Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ


Chạy dài đến như vậy, lẽ dĩ nhiên là sẽ đuối sức. Nhưng lúc này mệt mỏi không phải là một vấn đề lớn. Đến lúc này thì kiệt sức đã là một hiện trạng. Các cơ của tôi không còn là một Tòa án Cách mạng sôi sục nữa và có vẻ như đã thôi kêu ca. Không ai đập bàn nữa, chẳng ai ném tách nữa. Cơ của tôi giờ đã nín lặng chấp nhận tình trạng kiệt sức này như một tất yếu lịch sử, và hệ quả không thể tránh khỏi của cách mạng. Tôi đã biến thành một thể tồn tại tự động mà mục đích duy nhất là vung nhịp nhàng hai cánh tay, đưa hai giò nó tới trước từng bước một. Tôi không nghĩ về cái gì cả. Tôi không cảm thấy gì cả. Tôi bỗng nhận ra rằng ngay cả cái đau thể xác cũng gần như đã biến mất. Cũng có thể nó đã bị nhét vào một xó xỉnh vô hình nào đó, như một thứ bàn ghế xấu xí ta không thể tống khứ đi.
Trong tình trạng ấy, sau khi tôi đã vượt qua rào chắn vô hình này, tôi bắt đầu vượt qua được rất nhiều người chạy khác. Chỉ sau khi tôi vượt qua trạm kiểm soát gần dặm thứ bốn mươi bảy, mà ta phải đến được trong vòng dưới tám giờ bốn mươi lăm phút không thì sẽ bị loại, nhiều người chạy khác, không như tôi, bắt đầu chậm lại, một số người thậm chí còn ngừng chạy và bắt đầu đi bộ. Từ điểm đó đến đích tôi hẳn đã vượt qua khoảng hai trăm người. Ít nhất thì tôi đã đếm được đến hai trăm. Chỉ một đôi lần có ai khác từ phía sau vượt lên tôi. Tôi có thể đếm số người mà tôi vượt qua, vì tôi không có việc gì khác để làm. Tôi đang trong tình trạng kiệt quệ trầm trọng mà tôi đã hoàn toàn chấp nhận, và cái thực tế là tôi vẫn còn có thể tiếp tục chạy, và đối với tôi thì tôi chẳng thể đòi hỏi gì hơn từ cuộc đời này.
Vì tôi đang là một cái máy lái tự động nên nếu có ai bảo tôi cứ tiếp tục chạy đi thì ắt tôi đã chạy quá sáu mươi hai dặm lắm. Thật lạ, nhưng cuối cùng tôi hầu như không biết mình là ai hay mình đang làm gì nữa. Đây lẽ ra là một cảm giác rất đáng ngại, nhưng lại không cảm thấy như thế. Đến lúc ấy thì chạy đã bước vào lãnh địa của siêu hình. Đầu tiên là hành vi chạy, và đi kèm nó là cái thực thể gọi là tôi này. Tôi chạy, vậy nên tôi tồn tại.
Và cảm giác này trở nên đặc biệt mạnh mẽ khi tôi bước vào chặng cuối của đường chạy,Vườn hoa Thiên nhiên trên một bán đảo dài, thật dài. Đó là một kiểu cung đường thiền định, trầm tư. Quang cảnh dọc bờ biển đẹp tuyệt, và hương biển Okhotsk thoang thoảng đến tôi. Đã chiều rồi (chúng tôi khởi hành từ sáng sớm), không khí đặc biệt trong trẻo. Tôi còn ngửi thấy mùi cỏ nồng đượm đầu hè. Tôi cũng nhìn thấy vài con cáo, tụ tập thành bầy trên đồng. Chúng nhìn những người chạy chúng tôi tò mò. Những đám mây dày, đầy ý nghĩa, như cái gì nguyên xi từ trong tranh phong cảnh Anh thế kỷ mười chín, phủ kín bầu trời. Không có lấy một ngọn gió. Nhiều người chạy khác quanh tôi lặng lẽ lê bước tới đích. Được ở trong số họ, tôi có cái cảm giác hạnh phúc thầm lặng. Hít vào, thở ra. Hơi thở của tôi không có vẻ gì là không đều. Không khí êm đềm vào bên trong tôi rồi đi ra. Trái tim lặng lẽ của tôi phồng lên rồi bóp lại, lặp đi lặp lại, với một nhịp ổn định. Như ống thổi của một người thợ, phổi của tôi tận tụy đưa ô xy mới vào cơ thể tôi. Tôi có thể cảm thấy tất cả các bộ phận này đang hoạt động, và phân biệt được từng âm thanh một chúng tạo ra. Mọi thứ đều đang hoạt động ổn. Người xếp hàng dọc đường cổ vũ chúng tôi, la to, “Cố lên! Các anh gần đến rồi!” Như không khí pha lê trong vắt, tiếng la của họ xuyên thẳng qua tôi. Giọng họ đi xuyên qua tôi sang bên kia.
Tôi là tôi, và đồng thời không phải là tôi. Cái cảm giác là như vậy đấy. Một cảm giác tĩnh lặng, yên ắng. Tâm trí không quá quan trọng. Dĩ nhiên, với tư cách là tiểu thuyết gia, tôi biết tâm trí mình là thứ quyết định để làm được việc của mình. Lấy mất đầu óc đi, tôi sẽ không bao giờ viết được một câu chuyện độc đáo nữa. Vậy nhưng, vào lúc này không có cái cảm giác là tâm trí tôi quan trọng. Chỉ là tâm trí chẳng ghê gớm gì lắm.
Thông thường, khi gần đến đích cuộc đua marathon, tất cả những gì tôi muốn là làm xong phứt đi cho rồi, kết thúc cuộc đua càng sớm càng tốt. Đó là tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến. Nhưng khi tôi tiến gần về đích cuộc đua siêu marathon này, tôi không hẳn nghĩ đến điều này nữa. Đích cuộc đua chỉ là một cái mốc tạm thời không có ý nghĩa gì nhiều. Cũng hệt như đời sống của chúng ta. Chẳng phải vì có một cái kết thúc mà tồn tại là có ý nghĩa. Một điểm kết thúc chẳng qua là được dựng lên như một cột mốc tạm thời, hay có lẽ như một ẩn dụ gián tiếp cho bản chất trôi chảy của sự tồn tại. Nó rất triết học – dù lúc này tôi cũng không nghĩ xem chuyện đó triết lý ra sao. Tôi chỉ mơ hồ chứng nghiệm ý niệm này, không phải bằng lời, mà như một cảm giác vật chất.
Dù là thế, khi về đến đích ở Tokoro-cho, tôi cũng cảm thấy rất hài lòng. Tôi luôn thấy hài lòng khi về đích một cuộc đua cự ly dài, nhưng lần này tôi thật xúc động sâu sắc. Tôi vung nắm tay phải lên trời. Lúc này là 4 giờ 42 phút chiều. Mười một tiếng bốn mươi hai phút từ lúc cuộc đua bắt đầu.
Lần đầu tiên trong suốt nửa ngày, tôi ngồi xuống lau mồ hôi, uống ít nước, cởi giày ra, và, khi mặt trời lặn, tôi thận trọng duỗi mắt cá chân. Vào lúc ấy, một cảm giác mới mẻ bắt đầu trào dâng trong tôi – không phải là cái gì sâu sắc như cảm giác tự hào, nhưng ít nhất cũng là một cảm giác hoàn thành nào đó. Một cảm nhận cá nhân hài lòng và khuây khỏa rằng mình đã chấp nhận một cái gì mạo hiểm và vẫn còn sức để chịu đựng nó. Giây phút này, niềm vui khuây khỏa còn nhiều hơn hạnh phúc. Giống như một cái gút thắt chặt bên trong tôi lỏng dần ra, một nút thắt vốn luôn ở đó mà tôi chưa từng nhận thấy, mãi cho tới lúc này.
Ngay sau cuộc đua ở hồ Saroma này tôi thấy khó bước xuống cầu thang. Hai chân tôi loạng choạng và tôi không thể chống vững cơ thể mình, như thể hai đầu gối tôi sắp quỵ xuống. Tôi phải bám vào lan can để bước xuống. Dù sao, sau một vài ngày, hai chân tôi cũng bình phục, và tôi có thể lên xuống cầu thang như thường. Rõ ràng là qua nhiều năm hai chân tôi đã quen với chạy đường dài. Vấn đề thực sự, như tôi đã đề cập trước đây, hóa ra lại là hai bàn tay tôi. Để bù lại các cơ chân đã mệt, tôi vung vẩy hai bàn tay mình. Hôm sau cuộc đua cổ tay phải của tôi bắt đầu đau và ửng đỏ rồi sưng lên. Tôi đã tham gia rất nhiều cuộc đua marathon, nhưng đây là lần đầu tiên chính cánh tay tôi, chứ không phải chân tôi, mới phải trả giá đắt nhất.
Tuy nhiên, tàn dư lớn nhất từ cuộc chạy siêu marathon này không phải về thể xác mà là về tinh thần. Cuối cùng thì tôi cũng chỉ còn cái cảm giác thờ ơ, và chưa kịp nhận ra, tôi cảm thấy bị trùm phủ một màng mỏng manh, cái gì ấy mà từ đó tôi đặt tên là nỗi buồn người chạy đua. (Dù thật ra thì tôi có cảm giác nó gần với màu trắng đục như sữa[1]). Sau cuộc đua siêu marathon này tôi mất đi cái nhiệt tình hằng có dành cho chính việc chạy bộ. Mệt mỏi là một yếu tố, nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Mong muốn chạy không còn rõ rệt như trước nữa. Tôi không hiểu sao, nhưng điều đó là không thể phủ nhận: một cái gì đó đã xảy ra với tôi. Sau đó, tổng thời gian chạy tôi thực hiện được, chưa nói đến quãng đường tôi chạy, giảm sút rõ rệt.
Sau chuyện này, tôi vẫn theo lịch mỗi năm tham gia một cuộc chạy marathon toàn cự ly như mọi khi. Ta không thể hoàn tất một cuộc marathon nếu ta miễn cưỡng, nên tôi đã tập luyện khá đầy đủ. Nhưng không bao giờđi xa hơn luyện tập khá đầy đủ. Như thể là cái gút tôi chưa từng nhận thấy trước đây nới lỏng thì hứng thú của tôi cũng giảm sút theo. Không chỉ ham muốn chạy trong tôi giảm đi. Đồng thời với lúc tôi mất cái gì đó, một cái gì mới mẻ cũng đã bén rễ trong tôi với tư cách một người chạy. Và rất có thể là cái quá trình một thứ ra đi trong khi một thứ khác đến ấy đã sinh ra nỗi buồn người chạy lạ lẫm này.
Thế còn cái thứ mới lạ này trong tôi? Tôi không thể tìm thấy đúng từ để mô tả nó, nhưng nó có thể là một cái gì đó gần với sự yên phận. Nói ngoa ngoắt một chút, như thể là bằng cách hoàn thành cuộc đua hơn sáu mươi dặm tôi đã bước vào một chốn khác. Sau khi cái mệt mỏi ở tôi tiêu tan đâu đó sau dặm bốn mươi bảy, tâm trí tôi rơi vào một trạng thái trống rỗng mà ta thậm chí có thể gọi là mang tính triết học hay tôn giáo. Cái ǵ đó thôi thúc tôi trở nên nội quan hơn, và sự nội quan mới mẻ này đã làm thay đổi thái độ của tôi đối với hành động chạy bộ. Có lẽ tôi không còn có thái độ đơn giản, tích cực là chạy bằng mọi giá như trước đây nữa.
Tôi không biết nữa, có thể tôi đang quá cả nghĩ về điều đó. Có lẽ chỉ là tôi đã chạy quá nhiều và trở nên mệt mỏi. Thêm nữa, tôi đã ở cuối độ tuổi bốn mươi và đang vấp phải các chướng ngại về thể chất không thể tránh khỏi đối với một người ở tuổi tôi. Có lẽ tôi chỉ đang chấp nhận một thực tế là tôi đã qua đỉnh cao về thể chất của mình rồi. Cũng có thể tôi đang trải qua một trạng thái trầm cảm do một kiểu gì tuơng tự như thời kì mãn kinh của đàn ông. Có lẽ tất cả các yếu tố khác nhau này hợp thành một hỗn hợp kỳ lạ trong tôi. Là nguời trong cuộc, tôi khó mà phân tích nó một cách khách quan. Bất luận đó là gì thì nỗi buồn nguời chạy cũng là tên tôi dành cho nó.
Xin bạn nhớ cho, hoàn tất một cuộc chạy siêu marathon đã làm tôi vô cùng hạnh phúc và đem lại cho tôi một mức tự tin nhất định. Ngay cả giờ đây tôi cũng vui vì đã chạy cuộc đua này. Tuy vậy, tôi phải đối phó với hậu quả này cách này hay cách khác. Suốt một thời gian dài sau chuyện đó tôi đã ở trong tình trạng mất hứng thú ấy – ý tôi không phải là tôi định chinh phục một kỷ lục ghê gớm gì đâu, nhưng dẫu sao mỗi lần tôi chạy một cuộc marathon toàn cự ly, thời gian của tôi một kém đi. Tập luyện và đua đã trở thành không gì hơn là những thủ tục tôi thực hiện, chúng không làm tôi xúc động như trước. Cả lượng adrenaline trong tôi tiết ra ngày đua cũng giảm xuống từng bậc. Vì điều đó mà cuối cùng tôi đã chuyển trọng tâm từ marathon toàn cự ly sang ba môn phối hợp và đâm ra mê chơi squash ở phòng thể dục hơn. Lối sống của tôi dần thay đổi, tôi không còn xem chạy là lẽ sống nữa. Nói cách khác, khoảng cách tinh thần giữa tôi và chạy bộ bắt đầu lớn dần. Cũng như khi ta mất đi cái cảm giác cuồng dại ban đầu ta có khi yêu.
Giờ tôi cảm thấy như cuối cùng thì mình cũng đang thoát khỏi đám sương mù nỗi buồn người chạy vây bọc tôi bấy lâu nay. Không phải là tôi đã gạt được hẳn nó ra khỏi mình, nhưng tôi có thể thấy cái gì đấy bắt đầu run rẩy. Vào buổi sáng khi thắt dây giày chạy, tôi có thể choáng váng thấy một dấu hiệu mờ nhạt của cái gì đó trong không trung, và trong tôi. Tôi muốn để ý cái chồi đang nhú lên này. Cũng như, khi tôi không muốn đi sai hướng - hay bỏ lỡ không nghe thấy một âm thanh, bỏ lỡ không thấy một quang cảnh - tôi sẽ tập trung vào cái đang diễn ra với cơ thể mình.
Lần đầu tiên sau một thời gian dài, tôi cảm thấy vui lòng chạy mỗi ngày để chuẩn bị cho cuộc đua marathon tới. Tôi đã mở một cuốn sổ mới, mở nắp bình mực mới, và tôi đang viết những điều mới mẻ. Tại sao giờ đây tôi cảm thấy rộng lòng với chạy bộ như như thế, tôi không thể thực sự giải thích được một cách có đầu đuôi. Có lẽ việc trở lại Cambridg và hai bờ sông Charles đã làm sống lại những cảm xúc ngày xưa. Có lẽ những tình cảm nồng ấm tôi dành cho nơi này khuấy động ký ức về những ngày khi mà chạy bộ đã là trung tâm của đời tôi. Cũng có thể đây chỉ là vấn đề thời gian trôi qua. Có lẽ tôi chỉ phải trải qua một sự điều chỉnh nội tâm không thể tránh khỏi, và thời gian cần cho việc này diễn ra cuối cùng cũng chấm dứt.
Tôi cho là đối với nhiều người khác viết để kiếm sống thì cũng thế, khi tôi viết để kiếm sống thì cũng thế, khi viết tôi nghĩ về đủ mọi thứ. Tôi không nhất thiết ghi lại cái mình đang nghĩ; chỉ là trong khi viết tôi nghĩ về các thứ. Trong khi viết, tôi sắp xếp những ý nghĩ của mình. Rồi thì việc viết lại và xem lại đưa suy nghĩ của tôi vào những nẻo đường còn sâu xa hơn. Thế nhưng, dù tôi có viết nhiều thế nào thì tôi cũng chưa hề đi đến kết luận. Và dù tôi có viết lại bao nhiêu đi nữa, tôi cũng chưa từng đến đích. Dù sau hàng chục năm viết lách, điều đó vẫn đúng. Tất cả những gì tôi là là trình bày và giả thuyết hay giữa cấu trúc của vấn đề. Hay tìm ra một phép loại suy giữa cấu trúc của vấn đề và cái gì khác nữa.
Nói thật, tôi không thực sự hiểu nguyên nhân đằng sau nỗi buồn người chạy bộ của mình. Hay tại sao bây giờ nó bắt đầu phai nhạt. Còn quá sớm chưa thể giải thích rõ ràng được. Có lẽ thứ duy nhất tôi có thể nói dứt khoát về điều đó là thế này: đời là vậy. Có lẽ điều duy nhất ta có thể làm là chấp nhận nó, dù không thực sự chuyện gì đang xảy ra. Như thuế khóa, thủy triều lên rồi xuống, cái chết của John Lennon, và những cú thổi còi sai của mấy trọng tài World Cup.
Dù sao đi nữa, tôi có cái cảm giác rõ rệt là thời gian đã đi trọn chu kỳ, rằng một chu kỳ đã hoàn tất. Hành vi chạy đã trở lại như một phần của hạnh phúc, cần thiết trong đời sống hàng ngày của tôi. Và gần đây tôi đã chạy đều đặn, ngày này qua ngày khác. Không phải như một sự lặp lại máy móc hay một nghi thức bắt buộc nào đó nữa. Lúc này cơ thể tôi cảm thấy một mong muốn tự nhiên là lên đường và chạy, cũng như khi tôi bị mất nước và thèm nước ép từ một miếng trái cây tươi. Giờ đây tôi đang chờ đến một cuộc đua Marathon New York vào ngày 6 tháng Mười một, chờ thấy mình có thểvui thú cuộc đua chừng nào, mình sẽ mãn nguyện với cuộc chạy ra sao, và mình sẽ làm như thế nào.
Tôi không bận tâm về thời gian mình chạy được. Tôi có thể thử tất cả những gì mình muốn, nhưng tôi không tin là mình sẽ có thể chạy như trước. Tôi sẵn sàng chấp nhận điều đó. Nó không phải là một trong những hiện thực vui vẻ của ta, nhưng khi ta già đi thì nó sẽ xảy ra như thế. Tôi có vai trò của tôi, thời gian có vai trò của thời gian. Và thời gian làm công việc của mình mẫn cán hơn, chính xác hơn tôi nhiều. Từ khi thời gian bắt đầu (là bao giờ vậy, tôi tự hỏi?), nó cứ tiến tới trước không ngừng nghỉ một giây. Và một trong những đặc ân trao cho những người tránh được chết trẻ là cái quyền quỷ quái được già đi. Vinh dự của sự suy yếu thể xác đang đợi chờ, và ta phải làm quen với hiện thực đó.
Chạy đua với thời gian không quan trọng. Điều có ý nghĩa với tôi hơn nhiều giờ đây là tôi có thể vui thú chừng nào, tôi có hoàn tất được hai mươi sáu dặm với cảm giác mãn nguyện không. Tôi sẽ thưởng thức và đánh giá mọi điều không thể hiện được bằng những con số, và tôi sẽ dò dẫm tìm một cảm giác tự hào xuất phát từ một nơi khác.
Tôi không phải là một người trẻ tuổi tập chỉ chăm chăm vào việc phá kỷ lục, cũng không phải là một cái máy vô tri vô giác đi qua các bước. Tôi chỉ là một nhà văn chuyên nghiệp (rất có thể là trung thực hơn) biết các giới hạn của mình, người muốn vẫn giữ được những khả năng và sức sống của mình càng lâu càng tốt.
Còn một tháng nữa mới đến cuộc đua Marathon New York.
Chú thích
[1] Nguyên văn tiếng Anh: runner’s blues, nghĩa đen “điệu buồn người chạy”; ở đây có sự chơi chữ, vì “blue” (một loại nhạc buồn) cùng có nghĩa là màu xanh dương


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui