Tối Chân Tâm

Phủ Tứ bối
lặc.

Vì Khuynh
Thành đột nhiên quay về, sắc mặt Nhan Tử La tươi tỉnh hơn một chút, Bách Hợp
cũng thầm thở phào nhẹ nhõm, xem ra trong lòng Tứ gia, vị trí của chủ nhân vẫn
rất quan trọng, nếu không sao hôm qua Thập tam gia vừa nói, hôm nay Cách cách
đã về rồi.

Khuynh
Thành vẫn giống mọi ngày nằm trong lòng Nhan Tử La nũng nịu cười nói, ăn xong bữa,
hai mẹ con ngủ trưa dậy, Khuynh Thành đột nhiên nghĩ tới hai câu thơ “Hốt như
nhất dạ xuân phong lai, Thiên thụ vạn thụ lê hoa khai”[1], bèn nài nỉ Nhan Tử
La dạy nó học thuộc bài thơ này. Nhan Tử La bảo Bách Hợp đến gian phòng phía
Tây cầm quyển thơ Đường tới. Liếc mắt nhìn, chính là quyển thơ từng kẹp tờ giấy
kia. Lật tới trang có bài Bạch tuyết ca tống Vũ phán quan quy kinh, dạy Khuynh
Thành học. Đầu óc Khuynh Thành đặc biệt nhanh nhạy với thơ ca, đọc chưa đến một
tuần trà đã thuộc. Chỉ có điều đọc xong rồi vẫn còn thấy hơi thắc mắc.

[1] Hai câu
trong bài thơ Bạch tuyết ca tống Vũ phán quan quy kinh (Bài ca Tuyết trắng đưa
Vũ phán quan về kinh đô). Dịch nghĩa là: Gió xuân hây hẩy đêm rồi, Ngàn cây lên
điểm trắng ngời nở hoa.

“Ngạch
nương, tại sao lại nói là ‘Hồ thiên’ nhỉ? Trời mà còn phải phân biệt nữa sao?”,
Khuynh Thành nói.

“Thời Đường,
vùng đất Đột Quyết[2], Hung Nô ở phía Bắc đều bị gọi là đất Hồ, nên trời ở vùng
đất ấy đương nhiên phải gọi là trời Hồ rồi”, Nhan Tử La giải thích.

[2] Một dân
tộc thiểu số thời cổ của Trung Quốc, là dân du mục ở vùng núi Altay.

“Vậy, triều
Đại Thanh ta có nguồn gốc ở quan ngoại, chẳng phải bị gọi là ‘Hồ’ rồi sao?”,
Khuynh Thành nghiêng đầu hỏi tiếp.

Nhan Tử La
ngẩn người, sau đó nói: “Thơ mà người xưa viết bao giờ cũng có liên quan tới
nơi mà họ sống, thời Đường những vùng Đột Quyết, Hung Nô lạc hậu hơn nhiều so với
Trung Nguyên. Người Trung Nguyên bèn coi thường bọn họ, gọi họ là người ‘Hồ’,
thật ra, trong câu thơ có mang ý kì thị, không đúng. Giờ Đại Thanh chúng ta đã
thống nhất thiên hạ, bốn bể cùng hưng thịnh phát triển, hơn nữa Đại Thanh ủng hộ
việc Mãn Hán thành người một nhà, khắp trời đất này đều là con dân của Hoàng
gia gia con, không có phân biệt Hồ, Hán gì nữa, vì vậy bầu trời cũng không bị
phân biệt”.

“Ồ” Khuynh
Thành hiểu biết gật đầu, sau đó lại hỏi: “Ngạch nương, tuyết ở phương Bắc có lớn
thế này không? Tháng Tám liệu có tuyết không? Nhưng khi chúng ta cùng Hoàng gia
gia đi tái ngoại lại không thấy tuyết?”.

“Bởi vì
chúng ta vẫn chưa thật sự vào sâu trong đất Bắc. Còn tuyết rốt cuộc có lớn như
thế này không, ta cũng không biết. Có điều, trong thơ Lý Bạch từng viết một câu
thế này, ‘Yên sơn tuyết hoa đại như tịch’[3], vì vậy, chắc là thật!”, Nhan Tử
La đáp.

