Tôi đã tập hôn như thế nào


HÃY HÀNH ĐỘNG CHO ĐIỀU MÌNH YÊU THÍCH!
Ước mơ không phải là điều ngớ ngẩn. Ngớ ngẩn nhất chính là sống mà không có lấy một ước mơ nào.
Cliff Clavin, Cheers
Không thể gục ngã
Mặc dù thế gian này còn nhiều đau khổ, nhưng ta có nhiều cơ hội để vượt qua những đau khổ đó.
Helen Keller
Bob, một nhân viên đưa thư của vùng Torrington, cùng vợ là Linda cố gắng tự trấn an mình khi họ đi về phía cửa phòng bệnh. Hãy bình tĩnh, Linda tự nhủ khi đưa tay nắm chốt cửa, mình không muốn làm cho con hoảng loạn hơn nữa vì nó đã chịu đựng quá đủ rồi.
Cuối tháng 12 năm 1988, vào một buổi chiều mưa tuyết, đứa con trai 15 tuổi của họ, Chris, cùng năm đứa bạn khác lái xe hơi từ Torrington, bang Connecticut đến vùng Waterbury lân cận. Thình lình, những tiếng cười vui vẻ của bọn nhóc vụt trở thành những tiếng hét kinh hoàng khi xe chúng trượt trên con đường đóng băng trơn trợt và lao thẳng vào hàng rào bảo vệ. Ba đứa, trong đó có Chris, bị hất tua ngoài cửa sổ phía sau xe. Một đứa chết ngay tại chỗ, một đứa khác bị trọng thương, còn Chris thì người ta thấy nửa nằm nửa ngồi trên dải phân cách, ánh mắt đờ đẫn nhìn đùi trái đang tuôn máu xối xả. Cách đó khoảng chục mét là cái cẳng chân trái của cậu, bị một sợi dây thép hàng rào cắt đứt lìa từ đầu gối. Chris được đưa ngay vào bệnh viện Waterbury để cấp cứu. Cha mẹ của Chris phải chờ suốt bảy tiếng đồng hồ mới được gặp lại con.
Giờ đây, khi thấy con trai mình đang nằm trên giường bệnh, nước mắt Linda lại tuôn trào. Bob nắm lấy tay Chris. Cậu bé thì thào với bố: “Bố ơi, thế là con đã mất một chân rồi”. Bob khẽ gật đầu và siết chặt bàn tay của con trai. Sau một lúc im lặng, Chris nói thêm: “Còn những trận đấu bóng rổ của con thì sao đây?”
Bob Samele cố kìm nén cơn xúc động của mình. Bóng rổ là môn thể thao mà Chris thật sự yêu thích từ khi còn rất nhỏ, và chẳng mấy chốc cậu bé đã trở thành một huyền thoại của Torrington. Vào mùa bóng năm trước, khi đang học lớp chín trường St. Peter, Chris đã ghi được một thành tích xuất sắc là 41 điểm tính trung bình. Giờ đây, khi đang là học sinh lớp 10 trường trung học phổ thông Torrington, Chris đã ghi được thành tích là 62 điểm trong hai trận đấu với đội tuyển học sinh lớp 12. Chris thường tự hào nói với ba mẹ mình: “Một ngày nào đó con sẽ chơi bóng tại sân Notre Dame trước hàng ngàn người cho mà xem, và nhất định ba mẹ phải có mặt mới được.”
Nhìn đứa con tàn tật của mình, Bob Samele không biết an ủi thế nào. Cuối cùng, ông cũng cố gắng thốt ra mấy lời: “Con biết không, Chris, nhiều người đang muốn gặp con ở ngoài phòng chờ đấy, có cả huấn luyện viên Martin nữa.”
Mặt Chris tươi hẳn lên. Sau đó, bằng một giọng quả quyết, Chris nói: “Bố ơi, bố hãy nói với thầy rằng mùa bóng tới con sẽ có mặt. Con sẽ chơi bóng rổ trở lại.”
Trong bảy ngày tiếp theo, Chris phải trải qua thêm ba cuộc phẫu thuật chân nữa. Ngay từ đầu, các bác sĩ đã báo trước rằng, với mớ nhùng nhằng những dây thần kinh, mạch máu và cơ dập nát họ không thể nào nối lại cái cẳng chân bị đứt lìa kia được. Thế nên, Chris buộc phải dùng chân giả.
Trong suốt ba tuần rưỡi Chris nằm điều trị trong bệnh viện, bạn bè và người thân liên tục vào thăm cậu. Chris cứ luôn miệng nói mỗi khi cảm thấy mọi người tỏ ra thương cảm: “Xin đừng thương hại tôi, rồi tôi sẽ bình phục thôi”. Các bác sĩ và y tá chữa trị cho Chris nhận thấy đằng sau ý chí không thể nào khuất phục được là một sức mạnh tinh thần được tôi luyện bằng đức tin tôn giáo, nhưng không thể giải thích được.
Một chuyên gia tâm lý hỏi Chris: “Cháu sẽ sống thế nào trong cảnh ngộ này, Chris? Cháu có cảm thấy mình đáng thương không?”
Chris mạnh mẽ trả lời: “Không, cháu thấy tự thương hại mình cũng chẳng ích gì.”
“Thế cháu có cảm thấy chua xót hoặc căm giận không?”
Chris nói ngay: “Không, cháu cố gắng lạc quan hơn.”
Cuối cùng, khi vị chuyên gia tâm lý kiên nhẫn kia ra khỏi phòng, Chris đã nói với cha mẹ rằng: “Chính ông ta mới là người cần giúp đỡ.”
Trong bệnh viện, Chris đã tập luyện rất chăm chỉ để phục hồi sức lực và khả năng phối hợp hoạt động. Khi khỏe trở lại, Chris thường tập búng quả banh Nerf qua cái vòng mà các bạn đã gắn trên tường dọc theo chiếc giường của cậu. Bài tập vật lý trị liệu của Chris bao gồm các bài tập phần thân trên và tập đi nạng để giữ thăng bằng.
Hai tuần sau, gia đình Sameles đánh liều đưa thêm vào chương trình tập luyện của Chris một bài tập: họ đặt Chris lên xe đẩy và đưa cậu đến Torrington xem thi đấu bóng rổ. “Hãy chăm sóc em ấy thật cẩn thận đấy”, các y tá cảnh báo, vì họ sợ những phản ứng bất lợi cho skhỏe của Chris.
Chris vẫn giữ thái độ im lặng bất thường khi ngồi trên xe lăn đến phòng tập thể dục náo nhiệt. Tuy nhiên, khi Chris đi ngang qua các hàng ghế, bạn bè và đồng đội bắt đầu gọi lớn tên Chris và đưa tay vẫy. Tiếp đó, Frank McGowan, trợ lý hiệu trưởng trường trung học Torrington, công bố trên loa phát thanh: “Đêm nay chúng ta có một người bạn hết sức đặc biệt. Nào tất cả quý vị, xin hãy chào đón sự trở lại của Chris Samele!”
Giật mình, Chris nhìn quanh và thấy hàng mấy trăm người trong phòng tập đều đứng dậy vỗ tay chào mừng. Nước mắt chợt tuôn trào trên đôi má của cậu bé. Đó là một đêm mà Chris không bao giờ quên được.
Vào ngày 18 tháng 1 năm 1989, chưa đầy một tháng sau tai nạn, Chris đã có thể xuất viện về nhà. Để theo kịp chương trình học, bố mẹ Chris đã kiếm cho con mình một gia sư. Khi được nghỉ học, Chris quay lại bệnh viện Waterbury để điều trị thêm. Nỗi đau đớn thể xác cứ đeo đẳng Chris mỗi ngày. Thỉnh thoảng, khi ngồi xem truyền hình với bố mẹ, Chris cứ vặn vẹo người, lặng lẽ chống chọi cơn đau nhức đang âm ỉ cấu xé phần đùi còn lại.
Sau đó, vào một ngày lạnh lẽo, Chris đã đánh vật để làm quen với đôi nạng của cậu và bước tập tễnh đến cái góc nhà xe cũ, nơi cậu đã từng học ném bóng. Đặt đôi nạng xuống, Chris nhặt quả bóng rổ lên và nhìn xung quanh xem có ai nhìn trộm mình không. Cuối cùng, nhảy lò cò trên chiếc chân phải của mình, Chris bắt đầu tung quả bóng vào trong cái vòng. Nhiều lần Chris mất thăng bằng và ngã xuống đất. Mỗi lần như thế, Chris gượng đứng dậy, nhảy tới nhặt lại quả banh và tiếp tục tập ném. Được khoảng mươi phút Chris đã mệt lả. Như vậy là lâu hơn mình nghĩ rồi, Chris tự nhủ, khi khập khiễng bước chầm chậm về nhà. Chris mang chiếc chân giả đầu tiên vào ngày 25 tháng 3, là ngày thứ sáu may mắn. Phấn khởi với cái chân mới, Chris hỏi Ed Skewes, bác sĩ chỉnh hình tay chân giả của bệnh viện, rằng cậu có thể chơi bóng rổ ngay được không. Ngạc nhiên vì sự nóng lòng của Chris, bác sĩ Skewes trả lời: “Hãy cố chờ ít lâu đã”. Vị bác sĩ này biết thừa rằng phải mất ít nhất cả năm trời người ta mới có thể bước đi vững vàng với cái chân giả, chứ nói gì đến việc chơi thể thao.
Trong tầng hầm nhà mình, Chris đã bỏ ra hàng giờ để tập bước và ném bóng với cái chân giả. Ném bóng bằng một chân đã khó, ném bóng với cái chân giả lại càng khó khăn gấp bội. Hầu hết những cú ném của Chris đều vượt xa mục tiêu, và cậu bé thường xuyên ngã sóng xoài trên nền gạch. Trong những lúc nản lòng nhất, Chris nhớ lại cuộc chuyện trò với mẹ. Chris đã hỏi mẹ có khi nào nghĩ rằng cậu có thể chơi bóng lại hay không. Mẹ Chris nói: “Nếu muốn chơi bóng rổ trở lại, con cần phải tập luyện cật lực hơn nhiều. Nhưng có thể lắm chứ, mẹ nghĩ con sẽ làm được điều đó.” Mẹ đã nói đúng ý Chris. Vì thế cậu bé nghĩ mình phải tập luyện thật chăm chỉ và quyết không bao giờ bỏ cuộc.
Chris quay lại trường trung học Torrington vào đầu tháng tư và nhanh chóng hòa nhập với chúng bạn, chỉ trừ môn bóng rổ là Chris chưa thể chơi thôi. Sau khi tan học, các bạn của Chris thường chơi bóng ở sân bóng rổ bên ngoài. Trong nhiều tuần, Chris phải ngồi bên ngoài vạch sân để xem các bạn chạy qua chạy lại trước mặt mình. Rồi một buổi chiều đầu tháng năm, Chris bước ra sân, mạnh dạn tham gia trò chơi. Rất đỗi ngạc nhiên, nhưng các bạn của Chris vẫn nhường chỗ khi cậu bước đi một cách quả quyết.
Lúc đầu, Chris chỉ đứng bên ngoài ném bóng, và cậu đã thấy toàn thân run lên mỗi khi bóng lọt vào rổ. Nhưng khi cố gắng tiến lên, nhảy lò cò về phía chiếc rổ hoặc nhảy lên để đón quả bóng nảy, Chris lại ngã lăn ra sân. Các bạn của Chris hét lên: “Cố lên Chris, cậu có thể làm được mà!” Nhưng Chris biết một sự thật: cậu không thể làm điều đó được – như cậu đã từng làm.
Có lần, trong một trận đấu giải vào mùa hè, vì cố hết sức bật người thật cao để đón quả bóng nảy, Chris đã làm gãy chiếc chân giả của mình. Khi nhảy lò cò ra khỏi sân, Chris nghĩ: Có lẽ mình đã vượt quá khả năng. Chắc mình sẽ không làm nên trò trống gì.
Tuy nhiên, cuối cùng Chris cũng tự nhủ rằng chỉ còn một cách duy nhất là tập luyện cật lực hơn nữa. Chris tự lập ra cho mình quy định tập luyện hàng ngày, tập dồi bóng và cả tập tạ nữa. Sau mỗi buổi tập, Chris cẩn thận tháo cái chân giả và bốn chiếc vớ đầy mồ hôi dùng để bọc lấy đùi giúp tựa êm hơn vào cái chân giả. Sau đó Chris đi tắm, và khẽ rên lên khi xát xà phòng vào các chỗ da phồng rộp. Dần dà, nỗi đau kia như biến mất khi Chris tự nhủ mình phải lấy lại những gì đã mất. Mình sắp làm được điều đó rồi. Không phải đợi đến năm sau đâu. Chỉ năm nay thôi!
Sáng thứ hai, sau ngày lễ Tạ ơn, thầy Bob Anzellotti, huấn luyện viên trưởng của lớp mười hai gọi các học trò của mình lại. Họ là những cầu thủ đang cố gắng tập luyện để có chân trong đội tuyển bóng rổ học sinh lớp mười hai của trường trung họcTorrington. Tất cả đều hồi hộp và chờ đợi. Ánh mắt của thầy dừng lại nơi Chris Samele.
Sau hai ngày tập luyện, không ai nỗ lực nhiều bằng Chris. Chris dồi bóng qua khỏi các hậu vệ, lao đi sau những quả bóng hỏng, nghĩa là cậu làm bất cứ điều gì để chứng tỏ cho mọi người thấy mình vẫn còn khả năng chơi bóng. Chris thậm chí còn chạy cả 10 vòng quanh sân mỗi ngày cùng với các vận động viên khỏe mạnh khác. Mặc dù bị đồng đội bỏ xa đằng sau, nhưng Chris không bao giờ bỏ cuộc.
Buổi sáng sau lần tập cuối cùng, Chris vội vã đi xem danh sách đội tuyển.Mình đã thể hiện hết sức rồi đấy, Chris tự nhủ khi nhướng người qua vai các bạn để xem danh sách chính thức. Và kia rồi, Chris Samele đã có tên trong danh sách, thế là cậu đã có thể quay lại sân đấu rồi!
Một tuần sau đó, huấn luyện viên Anzollotti gọi các học trò của mình lại để họp đội. Thầy tuyên bố: “Đội của chúng ta mỗi năm đều phải bầu đội trưởng, đó là một tấm gương mẫu mực cho người khác noi theo. Năm nay đội trưởng sẽ là… Chris Samele”. Cả đội đồng loạt đứng lên hoan hô.
Buổi tối ngày 15 tháng 12, chỉ tám ngày sau khi kỷ niệm một năm Chris bị tai nạn, 250 người tập trung ở sân vận động để xem trận đấu đánh dấu sự quay lại của Chris.
Trước tủ cá nhân, tay Chris run lên nhè nhẹ khi kéo chiếc áo chẽn màu nâu sẫm của mình. Huấn luyện viên Anzollotti nói: “Mọi thứ sẽ ổn thôi em ạ. Đêm nay chỉ là đêm đầu tiên nên em đừng mong đợi nhiều quá.” Chris gật đầu nói khẽ: “Em biết ạ, cám ơn thầy.”
Rồi Chris cùng đồng đội ra sân chạy khởi động trước khi thi đấu. Hầu như tất cả mọi người trên khán đài đều đứng dậy để chúc mừng Chris. Xúc động trước hình ảnh của đứa con trai trong màu áo đội tuyển bóng rổ trường trung học Torrington như ngày nào, Linda và Bob không cầm được nước mắt. Linda thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Ngài đừng để thằng bé xấu hổ”.
Dù cố gắng giữ bình tĩnh, Chris vẫn không tránh khỏi tâm lý lo sợ khi vào sân thi đấu. Trong mấy vòng khởi động, những cú ném của Chris đều chỉ trúng vành rổ mà thôi. Huấn luyện viên Anzollotti nói khẽ: “Bình tĩnh nào Chris, hãy thoải mái đi. Đừng vội vàng gì cả.”
Trong đội hình thi đấu chính thức, Chris đứng ở vị trí hậu vệ. Cậu bắt đầu trận đấu một cách chật vật và lúng túng khi để cho quả bóng nảy tuột khỏi tay ở đầu trận. Cậu cố gắng đuổi kịp nhịp trận đấu, nhưng những động tác vẫn chưa thuần thục và nhịp nhàng lắm. Nhiều lần bóng chỉ trúng vành rổ rồi tưng ra ngoài. Thường khi, nếu thấy thế, bọn nhóc trên khán đài sẽ chế giễu: “Trượt rồi! Trượt rồi!”. Nhưng lần này đứa nào cũng im lặng.
Sau tám phút thi đấu, Chris được ra sân nghỉ để lấy lại sức và lại được đưa vào sân khi chỉ còn hai phút trước khi hết hiệp một. Chris tự nhủ Cố lên nào, Chris,đây là tất cả những gì mà mình đã nỗ lực. Hãy cho mọi người thấy điều đó đi.Chỉ vài giây sau, Chris một mình lao đi một cách thoải mái, khi cách rổ còn chừng 20 bước chân thì được một đồng đội chuyền bóng. Đó là một khoảng cách khó khăn cho bất cứ vận động viên nào – một khoảng cách xa ăn ba điểm. Không do dự, Chris dừng lại và tung một cú ném cao hình vòng cầu. Quả bóng bay về phía vòng rổ… và rơi gọn vào lưới.
Cả sân vận động đều đứng dậy và hoan hô Chris. “Phải chơi như thế chứ, Chris!”, Bob Samele hét lên, giọng của ông òa vỡ với tất cả nỗi xúc động.
Khoảng một phút sau, Chris giành được bóng giữa một rừng cánh tay. Cố hết sức, Chris ném quả bóng bay vòng chạm vào tấm ván phía sau chiếc rổ. Và một lần nữa, bóng bật lại và rơi vào lưới. Thêm một tràng pháo tay hoan hô nữa. Lúc này, nước mắt không ngừng tuôn rơi trên gương mặt của Linda Samele khi bà thấy con trai mình nhảy lò cò về phía cuối sân, giơ cao nắm tay tượng trưng cho chiến thắng. Bà lẩm bẩm một mình Thế là con đã làm được rồi, Chris, con đã làm được rồi.
Chris vẫn tiếp tục thể hiện khả năng của mình trong sự phấn khích của mọi người. Chỉ có một lần cậu bị sút cái chân giả ra và ngã xuống sân. Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, cậu ghi được 11 điểm, và đội của trường Torrington đã giành được chiến thắng.
Về nhà vào tối hôm đó, Chris cười mãi không thôi vì sung sướng: “Con chơi hay không ba?”
“Con chơi tuyệt lắm, con trai ạ”, Bob trả lời, và ôm ghì lấy đứa con trai.
Sau khi bàn qua loa về trận đấu, Chris tự mình bước lên cầu thang để về phòng với gương mặt vẫn còn rạng rỡ. Ba mẹ Chris hiểu rõ tâm trạng của con mình; đêm nay chỉ mới là bắt đầu thôi.
Khi tắt đèn, Linda nhớ lại một buổi chiều sau vụ tai nạn không bao lâu, khi bà lái xe chở đứa con trai bất hạnh từ bệnh viện trở về nhà. Lúc đó Chris cứ im lặng, nhìn mông lung ra ngoài cửa sổ xe; rồi bỗng nhiên phá tan sự im lặng đó: “Mẹ ơi, con biết tại sao tai nạn này lại xảy ra với con rồi.” Giật mình, Linda hỏi: “Vì sao thế, Chris?”
Vẫn ngó ra ngoài cửa sổ, Chris nói ngắn gọn: “Vì Chúa biết con có thể tự xoay xở. Chúa đã bảo toàn mạng sống của con vì Ngài biết con có thể xoay xở mà.”
JACK CAVANAUGH
[CHÚ THÍCH CỦA BAN BIÊN SOẠN: Samele tiếp tục trở thành ngôi sao của đội tuyển bóng rổ trường trung học Torrington trong suốt những nă cuối của bậc phổ thông. Chris còn thi đấu đơn và đấu đôi cho đội tuyển quần vợt của trường. Khi học ở trường Đại học Western New England ở Springfield, bang Massachusetts, Chris vừa là cầu thủ của đội tuyển quần vợt, vừa chơi cho đội bóng rổ trường Western New England. Chris ao ước sau này trở thành một huấn luyện viên bóng rổ.]
Cám ơn các bạn đã cứu tôi
Những gì chúng ta kiếm được chỉ đủ sống thôi, nhưng những gì chúng ta cho đi lại có thể làm nên cả một cuộc đời.
