Trần Chân

Mỗi lần cãi nhau, Thiên Thành cứ lôi cái việc ta không phải con ruột của phụ hoàng ra để chọc tức ta. Chuyện đó thì cả hoàng cung này có ai không biết, chị ấy có lặp lại hàng ngàn lần đi nữa, ta cũng xem như nước đổ đầu vịt mà thôi.

Những lúc như thế, ta chỉ ôn tồn đáp lại: “Chị làm em buồn đó. Thôi em đi đến Tử Ngọc cung giải sầu đây.”

Chỉ một câu đơn giản cũng khiến Thiên Thành trở nên tức tối, lập tức đập phá bất cứ thứ gì trước mắt chị ấy. Bởi lẽ, Tử Ngọc cung là minh chứng rõ rệt nhất tình yêu phụ hoàng dành cho ta.

Ta vừa chào đời mẹ đã không còn. Năm ta lên sáu cha cũng đi theo mẹ. Phụ hoàng đến viếng linh cửu của cha, trầm ngâm rất lâu. Sau đó người đem ta về hoàng cung, nhận làm con nuôi, ban tên Lý Ngọc Kiều. Thậm chí sợ ta cô đơn, phụ hoàng cho xây dựng Tử Ngọc Cung, để mỗi lúc buồn phiền ta lại đến đó nghe nhạc, ngắm hoa giải sầu.

Nhiều lúc, ta có cảm giác phụ hoàng thương yêu ta còn hơn tình thương người dành cho Càn Đức (*). Càn Đức không để tâm việc ấy, nhưng mấy hoàng tỷ khác thì sinh đố kỵ. Có người im lặng, có người xì xầm sau lưng và cũng có người như Thiên Thành, cứ thích trực tiếp gây sự với ta. Nhưng sau mỗi lần như vậy, người ôm tức tối, cũng chỉ có mình chị ấy mà thôi.

Ai cũng bảo, sở dĩ phụ hoàng thương ta như vậy cũng do ta là con gái của tứ đệ người. Năm xưa cha ta hết mức phò trợ phụ hoàng, đến mức bị thương nặng trong một lần đánh nhau với Đại Tống. Cũng chính những trọng thương khi ấy, khiến cho dương thọ cha ta không kéo dài lâu hơn.

Ta lại càng không quan tâm việc ấy. Tình yêu thương được đo bằng tất cả những gì ta cảm nhận được từ phụ hoàng, chứ không phải tính bằng những lí do kia.

Ta nhớ rõ Phụng Càn phủ ngày ấy, tang thương một màu trắng. Ta bỗng hóa thành đứa trẻ tội nghiệp trong mắt mọi người. Đêm ấy, cũng chính phụ hoàng nắm lấy bàn tay bé nhỏ của ta, cẩn thận dắt ta từng bước đến hoàng cung.

Kể từ giây phút ấy, đối với ta, hoàng cung là nhà; phụ hoàng là cha, là cả bầu trời. Bầu trời của phụ hoàng trong xanh và ấm áp.

Ngoài những lúc phụ hoàng cầm quân ra trận, thời gian còn lại, ta lẽo đẽo theo người, nằng nặc bắt người kể chuyện trước đây, từ lúc người còn bé thơ cho đến khi trở thành người đàn ông mạnh mẽ oai hùng.

Khi kể về chuyện lúc còn ấu thơ, phụ hoàng luôn nhắc đến cha ta bằng đôi mắt ấm áp tình thân. Và kết thúc câu chuyện, lúc nào cũng là sự xót xa vô hạn. Người nói, nếu năm đó người không ép cha vào cuộc chiến tranh với Đại Tống, cha sẽ không bị thương nặng, dẫn đến yểu mệnh như thế. Ta cũng hay ngẩn ta, hoài niệm những ấn tượng yếu ớt còn xót lại về cha, về những đêm cha lặng lẽ quỳ trước linh cửu mẹ. Có thật cha con chết vì những vết thương trên cơ thể, hay do chính những niềm đau trong tim?

Hoàng đế của chúng ta anh dũng lắm. Biết bao lần người cầm quân, dẹp loạn Ai Lao, bình ổn Chiêm Thành và diệt trừ phản tặc Nùng Trí Cao. Trong đó ta đặc biệt thích nghe người nhắc về cuộc chiến với Nùng Trí Cao, nhiều điều kỳ bí và huyễn hoặc như một câu chuyện liêu trai. Khi ấy phụ hoàng giao chiến với Nùng Trí Cao tại Quảng Nguyên, hắn tẩm độc vào binh khí, tấn công phụ hoàng. Phụ hoàng rơi xuống núi nhưng may sao vẫn bảo toàn tính mạng. Ta nghĩ nếu lần đó hoàng hậu và thái sư Lý Đạo Thành không tìm ra phụ hoàng thì bây giờ Đại Việt làm sao có một vị vua anh minh như thế. Vì lẽ đó, dù hoàng hậu nhiều lúc cứ tìm cớ trách phạt ta nhưng ta cũng chưa bao giờ oán hận bà ấy. Đó là chưa kể lúc nào phụ hoàng và mẹ Ỷ Lan cũng bênh vực ta nên hoàng hậu toàn ngậm bồ hòn một mình mà thôi.

Nùng Trí Cao lúc hạ độc phụ hoàng, đã nghênh ngang tự đắc rằng, Đại Việt này sớm muộn gì cũng sẽ do hắn làm chủ. Thế nhưng phụ hoàng ta là con của trời, lẽ nào lại thua tên phản tặc kia. Đến đoạn này, ta lại ngưỡng mộ đại sư Nguyễn Sùng, cũng nhờ ông ấy mà phụ hoàng chẳng những giải được độc còn xóa hết các vết thương trên mặt. Ngô đại nhân nói, lúc cứu được phụ hoàng, mặt người xấu xí đến mức không nhận ra được. Ta hay lén nhìn phụ hoàng rồi tưởng tượng đến những vết sẹo ấy. Nhưng thay vì sự xấu xí, ta chỉ cảm nhận được nỗi đau mà phụ hoàng từng trải qua. Trong lòng ta, đàn ông chân chính chỉ có mỗi phụ hoàng. Trong mắt ta, không một ai có thể so sánh được với người!

Ta đã nghĩ bầu trời này sẽ yên bình mãi mãi, cho đến khi mây đen kéo đến, bầu trời ấy vần vũ, xám xịt một màu.

Năm đó ta lên mười, phụ hoàng đổ bệnh. Trước đây phụ hoàng oai phong lẫm liệt là thế, không hiểu sao chỉ một cơn cảm mạo, sức khoẻ người lại lao nhanh như rơi xuống vực thẵm.

Từ lúc người phát bệnh, ngoài thái y ra, chẳng ai được phép đến gần. Phụ hoàng từ chối mọi thỉnh cầu diện kiến, cả mẹ Ỷ Lan và ta cũng không ngoại lệ. Ta chỉ còn cách chực chờ mỗi lần thái y rời khỏi điện, nhanh chóng chạy đến hỏi thăm. Lần nào thái y cũng nói phụ hoàng dần khá lên với vẻ mặt trắng bệch. Ta thừa biết bọn họ nói dối. Tất cả chỉ là một lũ bất tài, sợ chết mà thôi.

Mỗi lần bị thái giám ngăn không cho vào thăm phụ hoàng là một lần ta lại lén chạy ra vườn Quỳnh Lâm, lầm lũi một mình, dùng nước mắt tưới hoa.

Không có phụ hoàng cùng ta ngắm hoa đào, mùa xuân năm ấy cũng chẳng còn vui tươi. Ta nhìn về điện Hội Tiên, mặc cho tiếng pháo rộn rã vang lên sau lưng. Hoàng thượng đang nằm cô đơn trong kia, các người có gì vui mà vẫn đốt pháo mừng xuân?

Đêm nào ta cũng đứng trước điện, chờ cho đến khi đèn tắt hẳn, mới lặng lẽ quay về tẩm cung. Nhưng đêm đó, mùng ba tháng giêng, giờ Tí (23h – 1h) đã đến nhưng sao phụ hoàng vẫn chưa chợp mắt?

Ta tiến đến, nói với Từ Viên: “Sao ngươi không tắt đèn cho hoàng thượng nghỉ ngơi?”

Từ Viên kính cẩn cúi đầu: “Bẩm, hoàng thượng hôm nay tâm trạng tốt nên thức muộn một chút.”

Ta nhìn cánh cửa im lìm, hận không thể quan sát xuyên đến bên trong, xem phụ hoàng của ta đang làm gì. Ta buông tiếng thở dài. Từ lúc phụ hoàng bệnh, không biết ta thở dài đã bao nhiêu lần?!

Chợt thanh âm yếu ớt vang lên nhưng cũng thân thuộc vô cùng: “Ngọc Kiều đó à? Vào đây với ta.”

Lời vừa dứt ta vội vã chạy vào như thể chậm một chút thôi phụ hoàng sẽ đổi ý. Ấy thế khi thân ảnh người vừa đập vào mắt, lòng ta lại trào lên một cỗ tủi hờn. Cả tháng nay chính người không chịu gặp ta!

Phụ hoàng nhìn ta, cất giọng trầm khàn: “Công chúa của chúng ta sao thế? Ai ức hiếp con?”

Ta dí chân xuống nền gạch, tay vò gần nát chiếc khăn đang cầm, ấm ức lên tiếng: “Chính là phụ hoàng, cả tháng nay người không gặp Ngọc Kiều. Người biết Ngọc Kiều lo lắng cho người đến mức nào không?”

Phụ hoàng mới ngã bệnh một tháng nhưng trông hốc hác vô cùng. Gương mặt nâu đồng mạnh khoẻ năm nào giờ thay thế bằng nét gầy gò, nhợt nhạt, xanh xao. Vậy mà khi nghe ta giãi bày, người vẫn nở nụ cười ấm áp như bầu trời mùa xuân: “Lại đây, con gái của ta.”

Chỉ chờ có thế, ta lập tức chạy đến, ngã vào vòng tay vững chắc của người. Bàn tay này đã nắm lấy ta vào một ngày đông lạnh lẽo, đã bế ta lên mỗi khi ta vấp ngã, đã dỗ dành ta mỗi lúc buồn phiền. Ta ôm lấy phụ hoàng, lệ tuôn xối xả như mưa.

“Ngọc Kiều của chúng ta bình thường mạnh mẽ lắm, sao hôm nay lại nhõng nhẽo thế này?”

Tôi ngước nhìn phụ hoàng, giọng nài nỉ: “Phụ hoàng cho con chăm sóc người đi.”

Lúc ấy, phụ hoàng đã xoa đầu ta, ôn nhu đồng ý.

Ta ngồi cạnh phụ hoàng, xuyên qua cửa sổ, ngắm nhìn bầu trời đầy sao. Sao đêm nay đẹp hay vì được ở bên phụ hoàng, mọi thứ trong ta bỗng hoá tươi tắn hơn!

Im lặng rất lâu, phụ hoàng mới lên tiếng: “Hôm nay là sanh thần của một người.”

Ta ngẩng mặt nhìn phụ hoàng, chưa bao giờ nghe người nhắc đến ai với giọng điệu đau thương đến thế.

“Người ta yêu… cũng là người ta hối tiếc cả một đời!”

Phụ hoàng không nói thêm gì nữa. Ta thấy trong khoé mắt người lấp lánh sao sa.

Đó cũng là lần duy nhất ta chứng kiến nước mắt phụ hoàng rơi. Lúc đó ta còn quá nhỏ để hiểu được yêu một người đến mức dày xéo tâm can là như thế nào!

Bốn ngày sau, một nam nhân tuổi ngoài hai mươi đến tìm gặp phụ hoàng. Người ấy áo quần giản đơn nhưng trên tóc lại buộc một mảnh lụa xanh thật đắt tiền trông vô cùng kệch cỡm. Lần đó phụ hoàng cùng hắn ta nói chuyện thật lâu. Khi hắn vừa rời khỏi, ta lập tức chạy vào cùng phụ hoàng, thấy sắc diện người càng tối tăm hơn.

Ba ngày nữa, khi trời xuân cũng làm mưa xối xả, phụ hoàng mỉm cười, yên bình nhắm mắt trước mặt ta.

Bầu trời trong lòng ta sụp đổ từ hôm đó.

Ba ngày quốc tang ta không khóc một lần. Phụ hoàng từng nói, nếu ta khóc người sẽ không thể thanh thản ra đi.

Không khóc không có nghĩa ta không buồn. Trong lòng ta trống trải đến mức không muốn làm gì nữa, cũng không thiết ăn uống gì.

Sau đó ta liền đổ bệnh. Trong cơn chập chờn ta nghe giọng chuyện trò to nhỏ bên tai.

“Ta không nghĩ con bé quý Nhật Tôn nhiều như vậy.”

Ta nhận ra đó là giọng của người thanh niên ăn vặn kệch cỡm mấy ngày qua vẫn chưa rời khỏi hoàng cung. Tiếp theo đó là giọng của mẹ Ỷ Lan.

“Không trách được chú ạ, từ khi vương gia mất, hoàng thượng đã đem con bé về cung. Mấy năm qua tình cảm giữa hai người còn hơn cha con ruột.”

“Nhật Tôn đã nhớ lại cô ấy. Ta không nghĩ cậu ấy yếu đuối đến mức ôm niềm đau này mà chết đi.”

“Trách là trách hoàng thượng nhớ lại quá muộn màng. Mạng của chị, mạng của vương gia, ai trả lại được đây hở chú?”

Mẹ Ỷ Lan đang khóc sao?

“Những gì đã xảy ra cũng xảy ra rồi. Chẳng lẽ cháu định ôm chuyện này cho đến khi chết?”

“Cháu chưa bao giờ quên ngày hôm đó, lúc cả cơ thể chị ngập trong màu đỏ của máu, đau đớn đến mức không nói nên lời...”

“Cháu định làm gì?”

“Khiết An này có ơn ghi ơn, có nợ ghi nợ. Kẻ ép chị phải chết, dù dùng cả mạng sống cháu cũng phải trả mối thù này.”

“Quyết định của cháu ta không can thiệp. Nhưng cháu nhớ rõ điều này, bất cứ chuyện gì cũng có luật nhân quả. Chỉ e những đứa trẻ của cháu sau này phải lãnh hậu quả do chính cháu gây ra.”

Ta lúc đó không hiểu mẹ Ỷ Lan và Nguyễn Tự Thành nói gì. Cho đến hai năm sau, lúc mẹ Ỷ Lan ép Nguyên thái phi và hoàng hậu họ Dương vào con đường chết, ta mới được hé lộ những sự thật mọi người che giấu bấy lâu nay.

Cuối cùng ta đã hiểu tại sao cha lại đặt ta tên Lý Niệm Chân. Cha không có người phụ nữ bên ngoài và mẹ ta cũng không phải Ngô Thanh Sương - em thái sư Lý Thường Kiệt.

Trước lúc Nguyễn Tự Thành rời khỏi đã đưa cho ta một cây trâm. Ta xem qua, rất giống thứ mẹ Ỷ Lan luôn cài trên tóc. Hắn ta bảo rằng đây là di vật mẹ ta để lại. Một lần ta lỡ đánh rơi trâm. Viên trân châu rớt ra, chỗ trống trên thân bạc có khắc hai chữ - Trần Chân.

----------

(*) Lý Càn Đức, con vua Lý Thánh Tông, sau này là vua Lý Nhân Tông.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui