CHƯƠNG 8 - 18 TUỔI ĐẾN KHI TÔI CHẾT
NGÀY 26 THÁNG TÁM NĂM 2006 - MỘT THỊ TRẤN BÊN BỜ BIỂN QUẬN KANAGAWA
Ngay lúc này tôi đang tập luyện ột cuộc thi ba môn phối hợp. Gần đây tôi đang tập trung tập xe đạp, đạp xe miệt mài một hay hai giờ đồng hồ mỗi ngày trên con đường dành cho xe đạp dọc bờ biển ở Oiso gọi là Đường Xe Đạp Bên Bờ Thái Bình Dương, gió quất bên hông. (Ngược với tên gọi tuyệt vời của mình, con đường này hẹp, lại còn bị cắt đứt ô nhiều đoạn do đèn giao thông nên không dễ chạy xe). Nhờ tất cả quá trình tập luyện cật lực này, các cơ của tôi từ lưng dưới đến đùi đều chắc và mạnh.
Chiếc xe đạp tôi sử dụng trong các cuộc đua là kiểu có dây choàng ngón chân cho phép ta đạp xuống bàn đạp và nhấc lên. Thực hiện cả hai động tác này sẽ làm tăng tốc độ của ta. Để giữ chuyển động của chân nhịp nhàng, điều quan trọng là tập trung vào phần nhấc lên, nhất là khi ta sắp lên một con dốc dài. Vấn đề là, các cơ bắp dùng để nhấc bàn đạp hầu như không bao giờ được dùng trong đời sống hàng ngày, nên khi tôi thực sự bước vào tập xe đạp thì các cơ bắp này không thể tránh khỏi trở nên cứng và kiệt quệ. Nhưng nếu tôi tập xe đạp vào buổi sáng, tôi có thể chạy vào buổi chiều, dù các cơ chân tôi cứng. Tôi không thể gọi kiểu tập luyện này là vui thú được, nhưng tôi không kêu ca. Đây chính là cái tôi sẽ đối mặt trong ba môn phối hợp.
Chạy bộ và bơi thì dù gì tôi cũng thích, cho dù không phải tôi đang tập luyện để đua. Chúng là một phần tự nhiên trong sinh hoạt hằng ngày của tôi, nhưng đạp xe đạp thì không. Một lý do tôi miễn cưỡng khi phải đạp xe là ở chỗ xe đạp là một kiểu dụng cụ. Ta cần một cái mũ sắt, giày đạp xe đạp, và đủ kiểu trang bị khác, và ta phải giữ gìn tất cả các phần và dụng cụ này. Chẳng qua là tôi không giỏi cái khoản giữ gìn dụng cụ. Thêm nữa, ta phải tìm ra một đường chạy an toàn, nơi ta có thể đạp nhanh như ta muốn. Lúc nào cũng có vẻ như quá nhiều phiền phức.
Một yếu tối nữa là nỗi sợ. Để đến được một con đường phù hợp dành cho xe đạp, tôi phải đạp xe qua thành phố, và nỗi sợ tôi cảm thấy khi luồn lách giữa dòng xe cộ trên chiếc xe đạp thể thao với hai lốp xe mỏng dính và giày đạp xe buộc chặt vào pê-đan là một cái gì ta không thể hiểu nổi trừ phi ta đã kinh qua. Khi có kinh nghiệm hơn thì tôi cũng quen với điều đó, hay ít nhất cũng học được cách qua khỏi, nhưng có nhiều khoảnh khắc kinh hoàng đủ làm tôi toát mồ hôi lạnh.
Ngay cả khi tập luyện, mỗi khi cua nhanh vào một khúc quanh hẹp là tim tôi lại đập thình thịch. Nếu không đi đúng lộ trình và khom người theo góc độ phù hợp khi quẹo vào khúc quanh thì tôi sẽ lộn nhào hay đâm sầm vào hàng rào. Theo kinh nghiệm thì lý ra tôi đã phải tìm ra các tốc độ tối đa mình có thể thực hiện. Cũng khá là đáng sợ khi đạp xuống một cái dốc với tốc độ nhanh khi đường trơn trượt nước mưa. Trong một cuộc đua thì một sai lầm nhỏ cũng đủ để gây ra một vụ đâm xe kinh hoàng.
Về cơ bản, tôi vốn không phải là người lanh lẹ lắm và không thích các môn thể thao dựa trên tốc độ kết hợp với sự nhanh nhẹn, cho nên đạp xe dứt khoát không phải là sở trường của tôi. Chính vì vậy mà trong ba phần của cuộc thi ba môn phối hợp – bơi lội, đạp xe và chạy bộ - tôi luôn lần lữa tập xe đạp cho đến phút chót. Đó là khâu yếu nhất của tôi. Thậm chí dù tôi có vượt trội trong phần chạy trong ba môn phối hợp thì 6,2 dặm, chặng cuối cùng đó chưa bao giờ đủ dài để bù lại thời gian. Đó chính là lý do tôi đã quyết định phải liều dành thêm chút thời gian ra trò ôn đạp xe. Hôm nay là ngày 1 tháng Tám, cuộc đua thì vào ngày 1 tháng Mười, vậy là tôi còn đúng hai tháng. Tôi không chắc liệu mình có kịp rèn các cơ cần thiết để đạp xe không, nhưng ít nhất thì tôi cũng sẽ quen với xe đạp trở lại.
Chiếc xe tôi đang dùng là xe đạp thể thao Panasonic bằng titan nhẹ-tựa-hồng-mai mà tôi đã dùng bảy năm qua. Sang số xe cũng giống như một trong những chức năng cơ thể tôi vậy. Đó là một cái máy tuyệt vời. Ít nhất thì cái máy cũng khá hơn người dùng nó. Tôi đã đạp xe này khá nhiều trong bốn cuộc đua ba môn phối hợp rồi nhưng chưa từng có sự cố gì lớn. Trên thân xe có ghi “18 Till I Die” – 18 tuổi đến khi tôi chết – tên một bài hát nổi tiếng của Bryan Adams. Đó là một câu tếu, dĩ nhiên rồi. Mười tám tuổi đến khi ta chết nghĩa là chết lúc mười tám tuổi.
Hè này thời tiết ở Nhật thật lạ lùng. Mùa mưa, vốn bặt dần đi vào đầu tháng Bảy, năm nay lại kéo dài đến cuối tháng. Trời mưa nhiều đến nỗi tôi phát ngấy. Mưa như trút tại nhiều nơi ở Nhật, và có rất nhiều người thiệt mạng. Người ta nói tất cả là do sự nóng dần lên của trái đất. Có thể đúng thế, mà cũng có thể không. Một số chuyên gia cho là đúng như thế, một số khác bảo không phải. Có một số bằng chứng cho thấy thế, những bằng chứng khác lại không. Vậy nhưng người ta vẫn nói rằng phần lớn các vấn đề trái đất đang đối mặt ít hay nhiều đều do sự nóng dần lên của trái đất. Khi doanh thu hàng may mặc giảm đi, khi hàng tấn gỗ vụn dạt lên bờ, khi có lũ lụt và hạn hán, khi giá cả tiêu dùng tăng, phần lớn lỗi đều trút lên đầu sự nóng dần lên của trái đất. Cái thế giới này cần là một kẻ chịu trách nhiệm nhất định để người ta có thể chỉ mặt mà nói, “Tất cả là lỗi của mi đó!”
Dù sao đi nữa, do cái kẻ luôn luôn chịu trách nhiệm mà ta không thể đối phó này, trời vẫn cứ mưa, và tôi hầu như không thể tập đạp xe trong suốt tháng Bảy. Đó không phải lỗi của tôi – đó là lỗi của kẻ chịu trách nhiệm ấy. Dù sao, rốt cuộc mấy ngày cuối cùng này cũng nắng và tôi có thể lôi xe đạp ra ngoài trời. Tôi gài dây cái mũ sắt có dáng thuôn, đeo kính thể thao, rót nước đầy bình, canh lại đồng hồ đo tốc độ, rồi lên đường.
Điều đầu tiên cần nhớ khi đạp xe đạp đua là khom người tới trước càng nhiều càng tốt để bớt cản không khí – nhất là giữ ặt ta hướng tới trước và ngẩng lên. Bất luận thế nào ta cũng phải học được tư thế này. Chừng nào ta chưa quen thì việc giữ yên tư thế này trong hơn một giờ - như một con bọ ngựa đang cầu nguyện với cái đầu ngẩng cao – gần như là không thể. Chẳng mấy chốc lưng và cổ ta sẽ bắt đầu kêu gào. Khi ta mệt lử đi rồi thì đầu ta thường gục xuống và ta nhìn xuống, và một khi điều đó xảy ra thì tất cả những hiểm nguy đang rình rập ngoài kia ập đến.
Hồi tôi huấn luyện cho cuộc thi ba môn phối hợp đầu tiên của mình và đạp một mạch gần sáu mươi hai dặm, tôi đã đâm sầm ngay vào một cọc kim loại – một trong mấy cái cọc dựng lên để ngăn không cho xe hơi và xe máy dùng làn đường thể thao ven sông. Tôi mệt, tâm trí tôi đâu đâu, và tôi đã không chú ý giữ mặt mình hướng tới trước. Bánh trước của xe đạp bị vẹo cả, còn tôi thì lộn đầu xuống đất. Tôi bỗng nhiên thấy mình đúng nghĩa là bay trong không trung. May thay, cái mũ sắt bảo vệ đầu cho tôi, nếu không tôi đã bị chấn thương nặng rồi. Cánh tay tôi bị trầy xước khá nặng do cạ vào bê tông, nhưng tôi vẫn may mắn qua khỏi mà chỉ bị vậy thôi. Tôi biết một vài tay đua xe khác đã bị chấn thương còn nặng hơn nhiều.
Khi đã bị một tai nạn đáng sợ thế rồi, ta sẽ khắc cốt ghi tâm chuyện đó. Trong hầu hết trường hợp học được cái gì quan trọng trong đời cũng đòi hỏi một nỗi đau thể xác. Từ tai nạn trên xe đạp ấy, dù có mệt mỏi thế nào thì tôi cũng luôn giữ dầu ngẩng cao và hai mắt nhìn thẳng về con đường trước mặt.
Dĩ nhiên là tất cả sự tập trung chú ý này đè nặng lên các cơ của tôi vốn đã làm việc quá sức, nhưng ngay cả trong cái nóng tháng Tám này tôi cũng không đổ mồi hôi. Thực ra thì có lẽ tôi cũng có đổ mồ hôi, nhưng gió thổi ngược thổi mạnh làm cho nó bốc hơi. Thay vì vậy, tôi khát. Nếu cứ để vậy quá lâu thì tôi sẽ bị mất nước, và bị mất nước thì đầu óc tôi sẽ trở nên mụ mẫm đi. Tôi không bao giờ đi đạp xe mà không mang theo bình nước. Trong lúc đạp xe, tôi rút bình nước nơi giá ra, nốc ít nước, rồi để lại như cũ. Tôi đã tập ình làm chuỗi động tác này một cách nhuần nhuyễn, tự động, luôn bảo đảm vẫn nhìn về phía trước.
Khi mới bắt đầu đạp xe tôi hãy còn chưa biết ất giáp gì, nên tôi nhờ một người hiểu biết nhiều về đua xe đạp huấn luyện cho tôi. Vào kỳ nghỉ, hai chúng tôi thường chất xe đạp lên một chiếc xe ô tô liên hợp và lên đường ra bến tàu Oi. Xe tải thường không đến bến tàu vào ngày nghỉ, nên con đường rộng chạy qua tất cả các nhà kho này trở thành một đường đạp xe tuyệt vời. Rất nhiều tay đua xe đạp tụ tập ở đây. Hai chúng tôi thường quyết định xem chúng tôi sẽ đạp bao nhiêu vòng, trong bao lâu, rồi lên đường. Ông ta đi kèm tôi trong những chuyến đi đường dài – chính là kiểu chuyến đi mà lần nọ tôi gặp rủi ro.
Luyện tập xe đạp một mình, thật lòng mà nói, khá khắc nghiệt. Chạy cự ly dài để chuẩn bị arathon dứt khoát là đơn độc, nhưng cứ bám vài cái ghi đông, chỉ một thân một mình đạp mải miết là việc còn đơn độc hơn nhiều. Nó là chừng ấy động tác lặp đi lặp lại mãi. Ta lên dốc, trên mặt đất bằng, rồi xuống dốc. Đôi khi gió cùng chiều ta, đôi khi ngược chiều ta. Ta sang số khi cần, sửa lại tư thế, kiểm tra tốc độ, đạp mạnh lên nữa, thả lỏng một chút, kiểm tra tốc độ, uống nước, sang số, sửa tư thế … Có lúc tôi chợt nghĩ nó như một hình thức tra tấn rối rắm. Trong cuốn sách của mình, vận động viên ba môn phối hợp Dave Scott đã viết rằng trong tất cả các môn thể thao con người nghĩ ra, đạp xe hẳn là môn khó ưa nhất. Tôi hoàn toàn đồng ý.
Vậy nhưng, trong vài tháng trước, cuộc đua ba môn phối hợp, dù có bất hợp lý thế nào chăng nữa thì đây cũng là cái tôi phải làm. Ư ử tuyệt vọng cái đoạn điệp khúc trong bài “18 Till I Die”, đôi khi nguyền rủa thế gian, tôi nhấn chân xuống bàn đạp, nhấc lên, buộc hai chân mình nhớ đúng nhịp. Một ngọn gió nóng từ Thái Bình Dương lùa qua, sượt qua má tôi ran rát.
Thời gian của tôi ở Harvard kết thúc vào cuối tháng Sáu, có nghĩa là kết thúc thời gian lưu lại của tôi ở Cambridge. (Tạm biệt, bia hơi Sam Adams! Tạm biệt, Dunkin’ Donuts!) Tôi thu dọn hành lý trở về Nhật vào đầu tháng Bảy. Những việc chính tôi đã làm khi ở Cambridge là gì à? Cơ bản, tôi sẽ thú nhận, tôi đã mua rất nhiều đĩa than. Trong khu vực Boston vẫn còn rất nhiều tiệm bán đĩa cũ chất lượng tốt. Khi có thời gian tôi cũng xem qua mấy tiệm đĩa hát ở New York và Maine. Bảy mươi phần trăm đĩa tôi mua là nhạc jazz, phần còn lại là cổ điển, cộng với một ít đĩa nhạc rock. Tôi là một nhà sưu tập đĩa rất hay (hay có lẽ tôi nên nói là cực kỳ) say mê. Gửi tất cả đĩa này về Nhật qua bưu điện là cả một kỳ công.