Trong thời gian đi thực tập dạy học ở Long Xuyên, tôi đã được ăn thịt chuột lần đầu tiên ở một quán bán cơm tháng. Gắp miếng thịt chuột nướng lá cách bỏ vào miệng, tôi vừa sợ vừa run như lần đầu tiên hôn đại vào má người yêu.
Hai mươi năm sau, có dịp trở lại đồng bằng sông Cửu Long, tôi đã được đi bắt chuột và ăn thịt chuột do một cô bé nấu nướng. Lần này, thịt chuột thơm ngon và quyến rũ như đôi môi người tình.
Hỡi cô bé bắt chuột, em còn nhớ đến tôi hay chỉ nhớ đến… chuột?
*
* *
Nhân dịp đi lắp đặt máy vi tính ột Công ty ở Cần Thơ tôi tranh thủ ghé thăm người bạn thân ở xã Thới Long. Anh đã từng học chung với tôi ở Đại Học Tổng hợp Sài Gòn. Ba năm rồi chúng tôi không gặp nhau nhưng vẫn thường thư từ với nhau . Anh cho biết đã về dạy tại trường trung học ở huyện Ô Môn. Khi nào có dịp tôi ghé nhà anh chơi và anh sẽ đãi một món ăn đặc sản quê hương: chuột đồng khìa nước dừa .
Thú thật bạn thân thì bạn thân mà ở xa xôi cách trở qua hai cái bắc, tôi cũng chỉ biết gửi “tấm lòng” là quí, chứ ít khi chịu gửi tấm thân ốm nhách của mình. Nhưng nghe bạn hứa sẽ chiêu đãi một món ăn đặc sản mà ở Sài Gòn không có thì đôi chân tôi dù có lỡ bị tai nạn, tôi vẫn cố chống nạng lên đường. Với tôi, một món ăn luôn luôn hấp dẫn hơn tình bạn, tình yêu vì những thứ đó tôi khó mà nắm bắt và bỏ vào miệng nhai nuốt như món ăn.
Chiếc xe lôi chở tôi, đậu lại ở một ngã ba đường đầy sỏi đá. Người lái xe nói:
- Đến nơi rồi . Anh đi bộ theo hướng này hỏi thăm nhà, chứ đường ruộng xe vào không được.
Tôi trả tiền xe, cám ơn anh rồi lững thững đi bộ trên con đường đất mấp mô . Trời xế trưa nắng gắt. Hai bên đường là những cánh đồng lúa mới gặt xong còn trơ gốc rạ. Xa xa còn một vài thửa ruộng gặt muộn, lúa đã chín vàng. Tôi thử quan sát thật kỹ một thửa ruộng bên đường xem có thấy bóng dáng một con chuột nào không. Nhưng chỉ thấy mặt ruộng nứt nẻ và những gốc rạ khô khốc. Tôi hy vọng bạn tôi đã nuôi sẵn chuột trong nhà để đãi khách, nếu không tôi đành phải than cho số phận hẩm hiu của mình. Món thịt chuột còn bị hụt ăn thì đừng mơ tới chuyện tình yêu .
Ở làng xóm, các ngôi nhà đều không có số. Tôi phải hỏi thăm gần chục người mới biết nhà bạn tôi phía trước có hàng cây so đũa và cái cổng gỗ sơn màu xanh. Cây so đũa là cây gì vậy trời ? May thay cuối cùng tôi cũng đi tìm ra cái cổng gỗ sơn xanh, đã khóa . Tôi gọi lớn tên người bạn:
- Tuấn ơi, Tuấn!
Một con chó mực chạy ào ra sủa vang đáp lời gọi của tôi, cứ y như nó tên là Tuấn. Tôi vốn ghét loài chó vì tính ưa “theo đuôi” chủ của nó (người ta thường gọi văn hoa là lòng trung thành), nhưng tôi lại rất thích ăn thịt chó. Thật kỳ lạ, con vật nào mình càng ghét, ăn thịt lại càng ngon. Tôi nghĩ nếu không có chuột đồng, tôi sẽ xúi bạn tôi “hạ cờ tây”.
Một cô gái mặc bộ bà ba lấm tấm bông xanh, đỏ, tím, vàng đi ra . Em hỏi:
- Ông hỏi ai ?
- Có anh Tuấn ở nhà không em?
- Mời ông vào .
Cô bé mở cổng gỗ cho tôi vào . Em gõ nhẹ lên đầu con mực, nó không còn nhe răng gầm gừ mà chúi đầu vào chân em. Bước đến hiên nhà lợp lá dừa, cô bé gọi:
- Anh hai ơi, có khách.
Cô bé và con mực đi thẳng vào trong nhà. Một lúc sau, Tuấn chống nạng bước ra . Bàn chân phải của anh bó băng trắng che khuất mắt cá. Tôi sững sờ. Vậy là xong! Với cái chân bị thương đó. Tuấn chẳng thể đi bắt chuột nấu món ăn đặc sản đãi tôi .
Tuấn ôm vai tôi, mừng rỡ nói:
- Cơn gió nào đã đưa bạn hiền tới đây!
Tôi buồn bã nói:
- Chẳng có cơn gió nào hết, tôi phải đi bộ muốn gãy chân để tới đây . Chân cậu bị sao vậy ?
Tưởng tôi chia buồn, Tuấn cười nói:
- Không sao, không sao . Bị tai nạn xe cộ khi tôi về Cần Thơ . Ông vào nhà ngồi chơi . Tối nay ở lại đây nghe .
Tôi theo Tuấn vào nhà và ngồi xuống bộ bàn ghế đánh vẹc-ni láng bóng. Tuấn quay vào trong gọi:
- Út ơi!
Cô bé mặc áo bà ba lấm tấm bông ở nhà sau đi lên, đứng ở cửa . Tuấn nói:
- Em chặt một trái dừa đãi khách.
Tôi vội nói:
- Thôi khỏi . Hãy để dành dừa làm món chuột đồng khìa nước dừa .
Tuấn cười:
- Ông khỏi lo . Nhà còn mấy cây dừa ở phía sau .
Rồi anh quay qua nói với cô em:
- Nè Út, em đi bắt mấy con chuột để anh làm đồ nhậu đãi bạn.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Bộ cô bé không sợ chuột à?
Cô bé che miệng cười .
Tuấn nói:
- Chuột sợ nó thì có.
Đang ngồi ôn lại chuyện ngày xưa cùng đi học với Tuấn bên ly nước dừa, tôi thấy cô bé tay cầm cái chĩa, tay cầm lồng sắt đi ra cổng. Con chó mực lẽo đẽo chạy theo sau . Tôi vội nói với Tuấn:
- Để tôi đi phụ bắt chuột với cô bé nghe .
- Ông cứ ngồi đây chơi, một mình nó làm được mà.
Tôi cười nói:
- Tôi muốn đi thực tế. Vả lại chính tay mình bắt được chuột đem về nấu ăn mới ngon.
Tôi đuổi kịp cô bé khi em vừa ra khỏi cổng một đoạn đường. Con chó mực quay qua tôi gầm gừ, chắc nó sợ tôi dành chỗ nó “theo đuôi” cô bé. Tôi vội bước lên đi ngang hàng với em. Cô bé nói:
- Ông tuổi con gì?
- Tuổi tý.
- Vậy ông nên ở nhà.
- Trời đất! Đi bắt chuột mà cũng kị tuổi à?
- Ông hạp tuổi con chuột nên mới khó bắt, vì ông dễ dàng buông tha “đồng loại”.
- Sức mấy mà tôi buông tha . Tôi đang muốn tìm vài “đồng hương” để khìa nước dừa . Còn em chắc tuổi con mèo, sát tinh của loài chuột?
- Không. Em tuổi con rắn. Ở miệt quê rắn bắt chuột giỏi hơn mèo .
Tôi mừng thầm. May mà tôi không ở miệt quê, nếu không chắc em sẽ “nuốt” tôi dễ dàng. Tôi hỏi:
- Em học lớp mấy rồi ?
- Hơn anh em một lớp.
- Xạo!
- Thiệt mà, em học lớp 12, còn anh em dạy học lớp 11. Ông cũng đi dạy học như anh em?
Tôi gật đầu:
- Anh em dạy chữ, còn tôi dạy sử dụng máy vi tính.
- Vậy ông có thể lập chương trình bắt chuột trên máy vi tính được không?
- Được chứ, nếu em cung cấp cho tôi những dữ kiện.
Đang đi bỗng cô gái quay trở lại, nói:
- Vậy chúng ta về nhà.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại về nhà?
- Đi bắt chuột làm chi ất công. Về nhà, em sẽ cung cấp cho ông những dữ kiện để ông đem về Sài Gòn khìa chuột đồng trên máy vi tính.
Tôi lắc đầu cười . Cô bé này quá lanh. Tôi ở thành phố còn chịu thua huống chi mấy con chuột ở đồng.
Cô bé dẫn tôi đến một cánh đồng lúa vừa mới gặt còn lác đác những hạt lúa rơi . Em dặn:
- Ông đứng im một chỗ, đừng đi lung tung, chuột nghe động bỏ chạy .
Tôi đứng trên bờ ruộng nhìn con mực trổ tài . Nó đi dọc theo bờ ruộng hít hít rồi sủa vang trước một miệng hang chuột. Cô bé quơ mớ rơm ở ruộng, đốt lửa, dúi vào miệng hang rồi em đứng dậy cầm cây chĩa ngạnh bén ngọt chờ đợi . Khói xông vào hang, một con chuột ngộp thở chạy ra, cô bé lanh lẹ đâm thẳng cây chĩa vào bụng chuột. Con vật kêu chít chít, cô bé gỡ con chuột bỏ vào lồng sắt. Rồi em đi theo con chó đến miệng hang khác.
Nhìn cảnh cô bé bắt chuột, tôi bỗng rùng mình nổi da gà. Không phải tôi ớn lạnh vì thấy cảnh “máu đổ thịt rơi” mà vì thấy tài đâm chĩa chính xác của cô bé. Con chuột nhỏ con và lanh như vậy, em chỉ đâm một chĩa là trúng ngay tróc. Tôi to con và chậm chạp hơn con chuột cả ngàn lần, chắc em mới dứ cây chĩa lên cũng trúng (tim) tôi ngay tróc. Đang lan man suy nghĩ, tôi nghe có tiếng cô bé la:
- Ông Vi Tính, chụp con chuột đang chạy tới ông kìa!
Tôi quay lại thấy một con chuột mập ú đang chạy về phía mình. Tôi vội đứng dạng chân, giơ tay như thủ môn chụp banh thời còn ở đội bóng đá sinh viên. Con chuột chạy qua mé phải, tôi khép góc bay người đón bắt. Nhưng khổ ơi là khổ! Nó là chuột chứ không phải là trái banh nên nó thản nhiên leo qua đầu tôi, chạy tiếp.
Tôi lồm cồm bò dậy, mắc cỡ liếc nhìn cô bé thì thấy em chỉ tay về phía mình và la lên:
- Cút! Cút! Lẹ đi .
Em chê tôi bắt chuột dở ẹc nên đuổi tôi đi ? Tự ái nổi lên dồn dập, tôi cóc cần mấy con chuột nữa . Tôi bước nhanh về nhà người bạn. Có thể tôi sẽ thuê xe lôi về Cần Thơ ngay . Bây giờ bạn tôi có đãi món chuột khìa kim cương tôi cũng không thèm ăn, huống chi món chuột khìa nước dừa rẻ tiền.
Bước vào cổng, tôi thấy Tuấn đang chống nạng đứng trước hiên. Anh hỏi:
- Bắt được nhiều ít rồi ?
Tôi nhăn mặt:
- Mới được có mấy con.
- Sao ông không phụ em tôi bắt thêm mấy con nữa ?
- Tôi vừa bắt hụt một con chuột, em gái cậu đã nổi giận đuổi tôi đi .
- Nó mà dám đuổi ông đi à?
Tôi nói kháy:
- Em cậu đâu dám đuổi mà chỉ “lịch sự” la: cút, cút đi .
Tuấn, tay chống nạng, tay ôm bụng cười . Tôi muốn cây nạng gãy làm đôi cho hắn ngã xuống để tắt đi tiếng cười khinh thường tôi như cô em gái hắn. Vừa xoa bụng Tuấn vừa nói:
- Ông hiểu lầm rồi . Em tôi la “Cút, cút” là nó gọi con chó mực đuổi theo con chuột ông chụp hụt, chứ đâu phải nó đuổi ông đi .
Tôi giật mình than:
- Trời đất! Ai lại đặt tên cho con chó là Cút ác nhơn vậy ?
- Em tôi chớ ai . Con nhỏ đó rất thích đặt tên theo sở thích. Nó không muốn con chó săn của nó bị trùng tên với bầy chó ở xóm này . Thôi ông hãy ra phụ nó bắt thêm một mớ chuột nữa đem về đây, tôi làm đồ nhậu .
- Bây giờ tôi hiểu rồi . Hèn chi lúc đó cô bé gọi tên tôi là ông Vi Tính.
Mặc dù trời sắp tối, tôi vẫn chạy vội ra ruộng. Khi đã hiểu rõ một điều gì, dù trời có tối người ta vẫn dễ dàng chụp bắt được điều đó. Chắc các bạn nghĩ tôi sẽ quyết tâm chụp bắt lại con chuột đồng đã chạy thoát ở ngoài ruộng? “Xời”, tôi đâu có thông minh mà nghĩ được điều cao xa đó. Kẻ ngu ngốc như tôi chỉ nghĩ mình sẽ chụp bắt cô chủ của con Cút, vì trong tay cô đã có sẵn một cái lồng đầy chuột đồng mập ú.
Tôi chạy đến gần cô bé… Chợt em cười ré lên giữa đồng vắng. Chắc các bạn mừng cho tôi đã chụp trúng cô bé và làm em nhột? “Xời”, nếu đúng như bạn nghĩ, Tết này tôi sẽ mời bạn đến nhà tôi ăn Tết lớn. Khổ thay, tôi đã chạy vấp vào bờ ruộng và ngã chúi xuống đất. Và kỳ lạ thay, tôi đã chụp trúng con chuột tôi bắt hụt hồi chiều .
Chắc các bạn sẽ hét lên: Xạo! Nhưng sự thật đúng như vậy mà. Vì chỉ có con chuột ngu xuẩn đó mới không chịu nằm trong bàn tay mềm mại của cô bé, nó thích nằm trong bàn tay thô bạo của tôi .