[3] Dịch:
Núi Yên Chi tuyết rơi như bão

“Hoa tuyết
và bão? Không giống chút nào! Một thi nhân cao minh như Lý Bạch sao lại dùng
cách so sánh này chứ?” Khuynh Thành trề trề môi.

“Thế con bảo
giống cái gì?”, Nhan Tử La cười hỏi.

“Giống rất
nhiều thứ, rất giống tơ liễu vào mùa xuân, cũng nhẹ nhàng bay khắp nơi. Ừm, còn
giống bồ công anh nữa”, Khuynh Thành tay chống cằm nói.

“Không ngờ
bảo bối nhà ta còn có tài ‘vịnh nhứ’.” Nhan Tử La cười.

“Là có ý gì
ạ, ngạch nương?”, Khuynh Thành hỏi.

“Cái này,
cũng là chuyện thời xưa, thời Đông Tấn có một tài nữ tên Tạ Đạo Uẩn. Một hôm
đúng lúc gặp trời tuyết rơi lả tả, giống như hôm nay vậy, Bác của nàng ta nhất
thời nổi nhã hứng, liền hỏi các vãn bối đang ngồi: ‘Tuyết rơi thế này giống cái
gì?’. Anh họ của Tạ Đạo Uẩn vội tranh trả lời: ‘Ném muối trắng giữa trời’. Tạ Đạo
Uẩn lặng lẽ suy nghĩ một lúc, sau đó mới nói: ‘Chưa bằng gió thổi tung tơ liễu’.
Vì vậy từ đó về sau, những người con gái có tài học vấn đều được gọi là ‘Vịnh
nhứ[4] tài’, Nhan Tử La giải thích.

[4]Nhứ: Sợi
bông, hoa nhẹ.

“Anh họ của
nàng ta thật ngốc, tuyết với muối trắng chẳng có chút nào giống nhau cả!”,
Khuynh Thành đáp, “Ngạch nương, còn có bài thơ nào về tuyết nữa không?”.

Nhan Tử La
liền tìm mấy bài thơ dạy con. Khuynh Thành học thuộc rồi, nói rằng mình thích
nhất hai câu “Mai tu tốn tuyết tam phân bạch, Tuyết khước thâu mai nhất đoạn
hương”[5] trong bài Tuyết Mai của Lư Mai Pha, sau đó hỏi Nhan Tử La thích nhất
bài nào. Nhan Tử La suy nghĩ rồi đáp: “‘Lục Nghị tân phôi cửu, Hồng nê tiểu hỏa
lô. Vãn lai thiên dục tuyết, Năng ẩm nhất bôi vô?’[6], ngạch nương thích nhất
bài này”.

[5] Mai
thua tuyết ấy vài phần trắng, Tuyết hẳn nhường Mai mấy bậc hương (người dịch: Hải
Đà).

[6] Bài thơ
Vấn Lưu Thập Cửu (Hỏi Lưu Thập Cửu) của Bạch Cư Dị thời Đường. Dịch là: “Vừa
xong rượu Lục Nghi, Hỏa lò đất đỏ nung. Trời hôm muốn mưa tuyết, Uống một chén

chơi không?”.

“Tại sao ạ?
Trong này cũng không có tuyết mà!”, Khuynh Thành thắc mắc.

“Đợi khi
nào con lớn như ngạch nương rồi, con sẽ hiểu”, Nhan Tử La đáp.

Sau đó hai
mẹ con lại gọi Ám Hương mang giấy mực vào, chuẩn bị viết mấy bài thơ đó lên.
Nhan Tử La vừa viết được vài chữ, Khuynh Thành liền châu đầu lại nói: “Ngạch
nương, chữ của ngạch nương chẳng đẹp gì cả, thua xa a ma”.

“Ta đâu có
cần viết cho người khác đọc, xấu chút cũng chẳng sao”, Nhan Tử La cười.

“Ngạch
nương, người chẳng có tham vọng gì cả.” Khuynh Thành tiếp tục viết chữ.

Hai người
đang viết rất hào hứng thì rèm cửa bị vén lên, một luồng khí lạnh xộc vào, Nhan
Tử La bất giác rùng mình, ngẩng đầu lên định hỏi Bách Hợp xem có chuyện gì,
nhưng ngây lập tức sững lại. Tay cầm bút vẫn đang giơ lên nửa chừng.

“A ma, người
đến rồi, ngạch nương dạy con bài thơ mới đấy”, Khuynh Thành cười nói, nhảy xuống
khỏi sập, cầm giấy đưa cho Dận Chân xem.

“Tốt!”, Dận
Chân nhìn một lượt, khen. Sau đó chàng tự động ra ngồi cạnh sập, quét sang bên
tờ giấy của Nhan Tử La rồi lại thu ánh mắt về, chuyên tâm nhìn Khuynh Thành viết
chữ. Nhan Tử La bừng tỉnh, đặt bút xuống, vo tròn tờ giấy đang viết dở trong
tay.

“Ngạch nương,
người không viết nữa ạ?”, Khuynh Thành nghiêng đầu hỏi.

“Ngày mai lại
viết, ngạch nương mệt rồi, không còn sức nữa”, Nhan Tử La đáp. Dịch người về
phía sau dựa vào gối. Nghiêng đầu nhìn, sắc mặt Bách Hợp và đám a hoàn đều như
sáng bừng lên, giống như ánh sáng của những kẻ vừa trở về từ cõi chết.

Khuynh
Thành viết xong, cầm đưa cho Nhan Tử La xem, Nhan Tử La cũng không nói gì.
Khuynh Thành bèn chạy quay lại chỗ Dận Chân, nhõng nhẽo nói: “Ngạch nương vừa rồi
còn khen con có tài vịnh nhứ đấy, a ma”.

“Thật
không?” Dận Chân nhìn Nhan Tử La, “Ngạch nương nói rất đúng, Khuynh Thành rất
thông minh”.

Khuynh
Thành cười vui vẻ, rồi lại nũng nịu chui vào lòng Nhan Tử La, nghĩ thế nào,
nói: “Ngạch nương, hôm nay Thập tam thúc ăn thịt nướng trong đình đấy, chúng ta
cũng ăn có được không?”.

“Phiền lắm”,
Nhan Tử La chẳng nghĩ ngợi gì đáp luôn. Tên lão Thập tam kia chẳng sáng tạo gì
cả, toàn bắt chước.

“Chủ nhân,
đồ dùng nướng thịt hôm qua vẫn chưa chuyển lại vào bếp, thịt hươu cũng còn”,
Bách Hợp lên tiếng.

Dận Chân
bèn ngẩng đầu nhìn Nhan Tử La, lão Thập tam học nàng? Xem ra cuộc sống của nàng
tốt hơn mình nhiều, còn có tâm trạng mà thưởng tuyết nướng thịt.

“Tùy thôi”,
Nhan Tử La đáp.

Bách Hợp và
đám a hoàn vội vàng chuẩn bị. Một lúc sau Bách Hợp lại vào, khẽ hỏi: “Chủ nhân,
ăn ở đâu ạ?”.

“Ta không
ra ngoài ăn, hỏi Khuynh Thành xem”, Nhan Tử La nói.

“Ngạch
nương, xin người mà!” Khuynh Thành ôm cổ mẹ nhõng nhẽo.

“Không có lần
sau nhé, chỉ chiều con lần này thôi”, Nhan Tử La đầu hàng.

“A ma, người
có muốn ăn không?” Khuynh Thành quay sang hỏi cha mình. Nhan Tử La ngẩn người,
lão Thập tam mời chàng sang ăn thịt nướng?

“A ma ăn rồi,
con với ngạch nương ăn đi”, Dận Chân đáp, sau đó đứng dậy đi.

Bách Hợp và
đám a hoàn quay sang nhìn nhau, hoàn toàn không hiểu đang xảy ra chuyện gì.
Nhan Tử La cũng chẳng nói chẳng rằng, Khuynh Thành mẫn cảm “ngửi” thấy có mùi
khác thường trong không khí.

“Ngạch
nương, a ma không vui ạ?”, con bé hỏi.

“Ta không
biết”, Nhan Tử La lắc đầu đáp.

“Ngạch
nương, người cũng không vui sao?”, Khuynh Thành hai tay chống má, mắt đảo liên
hồi.

“Sao con lại
cho rằng ngạch nương không vui?”, Nhan Tử La hỏi.

“Ngạch
nương và a ma đều không nói gì, ngạch nương cũng không thỉnh an a ma”, Khuynh

Thành nói.

Nhan Tử La
không thể phủ nhận, cũng may Sơ Ảnh vào bảo đồ đã chuẩn bị xong, Nhan Tử La bèn
thuận thế leo xuống đất, quấn áo cho Khuynh Thành khiến người con bé tròn xoe,
sau đó mới đưa con ra ngoài.

Khuynh
Thành vì thấy mới lạ, nên ăn rất vui vẻ hào hứng. Nhan Tử La bị Dận Chân làm mất
hứng, chẳng có tâm trạng mà ăn uống. Chỉ ngồi nhìn Khuynh Thành khua chân múa
tay ăn, còn mình cầm chén rượu, chầm chậm nhấp môi.

Vì sắp Tết,
Khuynh Thành liền ở lại trong phủ. Hai mẹ con ngày nào cũng đọc thơ, chơi cờ,
Nhan Tử La có hôm tâm trạng vui vẻ, còn bỏ ra hai ngày để làm con gấu cho
Khuynh Thành chơi, khiến Bách Hợp và đám a hoàn xót ruột, bởi con gấu đó được
làm bằng chiếc áo lông cáo trắng đắt đỏ mà hồi nhỏ Khuynh Thành vẫn mặc. Khuynh
Thành thì vui sướng vô cùng, cứ nhăm nhăm đòi cắt nốt chiếc áo choàng màu đỏ rực
mà Khang Hy vừa ban cho mình, khiến Bách Hợp lo lắng sợ hãi, chỉ sợ hai chủ
nhân nhà mình không cẩn thận phạm vào tội khi quân.

Trong phủ dần
dần bắt đầu có không khí Tết, sắc mặt mọi người lấp lánh niềm vui, Tết đến cũng
có nghĩa là có rất nhiều quà tặng, không chỉ trong cung, vương công phủ đệ cũng
thế.

Bách Hợp bắt
đầu quét dọn các phòng và sân vườn, mất rất nhiều thời gian và công sức mới dọn
sạch vườn và đám lá cây lẫn với tuyết, khiến cả đám a hoàn lớn bé mệt mỏi, chân
tay đau nhức. Nhưng cái giá xứng đáng chính là, khu nhà này không còn giống như
bị bỏ hoang nữa.

Giống như
những năm trước, thỉnh thoảng lại có đồ được đưa tới. Vải vóc, trang sức, trái
cây vân vân. Nhan Tử La chẳng quan tâm, có Bách Hợp và đám a hoàn, nàng có thể
phủi tay bỏ mặc.

“Chủ nhân,
người cũng nên may thêm vài bộ y phục. Nô tỳ thấy, hãy dùng loại nhung Bắc Kinh
và lụa Hàng Châu này đi, màu sắc cũng đẹp, hoa văn cũng đẹp”, Bách Hợp nhìn vải
vóc trên bàn nói.

“Đủ mặc là
được rồi”, Nhan Tử La chẳng hào hứng đáp.

“Chủ nhân,
Tết đến rồi, cũng nên may một cái chứ.” Bách Hợp ôm đống vải nhìn nàng, “Người
xem dùng cái nào, nô tỳ bảo bọn họ gọi thợ tới đo”.

Nhan Tử La
lúc này mới ngẩng đầu khỏi quyển sách, nhìn nhìn đống vải, giơ tay ra sờ, cảm
giác không tồi. Nàng chỉ vào một tấm vải màu tối trên bàn, nói: “Dùng cái đó
đi”.

“Màu đỏ gỗ
đàn hương? Chủ nhân, nô tỳ thây tấm này đẹp, màu đỏ tươi, rất hợp với không khí
Tết, cũng tươi vui nữa”, Bách Hợp gợi ý. Nhan Tử La xua xua tay, “Không chọn nữa,
mỗi loại may một cái đi. Phần còn lại các ngươi cũng mang ra mà may y phục”.

“Nô tỳ
không dám.” Bách Hợp ôm đống vải đi, gọi một tiểu a hoàn vào, bảo nó ra ngoài
tìm thợ đến may y phục.

Nhan Tử La
tiếp tục đọc sách. Nha đầu Khuynh Thành không biết chạy đi đâu chơi rồi.

Buổi chiều,
liền có bốn cô gái tới lấy số đo cho Nhan Tử La, sau đó cắt vải rồi thu dọn
mang đi. Nhan Tử La lúc này mới thở phào, ăn mấy quả ô mai, cảm thấy buồn chán vô
cùng, bèn nằm xuống nghỉ ngơi.

Thư phòng
phía Nam.

Khang Hy
đang ngồi xem tấu chương. Trên ghế, một người đang ngồi cúi đầu buồn bã, thở
dài thườn thượt lần thứ N thì nghe Khang Hy nói: “Lão Thập tam, con đến là để
thở dài cho ta nghe sao?”.

“Hoàng a
ma, nhi thần có viêc khó”, Dận Tường nói, tiện thể lại thở dài một cái.

“Vì vậy mới
không chịu đi?” Khang Hy đặt bút xuống, nhìn Dận Tường, “Nói!”.

Dận Tường lập
tức cười tươi như hoa cúc vào mùa, nhanh chóng đứng dậy đi tới bên bàn Khang Hy
ngồi, lấy từ trong tay áo ra một tờ giấy, “Hoàng a ma, người hãy xem cái này
trước”.

Khang Hy
nghi hoặc nhìn hắn một cái mới nhận tờ giấy, đọc một lần, “Con đến là để cùng
trẫm luận thơ từ?”.

“Hoàng a
ma, người cảm thấy bài thơ này thế nào ạ?”, Dận Tường cười hỏi.

“Không có
gì đặc biệt. Bài thứ hai khá khẩm hơn.” Khang Hy nói xong nhướn mày nhìn Dận Tường:
“Con viết?”.

Dận Tường vội
xua tay, “Không phải nhi thần viết, nhi thần chép lại. Nhưng, mấu chốt là ở
trong bài thơ”.

Khang Hy lại

nhìn hắn một cái, ra hiệu cho hắn nói tiếp.

“Bài thơ đầu
tiên của tứ ca viết, bài thứ hai nhi thần đoán là của Nhan Tử La”, Dận Tường
nói.

“Đoán?”,
Khang Hy hỏi, cầm tờ giấy lên đọc lại một lần.

“Hoàng a
ma, nhi thần đoán như thế là vì có nguyên nhân.” Dận Tường suy nghĩ, kể lại một
lượt chuyện xảy ra trước cửa phủ Tứ bối lặc cho Khang Hy nghe.

“Thế như
con thấy, hôm ấy nha đầu đó đi đâu?”, Khang Hy hỏi.

“Chắc là tới
phủ Bát ca thăm My Liễm Diễm, nếu không cũng không thể bị sốc như thế, dám đối
đáp với Tứ ca”, Dận Tường nói, “Từ hôm ấy, nhi thần chẳng được sống yên ngày
nào, Tứ ca lúc nào cũng mặt lạnh như băng khi nói chuyện với chúng nhi thần, chỉ
sai sót nhỉ cũng bị Tứ ca mắng. Bây giờ, nhìn thấy Tứ ca, nhi thần có thể trốn
xa bao nhiêu là trốn xa bấy nhiêu”.

“Chẳng trách
trẫm cảm thấy lão Tứ gần đây vui buồn thất thường”, Khang Hy dừng lại, rồi nói
tiếp, “Nhưng, đây là chuyện nhà lão Tứ, con định kiếm trò vui gì?”.

“Hoàng a
ma, mấy hôm trước nhi thần đã ‘động’ vào Tứ ca rồi…” Dận Tường lại kể một lượt,
Khang Hy nghe xong, liền cười.

“Lão Thập
tam, chuyện này trẫm không quản được. Nhưng, con cũng đừng lo lắng, Tứ ca con
lúc nào mặt chẳng lạnh như thế, sẽ không làm gì con đâu!”, Khang Hy nói, sau đó
quay sang Lý Đức Toàn: “Lý Đức Toàn, mang tranh ra đây”. Lý Đức Toàn vâng dạ,
ra giá tranh đằng sau tìm, không lâu sau lấy ra một cuộn tranh đặt lên bàn.

“Hoàng a
ma, đây là?” Dận Tường có chút không hiểu.

“Con hãy đến
phủ Tứ ca, đưa cuộn tranh này cho Nhan Tử La”, Khang Hy chọn ra mấy cuộn.

“Đây là của
người thưởng?”, Dận Tường hỏi, tiện tay cầm một cuộn tranh mở ra xem, sau đó sững
lại nói, “Vẽ lúc nào thế này?”.

“Vẽ hồi đi
tái ngoại, chỉ có hai mẹ con nhà ấy là nhiều. Mấy hôm nay bận việc quên mất,
may mà có con mang đi cho ta”, Khang Hy nói.

“Hoàng a
ma, hay là đợi ngày mai Tứ ca vào cung…”, Dận Tường do dự, hắn không muốn bị Tứ
ca đánh.

“Trẫm không
muốn nhìn bộ mặt lạnh của nó!”, Khang Hy cười nói.

“Hoàng a
ma, người thật thương nhi thần!”, Dận Tường bất mãn lẩm bẩm.

“Lúc mang tới
đó, đừng để lão Tứ xem, cứ nói là ý chỉ của trẫm.” Khang Hy nở một nụ cười tính
toán. Dận Tường cảm thấy mặt mình xanh lét, thế này có khác gì tới phủ Tứ ca để
tự sát đâu?

“Đi đi,
ngày mai tới gặp trẫm kể lại xem”, Khang Hy nói xong liền đuổi người. Dận Tường
cầm tranh mặt rầu rĩ đi ra.

Kiệu đến
trước cửa phủ Tứ bối lặc, Dận Tường xuống kiệu, cầm tranh đi đi lại lại trước cửa
mấy vòng. Đám thị vệ đứng ngoài cửa không biết phải đối phó thế nào.

“Tứ gia có ở
trong phủ không?”, Dận Tường chạy tới hỏi. Thị vệ sững lại, sau đó đáp: “Bẩm Thập
tam gia, hôm nay Tứ gia chưa ra khỏi phủ”.

“À!” Dận Tường
đảo tròng mắt, “Bây giờ Thập tam gia ta sẽ vào, nhưng, ngươi không được đi
thông báo”.

“Vâng! Thập
tam gia.” Thị vệ mặc dù nghi hoặc, nhưng vẫn vâng dạ nghe lệnh. Dù sao Thập tam
gia cũng chỉ có thể là để tìm Tứ gia.

Dận Tường
lúc này mới rón rén bước vào trong. Đáng tiếc, ông Trời không đứng về phía hắn,
đúng lúc Dận Tường định tăng tốc, men theo bờ tường mà đi thì thấy phía sau
vang lên giọng nói: “Thập tam thúc?”, Dận Tường rất muốn vờ như không nghe thấy,
nhưng nha đầu đó lại nói tiếp câu sau: “A ma, người xem kia có phải là Thập tam
thúc không?”.

Sau đó có
người húng hắng ho một tiếng, Dận Tường quay lại, nặn ra một nụ cười: “Tứ ca, đệ
đang định tìm huynh!”.

“Thư phòng
không ở phía ấy!”, Dận Chân bóc mẽ lời nói dối của hắn.

“Trời lạnh,
định đi đi lại lại cho ấm”, Dận Tường nói.

“Ồ?”, Dận
Chân buông một tiếng. Dận Tường giật giật các thớ thịt, “Gì nhỉ, Tứ ca, đệ là
phụng chỉ mang tranh cho Nhan tẩu tẩu”.

Ánh mắt Dận
Chân sắc lẹm lướt nhìn cuộn tranh hắn đang cầm bằng hai tay, “Vào thư phòng”,
sau đó liền rời bước.

“Tứ ca,
nhưng, Hoàng a ma có chỉ, không được cho huynh xem, huynh đừng làm khó đệ”, Dận
Tường nói.

Người đi
phía trước dừng lại, hơi nghiêng đầu, rồi lại phát ra một từ đơn âm tiết: “Ừm?”.
Dận Tường lập tức cười ha hả, “Hoàng a ma nói không thể cho huynh xem, nhưng
không nói không thể cho nha đầu Khuynh Thành xem”, sau đó mặt nhăn mày nhó đi
theo sau Dận Chân.

“Thập tam
thúc, sắc mặt thúc thật khó coi”, Khuynh Thành lon ton theo sau.

“Thế à? Có
thể tại ở nhà con lạnh quá”, Dận Tường khẽ lẩm bẩm.

Đến thư

phòng, Dận Tường đặt cuộn tranh lên bàn, nhìn nhìn Dận Chân, sau đó bước sang
bên cạnh tự ý ngồi xuống.

“Thập tam
thúc, tại sao Hoàng gia gia lại ban thưởng tranh cho ngạch nương con?” Khuynh
Thành cũng sán lại gần bàn, mắt đầy vẻ tỏ mò, “Ồ con nghĩ ra rồi, là vẽ ngạch
nương con phải không?”, tay liền mở cuộn tranh trên bàn ra.

“Đúng là ngạch
nương. Nhưng, vẻ mặt này của ngạch nương thật khó coi”, Khuynh Thành trề môi cười.

Ánh mắt Dận
Chân quét tới, bối cảnh trong tranh là đêm lửa trại, Nhan Tử La ngồi bên bàn,
giơ hai ngón tay lên, vẻ mặt đắc ý vô cùng, ừm, bộ dạng của kẻ tiểu nhân đắc
chí.

“Là ở trong
đại hội thi võ!”, Khuynh Thành vẫn cười nói, “Tối hôm ấy, ngạch nương còn thắng
được hai viên trân châu của Bát thẩm”.

“Hử? Không
thấy ngạch nương con lên võ đài thi đấu mà?”, Dận Tường băn khoăn hỏi. Lẽ nào
hai người phụ nữ này len lén thi đấu với nhau, nhưng, không thực tế, bụng của
My Liễm Diễm khi ấy…

“Thập tam
thúc, ngạch nương con sao có thể lên võ đài chứ? Ngạch nương nhát gan như thế.
Ngạch nương nói rồi, nhất định phải tránh cho xa, gươm đao không có mắt, ngộ nhỡ
không cẩn thận bị thương, sau này cuộc sống không thể tự chủ nữa. Ha ha, có điều,
tối hôm ấy, ngạch nương và Bát thẩm cược thắng thua, ngạch nương thắng hai trận,
vì vậy với được hai viên trân châu”.

Khuynh
Thành giải thích, thuận tay mở cuộn tranh tiếp theo. Dận Chân cậy mình cao, xem
hết từng cuộn một.

Cuộn tranh
to cuối cùng được mở ra, Khuynh Thành vô thức “oa” lên một tiếng, sau đó tán
thưởng nói: “Không ngờ ngạch nương cũng có thể đẹp thế này!”. Con bé làm bộ làm
tịch gật gù cái đầu, rồi đột ngột ngẩng lên hỏi, “A ma, người nói xem?”.

Người bị hỏi
rõ ràng không ngờ tiểu nha đầu lại hỏi như thế vẻ mặt có phần lúng túng. Dận Tường
cũng sáng lại, rõ ràng hắn rất hứng thú, nhìn nhìn, sau đó gật đầu nói: “Quả
nhiên người trời!”, nói xong liền có cảm giác mặt mình vừa bị ánh mắt sắc như
lưỡi dao quét qua.

“Haizz, họa
sĩ cũng thật là biết cách biến gỗ mục thành vật thần kì!”, Khuynh Thành thở
dài, nói. Dận Tường nhìn nó thắc mắc, đứa trẻ này có đúng là do Nhan Tử La sinh
không? Biến gỗ mục thành vật thần kì? Nghe chẳng giống con gái khen mẹ gì cả?

“A ma, người
cũng xem xong rồi, con mang tới cho ngạch nương được không?” Khuynh Thành cuộn
tranh lại, chỉ thấy cha mình nhanh tay rút một cuộn trên bàn.

“A ma, người
muốn giữ lại tranh của ngạch nương? Vậy con có được nói với ngạch nương
không?”, Khuynh Thành nhướn mày hỏi.

“Con nói
xem?” Dận Chân liếc xéo Khuynh Thành một cái, kẻ bị nhìn lập tức buông lời như
máy: “Thôi thôi, dù sao ngạch nương cũng không biết có bao nhiêu cuộn”, sau đó
ôm tranh chạy biến.

Dận Tường
ngồi cạnh lò sưởi, len lén liếc Dận Chân, Dận Chân cũng không nói gì, một lúc
lâu sau, Dận Tường mới cười, nói: “Tứ ca, coi như nể tình đệ đã mang tranh tới
tặng tẩu tẩu, huynh bỏ qua đừng so đo với đệ nữa được không? Hơn nữa, đệ làm thế
cũng là vì nghĩ cho Tứ ca huynh!”.

“Hử?” Dận
Chân thu lại cuốn tranh, quay đầu nhìn Dận Tường.

“Gì nhỉ, một
là, giúp Tứ ca huynh nghĩ thông suốt Nhan tẩu tẩu rốt cuộc có địa vị thế nào
trong lòng huynh. Hai là, nếu như xảy ra chuyện gì, tiểu đệ sẽ lập tức tặng cô
gái đó cho Tứ ca, chẳng phải nhờ vậy mà Tứ ca cũng có thể biết vị trí của mình
trong lòng tẩu tẩu sao? Nếu tẩu tẩu không có phản ứng gì… Cái đó… Haizz… Nhưng,
nếu tẩu tẩu ghen lồng ghen lộn, chẳng phải là chuyện vui sao?”, Dận Tường lải
nhải.

“Hạ đẳng”,
Dận Chân lạnh lùng buông câu kết luận.

“Tứ ca!”, Dận
Tường buồn bã kêu lên.

“Hừ hừ!” Dận
Chân kiệm lời như vàng.

“Tứ ca,
Hoàng a ma đã cho triệu Sách Lăng hồi kinh đón năm mới, Mẫn tỷ tỷ cũng sẽ cùng
về. Có thể… có thể để Mẫn tỷ tới khuyên tẩu tẩu.” Dận Tường nói xong vội đứng dậy,
“Hoàng a ma còn đang đợi về bẩm báo, tiểu đệ xin cáo từ trước”, sau đó đi như
chạy.

Hắn đi rồi,
Dận Chân mới mang cuộn tranh ra, cẩn thận trải xuống bàn. Bức họa lấy màn đêm
đen như mực của thảo nguyên làm bối cảnh, chỉ vẽ khuôn mặt nghiêng của Nhan Tử
La. Nàng lặng lẽ đứng đó, đầu hơi ngước lên, dường như đang ngắm trời, xung
quanh nàng, đom đóm bay lượn. Trong bức họa, nhìn nàng vô cùng cô độc, cứ như tất
thảy mọi thứ đều chẳng liên quan gì đến nàng.

Nàng đang
nghĩ gì? Nghĩ tới cái chết của Dận Giới? Nhưng vẻ mặt nàng chẳng có sự bi
thương, đương nhiên cũng không có vui mừng. Rốt cuộc nàng đang nghĩ gì, nàng chẳng
nghĩ gì cả?

Bức tranh
nhìn rất đẹp, khiến người ta có chút không tin đấy là thật. Cuộn tranh lại, cẩn
thận đặt vào ngăn kéo, Dận Chân dựa vào ghế, nhắm mắt.

“Đáng tiếc,
tôi không còn đứa con thứ hai để mà mất nữa.” Những lời Nhan Tử La lại vang lên
bên tai chàng, trước mặt là ánh mắt quật cường và lạnh lẽo của nàng.

Trong lòng
nàng, nàng cho rằng chính chàng đã khiến nàng bị sẩy thai, nàng không trách
Bích La, vì vậy khi gặp lại đối mặt với Bích La nàng chẳng chút oán hận. Nàng
chỉ trách chàng, vì vậy nàng từ chối chàng, từ thể xác cho tới tâm hồn. Nếu… Dận
Chân day day huyệt Thái Dương, nếu hồi đầu không vì nhất thời giận dỗi để Bích
La vào phủ, thì tất cả mọi chuyện ngày hôm nay liệu có xảy ra không? Nhưng, dù
sao cũng đã xảy ra rồi, chàng phải làm thế nào, có thể làm thế nào mới khiến
nàng bình tâm chuyển ý?

Dận Chân bắt
đầu rơi vào trạng thái trầm tư.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận