Tôi Làm Bảo Mẫu Cho Chồng Tương Lai


Bệnh viện Hoa Tâm về đêm vô cùng yên tĩnh, trên hành lang dài lác đác vài y tá đi kiểm tra.

Tầm Phương và người trong thang máy trố mắt nhìn nhau, qua hồi lâu cô lên tiếng:
"Sao cậu lại ở đây vào giờ này? Không lẽ ông nội..."
Thanh Vân lắc đầu, kéo Tầm Phương vào bên trong, nói nhỏ:
"Chuyện là cháu trai của ông chủ nhà mình vừa gặp tai nạn, nên mình theo ông đến bệnh viện chăm sóc cậu chủ đấy."
Tầm Phương kinh ngạc: "Thế có nghiêm trọng không?"
"Mình không biết, phải đến sáng ngày mai mới có kết quả kiểm tra.

Tội nghiệp ông cụ, chỉ có mỗi đứa cháu trai, thường ngày cưng như cưng trứng."
Thanh Vân liếc nhìn Tầm Phương, lúc này mới nhớ đến việc hỏi cô.
"Còn cậu thì sao? Đến thăm bệnh hay khám sức khỏe hả?"
Tầm Phương ngả đầu lên vai Thanh Vân, yếu ớt kể lại mọi chuyện.

Tất nhiên, cô sẽ giấu chuyện mình gặp và chửi mắng tên Phú.

Thanh Vân nghe xong thì thở dài thườn thượt, hai cô gái ôm lấy nhau an ủi đối phương.
Tầm Phương ở lại bệnh viện một đêm, sáng hôm sau cô rời đi rất sớm, vội vã quay về chuẩn bị bữa sáng cho em trai.
Hoàng Nhân tuy nhỏ tuổi, nhưng lại hiểu chuyện hơn bao đứa trẻ cùng trang lứa.

Cậu bé có đôi mắt to, sống mũi cao, hai má phúng phính hồng hào.

Bộ phận duy nhất giống Tầm Phương chính là đôi môi hơi vểnh, có đôi lúc Tầm Phương phải cảm thán rằng môi em trai vểnh hơn, đồng thời đẹp hơn cô.
Từ lâu Tầm Phương đã âm thầm điều tra những vị khách mẹ tiếp năm đó, đáng tiếc thay cô không thể khoanh vùng đối tượng khả nghi.

Trong số đó, không có kẻ nào có ngoại hình hay chút đặc điểm nào giống Hoàng Nhân.
Tầm Phương nghĩ: "Thôi cứ phó thác tất cả cho ông trời quyết định, dù không cùng cha, chí ít cậu bé vẫn do mẹ cô sinh ra, gọi cô là chị.

Mối quan hệ máu mủ này Tầm Phương rất khó chối bỏ."
Ăn sáng xong cô đưa em trai đến trường học, sau đó bắt xe đến chỗ làm.
Công việc buổi sáng của Tầm Phương rất đơn giản, quản lý một tiệm sửa xe.

Đây là tiệm của một người quen, vì quá bận rộn không thể thường xuyên có mặt, người đó đã ngỏ lời mời Tầm Phương đến làm.

Chớp mắt đã qua ba năm, khách đến sửa xe ngày một đông, không cần nói cũng biết đa số bọn họ đến ngắm quản lý tiệm.
Tầm Phương cao 1m69, chân dài eo thon, hai quả đồi trắng muốt chật chội chen lấn nhau trong chiếc áo thun bó sát.

Thời trang ngày thường của cô đơn giản đến mức nhàm chán, quần jean ôm khéo léo khoe đôi chân thẳng dài và chiếc áo thun siết chặt ánh mắt háo sắc của bọn đàn ông.
Rất nhiều lần Tầm Phương bắt gặp những ánh mắt đó, thay vì tức giận cô lại mỉm cười bỏ qua.

Không phải Tầm Phương nhút nhát, chỉ vì cô cảm thấy việc này không xứng đáng chút nào.
Mắt trên mặt họ, cô có thể cấm đoán sao? Hơn nữa việc mặc gì, làm gì, là quyền tự do của mỗi người.

Không ai có quyền phán xét hay yêu cầu cô sống theo ý họ.
...
Bẫng đi hai tháng sau, Tầm Phương quay cuồng trong mớ công việc và chăm sóc mẹ.

Một hôm, cô nhận được cuộc gọi của Thanh Vân, bên kia có phần gấp gáp, câu từ loạn xạ làm cho Tầm Phương đau đầu.

Cô cắt ngang lời bạn mình.
"Ý cậu là nhà bên kia đã thuê gia sư rồi sao?"
Thanh Vân đáp: "Đúng vậy!"
"Ông chủ cậu muốn tìm người chăm sóc người cháu bị tai nạn lần trước, phải không?"
Thanh Vân lại đáp: "Đúng luôn."
Tầm Phương im lặng, ngồi ngoài sân chăm chú nhìn mớ quần áo vừa phơi, giọt nước đọng dưới lai áo to dần nặng trĩu rơi xuống nền xi măng.

Qua rất lâu không thấy bạn mình lên tiếng, Thanh Vân độc thoại.
"Mình đã nói với ông chủ là có thể giới thiệu một người chăm sóc uy tín đến.

Ông ấy tin tưởng mình nên mới nhận lời, cậu nghĩ xem giá lương ông ấy đưa ra rất cao, gấp mấy lần tiền cậu làm ở tiệm sửa xe, nếu làm tốt còn được thưởng thêm."
Tầm Phương im lặng lắng nghe bạn mình thao thao bất tuyệt, một cảm giác đau đớn dội thẳng vào tim.

Cô tuyệt tình gạt phăng mọi vui vẻ của Thanh Vân.
"Mình không làm được đâu Vân à, sao mình có thể nói dối ông cụ chứ?"
"Chị hai ơi có phải nói dối hoàn toàn đâu, chẳng phải cậu từng là sinh viên y hay sao?"
Tầm Phương gật rồi lắc đầu, chẳng phân biệt nổi cảm xúc hiện giờ của mình là buồn hay vui.
"Sinh viên y năm nhất, đã bỏ học." Giọng cô chắc nịch.
Thanh Vân chưa chịu thoái lui, cô lấp liếm: "Chẳng phải sao? Cậu nghĩ ông cụ chỉ thuê mỗi cậu chăm sóc cháu mình à? Ông ấy đã thuê cả y tá đến lo về sức khỏe đấy, còn cậu chỉ phụ trách việc canh chừng, phụ giúp đi lại hay các sinh hoạt ngày thường thôi." Dừng lại đôi chút, Thanh Vân nói tiếp: "Mình giới thiệu cậu là từng học y nên ông cụ khá hài lòng, năm nhất thì sao, các kiến thức cơ bản đã học qua rồi chứ?"
Tầm Phương gật đầu dù thừa biết Thanh Vân chẳng trông thấy.
"Việc nhẹ lương cao đang chờ cậu đó.

Ngày mai mình qua đón cậu nhé!"
"Đợi mình suy nghĩ đã."
Tầm Phương tắt điện thoại xách theo sọt chứa quần áo đi vào nhà.

Với tình hình kinh tế hiện tại của cô, lương cao là miếng mồi ngon hấp dẫn kẻ đói khát.

Nhận nó tiền nhà, học phí, hay cả tiền lãi cao ngất ngưỡng Tầm Phương đều có thể chi trả.

Thế nhưng, một điều khiến cô chần chừ chính là lòng tin và lời nói dối vụng về của Thanh Vân.
Sinh viên y năm nhất và sinh viên y bỏ học là hai bến bờ khác nhau, chỉ cần chèo sai một bước sẽ đưa con thuyền đến bờ vực bão táp.
Cô không muốn vì tiền đánh đổi lòng tin của người khác, đồng ý Tầm Phương cực thích tiền, nhưng niềm yêu thích kia vĩnh viễn không đủ sức đọ lại phạm vi đạo đức cô vạch ra.
Tầm Phương ngả đầu lên sofa giữa phòng khách, tiếng máy quạt vù vù sau lưng thổi bay nhiều suy nghĩ vớ vẩn của cô.
Chừng nửa giờ sau, Tầm Phương hạ quyết tâm từ chối lời đề nghị của Thanh Vân, cô mở điện thoại ấn vào dãy số đầu tiên, khi ngón tay chỉ còn cách màn hình vài xen-ti-mét, một cuộc gọi lạ đã xoay chuyển quyết định của cô.
...
Người đừng ngoài hành lang đồng loạt nép sang bên chừa lối đi cho cô gái đầy sát khí, trên mặt in bốn chữ "đừng đến gần tôi".

Bầu không khí căng thẳng đến ngộp thở, chẳng ai biết cô ấy là ai? Tức giận vì cớ gì? Họ chỉ biết động vào người này chính là tự rước phiền phức vào người.
Cửa phòng bệnh bật ra rồi nhanh chóng khép lại, rất nhanh tiếng cãi vã giữa hai người phụ nữ, một già một trẻ, một nóng nảy một ỉu xìu truyền ra bên ngoài.
Tầm Phương chất vấn: "Mẹ giải thích cho con nghe đi, tại sao mẹ làm vậy? Có phải là con nít nữa đâu, mẹ biết sợi dây chuyền đó bao nhiêu không? Mười lăm triệu, con biết đào đâu ra tiền đền cho người ta?"
Hai mươi phút trước Tầm Phương nhận được cuộc gọi lạ, người bên kia tự xưng là đồng nghiệp của mẹ cô, đồng thời là người cãi nhau với bà ngày hôm đó.

Tầm Phương cau mày, một dấu chấm hỏi to đùng xuất hiện trong suy nghĩ.

Đồng nghiệp của mẹ gọi cho cô làm gì? Chẳng lẽ để xin lỗi chuyện ngày hôm đó sao?
Còn chưa đợi Tầm Phương nói ra suy đoán của mình, người bên kia đi vào chủ đề chính.
Tầm Phương bật khỏi ghế sofa, sơ ý đá vào chân bàn khiến cô đau điếng, nhưng nỗi đau ở chân không thể sánh bằng nỗi đau trên ví tiền.
Cô thảng thốt: "Mười lăm triệu sao? Dì à, dì có đùa cháu thì đừng đem tiền bạc ra đùa.

Sao lại có chuyện mẹ cháu ghen ghét dì rồi phá hỏng sợi dây chuyền hàng hiệu khách ruột tặng dì chứ."
Tầm Phương cười hề hề, nhất quyết không tin lời của người phụ nữ kia là thật.

Nụ cười gượng gạo không treo trên khóe miệng cô được lâu, ngay khi nghe đến chứng cứ, toàn thân cô như sụp đổ.

Bản thân không phải Tôn Ngộ Không lại hiểu được cảm giác bị núi đè, một ngọn núi tuyệt vọng nghèo khổ.

Ngón tay run run lướt xem số dư tài khoản, vừa hay chỉ còn một triệu rưỡi sinh tồn trên mảnh đất hoa lệ này.
"Còn đúng một triệu rưỡi thôi à, trời ơi sao tôi nghèo quá vậy nè!"
Tầm Phương đập đầu vào gối, khóc lóc than trời trách đất vài phút mới chạy đến bệnh viện tìm mẹ hỏi cho ra lẽ.

Trên đường đến đây cô luôn thầm mong mẹ sẽ chối bỏ, sẽ nói là người đàn bà kia vu oan giá họa.

Cho đến khi nhìn thấy bà áy náy gật đầu và hai tiếng đúng vậy, trái tim Tầm Phương chính thức chết một nửa.
Bà giải thích: "Ai bảo con nhỏ khó ưa đó cứ khoe khoang sợi dây chuyền được khách tặng chứ? Hồi nhà mình còn giàu, những sợi như thế mẹ có đầy cả tủ, một sợi thì hay lắm à?"
"Vậy nên mẹ mới làm hỏng đồ người ta?" Tầm Phương kéo lê ghế trên sàn gạch phát ra âm thanh chói tai, cô ngồi xuống, lạnh lùng nhìn người mẹ co rúm trong chăn.
"Nhà mình phá sản rồi, con biết mẹ không chấp nhận được sự thật này, con cũng biết thời gian qua mẹ rất khó khăn." Cô kéo xuống tấm chăn đang trùm trên mặt mẹ, ôn tồn giải thích.
"Tiền đối với nhà mình quan trọng lắm, không có nó ba mẹ con mình ra đường ở, còn số nợ cha để lại nữa, mẹ muốn bị giang hồ truy giết như phim kiếm hiệp à? Thế nên sau này xin mẹ đừng làm chuyện như thế nữa."
Đôi mắt mẹ ướt rượt, bà mếu máo, giọng khàn đi.
"Mẹ biết rồi, tại lúc đó mẹ giận quá chứ bộ.

Con tính thế nào?"
Tầm Phương nói dối: "Còn sao nữa, con ra Phố Đỏ tìm khách."
"Đừng mà con!".


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui