Ba ngày sau khi Song Tích chết. Đó là ngày một tháng năm năm một ngàn chín trăm bảy mươi, một chuyện kinh động đất trời, kinh động nhân tâm đã xảy ra tại cơ quan lãnh đạo công xã : Hơn ba trăm người bị ngộ độc thức ăn, triệu chứng chung là phát sốt. nôn mửa và tiêu chảy. Người bị ngộ độc chủ yếu là cán bộ công xã, là những công chức biên chế nhà nước và thân nhân của họ. Những người bị kinh động đầu tiên phải kể đến lãnh đạo Ủy ban cách mạng huyện, nghe đâu còn làm kinh động đến cả Ủy ban cách mạng trung ương. Bác sĩ cấp cứu của bệnh viện huyện ngồi xe cứu thương phóng như bay về trụ sở công xã, bác sĩ bệnh viện tỉnh đi tàu hỏa về sau. Tuy bác sĩ trên trung ương không thể về kịp nhưng trung ương cũng đã biệt phái một chiếc máy bay trực thăng chở thuốc viện trợ đến và vận chuyển những trườnghợp nặng lên bệnh viện tuyến trên. Cái bệnh viện con con của công xã không thể chứa nổi cùng một lúc hơn ba trăm con người, do vậy mà lãnh đạo công xã yêu cầu trường trung học công xã nghỉ học để biến ghế ngồi học sinh thành giường bệnh, biến phòng học thành phòng bệnh. May mắn là Binh đoàn Giải phóng quân 6037 đang tổ chức huấn luyện ở vùng này, những bác sĩ, y sĩ, y tá quân y của binh đoàn cũng tình nguyện đi cứu người. Theo lời kể của bệnh nhân, trình độ tay nghề của họ rất cao, đặc biệt là những cô quân y trẻ tìm tĩnh mạch để tiêm thuốc ọi người là chính xác tuyệt đối, thỉ cần một lần là đúng, không hề có chuyện chích lần thứ hai. Chuyện các bác sĩ ở bệnh viện công xã tiêm thuốc vào tĩnh mạch cho bệnh nhân là truyện dài kỳ, kể mãi không hết. Buộc garô xong, đâm kim vào, không thấy máu chảy ngược lại trong ống tiêm. Lại rút ra, rồi chọc vào cứ thế máu không chảy ngược trong ống tiêm mà lại chảy bên ngoài da đỏ lòm, đầu họ cũng ướt đẫm mồ hôi. May mắn cho những ai chỉ một hoặc hai lần đâm mà đã tiêm được thuốc, nhưng chuyện ấy rất hãn hữu, chẳng qua là mèo mù vớ được cá rán mà thôi.
Nói một cách thực lòng, lúc ấy mọi người vẫn không hề biết đến khái niệm ngộ độc thức ăn. Từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, trải qua Tam Hoàng Ngũ Đế cho đến lúc này, đây là lần đầu tiên chúng tôi mới biết là ăn uống có thể bị ngộ độc. Khi lên báo cáo trên huyện, các vị lãnh đạo ủy ban cách mạng công xã khăng khăng khẳng định là kẻ thù của giai cấp công nhân và nông dân đã bỏ thuốc độc xuống giếng hoặc bỏ thuốc độc vào bột mì. Lãnh đạo huyện báo cáo với lãnh đạo tỉnh về đại khái cũng mang nội dung ấy, do vậy mà không khí chính trị ngay sau khi mọi chuyện xảy ra là vô cùng căng thẳng, công tác chuẩn bị điều tra là vô cùng bí mật, tất cả các bộ phận có liên quan của huyện của tỉnh ưu tiên tập trung tinh lực cho công cuộc phá án, kế đến là công tác cứu người. Theo phân tích của các chuyên gia phá án, kẻ gây án có khả năng là những đặc vụ được phái đến từ Quốc Dân Đảng Đài Loan, tất nhiên cũng không ngoại trừ khả năng là thuộc giai cấp đối kháng ẩn tàng trong nước. Công việc điều tra tiến hành rất khẩn trương, ngay trong ngày đầu tiên đã có người báo cáo với bộ chỉ huy lâm thời chiến dịch là đã phát hiện ngay trong đêm ấy đã có ba viên pháo hiệu màu đỏ bay lên trời; có người còn phát hiện được kẻ địch vứt bỏ điện đài ở một địa điểm rất bí mật. Những cán bộ ở sở chỉ huy chiến dịch đều là người trên huyện phái về và của các công xã lân cận điều động đến, còn tất cả cán bộ lãnh đạo công xã của chúng tôi đều bị trúng độc, thậm chí là trúng độc nặng nhất. Loa phóng thanh trong toàn bộ công xã mở hết công suất suốt ngày suốt đêm chỉ phát một nội dung duy nhất là yêu cầu bần hạ trung nông ở khắp các thôn trong toàn công xã phải đề cao cảnh giác trước âm mưu chống phá cách mạng của kẻ địch, yêu cầu các thôn tiến hành quản thúc thật chặt bốn thành phần phản động trong thôn mình, ngay cả chuyện đi đái đi ỉa cũng phải có dân quân đi kèm. Đồng thời với biện pháp quản thúc, các thôn phải tổ chức những buổi đấu tố để kể tội trạng của bốn thành phần phản động, máu thịt tứ tưng, tiếng kêu khổ kêu oan vang trời dậy đất. Lực lượng quân Giải phóng cũng rất tích cực phối hợp với công xã trong chuyện này. Họ tổ chức phong tỏa tất cả các cơ sở của công xã, trên khắp các nẻo đường đâu đâu cũng thấy bóng dáng Giải phóng quân oai phong lẫm liệt đứng gác hoặc kiểm tra người đi đường, ban đêm thậm chí còn có mô tô tuần tra gầm rú chạy trên các con đường chính. Có một lần, mô tô tuần tra chạy ngang qua phía sau thôn chúng tôi khiến những kẻ đầu óc hủ lậu bảo thủ ở quê tôi được cơ hội mở rộng tầm mắt. Hầu như ở quê tôi chưa có ai có thể tưởng tượng được rằng trên đời này lại có một vật chạy nhanh đến như vậy. Đầu tiên là trông thấy một luồng ánh sáng chói lòa xa tít tắp ở phía tây xông thẳng vào bầu trời đêm, vẫn chưa ai biết nó là cái gì thì tiếng gầm rú của mô tô đã sát ngay bên tai. Vừa muốn xem cho rõ một tí nhưng không kịp nữa rồi, cả người lẫn xe đều không thấy tăm hơi đâu nữa, mọi người chỉ còn biết đứng nhìn theo ánh đèn xông lên trời mà tiếc ngẩn tiếc ngơ. Đúng như người ta nói nhanh như điện xẹt!
Náo nhiệt và bận rộn đến mấy ngày nhưng vẫn chưa bắt trói được tên đặc vụ nào, cũng chẳng đào lên được kẻ thù giai cấp ẩn tàng nào cả. Đa số người trúng độc đã được xuất viện. Dưới sự chỉ đạo của ủy ban vệ sinh phòng dịch tỉnh, trạm vệ sinh phòng dịcnh huyện cuối cùng cũng đã tìm ra nguồn gốc gây ra ngộ độc. Đó chính là Song Tích của chúng tôi. Họ bảo rằng trong thịt và nội tạng của con Song Tích có chứa một loại vi khuẩn vô cùng độc hại, trong nhiệt độ ba nghìn độ C gì đó vẫn còn có thể chạy nhảy tung tăng, bó vào nồi mà đun thì cho dù có đun ba năm cũng không giết chết được nó.
Sau khi tìm ra con vi khuẩn độc ác này, công cuộc đấu tranh giai cấp ngay lập tức biến thành cuộc vận động quy trách nhiệm thuộc về ai. Hai cán bộ thuộc tổ chuyên trách điều tra trách nhiệm của công xã đã về thôn tôi, gọi chú Mặt Rỗ, ông Đỗ và tôi tập trung lên trụ sở đội, một người chuyên hỏi, một người chuyên ghi chép. Có đánh chết tôi cũng không hé răng về những điều tôi biết, khi bị hỏi quá khó hoặc bị dọa nạt, tôi ngoác mồm khóc rống lên. Ông Đỗ cũng giả vờ lẩn thẩn, nói bậy nói bạ lung tung, do vậy mà người phát ngôn thính thức duy nhất trong buổi điều tra ấy là chú Mặt Rỗ. Chú nói, trước tiên là do đồng chí Đổng, trong khi thiến cho Song Tích đã cố tình cắt đứt mạch máu chủ của nó, lại còn bảo lão ta cứ lần khân thoái thác việc tiêm thuốc cho Song Tích, rõ ràng lão Đổng và tay chủ nhiệm Tôn trên công xã đã bày mưu tính kế sẵn cố tình làm chết con Song Tích của chúng tôi để lấy thịt chia nhau đón mừng ngày Lao động 1-5! Có ai ngờ rằng ông trời cũng có mắt! Chú Mặt Rỗ kết thúc lời kể bằng một câu cảm thán.
Nhân viên điều tra sau đó báo cáo lên cấp trên như thế nào, thúng tôi không thể biết được, nhưng kết quả xử lý cuối cùng thì chúng tôi ai cũng biết.
Cuối cùng, tất cả trách nhiệm dồn lên đầu người con rể thứ tư của ông Đỗ - tổ trưởng tổ đồ tể công xã Tống Ngũ Luân. Người này không nghe lời thủ nhiệm Tôn, đã tự ý xẻ thịt con trâu và phân phối cho tất cả cán bộ lãnh đạo công xã cũng như cán bộ thuộc các cơ quan trực thuộc công xã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, hao tổn sức người và của cải. Cho dù Tống Ngũ Luân cũng là người bị hại, không những bị hại mà bị hại nặng bởi anh ta là một trong những người ăn nhiều nhất nhưng cũng phải nhận hình thức kỷ luật là bãi chức tổ trưởng, dừng sinh hoạt đảng một năm để ăn năn về những tội lỗi của mình.
Dưới sự giúp đỡ vô tư và tận tình của quân Giải phóng, dưới sự lãnh đạo vô cùng anh minh và sáng suốt của các cấp lãnh đạo từ tỉnh xuống đến huyện và công xã, dưới sự nỗ lực tuyệt vời của cộng đồng y bác sĩ, trong số hơn ba trăm người ngộ độc chỉ có một người chết (chết vì bệnh tim). Nếu chuyện này mà phát sinh trong xã hội cũ tàn bạo và bất lương, e rằng ba trăm linh tám người không có lấy một người sống sót. Tuy công xã có mất đi một người nhưng gần như là không mất ai cả bởi người này tuy có trúng độc thật nhưng anh ta chết vì bệnh suy tim bẩm sinh, do vậy không thể nói cái chết của anh ta là do ngộ độc thức ăn mà ra.
Người bị suy tim ấy không ai khác hơn là người con rể cả của ông Đỗ - nhân viên phục vụ tại nhà ăn công xã Trương Ngũ Khuê!
Mọi người trong thôn chúng tôi đều nói rằng, anh ta chết vì nghẹn trong khi ăn thịt trâu chứ không phải bị trúng độc cũng không phải vì bệnh tim!
Tháng 4-2004
Hết