Có khi chỉ là một bữa cơm đang nấu dở.
Có khi chỉ là một tấm áo chưa may xong.
Có khi chỉ là một lá thư đã viết mà chưa kịp gửi.
Nhưng cũng có khi là sự tồn tại bình yên của cả một gia đình, một công ty, một đế chế… và một linh hồn khác.
…
”Anh có biết tại sao em không bao giờ muốn nói lời Tạm Biệt không?
Mẹ em luôn hôn vào má em rồi nói tạm biệt con yêu mỗi khi chia tay.
Bố em luôn hôn vào trán em rồi nói tạm biệt con yêu mỗi khi chia tay.
Chỉ có em trai em, thằng nhóc cao 1m84, lần nào chia tay nó cũng siết chặt em trong tay khiến các đốt xương kêu răng rắc. Nó vẫn luôn thế. Trước mỗi chuyến đi, dù là của em hay của nó, một cái cắn tai như bọn mèo vẫn làm với nhau, và một lời thì thào: em chờ chị ở góc – ba – phần – tư nhé. Nhớ chưa!”
…
Góc – ba – phần – tư ấy là cái thế giới của riêng em và nó, bao gồm một chiếc ghế đá đã cũ đến bóng loáng lên, một cây liễu cổ thụ đến mức thân nó xù xì thô nhám, một con suối ngờ nghệch rất nhiều nước mùa băng tan và chỉ róc rách lăn tăn vào mùa hè, thất thường đến nỗi nhiều năm liền em tự hỏi có sinh vật nào dại dột chọn con suối này làm nơi cư ngụ hay không, dù thi thoảng em vẫn bắt gặp từng đàn cá nhỏ lượn lờ trong những khe đá… Chỗ đó trước đây còn có một căn hầm nhỏ, bọn em đã hì hụi đào và, với sự giúp đỡ của bố em – chống những thanh gỗ vào các vách, cứ mỗi năm em lại cố gắng nới rộng ra một chút, nhưng chỉ được vài năm thì cái hầm nông choèn ấy sập hẳn. Dù sao cũng chỉ là đồ chơi của trẻ con thôi mà.
Cả cái thế giới nhỏ bé ấy chiếm đến ba – phần – tư thời gian hằng ngày của bọn em, với đủ thứ mà những cái đầu trẻ con có thể nghĩ ra được… Đến khi lớn rồi, em vẫn ngồi trên ghế đá, đọc sách dưới bóng cây liễu ấy và ăn những quả anh đào tím mọng nó mang tới. …
Mà đi bất cứ đâu, cuối cùng, chúng em vẫn gặp nhau ở góc ba – phần – tư ấy. Nó cho em xem những con ốc biển to, à không, là vỏ ốc, lấy từ Địa Trung Hải, áp tai vào đó có thể nghe thấy cả tiếng sóng rì rào. Lầnkhác, nó mang ở Châu Phi về một con trăn màu trắng, khỏi phải nói mẹ em đã la lớn thế nào, nhưng hóa ra con trăn không phải là khó nuôi lắm, nó chịu quấn mình quanh một cái cành cây khô, đặt trong một cái bể kính trong suốt, ở dưới trải vài hòn sỏi. Những ngày nắng đẹp, thằng em em vẫn mang con vật đó tới góc ba-phần-tư, đặt nó lên một cành liễu và ngồi tinh nghịch gại gại ngón tay vào cái đầu tam giác uể oải của nó… …
Nó vẫn luôn che chở cho em, dù bé hay lớn. Dường như những người đàn ông của em đều ít nhất một lần phải mang em trên lưng. Trong thiên nhiên, những con đầu đàn là những con vượt qua được những thử thách sinh tồn, những con mạnh nhất là con chiến thắng. Còn với con người, trẻ trai thường dễ thiệt mạng hơn trẻ gái, vì chúng tinh nghịch hơn, tò mò hơn, và ngỗ ngược khám phá hơn. Em không giống con gái nhiều, phải không anh? Từ nhỏ đến lớn, không lúc nào trên tay, chân, người em lại không có sẹo, sẹo ngã trèo cây, sẹo vấp phải đá lúc chạy… Nhiều lần, em em phải cõng em trên lưng, từ lúc cả nó và em đều nhỏ như hai con chuột lôi tha nhau, đến khi nó có thể bế bổng em trên tay đi một quãng đường dài mà không hề thở dốc…
…
Mẹ em luôn hôn vào má em rồi nói tạm biệt con yêu mỗi khi chia tay.
Bố em luôn hôn vào trán em rồi nói tạm biệt con yêu mỗi khi chia tay.
Chỉ có em trai em…
Một cái ôm siết.
Một cái cắn tai.
Và một tiếng thì thào…
Em chờ chị ở góc ba – phần – tư nhé.
…
Chỉ một tiếng nổ. Đơn giản. Nếu hôm ấy Praha không nhiều sương mù đến thế. Em đã không muộn chuyến bay chuyển tiếp để cùng với cả nhà tới hội nghị về môi trường mà bố em là khách mời. Thậm chí bố mẹ em chưa hề nói tạm biệt với em. Đến giờ em vẫn tự hỏi, trong đám tro tàn của chiếc máy bay mang cả gia đình em theo ấy, chính xác chỗ nào là nơi em trai em đã ngồi. Em vẫn nghĩ rằng đâu đó trên thế giới này, nó vẫn đang lang thang, tìm những con ốc biển và mang về cho em, và chúng em sẽ lại cùng áp tai và nghe tiếng sóng, ở góc ba – phần – tư.”