CHƯƠNG 4
Tôi ngồi trên mép giường bệnh và cố thuyết phục bản thân mình đang mơ ngủ. Đó
là lý giải khá khẩm nhất cho những gì tôi đang nghe thấy. Tôi có thể viết ra bằng phấn cụm từ bị đánh lừa, nhưng tôi thích dùng đang mơ hơn.
Dì Lauren đang ngồi bên cạnh nắm chặt lấy tay tôi. Tầm mắt tôi chuyển hướng sang các y tá đang ngược xuôi trong hành lang. Dõi theo ánh nhìn của tôi, dì đứng dậy đóng cửa lại. Qua đôi mắt đờ đẫn, tôi dõi mắt theo dì và hình dung ra dì là mẹ mình. Thứ gì đó trong tôi sụp đổ, và tôi thấy mình trở về năm sáu tuổi, ngồi rúc trên giường, khóc lóc vì mẹ.
Tôi chà tay trên tấm chăn, cảm nhận được sự khô khốc và ngưa ngứa trên làn da khô của mình. Căn phòng nóng đến nỗi mỗi hơi thở đều làm họng tôi thít lại và khô nẻ. Dì Lauren đem nước cho tôi, và tôi đỡ lấy ly nước mát lạnh bằng cả hai tay. Nước có vị của kim loại, nhưng tôi kệ, cứ tu ừng ực.
“Một nhà mở,” tôi lên tiếng. Giống như tiếng động trên skhấu, các bức tường dường như nuốt mất lời tôi nói, hấp thụ chứng và chỉ để lại mỗi không gian buồn tẻ.
“Ôi Chúa ơi, Chloe.” Dì lấy từ trong ví ra một miếng khăn giấy và quẹt mũi. “Con có biết dì từng phải bảo với bệnh nhân là người đó sắp chết bao nhiêu lần rồi không? Và dù thế nào chăng nữa, có vẻ như lần này còn khó khăn hơn.”
Dì đổi tư thế, quay sang đối diện với tôi. “Dì biết con muốn đến UCLA học trung học biết nhường nào. Đây là cách duy nhất chúng ta sẽ đưa con đến đó, cưng à.”
“Là cha phải không?”
Dì khựng lại một lúc, tôi biết dì sẽ muốn chỉ trích cha tôi. Dì muốn vực tôi dậy sau khi mẹ tôi mất, cho tôi cuộc sống với những quản gia và những ngôi nhà trống vắng. Dì sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho cha vì đã từ chối. Cũng giống như dì sẽ không đời nào tha thứ cho ông vì cái đêm mà mẹ tôi mất. Việc đó không liên quan gì đến chuyện cha mẹ bị một tài xế tông phải và bỏ trốn – cha là người lái xe, và dì bắt cha phải chịu trách nhiệm.
“Không,” mãi sau dì lên tiếng, “Là do trường học. Trừ phi con chịu trải qua hai tuần đánh giá ở một nhà mở, và kết quả sẽ căn cứ vào mức điểm chuyên cần của con.”
“Điểm chuyên cần cùa con căn cứ vào gì cơ ạ?”
Nắm tay dì siết lấy miếng khăn giấy. “Đó là...” Dì Lauren ghìm lại. “Đó là chính sách không khoan nhượng[1].” Dì thốt ra những từ đó với sự căm ghét còn hơn cả lời nguyền rủa.
[1] Chính sách không khoan nhượng (Zero Tolerance Policy): Chính sách này bắt đầu manh nha tại Mỹ vào những năm 1980 và chính thức áp dụng tại Mỹ và Canada vào những năm 1990, theo đó, học sinh sẽ bị trừng phạt với mức cao nhất cho dù có lỗi vi phạm ở mức nhẹ nhất.
“Không khoan nhượng? Ý dì là thô bạo ấy ạ? N-n- nhưng con không...”
“Dì biết là con không làm gì hết. Nhưng với những người đó, chuyện ấy rất đơn giản. Cháu kháng cự lại một giáo viên. Cháu cần được giúp đỡ.”
Trong một ngôi nhà. Dành cho những đứa trẻ bị điên.
Đêm đó, tôi thức giấc đến mấy lần. Lần thứ hai tỉnh dậy, tôi thấy cha đứng ở ngưỡng cửa quan sát mình. Lần thứ ba, ông ngồi cạnh giường. Nhìn thấy tôi mở mắt, ông với tay ra vụng về vỗ lên tay tôi.
“Rồi sẽ ổn cả thôi,” ông thì thầm. “Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả.”
Tôi lại chìm vào giấc ngủ.
Cha tôi vẫn ở lại bệnh viện cho đến sáng hôm sau. Hai mắt ông lờ đờ buồn ngủ, những nếp nhăn quanh miệng cha còn hằn sâu hơn trong trí nhớ của tôi. Từ lúc ở Berlin bay về, cha không hề chợp mắt.
Tôi nghĩ cha không muốn có trẻ con trong nhà. Nhưng ông chưa bao giờ nói với tôi điều đó, kể cả lúc tức giận. Mặc cho dì Lauren nghĩ sao về mình, ông luôn cố gắng hết sức. Chỉ là dường như cha không biết nên nghĩ sao về tôi. Tôi giống như chú chó con bị bỏ lại cho cha bởi n> mà cha yêu tha thiết, và ông nỗ lực để làm điều đúng đắn dù ông không khác một người chán ngắt là bao.
“Con đổi kiểu tóc rồi,” ông nói khi tôi ngồi dậy.
Tôi cố khích lệ mình can đảm. Nếu bạn vừa chạy vừa la hét khắp các hành lang trong trường sau khi bạn nhuộm tóc trong nhà vệ sinh nữ, điều đầu tiên mọi người nghĩ đến sẽ là – được rồi, sau khi họ cho qua cái màn-la-hét-khắp-các-hành lang – “bạn đang làm gì?” Nhuộm tóc trong nhà vệ sinh của trường là chuyện không bình thường đấy. Với những đứa con gái như tôi. Còn những vệt tóc đỏ chói thì sao? Trong khi bỏ giờ lên lớp á? Nghe cứ như đồ tâm thần ấy.
“Con có thích kiểu tóc này không?” sau một chập, cha tôi hỏi.
Tôi gật đầu.
Cha ngưng lại một lát, sau đó bật ra một tràng cười bị đè nén. “Ừm, đó không hẳn là màu cha sẽ chọn, nhưng trông cũng ổn ra phết đấy. Nếu con thích thì cứ để vậy đi.” Cha gãi gãi lên cổ họng đầy những râu xồm xoàm. “Cha đoán dì Lauren đã kể con nghe vụ nhà mở này. Lauren đã tìm được nơi cô ấy cho là sẽ đâu vào đấy. Nhỏ, riêng tư. Không thể nói là cha thích thú gì với ý tưởng này, nhưng chỉ mất vài tuần thôi…”
Chẳng có ai lời ra tiếng vào chuyện của tôi. Họ bảo tôi nói chuyện với cả lố bác sĩ, làm vài bài kiểm tra. Tôi có thể khẳng định là họ đã tưởng tượng hay ho về chuyện xảy ra ở trường và đơn giản là sẽ giữ kín nó. Nghĩ điều họ nghĩ đến thật tồi tệ.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những người không có thật. Đó là những gì dì Lauren từng muốn bàn với tôi sau giờ học. Khi tôi đề cập đến giấc mơ, dì đã nhớ ra tôi từng kể về những người trong tầng hầm cũ nhà chúng tôi như thế nào. Cha mẹ tôi cho đấy là lối giải thích sáng tạo về những người bạn tưởng tượng của tôi khi tôi nghĩ ra cả một dàn nhân vật. Sau đó những người bạn bắt đầu làm tôi kinh hãi, nhiều đến nỗi chúng tôi đã chuyển đi.
Thậm chí sau đó, thi thoảng tôi vẫn “nhìn thấy” mọi người, vì vậy mẹ mua cho tôi chiếc vòng cổ hồng ngọc và bảo chiếc vòng sẽ bảo vệ tôi. Cha tôi nói toàn bộ chuyện là do tâm lý thôi. Tôi đã tin là chiếc vòng cổ sẽ hiệu nghiệm, nên nó hiệu nghiệm. Nhưng giờ đây, chuyện cũ lại tái diễn. Và lần này, chẳng ai cho đó là do trí tưởng tượng phong phú nữa.
