Tôi Vô Tội

Trước dáng điệu bệ vệ trong bộ đồ đen của bà quản gia Bishop, thám tử Hercule Poirot ngồi thu mình, trông nhũn nhặn quá mức.

Mọi chuyện của bà này không dễ dàng gì bởi do bản chất thị dân cô hữu, bà ta không quý gì người lạ. Mà rõ ràng thám tử Hercule Poirot là người lạ, “người ngoài”. Các câu trả lời của bà ta lạnh nhạt và bà ta giữ thái độ khinh thường đa nghi đối với khách.

Lời giới thiệu cua bác sĩ Lord không tạo được không khí thoải mái hơn.

Sau khi bác sĩ Lord ra khỏi nhà, bà Bishop nói:

- Rõ ràng ông bác sĩ Lord là người giỏi và rất tận tụy với bệnh nhân. Người tiền nhiệm của ông ta, bác sĩ Ransome, đã làm việc trong vùng này rất lâu.

Nói cách khác, bác sĩ Ronsome mới là người được dân trong vùng thật sự kính trọng và yêu mến, còn ông bác sĩ Lord là lính mới, chủ quan tự phụ chỉ có một ưu điểm duy nhất là có trình độ nghề nghiệp giỏi mà thôi.

Toàn bộ quan niệm của bà quản gia này là đối với người thầy thuốc, trình độ chuyên môn hoàn toàn chưa đủ để khiến dân trong vùng yêu quý.

Thám tử Poirot đã triển khai toàn bộ tài khéo léo của mình nhưng không đạt kết quả. Bà Bishop kia vẫn dè dặt và xa cách.

Cái chết của phu nhân Welman đã gây một ấn tượng rất mạnh cho dân trong vùng, vì phu nhân được họ rất kính trọng. Việc tiểu thư Elinor bị bắt giam là nỗi nhục cho dân chúng và người ta thấy rõ đấy là do những “phương pháp mới” của cảnh sát. “Tôi không biết nói với ông thế nào” - đó là tất cả những gì thám tử Poirot moi ra được ở miệng bà quản gia thiển cận này.

Viên thám tử gốc Bỉ này đành đưa ra con bài cuối cùng. Ông kể về một trong những chuyến du lịch của ông, rồi nhân đó ca ngợi hết lời tác phong cao thượng, trọng danh dự và phẩm chất hào hiệp của các bậc vua chúa.

Bà Bishop vốn đọc đều đặn “Tin tức Hoàng gia” trong các tạp chí, nên đã bị thuyết phục. Nếu như các vua chúa quý ông Poirot này đến thế thì... Và tình thế đột nhiên thay đổi hẳn. Dù ông này là “người lạ” hay “người quen” thì rõ ràng ông ta là người thân cận với các bậc vua chúa. Những người như thế đáng kính trọng và tin cậy.

Và chỉ một lát sau, hai người đã trò chuyện thân tình và cởi mở về một đề tài lôi cuốn: việc chọn một hôn phu xứng đáng cho công chúa Elisabeth, người sau này sẽ kế vị ngai vàng nước Anh.

Sau khi điểm mặt tất cả giới đại quý tộc, câu chuyện chuyển dần sang tầng lớp quý tộc nhỏ hơn đôi chút.

Poirot nói bằng giọng thông thái:

- Than ôi, hôn nhân quả là chuyện tiềm chứa biết bao cạm bẫy và hiểm nguy.

- Tất nhiên rồi... nhất là cái đạo luật ly hôn vô luân vừa mới được ban hành... - Bà Bishop nói với thái độ coi đạo luật cho phép ly hôn là thứ gì hết sức xấu xa, một căn bệnh truyền nhiễm đáng ghê tởm.

Poirot nói tiếp luôn:

- Tôi tin rằng trước khi qua đời, phu nhân Welman rất mong cô cháu lấy được một đám hẳn hoi.

- Tất nhiên rồi! Lễ đính hôn giữa cô Elinor và cậu Roddy đã làm bà chủ tôi thở phào nhẹ nhõm, phu nhân thấy đó là một đôi hoàn hảo, khiến bà chủ tôi hoàn toàn mãn nguyện.

Poirot thử quăng ra một hòn đá thăm dò:

- Nhưng hình như hai cô cậu đính hôn chỉ cốt để làm phu nhân hài lòng. Có phải thế không, thưa bà Bishop?

- Klhông phải đâu! Tôi không hề nghĩ như thế, thưa ông Poirot. Tôi thấy ngay từ nhỏ, tiểu thư Elinor đã tỏ ra rất mến cậu Roddy. Bây giờ cô chủ là một cô bé rất đáng yêu, và tỏ ra bản chất là con người phúc hậu, công bằng, chính đáng.

- Còn ông Roddy? - Thám tử Poirot hỏi.

- Cậu Roddy cũng yêu cô chủ.

- Thế mà họ lại hủy cuộc đính hôn?

Mặt bà Bishop đỏ lên vì giận dữ:

- Thưa ông Poirot, hoàn toàn chỉ do mưu mẹo của một con rắn độc náu kín trong đám cỏ rậm đấy thôi.

Lộ vẻ ngạc nhiên, Poirot hỏi:

- Chẳng lẽ lại như thế, thưa bà Bishop?

Mặt càng đỏ tía thêm, bà ta giải thích:

- Làng chúng tôi ở đây, thưa ông Poirot, có tục kiêng không nói đến những người đã qua đời. Nhưng tôi không thể nhịn được mà phải nói rằng con Mary là đứa ranh ma quỷ quyệt, chuyên ném đá giấu tay.

Viên thám tử chăm chú quan sát bà ta một lúc rồi làm ra vẻ vô tư nói:

- Nghe bà nói tôi rất ngạc nhiên, thưa bà Bishop. Tôi nghe người ta nói thì cô Mary tính tình giản dị và không biết mưu mẹo là gì.

Cằm bà quản gia rung lên vì giận dữ:

- Nó là một đứa hết sức thâm hiểm, thưa ông. Mọi người đều bị nó đánh lừa hết. Như bà y tá Hopkins chẳng hạn! Rồi cả phu nhân Welman, bà chủ của tôi nữa chứ, cũng bị nó đánh lừa.

Viên thám tử tỏ vẻ bây giờ mới hiểu ra sự thật, ông ta vừa lắc đầu vừa tặc lưỡi.

Bà Bishop thấy vậy liền sôi nổi nói thêm:

- Bà chủ tôi sức một ngày yếu, con rắn độc kia thì cứ ton hót bên cạnh để chiếm đoạt lòng tin của bà chủ tôi. Nó biết đánh trúng chỗ yếu của phu nhân. Lượn lờ bên cạnh bà chủ, đọc sách báo cho bà cụ nghe, rồi hái hoa đem vào cho bà cụ... Thế là suốt ngày bà chủ tôi hết “Mary đâu?” lại “Gọi con Mary cho ta!”. Bà chủ tôi chi cho nó không biết bao nhiêu là tiền bạc! Học hành của nó tốn kém lắm chứ, rồi những chuyến cho nó du lịch ra nước ngoài nữa... Bà chủ tôi không tiếc tiền cho con gái lão bảo vệ lâu đài Gerrard. Những ân huệ đó của bà chủ có làm cho lão kia hài lòng đâu? Trái lại thì có. Tôi đã nghe thấy ông ta mắng con gái là “đồ làm ra vẻ tiểu thư”. Có gì đâu, chỉ là do con bé tự coi mình là giỏi giang, khinh bố. Có vậy thôi!

Lần này Poirot thở dài thông cảm:

- Lạy chúa tôi!

- Sau đấy, nó ưỡn ẹo trước mặt cậu Roddy. Mà cậu này thì thật thà, đâu có biết mưu mô ranh ma của nó. Cô chủ Elinor thì ngay thẳng, không nhìn thấy gì hết. Nhưng đàn ông đều như thế hết. Luôn bị mắc câu trước giọng khen nịnh và khuôn mặt xinh xắn của con gái.

- Nhưng Mary cũng có cả những cậu trai thuộc tầng lớp cô ta yêu cô ta chứ?

- Tất nhiên. Như thằng Ted, con ông Bigland chẳng hạn. Nói riêng với ông, thằng bé rất đáng yêu. Nhưng con Mary lại tự cho là nó cao giá hơn thằng Ted nhiều. Thú thật, cứ nhìn thấy điệu bộ của con ấy là tôi đã nóng mắt rồi.

- Cậu Ted có uất hận vì bị Mary khước từ không?

- Có chứ. Có người đáng tin cậy kể cho tôi nghe là thằng Ted trách con Mary để yên cho cậu Roddy tán tỉnh. Tôi nghĩ thằng bé oán con Mary là có lý.

- Tôi cũng nghĩ như thế - Thám tử Poirot nói - Tôi rất tán thành cách suy nghĩ của bà, thưa bà Bishop. Rất ít người có tài chỉ cần vài chi tiết là làm nổi rõ một tính cách con người như bà. Vừa rồi bà đã cho tôi thấy rất rõ bản chất của Mary Gerrard.

Bà Bishop vội kêu lên:

- Nhưng ông cẩn thận đấy! Tôi không ghét bỏ gì nó, tôi chỉ thấy nó gây ra bao nhiêu chuyện rắc rối trong lâu đài Hunterbury.

- Tôi đang nghĩ, không biết cứ tình trạng đó thì rồi sẽ ra sao?

- Tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi cam đoan, nếu bà chủ tôi không qua đời nhanh đến như vậy thì chưa biết con rắn độc kia sẽ còn gây ra những chuyện gì nữa? Chuyện bà chủ tôi qua đời quá đột ngột, bây giờ thì tôi hiểu ra được rằng chính như thế lại là sự giải thoát cho bà chủ. Nhưng tôi vẫn nghĩ do đâu mà bà chủ tôi “đi” nhanh đến như thế?

- Nghĩa là sao, tôi chưa hiểu bà định nói gì, thưa bà Bishop? - Thám tử Poirot tỏ vẻ chú ý.

- Tôi đã thấy nhiều trường hợp tương tự. Bà chị ruột tôi làm trong một gia đình, cũng có một trường hợp y như thế. Ông đại tá Randolph giết vợ vì mê con đĩ ở Eastbourne... Tôi còn biết một bà tên là phu nhân Dacres lúc chết, để lại di chúc, cho thằng cha đánh đàn oóc-gơ ở nhà thờ hưởng toàn bộ gia tài! Thằng cha đó thuộc loại trai trẻ để tóc dài như người rừng, trong khi bà ta có một lũ con gái, đứa đã có chồng đứa chưa, nhưng bà mẹ chẳng để lại cho đứa con nào lấy một xu.

- Bà cho rằng nếu phu nhân Welman sống thêm ít ngày nữa, phu nhân sẽ viết di chúc, cho Mary hưởng toàn bộ gia tài?

- Tôi chỉ nghĩ nếu xảy ra chuyện đó thì tôi chẳng lấy gì làm lạ. Con ấy nhằm mục tiêu đó mà lại. Hồi bà chủ tôi còn sống, tôi mà nói gì đụng đến con Mary là bà chủ nổi giận, nói tôi chẳng ra cái gì, mặc dù tôi đã hầu hạ bà chủ tôi gần hai chục năm trời. Con người ta dễ vô ơn lắm, thưa ông Pôirot. Mình thì làm tận tụy, không biết nghỉ ngơi là gì, mhưng người ta có biết cho đâu!

- Bà nói rất đúng, thưa bà Bishop!

- Nhưng không phải bao giờ cái xấu cái ác cũng thắng. - Bà Bishop chữa lại.

- Đúng thế. Bây giờ Mary Gerrard đã chết.

- Nó sẽ phải ra trước tòa án của Chúa! Việc phán xét nó đâu phải của chúng ta.

- Cái chết của cô ấy vẫn còn nhiều bí ẩn....

- Tất nhiên rồi! Vì cảnh sát dùng những phương pháp rất vô lý. Một tiểu thư được giáo dục đạo đức như cô Elinor làm sao có thể bỏ thuốc độc cho ai? Họ viện ra cái câu tôi nhận xét rằng sáng hôm đó tiểu thư nói với tôi những lời lẽ rất lạ lùng.

- Sự thật thì có đúng như thế không, thưa bà Bishop?

- Đúng như thế, chỉ có điều không phải như cảnh sát nhận định. Ông tính, tiểu thư Elinor vốn là cô gái đa cảm, hôm ấy chở về lâu đài để mang đi những đồ đạc của người cô ruột yêu quý, làm sao tiểu thư không bị bối rối tinh thần kia chứ?

- Và bà đã muốn khuây khỏa cho tiểu thư bằng cách đề nghị đi theo bên cạnh tiểu thư trong mấy ngày ở lâu đài...

- Đúng thế, nhưng tiểu thư khước từ. Tính Elinor không thích nhờ vả, làm phiền ai. Tuy nhiên tôi rất tiếc là đã không được đi theo cô chủ.

- Sao bà không cứ đi theo đến lâu đài?

Bà Bishop ưỡn người lên, kiêu hãnh:

- Tôi có tật ai đã không muốn thì mình không ép, thưa ông Poirot.

- Có lẽ sáng hôm đó bà cũng có những công việc quan trọng?

- Tôi nhớ sáng hôm đó trời nóng bức, oi ả như gặp có bão - Bà Bishop thở dài nói - Tôi ra nghĩa trang để đặt vòng hoa trên mộ phu nhân Welman và cầu nguyện cho phu nhân. Vì nóng bức, tôi muộn mới về đến nhà, và nhìn thấy tôi mặt mũi bơ phờ, bà chị tôi rất ngạc nhiên. Chị tôi bảo, những hôm nóng bức thế này không nên đi đâu ra khỏi nhà.

Thám tử nhìn bà vẻ cảm phục, rồi nói:

- Bà quả là người tình nghĩa, thưa bà Bishop. Bà thật sung sướng là không có gì phải ân hận sau khi phu nhân Welman qua đời. Không như ông Roddy, ông ấy không dám vào thăm phu nhân, tất nhiên ta cũng thông cảm là lúc đó ông ta đâu biết bà cụ qua đời nhanh đến thế.

- Ông nhầm rồi, ông Poirot. Tôi xin khẳng định là cậu Roddy có vào thăm bà chủ tôi. Lúc đó tôi đứng chỗ đầu cầu thang gác, thấy bà y tá đi xuống nhà. Tôi bèn vào xem bà cụ có cần gì không, bởi mấy người y tá hay có thói kiếm cớ xuống nhà chuyện gẫu với mấy đứa hầu phòng dưới đó, bỏ mặc bệnh nhân nằm một mình. Tôi đang tính bước vào phòng phu nhân thì thấy cậu Roddy đã lẻn vào trước. Tôi không biết bà chủ có biết cậu vào hay không, nhưng rõ ràng cậu ấy không có gì đáng phải ân hận hết.

- Nếu thế thì tốt. Cậu Roddy có tính dễ bi kích động.

- Phải nói là thần kinh cậu ấy rệu rã mới đúng. Cậu ấy như vậy từ nhỏ.

- Bà quả là thông minh, tôi đánh giá rất cao khả năng xét đoán của bà, thưa bà Bishop. Vậy theo bà nhận định thì cái chết của Mary là do đâu?

- Còn do đâu nữa? Do cái lọ cá của lão chủ hiệu thực phẩm Abbott chứ sao? Lão ta để hàng tháng trời, lại dưới ánh đèn nóng thế, làm sao không thiu ôi được? Một bà chị họ tôi do ăn lọ cua của lão đặ bị ngộ độc suýt chết đấy.

Thám tử Poirot phản đối:

- Nhưng khi mổ xác Mary, người ta lại thấy trong thi thể có chất moóc-phin?

- Tôi không biết chất moóc-phin là thứ gì. Nhưng tôi biết mấy ông bác sĩ. Họ muốn tìm ra chất gì là thấy chất ấy ngay. Làm sao mà nghe họ được?

- Có người bảo Mary tự tử, bà nghĩ sao?

- Tự tử cái gì? Nó còn đang chài cậu Roddy để cậu ta lấy nó chứ. Nghe nói có người bảo nó tự tử thì tôi thật buồn cười!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui