Lưu huyện lệnh không dám vào Bạch Hổ đường, đứng ở ngoài cũng không dám, cứ nhấp nhổm mãi đợi được Hàm Ngưu đi ra, vội giữ lấy, xin cầu kiến hầu gia.
Hàm Ngưu gãi đầu gãi tai: - Lão gia thấy ông thập thò bên ngoài lâu rồi, bảo ta ra hỏi ông có chuyện gì? Ông là bằng hữu cũ của lão gia ta, đâu cần cố kỵ nhiều như vậy.
Lưu huyện lệnh lấy ra một chồng thư đưa cho Hàm Ngưu: - Bạch Hổ đường không nên vào thì hơn, nhưng thứ này xin tướng quân nhất định giao cho hầu gia, thương hộ Đậu Sa quan nổi điên vây kín huyện nha, yêu cầu mở cửa đại doanh Nguyên Sơn, bọn họ muốn lên thảo nguyên làm ăn.
- Chuyện này ta không dám tự ý quyết định, xin nhờ hầu gia.
Hàm Ngưu gật đầu: - Để ta mang thư vào cho lão gia xem, nếu có hồi âm sẽ ra nói với ông.
Lưu Hỉ rối rít bái tạ, thở phào, nay thảo nguyên ngoài tuyết trắng và cỏ khô thì còn cái gì nữa đâu mà làm ăn, đám người kia chẳng qua là nhìn trúng thảo nguyên bao la, ở đó người Thổ Phồn chỉ có thể chăn thả gia súc, nhưng vào tay Đại Tống sẽ là muôn khoảnh ruộng tốt.
Đất Thục có câu, thất sơn nhị thủy nhất phân điền, nói lên những người giàu nhất trong Thục không phải thương nhân tơ lụa, mà là địa chủ, ví như Lục gia nửa nông nửa thương mới là cột trụ đất Thục.
Đất Thục tuy có bình nguyên Thành Đô bao la trù phú, nhưng mà đa phần vẫn là núi non trùng điệp, đất ruộng bằng phẳng rất quý, giờ có mảnh đất lớn như thế, kẻ nào mà không thèm.
Đất đai khác tiền bạc, có thể đời đời truyền thừa, cho dù có mua đắt, chỉ cần có ruộng tốt vào tay, người ta cũng chỉ khen là biết nghĩ cho con cháu, nên sau khi đánh hơi được động tĩnh của mới trong huyện, bọn họ tranh nhau mong đi trước người khác một bước.
Vân Tranh xem qua vài lá thư, y không lạ chuyện này quần thể hung mãnh nhất Đại Tống không phải Kinh Tây quân, mà là thương nhân.
Chấm bút đỏ phê hai chữ lớn "không cho", cảm thấy như thế chưa đủ sức uy hiếp đám người tham lam bất chấp sinh mạng đó, viết thêm:" Người Tống tự ý vào Điền Tây, chém!"
Tám chữ:" Người Tống tự ý vào Điền Tây, chém!" Đỏ như máu được quân sĩ viết lên vách núi hẻm Lồng Hấp, mặc dù không biết tên dốt nát nào viết sai chính tả, nhưng vẫn đủ khiến thương cổ phải dừng chân.
Tức thì đất Thục xôn xao, thương hành đất Thục dửng dưng, bọn họ thậm chí cho rằng Vân hầu muốn độc quyền kinh doanh thương đạo này, nhàn nhã đợi cơ hội phát tài tới.
Những người khác không chịu, đặc biệt là thương cổ Lô Châu, Đông Kinh phản ứng dữ dội nhất, trước tiên là đi du thuyết các nơi, mong dựa vào mối quan hệ gây áp lực với Vân Tranh triệt tiêu cấm lệnh, khi thấy không có bất kỳ hiệu quả nào, lập tức có quan viên đã nghỉ hưu dâng thư lên trung xu chất vấn quyền lực của Vân Tranh, y hiện giờ tuy vẫn là Vân Huy đại tướng quân, Văn Tín hầu nhưng đó là danh hàm, không phải là chức vụ, ỷ vào có mấy nghìn thân binh làm càn làm quấy là thế nào?
Những tấu chương đó bị chặn lại ở chỗ Trương Phương Bình, vị trưởng quan tối cao của Thành Đô đành thở dài tới Đậu Sa trại, trừ ông ta ra người khác có khi ngay tư cách gặp Vân Tranh cũng chẳng có, vì công vì tư, ông ta phải hỏi ra nguyên nhân cấm lệnh không cho người Tống vào địa bàn Thổ Phồn.
Tiểu khúc ở Lô Châu sắp biến Vân Tranh thành gian thàn mặt trắng, kêu xa dâm dật rồi, một số nghệ nhân danh tiếng lớn, thậm chí dám tới cả Thành Đô biểu diễn.
Người Thành Đô tất nhiên là một lòng với Vân Tranh, bao năm qua ân huệ Vân Tranh trải khắp từ nông hộ, thợ dệt, thương nhân, binh sĩ, thậm chí sĩ tử cũng được Vân gia tài trợ, không chịu được người khác nói xấu Vân hầu, thế là không ít nghệ nhân bỏ răng ở lại Thành Đô.
Đúng vậy, Vân hầu có sở thích tao nhã đánh gãy răng người ta đã lưu truyền khắp Thành Đô rồi.
Lưu huyện lệnh cũng rất thảm, thương cổ bình thường không dám trêu chọc vào vị huyện lệnh này, nhưng Đậu Sa quan nhưng năm qua có không ít khách thương vùng nào tiến vào, những người này đều có chỗ dựa lớn, một số khách thương đưa thiếp nhà mình tới, Lưu huyện lệnh phải dùng hai tay tiếp nhận.
Những loại thiếp như thế ngày càng nhiều, Lưu huyện lệnh nhận ra, chuyện này mình xử lý không tốt, đừng kiếm ăn ở quan trường.
Nhị quản gia Lão Triệu của Vân phủ nay thành nhân vật phong vân ở Đậu Sa quan, chỉ cần lộ diện là có vô số thương nhân xúm quanh, bất kể rảnh rỗi hay không đều lập tức bị kéo tới những chỗ xa hoa cùng cực, mỹ nhân, rượu ngon, sơn hảo hải vị xuất hiện liên tục, những khuôn mặt phì nộn bày ra đủ kiểu cười nịnh bợ, gọi Triệu huynh vô cùng thân thiết.
Gia quyến Vân gia đều đã đi tới hẻm Lồng Hấp nghỉ ngơi, lão tộc trưởng không cho người không liên quan vào trại làm hỏng phong thủy, Vân hầu gia thì sinh hoạt đều đặn ban ngày ở quân doanh dưới Bạch Vân sơn cưỡi ngựa luyện quân, tối trở về trại, nhưng người ta lúc nào cũng có giáp sĩ ở bên, không ai dám liều mạng tới gần, nên không nhắm vào Lão Triệu thì ai?
Hiện ở Đậu Sa quan có tin đồn phổ biến, Vân hầu không cho thương cổ tới thảo nguyên, không cho mua đất đai thảo nguyên, là vì Vân hầu một lòng nghĩ cho quốc gia, lo bán rẻ đất đai, tổn thất cho quốc khố, muốn đẩy giá lên, không thấy thương đội Vân gia cũng không vào thảo nguyên à? Đó là Vân hầu đức cao nghĩa sáng.
- Triệu huynh à, mua sắm cho phủ không cần vội, lão phu sai người đưa tới tận trại, hai ta lâu rồi không gặp, phải làm vài chén chứ, hôm nay có măng đông, nấu với thịt khô thì tuyệt nhất rồi.
Lão Triệu cười khổ: - Lão phu biết tâm tư các vị, đại chưởng quầy trong nhà cũng thúc giục mãi, nhưng hầu gia không lên tiếng, ông nói xem một lão nô như ta sao hỏi được.
Lão Hoàng chưởng quầy dược hành nói: - Không làm khó Triệu huynh, chỉ cần huynh nói với hầu gia, người làm ăn ở đây đã chuẩn bị sẵn tiền bạc, chỉ đợi hầu gia thôi, giá cả chúng tôi không hỏi.
- Đúng thế, đúng thế, Đại Tống ta thừa ruộng tốt, không thiếu núi non, bỏ tiền là là mua được, nhưng thảo nguyên thì hiếm hỏi, ai dám hỏi giá chứ, có cơ hội mua lấy mảnh đất thích hợp là tốt rồi. Xung quanh rối rít phụ họa, mắt nhìn Lão Triệu chằm chằm.
Lão Triệu thở dài: - Hầu gia mỗi ngày bận rộn vương sự, tới nửa đêm mới ngủ, trời chưa sáng đã dậy, bữa sáng chỉ một bát cháo loãng, hai cái bánh bao không nhân, làm người ta nhìn mà xót xa.
- Chưởng quầy Lão Chu từ Quảng Nam tới hiến tổ yến cho hầu gia bồi bổ, thuận tiện hỏi khi nào thương đội trong nhà vào thảo nguyên, kết quả bị hầu gia hất tung tổ yến, mắng Lão Chu kiếm tiền không biết đủ, Vân gia không vào thảo nguyên thì chết đói à? Đấy các vị xem, thế thì sao ta dám mở miệng.
Cả đám rùng mình, Vân hầu là thống soái đại quân, nổi giận không giết người tại chỗ đã là may cho Lão Chu, chẳng trách mấy ngày qua lúc nào Lão Chu cũng mặt xưng mày xỉa.
Thấy xung quanh im lặng, Lão Triệu thở ngắn than dài: - Chuyện về thảo nguyên lão phu chẳng biết nhiều, chỉ biết nơi đó chiến tranh liên miên nhiều năm, nay đã không còn nhiều người nữa, nghe Vân Văn nói chỉ còn chưa tới năm vạn, đại bộ phận là người già phụ nữ trẻ nhỏ, lương thực vật tư thiếu thốn, khó qua được màu đông. Thảo nguyên sẽ thành vật trong túi Đại Tống, như thế bách tính nơi đó cũng thành con dân Đại Tống, không thể để họ chết đói được.
- Nhưng lấy đâu ra lương thực vật tư nuôi năm vạn người, hầu gia vì chuyện này phiền não mất ăn mất ngủ.
Khuôn mặt béo tốt của Lão Hoàng dần sáng lên: - Ài, đúng thế thật, nếu vậy những người sống no đủ chúng ta nên vào thảo nguyên cứu trợ láng giềng chứ nhỉ?