Họ sắp sửa đưa tôi đến một ngôi nhà dành cho những đứa trẻ bị điên. Họ nghĩ tôi cũng thế. Không hề. Tôi mười lăm tuổi và mãi đến giờ mới có kỳ, chuyện đó phải có ý nghĩa gì chứ. Không thể nào chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi tôi nhìn thấy tất cả những thứ đấy trong cùng một ngày. Hết thảy hoóc-môn dự trữ đó tăng vọt và não tôi tắc tị, đồng thời lôi các hình ảnh trong những bộ phim bị quên lãng ra và đánh lừa tôi rằng chúng có thật.
Nếu bị điên, hẳn tôi sẽ còn làm nhiều trò hơn là nhìn và nghe thấy những người không có ở đó. Tôi sẽ hành xử điên rồ, và tôi không hề bị vậy.
Hay là tôi điên thật?
Càng nghĩ tôi lại càng chẳng thấy chắc chắn chút nào. Tôi thấy mình xử sự bình thường, không nhớ tôi đã làm chuyện gì kỳ cục. Trừ việc nhuộm tóc trong nhà vệ sinh. Bỏ lớp. Chọc ngoáy cái máy phát băng vệ sinh. Và đánh nhau với một giáo viên.
Chuyện cuối cùng không tính. Tôi đã sợ hãi khi nhìn thấy người đàn ông bị bỏng kia và cố thoát khỏi ông ta chứ không phải cố tình làm người khác bị thương. Trước lúc đó, tôi vẫn ổn. Bạn bè tôi cho là tôi bình thườngThầy Petrie nghĩ tôi không có vấn đề gì khi đưa tôi vào danh sách sơ tuyển đạo diễn. Rõ ràng Nate Bozian cũng nghĩ là tôi không sao. Bạn sẽ không vui đâu nếu mời một cô gái điên khùng đến vũ hội.
Cậu ta từng vui vẻ mà, đúng không?
Khi tôi hồi tưởng lại, tất thảy mọi việc thật mờ nhạt, giống như vài ký ức xa xôi có lẽ chỉ xảy ra trong mơ mà thôi.
Giả dụ chẳng có chuyện nào trong số đó xảy ra thì sao? Tôi từng muốn vị trí đạo diễn. Tôi từng muốn Nate quan tâm đến mình. Có lẽ tôi chỉ tưởng tượng ra tất cả những chuyện đó thôi. Bị ảo giác chẳng hạn, như chuyện cậu con trai trên đường, cô gái khóc lóc nỉ non và cả người bảo vệ bị bỏng.
Nếu là điên, liệu tôi có ý thức được điều đó không? Đó là những việc xảy đến khi bạn bị điên phải không? Bạn tưởng là bạn ổn. Những người khác thì biết là không phải thế.
Có lẽ tôi điên thật rồi.
Cha và dì Lauren lái xe đưa tôi đến Nhà mở Lyle vào một chiều Chủ nhật. Họ đã đưa tôi uống một ít thuốc trước khi tôi rời bệnh viện và thuốc làm tôi buồn ngủ. Chuyến đi của chúng tôi là một cuốn phim nhỏ được dựng từ những cảnh quay và trích đoạn phim tĩnh.Một ngôi nhà rộng lớn màu trắng, xây theo phong cách Victoria tọa lạc trên một khu đất mênh mông. Điểm thêm màu vàng, ở hành lang xây trước nhà đặt một chiếc xích đu.
Hai người phụ nữ. Một tóc bạc và vòng hông bè bước ra chào đón tôi. Đôi mắt thiếu thân thiện của người trẻ hơn dõi theo, tay khoanh lại, người gồng lên vì lo lắng.
Cất bước đi lên một chuỗi cầu thang dài hẹp. Người phụ nữ lớn tuổi hơn – một y tá, người giới thiệu với tôi bà tên là Talbot – nhỏ nhẻ hướng dẫn tham quan một vòng, và bộ não mơ mơ hồ hồ cùa tôi không cách nào theo kịp.
Một phòng ngủ được sơn hai màu trắng-vàng và trang trí hoa cúc còn thơm mùi keo vuốt tóc.
Ở bên kia phòng là một giường đôi với một cái chăn xốc xếch trên cả mớ ga trải giường. Tường bên trên giường được trang hoàng bằng trang bìa xé ra từ các tạp chí dành cho tuổi teen. Tủ cá nhân chất đầy đồ trang điểm và chai lọ. Chỉ có mỗi bàn học nho nhỏ là còn trống.
Góc phòng của tôi là một hình ảnh phản chiếu đơn điệu – giường y hệt, tủ quần áo y hệt, bàn học bé tí hin y hệt, hoàn toàn chẳng có chút gì mang phong cách riêng.
Đã đến lúc cha và dì Lauren phải ra về. Bà Talbot giải thích rằng tôi sẽ không gặp người nhà trong vài ngày vì tôi cần thời gian “thích nghi” với “môi trường” mới. Giống như thú cưng trong một tổ ấm mới vậy.
Ôm dì Lauren cái nào. Giả vờ như không thấy nước mắt long lanh trong mắt dì.
Một cái ôm thật chặt nhưng cũng thật vụng về từ cha. Ông lầm bầm là mình sẽ ở trong thành phố, và cha sẽ đến thăm tôi ngay khi được phép. Đoạn, khi hôn lên đỉnh đầu tôi, cha ấn vào tay tôi một xấp những tờ tiền hai mươi đô.
Bà Talbot bảo họ sẽ cất đồ đạc giúp tôi, vì chắc tôi mệt rồi. Chỉ việc leo lên giường thôi. Rèm che kéo kín lại. Căn phòng tối thui. Tôi ngủ thiếp đi.
Giọng nói của cha đánh thức tôi dậy. Lúc này căn phòng tối đen như mực, bên ngoài cũng tối. Giờ đã là ban đêm rồi.
Bóng cha in lên ngưỡng cửa. Cô y tá trẻ hơn – cô Van Dop – đứng sau lưng cha, trên mặt có nét không tán thành. Cha đến bên giường và ấn một vật mềm mềm vào cánh tay tôi. “Chúng ta quên mất Ozzie. Cha không chắc là con sẽ yên giấc nếu không có nó.” Con gấu túi đã yên vị trên kệ trong phòng tôi được hai năm rồi biến mất khỏi giường ngủ khi tôi cao lớn hơn nó. Nhưng tôi vẫn nhận lấy con gấu, vùi mũi vào lớp lông thú giả nhàu nhĩ có mùi thân thuộc.
Tiếng ngáy ngủ khò khè của cô gái giường kế bên làm tôi tỉnh giấc. Tôi nhìn sang nhưng chỉ thấy mỗi dáng người nằm trong chăn.
Nằm úp lại, những giọt nước mắt nóng hổi trào ra hai bên má tôi. Chẳng nhớ nhà. Tủi thẹn. Bối rối. Bẽ mặt.
Tôi đã làm dì Lauren và cha lo sợ. Họ sẽ phải giành nhau việc xem xem nên làm thế nào với tôi. Tôi gặp chuyện gì. Nên sắp xếp lại mọi chuyện ra sao.
Và trường học...
Hai má tôi còn nóng ấm hơn cả nước mắt. Có bao nhiêu đứa trẻ đã nghe thấy tôi la hét? Đã nhìn trộm vào phòng học trong khi tôi kháng cự lại các giáo viên và lảm nhảm rằng mình bị một người bảo vệ chảy nhão đuổi theo. Nhìn thấy tôi bị trói gô lại và bỏ lên cáng khiêng đi.
Bất kỳ ai bỏ lỡ màn đó hẳn cũng sẽ được nghe kể lại. Tất cả mọi người sẽ biết Chloe Saunders đã bỏ qua màn này. Rằng cô ta bị loạn trí, phát rồ và bị giam với những người điên còn lại.
Dù có được phép đi học lại, tôi không nghĩ là mình có can đảm để quay về trường.