TỘI PHẠM (Hãn Phỉ)

Chuyển ngữ: Andrew Pastel

Chạng vạng giữa hè, mây mù che kín không trung, dày đặc nhấn chìm ánh hoàng hôn rực rỡ trên đỉnh núi. Toàn bộ dãy núi như ân ẩn một sự bồn chồn, giống như một con rồng có sừng đang uốn mình, tĩnh lặng một lúc trước khi cơn bão ập xuống.

Đàn em trước kia của La Cường, sau này hay đi theo La Chiến chạy việc vặt đến thăm tù, tên là Lại Bột Bột, đưa cho La Cường một bức thư tay chuyển lời thay La Chiến.

“Đại ca, chuyện con ‘quỷ’ anh yêu cầu tụi em điều tra ấy, hắn đã im hơi lặng tiếng rất nhiều năm rồi, khó nói bây giờ đang liên hệ hay bắt tay với ai lắm.”

“Còn nữa đại ca, chuyện anh nhận ‘tiền công’ để làm việc ấy, bên kia chỉ đưa tên cho anh, không đưa thêm gì cả. Làm sao anh có thể biết được mọi chuyện? Chúng ta không biết được là chuyện thường mà. Đây là quy tắc giao dịch rồi, khác với những quy tắc phía trên mà. “

Trên đỉnh đầu hắn có một camera, bên cạnh còn có máy nghe lén, nên cả hai nói chuyện rất ngắn gọn, dùng nhiều từ lóng trong giới ngầm.

Ánh mắt La Cường như đông cứng lại, khàn giọng nói: “Ông đây chỉ là muốn xác nhận có lầm lẫn không, có xác định sai người không…”

Lại Bột Bột chắc nịch nói: “Anh làm việc cẩn thận mà, sao mà nhầm được. Anh không nhầm đâu. Người mua cũng đã kiểm tra hàng, xác nhận rồi, một cái cũng không thiếu, sao mà lầm được.”

La Cường không nói gì, vẻ mặt lạnh lùng kiên quyết.

Lại Bột Bột rất quan tâm đến đại ca nhà mình, thông qua tấm kính lớn phòng thăm hỏi, anh ta hạ giọng trong micro nhắc nhở: “Đại ca, Lão già Long vương ở Hậu Hải ấy, gần đây có động tĩnh gì đó, chuẩn bị ‘’dâng nước’. Anh đang ở bên trong, cẩn thận nhé.”

La Cường hừ mũi: “Lão già kia ngáp mấy năm nữa là xuống lỗ rồi, còn sức gây chuyện gì?”

Lại Bột Bột vội vàng nói: “Thằng nhãi con nhà ông già đó ấy, tuy bây giờ bên cạnh anh nó chỉ là con mèo ướt, nhưng anh nên cẩn thận kẻo “dưỡng hổ vi họa” (*), để nó lớn lên mà không đề phòng.

(*) để những kẻ có tiềm lực, thực lực, nhưng bản tính hung tàn, độc ác bên người thì sẽ là mối họa tương lai.

La Cường khinh thường nói: “Dưỡng hổ? Thằng nhãi đó đối với bố mày chẳng khác nào con gà què.”

Lại Bột Bột nói: “Nhưng thằng gà đó nó có chịu ở yên trong lồng gà 15 năm, thành một con gà thật sự luôn không? Nó sớm muộn gì cũng sẽ bùng nổ cho mà coi, Anh Cường, anh có thể để ý cẩn thận giúp em được không? Anh nhất định phải cẩn thận đó!”

La Cường im lặng một lúc: “… Ừ, tao biết rồi.”

Có một số điều, thật ra là La Tiểu Tam nhi dặn Lại Bột Bột nói y như thế để nhắc nhở anh trai mình.


La Chiến vẫn không dám nói với anh trai của mình rằng Đàm ngũ gia đang gây rắc rối cho hắn bên ngoài nhà tù, suýt giết hắn bằng một bình ga đã được chỉnh sửa, thậm chí còn mò đến nhà gây rắc rối cho người ‘vợ’ cảnh sát của hắn. La Chiến sợ anh trai mình ngồi tù mà vẫn phải lo lắng.

La Cường thường ở trong nhà tù, cũng không phải ăn no rồi chờ trời tối. Hắn cũng đã suy nghĩ về những lời mà Lại Bột Bột nhắc nhở hắn, cẩn thận nghiền ngẫm cân nhắc.

Phải nói rằng Đàm thiếu gia của Đàm ngũ gia ở trong nhà tù Thanh Hà mấy năm qua đúng không thể bỏ đi cái tính tình công tử kiêu ngạo và độc đoán, ba ngày hai bữa gây chuyện đánh nhau, bị biệt giam, bị nhốt trong lồng sắt, xem như ăn đủ đau khổ. Một thiếu gia được nuông chiều từ bé, giờ ngồi tù, bị người ta hành hạ lột cả một lớp da, làm sao có thể ngồi yên khổ sở chịu tội như vậy?

Đàm Long ở phòng thăm tù la hét, chửi bới, ném ghế với mấy đàn em đến thăm, tụi mày kệ mẹ tao rồi à, tụi mày bên ngoài ăn uống hưởng lạc không thèm ngó gì đến tao phải không?! Tao chịu đủ rồi, chúng nó bắt nạt tao, đái lên đầu tao, không coi tao như một con người. Nói ông già tao cứu tao ra ngoài, mẹ nó tụi mày tìm cách đưa tao ra ngoài!!!!!

Đàm ngũ gia từng này tuổi rồi mà chỉ có một viên ngọc quý trong lòng bàn tay, dĩ nhiên là cảm thấy có lỗi với con trai mình bị liên lụy mà đi tù. Nhiều năm qua, Đàm ngũ gia không ngừng đến nhà tù dúi tiền cho quản giáo. Nếu Đàm Tiểu Long không suốt ngày gây chuyện, tự mình tìm đường chết, thì số tiền mà ông già nó gửi vào tù cùng với ‘đãi ngộ đặc biệt’ cũng đủ để nó sống một cuộc sống thoải mái xa hoa trong tù.

Mấy lần Đàm Long thất thế vì đánh nhau với La Cường, Đàm ngũ gia cũng nghe phong thanh, hẳn là ông ta cũng không chịu ngồi yên.

Ông già cũng biết thằng con mình không nên thân, lại thế cô, không có người hỗ trợ, cứ đánh bừa thì không phải là đối thủ của La Cường. Sau không biết thu xếp thế nào, lúc Đàm Long ra khỏi phòng biệt giam, lại bị chuyển đến dãy buồng giam ở lầu khác, không còn cùng hành lang với La Cường, hai bên hoàn toàn yên tĩnh, muốn đánh nhau cũng không thấy mặt.

La Cường thầm tính toán, chuyện này chắc chắn sẽ không bao giờ kết thúc đơn giản như vậy, nhà họ Đàm không dễ xơi đâu. Thiện tra không hỗn đạo, đạo thượng không thiện tra. (*)

(*) ý bảo làm xã hội đen không ai hiền, đã hiền thì không làm xã hội đen.

La Cường không phải là người duy nhất theo dõi nhất cử nhất động của Đàm Long, mà Thiệu Tam gia đầu óc khôn khéo cũng dành cho nó một vé quan tâm đặc biệt.

Từ khi Đàm đại thiếu đổi khu buồng giam, Thiệu Quân phát hiện ngày nào nó cũng đi sớm về muộn, ngày nào cũng rất tích cực trong công việc, nhưng khi tính thành phẩm và số lượng lao động tháng đó thì điểm công không tăng nhiều. Chẳng biết nó làm gì mà ngày nào cũng thấy vội vội vàng vàng?

Đàm đại thiếu mọi ngày thường rất sợ bẩn, sợ mệt mỏi, sợ vất vả, chỉ muốn làm việc trong nhà xưởng, không bao giờ muốn đến nông trường, rừng cây, mỏ đá, mỗi lần có lịch đi là lại viện cớ đau đầu, mỏi chân, mỏi tay, … đủ các loại lý do để làm giấy bác sĩ tránh ra ngoài làm việc. Nhưng mà nửa năm trở lại đây,  thái độ Đàm Long khác hẳn, tự bỏ tiền túi quản lý hướng dẫn của đội mình, tự mình chuyển sang đội trồng cây ăn trái, ba ngày hai bữa vác thuổng, xẻng cùng với nhóm đi ra ngoài.

Thiệu Quân đã từng một mình lái xe ra ngoài, đến vườn cây ăn trái của trang trại Thanh Hà giữa lưng chừng sườn núi, phóng tầm mắt nhìn xuống khu giam. Anh cẩn thận đo khoảng cách và, trí giữa bức tường nhà tù và vườn cây ăn trái, khẽ giật mình một cái…

Im hơi lặng tiếng lâu như vậy, nếu thằng lỏi kia thật sự muốn gây chuyện, có lẽ nó đã bắt đầu âm mưu ngầm.

Thiệu Quân không dám lơ ​​là, anh bắt đầu tự mình điều tra, chạm vào từng nơi gần bốn góc tường của khu giam xem có vấn đề gì không.

Nhà kho xưởng, tầng hầm nhà ăn … Thiệu Tam gia rất thận trọng  nghiêm túc, không thông báo cho các đồng nghiệp bên cạnh. Thậm chí, anh còn bí mật xem hết những lịch trực ban của các quản giáo, vì sợ trong nội bộ có người cấu kết.

Anh cũng xem video phòng thăm tù cả năm gần đây, lọc ra tất cả những thứ liên quan đến Đàm Long, anh nghe từng đoạn, có khá nhiều người đến thăm Đàm Long, và số lượt thăm tù mỗi quý đều được sử dụng hết. Không chỉ Đàm Long, mà cả ban đó cũng thường xuyên liên lạc với bên ngoài qua những lần gọi điện và thăm tù…


La Cường lặng lẽ quan sát Thiệu Tiểu Tam nhi mấy ngày nay, cũng hỏi: “Màn thầu, dạo này bận rộn gì thế?”

Thiệu Quân không nói rõ: “Không có gì quan trọng đâu.”

La Cường nhắc nhở anh: “Em ra ra vào vào nhớ cảnh giác, cẩn thận phía sau.”

Thiệu Quân nhướng mày hỏi: “Em phải cẩn thận cái gì?”

La Cường: “Không phải em đang điều tra thằng nhóc họ Đàm sao?”

Thiệu Quân: “Sao anh biết em đang điều tra?”

La Cường: “Người họ Đàm chắc chắn đang làm trò quỷ. Lão già chết tiệt bên ngoài và thằng con bên trong đang cùng nhau toan tính gì đó, bọn chúng sẽ không yên tĩnh.”

La Cường hay nhìn Thiệu Quân từ xa, chăm chú nhìn bóng dáng người thanh niên bận rộn chạy tới chạy lui các khu buồng giam như một con sóc này.

Khi cả hai nói chuyện riêng với nhau, hắn hiếm khi nhiều lời, hắn cũng không biết phải nói gì khác. Hai người có thể hiểu rõ nhau, có thể dặn dò hỏi thăm nhau đã là thẳng thắn rồi, còn lại thì không thể nói ra. La Cường mỗi ngày đều yên lặng nhìn người này, ngắm nhìn từ xa, như thể sợ đến quá gần sẽ làm tổn thương một người quý giá như vậy …

Một buổi chiều, La Cường đang bận rộn trên ruộng trồng rau, làm giàn trồng cà chua, Thiệu Quân cầm dùi cui đi dọc chân tường, ngồi xổm xuống xem xét một mảng lớn dây mướp trên đất.

Thiệu Quân than phiền: “Mấy cây mướp này đậu trái rồi mà chẳng chờ chín hái được. Mưa xuống một cái là hư thối hết ngay!”

La Cường từ sau cành cà chua nhìn ra: “Đó là ruộng rau của đội hai, không liên quan đến anh.”

Thiệu Quân thắc mắc: “Đội hai không chống giàn cho cây à? Trồng cây dây leo mà không làm giàn, đừng nói đến tay nghề, ngay cả kiến thức trồng trọt cơ bản nhất cũng không có!”

La Cường chế nhạo: “Em nghĩ ai cũng giống ông đây, trồng rau chuyên nghiệp nông dân sao?”

Thiệu Quân chợt nhướng mày, vội xốc đám cây lên.

Chân mày anh nhíu lại càng ngày càng sâu, anh không thèm để ý đến những gai nhọn trên lá và thân cây đâm vào tay chảy máu, vội vàng lao tới xốc cả mảng dây mướp, bí đỏ, khổ qua đang nằm dưới đất lên..


Mấy cây họ dưa có lá to, mọc rậm rạp. Thân dây leo cuộn tròn, chúng có thể leo lên toàn bộ bức tường mà không để lại bất kỳ khoảng trống nào. Thiệu Quân cắt bỏ những dây leo chằng chịt, một cái miệng hầm có rào lưới sắt, được phủ rơm rạ và mấy mảnh gỗ mục xuất hiện ở góc tường, bên trong tối om om.

Thiệu Quân chậm rãi đứng dậy, nhìn lên xung quanh, một lúc sau, anh lẩm bẩm: “Đcm đám dê con giở trò quỷ!!!”

“Mấy tên khốn này dám đào hầm vượt ngục!!!”

Thiệu Quân gầm lên, kéo mạnh hai tay, mở miệng hầm được che bởi tấm lưới sắt …

Đêm đó khu vực nhà tù thứ ba phát lệnh giới nghiêm, tất cả tù nhân bị điều tra, cả nội bộ quản giáo, xem ai phải chịu trách nhiệm.

Vài tên trong các ban của đội hai bị bắt ra ngoài, mặt tái mét, chúng đều bị còng tay, cách ly ra để thẩm vấn…

Thiệu Quân đi ngang qua đám đó, nheo mắt, hai con mắt sắc bén dưới vành mũ nhìn Đàm Long, ban trưởng ban 13 đội hai. Đôi mắt đỏ như máu của Đàm Long cũng nhìn anh chằm chằm, trong mắt tràn đầy oán hận sau khi quá nhục nhã. Mấy tên trong ban của nó không nói sự thật, nhưng Thiệu Quân không bao giờ tin rằng chuyện này không liên quan đến Đàm thiếu gia.

Dù ở nhà tù nào, đào hầm vượt ngục đều là vụ án hình sự chính trị nghiêm trọng nhất, một khi xảy ra hậu quả sẽ rất thảm khốc.

Những việc như vượt ngục như này xảy ra hàng năm, mỗi lần như thế đều có người bị chết, hoặc chết do dính vào lưới điện cao thế, hoặc chết ngạt trong khí metan ở cống thoát nước, hoặc bị cảnh sát vũ trang bắn một phát súng, hoặc tẩu thoát được, ra ngoài được vài tháng thì bị bắt rồi tử hình … Tất nhiên, hễ có chuyện như vậy, từ trưởng nhà giam đến các đội trưởng quản giá đều phải lột da, tội nặng thì bị lột cảnh phục, mặc vào đồ tù.

Khu giam mới của Thanh Hà có hàng rào thép chắc chắn kiên cố nhất cả nước. Muốn đi qua cánh cổng sắt lớn phải được bốn trạm gác thông qua, các tù nhân không thể dễ dàng vượt được nhưng không ai ngờ bức tường thành kiên cố suýt chút nữa thất thủ bởi mấy hang chó hang mèo.

Thiệu Quân dẫn mọi người leo vào đường hầm kiểm tra thử. Trước khi xây dựng nhà tù, chỗ này là một trang trại, có nhiều hầm rau và kênh mương ngầm, sau khi nhà tù được xây dựng, một số được đào thành cống rãnh. Vào mùa nắng, mương ngầm khô cằn, nồng mùi thối rữa và ẩm ướt khó chịu, đường hầm ngoằn ngoèo rõ ràng có dấu vết được dọn sạch, cuối cùng đường hầm dẫn ra vườn trái cây tươi tốt bên ngoài khu vực trại giam …

Kế hoạch vượt ngục bị bóp nghẹt từ trong trứng nước, cả khu trại giam sợ bóng sợ gió.

Trưởng nhà giam sợ toát mồ hôi hột, nếu không có Thiệu Tam gia cảnh giác, nếu ngày nào đó tù nhân bò ra, cho dù chạy được ra ngoài hay chạy nửa đường rồi chết trong đường hầm thì ông không chắc còn được đội mũ cảnh sát nữa không.

Vì sự cố này, phó đội trưởng Thiệu được ghi nhận là người có đóng góp lớn nhất trong đội ngũ.

Cũng vì sự cố này, tất cả những quản giáo của đội 2 đều bị đem đi điều tra, tìm được 2 người nhận hối lộ của tù nhân, số còn lại bị cách chức do quản lý kém.

Các tù nhân toàn đội hai bị kiểm soát tập thể nghiêm ngặt và sẽ không được báo cáo ‘ba giảm’ trong tương lai như một biện pháp kỷ luật.

Giảm hình phạt, ân xá và bảo lãnh là những quyền hạn quan trọng nhất mà trại giam nắm giữ, đồng thời cũng là ba điều mà phạm nhân quan tâm nhất. Không cho báo cáo xét duyệt ‘ba giảm’, chẳng khác gì bắt cả đội hai ‘bức thượng Lương Sơn’. (*)

(*) Câu thành ngữ bắt nguồn từ Thủy Hử, nghĩa bóng là việc bị buộc phải phản kháng, chống lại. 

Khi Đàm đại thiếu tái kiến Thiệu Tam gia, hai con mắt trợn trắng của nó đã đỏ bừng tơ máu, nó thì thầm rít lên bằng giọng điệu hung dữ nhất: “Cảnh sát Thiệu…. mày…. mày…. mẹ kiếp tụi mày, chờ đấy.”

Thiệu Quân không hề cảm thấy sợ hãi, lạnh lùng trả lời: “Chờ mày lại tái phạm vượt ngục à? Tam gia của mày đang đợi đây. Mày làm bao nhiêu lần tao dẹp mày bấy nhiêu lần.”


Ánh mắt Đàm Long lộ ra vẻ phẫn hận mãnh liệt: “Mày dám phá hỏng chuyện của bố đây, chờ…chờ đó, lần sau bố sẽ phá hủy mày.”

Thiệu Quân nhàn nhạt ném cho nó một câu: “Mày còn dám chơi nữa à.”

Đàm Long đe dọa: “Cảnh sát Thiệu, đừng.. đừng… đừng nghĩ… tao không biết, mày có dan díu với La lão nhị! Chờ có ngày tao ra ngoài, tao sẽ bới tung chuyện này lên, cho hai người tụi mày không thể sống yên ổn! ” 

(bạn nào quên thì thằng này có tật nói lắp nha)

Thiệu Quân phá hỏng việc của đội hai. Loại hành vi này giang hồ gọi là “ngáng chân”, cản đường người khác, phá hỏng chuyện làm ăn của người khác.

Lúc đó, Thiệu Quân không để tâm đến lời đe dọa của Đàm Long. Nó là một kẻ hèn hạ. Đàm Long là một phạm nhân có hơn mười năm thi hành án trong tù. Đàm Long có thể làm gì anh? Nếu Đàm Tiểu Long dám nói bậy bạ gì đó trong tù, anh sẽ trừng trị nghiêm khắc nó. Có nhiều cách để ‘chỉnh’ tù nhân, trước đây Thiệu Quân không dùng vì không cần thiết, nhưng không có nghĩa là anh sẽ không ‘chỉnh’ tù nhân, để chúng làm loạn.

Tiểu Thiệu tam gia không sợ, nhưng mấy câu hăm dọa đó của  Đàm thiếu gia La Cường đã sớm nghe nói.

Mấy ngày sau đó, La Cường ngồi xổm trên ghế đá bên cạnh sân chơi, lặng lẽ hút thuốc, vẻ mặt phức tạp, tâm sự nặng nề.

La Cường lăn lộn trong giang hồ đã lâu, hắn biết việc ‘ngáng chân’ kẻ khác sẽ gây ra hậu quả gì. Có một lần Đàm ngũ gia chặn đường đánh hạ họ Vưu dưới chân Hoàng Thành, chỉ vì họ Vưu chặn đường làm ăn, tổn thất chỉ một chút nhưng hai nhóm dù người phía đông kẻ phía tây nhưng vẫn sống mái với nhau, cầm mã tấu chém, thậm chí phóng hỏa. Ngọn lửa gần như thiêu rụi phía sau của phòng trưng bày nghệ thuật, đợt đó vài tên phải đi tù.

La Cường về mặt tình cảm cũng giống như Thiệu tiểu tam nhi, nhưng có một số việc hắn vẫn có lối suy nghĩ của những kẻ trong giang hồ.

Nếu hắn là người đầu tiên phát hiện ra điều bất thường dưới đám ruộng rau của đội hai, hắn sẽ không nói. Đây là nguyên tắc giang hồ, chuyện không liên quan gì đến mình thì đừng bao giờ can thiệp. Hắn đã thầm nhắc thiệu Quân nhiều lần, cố gắng nghĩ ra một giải pháp chu toàn hơn, mà không để anh trở thành cái gai trong mắt các phạm nhân trong tù, mục tiêu chỉ trích của tù phạm, nhưng hắn tính không ra.

Bây giờ Tam màn thầu ‘ngáng chân’ vài kẻ trong nhà giam, những kẻ đó sao có thể bỏ qua? Chuyện này chắc chắn chưa xong.

Hơn nữa, toan tính vượt ngục này chắc chắn có liên quan gì đó đến nhà Đàm, có lẽ nhà Đàm đang âm mưu sau lưng để đưa thằng quý tử ra khỏi tù.

Đàm Long vượt ngục không thành, nó chắc chắn sẽ hận Tam Màn thầu, tìm cơ hội gây hấn trả thù.

Nếu một ngày nào đó Đàm Long ra tù thành công, nó sẽ không muốn ngồi yên, một khi được trả tự do, nó và nhà họ Đàm sẽ có thể muốn làm gì thì làm, khi đó tất nhiên nó sẽ vồ lấy Thiệu Quân … Đến lúc đó, hắn còn ngồi xổm trong tù, làm sao có thể bảo vệ màn thầu của hắn?

Trong bóng tối, La Cường ngổn ngang trăm mối, nằm ngửa trên giường chăm chăm nhìn trần nhà, lúc đó hắn đã nghĩ ra kế hạ sách nhất để đối phó với Đàm Long.

Muốn chấm dứt tất cả chỉ có một cách, giết chết nó.

Lăn lộn trong giang hồ, đen tối đến tận cùng, La Cường tuyệt đối không sợ ra tay.

Không vì điều gì khác, chỉ là để bảo vệ sự an toàn cho Tam màn thầu. Nếu Đàm Long tự tìm đường chết, thì không thể không tiêu diệt nó.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận