CHƯƠNG 9 - ÍT RA ÔNG ẤY KHÔNG BAO GIỜ CUỐC BỘ
NGÀY 1 THÁNG MƯỜI NĂM 2006 - THÀNH PHỐ MURAKAMI, QUẬN NIIGATA
Có lần hồi tôi độ mười sáu tuổi và không còn ai ở nhà, tôi cởi hết quần áo ra, đứng trước một tấm gương lớn, săm soi cả người mình. Trong lúc làm thế, tôi nhẩm liệt kê tất cả các hiếm khuyết – hay có mà, ít nhất là đối với tôi, có vẻ như khiếm khuyết. Ví dụ (và đây chỉ là ví dụ), lông mày tôi quá rậm, hay móng tay tôi có hình dạng kỳ cục – và cứ thế. Như tôi nhớ lại, khi tôi đếm đến món thứ hai mươi bảy, tôi phát ngán và bỏ cuộc. Và đây là điều tôi đã nghĩ: Nếu có nhiều bộ phận nhìn thấy được nơi thân thể mình xấu hơn ở người bình thường đến thế này, thế thì nếu mình bắt đầu xem ở khía cạnh khác – tính cách, trí tuệ, độ lực lưỡng, các thứ kiểu vậy – thì danh sách sẽ dài dằng dặc.
Mười sáu là một tuổi cực kỳ rắc rối. Ta lo lắng về những thứ nhỏ nhặt, không xác định được mình ở đâu theo một cách thức khách quan nào cả, trở nên rất chi thành thạo những kỹ năng lạ lùng, vô nghĩa, và nô lệ cho những mặc cảm không thể cắt nghĩa nổi. Dù sau, khi ta lớn hơn, bằng cách thử và sai, ta học cách đạt được cái ta cần và ném đi cái cần phải bỏ. Và ta bắt đầu nhận ra (hay đành chấp nhận thức tế) rằng do lỗi lầm và khiếm khuyết của ta gần như vô tận, tốt nhất ta nên nhận thức ra những ưu điểm của mình và học cách xoay xở với cái mình có.
Nhưng cái thứ cảm giác đáng ghét tôi từng cảm thấy khi đứng trước gương ở tuổi mười sáu ấy, liệt kê tất cả những khiếm khuyết thể xác của mình, vẫn còn là một kiểu tiêu chuẩn cho tôi ngay cả giờ đây. Cái bảng cân đối kế toán buồn bã của đời tôi tiết lộ cho thấy bên nợ của tôi vượt quá bên có của tôi chừng nào.
Giờ đây, chừng bốn mươi năm sau, khi tôi đứng trên bờ biển mặc bộ đồ bơi màu đen, kính bơi trên đầu, chờ đến giờ xuất phát cuộc thi ba môn phối hợp, cái ký ức rất lâu về trước này bỗng đâu xuất hiện về trong tôi. Và một lần nữa tôi thấy ấn tượng là cái vật chứa bé mọn gọi là tôi này mới đáng thương và vô nghĩa làm sao, tôi là một sinh thể què quặt, tồi tàn làm sao. Tôi cảm thấy như tất cả những gì mình đã làm trong đời là một sự lãng phí hoàn toàn. Vài phút tới đây tôi sẽ bơi 0,93 dặm, đạp xe 24,8 dặm, rồi chạy 6,2 dặm cuối cùng. Và tất cả ấy là để chứng minh cái gì vậy? Chuyện này khác ra sao so với việc đổ nước vào một cái chảo cũ có một lỗ thủng nhỏ xíu dưới đáy?
Thôi được, ít nhất thì đó cũng là một ngày đẹp trời, lý tưởng – thời tiết lý tưởng cho ba môn phối hợp. Không có gì, không một gợn sóng trên biển. Ánh nắng chan hơi ấm lên khắp mặt đất, nhiệt độ chừng 22,7 độ C. Nước thì thật lý tưởng. Đây là lần thứ tư tôi tham gia ba môn phối hợp ở thành phố Murakami quận Niigata, tất cả những năm trước điều kiện rất khắc nghiệt. Có lần biển quá động, biển Nhật Bản vào mùa thu thường hay động như thế, nên chúng tôi phải thay thế phần bơi bằng chạy dọc bãi biển. Ngay cả khi điều kiện không dữ dội như thế thì rôi cũng đã kinh qua mọi thứ tồi tệ rồi: trời thường hay mưa, hay sóng thường cao đến nỗi tôi không thể thở đều khi bơi trườn, không thì trời cũng lạnh đến nỗi tôi chết cóng trên xe đạp. Thực ra, mỗi khi chạy xe 217 dặm đến Niigata tham gia ba môn phối hợp này tôi luôn dự kiến điều tồi tệ nhất về thời tiết, tin chắc rằng cái gì đó khủng khiếp sắp xảy ra. Nó cũng có thể là một kiểu tập luyện về ý niệm cho tôi. Cả lần này cũng vậy, khi thoạt nhìn thấy biển trong xanh ấm áp, tôi cảm thấy như ai đó đang cố đánh lừa mình. Đừng để bị bịp, tôi cảnh cáo mình. Đây chỉ là giả bộ thôi; chắc chắn phải có một cái bẫy phục kích. Có thể là một đàn sứa độc, hiểm ác. Hay một con gấu đói cồn cào trước kỳ ngủ đông sẽ nhảy bổ vào xe đạp của tôi. Cũng có thể tôi sẽ bị một đàn ong giận dữ tấn công. Có thể vợ tôi, chờ tôi ở đích, đã phát hiện ra vài bí mật khủng khiếp về tôi (tôi bỗng cảm thấy như thực ra có thể cũng có vài bí mật). Khỏi phải nói, tôi luôn nghĩ đến cuộc thi đấu này, Ba môn phố hợp Quốc tế Murakami, với một chút lo lắng. Tôi chưa hề biết được cái gì sẽ xảy ra.
Dù sao, giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa, hôm nay thời tiết thật tuyệt. Trong khi đứng đây trong bộ đồ cao su, tôi quả đã bắt đầu thấy ấm lên.
Quanh tôi là những người cũng ăn mặc như thế, tất cả đều bồn chồn chờ cuộc đua bắt đầu. Một cảnh tượng kỳ lạ, cứ nghĩ mà xem. Chúng tôi giống như một bầy cá heo bé bỏng tội nghiệp dạt vào bờ, chờ thủy triều lên. Tất cả những người khác đều trông phấn chấn về cuộc đua hơn tôi. Cũng có thể chỉ có vẻ thế thôi. Dù sao, tôi đã quyết định giữ cho đầu óc mình rỗng không, loại trừ những thứ vô ích. Tôi đã đi cả một chặng đường thế này rồi, giờ tôi phải làm hết sức mình để vượt qua cuộc đua. Trong ba giờ đồng hồ tất cả những gì tôi cần làm là giữ cho đầu óc mình rỗng không và chỉ bơi, đạp xe và chạy.
Khi nào chúng tôi mới xuất phát nhỉ? Tôi nhìn đồng hồ. Nhưng từ lần xem vừa rồi đến giờ chỉ mới một chốc thôi. Một khi cuộc đua bắt đầu rồi thì tôi sẽ, lý tưởng mà nói, không có thời gian đâu mà nghĩ ngợi …
Cho đến lúc ấy, tôi đã có mặt trong sáu cuộc thi ba môn phối hợp có độ dài khác nhau, dù trong bốn năm, từ 2001 đến 2004, tôi không tham gia một cuộc thi nào cả. Khoảng trống trong ghi chép của tôi sở dĩ có là vì trong Ba môn phố hợp Murakami năm 2000 tôi bỗng thấy mình không bơi được và bị loại. Phải mất một ít thời gian mới vượt qua được cú sốc và lấy lại bình tĩnh. Tôi hoàn toàn không rõ vì sao mình không thể bơi. Tôi nghiền ngẫm nhiều khả năng khác nhau trong đầu, và khi tôi làm thế thì lòng tự tin của tôi sút giảm. Tôi đã tham gia nhiều cuộc thi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nằm trong Danh sách bị loại.
Nói đúng ra, đây không phải là lần đầu tiên tôi lỡ lầm ở phần bơi trong ba môn phối hợp. Trong hồ bơi hay trên biển tôi có thể bơi trườn cự ly dài mà không cố sức. Thông thường tôi có thể bơi 1.500 mét (một dặm của người bơi) trong khoảng ba mươi ba phút – không đặc biệt nhanh, nhưng đủ khá trong ba môn phối hợp. Tôi lớn lên gần biển và quen bơi trên biển. Một số người chỉ tập trong hồ bơi không thôi thì thấy bơi trên biển là khó và còn đáng sợ nữa, nhưng tôi thì không. Tôi thực ra còn thấy bơi trên biển dễ hơn vì có nhiều không gian và dễ nổi hơn.
Thế nhưng, không hiểu sao, hễ đến cuộc thi thật thì tôi lại trượt phần bơi. Ngay cả khi bước vào cuộc thi Tinman có cự ly tương đối ngắn, ở Oahu, Hawaii, tôi cũng không thể bơi trườn tốt. Tôi bước xuống nước, sẵn sàng bơi, nhưng rồi đột nhiên khó thở. Tôi ngóc đầu lên để thở, vẫn như mọi khi, nhưng đã hết thời gian. Và khi tôi không thở đúng, nỗi hoảng sợ xâm chiếm và cơ bắp tôi căng lên. Ngực tôi bắt đầu đập thình thịch, và tay chân tôi không chuyển động theo cách tôi muốn. Tôi đâm ra sợ úp mặt dưới nước và bắt đầu hoảng hốt.
Trong cuộc thi Tinman, phần bơi ngắn hơn bình thường, chỉ nửa dặm, nên tôi có thể bỏ bơi trườn và chuyển qua bơi ếch. Nhưng trong cuộc đua 1.500 mét hợp thức ta không thể qua được bằng cách bơi ếch. Nó chậm hơn bơi trườn, và cuối cùng hai chân ta sẽ kiệt quệ. Vậy nên trong cuộc đua Ba môn phối hợp Murakami năm 2000, thứ duy nhất dành lại cho tôi là bị loại một cách đau đớn.
Tôi nhoi ra khỏi nước và lên bờ, nhưng cảm thấy tự giận mình đến nỗi lại trở xuống nước và cố bơi theo đường bơi lần nữa. Những người tham gia khác xong phần bơi trước đó đã lâu và đã xuất phát chặng xe đạp, nên tôi bơi có một mình. Và lần này tôi có thể bơi trườn mà không sao cả. Tôi có thể hít thở dễ dàng và cửa động cơ thể nhẹ nhàng. Vậy sao mình lại không thể bơi như thế này trong cuộc thi?
Trong cuộc thi ba môn phối hợp đầu tiên mà tôi tham gia có phần xuất phát nổi trên mặt nước, tất cả những người tham gia xếp hàng dưới nước. Trong lúc chúng tôi đang chờ thì người đứng kế tôi đạp mạnh vào sườn tôi mấy lần. Đó là cuộc thi, nên chuyện đó là bình thường – ai cũng cố vượt lên trước người khác và đi đường tắt. Bị đánh trúng cùi chỏ khi đang bơi, bị đạp, uống phải nước, kính bơi rơi ra – tất cả đều là chuyện thông thường. Nhưng với tôi, bị đạp mạnh như thế trong cuộc đua đầu tiên của mình là một cú sốc, điều đó có lẽ đã làm phần bơi của tôi bị rối beng. Có lẽ trong tiềm thức ký ức đó trở về trong tôi mỗi khi tôi xuất phát một cuộc đua. Tôi không muốn nghĩ như thế, nhưng khía cạnh tinh thần trong cuộc đua là quyết định, nên điều đó là rất có thể....
Một vấn đề nữa là có gì đó không ổn trong cách tôi bơi. Lối bơi trườn của tôi là tự học, tôi chưa từng có huấn luận viên. Tôi có thể bơi tùy thích, nhưng chưa ai nói là tôi có một dáng bơi tiết kiệm sức hay là đẹp. Cơ bản thì đó là kiểu bơi mà tôi cứ làm hết sức mình. Suốt một thời gian dài tôi cứ nghĩ nếu mình có ý định nghiêm túc với ba môn phối hợp thì mình phải làm gì đó để hoàn thiện phần bơi lội của mình. Bên cạnh việc tìm hiểu cái bất ổn về mặt tinh thần, tôi còn nghĩ, tác động tới hình thức bơi cũng là việc đáng làm. Nếu tôi có thể hoàn thiện khía cạnh kỹ thuật trong bơi lội, những vấn đề khác cũng có thể trở nên sáng tỏ hơn.
Vậy là tôi hoãn thách thức ba môn phối hợp của mình lại bốn năm. Trong thời gian đó tôi duy trì chạy đường dài như thường lệ và tham gia một cuộc đua marathon mỗi năm. Nhưng không hiểu sao tôi cứ không vui. Việc tôi thất bại trong ba môn phối hợp chịu trách nhiệm một phần trong chuyện này. Một ngày nào đó mình sẽ phục thù, tôi nghĩ. Cứ hễ gặp những chuyện như thế này thì tôi khá là ngoan cố.Nếu có thứ gì tôi không làm được nhưng muốn làm, tôi sẽ không chịu yên chừng nào còn chưa làm được.
Tôi thuê vài huấn luyện viên bơi lội để tôi cải thiện hình thức bơi, nhưng không một ai trong số họ là người tôi cần tìm. Rất nhiều người biết bơi, nhưng những người có thể dạy bơi có hiệu quả thì hiếm hoi. Đó là cảm nhận của tôi. Khó mà dạy viết tiểu thuyết (ít nhất thì tôi biết mình không thể), nhưng dạy bơi cũng khó như thế. Và điều này không chỉ giới hạn ở bơi lội và tiểu thuyết. Dĩ nhiên có những người thầy có thể dạy một môn nhất định, theo một trật tự nhất định, sử dụng những câu đã chọn sẵn, nhưng không có mấy người có thể điều chỉnh cách dạy dỗ tùy theo khả năng và thiên hướng của học trò mình và giải thích các thứ theo thiên hướng của chúng. Có lẽ là không có một ai.
Tôi đã phí hai năm đầu cố tìm cho ra một huấn luyện viên giỏi. Mỗi huấn luyện viên mới sửa lại động tác bơi của tôi vừa đủ làm việc bơi của tôi rối tinh lên, đôi khi đến mức tôi hầu như không bơi được nữa. Dĩ nhiên là sự tự tin của tôi mất hết. Thế này thì còn lâu tôi mới tham gia một cuộc thi ba môn phối hợp được.
Mọi chuyện bắt đầu sáng sủa lên vào khoảng thời gian tôi nhận ra rằng sửa đổi động tác của mình âu là không thể được. Vợ tôi là người đã tìm ra cho tôi một huấn luyện viên giỏi. Suốt đời mình, nàng chưa bao giờ bơi được, nhưng nàng tình cờ gặp một nữ huấn luyện viên trẻ tại phòng thể dục mà nàng là một thành viên, và bạn sẽ không thể tin nổi bây giờ nàng bơi giỏi như thế nào đâu. Nàng khuyên tôi cũng nên thử thuê người phụ nữ trẻ này làm huấn luyện viên ình.
Điều đầu tiên huấn luyện viên này làm là kiểm tra bơi lội tổng quát của tôi và hỏi mục tiêu của tôi là gì. “Tôi muốn tham gia một cuộc thi ba môn phối hợp”, tôi bảo cô ấy. “Vậy là ông muốn có thể bơi trườn trên biển và bơi cự ly dài?” cô ấy hỏi. “Đúng thế”, tôi đáp. “Tôi không cần bơi nước rút cự ly ngắn”. “Tốt lắm”, cô ấy nói. “Tôi mừng là ông có những mục tiêu rõ ràng. Điều đó khiến mọi chuyện dễ dàng hơn cho tôi.”
Vậy là chúng tôi bắt đầu bài học một thầy một trò để điều chỉnh động tác bơi của tôi. Phương pháp của cô ấy không phải là lối “đốt rẫy làm nương”, dẹp bỏ hoàn toàn cách tôi đã bơi cho đến nay và xây lại từ nền móng mà lên. Tôi cho rằng đối với người hướng dẫn, điều chỉnh lại động tác ột người vốn đã bơi được tàm tạm là việc khó hơn nhiều so với bắt đầu ột người chưa biết bơi, một tờ giấy trắng. Chẳng dễ mà bỏ được những thói quen bơi lội sai, vậy nên huấn luyện viên mới của tôi không cố kiên cưỡng làm lại toàn bộ. Thay vì vậy, cô ấy xem lại từng động tác nhỏ tôi thực hiện, từng động tác một, suốt một thời gian dài.
Điều đặc biệt ở lối dạy của người phụ nữ này là ban đầu cô ấy không dạy ta động tác theo như sách vở. Xoay người, ví dụ vậy. Để học trò mình học được cách đúng, cô bắt đầu bằng việc dạy bơi mà không xoay người. Nói cách khác,những người tự học bơi trườn có khuynh hướng ý thức thái quá về chuyện xoay người. Vì vậy mà có quá nhiều sức cản của nước và tốc độ của họ giảm đi – thêm nữa là,họ phí sức. Vậy nên ban đầu, cô ấy dạy ta bơi như một tấm ván dẹt mà không hề xoay người – nói cách khác, hoàn toàn ngược lại với sách vở vẫn nói. Khỏi phải nói, khi bơi cách đó tôi cảm thấy mình như một người bơi tồi tệ, vụng về. Vì tập kiên trì, tôi đã có thể bơi theo cách cô ấy bảo tôi, theo cái kiểu vụng về ấy, nhưng tôi không tin chắc nó có ích lợi gì.
Và rồi, vẫn rất từ từ như vậy, huấn luyện viên của tôi bắt đầu thêm vào ít động tác xoay người. Không nhấn mạnh là chúng tôi đang tập xoay người, mà chỉ dạy một cách chuyển động riêng biệt. Người học trò không biết mục đích thực của kiểu thực hành này là gì. Y cứ làm y lời, cứ vận động một bộ phận cơ thể nào đó của y. Ví dụ, nếu đó là làm sao để xoay vai, ta chỉ cần lặp đi lặp lại động tác đó mãi. Có khi ta bỏ cả khóa bơi chỉ để xoay vai thôi. Cuối cùng ta mệt lử và kiệt sức, nhưng về sau, nhìn lại, ta nhận ra tất cả ấy là để làm gì. Các phần vào đúng vị trí, ta có thể thấy toàn thể bức tranh và cuối cùng cũng hiểu ra vai trò của từng phần riêng lẻ. Bình minh lên, trời sáng, và màu sắc cùng hình dạng của những mái nhà, cái ta chỉ có thể thấy mơ hồ thoảng nhạt trước đó, trở nên rõ nét.
Điều này tương tự như tập đánh trống. Ta buộc phải tập các kiểu đánh trống bass mà thôi, ngày này qua ngày khác. Rồi ta bỏ ra nhiều ngày chỉ đánh chũm chọe. Rồi chỉ đánh trống tom tom… Dĩ nhiên là đơn điệu và chán ngắt, nhưng một khi tất cả kết hợp lại với nhau thì ta có được một nhịp điệu chắc nịch. Để đến được đó ta phải kiên quyết, mạnh mẽ và rất kiên nhẫn siết chặt đinh ốc của từng phần riêng lẻ. Điều này mất thời gian, dĩ nhiên rồi, nhưng đôi khi mất thời gian thực ra lại là đi đường tắt. Đây là con đường tôi đã theo trong bơi lội, sau một năm rưỡi thì tôi đã có thể bơi cự ly dài uyển chuyển và hiệu quả hơn bao giờ hết.
Và trong khi đang tập luyện môn bơi, tôi đã có một khám phá quan trọng. Tôi bị khó thở trong suốt cuộc đua vì tôi thở quá mạnh. Điều ấy cũng đã xảy ra khi tôi bơi trong hồ cùng với huấn luyện viên của mình,và ý nghĩ đó chợt lóe trong tôi: ngay trước khi xuất phát cuộc đua tôi đã thở quá sâu và quá nhanh. Có lẽ vì hồi hộp trước cuộc đua mà tôi đã hít quá nhiều oxy một lúc. Điều này dẫn đến việc tôi hít thở quá nhanh khi bắt đầu bơi, đến lượt nó điều này làm sai lệch thời gian thở của tôi.
Thật là nhẹ cả người khi cuối cùng tôi cũng đã xác định được đúng vấn đề. Tất cả những gì tôi cần làm lúc này là đảm bảo sao cho không hít thở quá mạnh. Giờ đây, trước khi cuộc đua bắt đầu, tôi bước xuống biển, bơi một chút, để cơ thể và đầu óc mình quen với bơi dưới biển. Tôi hít thở điều hòa, tránh hít thở mạnh, và hít thở mà che tay lên miệng để không hít vào quá nhiều oxy. “Giờ mình đã sẵn sàng rồi,” tôi tự nhủ. “Mình đã thay đổi động tác bơi, và mình không còn là người bơi như trước nữa.”
Và vậy là, vào năm 2004, lần đầu tiên trong bốn năm, tôi lại tham gia Ba môn phối hợp Murakami. Một tiếng còi báo hiệu xuất phát, tất cả mọi người đều bắt đầu bơi, và ai đó đạp bên sườn tôi. Giật mình, tôi sợ rằng một lần nữa sẽ rối loạn cả lên. Tôi uống phải ít nước, và trong đầu tôi thoáng có ý nghĩ là tôi nên chuyển qua bơi ếch một lát. Nhưng dũng khí của tôi trở lại, và tôi tự nhủ rằng không cần phải làm thế, rằng mọi chuyện sẽ ổn cả. Tôi hít thở êm trở lại, và tôi lại bắt đầu bơi trườn. Tôi tập trung không chỉ hít vào mà còn thở ra trong nước. Và tôi nghe thấy cái âm thanh dễ chịu thân quen của hơi thở mình sủi bong bóng dưới nước ấy. Giờ mình ổn rồi, tôi tự nhủ khi rẽ sóng thẳng tắp.