Bữa ăn trưa được chúng tôi dùng vội vã để còn về nhà trọ ngủ một giấc ngắn, trước khi đến trường vào lúc một giờ. Tôi sợ nhất những buổi trưa mất ngủ, rồi phải đến trường dạy liên tiếp bốn giờ. Nắng ở đây rất gắt, thêm những ngọn gió thổi hơi nóng từ những bãi cát quanh trường vào lớp học, khiến không khí ngột ngạt đến điên đầu. Những buổi dạy ấy tôi đã phải châm thuốc liên tiếp và nhờ khói thuốc cay xè tôi mới chống được cơn ngủ gục. Nhìn những chiếc miệng xinh xắn của nữ sinh cùng ngáp không che giấu trong khi tôi ê a bình giảng thơ khẩu khí của Lê Thánh Tôn, thú thật đã có lúc tôi muốn nộp đơn xin nghỉ dạy. Cũng may trời không nóng bức suốt niên học. Còn có những ngày mưa, những buổi sáng lạnh giá. Cũng may những chiếc miệng xinh xắn kia không phải chỉ biết ngáp, mà còn biết nở những nụ cười tuyệt đẹp và cũng may, trong chương trình, ngoài những bài thơ Vịnh Con Cóc, Cái Chổi còn có những bài ca dao, Chinh Phụ Ngâm…
- Thôi về chứ, ngồi “thiền” à.
Tôi uống vội ngụm trà, lấy theo một cây tăm, rồi nhảy lên xe Vélo để người bạn chở về nhà trọ.
- Chiều nay đi coi thi không?
- Có, cho quá giang với.
- Ðược rồi.
Ði xe đến gần con ngõ vào nhà trọ, tôi nói cho xuống, vì vào trong đó quay xe ra rất khó. Con ngõ dài hơn trăm thước này đầy cát. Tôi bảo bước cho nhanh để kiếm một giấc ngủ. Vừa đẩy cổng vào, tôi thấy một em nữ sinh đã đứng đợi tôi dưới hiên nhà. Tôi ghét nhất phải tiếp khách vào buổi trưa, nên khi em gật đầu chào thưa thầy, tôi giả lơ hỏi :
- Chuyện gì vậy?
- Thưa thầy, cho em nộp bài thi sáng nay.
- Trời đất, bài thi mà giờ này cô mới nộp, vậy còn thi cử làm gì.
- Thưa thầy, buổi sáng em làm bài đến phần kết luận thì hết mực, em phải đợi bãi trường về nhà chép tiếp.
- Sao cô không mượn bút của các bạn?
- Dạ trong lớp chỉ có mình em viết mực tím, viết hai màu mực em sợ thầy không chấm bài.
- Ai bảo cô viết mực tím làm gì cho rắc rối, mà thiếu phần kết luận có chết chóc gì đâu, sao không nộp bài ngay trong lớp.
- Em sợ thầy cho ít điểm.
- Cái gì cô cũng sợ, còn nộp bài trễ cô không sợ tôi không nhận sao?
- Dạ…
Em cúi mặt xuống, tay cuộn tròn tờ giấy thi, rồi bật khóc… Tôi hốt hoảng nói :
- Thôi chớ, nộp bài trễ rồi còn khóc nữa sao.
- Tại thầy không nhận bài của em.
- Ðâu dễ dàng như cô nghĩ, xấp bài nộp cho tôi, giám thị đã ghi thiếu bài làm của cô rồi, tôi đâu nhận được nữa. Buổi sáng ai coi thi phòng cô?
- Dạ cô Trâm.
- Bây giờ cô đem bài thi đến xin cô Trâm ký nhận vào phần giám thị, rồi tôi nhận.
- Em nói, chắc cô Trâm không chịu ký, đàn bà con gái với nhau khó thông cảm lắm, em nhờ thầy nói giúp em.
- Trời đất, bây giờ cô bắt tôi đi năn nỉ người ta!
- Nếu bài này không được chấm, em bỏ luôn kỳ thi, vì có thi tiếp, cuối năm em cũng bị thi lên lớp.
Cô bé vẫn khóc dai dẳng. Tôi chẳng biết em khóc thật hay dỡn nữa? Thật khó mà biết khi nào con gái khóc thật! Dù sao những giọt lệ của em cũng làm tôi xiêu lòng. Tôi rất dễ xiêu lòng vì những thứ vớ vẩn ấy, có lẽ trái tim tôi làm bằng bột mì. Tôi nói :
- Thôi được.
Cô bé đưa tờ giấy thi, nói cám ơn, rồi chào về. Tôi nói :
- Cô về nhanh lên, không tôi bực mình phát khóc bây giờ.
Em bật cười thành tiếng, quay đi bước vội ra cổng. Tôi gọi :
- Này cô.
- Dạ?
- Cô lau nước mắt đi, kẻo ra đường người ta lại tưởng tôi vừa đánh cô.
Em lắc đầu đáp :
- Mặc kệ, ai bảo thầy làm em khóc chi.
Thật chỉ có trời mới biết tại sao con gái cứ thích khoe với người khác rằng mình đã khóc.
Buổi chiều Trâm không coi thi, nên tan trường, tôi phải đem bài của cô bé đến nhà nàng xin chữ ký. Ngôi nhà nằm dưới một tàng cây keo lớn rợp bóng mát. Trâm mời tôi vào phòng khách, hỏi :
- Anh đến có chuyện gì vậy?
Sau khi nghe tôi trình bày câu chuyện, nàng nói :
- Ðối với nữ sinh anh dễ dãi như vậy tụi nó dám qua mặt lắm.
- Tôi dễ dãi với mọi người, dù có bị thiệt thòi.
- Trừ Trâm phải không? Trâm không ký vào bài thi đó.
- Ồ, đừng bắt tôi năn nỉ chớ.
- Không phải vậy, Trâm chỉ ghét con nhỏ đó, vì tại sao nó không đến nói với Trâm.
- Cô bé nói đàn bà con gái khó thông cảm với nhau.
- Con nhỏ thật khôn, nó đã biết có chuyện gì giữa chúng ta và nó muốn lợi dụng anh.
- Trâm đừng nghĩ vậy, đấy chỉ là một cô bé.
- Trâm không hiểu anh tin vào sự ngây thơ của nó hay chính anh ngây thơ. Không có nó chắc anh không thèm đến đây?
- Ðến chứ, nếu được Trâm mời ăn uống.
- Anh vẫn xem mọi việc là chuyện đùa?
- Còn Trâm vẫn xem mọi việc đều quan trọng?
- Ðấy có phải là điều anh ghét Trâm?
Tôi chẳng biết trả lời sao những câu hỏi của nàng. Ngày tôi mới đến trường trình diện, được ông hiệu trưởng dẫn vào giới thiệu với các bạn đồng nghiệp ở phòng giáo vụ, tôi đã gặp nàng ngồi một mình ở góc phòng với đôi mắt đen tròn và đầy những dấu hỏi. Nàng không nói một lời khi ông hiệu trưởng giới thiệu nàng với tôi, nhưng tôi nghĩ ngay nàng sẽ là một người bạn của mình ở chốn này, vì thường tôi chỉ cảm thấy mình bình an trước những câu hỏi. Sau đó, dù thường xuyên chúng tôi gặp nhau nhưng vẫn ít trò chuyện, chỉ nhìn nhau cười chào, chúng tôi tin cũng đã hiểu nhau. Nàng có vẻ muốn sống cách biệt với mọi người ở ngay quê hương nàng, ở ngay ngôi trường nhỏ bé này và chính vẻ xa lạ đó trông nàng quyến rũ như một tảng băng ở giữa vùng nắng lửa.
Xứ này tuy nhỏ bé nhưng dư luận lại rộng lớn và ồn ào như sóng biển. Người ta đã đồn tôi và nàng là một đôi tình nhân. Một vài người bạn nói chúng tôi sắp “cộng lương” với nhau và một vài học sinh đã viết tên chúng tôi lên bảng. Thật buồn cười. Lúc đầu tôi cũng sung sướng chút chút với mối tình bỗng dưng có được đó (giống như trúng số đề). Nhưng niềm vui chút chút đó đã qua mau. Tôi như thân cây khô héo, những cơn mưa tình ái cũng chẳng giúp đem lại những mầm lá xanh tươi.
Cơn bão tuổi trẻ trong tôi đã tắt, nhìn lại những nơi đã ở, đã đi qua, tôi chỉ thấy những dấu tích đổ vỡ, hư hỏng. Hãy bắt đầu lại đi, cố gắng bắt đầu lại đi. Một điệp khúc nhàm chán luôn luôn quay trong đầu như đĩa nhạc rè. Bắt đầu nhưng bắt đầu như thế nào khi những ngọn gió còn sót lại trong tôi không đủ làm rung động chính mình. Miền đất này quá hiền hòa, người ở đây quá chân tình, đấy không phải là môi trường để tôi bắt đầu lại những cuộc tình với lừa đảo, gian dối. Ðã có biển cả, đã có những cơn gió nồm hung dữ thay tôi khuấy động chốn này.
Những câu hỏi của Trâm, tôi chỉ biết đáp lại bằng sự im lặng, tan loãng vào bóng tối đang òa vỡ dưới chân mỗi người. “Sự im lặng của anh thật tàn nhẫn”. Trâm nói. Nhưng nàng không biết rằng lời nói của tôi lúc này còn hung bạo và thô lỗ hơn nhiều. Hãy chịu đựng một chút đi người bạn gái. Rồi em sẽ quên, rồi em sẽ quên. Bóng tối vẫn hiền hòa hơn ánh sáng vì nó giúp chúng ta không nhìn rõ mặt nhau.
Trầm đã hiểu, nàng nói thế, rồi cầm bút ký vào bài thi. Tôi cũng hiểu nàng đã chẳng hiểu gì, nên chỉ biết nói cảm ơn và chúng tôi cũng đứng dậy đi ra khoảng vườn nhỏ trước nhà. Ði ngang cây chùm ruột, tôi không ngăn được đưa tay hái những trái chín vàng mọng. Nàng nói tôi hái cho cô bé à. Tôi cười bỏ một trái vào miệng nhai, chất chua làm tôi nhăn mặt. Tôi nói : “Tôi rất giống trái chùm ruột vì chỉ làm người khác nhăn mặt”. Nàng nói : “Nhưng trái chua rất quyến rũ người nữ”. Tôi nói : “Như thế thật phiền”, rồi quăng những trái chùm ruột còn lại vào một con rãnh nhỏ bên đường.
Kỳ thi đã qua, tôi phải thức khuya cố chấm bài cho xong, còn lo đi in giai phẩm mùa xuân cho trường. Ðây là hoạt động làm tôi thích thú nhất, vì nhờ đó tôi được sống lại chút đam mê tuổi trẻ của mình. Những ngày cùng các bạn hữu ở miền Trung quây quần bên chiếc máy đánh chữ gõ lóc cóc những bài thơ, những bản văn, những dòng chữ mang dự tính mãnh liệt sẽ thay đổi xã hội, thay đổi cá nhân và thay đổi cả những sinh hoạt văn nghệ lúc bấy giờ. Mang bóng dáng của một nhóm Dada chết yểu, chúng tôi đã làm việc ngày đêm như dã tràng xe cát muốn lấp đầy biển sâu. Những câu thơ kia, bản văn kia, dự tính kia đã tan biến và những người bạn cũng đã mất hút. Trong tôi chỉ còn lại đốm lửa đam mê bập bùng soi sáng khuôn mặt tuổi trẻ của mình. Thật buồn thảm nếu ngọn lửa kia rụi tắt, thật hân hoan nếu ngọn lửa lại được dịp bùng lên.
Tuổi trẻ, tuổi trẻ! Tiếng kêu thảng thốt mất hút trong dòng thời gian nín lặng, nhưng âm ba của tiếng kêu cũng khiến người ta không ngớt réo gọi. Ðể được gì? Phải chăng chỉ để được biết tuổi trẻ đã qua và người ta không thể cứ tiếp tục sống như thời tuổi trẻ?
Ðọc những bản văn của các em gởi đến, gạt bỏ những ý tưởng sao chép, trên những dòng chữ thành thật, tôi đã hiểu các em muốn gì và để gần gũi các em hơn. Chính nhờ một bản văn mà tôi biết Tạo, cậu học sinh vẫn lầm lì ít nói trong lớp, nhưng tình yêu của em thật nồng nàn mãnh liệt. Tình yêu đó sẽ cuốn trôi cô bé viết mực tím trong lớp nếu không có sự ngăn cản của học đường, xã hội. Tôi đã gọi Tạo đến giúp tôi trong việc sắp xếp bài vở cho tờ đặc san và trong hoạt động này em mất hẳn dáng vẻ lừ đừ. Em thức suốt đêm đánh máy những bản thảo để kịp in kiểm duyệt, em đánh máy liên tiếp đến nỗi tôi không còn sức đọc bài cho em đánh và bên ngọn nến lập lòa, em phải vừa đọc vừa đánh máy một mình. Ðã đến hai giờ sáng. Tôi nói : “Thôi nghỉ đi ngày mai tôi còn phải đi dạy, tiếng máy gõ lọc cọc làm tôi không ngủ được”. Em cười nói : “Thầy khó ngủ vậy hèn chi thầy ốm như con dông”.
Nhà chỉ có một chiếc phản nhỏ, Tạo phải trải chiếu ngủ dưới nền xi măng. Ngọn nến đã được thổi tắt, em vẫn chưa chịu vào mùng còn ngồi nấn ná châm thuốc hút. Trong đêm tối, đốm lửa ở môi em rực lên soi rõ một khoảng mặt đang suy nghĩ mông lung : “Thầy ngủ chưa, em muốn tâm sự với thầy một chút. Thầy đừng nói em vô lễ khi em nói thầy không nên dạy học. Không phải em chê thầy bất tài, nhưng thầy nói thật và sống thật nhiều quá. Thầy thiếu khả năng lôi cuốn học sinh tin theo những gì mà mọi người buộc học sinh phải tin. Tại sao thầy cố ý đảo lộn mọi giá trị? Thầy đã nói về tình yêu bất diệt, về hạnh phúc ngọt ngào, nhưng sao thầy còn giúp người nghe hiểu tình yêu chỉ là bọt nước và hạnh phúc kia cũng ẩn mang nhiều nỗi cay đắng. Thầy phá vỡ nhiều ảo tưởng của tuổi trẻ, thầy tin rằng tuổi trẻ không cần bánh vẽ hay sao? Thầy giúp em nâng niu đóa hoa tình ái với cô bé đó, nhưng đồng thời với sự giúp đỡ của thầy em đã tìm ra con sâu nằm giữa đóa hoa. Như vậy, làm sao em có thể sống được, khi hiểu biết quá nhiều sự thật và một đầu óc sáng suốt đã làm em hoảng sợ”.
Giọng em trầm ấm nghe thật êm tai, tuy thèm thuốc hút tôi phải ráng đợi em nói xong mới nhờ lấy giúp một điếu thuốc ở trên bàn. Tôi im lặng hút đến nửa điếu. Tiếng em thúc giục “Thầy không nói gì sao, thầy phải nói cho em biết rõ đường đi chứ, thầy đã dẫn em đến một ngã ba đường”.
Nào ông thầy giáo trong tôi, hãy đem giọng đạo đức mà người ta đã huấn luyện cho ông để khuyên nhủ cậu bé đôi lời. Ông đã thấy sự sai lầm của ông chưa? Ông chỉ nên tiếp xúc, giảng dạy học sinh trên cương vị giáo chức, ai bảo ông đem con người thật của ông ra. Ai bảo ông quăng đi những mặt nạ, ông định lên sân khấu với bộ mặt thật trơ trẽn của ông sao? Nào, hãy nói vài lời đi ông giáo. Nói xin lỗi cậu bé, cậu nói đúng và tôi hứa sẽ bỏ nghề dạy học khi có dịp; trong lúc chờ đợi, tôi sẽ cố gắng giảng dạy như mọi ông giáo khác. Những gì tôi đã nói với cậu chỉ là trò đùa. Xiếc chỉ hay khi tạo cho khán giả cảm giác hoảng sợ, cậu đã hoảng sợ, vậy trò đùa của tôi đã thành công. Hãy cho tôi một tràng pháo tay rồi quên đi, cậu bé. Ðúng rồi, phải nói như vậy đó ông giáo. Ðừng nghĩ ngợi nữa, chờ đợi lâu, cậu bé nổi khùng lên bây giờ, nào hãy lên tiếng.
Tôi nói : “Ðiếu thuốc ngon quá, em đưa giùm tôi một điếu nữa”.
Buổi sáng đến trường, tôi nhận được điện tín từ Sài Gòn đánh ra “Cần bổ túc hồ sơ lên ngạch gấp”. Tôi vào văn phòng xin phép ông Hiệu trưởng, rồi vội về nhà trọ thu xếp hành lý để còn kịp bắt chuyến xe đò Nha Trang – Sài Gòn chạy ngang đây vào lúc chín giờ. Không có thì giờ tìm gặp Tạo, tôi viết vài dòng để trên bàn. Buổi tối khi em đến, em sẽ biết tôi đi đâu và tiếp tục công việc làm báo dưới sự hướng dẫn của thầy Khôi. Tôi cũng viết cho em biết, ánh sáng có làm em chói mắt, nhưng rồi sẽ quen đi. Hãy can đảm bước ra khỏi bóng tối. Tôi chỉ có quyền hướng dẫn em đến ngã ba đường và nhiệm vụ của tôi đến đó là chấm dứt. Hãy thể hiện tuổi trẻ của em bằng sự lựa chọn một hướng đi. Tự Do và Ðịnh Mệnh chờ đợi em ở hướng đi đó. Hãy tiếp tục yêu cô bé viết mực tím. Ðừng sợ con sâu ở giữa đóa hoa. Dám hay không dám bắt sâu quăng đi, đấy là lúc trái tim đắc thắng hay thất bại.
Phải mất gần một tuần tôi mới làm xong những giấy tờ hành chánh rắc rối. Còn nhiều công việc phải làm ở trường, nên tôi không thể nán lại Sài Gòn thêm vài ngày, dự buổi khai mạc phòng triển lãm tranh của một người bạn và nhất là cùng người em đi xem phim có Terence Stamp đóng, sắp được chiếu.
Mưa đã rơi trên quận lỵ bé nhỏ. Người tôi lạnh run vì dầm mưa trên quãng đường dài từ bến xe về nhà trọ. Những cơn mưa cuối năm ở đây rất nặng hạt và cùng lúc giá rét đã đến ẩn mình ở những bờ tường ẩm ướt. Có lẽ trời đã mưa liên tiếp hai ba ngày, nên nước ở lòng đường đã dâng ngập vỉa hè và suốt dãy phố các hàng quán đều đóng cửa.
Căn phòng tôi ở đầy mùi ẩm mốc, chắc Tạo không đến đây làm việc từ ngày tôi đi. Người ta nói khu vực này có ma, chắc em sợ phải thức khuya làm việc một mình. Tắm xong, tôi ủ mình trong chiếc chăn dạ còn giữ được từ ngày đi lính. Tôi cho băng vào chiếc cassette chạy pin. Phải có chút âm nhạc để chống lại giá rét, nếu không, tôi sẽ bị cảm mất. Ðã đến giờ ăn tối, bụng đói, tôi đi xem còn gói mì Hai Con Tôm nào không. Thật xui, thùng mì trống rỗng. Sẵn có gói bánh ngọt mới đem về để cùng Tạo ăn khi làm việc khuya, tôi mở ra ăn một mình. Nhà cũng chẳng còn trà, tôi pha lại bã trà khô uống từ lần trước vì lười biếng chưa đổ đi, mùi trà mốc hơi khó chịu, dù sao cũng còn hơn uống nước không.
“Imagine there s no heaven, it s easy if you try. No hell below us. Above us only sky…”
Âm nhạc thật tuyệt vời. Bánh ngọt thật tuyệt vời. Trà mốc thật tuyệt vời và tôi cũng tuyệt vời luôn trong buổi tối tuyệt vời này.
Có tiếng gõ cửa cộc cộc. Khách khứa đến lúc này làm tôi nổi điên. Chẳng thèm ngồi dậy, tôi nằm lì trên phản kéo chăn đắp đến cằm. Nếu bạn bè đến, tôi sẽ nói đang đau, để họ về. Mặc cho tôi chưa trả lời, cánh cửa cũng hé mở và tôi thấy thấp thoáng một mái tóc xõa. Ma chăng? Tôi sắp bật tiếng kêu thì đã nghe tiếng la “Á”. Tôi vội nhổm dậy hỏi “Chuyện gì vậy?” Cánh cửa mở ra, cô bé rắc rối đi vào : “Thầy làm em hết hồn, thầy nằm đắp chăn như xác chết”. Cô bé thật láu, đã làm tôi đứng tim rồi còn bắt bẻ này nọ.
- Sao thầy không lên tiếng, thầy đau hả?
- Ứ, ừ mà cô bé đến đây có chuyện gì vậy?
- Thầy không mời em ăn bánh?
- Ðó, cô lấy hết gói bánh rồi về đi. Ðêm tối, em ở đây, người ta nói lôi thôi.
Em mở gói lấy một chiếc bánh ngọt ngồi ăn tỉnh bơ, rồi hỏi :
- Thầy sợ dư luận?
- Không, tôi lo cho cô.
- Cám ơn lòng tốt của thầy, nhưng ngày mai em không còn ở đây nữa.
- Sao? Em bỏ học à?
Cô bé nói cho tôi biết, ba em đổi đi làm việc ở Cam Ranh và ngày mai em sẽ theo ba ra ngoài đó. Em đã đợi tôi cả tuần nay nhờ ký học bạ để xin chuyển trường. Vừa nghe cô bạn nhà ở gần bến xe nói tôi đã về, nên ăn cơm xong, em vội đến đây. Tôi tần ngần giở tấm bìa đỏ, đọc lời phê của các giáo viên khác. Nhìn vị thứ của em, tôi ngạc nhiên hỏi :
- Em đứng nhì à, giỏi quá. Vậy mà tôi cứ tưởng…
- Tưởng em đứng chót phải không. Em chỉ dốt môn văn của thầy thôi, vì có nhiều chữ “xưa” quá; với lại tại thầy cho điểm “kẹo” quá, chứ không em đã đứng nhất.
Tôi phì cười nói :
- Tại cô bé chê môn văn của tôi nên không chịu học bài, làm sao tôi cho điểm cao được.
- Em ghét nhất môn thầy dạy ở mấy cái định nghĩa. Cung Bắc Hán là gì này? Ðòi nau là gì này? Rủ thác là gì này? Mỗi lần bị thầy gọi lên trả bài, bắt định nghĩa chữ này nọ làm em giận muốn chết. Tại sao thầy cứ thích định nghĩa vậy?
- Tại tôi muốn mọi việc đều rõ ràng, nhưng mà giận vừa thôi chứ cô bé; ngày mai đi rồi, mặt mày nhăn nhó trông chẳng giống ai. Bây giờ cô muốn tôi phê gì đây?
- Tùy thầy chứ, cái đó là nghề của thầy mà.
Tôi phê ở môn Việt văn chữ trung bình, còn ở phần lời phê của giáo viên hướng dẫn, tôi ghi : Chăm, ngoan, giỏi… Tôi định viết thêm nữa, nhưng cô bé kéo tay tôi.
- Chừng ấy nhiều quá rồi, mà thầy còn muốn phê gì nữa vậy?
- Thông minh.
- Thông minh? Thầy nghĩ rằng em thông minh?
- Phải. Nếu không thông minh em đã để tôi viết thêm chữ “Thông minh” rồi.
Ký học bạ xong, tôi trao tấm bìa đỏ cho em. Em nói đến trường mới, tôi có khuyên em điều gì không. Tôi nói : “Em đừng viết mực tím nữa, vì màu tím ấy dễ làm rắc rối mấy ông thầy và mấy người bạn của em”. Em hỏi tại sao vậy? Tôi nói : “Thì em cứ tưởng tượng trong khi mọi người viết mực xanh, riêng em viết mực tím, em không cảm thấy gì sao?”
Em cúi đầu, giọng thầm thì :
- Em cảm thấy lạc lõng.
- Ê, đừng khóc ẩu nghe cô bé, tôi đang đau đầu đây. Cô biết không, chính màu mực ấy đã làm rắc rối ột người bạn cùng lớp với cô.
- Tạo phải không? Chính vì Tạo mà ba em bắt em phải rời ngay trường này, trong khi mấy đứa em của em vẫn còn học ở đây đến hết niên khóa. Với Tạo, em không cần biết, em chỉ thắc mắc màu mực tím có gây rắc rối cho thầy không?
- Í, a. Cho tôi hả? Cũng rắc rối chút ít, vì màu mực tím quá nhạt mà mắt tôi lại hơi kém nên những bài làm của em tôi chấm quá khó khăn.
- Chỉ có vậy?
- Phải chỉ rắc rối có vậy. Bây giờ hãy cầm gói bánh và tôi sẽ lấy đèn pin đưa em về một đoạn đường, không lại ngã xuống con ngõ lầy cát. Nào, nhanh lên.
Tôi khoác vội áo mưa đưa em ra cổng. Con ngõ nước ngập đến mắc cá chân lạnh buốt. Trời vẫn mưa nặng hạt. Ngoài đường chẳng có bóng dáng ai. Tôi hỏi : “Em có cần tôi đưa về đến nhà không”. Em chỉ ngọn đèn hình chữ thập màu đỏ của một tiệm thuốc tây, nói nhà ở gần đó. Tôi nói : “Vậy thôi em về”. Em ngẩng mặt nhìn tôi.
- Thầy không chúc gì cho em sao?
- Tôi chẳng biết chúc gì, tôi không quen nói những lời đó, nhưng chắc em cũng hiểu những gì tôi muốn nói với em.
- Em không hiểu những điều ấy.
- Ồ, vậy cô bé chẳng thông minh tí nào.
- Thì em đâu có nhận mình thông minh. Còn thầy, thầy có hiểu những điều em muốn nói với thầy?
- Em đã nói đâu mà tôi hiểu.
- Vậy thầy cũng chẳng thông minh tí nào. Em muốn nói tại sao thầy…
Em ngừng nói, đưa tay vuốt những sợi tóc che trước mặt rồi bật khóc tấm tức. Em vẫn thường khóc dễ dàng như vậy. Khóc như mưa nắng bất chợt ở đây. Bạn bè cùng lớp thường chê em “nước mắt cá sấu”, nhưng tôi vẫn nghĩ những giọt nước mắt của em thấp thoáng bóng hạnh phúc. Khóc được, không phải là một niềm vui sao. Càng lớn người ta càng khó khóc và như thế mọi việc đều trở nên khó khăn và buồn thảm.
Tôi muốn hỏi em “Tại sao thầy…” cái gì, hả cô bé? Tại sao thầy hiền? Tại sao thầy dữ? Tại sao thầy ốm nhách? Tại sao thầy kiêu ngạo? Tại sao thầy lừng khừng? Tại sao thầy thích uống sữa đậu nành? Tại sao lại phải hỏi “tại sao thầy…” hả cô bé? Tôi muốn hỏi để em trả lời rõ ràng, nhưng khi thấy đôi vai nhỏ bé của em run lên theo tiếng nấc, tự dưng tôi chẳng thốt nên lời. Chẳng bao giờ tôi thốt nên lời trước một người đang khóc.
Thôi chứ ông giáo. Nào, hãy đem giọng đạo đức chuyên nghiệp ra khuyên nhủ cô bé vài lời. Hãy cố giúp cô bé nở nụ cười, trước khi đi. Giây phút mặc niệm đã qua, không lẽ im lặng mãi, hay ông giáo định khóc theo?
Hẳn nhiên tôi chẳng dễ gì khóc được, nhưng tôi không thể ngăn những giọt mưa làm mắt tôi ướt đẫm và khi cô bé ngước mặt lên, nhìn vào mắt tôi, em run rẩy nói : “Thầy, em xin thầy đừng khóc”. Cô bé bỏ chạy sau lời nói. Tôi muốn nói cô bé hiểu lầm rồi. Tôi muốn nói chỉ tại những giọt mưa. Tôi muốn nói… Nhưng có thật tôi không khóc không?
Hè 1974