Vicki của tôi
Hầu như ai cũng có một niềm hăng say trong cuộc sống. Có thể tình cảm này nảy sinh trong lần trò chuyện với một người đáng kính hoặc khi được chia sẻ một kinh nghiệm. Cho dù thế nào đi nữa thì niềm hăng say ấy cũng có thể thay đổi cách nhìn cuộc sống của bạn; điều này hoàn toàn đúng khi tôi hăng say giúp chị Vicki của tôi. Chị Vicki là một người tử tế và rất có trách nhiệm. Chị chẳng bao giờ màng đến việc được ca ngợi hay trở thành người nổi tiếng. Tất cả những gì chị quan tâm là chia sẻ tình cảm với những người thân yêu và những ai bất hạnh.
Mùa hè trước khi bước vào năm thứ hai đại học, tôi nhận được điện thoại của ba cho hay chị Vicki phải đưa đi cấp cứu vì bị ngã và liệt nửa người bên phải. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy chị bị đột quỵ. Tuy nhiên, kết quả chẩn đoán cho thấy tình hình còn nghiêm trọng hơn thế: trong não chị có một khối u ác tính. Các bác sĩ cho biết chị chỉ sống được khoảng ba tháng nữa thôi. Tôi đã nhiều lần tự hỏi tại sao điều bất hạnh này lại có thể xảy ra. Chỉ mới hôm trước, chị Vicki vẫn còn rất khỏe mạnh cơ mà. Thế mà giờ đây cuộc đời chị đã sắp chấm dứt như đóa hoa hàm tiếu chưa kịp nở đã héo tàn.
Sau khi vượt qua được cơn choáng váng ban đầu và nỗi trống trải kì lạ, tôi quả quyết chị Vicki rất cần được động viên và nuôi mầm hy vọng. Cần phải có ai đó gieo cho chị niềm tin rằng chị có thể chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo này. Thế là tôi trở thành chiến hữu của chị Vicki. Mỗi ngày hai chị em tôi cùng hình dung khối u kia bị teo dần và cùng nói về những điều lạc quan. Thậm chí tôi còn dán một cái bảng lên cửa phòng bệnh của chị với dòng chữ: “Nếu chị có những ý nghĩ tiêu cực, hãy để chúng lại bên ngoài cửa phòng”. Tôi đã quyết định giúp chị Vicki đánh tan khối u kia. Hai chị em thực hiện một thỏa thuận được gọi là 50-50. Tôi chiến đấu 50%, còn chị chiến đấu với 50% còn lại.
Đến tháng tám, tôi buộc phải rời xa chị để nhập học. Tôi ngần ngại không biết nên đi học hay vẫn tiếp tục ở bên chị. Sau cùng tôi quyết định không đi học nữa và nói với chị điều đó. Chị giận và trấn an tôi rằng không cần phải lo lắng gì vì chị sẽ khỏe thôi. Thế đó, chị Vicki đang nằm trên giường bệnh mà bảo tôi đừng lo lắng gì cho chị. Nhưng nghĩ lại, tôi nhận ra rằng nghỉ học thì có khác nào bảo với chị rằng chị sẽ phải chết. Không thể được, tôi chỉ muốn chị Vicki tin rằng chị có thể thắng được khối u kia.
Chia tay chị đêm hôm ấy, tôi nặng nề lê bước với linh tính đây là lần cuối cùng còn được nhìn thấy chị. Suốt thời gian ở trường, tôi không ngừng giúp chị đấu tranh với 50% của tôi. Mỗi đêm trước khi ngủ, tôi thường trò chuyện với chị và hy vọng bằng cách nào đó chị có thể nghe được lời tôi nói. Tôi thường nói với chị: “Chị Vicki yêu dấu, em vẫn đang đấu tranh cho chị và sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Miễn là chị cũng kiên trì thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng được cái khối u quái ác này.”
Đã ba tháng trôi qua mà chị vẫn còn sống. Một hôm, khi tôi trò chuyện với một người quen, bác ấy hỏi thăm sức khỏe của chị Vicki. Tôi cho bác biết sức khỏe của chị tệ hơn trước, nhưng chị sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Bác đã hỏi tôi một câu thật đáng phải suy nghĩ: “Cháu có tin rằng chị cháu không ra đi chính là vì không muốn làm cho cháu đau buồn không?”
Có lẽ bác ấy nói đúng? Chẳng lẽ tôi lại quá ích kỷ vì đã động viên chị Vicki tiếp tục đấu tranh? Đêm đó trước khi ngủ, tôi đã nói chuyện với chị: “Chị Vicki ơi, em biết chị đang phải chịu rất nhiều đau khổ và rất có thể chị đang muốn ra đi. Nếu như thế, thì em cũng mong chị được toại nguyện. Chúng ta không hề thua cuộc bởi vì chị chưa bao giờ bỏ cuộc. Em cũng hiểu nếu chị đến một nơi tốtơn, chúng ta vẫn được ở bên nhau. Em yêu chị và sẽ luôn ở bên chị dù cho chị ở bất cứ nơi đâu.”
Thế rồi sáng sớm hôm sau, mẹ gọi điện báo tin chị đã ra đi mãi mãi.
JAMES MALINCHAK
Lần đầu tiên ba xem đá bóng
Em có vóc dáng gầy guộc, chỉ nặng khoảng hơn bốn chục kí. Quả thật cầu thủ mười lăm tuổi này không có lợi thế ở sức mạnh và tốc độ, nhưng những thiếu sót ấy đã được bù đắp bằng ý chí và nỗ lực. Jason không bao giờ bỏ lỡ cơ hội luyện tập, cho dù em ít khi được rảnh rang. Ngay cả khi đội chúng tôi bị dẫn trước ba bàn thắng, cầu thủ mang áo số 37 này cũng chẳng hề chau mày, nói gì đến chuyện phàn nàn. Lúc nào em cũng nỗ lực hết mình – ngay cả khi nỗ lực ấy mang lại hiệu quả chẳng đáng là bao.
Một ngày nọ, Jason không đến tập luyện; hôm sau nữa cũng không. Với tư cách là huấn luyện viên, tôi gọi điện về nhà em để kiểm tra. Một người bà con của Jason cho biết ba em vừa qua đời và cả gia đình đang lo chuyện lễ tang.
Hai tuần sau, cầu thủ số 37 trung thành của tôi lại xuất hiện trên sân cỏ, sẵn sàng cho việc luyện tập trở lại. Chỉ còn có ba ngày tập luyện để chuẩn bị cho trận thi đấu cuối mùa giải của chúng tôi. Đây là một trận đấu mang tính quyết định vì chúng tôi phải đương đầu với đối thủ đáng gờm nhất từ trước đến nay, thế mà chúng tôi mới chỉ thắng họ một trận mà thôi.
Cái ngày quan trọng ấy đã đến, những cầu thủ hàng đầu của tôi đã sẵn sàng cho cuộc trình trên sân. Tất cả những gương mặt thân quen đều đã tập trung, trừ một người – Jason. Nhưng thật bất ngờ, Jason xuất hiện ngay bên cạnh tôi và bình tĩnh nói: “Hôm nay em sẽ là người khai cuộc. Em đã sẵn sàng rồi.” Nghe vậy, không một ai phản đối hay tranh cãi gì. Khi trận đấu bắt đầu, Jason đã đứng vào đúng vị trí trên sân. Cầu thủ khai cuộc mà Jason thay thế đang ngồi lo lắng ở hàng ghế dành cho vận động viên. Jason đã chơi như một cầu thủ chuyên nghiệp hàng đầu trong trận đấu ngày hôm đó. Bằng các động tác điêu luyện, những đường bóng của Jason không hề thua kém người chơi hay nhất trong đội chúng tôi. Em chạy thật nhanh, dùng kỹ thuật cá nhân tìm mọi khoảng trống trong tuyến phòng thủ của đối phương để dễ dàng vượt qua mọi cản phá. Đến hiệp thứ ba em đã ghi được ba bàn thắng. Và ở hiệp cuối cùng, như thể muốn xóa tan hết mọi nghi ngờ của khán giả, em đã lao mình xuống đường biên cuối sân của đối phương và ghi điểm ở giây cuối cùng của trận đấu.
Khi cùng đồng đội rời sân, Jason đã nhận được những cái vỗ vai, vỗ lưng ca ngợi của đồng đội, cùng với những tràng pháo tay như sấm vang của khán giả đang cuồng nhiệt tán thưởng. Trong giây phút vinh quang ấy, Jason vẫn giữ thái độ bình thản. Quá bất ngờ và lúng túng trước cuộc trình diễn ngoạn mục của Jason, tôi đến bên em và nói: “Jason, hôm nay em chơi trên cả tuyệt vời đấy. Ngay khi em ghi bàn thắng thứ hai, tôi đã phải dụi mắt vì không thể tin vào mắt mình. Nhưng ngay khi tiếng còi kết thúc hiệp thứ tư vang lên, tôi đã không thể nén được bình tĩnh. Hôm nay em chơi thật xuất thần, sao thế?”
Ngập ngừng một lúc, Jason nói: “Vâng, thưa thầy, như thầy biết đấy, ba em vừa mới qua đời. Khi còn sống, ba bị mù, nên không thể nào xem em chơi bóng. Nhưng giờ đây trên thiên đường, lần đầu tiên ba có thể xem em thi đấu. Em muốn ba hãnh diện về em.”
Qua lời kể của NAILAH MALIK,
“VELA STORYTELLER”
Lẽ ra tôi phải làm việc đó sớm hơn
Nếu Thượng đế có thể mang lại thành công cho tôi, thì Ngài cũng có thể mang lại thành công cho bất cứ ai.
St. Francis of Assissi
Tôi gặp một người đàn ông đến Tampa dự đám tang của cha ông ấy. Cả hai cha con họ đã không gặp nhau từ rất lâu rồi. Thật ra, theo lời ông kể thì người cha đã bỏ mẹ con ông từ lúc ông còn tấm bé, và kể từ đó họ rất hiếm khi gặp nhau cho mãi đến năm vừa rồi, cha ông gửi tặng ông một chiếc thiệp chúc mừng sinh nhật và bảo rằng muốn hai cha con gặp nhau.
Ông thảo luận kĩ với vợ con về chuyến đi và sắp xếp lịch làm việc của mình. Sau một lúc ngần ngại, cuối cùng, ông cũng quyết định đi thăm cha mình hai tháng sau đó. Ông sẽ đưa cả gia đình xuống thăm cha khi các con ông được nghỉ hè. Trong tâm trạng xúc động khó tả, ông viết vội mấy dòng, bỏ vào phong bì gửi đi.
Ngay lập tức ông nhận được hồi âm. Lá thư diễn tả nỗi vui mừng khôn xiết được viết trên tờ giấy vở học sinh với những nét chữ nguệch ngoạc nhưng dễ đọc; những lỗi chính tả, ngữ pháp và dấu câu cứ nhảy múa trên tờ giấy. Ông cảm thấy rất bối rối về cảm xúc của cha và suy nghĩ miên man về chuyến đi Florida thăm cha sắp tới.
Trong thời gian chuẩn bị cho chuyến đi, ông được chọn tham gia trong đội kịch của trường và phải tham dự một đợt cắm trại để diễn thử vở kịch mới. Một sự trùng hợp không chờ đợi là đợt cắm trại này diễn ra ngay sau khi trường bắt đầu nghỉ hè được một tuần. Và thế là chuyến thăm viếng của gia đình ông đành phải hoãn lại.
Cha ông nói rằng ông hiểu hoàn cảnh của con trai, nhưng từ hôm đó đến nay ông cụ ít liên lạc với con. Thỉnh thoảng ông cụ gửi một vài lời nhắn hay người con chỉ bất chợt gọi cho cha, thế thôi. Họ cũng không nói chuyện với nhau nhiều – chỉ những lời thì thầm ngắn ngủi về “mẹ của con,” những mẩu chuyện chẳng lấy gì vui về thời niên thiếu của cậu con trai – nhưng như vậy cũng đủ để ráp nối lại một vài khoảng trống trong bức tranh ký ức của hai cha con họ.
Vào tháng mười một, người con nhận được cú điện thoại từ người hàng xóm của cha mình. Người này cho biết cha ông đã nhập viện vì bệnh tim. Ông lập tức nói chuyện với cô y tá đang chăm sóc cha mình và được biết cha mình đang hồi phục sức khỏe nhanh chóng sau khi điều trị, còn nếu ông muốn biết rõ hơn thì hãy hỏi bác sĩ.
Không lâu sau, cha ông nhắn tin: “Ba khỏe. Con không cần phải tới thăm ba đâu. Bác sĩ bảo ba không bị nặng lắm, và chỉ ngày kia thôi là ba được về nhà rồi.”
Sau đó, ông gọi điện cho cha mình thường xuyên hơn, và còn tính đến chuyện sẽ gặp nhau “thật sớm.” Ông gửi cho cha một món tiền mừng Giáng sinh, còn cha ông gửi lại cho đám cháu nội và con trai của mình những món quà nhỏ, một bộ bút máy và bút chì. Đó là những món quà rẻ tiền, rất có thể ông cụ đã mua ở một tiệm tạp hóa nào đó, nên bọn trẻ vứt sang một bên chẳng thèm ngó ngàng gì tới. Nhưng ngược lại, mẹ chúng lại nhận được một chiếc hộp chơi nhạc quý giá bằng pha lê. Quá xúc động, bà vồn vã cám ơn cha chồng khi gọi điện chúc mừng ông cụ vào ngày lễ Giáng sinh. Ông cụ giải thích: “Đó là kỷ vật mà mẹ của ba để lại, con hãy giữ lấy.”
Người vợ nói với chồng lẽ ra họ đã phải mời ông cụ lên ở chơi với họ ít ngày. Nhưng như để biện hộ cho cái việc họ đã không làm như thế, người vợ nói thêm: “Nhưng ở đây lạnh quá, không tốt cho sức khỏe của ông nội đâu.”
tháng hai, người con quyết định đi thăm cha mình. Nhưng, lại thêm một việc chẳng may, vợ của sếp ông phải nhập viện để phẫu thuật gấp, thế là ông phải tạm thời thay sếp giải quyết công việc và mỗi ngày phải làm thêm mấy tiếng nữa. Ông gọi điện cho cha và hẹn có thể sẽ xuống Florida thăm cha vào tháng ba hay tháng tư gì đó.
Tôi gặp người đàn ông hôm thứ sáu. Cuối cùng, ông cũng đã xuống được Tampa, nhưng… để chôn cất cha mình.
Ông đang sốt ruột đợi tôi đến mở cửa nhà tang lễ vào sáng hôm đó. Trong ngôi nhà thờ nhỏ, ông ngồi thẫn thờ bên cạnh thi hài của cha mình. Ông cụ mặc một bộ quần áo kẻ sọc màu xanh nước biển mới rất đẹp và được đặt trong một chiếc quan tài bằng kim loại màu xanh đậm. Phía dưới nắp áo quan có khắc hàng chữ “Trở về Quê hương.”
Tôi mang cho người đàn ông một ly nước. Ông khóc. Tôi đặt hai tay lên vai ông và ông ngả vào người tôi, nức nở: “Lẽ ra tôi phải về thăm ba sớm hơn. Ba tôi không đáng phải chết trong cô đơn như thế này.” Chúng tôi ngồi với nhau cho đến xế chiều hôm ấy. Ông hỏi tôi có bận việc gì không, tôi trả lời không.
Tôi nghĩ rằng tốt hơn cả hãy ngồi bên ông. Không một ai khác đến tưởng niệm cha ông, ngay cả người hàng xóm mà ông đã từng nói chuyện cũng không thấy đến. Tôi mất cả buổi để lo cho cái đám tang đơn chiếc này. Tôi cho ông biết tôi là một sinh viên, tôi muốn trở thành một vận động viên chơi golf chuyên nghiệp, và rằng ba mẹ tôi là chủ nhà tang lễ này. Ông tự giới thiệu ông là một luật sư, sống ở Denver, thích chơi golf bất cứ khi nào rảnh rỗi. Rồi ông say sưa kể cho tôi nghe về cha mình.
Tối hôm đó, tôi rủ ba ngày mai đi chơi golf với tôi. Và trước đi ngủ, tôi nói với ba: “Ba ơi, con yêu ba lắm.
NICK CURRY III, 19 TUỔI
Trái tim đã đổi màu
Món quà tuyệt vời nhất là một phần của chính bạn.
Ralph Waldo Emerson
Năm ngoái vào dịp lễ Halloween, tôi được mời tham gia lễ hội của “Đứa trẻ ngày thứ ba”, một tổ chức giúp đỡ trẻ em nhiễm bệnh AIDS. Lúc đó tôi đang tham dự một chương trình truyền hình, và đã nhận lời ngay vì tôi rất quan tâm đến căn bệnh này. Tôi không biết bọn trẻ có nhận ra tôi là một người nổi tiếng hay không. Có lẽ các em chỉ biết rằng tôi là một đứa trẻ bự con đến vui chơi trong ngày lễ này mà thôi. Tôi nghĩ nếu được như thế thì dễ gần gũi với các em hơn.
Có đủ loại gian hàng tại lễ hội. Tôi lập tức bị thu hút vào một gian hàng đặc biệt, bởi vì tất cả bọn trẻ con đều tập trung ở đó. Tại gian hàng này, em nào cũng có thể chọn một bức tranh hình vuông để tô màu. Sau đó những hình vuông sẽ được kết lại với nhau tạo thành một bức tranh ghép. Bức tranh này sẽ được tặng cho một người chuẩn bị nghỉ hưu sau khi đã cống hiến gần như trọn đời mình cho tổ chức “Đứa trẻ ngày thứ ba”. Người ta phát cho bọn trẻ những lọ màu tươi tắn, và cho phép chúng vẽ bất cứ điều gì, miễn sao bức tranh ghép càng đẹp càng tốt.
Khi nhìn vào các ô vuông đang được tô màu, tôi thấy có những trái tim màu hồng ngọt ngào, những đám mây màu xanh da trời dịu dàng, những vầng mặt trời màu cam rực rỡ chiếu rọi ánh sáng lên những bông hoa màu xanh lá cây và màu tím. Các bức tranh đều lộng lẫy, tràn đầy sức sống khiến ai cũng thích thú trầm trồ. Thế nhưng không phải em nào cũng vẽ như thế….
Cậu bé ngồi cạnh tôi cũng vẽ một trái tim, nhưng là một trái tim bị bôi đen, trống rỗng và không còn chút sinh khí nào. Lúc đầu tôi nghĩ chắc em đã lấy được lọ màu còn sót lại và chẳng may đó là một lọ màu đen. Nhưng khi tôi hỏi vì sao em vẽ như thế, em nói rằng đó chính là hình ảnh trái tim của em. Em giải thích thêm hiện em đang rất đau khổ và mẹ em cũng thế. Nỗi buồn của hai mẹ con em sẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai. Em nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Chẳng ai có thể giúp được em đâu.”
Tôi nói rằng tôi xin chia sẻ nỗi đau khổ của em và tất nhiên tôi biết vì sao em lại buồn đến thế. Tôi còn có thể biết tại sao em lại vẽ trái tim màu đen. Nhưng… tôi bảo em đừng nghĩ rằng không ai có thể giúp được em. Có thể mọi người không giúp được em hoặc mẹ em đỡ bệnh… nhưng vẫn có thể mang lại cho hai mẹ con một vòng tay yêu thương ấm áp, mà theo tôi biết, có thể thật sự hữu ích khi ai đó gặp chuyện buồn bã. Tôi nói nếu em muốn, tôi rất sẵn lòng ôm em thật chặt để em hiểu được tấm lòng của tôi. Bỗng nhiên, em sà vào lòng tôi và tôi có thể cảm nhận con tim mình bừng lên một tình thương yêu trìu mến dành cho cậu bé đáng thương này.
Cậu bé ngồi trong lòng tôi một lúc và khi cảm thấy đã được an ủi, em rời khỏi tôi và tiếp tục hoàn thành tác phẩm của mình. Tôi hỏi cậu bé có cảm thấy đỡ hơn tí nào không, em trả lời rằng có, nhưng em vẫn cảm thấy buồn vì không gì có thể làm cho em khuây khỏa được cả. Tôi nói với em rằng tôi đã hiểu. Từ biệt em, tôi bước đi mà lòng còn nặng trĩu nỗi buồn, nhưng tôi tự nhủ sẽ quay lại và làm hết khả năng để giúp đỡ em.
Cuối ngày, trong khi chuẩn bị thu dọn hành lí để trở về nhà, tôi thấy có ai níu vào chiếc áo khoác của mình. Tôi quay lại và thấy cậu bé đang đứng đó với nụ cười rất tươi. Em nói: “Tim em đã đổi màu rồi cô ạ. Bây giờ thì nó đã sáng hơn… Em nghĩ vòng tay của cô đã thật sự giúp được em.”
Trên đường trở về nhà, tôi cảm nhận con tim mình đang hân hoan reo vui và dường như đã đổi màu sáng hơn.
JENNIFER LOVE HEWITT
Nữ diễn viên, phim PARTY OF FIVE