Tôi là Ê-ri

Hy vọng của tù nhân nữ

Tôi vào tù được ba tháng thì một hôm tôi may mắn được gặp bác Wan, một giám thị tốt. Lần đó, bác gọi tôi vào nói chuyện, động viên, hỏi xem trước đây tôi ở đâu, làm gì. Đó cũng là công việc thường ngày của một giám thị.

Hôm đó, bác Wan hỏi tôi: “Cô làm gì? Ở bộ phận nào?”. Tôi trả lời: “Cháu làm ở bộ phận may và thêu ạ”. Bác Wan hỏi tiếp: “Tôi thấy người ta kể cô viết sách cho tù nhân thuê, chắc là chữ viết đẹp lắm nhỉ?”. Tôi trả lời: “Cũng gọi là viết được ạ. Cháu thích viết lắm”. Bác Wan liền rủ tôi: “Nếu vậy, Nỉnh tới giúp bác ghi chép sổ sách được không? Bác bận nhiều việc quá”.

Nhiệm vụ chính của bác Wan là làm hồ sơ lưu trữ về tù nhân. Đôi khi, số lượng tù nhân nhiều quá bác Wan làm không kịp. Bác bảo tôi tới giúp, tôi nghĩ cũng tốt, tốt hơn ngồi không nên nhận lời.

Ở bên bác Wan khiến cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi. Tôi làm được nhiều việc có ích hơn, làm những việc mà bản thân mình chưa bao giờ nghĩ sẽ làm được. Bác Wan dạy cho tôi đủ mọi việc.


Công việc của tôi là ghi chép tiểu sử tù nhân, họ tên, án phạt, tội danh, nghề nghiệp… Làm được một thời gian, tôi bắt đầu hiểu rằng bác Wan sẽ căn cứ vào dữ liệu mà tôi ghi chép để xem ai cần viết đơn kháng cáo, ai nên viết đơn xin khoan hồng. Thời gian đầu, tôi cũng chỉ giúp bác Wan ghi chép thông tin nhưng sau tôi cũng học hỏi thêm và đã có thể nắm được cách viết đơn kháng cáo như bác Wan. Vì vậy, tôi có được cơ hội viết đơn kháng cáo cho các tù nhân mới. Kết quả có thể nói là vô cùng tuyệt vời. Khi tôi bắt đầu có tiếng trong việc viết đơn kháng cáo thì Kích than thở rằng tiếc vì không được gặp tôi ngay từ đầu, nếu không cô ta đã được thoát thân rồi. Thằng Kô cũng nói: “Nếu lúc đó anh Kô quen Nỉnh ngay, anh Kô chắc không bị ngồi tù lâu đến mức này đâu”.

Tôi viết đơn kháng cáo nhiều hơn viết xin khoan hồng vì chuyện viết đơn xin khoan hồng chỉ dành cho những phạm nhân đã ngồi tù nhiều năm thôi.

Do vậy, tù nhân mới muốn viết đơn kháng cáo đều được giới thiệu: “Đi tìm Usumi, Usumi viết được cả đơn kháng cáo và đơn xin khoan hồng đấy”.

Từ khi tôi tới giúp việc cho bác Wan, không có ai kể cả đầu mèo, đầu gấu, đầu trâu ở đây dám gây chuyện với tôi. Cuộc sống của tôi khi đó cũng tốt hơn nhiều bởi được bác Wan quan tâm chăm lo. Bác chỉ yêu cầu tôi không được lấy tiền công viết thuê hay bất cứ một thứ đút lót nào từ những tù nhân nhờ viết đơn. Bác Wan nói: “Nỉnh ở với bác, Nỉnh không phải lo gì cả”. Bản thân bác Wan cũng chưa từng nhận bất cứ gì từ tù nhân. Bác thật sự là một người tốt, tốt nhất trên thế gian này.

Từ khi đến giúp bác Wan tôi đã giúp nhiều tù nhân làm đơn kháng cáo thành công được giảm án, thậm chí có người còn được thả ngay, tất nhiên cũng có đơn kháng không được duyệt, nhưng phần lớn đều nhận được kết quả tốt.


Có một nữ phạm nhân vào tù được khoảng sáu, bảy tháng rồi. Cô ta bị thần kinh, án tù chỉ có hai năm nhưng tôi vẫn viết đơn kháng cáo cho cô ta, cuối cùng cô ta được tòa tuyên bố trắng án và thả về.

Những người tôi viết đơn kháng cáo cho nếu được trắng án hay giảm tội, họ thường xuyên chạy đến tìm tôi và nói: “Usumi, rất cảm ơn cô!” hay “Tôi vui quá!” hoặc những lời vui sướng khác. Chỉ có thế cũng làm tôi vui và hạnh phúc rồi.

Công việc này khiến tôi thấy bản thân có ích. Nghĩ đi nghĩ lại thì việc tôi giúp được một số tù nhân thoát tội cũng được coi là sự thành công riêng của bản thân tôi, giống như là tôi đang làm việc đó cho chính mình vì khi tôi phải bán thân ở bên ngoài, có tự do thật nhưng chưa từng làm được việc gì tốt và có ích như thế này cả. Đôi khi, tôi cũng giật mình: “Mình làm được đến thế này sao? Làm sao mình có thể?”. Nó cho tôi nhận ra được một khả năng mới của chính mình.

Đôi khi, có những người tuổi đã cao ngang mẹ tôi, chắp tay lạy mong tôi giúp đỡ. Lần nào tôi cũng giúp nhưng tôi vẫn phải nói trước với họ chuyện có thể sẽ không thành công như chúng ra hy vọng, đừng vội mừng trước.

Một hôm, có hai chị em phải vào tù với tội danh cướp giật tài sản. Cả hai bị tòa xử phạt mỗi người hai năm, sáu tháng tù giam. Nhưng trước khi đến phiên xét xử cuối cùng, cô em gái nhờ tôi viết đơn xin tòa án khoan hồng giảm án tù. Nguyên nhân bởi vì cả hai cô này đều có con nhỏ cần chăm sóc, cô chị có con hơn một tuổi, còn cô em thì mới sinh con được hơn hai tháng. Sau khi đơn xin khoan hồng được gửi đi, người em được tòa giảm án xuống còn một năm tù. Không lâu nữa cô ta sẽ được ra tù để nuôi con của mình và con của chị gái. Cả hai người họ vô cùng sung sướng, tuy cô em vẫn phải ngồi tù một năm nhưng như vậy cũng đủ hài lòng lắm rồi. Khi đó, tôi cảm thấy rất vui, cảm thấy như đang bay bổng trên thiên đường khi mình làm được những điều phúc đức cho các tù nhân đó.


Quãng thời gian sau đó, tôi không còn quan tâm đến việc tháng năm đã trôi qua được bao lâu rồi vì càng đếm thời gian càng cảm thấy nó trôi đi thật chậm, đếm mãi chỉ làm cho con người ta thấy đau khổ hơn thôi. Và quan trọng là khi tôi được làm công việc này, nó khiến tôi rất hạnh phúc vì khi được giúp mọi người, mỗi ngày trôi qua đều khiến tôi hồi hộp bởi hôm nay tôi viết đơn kháng cáo cho người này, người kia, không biết kết quả sẽ thế nào? Rồi ai sẽ là người được gọi đi nghe phán quyết của tòa án. Có khi tôi đang nằm hoặc đứng xếp hàng mà nghe thấy giám thị gọi phạm nhân đi nghe tòa tuyên án trên loa, tôi sẽ mừng thầm: “Đây là người mà mình đã viết đơn cho đây mà, liệu có ổn không nhỉ?”. Không chỉ có mình tôi hồi hộp mà các tù nhân khác trong tù cũng hồi hộp theo, họ nói với tôi: “Đây là người mà Usumi viết đơn cho này, được gọi đi rồi, đợi đến chiều tối nay là biết kết quả thôi”. Ngày hôm đó, không ai còn tâm trí làm gì bởi tất cả đều hồi hộp ngồi chờ đợi xem kết quả sẽ ra sao.

Chỉ cần thấy những người tù được gọi đi nghe tòa tuyên án về đến cửa nhà tù là chúng tôi cùng háo hức xúm vào hỏi: “Kết quả ra sao? Có được giảm án không?”.

Lý do khiến chúng tôi háo hức đến vậy là vì việc được giảm án hay trắng án là điều vô cùng trọng đại đối với bất cứ phạm nhân nào. Người đã bị tuyên án, họ biết rõ hoàn cảnh của mình và không quá hy vọng đến mức muốn được thoát tội về nhà ngay đâu, họ chỉ mong được giảm án cũng đã hạnh phúc lắm rồi, miễn sao không phải bị giam quá lâu.

Thêm một trường hợp nữa mà tôi còn nhớ rất rõ là câu chuyện của Khăm La. Khăm La là người miền Bắc, bị bắt vào tù với tội danh sử dụng thuốc lắc, phải ngồi tù hai năm. Nhưng chúng tôi để ý thấy vào tù Khăm La gầy đi nhanh chóng. Một thời gian sau mới biết Khăm La bị AIDS do trước đây đã từng làm gái mại dâm, thêm nữa lại nghiện ma túy. Khăm La bắt đầu ốm nặng đến mức không thể tự mình làm gì được, đi cũng không vững nên mỗi ngày đều phải có người cõng cô ra khỏi phòng ngủ đưa xuống nhà ăn. Đến chiều tôi cũng có người tốt giúp cõng lên phòng ngủ. Khăm La không còn điều khiển được bản thân nữa, đứng lên làm vệ sinh cá nhân cũng không nổi nên buộc phải đóng bỉm suốt ngày. Khi đi nặng bẩn hết cả bỉm thì sẽ có người giúp lau chùi cho sạch sẽ.

Nhiều người đoán Khăm La không qua được mấy ngày. Cô ấy ở tù được khoảng bảy, tám tháng, tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, cơ thể gầy nhom trông thấy. Bác Wan đặc biệt quan tâm đến Khăm La do đều cùng là người miền Bắc với nhau nhưng cũng chỉ giúp mua đồ dùng thôi. Tôi nhìn Khăm La thấy thật đang thương. Rồi một hôm, bác Wan bảo Khăm La là một trong số những người đã được tôi viết đơn giảm án, đang chờ tòa phán quyết nhưng mãi mà không có tin tức gì. Trong khi bệnh tình của Khăm La ngày càng trầm trọng đến mức mọi người nghĩ rằng chắc cô ấy sẽ chết trong ngục thôi. Đến cả bác sĩ cũng nghĩ thế. Thông thường, tù nhân bị xử phạt hai năm sẽ không được làm đơn kháng cáo nhưng trường hợp Khăm La bị bệnh rất nặng nên là ngoại lệ.


Khi Khăm La biết tôi viết đơn kháng cáo cho, cô ấy cảm ơn tôi lắm và nói với tôi: “Nếu không được tha cũng không sao, dù thế nào cũng xin cảm ơn”. Tôi động viên cô ấy: “Chắc cô sẽ được thả thôi. Xin hãy tin vào Chúa”. Tôi bảo Khăm La hãy cầu Chúa, rồi tôi còn kể rất nhiều chuyện về đạo Thiên Chúa cho cô ấy nghe nữa. Tất cả cũng là vì tôi mong cô ấy có được nhiều động lực hơn. Ngày hôm đó, tôi thấy Khăm La rất vui khi có người nói chuyện cùng, những người khác rất ít khi nói chuyện với cô ấy vì sợ bị lấy AIDS. Đến chiều tối ngày hôm đó, vẫn có người cõng Khăm La lên phòng ngủ. Khoảng tám giờ tối, có giám thị đến thông báo đơn kháng cáo của Khăm La đã được tòa án chấp nhận, cô ta có thể về nhà ngay được rồi. Tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên, điều kỳ diệu đã xảy ra chăng, buổi chiều vừa mới nói chuyện với cô ấy xong, buổi tối đã có ngay lệnh thả rồi. Chuyện này khiến cho mọi người trong tù rất vui mừng, cứ nghĩ rằng ngày này sẽ không bao giờ đến vì mọi người đều cho rằng Khăm La sẽ chết ở trong tù, đến ngay cả bác Wan cũng không ngờ đến. Do Khăm La không có người thân nào nên ngày được thả có nhân viên lái xe đưa cô ấy đi nhưng tôi cũng không hiểu là sẽ đưa cô ấy đi đâu nữa.

Chuyện của Khăm La khiến tôi thấy mình đã làm được điều phúc đức.

Hai năm cuối, tôi ở trong tù nhưng làm công việc viết lách, tôi nhận được sự yêu mến của mọi người, có ngày có bốn, năm người đến thăm tôi. Việc viết lách nghe vậy thôi chứ không phải là chuyện dễ chút nào. Để viết đơn cho một người tôi phải mất khoảng năm ngày vì không phải chỉ mỗi viết là xong, tôi còn nghĩ xem phải nên viết thế nào, lý do có đủ thuyết phục tòa án hay không.

Khi đã viết xong tôi sẽ gửi lên tòa án một bản và một bản cất đi làm tài liệu lưu trữ của mình. Khi có thời gian rảnh, tôi thường lấy ra đọc, xem xem mình đã viết những gì và kết quả ra sao.

Tôi luôn hy vọng sớm được ra tù để đến đáp công ơn bố mẹ, dù tôi có phải trở lại nghề cũ đi nữa tôi cũng vui lòng. Tôi nằm nghĩ tới tương lai sẽ phải kiếm thật nhiều tiền để chữa bệnh cho bố vì bố chưa đến mức bại liệt mà mới chỉ liệt mà thôi, vẫn còn có cơ hội chữa khỏi. Nhưng quả báo lại tiếp tục kéo đến với tôi khi một ngày chị gái tôi vào thăm thông báo bố đã qua đời. Khi đó, tôi gần như muốn phát điên. Tôi không thể giải thích được cảm xúc của mình lúc bấy giờ, không biết nên gọi là xúc động mạnh hay mất hồn nữa…! Chỉ biết là thấy rất đau ở ngực, nói không nên lời, ngay cả nước mắt cũng không chảy ra được.

Nhưng khi chị gái đã về, tôi cũng không biết là nước mắt của tôi từ đâu bỗng trào ra. Tôi khóc không ngừng suốt một tiếng đồng hồ vì cảm thấy bất lực. Tôi yêu bố lắm và tôi cũng tin rằng bố luôn coi tôi là người con giỏi nhất trong nhà. Tôi đau khổ vì không được ra khỏi tù dự lễ hỏa táng bố. Tôi không thể ngờ rằng cuộc đời tôi lại có ngày không được ở bên lạy bố trong giây phút cuối cùng đó.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận