Tôi cũng là “mẹ”
Những năm tháng qua, cho dù tôi có bị ngồi tù bao nhiêu nơi, bao nhiêu lâu thì thời gian cũng sẽ xóa dần đi những cảm xúc, cả niềm vui và nỗi buồn. Nhưng chưa bao giờ tôi quên được sự đau đớn hay ngừng hối hận vì đã từng đi phá thai, dù là không thành. Tôi không bao giờ quên những lần vác bụng bầu chạy trốn những người thân vì họ tìm bắt tôi phá thai. Và cũng không thể quên được sự đau đớn tột độ khi sinh đứa bé ra. Cho đến tận hôm nay bên tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng dao khứa vào thịt, mở đường cho đứa bé chui ra. Rồi cả cái ngày mà tôi phải quấn con vào tã để bỏ chạy khỏi chính người bố của nó. Rồi ngày tôi ngồi khóc vì không có tiền mua sữa cho con, sữa tôi có nhưng không được cho con bú vì có vi khuẩn giang mai. Tôi chỉ biết khóc khi nhìn con uống sữa đặc và nước cơm thay sữa, cho đến khi một người công nhân xây dựng tốt bụng mua sữa bột cho con tôi. Nó khiến tôi không thể chịu đựng thêm được nữa, vậy nên tôi quyết định đi bán thân lấy tiền nuôi con.
Một người không quen thân còn trích những đồng lương ít ỏi cho con tôi hộp sữa, tôi làm mẹ làm sao có thể cứ đứng nhìn được. Chó mèo còn biết yêu thương con, tôi là con người, tôi lẽ nào không bán thân để lấy tiền nuôi con, nuôi bố, nuôi mẹ. Dẫu sao làm gái điếm cũng còn hơn trộm cắp hoặc buôn bán ma túy.
Vì vậy tôi cầu xin các bạn, những người đang đọc câu chuyện này của tôi đừng chửi mắng tôi xấu xa vì không mấy khi tôi nhắc đến con mình, bởi nếu tôi là một người mẹ ích kỷ, độc ác thì tôi đã phá thai bằng được rồi và quan trọng là tôi sẽ không phải đi bán thân để lo cho con. Hoặc tôi cũng đã có thể đồng ý làm vợ người công nhân xây dựng đó để anh ấy trở thành bố mới của con tôi. Nhưng sau này sẽ ra sao? Ai dám chắc anh ấy sẽ yêu thương con tôi. Ai biết anh ấy có thể mang lại cho con tôi một tương lai tốt đẹp đến nhường nào?
Tôi không chăm sóc con cho đến khi nó lớn vì tôi đã gửi gắm con cho một người tốt hơn là bà nội của nó. Giờ đây, tôi cũng không đủ dũng cảm để quay lại nói với con: “Con ạ! Mẹ là gái bán dâm. Mẹ đã từng phải ngồi tù rất nhiều lần ở rất nhiều nơi”. Tôi thà để con tôi quên đi một người mẹ như tôi còn hơn. Tôi không muốn làm hại tương lai của thằng bé. Tôi muốn con được ở trong một môi trường tốt, được mở mày mở mặt, không phải xấu hổ vì có một người mẹ như tôi.
Tôi nói về con lúc này không phải để lấp liếm hay thanh minh gì cho mình cả, tôi chỉ muốn nói cho mọi người biết rằng tôi chưa bao giờ quên tình nghĩa mẹ con. Có lẽ các bạn sẽ thắc mắc tôi đã làm được gì cho con tôi, hay tại sao tôi lại xuất hiện trong khi con tôi đang sống trong bình yên. Tôi thật lòng muốn nó quên tôi. Bây giờ, ngày nào tôi cũng luôn tụng kinh cầu phúc cho con có một tương lai tốt đẹp.
Phụ lục
Mại dâm là một hoạt động bất hợp pháp và đang trở thành vấn nạn xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Mại dâm được định nghĩa một cách ngắn ngọn là sự “trao đổi về tình dục có thu tiền”, hay đầy đủ hơn là “sư cung ứng tình dục bởi một người cho một người khác như giao hợp hay thủ dâm có thu tiền hay một phần thưởng khác”.
Mại dâm có từ cổ đại, khi người ta bắt những người phụ nữ thực hiện các hành vi hoạt động mại dâm với ý nghĩa để làm hài lòng các thần thánh hoặc làm vật tế lễ. Mại dâm đã từng trở thành một ngành kinh doanh lớn trong thời Roma cổ đại. Tại châu Âu, nhà chứa đã xuất hiện từ thế kỉ XII và bùng nổ trong thế kỉ XIX. Nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ này xuất phát từ tình trạng kinh tế đói nghèo, xã hội xuống cấp và chính trị nổi loạn. Các cuộc chiến tranh thật sự đã làm phát sinh và gia tăng đáng kể các tụ điểm mua bán dâm để thỏa mãn nhu cầu sinh lý và tình dục cho các binh lính. Trong thế chiến thứ hai, hàng trăm nhà chứa dành cho quân nhân đã được quân đội Đức Quốc Xã và lực lượng SS thành lập (lực lượng SS là tổ chức vũ trang của Đảng Đức Quốc Xã). Những người phụ nữ nào nhiễm bệnh giới tính trong hình thức lao động cưỡng bức này thường chết trong trại thủ tiêu hay bị giết chết.
Trong những năm 1950, khi nổ ra chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc coi quân đội Mỹ như một cơ hội thu lợi về kinh tế, và món lợi này đã được trả bằng thân xác phụ nữ Hàn Quốc. Những thị trấn mại dâm do chế độ quân sự cầm quyền Hàn Quốc và Mỹ thiết lập và ủng hộ. Lúc cao điểm đã có hơn 18.000 gái điếm phục vụ 43.000 lính Mỹ đóng tại hàn Quốc.
Ở các nước nghèo cũng như các nước giàu đa số phụ nữ đi vào con đường mại dâm do nghèo, thiếu công ăn việc làm, hay có việc làm nhưng với đồng lương quá thấp so với đồng tiền thu nhanh bằng mại dâm. Mại dâm cũng phát triển khi một bộ phận xã hội giàu lên đột ngột và nhu cầu ăn chơi phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng, mại dâm thật ra chỉ để làm thỏa mãn nhu cầu sinh lý cho những người mãi dâm. Và có cung thì mới có cầu. Mại dâm âu cũng là một nghề kiếm cơm bằng thể xác con người, có mua, có bán, có phát sinh lợi nhuận. Vậy mại, mãi dâm có thật sự hợp pháp hay không?
Tại đa số các nước, mại dâm bị nghiêm cấm, đặc biệt ở một số nước theo Hồi giáo, mại, mãi dâm có thể là tội tử hình. Tại một số nước khác như Đức, Đài Loan, Mexico, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động này là hợp pháp, nhưng với những điều kiện để giới hạn hoạt động. Trong tổng số 221 quốc gia và cùng lãnh thổ, có 20 nước xem mại dâm là hợp pháp. 41 nước không có bộ luật cấm mại dâm nhưng có các bộ luật khác để cấm các hoạt động như nhà chứa, môi giới, thậm chí là cả quảng cáo hay gái đứng đường. Khoảng 160 quốc gia còn lại đã ra những văn bản luật cấm các hình thức mại dâm.
Một số nước là điểm đến du lịch tình dục như Kenya, Philippines, Thái Lan và vùng Caribbean. Tại những nước này, mại dâm khá đặc biệt: Dù luật pháp chính thức cấm mua bán dâm, công dân trong nước bị cấm mua bán dâm nhưng du khách nước ngoài thì được phép dưới sự cố tình làm ngơ của chính phủ.
Thái Lan là một ví dụ, mại dâm ở Thái Lan có từ thế kỷ XVI, XVII theo hình thức tự phát và “phát triển nở rộ” trong thời kỳ mở rộng mối quan hệ giữa Thái Lan với các nước Phương Tây. Thời vua Somdet Phra Narai Maharat (Rama III) (1656-1688) gọi gái bán dâm là “gái được thuê làm tình dục cho đàn ông”. Đến thời vua Chulalongkorn (Rama V) (1868-1910), các nhà chứa thường treo đèn lồng kính màu xanh làm ám hiệu nên người ta gọi gái bán dâm là “gái đèn xanh”, tập trung nhiều nhất ở khu Sampeng, vốn là nơi tập trung làm ăn buôn bán của người Trung Quốc. Thời kỳ này cũng là lần đầu tiên Luật pháp đề cập đến việc mua bán dâm. Trong luật pháp có ghi: (1) Chỉ những người tự nguyện mới có thể hành nghề bán dâm. Những ai có hành động lừa hoặc ép buộc người khác bán dâm đều bị coi là phạm tội. (2) Gái bán dâm phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền trước khi hành nghề, phải trả mười hai bạt lệ phí cấp giấy phép hành nghề có hạn sử dụng trong vòng ba tháng. (Mười hai bạt thời kỳ đó là số tiền khá lớn, cho thấy sự chủ tâm hạn chế số lượng người hành nghề mại dâm). (3) Chủ sở hữu của các nhà chứa chỉ có thể là phụ nữ và phải được sự cho phép của chính quyền. (4) Gái bán dâm không được gây phiền nhiễu cho những người khác như đeo bám, lôi kéo… (5) Các nhân viên công quyền có thể vào nhà chứa bất cứ lúc nào để kiểm tra, nếu bắt gặp gái mại dâm bị mắc bệnh truyền nhiễm được quyền gửi người đó đi chữa bệnh cho đến khi khỏi, có thể cầm hoặc tước giấy phép hành nghề của người đó. Sau đó, năm 1949, khi Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước trên thế giới chấm dứt nạn buôn người và mua bán dâm, Thái Lan cũng ra lệnh cấm mở các nhà chứa. Năm 1955, cấm tuyệt đối việc đăng ký gái mại dâm. Tuy nhiên mại dâm Thái Lan vẫn âm ỉ diễn ra dưới nhiều hình thức trá hình và ngày càng nguy hiểm hơn.
Mại dâm bị luật pháp nghiêm cấm, nhưng các nhà chứa vẫn hoạt động công khai dưới sự làm ngơ của chính quyền và sự bảo kê của Mafia, đến nỗi nhiều người lầm tưởng mại dâm ở Thái Lan là hoàn toàn hợp pháp. Nhìn qua vẻ ngoài quy củ của các phố đèn đỏ, nhiều người nước ngoài cho rằng chính phủ Thái Lan đã tổ chức tốt mại dâm và điều đó sẽ làm giảm tác hại mà mại dâm gây ra (như hối hộ, bảo kê, ma túy…)
Nhắc đến Thái Lan, người ra nghĩ đến các khu đèn đỏ với đầy rẫy những cô gái trẻ ăn mặc gợi cảm, những “thái giám thời hiện đại” khoe thân hết cỡ, nhún nhảy chào mời khách. Nhiều người coi đó là thứ nghề kiếm ra tiền, nhưng thực tế, những góc khuất tội ác ẩn sau các khu đèn đỏ này khác xa so với họ vẫn tưởng. Cuộc đời của người bán dâm tại Thái Lan thực tế luôn đầy rẫy hiểm nguy, bệnh tật, cũng như phải chịu sự kỳ thị của cộng đồng vốn thấm nhuần tinh thần Phật giáo (giáo lý đạo Phật lên án chuyên gian dâm ngoài vợ chồng). Bệnh tật do mại dâm đem lại cũng lan tràn, bệnh AIDS đã trở thành vấn nạn lớn với Thái Lan. Năm 2010, Sở kiểm soát dịch bệnh Thái Lan (DDC) ước tính rằng 40% người bán dâm đã không sử dụng bao cao su. Báo cáo năm 2008 của DDC cho biết có 532.522 người Thái nhiễm HIV, chiếm 1.3% dân số trưởng thành, là tỉ lệ “cao nhất ở châu Á” và thứ tư thế giới. Con số thực có thể còn lớn hơn thế rất nhiều, mà một trong các nguyên nhân chính là do nạn mại dâm gây ra.
Kritaya Archavanitkul, nhà hoạt động vì quyền con người Thái Lan nói: “Đáng buồn mà nói, cấu trúc xã hội Thái Lan có xu hướng chấp nhận mại dâm. Và có thể, chúng ta có những tổ chức Mafia tham gia vào các đảng phái chính trị, điều này sẽ giúp tệ nạn mại dâm bị lờ đi. Lý do thứ hai là yếu tố văn hóa, ở Thái Lan, hành vi mua bán dâm của người đàn ông được chấp nhận. Các chính khách, chủ yếu là nam giới, tất nhiên, họ không thấy mại dâm là một vấn đề. Họ biết có nhiều phụ nữ tham gia vào tệ nạn mại dâm ở Thái Lan. Họ biết rằng một số bị đối xử bạo lực và tàn bạo. Nhưng họ không nghĩ rằng đó là một hình ảnh khủng khiếp. Và, bởi vì lợi nhuận béo bở lôi cuốn nhiều người tham gia cùng những khoản tiền hối lộ kếch xù đã khiến các chính khách nhắm mắt làm ngơ cho tệ nạn này”.
Một gái bán hoa ở Bangkok có tên là Pim cho biết, họ sẽ bị chủ chứa trừng phạt nếu không kiếm đủ khách, đồng thời thường xuyên bị khách mua dâm đe dọa và bạo hành. Họ không dám bỏ trốn vì lũ ma cô sẽ tiết lộ chuyện bán dâm, khiến cho gia đình họ xấu hổ và nhục nhã. Rất nhiều khách làng chơi thích bé gái hoặc thiếu nữ nên những chủ chứa thường tìm cách săn lùng, lừa gạt trẻ vị thành niên từ các ngôi làng nông thôn. Cô cho biết: “Người nước ngoài cho rằng cứ trả tiền là được quan hệ tình dục ở Thái Lan vì cho rằng các cô gái ở đây thực sự muốn làm chuyện đó mà không hiểu rằng, phần lớn gái bán hoa ở đây không có sự lựa chọn nào khác và họ luôn mong được giải thoát”.
HẾT