Tọa Hoài Bất Loạn


Đình Ngọc ừm một tiếng, nắm chặt cây bút nhìn anh không viết nữa.

Lúc bấy giờ Phó Ngọc Thanh mới nhận ra, chắc anh đứng đây là đang làm phiền thằng bé viết thư rồi.
“Con viết đi,” Phó Ngọc Thanh cười, định đưa tay sờ đầu nó mà lại hơi sợ, thành thử cuối cùng chẳng dám làm gì hết.
Anh ôm cảm giác mất mát đi ra ngoài, rồi một mình ngồi thần người trong phòng rất lâu.

Anh nhớ trong kiện hành lý còn có một hộp thuốc lá Tây, có điều mấy hôm nay sương mù ở Trùng Khánh dày, tiết trời nồm ẩm quá, chẳng biết còn hút được hay không.
Diệp Thúy Văn ra ngoài đánh bài đã quay về, thấy anh ngồi trơ như phỗng một mình, tay cầm điếu thuốc mà không hút thì không khỏi thấy lạ, hỏi anh thì anh cũng chỉ bảo không có gì.
Diệp Thúy Văn cầm cái bật lửa Tây từ phòng bếp ra, cẩn thận châm thuốc cho anh rồi hỏi: “Tối hay có kịch đấy, cậu không đi xem à?”

Phó Ngọc Thanh trầm tư rít một hơi, ngắm ánh đỏ lóe lên giữa ngón tay, tự dưng hỏi mợ: “Mợ có trách con không? Nếu hồi đó con không cầm ảnh của mợ về nhà, nếu không bị cha bắt gặp…” anh hơi dừng lại, dường như rơi vào miền mê man, mãi lâu sau mới khẽ nói hết câu, “thì bây giờ sẽ không thế này nhỉ?”
Diệp Thúy Văn kinh ngạc nhìn anh, vành mắt dần dần đỏ hoe, mợ cũng ngồi xuống, một tay chống cằm, sau khi ngẫm nghĩ ít khi thì lại cười: “Nếu không gả vào nhà Phó thì mợ còn chưa biết mình sẽ đi đâu về đâu đâu.

Vì thế mợ mới có được ngày hôm nay, mới có được Ngọc Đình, âu cũng là cái số cả.”
Phó Ngọc Thanh chậm rãi rít thuốc, nghĩ về những chuyện đã qua, anh thở dài, “Lúc đó ai mà ngờ được sẽ thành như này chứ?”
Diệp Thúy Văn cũng xuất thần, chẳng biết đang nghĩ gì mà tự dưng lại bật cười lẩm bẩm, “Hồi trước có người từng bảo mợ, gả đi một cái, có con có chồng là mình sẽ chẳng còn giá trị gì nữa.

Lúc đó mợ còn chưa cảm nhận được, nhưng sau khi có Đình Ngọc mợ mới hiểu thì ra đúng là thế.”
Phó Ngọc Thanh mỉm cười nhìn mợ, Diệp Thúy Văn lại nói tiếp: “Mợ là mợ chỉ mong nó trở về bình an thôi, trận chiến này hãy qua mau mau đi để chúng ta cùng về Thượng Hải, nhé?”
Phó Ngọc Thanh ừ tiếng: “Vâng ạ, chừng nào kháng chiến kết thúc, chúng ta sẽ cùng về Thượng Hải, cả nhà sẽ được đoàn tụ.”
Mắt Diệp Thúy Văn ươn ướt: “Hoặc là về Nam Kinh cũng được, bao nhiêu năm mợ chưa về Nam Kinh rồi.”
Ngón tay Phó Ngọc Thanh kẹp điếu thuốc, tâm trí quay ngược về quá khứ, anh lẩm nhẩm, “Con vẫn còn nhớ lần đầu gặp mợ, giờ nghĩ lại mới thấy đó là từ quá lâu về trước rồi,” Diệp Thúy Văn phì cười, “lúc đó cậu còn bé tí mà.

Mới có mười lăm tuổi đầu, vẫn chỉ là học sinh mà thôi.

Lúc mợ gả vào nhà mấy đứa, cậu vừa mới tốt nghiệp chứ đâu?”
Nghe mợ kể về những tháng ngày rất xa xăm ấy khiến Phó Ngọc Thanh hơi xúc động, “Đúng rồi, cuộc đời trôi qua nhanh thật đấy, chớp mắt đã bao nhiêu năm rồi.


Sao kiếp người lại ngắn ngủi như vậy không biết?”
Diệp Thúy Văn ngoảnh đi, trong khoảnh khắc ấy, gương mặt mợ chan chứa thứ ánh sáng rạng ngời chỉ có ở thiếu nữ, ánh mắt cũng tràn trề sự hoạt bát đầy khí thế, hệt như người phụ nữ bận tấm áo dài màu xanh lam, mỉm cười ngồi bên cạnh anh, giở tạp chí người đẹp cho anh đọc rất nhiều năm về trước.
Hồi còn là học sinh, anh được hay về mỹ danh của mợ nên quyết chí đòi đi xem thử, cùng chúng bạn kéo nhau đến chỗ mợ.

Chẳng ai ngờ mợ còn xinh đẹp hơn cả trong lời đồn, ai nấy đều mê như điếu đổ, ngồi dính ở đó cả một buổi chiều, lại còn đòi cả ảnh của mợ để mang về.
Ấy dường như là giấc mơ ở một miền xa xăm lắm.
“Sao tự dưng lại nói chuyện này?” Diệp Thúy Văn cười nhìn anh, “cứ như người già không bằng.”
Phó Ngọc Thanh hiếm khi thấy ngại, tự giễu: “Thì con già rồi mà?”
Cả hai im lặng, không ai nói lời nào nữa, song không thấy bứt rứt.

Sự im lặng hiếm hoi khiến con người ta lắng xuống.

Người làm đi mua đồ ăn đã về, cửa đẩy ra rồi khép lại.

Diệp Thúy Văn có vẻ đã hoàn hồn, đoạn hỏi anh: “Cậu vẫn định đi à? Mợ nghe như ý anh cậu là cậu không định ở Trùng Khánh lâu dài sao?”
Giọng Phó Ngọc Thanh thấp hẳn xuống, đáp lí nhí: “Con muốn về Thượng Hải.”
Diệp Thúy Văn hoảng hồn, mặt cắt không còn một giọt máu: “Cậu điên rồi, cậu về làm gì? Đến cả mợ còn biết cậu rất thân với bên đảng Dân chủ ở Hồng Kông, cậu mà đến Thượng Hải là sẽ thành phần tử kháng Nhật thật sự đấy, bộ tính chờ quân Nhật đến giết cậu chắc?”
Phó Ngọc Thanh hơi hậm hực cúi gằm mặt, chẳng khác nào trẻ con bị người lớn lên lớp.
Diệp Thúy Văn đau khổ nhìn anh: “Ngọc Thanh, cậu ở lại Trùng Khánh với cả nhà đi, chẳng mấy khi gia đình được bên nhau, tội gì phải chia xa nữa.”
Cõi lòng Phó Ngọc Thanh quặn thắt, anh đáp khẽ, “Con chỉ nghĩ vậy thôi.”.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận