Lúc tôi chạy ở Athens ấy là giữa mùa hè. Như những ai từng đến đấy đều biết, cái nóng thật không thể tin nổi. Dân địa phương, trừ phi chẳng đặng đừng, nếu không thì họ tránh ra ngoài vào buổi chiều. Họ chẳng làm gì cả, miễn sao cứ được mát trong bóng râm để giữ sức. Chỉ khi mặt trời lặn họ mới bắt đầu ra đường. Hầu như những người duy nhất ta thấy đi ngoài đường vào chiều hè ở Hy Lạp là du khách. Ngay cả lũ chó cũng chỉ nằm trong bóng râm không nhúc nhích. Ta phải nhìn chúng một hồi lâu mới biết được chúng còn sống hay không. Trời nóng đến như vậy đấy. Chạy bộ hai mươi sáu dặm trong cái nóng như thế thì chẳng kém gì một hành động điên rồ.
Khi tôi nói ấy người Hy Lạp nghe kế hoạch chạy bộ một mình từ Athens đến Marathon của mình, tất cả họ đều nói cùng một điều: “Thật điên rồ. Chẳng ai có đầu óc tỉnh táo lại nghĩ đến chuyện đó.” Trước khi đến đây, tôi chẳng biết mùa hè ở Athens nóng thế nào cả, vậy nên tôi khá khinh suất về chuyện đó. Tất cả những gì mình phải làm là chạy hai mươi sáu dặm thôi, tôi nghĩ, chỉ nghĩ đến cự ly. Trong đầu tôi chưa một lần nào nghĩ đến chuyện nhiệt độ. Thế nhưng, đến Athens rồi, trời nóng như thiêu như đốt đến nỗi tôi quả đã bắt đầu thấy lo. Người ta nói đúng đấy, tôi nghĩ. Mình phải khùng điên lắm mới muốn làm chuyện này. Vậy nhưng tôi đã trót có cái cử chỉ khoe mẽ ấy rồi, hứa là sẽ chạy quãng đường marathon khởi thủy và viết bài về nó, và tôi đã bay cả chặng đường đến Hy Lạp để hoàn tất nó. Giờ thì chẳng thể nào thoái lui được nữa rồi. Tôi vắt óc nghĩ cách làm sao để tránh bị cái nóng làm kiệt sức, và cuối cùng nảy ra cái ý là rời Athens vào sáng sớm, khi trời còn mờ tối, và đến được Marathon trước khi mặt trời lên cao. Càng muộn trời sẽ càng nóng. Hóa ra nó lại hệt như câu chuyện “Chạy đi, Melos!” về một cuộc thi chạy nhanh hơn mặt trời.
Nhiếp ảnh gia của tờ tạp chí, Masao Kageyama, sẽ ngồi xe tải hộ tống tôi dọc đường. Ông ta sẽ chụp hình trong lúc họ chạy xe theo. Đó không phải là một cuộc đua thực sự, và cũng không có trạm tiếp nước nào cả, vậy nên thỉnh thoảng tôi dừng lại để lấy nước trong xe. Mùa hè Hy Lạp quả là tàn khốc, và tôi biết mình sẽ phải cẩn thận đừng để bị mất nước.
“Ông Murakami này,” ông Kageyama nói, ngạc nhiên khi thấy tôi đã sẵn sàng chạy, “ông không thực sự nghĩ đến chuyện chạy hết đoạn đường, phải không?”
“Dĩ nhiên tôi thực sự nghĩ chứ. Đó là lý do tôi đến đây mà.“
“Thật sao? Nhưng khi bọn tôi thực hiện mấy kiểu chương trình này thì hầu hết người ta không đi hết con đường. Bọn tôi chỉ chụp ít tấm hình, và phần lớn họ không hoàn tất cả lộ trình. Vậy là ông định sẽ chạy hết thật à? “
Đôi khi thế gian này làm tôi ngạc nhiên. Tôi không thể tin được là mọi người quả đã có thể làm những chuyện như vậy.
Dù gì đi nữa, tôi đã bắt đầu chạy vào lúc năm giờ ba mươi sáng tại sân vận động mà về sau được dùng trong Olympic Athens 2004, và lên đường đi Marathon. Chỉ có một quốc lộ chính. Một khi bạn chạy trên đường Hy Lạp thì bạn sẽ hiểu, vì đường được lát theo cách khác. Thay vì sỏi, họ trộn vào cả bột đá cẩm thạch, làm cho con đường loang loáng dưới ánh nắng và rất trơn trượt. Khi trời mưa ta phải rất cẩn trọng. Ngay cả khi trời không mưa thì đế giày của ta cũng tạo ra tiếng kin kít, và hai giò của ta có thể cảm thấy mặt đường trơn ra sao.
Dưới đây là dạng giản lược bài viết cho tờ tạp chí về vòng chạy Athens-Marathon của mình.
o O o
Mặt trời mỗi lúc một lên cao hơn. Con đường nằm bên trong thành phố Athens rất khó chạy. Từ sân vận động đến lối vào quốc lộ đâu chỉ chừng ba dặm mà lại có quá nhiều đèn giao thông dọc đường, làm rối tinh nhịp độ của tôi. Cũng có rất nhiều chỗ có công trình xây dựng và xe đậu song song làm nghẽn đường, buộc tôi phải ra giữa lòng đường. Vì xe hơi phóng vun vút vào sáng sớm nên chạy bộ ở đây có thể nguy hiểm.
Mặt trời bắt đầu ló dạng ngay khi tôi bước vào Đại lộ Marathon, và tất cả đèn đường đồng loạt phụt tắt. Thời khắc mặt trời mùa hè ngự trị khắp mặt đất đang đến rất nhanh. Mọi người đã bắt đầu xuất hiện tại các trạm xe buýt. Người Hy Lạp ngủ trưa vào buổi trưa, vậy nên họ thường đi làm khá sớm. Tất cả họ đều nhìn tôi tò mò. Không thể hình dung là nhiều người trong số họ trước đây đã từng nhìn thấy một người Đông phương chạy trên những con đường của Athens trước rạng đông. Nói gì thì nói, Athens không phải là kiểu thành phố có nhiều người chạy đua.
Chạy được bốn dặm đầu thì tôi lột cái áo chạy bộ và để trần từ thắt lưng trở lên. Tôi luôn chạy không mặc sơ mi, vậy nên thật dễ chịu khi cởi nó ra (dù kết cục là về sau tôi bị cháy da khủng khiếp). Cho đến dặm thứ tám thì tôi vẫn đang chạy trên một con dốc thoai thoải. Hầu như chẳng có lấy một tí gió. Khi đến được đầu con dốc, có cảm giác như thể cuối cùng thì tôi cũng đã rời thành phố. Tôi nhẹ nhõm, nhưng đồng thời đây cũng là nơi mà vỉa hè biến mất, thay bằng chỉ một vạch sơn trắng dọc đường, phân cách ra một làn đường hẹp. Giờ cao điểm đã bắt đầu, lượng xe ô tô đã tăng lên. Mấy chiếc xe buýt và xe tải lớn vút sát sườn tôi, với tốc độ khoảng năm mươi dặm một giờ. Bạn hẳn đã có một ý niệm lịch sử mơ hồ về một con đường mang tên Đại lộ Marathon, nhưng cơ bản thì nó chỉ là một đường cao tốc giao thông bình thường thôi.
Đó chính là lúc tôi gặp phải con chó chết đầu tiên, một con chó lớn, màu nâu. Tôi không thấy nó có chấn thương bên ngoài nào. Nó chỉ nằm ra giữa đường. Tôi nghĩ nó là một con chó đi lạc bị một chiếc xe phóng nhanh đâm phải lúc nửa đêm. Cơ thể nó vẫn còn có vẻ ấm, vậy nên nó trông như chưa chết. Trông nó như đang ngủ hơn. Mấy tài xế xe tải phóng qua chẳng thèm ngó lại.
Xa hơn chút nữa tôi gặp phải một con mèo bị xe hơi cán dẹp lép. Con mèo xẹp lép, giống như một cái bánh pizza méo mó và khô queo. Chắc nó đã bị cán lâu rồi.
Đó là kiểu đường mà tôi đang nói.
Đến lúc này thì tôi quả thực đã bắt đầu tự hỏi là tại sao, sau khi đã bay cả một chặng đường từ Tokyo đến đất nước xinh đẹp này, tôi lại phải chạy trên con đường giao thông thê lương đến như thế này. Hẳn phải có những thứ khác để tôi làm chứ. Xác của tất cả những con thú tội nghiệp đã mất mạng trên đại lộ Marathon này, vào ngày hôm đó, đếm được là ba con chó và mười một con mèo. Tôi đã đếm tất cả chúng đến não cả lòng.
Tôi cứ tiếp tục chạy. Mặt trời đã ló dạng hoàn toàn, mọc trên bầu trời với độ dốc không thể tin được. Tôi đang khát khô. Tôi không có thời gian để đổ mồ hôi, vì không khí khô đến nỗi mồ hôi toát ra sẽ lập tức bốc hơi, để lại một lớp muối trắng. Có lối diễn đạt những hạt mồ hôi, nhưng ở đây mồ hôi tan biến trước khi nó thành hạt. Toàn thân tôi bắt đầu rát vì bã muối. Khi tôi liếm môi thì nó có vị mặn như cá trồng. Tôi bắt đầu tơ tưởng đến một ly bia đá, một ly lạnh buốt người. Dù vậy, quanh đó chẳng có bia bọt nào hết, vậy nên cứ cách khoảng chừng ba dặm tôi lại phải đành lòng uống nước trong xe của mấy người biên tập. Tôi chưa bao giờ uống nhiều nước đến như thế trong khi chạy bộ.
Dẫu sao tôi cũng cảm thấy khá ổn. Còn sức nhiều. Tôi chỉ đang chạy khoảng 70 phần trăm khả năng, nhưng vẫn giữ được một độ dốc kha khá. Đến những chỗ rẽ con đường dốc lên, rồi xuôi xuống. Vì tôi đang chạy từ đất liền ra hướng biển nên con đường nhìn chung khá là dốc xuống. Tôi bỏ lại sau lưng thành phố, rồi ngoại ô, rồi dần dần tiến vào vùng thôn dã hơn. Khi tôi qua ngôi làng nhỏ Nea Makri, mấy cụ già ngồi quán cà phê ngoài trời nhấm nháp cà phê sáng trong những cái tách bé xíu lặng lẽ nhìn khi tôi chạy ngang. Như thể các cụ đang chứng kiến một cảnh tượng ngược dòng lịch sử.
Đâu chừng ở dặm thứ mười bảy có một cái dốc, và khi đã đứng trên nó rồi thì tôi thoáng thấy mấy ngọn đồi Marathon. Tôi tính là mình đã chạy được hai phần ba đường chạy. Tôi nhẩm tính thời gian phân chia và ước chừng với tốc độ này tôi có thể về đích trong ba giờ rưỡi nữa. Nhưng mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ thế. Sau khi tôi chạy được mười chín dặm thì gió ngược từ biển bắt đầu thổi, và càng tiến gần Marathon thì gió càng thổi mạnh. Gió mạnh đến nỗi nó làm da thịt tôi rát buốt. Có cảm giác như chỉ cần dừng chân thư giãn chút thôi là tôi sẽ bị thổi ngược về sau. Mùi biển thoảng đưa lại phía tôi khi con đường thoai thoải dốc lên. Chỉ có một con đường đến Marathon, thẳng như thước kẻ. Đó là khi tôi bắt đầu cảm thấy đuối thực sự. Dù có uống bao nhiêu nước đi nữa thì chỉ vài phút sau tôi đã lại thấy khát. Có một ly bia lạnh ngon lành thì còn gì bằng.
Không – quên bia đi. Và quên cả mặt trời đi. Quên gió. Quên cả bài báo mình phải viết. Chỉ tập trung vào việc đưa hai bàn chân mình tới trước, bàn chân này tiếp bàn chân kia. Đó là điều duy nhất quan trọng.
Tôi vượt được hơn hai mươi dặm. Tôi chưa từng chạy nhiều hơn hai mươi dặm, vậy nên đây là vùng đất lạ. Bên trái là một dãy núi còi cọc lởm chởm. Ai lại có thể tạo ra chúng thế? Bên phải, một dãy vườn ô liu ngút ngàn. Mọi thứ trông như phủ một lớp bụi trắng. Còn gió mạnh từ biển thổi vào thì không hề dịu đi. Có chuyện gì với ngọn gió này vậy? Sao nó lại phải dữ dội đến nhường này?
Tới đâu như dặm thứ hai mươi ba thì tôi bắt đầu căm ghét mọi thứ. Đủ rồi! Sức lực của mình đã cạn sạch rồi, mình không muốn chạy nữa. Tôi cảm thấy như mình đang lái một chiếc xe hết xăng. Tôi muốn uống nước, nhưng nếu dừng ngay đây để uống chút nước thì tôi không tin mình có thể tiếp tục chạy. Tôi sắp chết khát nhưng không còn đủ sức để uống nước nữa. Khi những ý nghĩ này lướt qua đầu, tôi dần trở nên giận dữ. Giận lũ cừu đang nhởn nhơ gặm cỏ nơi lô đất trống bên đường, giận gã nhiếp ảnh đang ngồi trong xe chụp hình ra. Tiếng cái cửa chập làm tôi điên tiết lên. Dù sao thì ai cần nhiều cừu thế chứ? Nhưng việc bấm cửa chập là việc của gã nhiếp ảnh, cũng như nhai cỏ là chuyện của lũ cừu, vậy nên tôi chẳng có quyền gì mà kêu ca. Ấy thế mà, toàn bộ chuyện ấy thực sự làm tôi bực bội không dứt. Da tôi bắt đầu phồng lên thành những đốm rộp nhỏ màu trắng. Chuyện này đang trở nên ngu ngốc đây. Dù sao thì có chuyện gì với cái nóng này vậy chứ?
Tôi vượt qua mốc hai mươi lăm dặm.
“Chỉ một dặm nữa thôi. Cố lên!” gã biên tập trong xe hồ hởi la lên. Anh nói thì dễ lắm, tôi muốn quát lại, nhưng không. Mặt trời rõ ràng đang thiêu đốt. Chỉ mới hơn chín giờ sáng mà tôi cảm thấy như đang ngồi trong lò lửa. Mồ hôi tràng vào mắt tôi. Muối làm tôi cay rát, và trong chốc lát tôi không thấy được gì cả. Tôi đưa tay lau mồ hôi, nhưng cả bàn tay và mặt tôi cũng đầy cả muối, nó làm mắt tôi còn rát hơn.
Bên kia đám cỏ mùa hè cao ngất tôi chỉ có thể nhìn thấy vạch đích, đài kỷ niệm Marathon tại lối vào ngôi làng cùng tên. Nó hiện ra đột ngột đến nỗi thoạt đầu tôi không chắc là nó có đúng là đích không nữa. Tôi vui mừng khi thấy vạch đích, rõ ràng là thế rồi, nhưng sự đột ngột ấy không hiểu sao làm tôi điên tiết. Vì đây là chặng cuối của đường chạy, tôi muốn có một nỗ lực cuối cùng, mãnh liệt là chạy nhanh hết sức mình, nhưng hai chân tôi lại có suy nghĩ riêng của chúng. Tôi hoàn toàn không nhớ làm sao để vận động cơ thể mình. Tất cả các cơ bắp của tôi có cảm giác như đã bị một cái bào han gỉ bào đi mất.
Đích.
Cuối cùng thì tôi cũng đã về đến đích. Thật kỳ lạ, tôi không có cái cảm giác hoàn thành. Thứ duy nhất tôi cảm thấy là một cảm giác nhẹ nhõm tột cùng rằng mình không phải chạy nữa. Tôi dùng vòi nước ở cây xăng làm mát cơ thể nóng lực và xối sạch muối bám vào người mình. Người tôi phủ đầy muối, một ruộng muối sống hẳn hoi. Khi ông già ở cây xăng nghe chuyện tôi vừa làm, ông ta cắt ít hoa trong một chậu và tặng tôi một bó. Anh làm giỏi lắm, ông mỉm cười. Xin chúc mừng. Tôi cảm thấy hết sức cảm kích những cử chỉ tốt bụng giản dị này ở người nước ngoài. Marathon là một ngôi làng nhỏ bé, thân thiện, tĩnh lặng và bình yên. Tôi không thể hình dung nổi làm sao đây lại là nơi vài ngàn năm trước người Hy Lạp đã đánh bại quân Ba Tư trong một trận chiến khốc liệt trên bờ biển. Tôi ngồi trong quán cà phê làng nốc bia Amstel lạnh. Nó có mùi vị thật tuyệt vời, nhưng không thể nào tuyệt bằng mùi vị đã tưởng tượng trong lúc chạy. Không có gì trong thế giới thực lại đẹp đẽ như những ảo ảnh của một kẻ sắp bất tỉnh.
Tôi chạy từ Athens đến Marathon mất ba giờ năm mươi mốt phút. Không hẳn là một khoảng thời gian cừ, nhưng ít ra tôi cũng đã có thể tự mình chạy trọn vẹn đường chạy, bạn đường duy nhất của tôi là giao thông kinh khủng, cái nóng không tưởng nổi, và cơn khát kinh hồn của tôi.Tôi đã tưởng sẽ tự hào về cái mình đã làm được, nhưng ngay lúc này tôi không còn bận tâm nữa. Điều làm tôi hạnh phúc ngay lúc này đây là biết rằng mình không phải chạy thêm một bước nào nữa.
Phù! – Mình không phải chạy nữa.
o O o
Đây là kinh nghiệm chạy (gần) hai mươi sáu dặm đầu tiên của tôi. Và, thật may, đó là lần cuối cùng tôi phải chạy hai mươi sáu dặm trong một hoàn cảnh khắc nghiệt như thế. Tháng Mười hai năm đó, tôi hoàn thành cuộc đua Marathon Honolulu với một thời gian kha khá. Hawaii nóng, nhưng chẳng là gì so với Athens. Vậy nên Honolulu là cuộc đua toàn cự ly chính thức đầu tiên của tôi. Từ đó, mỗi năm tham gia một cuộc đua Marathon toàn cự ly trở thành thói quen của tôi.
Khi đọc lại bài báo mình viết vào thời gian chạy marathon lần đầu ở Hy Lạp, tôi nhận ra là sau chừng hai mươi năm, và cũng sau chừng ấy cuộc đua marathon từ đó đến nay, những cảm nhận của tôi khi chạy hai mươi sáu dặm vẫn y như hồi đó. Ngay cả giờ đây, mỗi khi chạy Marathon, tâm trí của tôi cũng trải qua đúng quá trình đó. Cho đến tận dặm thứ mười chín thì tôi chắc chắn rằng là mình có thể chạy với thời gian khá, nhưng quá hai mươi dặm thì tôi hết nhiên liệu và bắt đầu cảm thấy bực dọc với tất cả mọi thứ. Và cuối cùng thì tôi cảm thấy mình giống như một cái xe hết xăng. Nhưng khi về đến đích rồi sau đó ít lâu, tôi lại quên hết đau đớn khốn khổ và lại lên kế hoạch làm sao có thể chạy được khoảng thời gian khá hơn trong cuộc đua tới. Điều buồn cười là, dù tôi có lận lưng được bao nhiêu kinh nghiệm đi nữa, dù tôi có già đi bao nhiêu chăng nữa, tất cả cũng chỉ là sự lặp lại của cái đã diễn ra trước kia.
Tôi cho là có một vài kiểu quá trình không cho phép bất kì sự thay đổi nào. Nếu ta phải làm một phần của quá trình đó, tất cả những gì ta có thể làm là thay đổi – Hay đúng hơn là làm biến dạng – chính bản thân mình trong sự lặp lại kiên trì ấy, và biến quá trình đó thành một phần tính cách của chính mình.
Phù!