Tokyo Hoàng Đạo Án

Kiyoshi không hé
lộ thêm suy nghĩ về việc bà Taeko tự sát. Rõ ràng, cậu tin nguyên nhân
không phải do tội ác của bà ấy bị tiết lộ mà do điều gì đó khác. Bất cứ
khi nào tôi cố gắng tìm hiểu trong đầu cậu ấy nghĩ gì là Kiyoshi lại
lảng tránh.

“Hãy nghĩ về viên xúc xắc mà bà Taeko đưa cho tôi và anh sẽ hiểu,” cậu ấy chỉ nói như vậy, kèm theo nụ cười toe toét.

Nói đến xúc xắc, tôi có ấn tượng rằng quá trình điều tra các vụ án mạng
hoàng đạo giống như chơi Cờ Tỷ phú. Tôi gieo xúc xắc và dừng ở “Bí mật
chiếc giường của Heikichi” hoặc “Kinh độ 138o48’ Đông” hoặc “Số 4, 6 và
3” và vân vân. Kiyoshi và tôi chơi trò chơi chẳng khác gì những nhân vật truyện tranh ở thế kỷ 19 là Yajirobei và Kitahachi trong cuốn biên niên về các cuộc phiêu lưu và rủi ro của Jippensha Ikku có nhan đề
Tokaidochu Hizakurige. Cứ thế, trò chơi kết thúc khi tôi thua hết vốn ở
Meiji-Mura. Rõ ngớ ngẩn, thật sự là như vậy!

Nhưng tôi lại có
nhiều kỷ niệm đẹp từ cuộc phiêu lưu. Những người tôi gặp đều thú vị và
tốt bụng, ngoại trừ lão Takegoshi Con. Thật kỳ cục khi nói điều này,
nhưng người tôi có ấn tượng dễ chịu nhất lại chính là thủ phạm, bà Taeko Sudo.

Tin tức về việc đã có lời giải cho vụ án mạng hoàng đạo
khiến mọi người rất hứng khởi. Các báo và tạp chí phát cuồng với câu
chuyện suốt một tuần liền. Rất nhiều chương trình truyền hình, kênh nào
cũng tỏ ra mình hơn những kênh khác. Ông Takegoshi Con và ông em rể Iida được phỏng vấn liên tục, mặc dù truyền thông không quá thích thú với vẻ ngoài hoặc thái độ của lão đười ươi ấy.

Sách nói về vụ việc này
cũng bùng nổ. Vẫn là những nhà văn đã nêu ra các giả thiết về chuyện ăn
thịt người hay người ngoài trái đất bắt cóc nay lại tái xuất hiện với
những cuốn sách mới về chủ đề này.

Ông Iida được thăng chức nhờ
đóng góp của mình trong quá trình phá án, nhưng Kiyoshi thì chẳng được
gì cả, ngoại trừ một mảnh giấy cảm ơn ngắn ngủn từ bà Iida. Tên cậu
không được nhắc đến ở bất kỳ đâu. Người bạn thân thiết của tôi, con
người thực sự giải quyết được vụ án, hoàn toàn bị phớt lờ. Tôi cảm thấy
thật sự bất công. Nhưng ít nhất điều đó cũng tốt cho một người: ông
Bunjiro Takegoshi quá cố. Lời thú nhận của ông ấy không bao giờ bị phơi
bày trước công chúng và điều đó làm tôi cảm thấy vui; Kiyoshi cũng vậy.
Nhưng tôi không hoàn toàn thoải mái.

“Anh không bực mình sao?” Tôi hỏi Kiyoshi.

“Vì cái gì?”

“Không được công trạng gì trong việc giải quyết bí ẩn này. Anh đã làm tất cả
nhưng lại hoàn toàn bị phớt lờ. Lẽ ra anh có thể xuất hiện trên truyền
hình, lẽ ra đã nổi tiếng, lẽ ra đã kiếm được một ít tiền. Tôi biết anh
không phải loại người đó, nhưng tiếng tăm có thể giúp công việc thuận
lợi hơn. Tôi không nghĩ anh là một ngoại lệ. Anh có thể chuyển tới một
chỗ tốt hơn, mua được một cái trường kỹ đẹp hơn, làm cho cuộc sống thoải mái hơn...?”

“Đúng, có lẽ như thế. Nhưng sau đó ngày nào tôi
cũng bị cả đống người ngu ngốc, tọc mạch tới quấy rầy,” Kiyoshi đáp.
“Văn phòng của tôi sẽ chật cứng người, tôi sẽ phải gào tên anh lên mới
tìm được anh trong đám đông ở phòng chờ. Anh có thể không nhận thức được chuyện này, nhưng tôi thích cách sống hiện tại của mình. Tôi không muốn bị mọi người làm phiền. Hãy nhìn những gì tôi đang làm lúc này. Tôi có
thể ngủ muộn tùy thích. Tôi có thể thoải mái trong bộ quần áo ngủ bất kỳ lúc nào tôi muốn. Tôi có thể dành thời gian nghiên cứu bất kỳ thứ gì
tôi say mê. Tôi chỉ nhận khách hàng khi tôi muốn, tôi không phải hứa hẹn với ai. Tôi trân trọng tất cả những điều này. Tôi không muốn thay đổi
gì cả. Và tôi có thể vượt qua mọi cảm giác cô đơn bởi vì có anh ở đây!”

Những lời chân tình của Kiyoshi thật ngoài dự đoán và chúng khiến tôi rất
hạnh phúc. Giờ chính là lúc tiết lộ kế hoạch của tôi với cậu ấy. Tôi cố
gắng nói một cách thật nghiêm túc, nhưng tôi không thể không mỉm cười.
“Anh sẽ nói sao nếu tôi nói tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết về vụ án
này?”

Kiyoshi sững lại như thể vừa bị bắt quả tang đang thò tay vào hộp bánh. “Đùa dở ẹc, Ishioka ạ!”

“Tôi không biết liệu có nhà xuất bản nào sẽ thích không, nhưng tôi nghĩ rất đáng thử sức.”

“Tôi chịu được bất kỳ điều gì, bạn tôi ạ,” Kiyoshi nói khẽ, “nhưng xin anh, hãy giữ kín chuyện này. Không sách vở gì cả!”

“Tại sao chứ?”

“Tôi vừa giải thích với anh đấy thôi. Tôi cũng có những lý do khác nữa.”

“Ồ, thế à? Kể cho tôi nghe xem là những gì.”

“Tôi không muốn.”

Căn cứ theo thái độ phản ứng thì Emoto sẽ là độc giả đầu tiên của cuốn sách này, và Kiyoshi sẽ là người cuối cùng. Xét trên góc độ công việc của
một họa sĩ minh họa như tôi, tôi cũng có một vài mối liên hệ rất tốt với các nhà xuất bản. Tôi dự định sẽ triển khai ý tưởng này.

“Anh sẽ chẳng bao giờ hình dung nổi tôi lo lắng đến thế nào khi người ta hỏi
tên tôi,” Kiyoshi lầm bầm khe khẽ và ngồi thụp xuống trường kỷ. “Tôi sẽ
xuất hiện trong sách của anh à?”

“Dĩ nhiên rồi! Anh sẽ là trung tâm câu chuyện – một con người với tính cách mạnh mẽ và khác thường.”

“Chà, anh cho tôi một cái tên hay ho hơn được không? Tên gì đó nghe như minh tinh màn bạc ấy.”

“Chắc chắn rồi,” tôi cười đáp lại, “dĩ nhiên anh sẽ được xuất hiện mà không lộ hình tích.”

“Phép ảo thuật... của một nhà chiêm tinh...”

Nhưng vụ việc vẫn chưa thật sự kết thúc với cả hai chúng tôi.

Một buổi chiều nắng ráo tháng Mười, sáu tháng sau tất cả những chuyện vừa qua, chúng tôi nghe có tiếng gõ cửa ngập ngừng.

“Vâng,” Kiyoshi lên tiếng, nhưng vị khách không dám mở cửa. Có lẽ đó là một phụ nữ đang phân vân, tôi nghĩ bụng. Lại có tiếng gõ cửa.

“Mời vào!” Kiyoshi nhắc lại thật to.

Cánh cửa từ từ mở ra để lộ một người đàn ông cao to. Thử đoán xem là ai... lão đười ươi!

“Ôi trời ơi! Là ông đấy à, ông Takegoshi?” Kiyoshi nói, bật dậy khỏi ghế và cười tươi. “Ishioka, anh pha trà đi.”

“Ồ, không, xin cảm ơn. Không cần phải phiền phức. Tôi sẽ không ở lại lâu
đâu,” lão Takegoshi Con nói, rút ra một chiếc phong bì lớn trong cặp
xách và trao cho Kiyoshi. “Tôi chỉ ghé qua để đưa cho anh cái này,” lão
tiếp tục vẻ ngập ngừng. “Tôi xin lỗi vì đã để quá lâu như vậy... Và xin
bỏ qua cho tôi vì đã không đưa cho anh bản gốc... nhưng nó là một bằng
chứng quan trọng, các anh xem... và phải mất một thời gian mới đoán ra
được bức thư dành cho ai...”

Tôi không hiểu lão ta đang nói gì.

“Nó được gửi cho anh, anh Mitarai,” lão ta nói và quay bước.

“Cảm ơn ông. Nhưng ông đi đấy à? Chúng ta còn rất nhiều chuyện để nói mà. Đã quá lâu rồi,” Kiyoshi nói, không thể giấu nổi thái độ châm chọc.

Lão Takegoshi Con không đáp lại. Lão đã bước qua cửa và khép lại. Nhưng sau đó lão dừng lại và từ từ mở cửa lần nữa.

“Là một người đàn ông, tôi phải nói điều này,” lão lầm bầm, nhìn xuống chân chúng tôi. “Rất cảm ơn các anh vì sự giúp đỡ. Tôi rất muốn nói cảm ơn
các anh nhân danh cha tôi nữa. Ở cõi vĩnh hằng, chắc ông rất vui... Và
tôi xin lỗi vì đã mất lịch sự với các anh trong lần trước khi chúng ta
gặp nhau. Chà... xin chào... và cảm ơn các anh.”

Lão ta đóng cửa lại thật nhanh, nhưng rất lịch sự. Lão không nhìn vào mắt chúng tôi lần nào.

“Hừm, có lẽ lão ta không còn là người xấu nữa!” Kiyoshi nói và cười toe toét.

“Ừ. Tôi nghĩ lão đã học được điều gì đó từ anh.”

“Hừm, có lẽ anh nói đúng. Ít nhất lão ấy học được cách gõ cửa!”

Đúng như tôi hy vọng, phong bì chứa một bức thư của bà Taeko gửi cho
Kiyoshi. Tôi muốn kết thúc câu chuyện này bằng việc in lại toàn bộ nội
dung, bởi vì nó hoàn tất phần giải thích cho vụ Tokyo hoàng đạo án.

Giải lao: Tiếng nói của Azoth

Gửi quý ông tôi gặp ở Arashiyama.

Tôi đã đợi anh suốt một thời gian dài. Nói nghe có vẻ kỳ cục, nhưng đúng là như vậy. Tôi đã chịu đựng tâm trạng vô cùng lo lắng, có lẽ là điều rất
tự nhiên, căn cứ vào những gì tôi đã làm. Kể từ khi tôi đến Kyoto, nơi
mẹ tôi ưa thích, đêm nào tôi cũng gặp ác mộng giống nhau, đó là câu
chuyện tiếp diễn không ngừng: một người đàn ông kinh khủng áp sát tôi,
chửi bới tôi bằng một giọng trầm đục, tay tóm lấy tôi và kéo tôi vào tù. Giấc mơ thật sự khiến tôi sợ hãi và rùng mình. Nhưng, có vẻ rất lạ
lùng, tôi luôn mong đợi gặp người đàn ông đó.

Cuối cùng, người
đàn ông đó ấy cũng xuất hiện trong đời thực và đứng trước mặt tôi. Đó
chính là anh. Anh rất trẻ và lịch lãm, anh không hề yêu cầu tôi kể những tình tiết khủng khiếp về tội ác trong quá khứ của tôi. Tôi biết ơn sự
chu đáo của anh. Tôi muốn cảm ơn anh nên tôi viết cho anh bức thư này.

Tôi chưa hề làm được việc gì tốt trong đời mình cả. Nhờ sự thận trọng của
anh, sự thật tội ác của tôi có thể được giữ kín mãi mãi. Nhưng lúc này
tôi rất muốn được giải thích các chi tiết về những gì tôi đã làm và thú
nhận tội lỗi của mình.

Những ngày sống với gia đình Umezawa trước kia thực sự vô cùng nghiệt ngã. Bà Masako, mẹ kế của tôi, cùng các con
gái bà ấy vô cùng cay nghiệt với tôi. Do vậy, tôi không hề cảm thấy hối
tiếc vì đã sát hại bọn con gái và giăng bẫy bà ta. Lúc tôi sống với họ,
dường như chẳng có gì trên thế giới này tồi tệ hơn thế. Đó có lẽ là lý
do khiến tôi có thể sống cho tới ngày hôm nay.

Cha tôi, ông
Heikichi Umezawa, phụ bạc mẹ tôi, bà Tae, khi tôi mới chỉ một tuổi. Mẹ
tôi muốn chăm sóc tôi, và đã van nài cha tôi để cho tôi được sống với
mẹ. Nhưng ông ấy không đồng ý, khăng khăng rằng mẹ tôi quá nghèo. Nếu
đúng như vậy, sao ông ấy nỡ để người phụ nữ nghèo khó đó sống một mình?

Chỉ ít lâu sau khi mẹ tôi rời khỏi nhà Umezawa, cha tôi cưới bà Masako. Dì
ghẻ tôi là con ác quỷ. Thật không hay khi nói xấu người đã chết, nhưng
sự thật mẹ kế đối xử với tôi vô cùng hiểm độc. Bà ấy không bao giờ mua
cho tôi thứ gì và chẳng bao giờ cho tôi tiền tiêu vặt. Tất cả quần áo,
đồ chơi và sách vở của tôi đều là đồ thừa của Tomoko hoặc Akiko. Yukiko
và tôi cùng học chung một trường tiểu học. Tôi học hơn nó một lớp, nhưng việc học cùng trường với nó khiến tôi cảm thấy mình chỉ là người vô
tích sự. Tôi phải mặc những chiếc áo len gián nhấm, những chiếc áo và
váy ố màu trong khi nó luôn được ăn mặc gọn gàng với quần áo mới tinh.
Để quên đi nỗi cay đắng của mình, tôi học như điên. Tôi bắt đầu đạt điểm số cao hơn Yukiko, cho nên bà Masako và Yukiko nghĩ ra mọi thủ đoạn để
phá rối tôi khi tôi học.

Nếu bà Masako không ưa tôi, tại sao bà
ta lại giữ tôi trong nhà chứ? Có lẽ bà ta sợ mang tiếng với hàng xóm
láng giềng, hoặc có lẽ bà ta thích biến tôi thành con ở. Mọi việc nhà
đều đổ lên đầu tôi từ khi tôi còn rất nhỏ. Tôi đã xin được về sống với
mẹ ruột nhưng mẹ ghẻ không đồng ý. Cả hàng xóm và bạn bè cùng lớp tôi
đều không biết những gì diễn ra bên trong gia đình Umezawa. Họ che giấu
sự thật rất khéo.

Mỗi lần tôi sắp tới thăm mẹ mình, bà Masako và
lũ con gái bà ta giở đủ trò để cản trở tôi. Nhưng điều đó chẳng bao giờ
ngăn được tôi đi thăm mẹ mình. Lý do thật sự không hẳn là tôi muốn đi
thăm mẹ, mà là tôi tìm được một công việc bí mật. Tôi phải giúp đỡ mẹ
tôi và chính tôi. Bà phải kiếm sống bằng việc bán thuốc lá.

Mẹ
tôi, người hiểu rất rõ hoàn cảnh của tôi, giúp tôi giữ bí mật công việc
của mình. Thỉnh thoảng nhà Umezawa hỏi bà có đúng tôi tới Hoya thăm bà
không. Bà luôn lảng tránh câu hỏi của họ. Thời đó, phụ nữ không thể kiếm được việc làm, thậm chí tại các hộp đêm, nếu không có người giới thiệu. Tôi đã may mắn gặp được một quý ông tốt bụng. Với sự giúp đỡ của quý
ông đó, tôi bắt đầu làm việc mỗi tuần một lần tại bệnh viện trường đại
học. Tôi không thể nói ra tên của quý ông tốt bụng đó hay tên của bệnh
viện, bởi vì tôi không muốn làm tổn thương tới ân nhân và gia đình của
ông.

Tôi học hỏi được nhiều điều từ công việc, nhưng đồng thời
tôi cũng trở thành kẻ nổi loạn. Chính tại bệnh viện nay tôi có cơ hội
được nhìn thấy giải phẫu tử thi. Quan điểm của tôi về cuộc sống thay đổi mạnh mẽ. Cái chết trở nên rất gần gũi với tôi. Tôi có ấn tượng rằng
những người làm nghề y có quyền năng kiểm soát sinh mệnh con người. Cuối cùng, tôi bị hấp dẫn bởi ý tưởng về tự sát. Tôi không biết các cô gái
trẻ thời này có cùng cảm nhận không nhưng thời đó rất nhiều thiếu nữ
thích thú với ý tưởng tự sát trước khi họ trở thành đàn bà.

Một
hôm, tôi có cơ hội tới thăm khoa Dược. Một đồng nghiệp cho tôi xem một
chai thạch tín, ý định tự sát lập tức nảy ra trong đầu tôi. Về sau, tôi
lẻn vào kho thuốc, đánh cắp một thìa thạch tín và cho vào một lọ mỹ phẩm đã hết. Tôi tới thăm mẹ để vĩnh biệt bà. Khi tôi nhìn thấy cửa hàng của bà từ trên phố, bà đang ngồi bên cạnh một lò than như thường lệ. Bà mỉm cười và giơ lên một cái túi giấy. Bà đang đợi tôi và đã mua một ít bánh quế. Chúng tôi ngồi ăn bánh với nhau, tôi nhìn vào mắt bà, hỏi về ý
nghĩa cuộc sống. Tôi chẳng thấy cuộc sống của mình có gì tốt đẹp, nhưng
tôi nhận ra hoàn cảnh của mẹ mình còn tệ hơn. Tôi biết rằng tôi sẽ phải
làm gì đó tốt đẹp cho bà trước khi tôi chết.

Mẹ tôi lúc nào trông cũng buồn và cô đơn. Bà giống như một cái vỏ hộp rỗng bị ai đó bóp bẹp
và quẳng ra bãi đất trống. Mỗi lần tôi thấy bà, bà đều ngồi đúng ở một
vị trí tại đúng một nơi. Nhận thức được rằng cuộc sống của bà sẽ chẳng
bao giờ thay đổi khiến tôi rất đau xót. Đám phụ nữ nhà Umezawa thì hưởng một cuộc sống phè phỡn. Mỗi lần tôi nghe thấy bọn họ trò chuyện, cười
đùa, hoặc chơi nhạc, nỗi oán giận và căm ghét của tôi dành cho họ càng
tăng thêm. Tôi có thể cảm nhận được máu trong người mình sôi lên, tim
tôi ngập tràn sự cuồng nộ.

Một hôm, Kazue tới thăm gia đình
Umezawa. Chị ta là chúa than vãn: thường vớ lấy bất cứ điều gì không hài lòng mà càu nhàu suốt ngày về nó. Hôm ấy, chị ta than vãn rằng cái ghế
đang ngồi bị cập kênh. Bà Masako bèn bảo, “Đây, lấy mảnh giẻ này đệm
xuống ghế cho nó bằng.” Bà ta ném cho Kazue một cái túi của mẹ tôi. Nó
nằm trong bộ sưu tập của mẹ. Tôi không hiểu làm thế nào bà Masako có
được nó – có lẽ nó rơi khỏi va li của mẹ tôi khi bà dọn đồ ra khỏi nhà.
Nhưng hành động đó khiến tôi nổi giận – sự kiên nhẫn của tôi đã cạn
kiệt. Khi đó và tại đó, tôi quyết định rằng tôi sẽ trả thù họ thay mẹ
mình, cho dù phải giết sạch bọn họ. Tôi bắt đầu dành hết tâm trí của
mình lên kế hoạch trả thù – đúng, tôi bắt đầu vạch ra kế hoạch về án
mạng Azoth.

Tôi thường xuyên vào được khoa Dược ở bệnh viện, lấy
trộm dần dần thạch tín. Sau đó, đến cuối năm 1935, tôi nghỉ việc mà
không thông báo gì. Họ không có cách nào liên lạc được với tôi bởi vì
tôi khai tên giả và địa chỉ giả trong hồ sơ xin việc.

Tôi luôn
nghĩ rằng mình có gương mặt xinh xắn, nhưng tôi chưa bao giờ hài lòng
với bộ ngực, hông và đôi chân của mình. Đó là lý do vì sao ý tưởng về
Azoth lại đến với tôi. Anh có thể cười tôi, nhưng đó là bản năng của phụ nữ.

Tôi biết rằng phải tìm ai đó giúp xử lý những cái xác một
khi tôi giết họ. Tôi suy nghĩ, tìm kiếm một người thích hợp làm việc
này. Và rồi, tôi chú ý đến ông Takegoshi, thám tử cảnh sát, người thường xuyên đi qua nhà Kazue. Tôi thực sự rất xin lỗi về những gì tôi đã làm
với ông ấy. Tôi mong mình có thể giải thích được toàn bộ tình hình và
xin lỗi ông ấy. Nhưng tôi đã không thể làm việc đó bởi vì tôi thà tự sát còn hơn để bị bắt.

Cha tôi không phải là mục tiêu thật sự, ông
ấy chỉ là người ích kỷ và trẻ con. Tôi giết ông bằng một cái hộp gỗ rất
cứng mà tôi mua ở chỗ làm. Tôi nhét đầy hộp hỗn hợp xi măng và rơm,
phương pháp những thợ mộc vẫn làm cho tường nhà vững chãi. Tôi đóng lên
hộp một cái quai, nhưng nó khá nặng. Khi tôi dùng nó nện vào đầu cha
tôi, nó vỡ tan. Đó là thời khắc tồi tệ nhất tôi từng trải qua. Mặc dù là người ích kỷ, nhưng cha tôi chưa bao giờ tàn ác với tôi. Một tuần trước khi ông ấy bị giết, tôi bảo với ông rằng tôi sẵn sàng làm mẫu khỏa thân cho ông và tôi sẽ không nói cho ai biết cả. Ông ấy rất hạnh phúc và
phấn khích chia sẻ bí mật với tôi. Về mặt tình cảm, ông ấy không khác gì một đứa trẻ.

Hôm ông ấy bị giết, tôi làm mẫu cho ông như thường
lệ, đợi cơ hội ra tay. Rồi trời đột ngột có tuyết rơi, tuyết tích tụ lại chỉ trong một thời gian ngắn. Tôi nhận ra rằng kế hoạch của mình có thể không còn hiệu quả nữa. Tôi nghĩ có lẽ ông trời đang bảo tôi dừng tay
lại. Tôi không nghĩ ra được phải làm gì. “Tối nay không hợp, tốt hơn nên thực hiện vào ngày mai,” tôi nhủ mình như vậy lúc cha tôi uống thuốc
ngủ. Tuy nhiên, tình hình không cho phép tôi trì hoãn kế hoạch giết
người. Bức vẽ của ông sắp hoàn tất, và ông sẽ vẽ thêm gương mặt tôi lên
tranh vào ngày hôm sau. Khi đó thì bất kỳ ai xem tranh cũng sẽ nhận ra
người mẫu của ông ấy.

Tôi dùng cái hộp nện vào đầu cha. Cảnh sát
xác định rằng ông chết ngay lập tức, nhưng không hẳn như vậy. Tôi không
thể giết chết ông ấy bằng một cú đánh duy nhất. Ông ấy ngã xuống và đau
đớn vật vã. Cuối cùng tôi phải làm cho ông ấy ngạt thở. Tôi bịt mũi và
miệng ông bằng mấy miếng giấy thủ công ướt. Sau này, tôi cũng không hiểu tại sao cảnh sát lại không phát hiện ra nguyên nhân thật sự khiến cha
tôi chết.

Khi ông ấy đã tắt thở, tôi lấy kéo cắt râu ông và định
bụng sẽ dùng dao cạo để làm cho gương mặt ông nhẵn nhụi, với mục đích
khiến các điều tra viên rối trí. Nhưng máu bắt đầu chảy từ mũi và miệng
ông. Tôi rất sợ hãi và phải dừng lại. Tôi cố gắng cẩn thận không để rơi
những sợi râu của ông ra sàn, nhưng không được.

Sau đó tôi đi ra
ngoài, đặt túi xách của mình ở mái hiên, nơi không có tuyết, tôi đứng từ cửa sổ quăng sợi dây đã chuẩn bị sẵn để móc then cửa và kéo nó để chốt
cửa. Rồi tôi đi ra phố, mang theo giày của cha. Dấu chân của tôi nhìn rõ mồn một trên tuyết, tôi định tạo ra dấu chân thứ hai bên trên bằng đôi
giày của ông ấy. Bằng cách cẩn thận bước nhón gót lên trên đúng những
dấu chân vừa tạo ra, tôi quay trở lại xưởng vẽ. Nhưng khi nhìn kỹ, tôi
có thể nhận ra những chỗ lõm ở giữa dấu chân ban đầu của mình. Tôi phải
che dấu chúng bằng cách nào đó. Tôi xỏ giày của giày của cha và cố gắng
giẫm lên những dấu chân đầu tiên của mình một cách bình thường. Khi tôi
quay lại phố, tôi đổi giày lần nữa và cho giày của cha tôi vào một cái
túi. Nếu trời không đổ tuyết nhiều và không phải vào buổi sáng thì toàn
bộ trò bịp này có thể sẽ không có tác dụng.

Tôi ẩn mình trong
rừng ở Komazawa đêm hôm đó. Có một nơi gần khe núi tôi biết rất rõ, một
chỗ thấp có những dây gai phủ kín. Gai móc vào tôi rất đau, nhưng đó quả là một nơi lý tưởng để ẩn nấp. Nếu kế hoạch của tôi thất bại, tôi quyết định sẽ tự sát ở đây. Tôi đã đào sẵn một cái hố và dùng cành cây với cỏ phủ lên. Đó là nơi tôi chôn cái hộp, cái kéo, và những sợi râu của ông
Heikichi. Tôi đợi trời sáng, ngồi giữa những bụi cây. Nếu tôi đi lòng
vòng, ai đó sẽ nhìn thấy tôi và đó có thể là điều tồi tệ nhất. Vài chiếc xe phóng qua trong đêm hôm đó, nhưng tôi đã may mắn không bị ai nhìn
thấy.

Trời lạnh đến mức tôi nghĩ mình sẽ chết cứng. Trong thời
gian ngồi, tôi cảm thấy hối hận và dao động. Tôi có nên về nhà lúc trời
đang có tuyết hay không? Tôi quyết định không nên làm như vậy – tôi phải tránh bị nhìn thấy. Tôi đã bảo bà Masako rằng tôi sẽ qua đêm ở Hoya.
Nếu tôi về nhà bây giờ, rất dễ bị nghi ngờ. Nếu tôi không về nhà và nếu
bà Masako hỏi bà Tae rằng tôi có ở với bà ấy không, tôi biết mẹ tôi sẽ
nói dối cho tôi. Cho nên tôi cứ ở yên đó, run bần bật.

Cuốn sổ mà mọi người lầm tưởng của ông Heikichi chính là sáng tác của tôi. Tôi để
lại nó trong xưởng vẽ sau khi đã giết ông, nhưng tôi không dám chắc nó
có tác dụng hay không. Tôi rất sốt ruột, và bắt đầu nghĩ mình không nên
thực hiện việc này. Tôi đã có thể thực hiện toàn bộ mọi việc một cách
đơn giản và chỉ việc dùng chất độc giết tất cả mọi người. Tôi không bận
tâm chuyện tôi bị bắt, nhưng tôi không muốn mẹ tôi phải chịu đựng vì tôi – bà ấy sẽ mang tiếng là mẹ của một kẻ sát nhân. Tôi cần bí mật thực
hiện tội ác để bà ấy được bảo vệ. Và tôi muốn để cho bà Masako phải chịu khổ sở suốt phần đời còn lại.

Tôi cố gắng gạt bỏ những ý nghĩ
tiêu cực của mình. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng không có ai nghĩ cuốn sổ
viết tay của ông Heikichi là đồ giả, bởi vì ông ấy chưa hề viết bất kỳ
lá thư hay bưu thiếp nào cho bất kỳ ai kể từ hồi 20 tuổi. Tôi đã từng
nhìn thấy chữ viết tay của ông Heikichi trong cuốn sổ ký họa từ thời ông ấy còn ở châu u. Trông rất giống chữ của tôi. Tôi nghĩ thật buồn cười
là chữ viết tay của cha và con gái lại giống nhau đến vậy. Để ngụy trang thêm chữ mình, tôi dùng một chiếc bút chì vẽ khiến cho chữ mờ thêm.

Trong lúc viết, tôi nghĩ về cha mình. Thật lạ là tôi chỉ nhớ được những điều
tốt đẹp về ông. Cha rất tử tế với tôi... Tôi nghĩ mình sẽ hóa điên vì
cảm giác tội lỗi. Cha tôi tự nói với mình rất nhiều về tôi, bởi vì ông
tin tưởng tôi. Cha tôi ít bạn bè – có lẽ cô Tomita và tôi là những người bạn duy nhất của ông. Chính vì thế mà tôi có thể đưa những cảm xúc như
vậy vào trong phần ghi chép. Và sau đó, trong số tất cả những việc tôi
có thể làm... tôi đã giết ông ấy!

Đêm mùa đông thật dài. Trong
lúc ẩn nấp, tôi cảm thấy buổi sáng sẽ chẳng bao giờ đến. Khi bầu trời
phía đông bắt đầu hé sáng, tôi lo sợ rằng một người của nhà Umezawa sẽ
tìm thấy xác ông Heikichi trước khi tôi quay về. Tôi cần trả lại đôi
giày, bà Masako và lũ con gái có thể biết rõ ràng ông ấy có hai đôi giày trong xưởng vẽ. Tôi muốn quay về ngay lập tức. Nhưng nếu tôi về quá
sớm, bà Masako sẽ nghi ngờ vì họ cho rằng tôi vẫn đang ở Hoya. Và nếu
tôi đến thẳng xưởng vẽ để trả lại đôi giày thì dấu chân tôi sẽ lộ ra
trên tuyết.

Mang theo đôi giày của cha tôi không phải là một phần kế hoạch ban đầu của tôi. Nó là một chi tiết ngoài dự tính khiến tôi
rất lo lắng. Hay tốt hơn cả là tôi chôn giấu chúng hoặc vứt chúng đi?
Chúng bị ướt vì tuyết. Nếu cảnh sát so sánh đôi giày với dấu giày, họ sẽ phát hiện ra trò bịp. Tôi rối trí mất một lúc, nhưng cuối cùng tôi
quyết định trả đôi giày về xưởng vẽ. Tôi lại may mắn lần nữa, cảnh sát
không hề xem xét khả năng dấu giày nam được tạo ra bằng chính đôi giày
của chính nạn nhân. Chắc chắn là thậm chí họ không hề thử so sánh giày
của cha tôi với các dấu giày. Và buổi sáng trời lại có tuyết, làm cho
việc nhìn các dấu giày thêm khó khăn.

Tuy nhiên, quá trình thẩm
tra của cảnh sát thì rất quyết liệt. Dĩ nhiên tôi đã chuẩn bị rất kỹ,
nhưng đám phụ nữ thì rất hoảng loạn, điều đó khiến tôi cảm thấy vui. Tôi rùng mình vì cảm lạnh do phải nấp trong rừng ban đêm. Nhưng các điều
tra viên lại nghĩ rằng đó là phản ứng tự nhiên của một thiếu nữ vừa mới
phát hiện thấy xác cha của mình.

Người ta hỏi mẹ tôi về bằng
chứng ngoại phạm của tôi. Mẹ tôi tin rằng tôi vẫn còn làm việc ở bệnh
viện, cho nên bà cam đoan rằng tôi đã ở nhà với bà suốt đêm. Ý định của
mẹ là bảo vệ tôi trước đám phụ nữ nhà Umezawa. Mẹ tôi quả là có trái tim bằng vàng.

Giờ tôi sẽ giải thích về vụ án mạng của Kazue. Tôi
giết chị ấy ngay sau sự việc bởi vì tôi không muốn chị ấy có thời gian
so sánh cuốn sổ ghi chép với bà Masako. Trước kia tôi đã từng tới thăm
chị ấy một mình để biết nhà. Tôi đã trải qua cảm giác sợ hãi và lo lắng
ghê gớm khi giết ông Heikichi, nhưng giết Kazue thì giống như đi trên
dây vậy. Tôi giết chị ấy, và đợi ông Takegoshi đi làm về. Tôi rất sợ ông ấy không xuất hiện hoặc sẽ đi đường khác về nhà vào tối hôm đó.

Tôi rất muốn mặc bộ kimono giống như Kazue vẫn mặc, nhưng tôi lại không làm được thế. Cho nên khi chị ấy chết, tôi phải tự lột đồ của chị ấy và mặc lên người. Trong lúc đợi ông Takegoshi trên phố, tôi phát hiện một ít
máu ở cổ áo. Vì thế tôi tìm một chỗ tối cho cuộc gặp gỡ đã lên kế hoạch. May thay, viên cảnh sát mà tôi mong chờ đã xuất hiện. Tôi dẫn ông ấy
trở lại nhà Kazue. Tôi có thể ngửi thấy mùi máu tanh nồng, nhưng dường
như ông ấy không phát hiện ra. Tôi đề nghị ông ấy không bật đèn. Ông ấy
nghĩ tôi xấu hổ, thực tế đó là mẹo để che giấu vết máu.

Khi các
điều tra viên nói Kazue chết trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 9 giờ
tối, chắc chắn ông Takegoshi rất hoảng sợ - nhưng đó lại là may mắn cho
tôi. Thực tế, tôi giết chị ấy ngay sau 7 giờ tối.

Khi tôi dự đám
tang của Kazue, tôi vẫn chưa làm xong việc dọn dẹp lại nhà chị ấy như
cũ. Tôi đã giặt sạch vết máu trên vỏ đệm và phơi ở trong nhà. Tôi muốn
tỏ ra còn rất nhiều việc phải dọn dẹp sau cái chết của Kazue – một lý do chính đáng để đám phụ nữ nhà Umezawa đến ngôi nhà đó sau khi trở về từ
núi Yahiko.

Đến lúc đó thì tôi đã quen với việc giết người. Tôi
thậm chí còn thấy thích thú, cứ như thể tôi đang chơi một trò chơi. Tôi
chưa bao giờ thấy thích việc mất thời gian với đám phụ nữ nhà Umezawa,
nhưng đi cùng họ tới núi Yahiko là một phần kế hoạch của tôi và tôi mong chờ việc đó. May thay, cảnh sát không công bố những nội dung ghi chép
của ông Heikichi, cho nên không ai biết về câu chuyện Azoth. Lần này,
mọi thứ rất suôn sẻ. Khi tôi gợi ý về chuyến đi, bà Masako lập tức đồng
ý. Trong suốt chuyến tham quan của chúng tôi tới suối nước nóng, tất cả
đám con gái đều muốn ở lại lâu hơn – điều này tôi cũng sẽ gợi ý nếu như
chúng không chủ động. Đúng như tôi mong đợi, bà Masako tách nhóm chúng
tôi và đi Aizu-wakamatsu để thăm bố mẹ bà ấy. Tôi biết mẹ kế của mình sẽ không ra ngoài thăm nom ai cả trong thời gian đó bởi vì bà ấy biết tất
cả mọi người đều tò mò về gia đình Umezawa. Trở ngại duy nhất của tôi là bà Masako bảo tôi và các em họ: Reiko và Nobuyo, tách đoàn để quay về
Tokyo. Nhưng điều quan trọng trong kế hoạch của tôi là cả sáu người
chúng tôi cần phải đi cùng nhau. Chúng tôi cùng lên một chuyến tàu,
nhưng Tomoko, Akiko và Yukiko ngồi cùng nhau, tách khỏi Nobuyo, Reiko và tôi. Không ai nhìn thấy cả sáu người chúng tôi cùng nhau cả.

Tôi gợi ý chúng tôi có thể cùng tới nhà Kazue để hoàn tất việc dọn dẹp,
nhưng Tomoko và Akiko nói rằng tôi có thể một mình làm việc đó. Làm sao
chúng lại có thể nói như vậy với tôi như thế chứ? Kazue chính là ruột
thịt của chúng, không phải họ hàng thân thích của tôi. Chúng không chỉ
ích kỷ, mà tính tình còn rất xấu xa. Chúng tôi sống trong cùng một ngôi
nhà và cùng học múa ba lê với nhau, nhưng chúng là những vũ công rất tệ. Trong số tất cả bọn họ, Tomoko và Yukiko đặc biệt xấu tính. Khi tôi
nhảy giỏi, chúng sẽ bỏ ra khỏi phòng tập. Lúc tôi hết thời gian ở trên
sàn tập, chúng mới chịu quay vào và bắt đầu nhảy, cười đùa và tán dóc.

Để dụ chúng tới nhà Kazue, tôi làm như thể tôi thật sự cần chúng. “Xin các chị đi cùng em. Em sợ đi vào nhà đó một mình lắm,” tôi nói. “Các chị
không phải làm gì cả đâu. Em đã mua một ít hoa quả rồi, em có thể pha
nước quả cho các chị.”

Chúng tôi đến nhà Kazue ngay sau 4 giờ
chiều ngày 31 tháng Ba. Tôi lập tức đi xuống bếp, vắt nước quả và bỏ
chất độc vào trong. Tôi làm việc này thật khẩn trương để bọn chúng chết
trước khi trời tối. Nếu chúng vẫn còn sống và trời tối, đèn đóm sẽ phải
thắp lên, và hàng xóm sẽ biết có ai đó ở trong nhà. Cả năm người bọn
chúng đều uống nước hoa quả có độc và chết ngay lập tức.

Tôi đã
phải uống thuốc giải độc từ trước, phòng trường hợp chúng bắt tôi nếm
nước quả, nhưng tôi đã không phải làm việc đó. Tuy nhiên, kịch bản xấu
nhất của tôi đã không trở thành hiện thực, bởi vì mấy đứa bọn chúng
không hề có ý định vào bếp giúp hay xem xem tôi đang làm gì.

Tôi
vứt xác chúng vào trong nhà tắm. Nơi đó thật sự rất không an toàn để giữ những xác chết, nhưng đó là nơi duy nhất tôi nghĩ ra. Hơn nữa, tôi
không thể giữ năm thi thể ở đâu đó khác rồi mang trở lại vào ngày hôm
sau được. Nếu cảnh sát tìm ra những xác chết này, tôi sẽ phải hủy bỏ
toàn bộ kế hoạch và tự sát bằng thạch tín: cảnh sát sẽ nghĩ hung thủ
đang tìm cách tạo ra Azoth với sáu xác chết. Nếu hung thủ vẫn không bị
phát hiện thì mẹ tôi sẽ chẳng bao giờ bị liên can. May thay, không ai
phát hiện ra những xác chết trong nhà tắm.

Tôi quay lại nhà
Umezawa một mình. Tôi để một sợi dây và một chai chất độc vào phòng bà
Masako. Sau đó tôi ngủ qua đêm ở phòng của mình. Ngày hôm sau, tôi quay
trở lại nhà Kazue. Mấy xác chết bắt đầu cứng cơ. Dưới ánh trăng lọt qua
cửa sổ phòng tắm, tôi bắt đầu cưa và cắt xẻ chúng. May mắn cho ý tưởng
về Azoth của tôi là tất cả phụ nữ nhà Umezawa, kể cả tôi, đều có nhóm
máu A. Tôi phát hiện ra chuyện đó trong một lần chúng tôi đi hiến máu.
Sau đó tôi bọc các phần xác bằng giấy dầu, mang tất cả tới nhà kho ở
trong vườn, và dùng một tấm vải phủ lên. Tôi đã quét dọn sạch sẽ bụi và
rác ở đó vào hôm đám ma Kazue, cho nên không dễ phát hiện dấu vết những
xác chết đã từng ở đó.

Vấn đề là mấy cái túi đi du lịch của các
cô gái. Tôi sẽ phải hủy chúng như thế nào? Chúng không lớn lắm, nhưng có đến sáu cái túi cùng một lúc. Tôi không thể nào bảo ông Takegoshi mang
chúng đi theo. Tôi bỏ một ít đá vào trong rồi ném xuống sông Tama. Tôi
cũng vứt cái cưa và con dao xuống sông.

Tôi cũng đã chuẩn bị sẵn
bức thư hăm dọa ông Takegoshi. Tôi giết lũ con gái vào ngày 31 tháng Ba
và gửi thư vào mùng 1 tháng Tư, cũng là ngày tôi xẻ xác. Mọi thứ phải
được thực hiện thật nhanh, bởi vì quá trình phân hủy sắp bắt đầu. Mà ông Takegoshi cũng cần thời gian để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tôi không hề có vết bớt, Yukiko mới có. Trong cuốn sổ của ông Heikichi, tôi tả vết bớt của Yukiko như thể nó là của tôi. Để hoàn tất ý đồ của mình, tôi đã dùng thanh sắt đập vào sườn mình để tạo ra vết bầm và tôi nói
với mẹ mình rằng tôi có vết bớt. Mẹ tôi rất ngạc nhiên, bà đã cố gắng
tìm cách tẩy bỏ nó! Cho nên khi bà ấy nhìn thấy vết bớt thật trên xác
Yukiko, bà xác nhận đó là xác của tôi.

Sau khi giết người, tôi
thay đổi kiểu tóc và quần áo, trú trong mấy khách sạn rẻ tiền ở Kawasaki và Asakusa, làm việc ở bất kỳ đâu có thể. Tim tôi đau nhói khi nghĩ đến mẹ đang rất buồn và cô đơn.

Tôi có thể tiếp tục sống như thế với số tiền tiết kiệm của mình, nhưng không có gì bảo đảm rằng tôi sẽ không bị truy lùng và bắt giữ. Tôi nghĩ cách tốt nhất là trốn khỏi Nhật Bản
một thời gian, và quay lại sau. Trong tất cả các thuộc địa của Nhật, tôi nghĩ đến Mãn Châu Lý là nơi tốt nhất để lẩn trốn. Tôi thấy rất khó khăn khi phải rời xa mẹ mình, nhưng cho dù tôi có ở ngay tại Nhật thì tôi
cũng không thể tới thăm bà trong một thời gian. Và nếu bà biết những gì
tôi đã làm, tôi tin chắc bà sẽ không thể giữ được bí mật. Cho nên vì cả
mẹ và chính tôi, tôi quyết định ra đi.

Trong thời gian làm việc ở một khách sạn, tôi đã gặp một người phụ nữ sắp cùng các anh trai sang
Mãn Châu Lý định cư. Tôi năn nỉ bà ấy cho tôi đi cùng. Người ta nói rằng Mản Châu Lý là một nơi phồn thịnh và rất tuyệt vời, nhiều người Nhật đã chuyển đến đó làm nghề nông. Tôi là một trong những người nuôi giấc mơ
đó. Sau này tôi hiểu rằng giấc mơ đó thật xa vời. Ở Mãn Châu Lý không hề thiếu đất những chúng tôi phải chịu đựng thời tiết rất khắc nghiệt.
Nhiệt độ xuống thấp tới âm 40oC.

Sau một thời gian, tôi bỏ việc ở nông trại và tìm việc trong thành phố. Một phụ nữ đơn thân kiếm sống ở
đó cực kỳ nhọc nhằn. Tôi không thể mô tả được những gì đã xảy đến với
mình. Cho phép tôi chỉ nói rằng tôi hiểu tại sao mẹ tôi không muốn tới
Mãn Châu Lý. Khi tôi phải chịu đựng, tôi luôn nghĩ rằng ông trời đang
trừng phạt mình.

Khi chiến tranh kết thúc, tôi trở về Nhật Bản.
Tôi sống một thời gian ở Kyushu. Những vụ án mạng nhà Umezawa vẫn còn
rất nổi tiếng và tôi biết rằng mẹ tôi được thừa kế nhiều tiền tử tài sản của ông Heikichi. Tôi rất mừng, bởi vì giờ đây bà có thể thực hiện được ước mơ mở cửa hàng của mình ở Kyoto. Tôi không sao ngăn được mình tới
thăm bà. Vì thế vào năm 1963, tôi tới Sagano. Tôi tìm kiếm ở khu vực này trong vô vọng – chẳng thấy mẹ cũng chẳng thấy cửa hàng. Tôi không biết
tả sao cho hết nỗi thất vọng của mình. Tôi chẳng có việc gì để làm ở
Kyoto cả, cho nên tôi quay về Tokyo.

Tokyo đã thay đổi hoàn toàn. Phố phường toàn xe hơi và nhiều đường cao tốc đã được xây dựng. Khắp
nơi là những tấm biển chỉ dẫn và biển hiệu lòe loẹt quảng bá sự kiện Thế vận hội sắp diễn ra. Tôi tới Meguro, nơi ngôi nhà của gia đình Umezawa
tọa lạc. Giữa những lùm cây, tôi nhìn thấy một tòa nhà mới nằm trên mảnh đất gia đình Umezawa. Sau đó, tôi tới Komazawa để thăm lại con kênh,
khu rừng và nơi tôi đã chôn giấu hung khí. Tôi nghe nói giờ ở đó có một
sân golf. Khi tôi tới nơi, tôi bị sốc. Khu rừng và con kênh đã hoàn toàn biến mất. Chỉ có một dải đất trống rất rộng với màu đất đỏ đặc trưng
của vùng Kanto. Những chiếc xe xúc và xe tải đang nườm nượp chạy qua
chạy lại, đào hố và chở đất thừa đi đổ. Có những ống xi măng rất lớn,
chắc chuẩn bị dùng làm hệ thống cống thoát nước. Có lẽ đó chính là vị
trí đã từng là con kênh trước đây. Công nhân xây dựng bảo tôi rằng họ
đang xây một khu liên hợp thể thao và một sân vận động cho Thế vận hội.
Hôm đó là một ngày hè nóng nực và tôi toát mồ hôi đầm đìa dù đứng dưới
ô. Mọi thứ quá khác. Tôi không thể tin đây từng là nơi tôi đã trải qua
một đêm rét run dưới tuyết. Thậm chí mặt trời dường như cũng rất khác.
Khung cảnh yên tĩnh bao bọc quanh tôi vào cái ngày đông hôm đó đã không
còn nữa.

Sau đó tôi đến Hoya để thăm mẹ. Tôi tin chắc bà ở đó.
Lúc đó mẹ tôi đã 75 tuổi. Khi được thừa hưởng tiền bạc, bà cũng đã hơn
60 tuổi. Tôi đã không nghĩ ra. Làm sao bà có thể khởi nghiệp kinh doanh
một mình ở tuổi đó được nữa chứ? Tôi cảm thấy ghét sự nông cạn của mình. Trên đường tới cửa hàng thuốc lá, hai đầu gối tôi run bắn. Khi rẽ qua
góc phố, tôi rất hy vọng nhìn thấy bà ngồi trong cửa quầy như vẫn luôn
vậy... nhưng bà không có ở đó. Cửa hàng thì vẫn nguyên xi, nhưng bà thì
không. Tất cả các cửa hàng trên phố giờ đây đều có khuôn cửa sổ và cửa
ra vào bằng nhôm rất hiện đại, khiến cho cửa hàng thuốc lá cũ kỹ, tàn tạ của mẹ tôi trông thật đáng thương. Không ai để ý đến cửa hàng cả. Tôi
đẩy cửa sổ ra và gọi to để xem có ai ở đó không. Một phụ nữ trung niên
xuất hiện, tôi bảo bà ấy tôi là bà con của bà Tae từ Mãn Châu đến. Người phụ nữ để tôi vào cửa hàng và sau đó đi ra.

Mẹ tôi nằm trên
giường trong phòng khách. Trông bà như thể sắp trút hơi thở cuối cùng.
Tôi ngồi xuống cạnh bà. Mắt bà rất yếu, bà không nhận ra được tôi.

“Xin cảm ơn, thưa bà,” bà nói. “Bà lúc nào cũng thật tốt.”

Tôi không sao cầm được nước mắt chảy tràn xuống má. Tôi thật là kẻ ngu
ngốc! Tôi nhận ra rằng việc tôi trả thù nhà Umezawa đã chẳng mang lại gì tốt đẹp. Tôi không thể làm cho mẹ mình sung sướng hơn, cũng chẳng làm
thay đổi cuộc sống của bà theo hướng tốt lên. Tôi đã hoàn toàn sai lầm.

Tôi ở lại chăm sóc bà, kiên trì chờ đợi với hy vọng bà nhận ra tôi. Vài
ngày sau, bà đột ngột gọi tên tôi. “Ôi, con chính là Tokiko... Tokiko!”
Bà phấn khởi kêu lên. Dường như bà không thể hiểu được hết sao lại có
chuyện như vậy, hoặc vì đã quá lâu kể từ lần cuối hai mẹ con nhìn thấy
nhau. Tôi không muốn bà biết thêm điều gì ngoài chuyện tôi đã quay trở
lại.

Thế Vận hội Tokyo sẽ được tổ chức vào năm tiếp theo. Tôi mua một chiếc ti vi màu, hy vọng làm bà vui, nhưng bà gần như bị hôn mê,
cuộc sống của bà cạn dần. Ngôi nhà của bà trở thành rạp chiếu phim cho
cả khu. Thời đó rất ít người có thể mua nổi ti vi màu. Hôm khai mạc Thế
Vận hội, cả nhà chật ních người dân xung quanh hớn hở xem màn trình diễn ngoạn mục của những chiếc máy bay nhào lộn tạo ra năm vòng tròn khói
lồng vào nhau. Nhưng với tôi, tất cả chỉ có nghĩa rằng mẹ tôi đã hoàn
tất cuộc đời của bà; như vòng khói của những chiếc máy bay, bà thanh
thản ra đi, xung quanh là bà con xóm giềng.

Tôi cảm thấy mình có
rất nhiều nghĩa vụ với mẹ, và một trong những nghĩa vụ đó là mở một cửa
hàng ở Sagano. Hoàn thành giấc mơ của bà là lý do duy nhất khiến tôi còn muốn sống. Tôi không hề hối tiếc vì đã giết người. Nếu nghĩ rằng một
ngày kia mình sẽ hối hận thì tôi đã chẳng bao giờ làm những việc đó. Tôi chắc rằng anh cũng hiểu.

Mở cửa hàng cùng với hai nhân viên trẻ
đem lại cho tôi niềm vui, nhưng dường như điều đó quá ư tốt đẹp với tôi. Cho nên tôi quyết định đánh cược với chính mình. Anh cũng là một nhà
chiêm tinh, anh sẽ hiểu điều này. Tôi sinh ra ở Tokyo vào lúc 9 giờ 41
phút sáng ngày 21 tháng Ba năm 1913. Căn cứ theo biểu đồ chiêm tinh của
mình, nhà đầu tiên của tôi có Diêm Vương Tinh là sao chủ quán, biểu
tượng của cái chết và tái sinh. Chắc hẳn thiên hướng thích những điều kỳ dị của tôi xuất phát từ ảnh hưởng của hành tinh này. Tương tự, tôi có
Kim Tinh, Mộc Tinh và Mặt Trăng tạo ra một tam giác trong lá số tử vi
của mình. Tôi sinh ra khá may mắn. Tuy nhiên, ở nhà thứ năm, liên quan
đến gia đình và quan hệ yêu đương – lại không thuận lợi. Đồng thời, nhà
thứ bảy – liên quan đến tình bạn và ước vọng – cũng rất dở. Thực tế, tôi không có bạn, không có người yêu, và không có con cái.

Tôi không quan tâm đến việc có tiền bạc, tài sản hay địa vị. Ước mong duy nhất
của tôi là tìm được một người dành cả đời mình bên tôi. Tôi quyết định
rằng nếu tôi gặp được người đàn ông như thế, tôi sẽ mãi mãi dâng hiến cả thể xác và tâm hồn mình. Tôi ở lại Sagano, chờ đợi, đánh cược rằng
người ấy sẽ đến, sẽ giải đáp được bí mật, sẽ tìm ra tôi. Thật lạ lùng,
nhưng ngay cả khi tôi biết mình không được may mắn trong tình yêu, nhưng tôi vẫn tin rằng số phận của tôi sẽ thay đổi qua trung vận. Tôi sinh ra có quý nhân phù trợ, cho nên nếu tôi ở nguyên tại chỗ, điều kỳ diệu sẽ
đến với tôi. Cho dù là ai, tôi biết đấy cũng là một người thông minh,
đáng yêu thương. Tôi sẽ yêu người ấy, không bận tâm đến nguồn gốc gia
đình. Đây chính là số phận, cũng là ván cược của tôi.

Nhưng giờ
tôi nghĩ tôi thật ngu ngốc. Thời gian trôi qua và tôi già đi. Giả sử có
người tìm ra tôi, tôi sẽ quá già không thể yêu đương được nữa. Những kế
hoạch sát nhân của tôi hoàn hảo đến mức tôi không thể thỏa mãn mong muốn của mình. Tôi đã thua trong chính vàn bài cùa mình. Đó mới là hình phạt thật sự cho một phụ nữ như tôi đây.

Tôi không hề có ác cảm gì
với anh. Khi tôi gặp anh, tôi nghĩ kết quả ván cược của tôi không đến
nỗi tệ. Chỉ là ván gieo xúc xắc không ra kết quả gì mà thôi. Tôi quyết
định chấm dứt cuộc đời mình khi tôi thua ván cược. Cung chủ quản của tôi nằm ở nhà thứ tám, liên quan đến cái chết và di sản, không được tốt
lắm. Có lẽ như vậy nên tôi sẽ không cần phải nỗ lực quá nhiều để tìm đến với cái chết bình yên.

Tôi chúc anh sức khỏe và một tương lại xán lạn.

Vĩnh biệt.

Tokiko Umezawa[1]

[1] Tại phần Giải lao: Thông điệp nữa từ tác giả, tác giả Soji Shimada có
khẳng định nhận dạng của hung thủ - bà Taeko Sudo dã bị phát hiện. Cái
tên Taeko trong tiếng Nhật bao gồm cái tên “Tae” và thành tố vĩ ngữ “ko” có nghĩa là đứa con. Vì thế, khi lấy cái tên giả này, thực ra Tokiko
muốn ám chỉ rằng mình chính là con gái của bà Tae, và vì thế, ngay từ
khi nghe thấy cái tên này, độc giả đã có thể đoán ra chính Tokiko là thủ phạm.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui