Tôi đã viết nhiều truyện về nước mắm, chẳng phải tôi là người dân xứ nước mắm mà chỉ vì hằng ngày tôi thường ăn nước mắm. Chúng ta dễ quên đi những điều thường ngày. Tôi nghĩ nếu có lần bạn thử không quên và hết sức chú ý đến chúng, điều thường ngày sẽ có khối chuyện hay xảy ra.
*
* *
Hàng ngày thay mặt ông chủ, tôi thường liên hệ với các nhà lều sản xuất nước mắm ở Phan Thiết, nhưng đặt chân đến đó thì chưa bao giờ. Sáng nay, bận công việc đột xuất, ông chủ giao tôi theo xe tải từ Đà Lạt xuống Phan Thiết nhận hàng. Hàng của chúng tôi không phải là nước mắm mà là “xác mắm” – loại phân bón tối ưu cho các nhà vườn trồng légumes ở Đà Lạt. Bạn đã bao giờ thấy xác mắm chưa? Đó là xác những con cá nát bấy được vét từ đáy những thùng muối mắm. Thấy xác mắm, bạn sẽ quên nó ngay vì nó chẳng có gì đặc biệt. Nhưng nếu đã ngửi nó một lần trong đời, chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên nó được.
Xe tải đến Phan Thiết lúc hai giờ chiều. Trời nắng gắt. Nhà lều chúng tôi đến lấy xác mắm nằm sát bên bờ sông Mương Mán nhưng không có ngọn gió nào từ mặt sông thổi lên. Tôi lấy khăn lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt rồi bước vào văn phòng làm việc. Một người đàn ông tóc đã có những sợi bạc, đeo kính lão, đang ngồi xem sổ sách. Chếch về phía bên phải bàn làm việc của ông, một cô thư ký tóc dài đang ngồi đánh máy chữ lóc cóc. Tôi mỉm cười thầm nghĩ, ông chủ này chịu chơi, tuyển nữ thư ký “nhí” ghê!
- Chào ông, tôi đại diện cho ông Quang ở Đà Lạt xuống nhận hàng.
Người đàn ông đứng dậy, vồn vã bắt tay tôi:
- Mời cậu ngồi. Tôi đã nghe điện thoại ông Quang dặn giao hàng chiều nay. Nhưng tôi gom chưa đủ số lượng. Vậy cậu hãy chịu khó đợi đến sáu giờ chiều, chúng ta sẽ cân hàng và chất lên xe luôn.
Rồi ông già quay qua cô thư ký “nhí”, nói:
- Con lấy cho ba hai chai nước ngọt.
Cô thư ký rời bàn máy chữ đi vào nhà trong. Tôi ngạc nhiên hỏi ông chủ:
- Cô ấy là con gái của ông?
Ông chủ cười hề hề:
- Nó là con gái út của tôi. Nó đang học lớp 12 trường Phan Bội Châu. Những lúc rảnh, nó thường phụ giúp tôi đánh máy mớ giấy tờ. Cậu mới xuống Phan Thiết lần đầu?
- Dạ phải.
- Vậy trong khi chờ đợi nhận hàng. Tôi sẽ nói con gái tôi dẫn cậu đi coi phố xá hay đi tắm biển.
- Cám ơn ông. Tôi thích tắm biển hơn, vì ở Đà Lạt chỉ có hồ với thác, không bơi lội được.
Cô bé bưng ra hai ly nước đá và hai chai nước ngọt để xuống bàn. Ông chủ nói:
- Ba phải đi lo giấy tờ chuyên chở hàng kẻo chiều tối công sở họ nghỉ việc. Con thay ba dẫn ông khách đây đi tắm biển, ông ấy mới ở Đà Lạt xuống chưa biết biển Phan Thiết nằm ở đâu.
Cô bé quay qua nhìn tôi. Tôi cố gắng nở nụ cười thật tươi để em không từ chối. Và may mắn thay, cô bé đã gật đầu.
Uống một hớp nước ngọt, ông chủ nói:
- Cậu đi tắm biển vui vẻ nghe. Sáu giờ chiều mời cậu về đây ăn bữa cơm gia đình rồi chúng ta cùng cân hàng.
Ông cầm túi xách đứng dậy, dắt chiếc xe Honda đỏ ra khỏi nhà. Cô bé hỏi tôi:
- Ông có biết bơi không?
- Em hỏi làm chi?
- Để em biết nên dẫn ông đến chỗ bãi biển cạn hay sâu.
- Tôi sợ chết đuối lắm. Em dắt tôi đến chỗ nào nước sâu đến… trái tim là được.
Cô bé mỉm cười đi vào nhà trong sửa soạn. Tôi đi ra chỗ xe tải đậu, nói tài xế đợi đến sáu giờ chiều mới nhận hàng. Tôi với lấy túi xách có đựng quần tắm và khăn lông, tôi đã dự trù mang theo từ Đà Lạt xuống đây đợi có dịp là đi tắm biển bơi lội cho thỏa thích.
Một lát sau cô bé chạy chiếc xe cúp màu xanh rêu đến bên chiếc xe tải. Tôi vội nhảy lên ngồi ở yên sau. Cô bé tắt máy xe, bước xuống:
- Ngồi vậy kỳ chết. Ông ngồi trước lái xe đi.
- Nhưng tôi đâu có rành đường. Chạy lạc thì sao?
- Ông khỏi lo, em ngồi sau chỉ đường cho ông.
- Trời đất! Đâu có ai ngồi sau mà “chỉ đạo” được người ngồi trước.
- Có chứ. Mấy ông “sếp” thường ngồi ghế sau xe hơi chỉ đạo cho tài xế ngồi ghế trước.
Tôi nhăn mặt ngồi lên yên trước, đạp máy xe nổ. Cô bé ngồi xuống yên sau, vỗ nhẹ vào vai tôi:
- Ông cho xe quay lại.
Theo sự hướng dẫn của cô bé, tôi cho xe chạy lòng vòng qua một vài đường phố chính. Thành phố này chưa xây dựng nhiều nhà mới. Những ngôi nhà cũ kỹ được quét lớp vôi mới nhưng những mái ngói vẫn để nguyên màu nâu đen. Xe chạy qua một cây cầu mới xây ra ngoại ô. Hai bên đường, nhà cửa cũng còn mới được xây dựng nên mái ngói còn đỏ tươi. Qua một đoạn đường đầy ổ gà, xe bắt đầu leo dốc lên một đỉnh đồi. Vừa lên đến đỉnh đồi, cô bé vỗ vai tôi.
- Dừng lại.
Tôi thở phào hỏi:
- Đến rồi hả?
- Đến rồi.
Tôi lái xe vào một chỗ trống, tắt máy, đứng nhìn quanh. Trời đất! Biển xanh thẳm ở tuốc phía xa dưới chân đồi. Trên sườn đồi cây cỏ dại mọc tùm lum không thể chạy xe được. Nếu muốn tắm biển phải đẩy xe xuống dưới đó rồi lại đẩy xe lên, chắc tôi sẽ bị “xụm bà chè”.Trong khi tôi đang phân vân có nên tắm biển hay không thì cô bé lấy sợi thun cột mái tóc đang bị gió thổi bay tung lên. Em hỏi:
- Ông có biết ông đang đứng ở đâu không?
Tôi nhìn xuống chân mình, quan sát kỹ lưỡng rồi trả lời:
- Tôi đang đứng trên vùng đất pha đá.
Cô bé lắc đầu:
- Ông đang đứng trên nền Lầu Ông Hoàng được người Pháp xây dựng từ năm 1920 và bị sụp đổ năm 1945. Địa danh này nổi tiếng với chuyện tình của thi sĩ Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm.
Nóng mũi vì thấy kiến thức của mình thua cô học trò lớp 12, tôi nói gắt:
- Tôi không cần biết Ông Hoàng là ai. Tôi cũng không cần biết thi sĩ Hàn Mặc Tử yêu ai. Tôi chỉ biết tôi đang yêu…
- Ông yêu ai?
- Yêu… xác mắm.
Cô bé lững thững bỏ đi vào một vùng cây leo bò xanh rì mặt đất và nổi bật lên những chùm hoa đỏ hồng. Sợ cô bé bị rắn cắn hay bò cạp chích, tôi vội đi theo em để xem nếu có chuyện gì xảy ra, tôi sẽ về báo cáo với ba em thật chính xác: em bị rắn nào cắn hay bị loại bò cạp nào chích. Chứ nói vu vơ ba em sẽ coi thường tôi thiếu óc quan sát thực tế.
Cô bé dừng lại bứt một bó hoa đỏ hồng rồi quay lại hỏi tôi:
- Ông có biết hoa này tên gì không?
Tôi lắc đầu:
- Ở Đà Lạt tôi chỉ rành tên các loại rau củ, còn tên hoa thì chịu thua.
- Đây là hoa Tigôn, được người Pháp đem qua trồng ở Lầu Ông Hoàng. Lâu đài đã sụp đổ nhưng loài hoa vẫn còn. Thi sĩ T.T.Kh đã tả “Hoa dáng như tim vỡ” ông thấy đúng không?
- Không. Tôi thấy nó giống đầu con cá cơm bị vỡ khi làm mắm.
Cô bé thở dài:
- Đầu óc ông không biết mơ mộng.
- Em thông cảm cho tôi. Một người buôn bán xác mắm mà mơ mộng thì xác mắm sẽ “thơm lựng”, bán không được thì tôi sẽ bị chết đói.
Cô bé trao bó hoa đỏ hồng cho tôi:
- Em tặng ông.
Tôi cầm lấy bó hoa thắc mắc hỏi:
- Em nói “Hoa dáng như tim vỡ”. Vậy em tặng tôi loài hoa này làm chi? Tim tôi đâu đã… vỡ.
- Em tặng ông để cảnh giác ông đừng làm vỡ trái tim.
- Bộ tôi khùng rồi sao mà tự làm vỡ tim mình?
- Nhưng ông có thể làm vỡ tim người khác vì không biết mơ mộng.
Nghe cô bé nói nhức đầu quá, tôi đề nghị:
- Chúng ta hãy tìm chỗ gửi xe rồi đi bộ xuống dưới kia tắm biển.
- Chúng ta đã tắm biển rồi thôi.
Tôi trố mắt nhìn em:
- Chúng ta tắm biển hồi nào đâu?
Cô bé cười, vòng tay chỉ quanh mình:
- Ông không thấy chúng ta đang tắm trong biển hoa Tigôn sao? Tắm ở đây ông không sợ chết đuối vì hoa Tigôn chỉ mọc cao đến tim ông. Thôi trời sắp tối rồi, chúng ta hãy về kẻo ba em đợi cơm.
*
* *
Cơm nước xong, chúng tôi bắt đầu cân những bao lát chứa xác mắm chất lên xe tải. Mãi đến tám giờ tối công việc mới hoàn tất. Xe nổ máy, tôi bắt tay chào ông chủ rồi leo lên xe ngồi bên tài xế. Tôi vừa đóng mạnh cửa xe lại thì cô bé chạy đến, trao qua khung cửa xe bó hoa Tigôn.
- Ông để quên cái này.
- Cám ơn em. Mong có dịp chúng ta sẽ lại cùng nhau đi tắm biển Tigôn.
Xe chạy. Tôi buồn buồn nhìn bó hoa đỏ hồng. Tôi tưởng em sẽ đổi ý tặng tôi một lít nước mắm nhĩ loại đặc biệt hay một ký khô mực loại xuất khẩu để làm quà kỷ niệm, nào ngờ vẫn chỉ là bó hoa Tigôn.
Xe chở xác mắm sẽ chạy suốt đêm để tảng sáng có thể giao hàng cho các chủ vườn légumes ở Đà Lạt. Thật kỳ lạ, khi xe chạy qua chỗ nào, những người đứng hai bên đường đều bịt mũi. Vậy mà tôi ngồi ngay trong xe lại ngửi thấy một mùi hương rất dễ chịu. Phải chăng hương hoa Tigôn đã át mùi xác mắm? Hay tại tôi đã biết… mơ mộng?