Sau khi trăn trở đến được Hồng Kông rồi, anh tự dưng lại thành rảnh.
Lục Thiếu Kỳ vừa hay tin đã cử người đến liên lạc với anh mấy lần liền, lần nào cũng rất nồng nhiệt hào phóng, bất kể là vung tiền hay dốc lực gã đều không hề chần chừ.
Thời điểm đó đã có mấy lần bùng lên tin đồn thất thiệt rằng quân Nhật sắp đánh Việt Đông, Lục Thiếu Kỳ với đám sĩ quan cấp thấp chẳng hó hé một lời nào, dù làm gì bọn họ cũng đều có một thái độ rất trịch thượng, gã lại còn thuộc phe chủ chiến kịch liệt.
Ai cũng tin rằng Nhật sẽ không đi đối đầu với Anh, ra quân đánh chiếm vùng duyên hải phía Đông Nam làm gì đâu, song gã cứ liên tục kêu gọi xây pháo đài, những lời gã nói, những việc gã làm đều gây tranh cãi.
Bản thân Lục Thiếu Kỳ cũng thừa biết, gã thường than thở tràng giang đại hải với anh trong thư, than xong thì chốt một câu gãy gọn rằng tất cả các sĩ quan ở chỗ đóng quân đều từng bị gã xúc phạm một lần.
Phó Ngọc Thanh không khỏi lo lắng thay gã, anh viết thư hồi âm rất dài để khuyên can gã rằng quốc nạn đang ngay trước mắt thế này, thực sự không thể hành động theo cảm tính, còn khuyên gã không thể hấp ta hấp tấp nóng vội được, phải biết ứng biến tuần tự trước sau.
Đến Hồng Kông rồi, nhiều chuyện dễ dàng hơn biết bao nhiêu.
Trước tiên là dễ có báo để mà đọc hơn, báo Hán gian, thậm chí cả báo Trùng Khánh, ở Hồng Kông đều đặt được.
Cầm vào tay giở soàn soạt chẳng cần suy nghĩ, tin tức ùn ùn hàng đống hàng khiêng chen chúc nhau.
Có rất nhiều chuyện ngay tại thời điểm ấy anh không hề phát giác điều bất thường, như thể mắt đã bị vải đen bịt lại, phải đến sau này hồi tưởng mới hối hận vô cùng.
Sang tháng Mười, quân Nhật đổ bộ lên vịnh Đại Á[1] qua đường thủy, chiến sự leo thang nhanh chóng, phía quân đội không kịp đề phòng, chủ tịch tỉnh cùng thị trưởng Quảng Châu bỏ trốn.
Quảng Châu dễ dàng rơi vào vuốt giặc như trở bàn tay, biến thành thành phố thất thủ.
1.
Anh với Lục Thiếu Kỳ liên lạc đứt quãng, chỉ biết là quân Nhật đang xâm chiếm từng chút một, tình hình vô cùng gay go.
Cụ thể thế nào thì Lục Thiếu Kỳ không chịu nói rõ cho anh biết.
Sau khi đến Hồng Kông, anh còn nhận được thư của Ngọc Đình.
Té ra lúc ở Thượng Hải Ngọc Đình đã bỏ nhà ra đi với bạn học, ban đầu định đi đầu quân nhưng lại bị đánh trượt, cậu mới nhớ tới cái thông báo di chuyển vào nội địa của đại học, bèn chuyển đến Trường Sa.
Ngờ đâu định học Đại học Lâm thời[2] lại thành học đại học thật, vì quân Nhật đang dần dần di chuyển tới gần nên các thầy trò đành phải chuyển đến Vân Nam.
2.
Có những thầy trò đi tàu hỏa tàu thủy qua Hồng Kông Việt Nam, sau đó mới đến Vân Nam.
Còn cậu và nhiều bạn bè khác thì cùng cuốc bộ mấy tháng trời mới đến được Côn Minh.
Phó Ngọc Đình vẫn chỉ là một thiếu niên, thân thiết với anh từ hồi còn bé tí.
Lúc ở Trùng Khánh biết được địa chỉ Hồng Kông của anh, cậu đã viết thư cho anh từ Vân Nam.
Trong thư toàn viết những chuyện rầu lòng trăn trở của thiếu niên, rằng mình trốn chui trốn lủi không ra trận giết giặc ở đằng sau như vậy đúng là ăn hại; cậu còn hỏi anh mình có nên đi đầu quân không?
Phó Ngọc Đình mới có mười sáu tuổi thôi, sao Phó Ngọc Thanh có thể nỡ để cậu đối mặt với nguy hiểm nhường ấy.
Anh lo lắng không ngủ nổi, đêm dậy lại viết cho cậu mấy lá thư dài, khuyên cậu hãy biết liệu sức mình mà làm, học hành tử tế đi đã rồi hẵng tính đền việc đền đáp công ơn nước nhà.
Máy bay Nhật thường xuyên bay tới oanh tạc Côn Minh, Phó Ngọc Đình cùng bạn bè thầy cô “chạy không tập”, đôi lúc sẽ viết thư cho anh ở trong hầm trú ẩn.
Dường như những lá thư gửi đến Hồng Kông đều tích một lớp bụi.
Cuối cùng Phó Ngọc Đình cũng nghe lọt tai chút lời anh nói, niềm nhiệt huyết với việc học hành dâng ngùn ngụt, thành tích cũng đặc biệt xuất sắc, lời lẽ trong thư gửi cho anh luôn thấp thoáng chút niềm tự hào, song đến cùng vẫn không nén nổi nỗi sốt ruột cồn cào trong con tim.
Hội Áo lam[3] hoạt động rất sôi nổi ở Thượng Hải, nhiều Hán gian bị ám sát.
Khi ấy, đó là một kiểu chết rất ô nhục.
Những người ở lại tô giới ở Thượng Hải, miễn có ít tiền giấy trong tay thì đều sẽ không đến nước phải làm nạn dân lưu lạc đầu đường, sống cuộc sống thoải mái thư thả, chỉ mỗi tội là danh tiếng thì không thể cứu vãn.
Phàm là người có mặt mũi có tiếng tăm, yêu quý thể diện thì sẽ đều không chịu làm việc thay cho bọn Nhật, chí ít là không chịu làm một cách quang minh chính đại, bởi vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh, cũng như sợ hội Áo lam.
3.
Ở Thượng Hải đã thất thủ, quân Nhật không cho phép bất kỳ hoạt động kháng Nhật nào diễn ra, song Hội Áo lam vẫn giết người như không.
Những người đi làm việc cho người Nhật đều cực kỳ sợ chết, có điều Hán gian giết mãi chẳng thể hết, trên báo cũng hay đưa tin người chết.
Dù chỉ là người đóng cửa không tiếp khách, không có chức tước gì, nhưng mà nhỡ chết đột ngột ngoài đường thì ắt sẽ dính hiềm nghi làm Hán gian, lời ăn tiếng nói của mọi người cũng sẽ trở nên mập mờ quanh co.
Thế nên mọi người chỉ ngầm bàn tán, coi nó như một đề tài ngồi lê đôi mách sau giờ cơm.
Anh không biết Mạnh Thanh có dính dáng gì đến hội Áo lam không, cơ mà sau khi suy nghĩ kĩ thì cảm thấy không.
Lúc đó cứ mỗi lần giở báo ra đọc là nỗi lòng anh lại phấp phỏng không thôi.
Việc sống chết dường như trở nên nhẹ như bông, chẳng biết sẽ bị gió cuốn về phương nao.
Anh quá chán ngán cái tình hình này, ngày nào cũng đi tới đi lui trong bốn bức tường nhà trọ như con thú mắc lồng, đọc báo xong thì viết thư, bức nào cũng viết dài dằng dặc, gửi đi một số đến Vân Nam, đến Trùng Khánh, đến Thượng Hải.
Thỉnh thoảng viết xong thì cất đi, hoặc là xé, thỉnh thoảng xé được nửa chừng rồi thì lại cất đi, xếp vào xó nào đó ngoài tầm mắt mình.
Phó Ngọc Thanh đọc được tin về cái chết của Hà Ưng Mẫn ở trên báo.
Đó là chuyện của mùa hè năm sau, báo viết rằng hắn ngồi ô tô ra ngoài, lúc xuống xe thì bị một kẻ dùng súng bắn chết, lại còn đính kèm một bức ảnh.
Người trong ảnh mặc Âu phục gục trên mặt đất, bên cạnh là một vũng đen, hẳn là máu.
Có người lén đồn rằng hắn đã đầu quân cho Nhật, được quân Nhật thưởng, sắp sửa làm việc cho chính phủ duy tân.
Phó Ngọc Thanh run lên, chẳng biết là vì sợ hay là vì giận, tuy Hà Ưng Mẫn khôn lỏi luồn cúi, nhưng hắn ta sẽ không làm những chuyện này.
Anh tin chắc chắn còn có hiểu lầm gì trong ấy.
Kết quả mấy tờ báo liền đều đưa tin như vậy, anh vẫn nhất quyết không chịu tin, cho cả người đi hỏi thăm rồi mới biết tin Hà Ưng Mẫn chết là thật.
Trước những lời đồn đại cùng áp lực, phu nhân Hà không dám làm đám tang, chỉ đặt linh cữu ở trong biệt thự Hà.
Cô với Hà Ưng Mẫn không có lấy một mụn con, chuyện này khiến cô rơi vào một cú sốc, tinh thần bị ảnh hưởng nặng nề.
Vì quá lo lắng, anh đã đi nhờ vả khắp nơi, cố gắng đòi công bằng cho Hà Ưng Mẫn, nhưng đã vung cả khối tiền mà đầu mối vẫn bằng không.
Những tháng ngày ấy, tin xấu chỉ đơn thuần kéo đến hàng tràng hàng tràng.
Mùa thu tới, anh hay tin từ phía Diệp Hãn Văn rằng Lục Thiếu Kỳ đã hy sinh ở chiến trường Việt Tây (phía Tây Quảng Đông).
Đòn đả kích ấy đã giáng một trận bệnh nặng xuống anh.
Sau khi khỏi bệnh, rốt cuộc anh hạ quyết tâm liều chết quay về Thượng Hải một chuyến..