CHƯƠNG 1
TÔI BẬT DẬY TRÊN GIƯỜNG, một tay siết chặt lấy mặt dây chuyền, tay kia cuộn trong ga giường, gắng sức nắm bắt những mảnh vụn trong cơn mơ giờ chỉ còn mơ mơ hồ hồ. Có gì đó về một tầng hầm… một cô bé… tôi ư? Tôi không nhớ là nhà mình từng có tầng hầm - từ trước đến giờ chúng tôi luôn sống trong các căn hộ.
Một cô bé trong tầng hầm, thứ gì đó rùng rợn… không phải lúc nào các tầng hầm cũng rùng rợn sao? Tối tăm, ẩm thấp, trống hơ trống hoác, nội nghĩ đến thôi là tôi cũng rùng mình rồi. Nhưng tầng hầm này không bỏ trống… Trong đó có… Tôi không nhớ nổi là gì. Một ông chú sau lò sưởi chăng…?
Một tiếng rầm trên cửa làm tôi giật thót.>“Chloe!” Annette hét inh ỏi. “Tại sao em lại tắt đồng hồ báo thức? Tôi là quản gia chứ không phải vú em. Nếu em dậy trễ nữa, tôi sẽ báo cho cha em đấy.”
Khi những lời hăm doạ qua rồi, chuyện này không hẳn là thứ đáng sợ hơn trong những cơnn ác mông. Dẫu Annette có gọi được cho cha tôi ở Berlin, ông cũng sẽ chỉ vờ lắng nghe, mắt dán vào chiếc BlackBerry, tập trung chú ý vào chuyện gì đó quan trọng hơn, như dự báo thời tiết chẳng hạn. Cha sẽ lẩm bẩm mập mờ thế này “Ừ, khi nào về tôi sẽ xem xét” và quên béng chuyện của tôi khi dập máy.
Tôi mở đài lên, vặn kênh và bò ra khỏi giường.
Nửa giờ sau, tôi đứng trong phòng tắm, sửa soạn chuẩn bị đi học.
Tôi vén tóc ra sau rồi kẹp lại, liếc vào gương và rùng mình. Chỉ kiểu tóc thôi cũng đủ để tôi trông như mười hai tuổi rồi. Tôi mới bước sang tuổi mười lăm và phục vụ trong nhà hàng vẫn còn đưa cho tôi thực đơn phần ăn của trẻ con. Cũng không trách họ được. Tôi cao có một mét năm, thân hình phẳng lì, chỉ lộ ra chút xíu đường cong khi tôi mặc quần jeans ôm với một cái áo phông bó còn sát hơn.
Dì Lauren cam đoan tôi sẽ trổ giò thôi – và có cả đường cong này nọ – khi tôi đến kỳ. Theo tôi đoán thì phải nói là “nếu”, chứ không phải “khi”. Hầu hết các bạn tôi đều “có” năm mười hai tuổi, thậm chí là mười một. Tôi cố gắng không nghĩ ngợi quá nhiều, nhưng dĩ nhiên là ngược lại rồi. Tôi lo cơ thể mình có gì bất ổn, cảm thấy mình như một kẻ quái dị khi bạn bè tám về kỳ kinh nguyệt của tụi nó, thầm cầu nguyện rằng tụi nó không biết là tôi chưa có. Dì Lauren bảo tôi bình thường. Dì là bác sĩ đấy, nên tôi cho là dì sẽ biết lý do. Nhưng chuyện này cứ làm tôi khó chịu. Nhiều lắm.
“Chloe!” Cánh cửa rung lên dưới bàn tay múp thịt của Annette.
“Em đang trong nhà vệ sinh,” tôi hét ra. “Em có chút riêng tư nào không?”
Tôi cố cài thêm một cái kẹp phía sau đầu, giữ cho hai bên tóc vểnh lên. Không tồi. Khi tôi quay đầu nhìn sang một bên, cái kẹp tuột khỏi mái tóc mềm rũ như tóc trẻ con.
Lẽ ra tôi đừng bao giờ nên cắt tóc mới phải. Nhưng tôi phat ốm với mái tóc thẳng dài kiểu bé gái rồi. Tôi quyết định chọn kiểu ngắn tỉa so le ngang vai. Trên mô hình mẫu kiểu đó trông đẹp cực kỳ. Nhưng với tôi thì sao? Không được khá khẩm cho lắm.
Tôi nhìn đăm đăm vào tuýp thuốc nhuộm tóc còn đóng nắp. Kari đã cam đoan mái tóc màu vàng nâu nhạt của tôi mà có thêm mấy vệt đỏ nữa là hoàn hảo. Tôi không thể không nghĩ đến chuyện trông mình sẽ y chang một cây kẹo gậy[1]. Thế nhưng, biết đâu màu tóc đó sẽ làm tôi có vẻ chững chạc hơn…
[1] Loại kẹo hai màu đỏ trắng có hình chiếc gậy, thường phổ biến vào dịp Giáng sinh.
“Tôi đang cầm ống nghe đấy Chloe.” Annette hét lớn.
Tôi chộp lấy tuýp thuốc nhộm nhét vào ba lô và mở mạnh cửa.
Lúc nào tôi cũng xuống dưới theo lối cầu thang. Nhà ở có thể thay đổi, nhưng việc phải làm hằng ngày thì không bao giờ. Ngày đầu tiên đến lớp mẫu giáo, mẹ và tôi đứng trên đầu cầu thang, một tay mẹ dắt tôi, tay kia cầm cái ba lô Thuỷ thủ Mặt Trăng.
“Sẵn sàng nhé, Chloe,” mẹ bảo. “Một, hai, ba…”
Và chúng tôi bắt đầu phóng xuống các bậc thang cho đến khi đáp đất, thở hổn hển và cười khúc khích, sàn nhà lắc lư trơn trượt khi chúng tôi đứng không vững. Mọi nỗi sợ trong ngày đầu tiên đi học của tôi tan biến.
Chúng tôi đã cùng chạy xuống cầu thang mỗi buổi sáng suốt năm tôi học mẫu giáo và giữa năm lớp một, rồi sau đó… ờ, sau đó chẳng còn ai để mà chạy cùng nữa…
Tôi dừng dưới chân cầu thang một lúc, chạm vào sợi dây chuyền bên dưới áo phông, đoạn xua đi những kỷ niệm, nhấc ba lô lên rồi bắt đầu rảo bước.
Sau khi mẹ qua đời, cha và tôi đã dời nhà quanh Buffalo nhiều lần. Cha tôi mua ra bán vào các căn hộ sang trọng. Nghĩa là ông mua chúng dưới dạng căn hộ đang trong giai đoạn xây dựng sau cùng, kế đó bán lại khi chúng đã được xây hoàn chỉnh. Vì hầu như cha tôi luôn đi xa bàn việc làm ăn nên có định cư hay không cũng chẳng quan trọng. Dù gì đi nữa, với cha la không.
Riêng với sáng nay thì cầu thang không phải là một ý kiến sáng suốt. Dạ dày tôi cứ nhộn nhạo suốt trong giờ sát hạch tiếng Tây Ban Nha giữa kỳ. Bài kiểm tra gần đây nhất của tôi đã tanh bành – dịp cuối tuần lẽ ra nên dành cho học hành thì tôi lại đến ngủ qua đêm ở nhà Beth – và sém rớt. Tiếng Tây Ban Nha thì chưa bao giờ là môn tôi giỏi nhất, nhưng nếu tôi không cố được một điểm C, có thể cha sẽ để mắt đến và bắt đầu băn khoăn là một trường nghệ thuật có phải là lựa chọn khôn ngoan hay không.
Chú Milos đang chờ tôi trong chiếc tắc xi đậu bên lề. Chú ấy đưa đón tôi đã được hai năm, qua hai lần dọn nhà và ba lần chuyển trường. Lúc tôi chui vào xe, chú ấy điều chỉnh lại tấm che nắng bên hông tôi. Ánh nắng buổi sớm vẫn hắt vào mắt tôi, nhưng tôi không nói lại với chú ấy làm gì.
Dạ dày tôi dễ chịu hơn khi tôi lấy ngón tay chà lên vết rách quen thuộc trên chỗ gác tay và hít vào mùi thông nhân tạo từ viên sáp thơm trên lỗ thông hơi.
Khi đánh xe băng qua ba làn đường, chú Milos lên tiếng, “Tối qua chú có xem một bộ phim thuộc loại cháu thích đấy.”
“Phim kinh dị ạ?”
“Không.” Chú ấy cau màu, mấp máy môi như thể đang lựa chọn từ ngữ. “Phim phiêu lưu-hành động. Cháu biết đấy, súng ống vô số kể, mọi thứ nổ bùm bùm. Một bộ phim bắn nhau ra trò.”
Tôi không thích kiểu nói tiếng anh đúng từng tí một[2] của chú Milos, nhưng chú ấy cứ cố chấp. “Ý chú là một bộ phim bắn nhau à?”
[2] Trong đoạn này chú Milos dùng từ “shoot’ em-down” để chỉ thể loại phim có các cảnh đấu súng và bạo lực, trong khi nguyên bản của từ này là “shoot’ em –up”.
Chú nhướn một bên mày rậm rịt lên. “Khi cháu bắn ai đó, anh ta ngã thế nào? Lên sao?”
Tôi bật cười, và chúng tôi tán gẫu về bộ phim một lúc. Đề tài ưa thích của tôi.
Khi chú Milos phải nhận một cuộc gọi của người điều vận, tôi liếc mắt ra bên cửa sổ. Một cậu con trai tóc dài từ sau một đám doanh nhân lao ra. Trên tay cậu ta cầm một cái hộp cơm trưa bằng nhựa lỗi thời trang trí một siêu anh hùng. Mãi bận đoán xem siêu anh hùng ấy là ai, tôi không để ý thấy cậu trai kia đang đâm đầu vào đâu cho đến khi cậu ta nhảy vọt qua chiếc tắc xi, đáp xuống giữa xe chúng tôi và chiếc xe kế tiếp.
“Chú Milos!” Tôi la lên. “Nhìn…”
Từ cuối cùng thoát ra khỏi phổi tôi khi tôi va vào dây an toàn đang quàng qua vai. Người tài xế đằng sau chúng tôi và người phía sau cậu trai bấm còi kháng nghị inh ỏi.
“Gì cơ?” chú Milos ngơ ngác. “Chloe? Có chuyện gì sao?”
Tôi nhìn qua mui xe và… chẳng thấy gì hết. Chỉ là một làn xe vắng hoe phía trước và xe cộ lưu thông qua lại bên trái chúng tôi. Các bác tài chạy lướt qua thoáng xỉa tay vào chú Milos.
“Ngh-Ngh-Ngh…” tôi nắm chặt tay mình lại, như thể làm vậy bằng cách nào đó có thể kìm nén không cho từ ngữ tuôn ra. “Nếu thấy khó, cháu cứ chọn lối khác”, bài giảng từ bác sĩ trị liệu của tôi luôn bảo thế. “Cháu nghĩ cháu đã thấy thứ-gì-gì…”
Nói chậm thôi nào. Cân nhắc từ ngữ trước.
“Cháu xin lỗi. Cháu nghĩ là mình vừa trông thấy ai đó vọt ra trước mặt chúng ta.”
Chú Milos chầm chậm lái xe chạy tới trước. “Thi thoảng chú cũng gặp chuyện như thế, nhất là khi chú đang nghiêng đầu sang. Chú nghĩ là mình thấy ai đó, nhưng ở đó lại chẳng có ai.”
Tôi gật đầu. Dạ dày tôi lại đau.