Arthur Ashe
Những tiếng đì đùng vang dội đã phá tan rạng đông tĩnh lặng. Một buổi sáng tháng giêng năm 1994, chỉ trong vòng có mấy phút, một trong những trận động đất kinh khủng nhất lịch sử nước Mỹ đã phong tỏa cả vùng Los Angeles.
Tại công viên giải trí Diệu Sơn, cách thành phố Los Angeles hai mươi dặm về phía bắc, có ba con cá heo đang khiếp sợ vì không người chăm sóc. Chúng cuống cuồng bơi vòng quanh hồ khi những chiếc cột bằng bê tông nặng hàng tấn đổ sụp xung quanh hồ và hàng đống gạch ngói vỡ vụn rơi xuống nước.
Cách đó bốn mươi dặm về phía nam, một cú dội có sức mạnh như quả đấm của người khổng lồ đã hất tung chàng thanh niên 26 tuổi, Jeff Siegel, ra khỏi giường. Lồm cồm bò đến bên cửa sổ, Jeff nhìn xuống thành phố đang náo loạn và nghĩ ngay đến những con vật mà đối với anh còn quan trọng hơn bất cứ thứ gì trên đời. Anh tự nhủ: “Mình phải đến với những con cá heo ngay. Chúng đã cứu mình, và lúc này mình cần phải cứu chúng”.
Những ai quen biết Jeff từ khi anh còn nhỏ đều không thể nghĩ có một người anh hùng thứ hai ngoài Jeff.
Bẩm sinh, Jeff vốn hiếu động, khiếm thính và thiếu khả năng tập trung. Vì không thể nghe được nên Jeff mất dần khả năng nói, khiến không ai có thể hiểu được anh. Cho đến khi chuẩn bị đi học, chú bé nhỏ con tóc hung ấy vẫn bị bạn bè chọc là “thằng khờ.”
Jeff cũng không mấy thoải mái ngay cả khi ở nhà mình. Mẹ Jeff rất lúng túng không biết phải nuôi dạy đứa con trai đặc biệt của mình như thế nào. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình độc đoán và ít thân thiện, bà trở nên nghiêm khắc thái quá và thường dễ nổi giận vì tính cách khác lạ của con trai mình. Bà chỉ mong muốn con mình phải mau chóng bình thường như bao đứa trẻ khác. Cha Jeff là một nhân viên cảnh sát thuộc tầng lớp trung lưu sống ở khu Torrance của thành phố Los Angeles; ông phải làm việc ngoài giờ để kiếm thêm và thường thì phải “cày” 16 tiếng một ngày.
Ngày đầu tiên đi học mẫu giáo, chú bé năm tuổi Jeff đã leo rào trốn cô giáo chạy về nhà. Tức giận, mẹ Jeff đã lôi con trai trở lại trường và bắt phải xin lỗi cô giáo. Lớp học bỗng chốc trở thành sân khấu. Khi Jeff lắp bắp những lời nói ngô nghê ngọng nghịu, cả lớp lập tức cười ầm lên như vỡ chợ. Để tánh cái thế giới ít thân thiện ấy, Jeff đã tìm đến một góc sân trường vắng vẻ ngồi một mình; còn khi ở nhà Jeff cứ rúc vào trong phòng mơ tưởng về một nơi không bị ai trêu cười.
Năm lên lớp bốn, Jeff (lúc bấy giờ được chín tuổi) và các bạn cùng lớp vào thăm công viên Thế giới Đại dương của thành phố Los Angeles. Đến màn cá heo trình diễn, Jeff lập tức bị lôi cuốn bởi sức mạnh và sự thân thiện của những con vật đẹp đẽ. Dường như chúng đang nhìn thẳng vào Jeff và mỉm cười, điều mà hiếm khi nào Jeff nhận được trong đời. Chú bé ngồi lặng im trong nỗi xúc động tràn ngập và mơ ước được ở lại mãi bên đàn cá heo.
Vào cuối năm học đó, các giáo viên đã cho rằng Jeff bị chứng bệnh rối loạn cảm xúc và mất khả năng tiếp thu. Nhưng kết quả kiểm tra trẻ thiểu năng tại Trung tâm Switzer ở gần đó cho thấy, Jeff vẫn là một đứa trẻ có khả năng trung bình - khá, mặc dù điểm số kiểm tra môn toán đáng lo ngại vì vượt quá giới hạn chậm phát triển. Thế là Jeff được chuyển qua điều trị tại trung tâm này. Hai năm sau, Jeff đã bớt căng thẳng, và khả năng tiếp thu đã tiến triển một cách khả quan.
Đến năm lớp bảy, Jeff buộc phải trở lại trường trung học. Chỉ số trí tuệ của Jeff nằm trong khoảng 130, tức thuộc vào nhóm năng khiếu. Khả năng nói của Jeff cũng tiến bộ đáng kể nhờ phương pháp trị liệu tại Trung tâm Switzer. Nhưng khi trở về lớp học, Jeff vẫn là một nạn nhân thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Năm học này cũng chính là thời gian tệ nhất trong đời Jeff – mãi cho tới khi được bố dắt vào công viên Thế giới Đại dương ở San Diego. Ngay khi thấy những chú cá heo, cảm giác vui thích đã tràn ngập tâm hồn Jeff. Jeff đứng như chôn chân ở bên hồ, nhìn ngắm những con cá tung tăng bơi lượn qua lại trước mặt mình.
Để hàng năm được đi công viên Thế giới Đại dương gần nhà hơn, Jeff đã phải tự kiếm tiền. Có lần đến công viên một mình, Jeff ngồi trên bức tường thấp bao quanh hồ. Các con cá heo, vì đã quen với việc được người cho ăn, bơi đến bên Jeff khiến cậu hết sức ngạc nhiên. Con cá đầu tiên đến gần Jeff là Grid Eye, một nàng cá đầu đàn. Nàng tiên cá nặng 600pound lướt nhè nhẹ đến bên Jeff và nằm im lặng bên hồ cạnh Jeff. Nó có cho mình chạm vào không nhỉ? Jeff tự hỏi và cho tay xuống nước. Khi Jeff gãi nhè nhẹ vào làn da trơn mướt của Grid Eye, cô nàng nhích gần đến Jeff hơn. Đó quả là một khoảnh khắc cực kỳ thích thú đối với một chú bé.
Những con cá nhanh chóng trở thành những người bạn bất ngờ. Và vì hồ cá heo nằm hơi khuất trong công viên Thế giới Đại dương, nên Jeff thường ra đó một mình để chơi đùa với những người bạn vui tính này.
Một ngày kia, Sharky, một nàng cá khác, lướt đến bên Jeff cho đến khi cậu sờ được vào đuôi thì ngừng bơi. Nào, chuyện gì nữa đây? Jeff tự hỏi. Bất ngờ, con Sharky lặn xuống nước kéo theo cả bàn tay và cánh tay của cậu bé. Jeff cười và kéo nó lại không cho bơi đi. Con cá lặn sâu hơn khiến Jeff kéo lại mạnh hơn, như thể đang chơi trò kéo co vậy. Khi Sharky trồi lên mặt nước để thở, mặt Jeff và con cá kề nhau trong chốc lát. Jeff liền cười với Sharky và cô nàng cũng há miệng cười đáp trả. Rồi Sharky lại bơi vòng vòng và đưa đuôi cho Jeff nắm để tiếp tục chơi trò kéo co.
Jeff và những con cá nặng trên trăm kilô thường chơi trò lôi kéo, rượt đuổi nhau quanh hồ. Đó cũng là cơ hội để Jeff chạm vào mình chúng hoặc vỗ tay vào vây như một cách chào hỏi. Những trò chơi này cũng là cách giao tiếp đặc biệt của riêng Jeff với những con vật đáng yêu của đại dương.
Vào mùa hè, khi có khoảng năm trăm người lúc nào cũng vây quanh hồ, bầy cá kia vẫn có thể nhận ra người bạn của chúng và bơi lại gần Jeff mỗi khi cậu quơ bàn tay của mình trong nước. Tình bạn với bầy cá heo khiến Jeff tự tin hơn, và dần dần tìm được cách thể hiện mình. Jeff ghi tên vào một khóa học tại một công viên có bể nuôi cá gần đó và say mê tìm đọc tất cả sách về sinh vật biển. Chẳng mấy chốc, Jeff như một cuốn từ điển sống về cá heo, và làm cho gia đình bất ngờ khi tỏ ý muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch tình nguyện, bất chấp khả năng phát âm của mình.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui