Chương thứ bốn mươi
...
Từ Xuân vào Hạ, thời tiết ấm lên như Trì Yến dự đoán.
Y vẫn mặc hai lớp áo, nhân tiện còn nhận được một tấm thiệp mời.
Một vị Lãnh chúa lớn mời y tham gia buổi tụ họp, trong thư nói vô cùng hấp dẫn.
Bọn họ sẽ được dùng ly vàng đựng rượu, có người đẹp phục vụ, có nhạc công tấu nhạc.
Họ chỉ cần thỏa sức hưởng thụ.
Muốn đồ ăn ngon có đồ ăn ngon, muốn rượu ngon có rượu ngon, muốn người đẹp có người đẹp.
Đương nhiên cũng có thể tự mang theo bạn đồng hành.
Tuy nói rất uyển chuyển, nội dung tựa thơ ca nhưng Trì Yến vẫn nhìn thấy được bộ mặt hoang dâm sa đọa trong đó.
Sau khi đọc xong y quả thật rất muốn đi, ít nhất ở trong thư thì buổi tiệc đối phương miêu tả thật sự là thiên đường.
Với lại Trì Yến sắp trưởng thành, ra ngoài nhìn ngắm thế giới cũng có sao đâu? Y không có bạn gái, không có vợ, cha mẹ không bên cạnh, chẳng ai quản y.
Thế giới muôn màu ngoài kia, y đến đây!
"Ngài đi chơi vui vẻ." Quản gia không ngăn cản Trì Yến, trái lại gương mặt già nua an ủi: "Nếu nhìn trúng ai ở đó, ngài cũng có thể dẫn về."
Trì Yến còn nói tin này cho Kleist, hơn nữa y vô cùng hiểu chuyện: "Anh muốn đi không? Tôi dẫn anh đi chung."
Từ khi Kleist đi đánh cướp, không phải, đi quét sạch lũ cướp xung quanh về thì không còn gần gũi với Trì Yến nữa.
Tuy Trì Yến hơi khờ nhưng vẫn cảm nhận được, y hy vọng cơ hội lần này có thể hàn gắn quan hệ với Kleist.
Dù sao Kleist là người bạn duy nhất của y, nếu mất đi người bạn này vậy thì ngay cả người để tâm sự với y cũng không còn.
Y không muốn làm kẻ cô đơn đáng thương.
Kleist đang ngồi trên cỏ, tư thế tùy tiện, một chân gập lại để trên đất, chân còn lại duỗi ra.
Chắc do Kleist có dương khí nặng? Nói chung hắn chỉ khoác một lớp áo mỏng trong khi Trì Yến phải quấn hai lớp áo dày.
Hắn cử động một chút sẽ lộ ngực.
Trì Yến dè dặt ngồi xuống cạnh Kleist: "Rốt cuộc gần đây tôi đã đắc tội gì với anh? Từ lúc anh trở về đã không còn trò chuyện với tôi nữa."
Kleist hái một chiếc lá, sau khi vò nát nó thì ngón tay hắn dính đầy chất lỏng màu xanh.
"Không có gì." Kleist rũ mắt, trông vô cùng đáng thương, "Chắc do mệt quá, cần thời gian nghỉ ngơi."
Trì Yến không tin, dù y có ngốc thế nào cũng không tin lý do thoái thác này!
Trì Yến không biết mình đã chọc giận gì Kleist, y hỏi mấy lần đều không hỏi được nguyên nhân từ miệng hắn.
Hỏi hồi lâu y cũng mất bình tĩnh: "Dù cho tôi đắc tội anh thì anh cũng phải cho tôi biết nguyên nhân chứ, nếu là lỗi của tôi thì tôi sẽ xin lỗi.
Nhưng anh không nói gì mà cứ để tôi đoán, tôi sẽ chẳng đoán được gì cả."
Nói xong Trì Yến hơi đau lòng.
Y coi Kleist là bạn, có chuyện tốt đều nghĩ đến đối phương.
Chỉ cần đối phương hơi không ổn, y lại lo có phải mình nói sai làm sai điều gì làm tổn thương Kleist hay không.
Nhưng hình như Kleist không coi y như vậy.
Trì Yến nhỏ giọng lầm bầm: "Anh không thể xem việc tôi tốt với anh là đương nhiên."
Lúc Kleist ngẩng đầu, hắn nhìn thấy biểu cảm oan ức của Trì Yến.
Giờ Trì Yến vẫn là một thiếu niên, đường cong cơ thể không nam tính như thanh niên, y đang trong thời kỳ vỡ giọng nhưng giọng không ngang như vịt mà chất giọng lại độc đáo, hơi khàn.
Mỗi khi Trì Yến nói chuyện, Kleist đều cảm giác như có sợi lông chim khẽ gãi vào tim hắn.
Chỉ là dù hắn có biểu hiện rõ ràng cỡ nào Trì Yến cũng không nhận ra, tựa như trời sinh mất sợi dây cảm ứng này.
Kleist thở dài: "Được rồi, tôi xin lỗi, là do tôi không đúng."
Mới nãy Trì Yến vẫn còn một bụng oan ức, nghe Kleist xin lỗi xong, giờ y lại thấy có phải mình hơi quá đáng hay không.
"Rốt cuộc tại sao anh lại không vui?" Trì Yến ngồi cạnh Kleist, sắm vai anh lớn tri kỉ.
Kleist: "Không có gì."
Trì Yến không tin nhìn hắn.
Vì vậy, Kleist đành nói: "Tôi rất muốn có được một người, nhưng tôi sợ dọa đến cậu ấy."
Hắn dùng "cậu ấy", chứ không phải "cô ấy"*.
(*Trong tiếng trung, cậu ấy (他) hay cô ấy (她) đều phát âm là "ta".)
Lúc đầu Trì Yến chưa kịp phản ứng, chỉ nghĩ Kleist nói lộn, y còn hóng hớt hỏi: "Ai á? Là người trong lãnh địa chúng ta hay người anh gặp khi ra ngoài? Rất đẹp phải không?"
Ánh mắt Kleist phức tạp nhìn y.
Đến bấy giờ Trì Yến mới nhận ra, Kleist nói là "cậu ấy".
Y hơi xấu hổ.
Không ngờ Kleist cũng thuộc nhóm đàn ông có sở thích đặc biệt.
Trì Yến: "...!Tôi không có kinh nghiệm về chuyện này đâu."
Đừng nói đàn ông, ngay cả phụ nữ y còn chưa từng theo đuổi.
Mối tình đầu nụ hôn đầu vẫn còn đây, nếu theo đuổi con gái thì y còn có một bộ kiến thức lý thuyết của mấy thằng bạn cho trước khi xuyên qua.
Nhưng theo đuổi con trai, y chẳng có tí kiến thức lý thuyết gì luôn.
Trì Yến: "Không phải người trên lãnh địa chứ?"
Trì Yến không nghĩ đến bản thân mình, nếu Kleist có ý với y thì đã bị y mê hoặc từ lâu chứ đừng nói làm bạn.
Với lại ngủ chung lâu như vậy mà Kleist chưa từng động tay động chân với y.
Không phải Trì Yến nói phét chứ y thấy mình vô cùng có mị lực, đồng thời sa vào một loại ngộ nhận.
Chỉ cần người lúc đầu không có hứng thú với y thì y sẽ nghĩ sau này nhất định người đó cũng không thấy hứng thú.
Kleist khẽ gật đầu.
Trì Yến: "Anh nhìn trúng ai? Tôi đoán thử nhé?"
Y nghĩ tới toàn bộ người có bộ dạng không tệ trên lãnh địa, cuối cùng cho ra kết luận.
"Là Lamure hả?" Trì Yến nói chắc nịch.
Vì cả lãnh địa ngoài Kleist, Trì Yến thấy chỉ có Lamure đẹp nhất.
Tuy giờ Lamure béo lên không ít, nhưng xét về giá trị nhan sắc thì vẫn hơn hẳn những người khác trên lãnh địa.
Kleist: "..."
Trì Yến nghĩ nghĩ: "Tôi cũng thấy Lamure ổn đó."
Dù ăn nhiều nhưng rất thành thật, sống cũng đơn giản.
Có lẽ tên đó làm thuộc hạ không tốt, nhưng làm người yêu thì cũng được, không sợ tên đó ngoại tình hay làm chuyện khiến người khác không thể chấp nhận.
Trì Yến đếm kỹ ưu điểm của Lamure, thành thật nghe lời, bộ dạng cũng được.
Nhiều hơn nữa thì y không nghĩ ra.
Kleist nhìn Trì Yến đang nghiêm túc suy nghĩ, cuối cùng kết luận một câu "Lamure làm bạn đời không tệ", rốt cuộc nhịn không được đánh gãy trí tưởng tượng của Trì Yến.
"Tôi không có ý gì với Lamure." Kleist uyển chuyển nói, "Vị tôi vừa ý đẹp hơn cả hắn."
Vẻ mặt Trì Yến mê mang, y mơ hồ đoán được nhưng không dám hỏi.
Phải hỏi thế nào?
"Anh nhìn trúng tôi ư?"
"Anh có ý với tôi hả?"
Nếu Kleist nói không phải thì quê lắm.
Đây không phải chứng minh y quá tự kỷ sao?
Vì thế Trì Yến lanh trí đổi đề tài: "Buổi tiệc lần này anh có đi không? Trên thiệp mời nói tôi được dẫn theo bạn đồng hành?"
Kleist không từ chối, đồng ý: "Được."
Nếu quyết định tham gia thì phải chuẩn bị những thứ cần thiết như lễ phục hoa hòe, áo cổ bèo, quần ống loe cùng với chiếc quần bó sát khiến người mệt mỏi.
Hên là hiện giờ chưa có ren, nếu không dù thế nào Trì Yến cũng không mặc bộ này lên người.
Ngoài cái này còn phải chuẩn bị quà cho chủ tiệc.
Trì Yến ki bo nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng lấy rượu nho còn dư không nhiều lắm.
Rượu là thứ xa xỉ, mang đi tặng sẽ không làm cho người khác cảm thấy bị xem nhẹ.
Y không giao thiệp với đối phương, chỉ vì lãnh địa gần nhau mà thôi, mấy lời "của ít lòng nhiều" không hợp với y và quý tộc tổ chức buổi tiệc.
May là trên thiệp mời có để tên, vị Lãnh chúa Benedik này là tử tước* khác với Lãnh chúa Trì Yến bị Thánh viện điều tới nhặt "đồ bỏ" này.
Người ta là quý tộc được thừa kế hàng thật giá thật, cha truyền con con truyền cháu.
Của cải tích lũy được có lẽ chất đầy cả tòa thành của Trì Yến.
(*Tử tước: quý tộc chức vụ cao hơn nam tước và thấp hơn bá tước)
Ngay cả thiệp mời của đối phương cũng toát ra mùi quý tộc, đây là thiệp mời làm bằng da dê.
Đối với Trì Yến mà nói, da dê là vật quý hiếm, đắt tới nỗi y thấy sợ hãi.
Dù sao bản thân y tuyệt đối sẽ không bỏ tiền mua thứ này.
Hiện giờ da dê trong tòa thành là do Lãnh chúa trước để lại.
Tuy thẻ tre cồng kềnh, khắc chữ thì phiền nhưng lại rất rẻ, con em nhà nghèo cũng mua được.
Nhưng da dê thực sự chỉ dành cho quý tộc, bút lông không đắt cơ mà mực thì rất đắt.
Cổ đại, bất kể là phương Đông hay phương Tây cũng rất hiếm người biết chữ.
Hầu hết mọi người đều mù chữ.
Vừa nghĩ đến đây, Trì Yến cảm thấy sau vụ thu nên tổ chức xóa nạn mù chữ cho dân.
Vụ thu năm nay thu hoạch được rất nhiều Katuo, lương thực sung túc, mùa đông thoải mái hơn, buổi sáng đi học buổi chiều làm việc.
Hơn nữa việc dạy học này chắc chỉ có thể giao cho quản gia.
Hai kỵ sĩ vừa nhìn đã biết là người thiếu kiên nhẫn, với lại Trì Yến thực nghi ngờ trình độ văn hóa của họ.
Không phải Trì Yến khinh thường mà hai vị này ngay cả mấy từ cơ bản còn đánh vần sai, lại còn cảm thấy rất tốt.
Kleist cũng không thích hợp, hắn là Tinh linh tộc, biết chữ là tốt lắm rồi.
Đọc, viết thì Trì Yến không trông cậy vào hắn.
Hiện tại trên lãnh địa của Trì Yến có ba con ngựa, một con là Thánh viện đưa khi y tới đây, hai con còn lại là sau khi Kleist ra ngoài mang về.
Nhưng nói thế nào thì đối với Lãnh chúa nhỏ như Trì Yến, có ba con ngựa đã rất lợi hại.
Hơn nữa, hai con kia là chiến lợi phẩm, Thánh viện sẽ không thu lại, rất an toàn.
Hôm Trì Yến ngồi xe ngựa rời đi, lãnh địa bên này có cơn mưa nhỏ.
May là mưa không lớn, không ảnh hưởng đến việc đi lại.
Trì Yến và Kleist ngồi xe ngựa, Carl với Albert cưỡi ngựa theo bên cạnh, bên hông bọn họ trang bị kiếm, là kiếm họ mang theo khi đến.
Vì phòng ngừa bất trắc, và không muốn bị người khác phát hiện năng lực đúc của họ vượt xa bối cảnh xã hội hiện tại.
"My lord, đi đường cẩn thận." Quản gia nhìn y nhảy lên xe ngựa, vẻ mặt lo lắng.
Trì Yến ngồi trên xe ngựa, nhoài người ra ngoài: "Ông đừng lo, tôi sẽ bình an trở về, có Kleist ở đây mà!"
Kleist cũng đúng lúc nói: "Hắn bên cạnh tôi, rất an toàn."
Quản gia trề môi, quay đầu không nhìn đến Kleist.
Ngồi trên xe ngựa, Trì Yến và Kleist ở cùng một không gian, y hơi mất tự nhiên, nhiều hơn là xấu hổ.
Bởi lời nói lúc trước của Kleist làm y cảm thấy người trong miệng Kleist kia chính là mình.
Nhưng y vừa nghĩ như vậy, vừa không ngừng phủ định.
Tỷ như người Kleist thích là y, thế sao lúc Kleist ở chung với y lại thể hiện một cách tự nhiên như vậy?
Lại tỷ như khi Kleist nghe nói y sẽ tham gia buổi tiệc của quý tộc, nội dung buổi tiệc kia cũng rất gì và này nọ mà hắn lại không giận?
Trì Yến càng nghĩ càng hoang mang.
Haizz! Phiền quá! Rốt cuộc Kleist có thích y không vậy?
–.
Tác giả nói ra suy nghĩ của mình:
Tui: "Thật sự là phiền phức ngọt ngào."
Trì Yến: "...!Đừng ép tôi phải chửi thề."
Hết chương thứ bốn mươi.