Trần Chân

Chẳng mấy chốc ruộng bông vải nhà tôi đã trồi lên những mầm nụ, trắng xóa cả một vùng. Còn tôi thì mải mê ra ruộng cùng mọi người bón phân tưới nước, da đen hơn một ít. Nhưng bù lại, sau những ngày tháng lao động chăm chỉ ấy, tôi và những người nông dân nơi đây thân thiết hơn. Họ đến đây từ mọi nơi, có ngưới vốn gốc mấy đời ở Châu Lạng, có người từ những miền gần đây như Bắc Giang, Thiên Đức, Hải Đông…và cũng có những người từ xa xôi Diễn Châu, Trường Yên. Mọi người ở xa, nề nếp văn hóa cũng không giống nhau, thỉnh thoảng họ thường xảy ra cãi cọ. Nhưng những vụ ẩu đả đó lúc nào cũng được anh Cát và anh Thuần giải quyết ổn thỏa. Dần dà mọi người cũng quen nhau, cũng thấy người ta với mình số phận đều hẩm hiu, làm mướn nuôi thân nên sau tất cả, họ lại làm hòa, lại cùng nhau canh tác. Cây bông càng lớn, tình cảm mọi người càng gắn bó.

Trưa nắng lên cao, mọi người tản ra kiếm chỗ mát ngồi nghỉ trưa. Tôi quay ngược vào chòi, lấy khăn lau những giọt mồ hôi đọng trên trán mình. Nhược Lan ở bên cạnh, xuýt xoa: “Cô ơi hôm nay lại đen hơn nữa rồi.”

Huỳnh Cát đang dùng cơm trưa, nghe Nhược Lan nói, ngẩng mặt lên nhìn tôi: “Sao cô không ở nhà cho mát, ra đây làm gì.”

Tôi ngồi xuống, cầm bát đũa lên ăn cơm một cách tự nhiên, hình như dạo gần đây tôi đều như vậy, thong thả khi ở bên Cát chứ không lo lắng như trước nữa: “Ở nhà chán lắm, ra đây cùng làm việc với mọi người, nghe họ trò chuyện, em thấy vui hơn.”

Cát và một ít cơm vào miệng, đoạn lại nói tiếp: “Nếu thấy buồn thì bảo đứa nào dắt ra chợ dạo quanh, mua sắm. Tôi thấy cô ra đây cũng gần hai tháng rồi nhưng chưa sắm sửa gì cho bản thân hết.”

Tôi nghe anh nói lại nhún vai: “Quần áo em đem theo mặc mấy năm cũng chưa hết, mua thêm làm gì. Ngoài này người ta cũng không ăn mặc đẹp như ở Hải Đông, em diện lên quá thì làm sao ra đồng làm việc.”

Lời tôi nói cũng là thật tâm. Lúc tôi cùng Xuân Mai ra nơi này, chị ấy xếp cho tôi khoảng hơn mười bộ đồ. Trong đó hai bộ còn rất mới, tôi để dành phòng khi đi dự tiệc hoặc dạo phố thì mặc, nhưng ra đến đây thì gần như bán mình cho ruộng bông, chưa mặc qua chúng một lần nào. Tám bộ còn lại thì bình thường hơn, tôi thay đổi tới lui cũng chưa hết thì mua thêm để làm gì. Nhưng Nhược Lan thì không cùng ý kiến với tôi, chị ấy nói chen vào: “Cậu kêu cô đi mua đồ thì cô đi mua đi, em thấy mấy bộ gần đây cô mặc bắt đầu chật và ngắn lên rồi, có lẽ cô đang lớn đó.”

Tôi nhìn xuống người mình, bác bỏ ý Nhược Lan: “Đâu có đâu, em thấy mặc bình thường mà.”

Cát cũng dừng ăn cơm, nhìn lấy tôi một lượt: “Có lẽ cô đang lớn lên thật!”

Tôi cứ nghĩ Nhược Lan trêu tôi, nhưng đến anh Cát cũng nói như vậy thì chắc tôi lớn hơn thật rồi. Tự dưng tôi cảm thấy rất vui. Tôi năm nay đã sắp mười lăm, chỉ một tháng nữa bước qua năm mới là tôi tự hào ăn mừng mình chính thức trở thành thiếu nữ rồi. Tôi vui vẻ nhìn Cát mỉm cười, anh lại ngại ngùng quay đi chỗ khác. Tôi bật cười!

“Cô cứ ra chợ mua thêm áo quần trang sức tùy thích, kêu những chủ tiệm đó ghi nợ cho tôi và đến nhà nhận tiền, không cần phải tiết kiệm đâu.”

Tôi nhớ câu cuối cùng Cát nói với tôi trong bữa ăn hôm đó là như vậy. Tôi không hiểu nổi tại sao phải ghi nợ cho anh trong khi tôi cũng có tiền. Lúc còn ở Hải Đông tháng nào anh cả cũng tính lương cho tôi, mặc dù tôi chẳng làm gì. Tôi định không nhận nhưng chị cả nói đó là phần của tôi, tôi cứ lấy. Sau đó anh cả còn cho tôi một tiệm vải, lợi nhuận mỗi quý tôi đều có phần. Mà bản thân tôi thì có dùng vào việc gì đâu, bây giờ lấy ra đếm lại, chưa biết tôi mua được mấy căn nhà, vài ba mảnh đất không chừng. Vậy mà giờ đến quần áo của tôi cũng bắt anh Cát trả tiền, tôi thấy không hợp lí chút nào.

Nhược Lan thì không đồng tình với tôi, chị ấy nói: “Cô không biết gì hết, cậu thương cô nên mới quan tâm cô. Cô đừng phụ lòng cậu.”

Nếu là trước đây thì Nhược Lan luôn đứng về phía tôi, không hiểu sao từ ngày ra Châu Lạng này chị ấy nói gì cũng giống hệt Huỳnh Cát. Bây giờ tôi không biết chị ấy là hầu gái của tôi hay của anh Cát nữa.

Chúng tôi đi dạo qua mấy con phố, tôi rốt cuộc cũng chọn được hai bộ đồ vải bông và một ít trang sức. Trong tiệm kim hoàn có một viên trân châu rất giống với viên trên cây trâm tôi đã tặng Khiết An lúc trước, tôi bèn kêu ông chủ làm cho tôi một cây trâm y hệt như vậy. Sau này Khiết An lớn lên, nếu có duyên gặp lại chúng tôi sẽ cài hai cây trâm giống nhau, như hai chị em.

Tôi hồ hởi chạy về nhà, thay những gì mình vừa mua được rồi đem khoe với Cát. Nhưng khi đến phòng thì Xuân Mai khẽ nói với tôi Cát đang cùng mấy quản điền nơi đây bàn chuyện canh tác, chưa tiện gặp tôi.

Tôi ngồi lại trên chiếc ghế đá dưới gốc anh đào chống cầm đợi Cát. Không biết thời gian trôi qua mất bao lâu, cho đến khi hai mắt tôi díp lại, mơ màng.

Có cánh hoa anh đào bay lượn trong gió, rồi khẽ đáp lên tóc tôi.

Có ai đó đưa tay chạm lên tóc tôi, nhặt cánh hoa đào kia xuống.

Tôi giật mình tỉnh dậy. Cát giật mình rút tay lại.

Tôi mỉm cười, mi mắt từ từ khép lại: “Em buồn ngủ quá, em ngồi đây ngủ một chút thôi…”

Giọng anh vang lên, xa xăm, mơ màng: “Ngủ ở đây sẽ bị cảm lạnh.”

“Một chút thôi!” Tôi chép miệng, nằm gục ra bàn.

Có cánh tay ai đó bế tôi thật chặt. Cơn gió nào vô tình thổi ngang, cuốn đôi tay tôi vòng qua cổ anh.

