp giang hồ rồi hay sao?
Tống Văn Quang nói:
- Lạ thật! huynh đệ cũng chịu không sao hiểu nổi!
Kế lại nghe dưới chân núi có một giọng ồm ồm cất lên:
- Đàm huynh vừa đến đấy à?
Đàm Khiếu Thiên nói:
- Tứ Quân Tử gửi thiếp đến mời, huynh đệ đâu dám trái mệnh.
Người có giọng ồm ồm lại cười nói:
- Địa điểm và thời gian tụ hội của Trung Nguyên Tứ Quân Tử xưa nay vẫn giữ rất bí mật, không hiểu tại sao lần này lại gửi thiếp mời chúng ta, tất nhiên phải xảy ra sự gì quan trọng lắm chớ chẳng không!
Đàm Khiếu Thiên nói:
- Rất có thể trong vòng mười năm nay, trong những kỳ tụ họp, Trung Nguyên Tứ Quân Tử đã nghiên cứu sáng chế ra được môn võ công tân kỳ nào, nên muốn mời anh hùng thiên hạ đến chứng kiến chăng?
Người có giọng ồm ồm lại cất tiếng cười ha hả, rồi im không nói gì nữa.
Kế lại nghe thấy tiếng chân đi, rồi hai cái bóng người nhảy lên đỉnh núi.
Bạch Thiết Sinh sẽ hé mắt nhìn, trong bóng đêm lờ mờ chỉ thấy hai người sóng vai cùng đi.
Người phía trái hơi dong dỏng cao, để râu dài, mình mặc áo trường bào, sau lưng có hai món võ khí cài chéo qua nhau, trong bóng tối con hơi lờ mờ nhận thấy chiếc chuôi kiếm động đậy, hơi thò đầu lên khỏi vai bên phải. Còn món võ khí kia thì trông không rõ là vật gì.
Tống Văn Quang lại dùng phép thiên lý truyền âm nói:
- Bạch huynh, ta cứ mặc họ, đừng hỏi gì cả, ngồi yên mà xem đêm nay tất cả có bao nhiều người tìm lên ngọn núi này.
Chỉ thấy hai người mới tới bước lại gần tảng đá lớn chắp tay, rồi người đứng mé bên trái cất tiếng nói:
- Đàm Khiếu Thiên được Tứ Quân Tử rủ lòng yên hạ cố cho gọi, rất lấy làm vinh hạnh, xin đến bái hầu.
Người bên phải thân hình bé nhỏ, nói tiếp:
- Huynh đệ Lỗ Bình ở phủ Tào Châu tỉnh Sơn Đông là một kẻ tiểu tốt vô danh, may được Tứ Quân Tử hạ mình kết giao, thật là vinh hạnh cho tiểu đệ vô cùng.
Hai người báo danh xong, cùng cúi xuống vái một cái thật dài.
Gió đêm lồng lộng, làm cho hơi rượu thịt bốc lên ngào ngạt đưa và mũi hai người, nhưng không nghe thấy tiếng ai đáp lại.
Đàm Khiếu Thiên hơi biến sắc mặt, đứng thẳng người lên đưa mắt nhìn hết Tứ Quân Tử, rồi lại nhìn Tống Văn Quang cười nhạt nói:
- Đại trượng phu có thể giết chớ không thể nhục, các vị đã không có bụng muốn kết giao, thì hà cố gì lại gửi thiếp mời chúng tôi? Trung Nguyên Tứ Quân Tử tuy danh tiếng lừng lẫy một thời, nhưng thiết tưởng cũng không nên quá khinh đời, coi người bằng nửa con mắt như vậy!
Lỗ Bính ngoảnh lại nhìn Đàm Khiếu Thiên rồi nói:
- Đàm huynh, chúng mình bị người ta coi thường như thế, còn mặt mũi nào mà đứng ở đây nữa? Thôi, ta hãy về đi, rồi mọi chuyện sẽ tính sau.
Đồ GiangNam ngồi ở phía xa, lúc này mới lên tiếng:
- Trung Nguyên Tứ Quân Tử còn đang vận khí điều tức, hai vị không nên vội giận, đã đến đây thì hãy ngồi chơi chờ một lúc, có sao!
Đàm Khiếu Thiên nghe tiếng, liền ngẩng lên hỏi:
- À! Đồ huynh cũng đến đấy à?
Đồ GiangNam nói:
- Tôi còn đến sớm hơn hai vị một lúc.
Đàm Khiếu Thiên đăm đăm nhìn vào mặt Bạch Thiết Sinh và Tống Văn Quang rồi nói:
- Lỗ huynh, hai người trẻ tuổi này chắc là đệ tử của Trung Nguyên Tứ Quân Tử?
Lỗ Bình ho khan vài tiếng, rồi nói:
- Theo chỗ tiểu đệ biết, thì Tứ Quân Tử mỗi người đều có một đệ tử y bát, nhưng thật chưa trông thấy bao giờ.
Đàm Khiếu Thiên nói:
- Chẳng lẽ cả bọn họ cũng nhập định nốt hay sao?
Nghe giọng nói của ông ta vẫn đượm vẻ cáu kỉnh tức bực, chợt nghe phía sau nổi lên một giọng nói lạnh như băng:
- Các vị nếu không có hứng thú dự thịnh hội của Tứ Quân Tử mời, thì cứ việc về đi, hà tất phải đứng đây so kè bẻ măng, lại tỏ ra người nhỏ nhen, hẹp lượng.
Đàm Khiếu Thiên nổi giận nói:
- Ai thế? Ăn nói...
Vừa quay đầu lại nhìn, bất giác im bặt, không thốt ra được câu nào nữa.
Lỗ Bình liếc mắt nhìn qua người vừa tới, rồi cũng lẳng lặng cúi đầu, không nói gì hết.
Người vừa tới không biết đã bước đến bên hai người từ lúc nào, sau tuyệt không hề nghe thấy một tiếng động nhỏ.
Đàm Khiếu Thiên ngẩn người ra một lúc, rồi chắp tay cười hỏi:
- Ngôn huynh đã đến từ sớm phải không?
Người này cười một cách lạnh nhạt rồi nói:
- Đến sau hai vị một lúc.
Bạch Thiết Sinh nghe giọng lưỡi Đàm Khiếu Thiên tự nhiên đổi hẳn, biết người mới tới, tất phải là một vị cao nhân, bèn hé mắt ra nhìn, chỉ thấy người ấy thân thể vừa cao vừa gầy, mình mặc áo dài đen, vì đứng cách đấy tới bảy, tám thước, đêm tối tuy không trông rõ diện mạo, nhưng chỉ ngắm cái dáng điệu thần tình của ông ta, cũng đủ làm cho người ta cảm thấy rờn rợn.
Người đứng chết sững ở bên cạnh là Lỗ Bình. Lúc ấy, chợt cũng chắp tay thi lễ, hỏi rằng:
- Đại gia có phải vị Đương gia chưởng môn nhân của nhà họ Ngôn ở Thần Châu, quý danh là Ngôn Phượng Cương không?
Người mặc áo đen không đợi Lỗ Bình dứt lời, lập tức lạnh lùng đáp:
- Phải, tại hạ chính là Ngôn Phượng Cương.
Lỗ Bình vội nói:
- Huynh đệ vẫn ngưỡng mộ đại danh đã lâu.
Ngôn Phượng Cương thốt nhiên bước tới một bên, ngồi xuống xếp bằng tròn lại. Thấy ông ta đã ngồi, Đàm Khiếu Thiên và Lỗ Bình cũng phải bước theo, bắt chước cùng ngồi một lượt.
Chưởng môn nhân Ngôn nha môn đất Thần Châu, địa vị và danh vọng không kém gì Trung Nguyên Tứ Quân Tử. Việc ông thân hành tới đỉnh ngọn núi cao trăm trượng này không những ra ngoài ý liệu của bọn Đàm Khiếu Thiên và Lỗ Bình, cả đến Bạch Thiết Sinh và Tống Văn Quang cũng phải lấy làm sửng sốt, không hiểu đầu đuôi ra sao.
Trên đỉnh núi hoang vu lúc này lại khôi phục được cái vẻ u tĩnh của lúc bình thường. Luồng gió ban đêm ào ào từng trận điểm xuyết cho cảnh sắc thê lương càng tăng thêm phần tịch mịch.
Trong khi ấy, một bóng người nhanh như tên bắn, từ xa bay lại, tiếng gió thổi vào vạt áo phần phật, phá tan cảnh trầm tịch của canh khuya.
Người này dừng chân trên một mỏm đá, đưa mắt nhìn cảnh vật xung quanh, rồi chẳng nói chẳng rằng, lui ra một bên, ngồi xuống.
Bạch Thiết Sinh sợ lộ hình tích, không dám hé mắt nhìn, chàng biết là trên đỉnh núi lại mới có thêm một người nữa, nhưng không biết người ấy là ai.
Thời gian trôi qua trong cái khng cảnh ly kỳ huyền ảo đó. Bầu trời đã dần dần sáng.
Ở trong hoàn cảnh ấy, Tống Văn Quang và Bạch Thiết Sinh không thể ngẩng lên trông trời được, nhưng cũng đoán chắc là lúc này đã vào khoảng canh năm.
Trước khi bình minh, bao giờ cũng phải tối sầm lại một lúc, sắc trời tự nhiên đen như mực, gió đêm cũng theo đó mà thổi mạnh hơn, trên đỉnh núi cao tiết trời lại càng lạnh dữ.
Thật là một hoàn cảnh đầy vẻ bí mật, khủng khiếp, bảy tám vị võ lâm cao thủ, nín thở ngồi vây xung quanh bốn cái xác chết mà không biết.
Sau một thời gian ngắn, bóng tối qua đi, sắc trời lại dần dần hửng sáng, phía đông đã hiện lên một màu nhờ nhờ như ruột cá.
Liễu Vân Phi xuống núi đuổi theo người què chống nạng và cô bé cưỡi trâu, vẫn chưa thấy trở về.
Trong bọn người ngồi vây quanh xác chết đó, mỗi người đều có một cảm tưởng khác nhau nhưng chỉ có Bạch Thiết Sinh và Tống Văn Quang là khó chịu nhất. Trước mắt họ đều là những tay cao thủ đệ nhất giang hồ, cùng trong một lúc cùng chạy tới Bách Trượng Phong, thật không ai hiểu dụng tâm chân chính của họ ở chỗ nào? Hai người hết đau đớn lại buồn rầu, hết buồn rầu lại chuyển thành lo lắng.
Tuy họ lo lắng sốt ruột vô cùng, muốn mở miệng bàn tính với nhau, nhưng lại không dám.
Chợt nghe Ngôn Phượng Cương ho mạnh một tiếng rồi nói:
- Trời sáng rồi!
Giọng nói của ông ta vừa nặng nề, vừa lạnh lẽo, lại chỉ ngắn ngủi có ngần ấy tiếng, khiến không ai đoán được ý ông ta muốn nói gì, nên không ai tiếp lời.
Thốt nhiên, một tiếng niệm Phật oang oang từ dưới một chân núi truyền lên, trong ánh sáng rạng động, chỉ thấy một vị hoà thượng mặc áo xám, vai vác thiền trượng, phơi phới đi lên.
Trừ Trung Nguyên Tứ Quân Tử và Tống Văn Quang, Bạch Thiết Sinh ra, còn các người khác đều bị giật mình vì tiếng niệm Phật oang oang đó. Họ cùng mở choàng mắt ra nhìn vị hoà thượng mới tới.
Chỉ thấy tà áo tăng bào gió bay phấp phới, trên môi hoà thượng vẫn điểm một nụ cười, ung dung bước đến bên tảng bàn thạch, một tay đặt trước ngực, khom mình nói với bốn vị Trung Nguyên Tứ Quân Tử đang ngồi xếp bằng tròn nhập định:
- Tệ Chưởng môn vì đang thời kỳ bế quan, không thể thân hành đến ứng triệu được, nên phái bần tăng tới đây đại diện.
Một luồng gió ban mai lồng lộng ùa tới, làm cho những tà áo và mấy chòm râu của bốn vị quân tử đều tung bay phấp phới nhưng bốn vị vẫn ngồi im, chẳng nói chẳng rằng, cả đến rèm mắt cũng không buồn mấp máy.
Vị tăng nhân áo xám độ lượng thật rộng rãi, khoan hồng, thấy thế chỉ cười, quay lại nhìn mấy người đang ngồi xếp bằng tĩnh toạ bên cạnh hỏi:
- Các vị đến sớm quá nhỉ?
Ngôn Phượng Cương cười nhạt một tiếng, rồi nói:
- Lão thiền sư nhã lượng quá nhân, huynh đệ thật hết sức bội phục!
Khôi bào tăng nhân cười nói:
- Trung Nguyên Tứ Quân Tử danh trọng nhất thời, bần tăng dẫu bị khuất nhục một chút cũng không sao. Kẻ xuất gia đã trừ diệt tính nóng từ lâu. Ngôn chưởng môn có nói khích, cũng không làm cho bần tăng tức giận đâu mà!
Giọng nói của ông ta tuy vẫn uyển chuyển ôn hoà, nhưng ý câu nói đã lộ vẻ bất mãn.
Chợt lại nghe thấy một giọng giận dữ nổi lên:
- Trung Nguyên Tứ Quân Tử danh giá tuy lớn, nhưng cũng không thể khinh người như rác thế được!
Quần hào ngoảnh lại chỉ thấy một người mặc áo xanh đang xăn áo xăm xăm bước tới.
Người này tuổi chỉ chừng trên dưới hai mươi, mày thanh mắt sáng, mặt trắng môi son, thần thái cực kỳ phong lưu tiêu sái, tay cầm chiếc quạt, bước thẳng đến phía Tứ Quân Tử ngồi.
Quần hùng trên đỉnh núi, ai cũng bất mãn về thái độ lạnh lùng vô lễ của Trung Nguyên Tứ Quân Tử, nhưng lại khiếp vì uy danh của họ, nên đều không muốn đứng lên trách hoi trước nay. Bỗng dưng có người phát tác hộ thì còn gì hơn. Nên mặc cho chàng thiếu niên muốn làm gì thì làm, tuyệt không một ai ngăn trở.
Bạch Thiết Sinh và Tống Văn Quang nghe bước chân mỗi lúc một tiến lại gần bốn vị sư trưởng ngồi, bất giác sợ cuống lên, cùng mở choàng mắt ra nhìn.
Chỉ thấy một thanh niên văn sĩ đã bước tới gần hòn cổ thạch, rồi giơ chiếc quạt lên điểm vào mình một vị quân tử.
Tống Văn Quang thốt nhiên vùng đứng dậy, quát lên một tiếng:
- Dừng tay lại!
Tiếng quát chưa dứt, người đã đứng chắn ngang trước mặt chàng thiếu niên văn sĩ.
Thì ra người bị chàng thiếu niên điểm đó, chính là sư phụ của Tống Văn Quang, vì thế nên hắn càng lo sợ hơn Bạch Thiết Sinh, quên cả việc giả vờ tĩnh toạ.
Chàng thiếu niên áo xanh cười nhạt một tiếng mà rằng:
- Thì ra trong bọn ngươi vẫn còn có một người sống!
Tống Văn Quang giận dữ thét lên:
- Ngươi mở mồm ra là rủa xả người khác, dụng ý muốn gì?
Rồi lập tức giơ quyền đánh ra, nhưng quyền chưa chạm tới đối phương, lại chợt cảm thấy không ổn, bèn rụt vội tay về, bước lùi lại hai bước.
Chàng thiếu niên chỉ lẳng lặng đứng yên, nhưng đôi mắt sáng như điện vẫn đăm đăm nhìn vào mặt Tống Văn Quang.
Ngôn Phượng Cương chợt đứng lên bước đến gần, đưa mắt nhìn qua Tứ Quân Tử một lượt, rồi lạnh lùng nói:
- Bốn vị gửi thiếp mời, hẹn chúng tôi đi gấp đến đây, mà sao lại khinh thường khách quá vậy? Có lẽ các vị cố ý làm trò đùa...
Vừa nói tới đấy, chợt ho khan một tiếng rồi ngừng bặt không nói nữa.
Thì ra ông ta vừa nhận thấy Trung Nguyên Tứ Quân Tử người nào sắc mặt cũng trắng bệch như da người chết đã được mấy ngày, trong bụng lập tức cảm thấy tình thế có vẻ bất ổn.
Tống Văn Quang chợt chắp tay nói:
- Các vị sư trưởng tôi xưa nay tụ hội ở đâu, thường vẫn giấu không cho ai biết, không hiểu vì cớ gì mà các vị lại tìm đến đây?
Ngôn Phượng Cương đôi mắt vẫn chăm chú nhìn vào mặt Tứ Quân Tử, hình như không nghe thấy câu hỏi của Tống Văn Quang.
Vị thanh niên văn sĩ hình như cũng nhận thấy tình hình khác lạ, nên chỉ cau mày suy nghĩ, không nói gì cả.
Chợt lại nghe thấy một giọng oang oang cất lên:
- Nếu Tứ Quân Tử không phí thiếp mời, thì bọn ta cũng không tự nhiên đến đây quấy nhiễu, để mua lấy chuyện bực mình.
Người nói câu ấy chính là Đàm Khiếu Thiên, ông ta vừa nói vừa thủng thỉnh đi tới.
Tống Văn Quang trong bụng càng lo, tự biết những người này toàn là tay lão luyện giang hồ, nếu để họ đến gần các vị sư trưởng thì thế nào họ cũng nhận ngay ra là Trung Nguyên Tứ Quân Tử đều đã tắt thở, nhưng muốn ngăn trở thì lại không ngăn nổi, trong lúc thảng thốt, không biết tính thế nào, chỉ toát mồ hôi ra như tắm.
Đột nhiên Ngôn Phượng Cương hét vang lên như sấm:
- Diệp huynh, lệnh nữ không cùng đi với anh ư?
Mấy câu nói của ông ta vang vang như tiếng sấm, dẫu người đứng cách xa tới năm, ba trăm trượng cũng nghe thấy rõ ràng, vậy mà Trung Nguyên Tứ Quân Tử vẫn hình như không nghe tiếng.
Đàm Khiếu Thiên sẽ nói:
- Ngôn chưởng môn.
Ngôn Phượng Cương quay lại hỏi:
- Cái gì thế?
Đàm Khiếu Thiên đáp:
- Những người đến dự hội hôm nay chỉ có Ngôn huynh là danh tiếng lừng lẫy nhất, địa vị cũng cao nhất.
Anh chàng thiếu niên văn sĩ đã lâu không nói câu nào. Lúc này mới cười khẩy một tiếng, chửi liền:
- Đồ vô dụng!
Đàm Khiếu Thiên chợt cảm thấy hai tai nóng bừng, huyết khí bốc lên ngùn ngụt, rảo bước đến trước mặt chàng thiếu niên, sừng sộ hỏi:
- Thằng bé này giỏi, mày mắng ai thế?
Chàng thanh niên ngửng mặt lên trông trời, không thèm nhìn Đàm Khiếu Thiên, chỉ lạnh lùng nói:
- Ta thích chửi ai thì chửi người ấy, ngươi hỏi làm gì?
Thái độ lạnh lùng của chàng thanh niên còn hàm chứa một khí thế đủ làm cho người ta phải e dè sợ sệt, nên Đàm Khiếu Thiên vừa hầm hầm xông đến, trừng mắt nhìn chàng, rồi thốt nhiên lại bước lùi trở lại.
Ngôn Phượng Cương đôi mắt đang nửa nhắm nửa mở, chợt mở bừng lên, phóng ra hai luồng nhỡn quang sáng loáng như điện, lạnh lùng nhìn chàng thiếu niên một lượt, rồi lại nhìn thẳng vào mặt Tống Văn Quang, hỏi bằng một giọng lãnh đạm:
- Lão phu và Trung Nguyên Tứ Quân Tử chơi với nhau đã mấy chục năm nay chẳng lẽ các ngươi không nghe lệnh sư nói đến bao giờ ư?
Tống Văn Quang đáp:
- Cháu đã được nghe đại danh lão tiền bối từ lâu, chỉ vì vô duyên chưa được bái kiến, hôm nay tình cờ được gặp, vãn bối rất lấy làm hân hạnh.
Ngôn Phượng Cương ngoảnh lại nhìn quần hùng một lượt rồi nói tiếp:
- Không biết tại sao bốn vị lệnh sư trưởng lại gửi thiếp mời anh hùng thiên hạ đến đây họp mặt?
Ông ngừng một lát, lại thủng thỉnh nói:
- Cuộc hội họp của Trung Nguyên Tứ Quân Tử xưa nay vẫn hết sức bí mật, điều ấy khắp giang hồ không ai là không biết. Ngay cả tại hạ đối với bốn vị, giao tình không phải tầm thường, vậy mà cũng không biết mỗi năm một lần, các vị họp nhau ở đâu. Vậy nên khi thiếp mời, tại hạ vừa kinh ngạc vừa sung sướng vội vã đi gấp ngày đêm lên đây...
Nói đến đấy, ông ta chợt ngửa cổ lên trời cười ha hả một hồi, rồi lại tiếp:
- Ta tưởng các vị đến dự hội hôm nay, phần đông đều cùng một tâm trạng giống như lão phu. Ai ngờ lệnh sư gửi thiếp mời người ta lên họp ở trên một toà núi cao trăm trượng này, rồi chỉ mải ngồi điều tức, không thèm đếm xỉa gì đến khách! Hừ, đã thế lại còn phong bế cả huyệt mạch, đoạn tuyệt cả hơi thở! Hà hà! Cái trò này kể cũng hơi thái quá đấy! Lão phu với Trung Nguyên Tứ Quân Tử giao tình thâm hậu, không nói làm gì, nhưng còn người khác, chỉ e họ không kham nổi!
Ông ta nói bằng một giọng hách dịch, phách lối, tựa như không còn ai hơn mình nữa.
Anh chàng thiếu niên văn sĩ có thái độ lạnh lùng cao ngạo, lúc ấy chợt cất tiếng hỏi xen:
- Nhưng người ông chỉ đó, không phải là nói gồm cả tôi...
Ngôn Phượng Cương đôi mắt lại long lanh sáng quắc, lạnh lùng hỏi:
- Ngươi có biết ta là ai không?
Chàng văn sĩ nói:
- Trong con mắt tôi thì dù đương kim hoàng đế hay kẻ thứ dân cũng chẳng khác gì nhau!
Ngôn Phượng Cương giận lắm, cười nhạt một tiếng rồi nói:
- Ngươi mới một nhúm tuổi đầu, không đáng nói chuyện với lão phu. Ngươi là môn hạ của ai, mau nói tên ra, ta sẽ tìm lệnh sư tính toán.
Thanh niên văn sĩ cầm chiếc quạt xua xua, cười nói:
- Gia sư còn ở tận chân trời. Tìm tôi cũng thế!
Ngôn Phượng Cương giận đến tái xanh cả mặt, giậm chân xuống tảng sơn thạch, rên lên:
- Hỏng, hỏng! Nếu bữa nay ta không cho mày một bài học thì Ngôn gia môn mặt nào còn đứng được ở chốn giang hồ?
Trong khi nói, ông ta đã ngầm tụ sẵn công lực.
Chàng thanh niên không quay đầu lại, cũng không biết rằng Ngôn Phượng Cương rất có thể giận quá nổi xung lên đánh mình được, và hình như cũng không để ý gì đến câu chuyện ấy nữa.
Chỉ thấy chàng vung chiếc quạt lên trỏ một cái, rồi nói:
- Hôm nay đông ghê! Lại có người đến nữa kia!
Ngôn Phượng Cương vừa định xúc thế phóng ra, nghe chàng nói vậy, bèn dừng lại, ngẩng đầu lên trông xem ai.
Thì ra quả có một bọn ba người, hai vị trung niên đạo nhân và một ông già râu bạc dài tới đầu gối, tay chống gậy, đang sóng vai đi tới.
Ba người vừa xuất hiện, làm cho quần hào ngồi trên đỉnh núi đều giật mình kinh ngạc, cuộc phân tranh vừa rồi cũng vì thế mà lắng hẳn.
Cặp mắt quần chúng đều đổ dồn cả vào ba người mới tới, duy có chàng thanh niên văn sĩ vẫn thản nhiên như không trông thấy, chỉ ngửa mặt lên nhìn trời.
Tống Văn Quang vừa thấy ba người ung dung đi tới, đã biết ngay rằng, cái chết của Trung Nguyên Tứ Quân Tử không thể còn giấu ai được nữa.
Ngôn Phượng Cương từ lúc thấy ba người lên núi, cái vẻ cao ngạo ngông nghênh cũng lập tức tiêu tan mất cả.
Bạch Thiết Sinh thấy người đến mỗi lúc một nhiều, mà trời vẫn chưa sáng rõ, cứ xem tình hình này thì không biết chừng hôm nay còn bao nhiêu người lên Bách Trượng Phong nữa!
Cục thế biến đổi hoàn toàn ra ngoài ý liệu, Bạch Thiết Sinh trong bụng bối rối, không biết tính cách nào, bèn từ từ đứng dậy!
Lại thấy chàng văn sĩ áo xanh cất giọng sang sảng nói:
- Lại hãy còn người nín thở giả chết nữa à?
Ngôn Phượng Cương quay lại lườm chàng thanh niên một cái, rồi sẽ hỏi nhỏ Tống Văn Quang:
- Người ấy là ai thế?
Tống Văn Quang đáp:
- Vãn bối chưa từng gặp hắn bao giờ!
Trong khi hai người thì thầm nói chuyện thì ông già râu dài và hai đạo sĩ đã đi đến gần hòn giả thạch:
Ông già râu dài đảo mắt nhìn khắp hình thế xung quanh, rồi hỏi:
- Ở đây vừa có chuyện gì xảy ra, các vị đến toà cô phong hẻo lánh này làm gì thế?
Ngôn Phượng Cương chắp tay nói:
- Lâu lắm không được gặp Thượng huynh, không ngờ bữa nay may mắn lại...
Ông ta chợt nhân thấy câu nói của mình không ăn nhập gì với câu hỏi, liền ngừng một lúc, rồi nói tiếp:
- Huynh đệ tiếp được phi thiếp của Trung Nguyên Tứ Quân Tử liên danh, mời dự cuộc họp, nên vội đi gấp lại đây.
Quần hào cũng đồng thanh nói tiếp:
- Chúng tôi cũng tiếp được thiếp mời, nên mới tới đầy phó ước.
Ông già tay phải lên vuốt chòm râu, rồi tiếp:
- Trung Nguyên Tứ Quân Tử xưa nay hội họp ở đâu, thường vẫn giấu kín, không biết lần này tại sao lại làm trái hẳn thường lệ, phí thiếp mời các vị tới đỉnh núi này để làm gì?
Ngôn Phượng Cương nói:
- Đó chính là chỗ mà bọn tiểu đệ không sao hiểu nổi!
Tống Văn Quang chợt chạy đến bên Bạch Thiết Sinh, ghé tai nói sẽ:
- Bạch huynh, cứ xem tình hình này thi không khéo việc bốn lão nhân tạ thế, đã bị người ta biết cả rồi...
Chàng ngừng lại một giây, rồi lại tiếp:
- Ngần này người thiên nam địa bắc, mỗi người ở một phương, sao lại đồng thời cùng nhận được thiếp mời của bốn vị lão nhân gia, thật là ly kỳ khó hiểu!
Bạch Thiết Sinh nói:
- Tống huynh định tuyên bố cái chết của bốn vị sư trưởng ra cho mọi người cùng biết hay sao?
Tống Văn Quang nói:
- Mình không tuyên bố, chỉ sợ khó lòng che nổi mắt người ta!
Bạch Thiết Sinh nói:
- Nếu làm thế chẳng hoá ra trái với ý của bốn vị lão nhân đã dặn trong di thư sao?
Tống Văn Quang nói:
- Tình thế này còn làm sao mà nghĩ đến điều ấy được nữa?
Chợt lại nghe tiếng ông già râu dài nói:
- Việc này lão phu không sao có thể tin được...
Ông thò tay phải vào bọc lấy rất một phong bạch giản rồi lại tiếp:
- Các vị hãy lấy phong thiếp mời của Tứ Quân Tử ra đây, kiểm soát lại xem nào.
Hình như ông ta không tin rằng tất cả ngần này người lại cùng nhận được thiếp mời một lúc như thế.
Quần hào nghe xong, ai cũng thò tay vào bọc lấy phong giản thiếp ra, chỉ có chàng thiếu niên văn sĩ là vẫn đứng im không nhúc nhích, hình như không nghe thấy gì cả.
Ông già râu bạc xem xong ngần ấy phong bạch giản, lại nhướng cao đôi mày rậm, lẩm bẩm nói một mình:
- Quái lạ! Lạ thật! Thế này là nghĩa lý gì?
Bạch Thiết Sinh thấy tất cả quần hào đều lấy ra phong thiếp mời có chữ ký của Tứ Quân Tử, trong bụng lại càng mê hoặc, bất giác thở dài một tiếng, nói với Tống Văn Quang:
- Tống huynh, tình thế này quả không thể sao giấu được hung tin của bốn vị lão nhân gia, nếu để họ tự phát giác thì thà mình tuyên bố trước còn hơn!
Tống Văn Quang hỏi:
- Bạch huynh đồng ý chứ?
Đoạn chàng bước đến bên tảng sơn thạch, vòng tay nói với mọi người:
- Thưa các vi lão tiền bối, tại hạ có lời chào các vị.
Quần hào có mặt tại trường đều linh cảm thấy chàng sắp tuyên bố điều gì hết sức quan trọng, nên đều nín im thin thít, bao nhiêu cặp mắt đều đổ dồn vào Tống Văn Quang, lắng tai nghe chàng nói:
Tống Văn Quang vẻ mặt trang nghiêm, bằng một giọng đau đớn, nói:
-Chư vị lão tiền bối đều là những người có địa vị rất cao trong giới võ lâm đương thời, không quản xa xôi lặn lội tới đây phó ước, vãn bối rất lấy làm cảm tạ.
Chàng nói đến đây thốt nhiên không kìm nổi hai hàng nước mắt lã chã tuôn rơi.
Ông già râu dài ho khan một tiếng rồi nói:
- Bé con, thôi đừng khóc nữa, mau nói cho chúng ta nghe, Trung Nguyên Tứ Quân Tử gặp biến cố gì vậy?
Tống Văn Quang buồn bã nói:
- Gia sư và ba vị sư trưởng đều bị ngộ hại cả...
Việc này tuy đã ở trong ý liệu của mọi người, nhưng khi nghe Tống Văn Quang nói ra, quần hào vẫn cảm thấy xúc động, bàng hoàng.
Đỉnh núi cao vắng vẻ, đột nhiên như bị bao trùm bởi một đám mây đen thảm thê u ám, sắc mặt người nào cũng tỏ vẻ đau đớn ngậm ngùi.
Ta nên biết rằng Trung Nguyên Tứ Quân Tử ở trong giới võ lâm đều có một địa vị rất cao, danh tiếng lẫy lừng. Bốn người chơi với nhau rất thân, nghĩa đồng sinh tử, nay thốt nhiên bị người ám hại cả bốn, thật là một vụ án rất lớn, đủ làm chấn động nhân tâm giới giang hồ.
Một bầu không khí tịch mịch thê lương kéo dài tới chừng nguội một chén nước trà, chàng thanh niên văn sĩ thốt nhiên thở dài một tiếng mà rằng:
- Sóng gió nổi hề! Tai ương đã dấy...
Thốt nhiên chàng quay ngoắt mình, rảo bước đi ngay.
Ngôn Phượng Cương quát to:
- Đứng lại!
Rồi nhanh như cắt, bàn tay vươn ra, nắm lấy bả vai chàng thanh niên.
Chàng thanh niên làm như không nghe thấy tiếng quát, đầu cũng không buồn quay lại, hai chân bước thật nhanh, nhẹ nhàng tránh khỏi hai thế của đối phương.
Động tác của chàng cực kỳ nhanh nhẹn, vừa tránh thoát cái nắm của Ngôn Phượng Cương, người đã cách xa tới bảy, tám thước.
Đàm Khiếu Thiên đạp mạnh hai chân xuống đất, thân hình bay vụt lên, vòng ra phía trước, chắn ngang trước mặt chàng thanh niên.
Thanh niên không buồn liếc mắt nhìn, chỉ hơi vươn lưng một cái, thân hình chợt xông thẳng về phía trước, vừa vặn tránh khỏi cái thế của Đàm Khiếu Thiên.
Trên đỉnh núi chợt nổi lên những tiếng xôn xao, hành động kỳ dị của chàng thanh niên, hình như đã làm cho mọi người coi như cừu địch, chỉ thấy bóng người thoang thoáng, áo quần phấp phới, ùa ra đuổi theo.
Chàng thanh niên thốt nhiên quay lại, lạnh lùng hỏi:
- Các người muốn đánh nhau hả?
Diện mạo, thần thái của chàng tuy tuấn tú văn nhã, nhưng trong hai con mắt sáng như điện còn ẩn một luồng sát khí kinh người. Chàng vừa quay lại hỏi, quần hào đều lập tức dừng lại, trong phút chốc không một ai lên tiếng.
Ước chừng nguội một chén trà, ông già râu bạc mới gõ đầu gậy xuống đất, nói với mọi người:
- Hắn đã có thiệp mời tất nhiên phải có giao tình với Tứ Quân Tử. Vậy thì cùng là bạn đồng đạo cả, chúng ta không nên lỗ mãng!
Ông ta tuổi cao đức trọng, thanh danh vũ học đều vượt cả mọi người, nên khi thấy ông đứng ra can thiệp, quần hào đều lẳng lặng, không ai nói gì nữa.
Chàng thanh niên cất cao giọng nói:
- Lão tiền bối đoán sai rồi, tại hạ không được hân hạnh quen biết Trung Nguyên Tứ Quân Tử. Hôm nay tới đây chỉ là một sự tình cờ mà thôi!
Ông già đôi mắt long lanh, hình như cũng bị chàng văn sĩ áo xanh chọc tức, nhưng chỉ trong thoáng chốc, ông lấy lại được sắc mặt hoà nhã, mỉm cười một cách nhạt nhẽo:
- Những hạng thanh niên, tính nết hay bướng bỉnh...
Ông ngừng một lúc, rồi lại nói:
- Các hạ tự nhiên vô cố chạy đến chỗ hoang sơn vắng vẻ này đừng nói lão phu không tin, dẫu đến đứa trẻ lên ba, cũng chưa chắc đã loè nổi nó. Và trên ngọn núi này, toàn là những người có đôi chút tiếng tăm trong giang hồ cả, đối với thái độ ngông nghênh ngạo mạn của các hạ, ai không khó chịu?
Chàng thanh niên nói:
- Tại hạ đến cũng chỉ có hai tay không, mà đi cũng chỉ có hai tay không. Tại hạ không tin rằng có người dám coi tại hạ như hung thủ giết bốn vị Quân Tử Trung Nguyên.
Ngôn Phượng Cương cười nhạt một tiếng, rồi nói với ông già râu dài:
- Những hạng người ngông cuồng như vậy, Ngôn Phượng Cương này mới trông thấy là lần đầu. Thượng huynh hà tất phải nói với hắn cho phí lời. Trước hết ta hãy bắt lấy hắn, rồi sau sẽ tra xem hung thủ giết hại Tứ Quân Tử là ai. Dưới con mắt của ngần này người, không lẽ lại không tìm ra đầu mối?
Chàng thanh niên sắc mặt vẫn nghiêm nghị lạnh lùng nói:
- Nếu vị nào coi tại hạ là chướng mắt, thì xin cứ việc ra tay thử coi!
Ngôn Phượng Cương địa vị là tôn sư một phái, tuy đã biết võ công của chàng không phải tầm thường, nhưng trước mặt quần hào, chẳng lẽ lại cam nhịn nhục, bèn cười nhạt một tiếng, bước lên hai bước, định xông vào tấn công.
Ông già râu dài thốt nhiên cầm cây gậy trúc đưa ngang ra ngăn Ngôn Phượng Cương lại, nói:
- Ngôn huynh hãy thong thả. Trước hết chúng ta hãy tra xem Tứ Quân Tử chết vì cớ gì đã. Đó là việc cần thiết hơn cả.
Vừa nói vừa đưa mắt, ngầm bảo Ngôn Phượng Cương đừng vội lỗ mãng.
Ngôn Phượng Cương tuy chưa hiểu rõ ý ông già ngăn không cho mình động thủ là vì cớ gì, nhưng cũng không cố cưỡng.
Ông già thu gậy về, cất cao giọng nói:
- Việc Trung Nguyên Tứ Quân Tử bị người mưu hại, không những lão phu không ngờ, mà các vị dám chắc cũng đều cảm thấy ngạc nhiên. Điều ấy làm cho lão phu băn khoăn tự hỏi không biết trong những thanh giản thiếp có cái gì đáng ngờ không?
Ngôn Phượng Cương gật đầu khen:
- Thượng huynh nói có lý lắm!
Vị tăng nhân mặc áo xám lâu lắm không nói câu nào, lúc này chợt cất tiếng xen vào:
- Bần tăng phụng mệnh tệ Chưởng môn phương trượng đến đây, và các anh hùng trong thiên hạ ai cũng biết tệ Chưởng môn có tài nhận biết nét chữ. Nếu phong thiếp mời có giả tạo thì làm sao qua được mắt người? Vì thế nên bần tăng dám quả quyết rằng những phong giản thiếp đó toàn là thủ bút của Tứ Quân Tử cả.
Xem ý ông ta đối với Chưởng môn phương trượng thực đã bội phục vạn phần nên trong khi nói, thái độ vẫn tỏ ra hết sức cung kính.
Ngôn Phượng Cương nói:
- Vô luận thế nào, cái chết của Tứ Quân Tử cũng làm dao động nhân tâm trong giới giang hồ. Vậy ta cần phải tra xét cho đến nơi đến chốn.
Lúc này chợt nghe có tiếng khóc nức nở từ dưới chân núi đưa lên.
Quần hùng cúi đầu trông xuống, thấy một thiếu nữ mặc toàn đồ trắng, đang hấp tấp chạy lên.
Phía sau thiếu nữ lại có một vị thiếu niên anh tuấn, mày thanh mắt sáng, lưng đeo trường kiếm, theo sát chân nàng.
Tiếng khóc của bạch y thiếu nữ nghe rất thê thảm đau đớn. Vì nàng đưa tay phải lên che mặt, nên không ai trông rõ dung mạo, nhưng cứ coi cái thân hình uyển chuyển dịu dàng, với bàn tay trắng nuột như ngọc của nàng, cũng đoán biết đó là một mỹ nhân dung nhan tuyệt thế.
Người thiếu niên đeo kiếm đi sau thần sắc có vẻ nghiêm trang kính cẩn.
Đàm Khiếu Thiên trông thấy từ phía xa xa, đã chắp tay chào hỏi:
- Đường công tử, lâu lắm không gặp!
Chàng thiếu niên cũng chắp tay thi lễ, nói:
- Đàm huynh lâu nay vẫn mạnh chứ?
Bạch y thiếu nữ thốt nhiên rảo bước chạy nhanh đến chỗ Tứ Quân Tử, nức nở gọi:
- Gia gia!
Rồi nàng quỳ sụp xuống trước mặt người ngồi mé bên phải lạy luôn mấy lạy, đoạn lại phục xuống đất, khóc rầm lên.
Tống Văn Quang hỏi nhỏ:
- Có phải Diệp cô nương đấy không?
Thiếu nữ nghe tiếng, bỏ tay ra, ngửng bộ mặt phấn còn đầm đìa nước mắt lên cất đầu hỏi:
- Phải tôi đây! Huynh đài là ai?
Tống Văn Quang nói:
- Tại hạ là Tống Văn Quang, gia sư là Kim Thánh Nghi...
Tống Văn Quang trỏ Bạch Thiết Sinh giới thiệu:
- Vị này là Bạch huynh, học trò củaChu sư bá.
Thiếu nữ tuy đang trong cơn đau đớn, nhưng tâm thần vẫn sáng suốt, bèn gật đầu chào Bạch Thiết Sinh rồi nói:
- Tiểu muội vẫn được nghe gia phụ nói đến Bạch huynh luôn.
Bạch Thiết Sinh khiêm tốn vài câu rồi hỏi:
- Diệp sư muội đã gặp Vạn Xung huynh chưa?
Bạch y thiếu nữ đáp:
- Vì tiểu muội gặp Vạn sư huynh ở dọc đường, nên mới biết là gia phụ và ba vị bá bá đã bị ngộ hại, bèn vội đi gấp đường về đây. Tiểu muội nhờ có ngựa tốt nên đi được nhanh hơn, Vạn sư huynh chắc cũng sắp tới.
Ánh dương quang vàng hoe chiếu thẳng vào khuôn mặt diễm lệ tuyệt trần của người thiếu nữ, những giọt nước mắt long lanh trên khoé mắt và hai gò má, không những đã không làm giảm cái sắc đẹp thiên nhiên của nàng, trái lại những nét đau đớn bi thương, còn tạo thêm cho nàng một vẻ đẹp dịu dàng đáng mến.
Bao nhiêu làn nhỡn tuyến của những người ở trên đỉnh núi lúc này đều đổ dồn lên khuôn mặt ngọc của thiếu nữ, rõ ràng là cái sắc đẹp của nàng đã làm cho tất cả bấy nhiêu người đều bay hồn lạc vía, mắt choáng, hồn mê.
Tống Văn Quang thở dài một tiếng, rồi nói:
- Diệp sư muội đừng buồn nữa. Việc đã thế này ta nên thu xếp hậu sự cho chóng là hơn. Những người ở đây đối với cái chết của bốn vị sư trưởng, ai cũng đau xót. Họ đương bàn định với nhau để tìm cho ra hung thủ.
Bạch y thiếu nữ thở một hơi thật dài, gật đầu nói:
- Tống sư huynh nói rất phải.
Chàng thiếu niên đeo kiếm, thốt nhiên rảo bước đi tới, lạnh lùng nhìn Tống Văn Quang và Bạch Thiết Sinh một lượt, rồi đưa tay đỡ thiếu nữ dậy, sẽ nói:
- Diệp muội đã khóc suốt dọc đường rồi, bây giờ hãy nghỉ một lúc cho khoẻ.
Bạch y thiếu nữ sẽ kéo cánh tay bị chàng nắm lại, nói:
- Tôi muốn được ngồi bên gia gia, để ngắm kỹ di chung của người.
Nói đến chỗ thương tâm, hai hàng nước mắt lại tràn ra hai khoé mắt.
Chàng thiếu niên đeo kiếm thở dài nói:
- Thôi đừng khóc nữa, phải giữ gìn sức khoẻ chứ!
Chợt chàng ngẩng lên chắp tay thi lễ với Bạch Thiết Sinh và Tống Văn Quang, rồi tự giới thiệu:
- Huynh đệ là Đường Thông, ngày thường vẫn được nghe nhạc gia nhắc đến đại danh của hai vị sư huynh, tiếc vì chưa có dịp bái kiến. Lần này nhân phụng mệnh từ mẫu xuyên trung xuốngNam thăm sức khoẻ nhạc gia, và thuận đường đếm bái vọng các vị trưởng bối. Không ngờ bốn vị lão nhân gia lại cùng bị ám hại một ngày, thật là đại bất hạnh!
Giọng nói của chàng tuy khiêm tốn uyển chuyển những một điều nhạc gia, hai điều nhạc gia, hình như cố ý tỏ cho mọi người biết thân phận của mình.
Tống Văn Quang vội chắp tay đáp lễ, nói:
- Thì ra là Đường huynh, tiểu đệ cam chịu tội thất kính!
Bạch Thiết Sinh cũng nói:
- Hôm qua vừa nghe Vạn huynh nhắc tới huynh đài...
Đường Thông than rằng:
- Nhạc gia và ba vị lão tiền bối đều là những vị danh cao vọng trọng trong giới võ lâm hiện thời, rút cuộc đều cùng bị bại một lượt, thật là một biến cố vô cùng quan trọng. Huynh đệ đã lập tức phái người đi gấp ngày đêm về bẩm với gia mẫu, để người tới đây chủ trì công việc tìm kiếm hung thủ.
Ngôn Phượng Cương nói chen:
- Vũ công và uy vọng của lệnh đường đều cùng tuyệt thế, nếu người chịu đứng lên cáng đáng việc này, thì lo gì không tìm ra hung thủ!
Ông già râu dài cũng nói:
- Lão hủ không biết hai họ Đường, Diệp đã kết thông gia với nhau. Vậy xin có lời mừng tới Đường thế huynh.
Đường Thông cười nói:
- Việc này do gia mẫu và nhạc gia quyết định, vãn bối được nhờ dư ấm tổ tiên...
Hắn định nói: "nhơ dư ấm Tổ tiên nên lấy được vợ đẹp" chợt lại nghĩ, nói thế không tiện, bèn ngừng lại không tiếp nữa.
Đồ GiangNam từ nãy vẫn ngồi yên, lúc này mới lên tiếng:
- Tục ngữ có câu:"Rắn không đầu khó luồn, chim không cánh khó bay" , chúng ta lắm người chỉ thêm nhiều điều, người này nói một câu, người kia chen một tiếng, rút cuộc vẫn chẳng đi đến đâu. Theo ý tại hạ thì bây giờ ta nên bầu lấy một hai người chủ sự đứng ra liệu lý việc tang sự cho bốn vị Quân tử, và cắt người điều tra hung thủ, đó là việc cần thiết hơn cả.
Đàm Khiếu Thiên nói:
- Đồ huynh nói phải lắm, tiểu đệ cũng đồng ý.
Mọi người ai cũng tán thành, cùng đồng thanh bầu Thượng Tam Đường và Ngôn Phượng Cương làm minh chủ đại cuộc. Hai người cố nhún nhường không được, Thượng Tam Đường vuốt râu cười nói:
- Các vị đã có lòng quá yêu, tín nhiệm lão hủ, lão hủ từ chối mãi cũng không tiện. Còn mong các vị giúp đỡ thêm vào, công việc mới có thể hoàn hảo được.
Nói xong, lại đưa mắt nhìn bọn Tống Văn Quang, Bạch Thiết Sinh và Đường Thông, rồi nói:
- Trung Nguyên Tứ Quân Tử bị hại, các vị tuy đau thương vô hạn, nhưng việc này còn quan hệ đến tình thế toàn thể võ lâm, không cứ gì những phong thiếp mời đó có phải thủ bút của Tứ Quân Tử không, lão phu trong nhất thời tuy không thể thấu suốt được mọi nhẽ, nhưng quyết không phải là do sự xảo hợp ngẫu nhiên. Kẻ hung thủ âm mưu ám hại Tứ Quân Tử, tất nhiên không coi bọn lão hủ và các vị anh hùng trong thiên hạ vào đâu...
Ông ngừng lại một chút, rồi lại tiếp:
- Vì thế lão hủ mong các vị, ai có chứng cứ gì liên quan đến việc này, xin bỏ ra đây, để tất cả mọi người cùng kiểm soát lại, họa may có tìm ra được đầu mối gì chăng?
Mọi người nghe nói, đều thò tay vào túi lấy phong thiếp mời ra đặt lên một tảng sơn thạch.
Tống Văn Quang chú ý nhìn kỹ, chỉ thấy trên thiếp viết rằng:
"Trước giờ ngọ ngày hai mươi ba tháng Tám, xin kính mời đại giá tới "đỉnh Bách Trượng Phong phía Bắc tỉnh Triết Giang hội họp. Quá "giờ ấy xin miễn chờ.
Ký tên,
"Lam Triệu Thường,ChuThiên Trượng,"
"Kim Thánh Nghi, Diệp Trường Thanh."
Tất cả các thanh giản thiếp, thanh nào cũng viết đúng như thế, vừa giản dị vừa lạc thảo, hình như đều do tay một người viết ra, nhưng bốn chữ ký thì mỗi chữ một khác.
Thượng Tam Đường lại hỏi Tống Văn Quang và Bạch Thiết Sinh:
- Hai vị có tìm thấy vật gì khả nghi ở trong mình lệnh sư không?
Tống Văn Quang sẽ hỏi Bạch Thiết Sinh:
- Có nên cho họ xem tờ di chúc của các vị sư trưởng không?
Bạch Thiết Sinh cũng thì thầm đáp:
- Nếu quả họ có bụng tốt, thực tâm muốn truy cứu hung thủ, thì dẫu có bắt chúng ta phải nhảy vào lửa, lội xuống nước, ta cũng không từ. Việc gì phải giấu.
Nói xong liền thò tay vào mình, lấy ra một cái túi trong đựng tờ di chúc, đặt lên tảng đá, rồi nói:
- Chúng tôi lên tới đỉnh núi, thì bốn vị sư trưởng đã tắt thở từ lâu, trừ mảnh lụa viết thành di chúc này ra, thì không còn tìm thấy vật gì khả nghi nữa.
Thượng Tam Đường nhìn qua mảnh lụa, rồi lại hỏi:
- Hai vị có xê dịch thi thể của các vị lệnh sư không thế?
Tống Văn Quang đáp:
- Thưa không!
Thượng Tam Đường thủng thỉnh đi vòng quanh thi thể bốn người, chú ý xem xét một lượt, rồi mới cầm tờ di chúc lên coi, đoạn lại hỏi:
- Bức di chúc này, có phải đúng là thủ bút của Tôn sư không?
Bạch Thiết Sinh nói:
- Vãn bối tuy cũng hơi ngờ, nhưng nét chữ thì đúng lắm!
Chợt thấy chàng thanh niên mặc áo xanh cười nhạt một tiếng rồi nói:
- Điều tra theo lối ấy, thì có đến một năm nữa cũng không tìm ra nguyên nhân cái chết của Tứ Quân Tử!
Thượng Tam Đường buông mảnh lụa xuống, đứng lên vòng tay nói:
- Lão hủ quên chưa thỉnh giáo đai giá quý tính đại danh là gì? Tôn sư là ai?
Chàng thiếu niên đáp:
- Tại hạ là một kẻ vô danh, không dám đếm xỉa, còn gia sư thời ẩn cư đã lâu, nói ra chắc các vi cũng không biết.
Thượng Tam Đường biến sắc mặt nói:
- Lão phu đã đi mòn giày cỏ, vẹt gậy tre khắp đông, tây, nam, bắc bốn phương, tự tin là đã biết người rất nhiều. Ba mươi năm về trước, các bậc võ lâm đồng đạo, đại phàm người nào hơi có danh vọng một chút, nếu lão hủ chưa gặp mặt thời tất cũng đã được nghe danh. Các hạ cứ nói cho ta nghe.
Chàng thanh niên chợt ngửa mặt lên trời, cười ha hả nói:
- Gia sư xưa nay không hề giao thiệp với các nhân vật võ lâm, nói ra cũng chẳng khác gì không nói. Nhưng về vụ án này, vãn bối có biết một hai điều, cũng xin góp ý kiến! Sao lão anh hùng không mở bàn tay phải của bốn vị Quân tử đặt trên đầu gối ra, xem lòng bàn tay có gì khác không?