Với thân phận hiện tại là con gái người ta, Thục Khuê không thể hét lên một câu sất xược như thế được.
Đều nói con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.
Vậy mỗi người đàn ông trong gia đình có vai trò gì trong việc dạy dỗ con cái? Hay đơn giản chỉ là con giỏi, con ngoan thì con giống cha; con hư, con dại thì là mẹ nó không biết dạy?
Lỗi của ba cô ở đây là quá nuông chiều con cái.
Nó học hư, phá làng phá xóm thế nào thì trong mắt ông thằng Ba cũng chỉ là một đứa trẻ hiếu động hơi nghịch ngợm mà thôi.
Có chuyện thì bung tiền giải quyết.
Cái gì giải quyết được bằng tiền thì đều là chuyện nhỏ.
Mà chuyện nhỏ thì thường hoá không.
Trong lòng nghĩ vậy, nhưng Thục Khuê vẫn rất kiên nhẫn giải thích cho ông hiểu: “Chẳng lẽ ba muốn người ta chỉ trỏ mắng mỏ bọn con là đám con nhà buôn thô lỗ vô học hay sao?”
Ông Tư run râu, gắt: “Đứa nào dám?”
Thục Khuê bĩu môi, đáp: “Đầy người ra đó.
Không nói trước mặt thì nói sau lưng.
Con không muốn bị người ta khinh thường thế đâu.
Chí Kiên chướng mắt con có lẽ cũng vì như thế.
Con muốn thay đổi, con muốn để hắn mỗi lần gặp con đều phải lác mắt nhìn theo!”
Trời đất chứng giám, câu sau cô chỉ bịa ra nói bừa mà thôi.
Ông Tư an ủi con gái: “Đừng nói bậy.
Thằng đó mắt lác sẵn rồi nên mới không nhìn thấy điểm tốt của con!”
“Nhưng hắn lại chết mê chết mệt cô Thu Nguyệt.
Ai không biết cô Thu Nguyệt nổi tiếng xinh đẹp, giỏi giang.
Mắt lác gì mà khôn quá chừng vậy hả!”
Ông Tư Ngưng: “...” Không cãi được!
Thấy ba mình bắt đã bắt đầu đuối lí, Thục Khuê thuận nước đẩy thuyền, nói tiếp: “Cha mẹ người ta ngăn con làm điều sai quấy, chứ có ai cấm cản con cái học tốt bao giờ.
Hiện tại con có tâm cầu tiến để cho ba nở mày nở mặt, ba có gì mà không ưng bụng nữa chứ?”
Dứt lời, cô thuận tay vỗ vỗ cái bụng bự tròn vo của ba mình, cười nói.
Ông Tư nghĩ tới viễn cảnh tươi đẹp mà con gái vẽ vời, vừa bước ra đường người người nhìn mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ, quả nhiên trong lòng sướng rơn.
Nhìn vẻ mặt cười “khà khà” của ông, Thế Trung bỗng có dự cảm chẳng lành.
Cậu kéo góc áo ba mình, yếu ớt lên tiếng: “Ba! Con không muốn đi học đâu!”
Nào ngờ lại bị ông lạnh lùng cắt ngang: “Không muốn cũng phải đi! Không đi liền cắt hết chi tiêu của con! Không cho con ăn cơm!”
Thế Trung: “...”
Lập trường của ba sao dễ lung lay quá vậy! Tình cha con nói trở mặt liền trở mặt hà!
Dưới uy lực của đồng tiền, Thế Trung chỉ có thể ngoan ngoãn đi theo chị gái đến trường làng, phía sau còn có thêm cái đuôi nhỏ - thằng Út tò tò bám theo.
Vì tránh gây sự chú ý, Thục Khuê chỉ dẫn theo một đứa hầu gái đỡ mình đi đường.
Cô di chuyển hơi mất sức và có phần chậm chạp hơn so với người khác.
Cho nên đoạn đường tuy ngắn nhưng lại mất không ít thời gian mới đến nơi.
Trường học cũng do một tay Trưởng làng trông coi.
Thục Khuê nói đến khô cổ họng mới khiến ông chịu liếc mắt nhìn tới thằng Ba lần nữa.
Và dĩ nhiên với lời hứa hẹn sẽ quyên góp một số tiền lớn xây dựng mở rộng trường, Thế Trung cuối cùng cũng được chấp thuận trở về học tập.
Thục Khuê cười tít mắt, ngỏ ý muốn để em trai học cùng lớp với Kiến Văn, với lí do gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Không ngoài dự đoán, Trưởng làng chẳng thèm nghĩ đã lên tiếng cự tuyệt ngay.
Còn nói thẳng là ngại thằng Ba dốt nát, ảnh hưởng đến Kiến Văn học bài.
Kế đó, Thục Khuê lại đẩy ra một rương vàng ròng.
Gương mặt nhăn nheo của Trưởng làng rõ ràng co giật liên tiếp mấy cái, mắt bị ánh sáng vàng rực phũ đầy, nhất thời im lặng không nói câu nào.
Thục Khuê mở cờ trong bụng, vội vàng bắt thang cho ông xuống nước: “Tôi biết cậu Kiến Văn là nhân tài ngàn năm có một, bác để mắt trông chừng từng li từng tí cũng hợp lí thôi đa.
Nói nào ngay, tôi nhìn cậu Văn cũng ngưỡng mộ dữ thần, thầm ước ao thằng Ba nhà tôi được một phần trăm như cẩu cũng mãn nguyện rồi.”
Thấy Trưởng làng không cắt lời cô, Thục Khuê vui vẻ nói tiếp: “Tôi chỉ mong thằng Ba có thể học cùng lớp với cậu Văn để được thơm lây chút tài của cẩu.
Còn số vàng này, coi như tôi biếu bác và trường.
Bác thương tình giúp chị em tôi, bác nhận cho tôi vui nhá.”
Một khoảng trầm yên lặng kéo dài.
Thục Khuê cũng không nôn nóng, trước sau vẫn luôn giữ nụ cười trên môi.
Qua một lúc, Trưởng làng mới thở dài, “miễn cưỡng” kéo rương vàng tới trước mặt mình, nói: “Được rồi.
Nếu cô Khuê đã đứng ra đảm bảo thì bác cũng không làm khó.
Có điều bác cũng nói trước, nếu cậu Trung làm ảnh hưởng đến lớp học, thì bác sẽ không tiếp tục giữ người nữa đâu.”
Thục Khuê cười tươi, đáp: “Đương nhiên rồi ạ.
Cảm ơn Trường làng đã giúp đỡ.”
Lại khách sao thêm mấy câu, hai bên cũng bắt tay chào tạm biệt.
Chuyến đi này đạt được mục đích ngoài mong đợi..