Có phải là anh không? Lý Nhật Trung?

*

*  *

Giữa tháng chạp chúng tôi quay lại Hải Đông để chuẩn bị mừng năm mới. Lần này mọi thứ vẫn không hề thay đổi ngoài việc bụng chị cả lại to ra thêm một ít. Tôi nhìn cái bụng lum lúp dưới lớp áo mà không khỏi trầm trồ: “Hay thật, làm sao em bé có thể lớn dần trong bụng mình được hả chị?”

Chị cả vui vẻ xoa đầu tôi: “Muốn biết thì em cũng sinh một đứa đi.”

Anh cả cũng phụ họa với vợ: “Đúng rồi, hai đứa lấy nhau cũng gần hai năm rồi, nên tính chuyện con cái đi là vừa.”

Tôi và Cát ngượng ngùng nhìn nhau, không biết nên trả lời như thế nào.

Đêm đó Cát và anh cả nói chuyện đến tận khuya. Tôi vẫn nghĩ dù về đến Hải Đông nhưng chúng tôi vẫn sẽ ở riêng như lúc trước nên không ngần ngại lên giường ngủ sớm. Không ngờ đến giữa đêm, tôi mơ màng tỉnh dậy, cảm nhận có người nằm bên cạnh mình, suýt chút đã hét lên. Ngay lập tức Cát quay sang bịt miệng tôi, thì thầm: “Là tôi, tôi ở phòng cô ít hôm. Khi về lại Châu Lạng sẽ trở lại như cũ. Cô yên tâm đi.”

Tôi không la và cũng không biết mình nên yên tâm về điều gì. Vì Cát ngủ cùng tôi hay vì về Châu Lạng anh sẽ lại tách phòng. Tôi không biết tôi nên yên tâm với vai trò là một người vợ, hay với vai trò là Trần Chân.

Hai mươi ba tháng chạp nhà tôi bày măm cúng, đưa ông Táo về trời. Vợ chồng tôi cùng anh chị cả ra sông thả cá chép. Hy vọng cá chép đưa ông Táo đi nhanh hơn, về bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp, để Ngài ban cho chúng tôi một năm nữa thật bình yên.

Sáng mùng một tháng giêng tôi đi chùa, cầu cho sắp tới đây chị cả lâm bồn mẹ tròn con vuông.

Mùng ba hoa đào đỏ rực. Tôi tròn mười lăm tuổi.

Sanh thần năm nay do chị cả mang thai nên không được chu đáo như năm ngoái. Chúng tôi chỉ cùng nhau đi đến quán ăn để ăn uống một bữa thịnh soạn. Quà tặng năm nay của mọi người cũng đặc biệt khác lạ - tượng Phật Bà Quan Âm bằng ngọc trắng. Tôi nhìn ngắm nhiều lắm vẫn không thấy gì đặc biệt, bèn nói: “Em không thờ Phật bà, mọi người tặng em để làm gì?”

Mọi người bật cười, chị cả giải thích cho tôi: “Tặng em Phật bà là ám chỉ Quan Âm ban phước, có tin vui về đường con cái trong năm nay.”

Lại là chuyện con cái. Tôi không biết nếu bây giờ tôi đề nghị với anh Cát rằng chúng tôi nên sinh một đứa con để vui nhà vui cửa thì mọi anh ấy sẽ nghĩ như thế nào. Nhưng chị cả và anh cả ở với nhau sáu bảy năm trời mới có con, không biết mấy ngày ngắn ngủi ngủ cùng Cát thì tôi có thể mang thai hay không. Tôi tò mò nhìn cái bụng phẳng lì của mình, làm sao nó có thể chứa một đứa bé to đùng trong ấy?

Có đoàn binh linh hành quân ngang đường. Tôi nhìn những người lính cột vải xanh ở cổ, lại nhớ đến năm trước một anh chạy bàn từng nói với tôi đây là quân lính của Thái tử. Lần này tôi để ý thấy họ đi đông hơn và có vẻ hối hả nên buộc miệng nói: “Là đoàn binh của Thái tử.”

Anh cả nhìn tôi ngạc nhiên: “Đến cả em dâu nhà ta mà hôm nay cũng quan tâm chuyện đại sự quốc gia sao?”

Chị cả đang gấp dở thức ăn cũng nhìn ra chép miệng: “Mấy hôm trước cha em có gửi thư vào đây, trong thư cha có nhắc đến phản tặc Nùng Trí Cao lại có biến động ngoài Quảng Nguyên nên Thái tử phải điều động thêm quân lực ra ngoài kia.”

Huỳnh Cát liếc mắt sang nhìn tôi như dò hỏi. Tôi tin chắc anh vẫn còn nhớ chuyện trước đây nhưng chưa bao giờ hỏi tôi về Nùng Trí Cao và Tú Bình, có lẽ anh vẫn còn ngại vì đã làm tôi bị thương. Tôi ngồi ăn mà tâm trạng không thể nào yên, định bụng khi về nhà Cát sẽ hỏi tôi và tôi sẽ tìm câu trả lời sao cho ổn thỏa. Nhưng hoàn toàn không theo dự liệu của tôi, khi chúng tôi đã yên vị trên phòng, Cát chỉ lạnh lùng nói với tôi một câu: “Đi ngủ sớm đi, sắp tới ngày thu hoạch bông vải rồi, mai chúng ta chuẩn bị đồ về Châu Lạng.”

Chị cả nghe chúng tôi đòi về Châu Lạng sớm như thế có chút chần chừ. Chị vừa nói chúng tôi, cũng như vừa nhìn sang anh cả thăm dò: “Hôm qua thấy Thái tử dẫn binh đi nhiều như vậy, hẳn lần này ngoài Quảng Nguyên sẽ không yên ổn. Châu Lạng lại sát ranh giới với Quảng Nguyên, không chừng tình hình trị an sẽ không được tốt, hay là hai đứa cứ ở lại tại Hải Đông, việc thu hoạch cứ giao cho người làm ở ngoải trông coi là được.”

Anh Cát có vẻ không đồng tình, lắc đầu: “Chuyện đánh nhau thì ở ngoài biên giới, làm sao vào được tới trong đất ruộng. Họ có rục rịch gì thì cũng mất một thời gian, lúc đó em trở vào đây cũng chưa muộn. Còn vụ mùa này là lần đầu tiên em coi nơm, không thể đến cuối cùng lại giao cho người ngoài ấy được.”

Anh cả cũng không có vẻ gì là muốn cản Cát, thấy vậy chị cả lại quay sang tôi: “Còn Chân, em ở lại nhà ít hôm đi, Cát ra ngoài ấy trước, nếu không có gì nguy hiểm thì em hãy đi.”

Tôi phân vân nửa muốn ở lại Hải Đông nửa muốn ra Châu Lạng. Không phải tôi lo sợ chuyện của Nùng Trí Cao ảnh hưởng, mà là vì tôi thấy bụng chị cả đang lớn dần, nếu tôi đi sợ là khi chị sinh tôi sẽ về nhà không kịp để phụ giúp. Huỳnh Cát lại không hiểu ý tôi, thấy tôi lưỡng lự, liền nói: “Nếu cô không thích ra ngoài ấy thì cứ ở lại trong này.”

Lời Huỳnh Cát càng làm tôi chắc chắn hơn về quyết định của mình – tôi sẽ ra Châu Lạng cùng anh.

Người xưa có câu, phu xướng phụ tỳ, anh ở đâu dĩ nhiên tôi phải ở đó. Ruộng bông vải lần này không phải chỉ có anh bỏ công, mà tôi hằng ngày đều xông xáo ra đó chăm bón, ít nhiều cũng có thành quả của tôi. Với lại trước lúc tôi về nhà, mấy cô bác ngoài ấy còn ân cần dặn dò tôi nhanh chóng quay lại với họ. Ở đó tôi thấy mình có nhiều bạn bè hơn, cuộc sống cũng thoải mái hơn so với Hải Đông này. Tôi nắm lấy tay chị cả, trấn an: “Em ra ấy xem mọi người thu hoạch, rồi đến lúc chị gần sinh em và Nhược Lan sẽ trở về đây để phụ giúp chị một tay.”

Chị cả có vẻ phụng phịu không đồng ý. Từ lúc mang thai dường như chị ấy trẻ con hơn hẳn. Anh cả vội vàng đi đến, vịn lên vai chị: “Em cũng thật là, vợ chồng tụi nó mới cưới nhau, dĩ nhiên phải ở chung để bồi đắp tình cảm, sao cứ phải bắt xa nhau. Còn Chân nữa, nếu ở ngoài ấy Cát cần em hơn thì cứ ở, việc sinh đẻ trong này đã có anh lo, em không cần sốt sắng đâu.”

Tôi “Dạ” rồi cùng Nhược Lan quay về phòng thu xếp quần áo. Mặc dù đông đã qua nhưng thời tiết ở Châu Lạng vẫn còn khá lạnh, tôi dặn Nhược Lan xếp thêm cho tôi và Cát vài chiếc áo bông để giữ ấm.

Tôi tiến lại bàn trang điểm để cất bớt một số trang sức, dù gì ở ngoài đó tôi cũng không cần mang nhiều thứ trên người. Khi mở ngăn tủ ra tôi vô tình thấy cây trâm của Nguyên phi nằm trơ trọi trong đó, tôi bất giác cài lên tóc. Tính ra tôi cũng thật sự thích cây trâm này, nếu không phải do đó là món đồ trân quí của Nguyên phi hẳn tôi sẽ cài nó nhiều hơn. Thôi thì tôi cài tạm ít bữa, khi ra ngoài ấy lại thay đổi, chắc sẽ không sao đâu.

Tôi còn mải ngắm mình trong gương thì Nhược Lan tiến đến sau lưng tôi, thì thầm: “Cô hai, còn cái này, mình có nên bỏ không?”

Tôi đón lấy chiếc áo khoác năm nào từ tay Nhược Lan mà không khỏi thẩn thờ. Lần trước khi từ Diễn Châu về đây tôi đã đem theo nó trong vô thức. Mấy tháng qua tôi xếp cất vào một nơi thật sâu trong ngăn tủ, tránh lấy ra để thêm đau lòng.

Không biết cuộc chiến với Ai Lao đã kết thúc chưa. Không biết người nơi xa có bình an vui vẻ. Tôi đưa lại chiếc áo cho Nhược Lan: “Chị đem theo nó ra Châu Lạng cùng em.”

Nhược Lan nhận lấy, thật lòng thật dạ nói với tôi: “Cô ơi, đừng trách em nói thẳng, dù gì người đó cô cũng chỉ gặp qua có một lần, tên tuổi như thế nào cũng chưa rõ, cớ sao cô cứ mãi nặng lòng? Giờ đây cậu Cát cũng đang dần có tình cảm với cô, sao cô không quên đi chuyện này mà yên ổn sống đời vợ chồng với cậu?”

Tôi nghe những gì Nhược Lan nói, không đồng tình cũng không phản bác, chỉ nhắc lại một lần nữa để chị xếp áo vào trong túi hành lí của tôi. Nếu thật sự tôi có thể quên, tôi đã quên đi từ rất lâu rồi, chỉ tiếc… nhưng tôi cũng không dám hy vọng gì nhiều ở người đó nữa. Lý Nhật Trung, anh ấy đã bao giờ một lần hò hẹn cùng tôi điều gì hay chỉ như hoa trong gương, như trăng dưới nước, tôi mãi mãi không thể kiếm tìm?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui