Tôi là Triết Nam, là trợ thủ đắc lực nhất của chủ tịch Phong của tập đoàn Dụ Phong.
Chuyện của chủ tịch và phu nhân sớm đã thành giai thoại mà rất nhiều người biết.
Nhưng năm đó chủ tịch qua đời thế nào, ngay cả phu nhân cũng không biết được.
Người duy nhất biết chuyện là tôi.
Có rất nhiều người muốn moi thông tin từ tôi, báo chí hay thậm chí là những người giàu có tò mò, nhưng người trong hắc bang chúng tôi có quy tắc của mình.
Tôi cũng có quy tắc của tôi, đời này không bao giờ phản bội Ngôn gia.
Chỉ cho đến khi phu nhân tỉnh lại, tôi mới kể cho cô ấy nghe về chuyện này thật tường tận.
Chủ tịch qua đời vì mắc bệnh ung thư, ngài ấy đã được chẩn đoán bệnh tình cách đó hai năm, lúc đó đã sắp tới giai đoạn cuối.
Bác sĩ nói nếu như nghiêm túc chữa trị, có lẽ sẽ sống được thêm vài năm, nhưng chủ tịch đã từ chối trị liệu.
Đây là lí do mà ngài ấy phải gấp rút hoàn thành mọi việc như thế.
Cũng là lí do mà có lần phu nhân đã phải đưa ngài ấy tới bệnh viện trong đêm.
Nhưng cô ấy sẽ chẳng bao giờ biết được ngài ấy đã mắc bệnh ung thư.
Vì vị bác sĩ kia là chính tay tôi đào tạo ra, chủ tịch rất tin tưởng khả năng đào tạo người này của tôi.
Lúc bác sĩ nói chuyện tôi cũng có ở đó, ông ấy chỉ nói là do làm việc quá sức.
Thật ra lúc đó bệnh tình của ngài ấy đã chuyển nặng rồi.
Nếu không phải sức khỏe của Ngôn gia tốt thì lục phủ ngũ tạng của ngài ấy đã sớm hỏng rồi.
Sau đó không lâu, phu nhân biết tất cả mọi thứ, tuy nhiên đây không phải ý định của chủ tịch.
Ngài ấy cũng không ngờ được chuyện này lại xảy ra nhanh như thế.
Lần đầu tiên tôi cảm nhận được chủ tịch cũng có thứ do dự không quyết.
Ngày hôm đó phu nhân gặp tai nạn, chủ tịch cũng vì bệnh tình nặng mà bắt buộc phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ nói giác mạc của phu nhân bị tổn thương, hơn nữa còn có nguy cơ phải sống thực vật.
Chủ tịch không than vãn một câu, ngày ngày đều ở bên cạnh chăm sóc cho phu nhân.
Tôi cũng ngày ngày ở bên cạnh chủ tịch.
Cho đến một ngày, chủ tịch gọi tôi tới, nói muốn tôi làm thủ tục nhượng tất cả tài sản của ngài ấy thành tên của phu nhân.
Tôi không hiểu dự tính của ngài ấy, nhưng tôi rất tin tưởng chủ tịch.
Tôi cũng ngầm hiểu ngày chủ tịch đi xa sắp tới.
Sức khoẻ của ngài ấy yếu dần, cho tới ngày ngài ấy ra đi còn để lại cho phu nhân một bức thư, là thư tay ngài ấy viết trước lúc mất.
Tôi đi theo chủ tịch lâu như thế, lần đầu muốn khóc mà không dám khóc.
Sau khi viết thư, ngài ấy tự mình lấy trong ngăn kéo ra một bức ảnh.
Tôi không dám xem, chỉ nhận ra đó rất giống phu nhân, có lẽ là cô ấy năm mười tám tuổi.
Ngôn gia rất nâng niu bức ảnh, sau đó nắn nót viết dòng chữ gì đó lên mặt sau.
Ngài ấy ra đi rất yên bình, trước lúc đi vẫn luôn nghiêng đầu quan sát phu nhân.
Hai chữ cuối cùng ngài ấy nói trước lúc mất cũng là gọi tên cô ấy: “Tiêu Nhiên”.
Ngài ấy đã hiến giác mạc của mình cho phu nhân, ca phẫu thuật được tiến hành ngay sau khi chủ tịch qua đời.
Chủ tịch qua đời, tín ngưỡng của tôi cũng sụp đổ.
Sau đó ba tháng thì phu nhân tỉnh lại, cô ấy quyết định dùng toàn bộ tài sản của chủ tịch để làm từ thiện.
Chúng tôi đã từng giết rất nhiều người, có lẽ làm việc thiện sẽ giúp cho Ngôn gia trên trời thoải mái một chút.
Phu nhân rất muốn đi du lịch thế giới, có lẽ cô ấy muốn dùng đôi mắt của chủ tịch để nhìn ngắm những cảnh đẹp nhất trên thế giới này.
Tôi nghe nói cô ấy đã từng đi qua rất nhiều nước Châu Á và Châu Âu.
Sau khi tôi rửa tay gác kiếm một thời gian lại rộ lên tin đồn gặp được phu nhân đi cùng một người đàn ông rất giống chủ tịch.
Họ còn nói cái gì mà chủ tịch của chúng tôi giả chết để mong sống cuộc sống của người bình thường.
Tôi khẽ lắc đầu, cảm thấy vô lí vô cùng.
Tuy nhiên sau đó, khoảng mấy chục năm sau, tôi già rồi.
Lại cảm thấy có gì là không thể chứ, tôi tò mò muốn nhìn thấy cái người giống với chủ tịch mà bọn họ vẫn hay đồn đại.
Vậy là tôi bay ra qua Ireland, gặp được phu nhân ở một trang trại nhỏ ở ngoại ô.
Phu nhân vẫn rất xinh đẹp, cảm giác phúc hậu và nhân từ.
Tôi quen thuộc gọi một tiếng: “Phu nhân, lâu quá rồi không gặp bà”
Phu nhân cười nhân hậu, lộ ra nếp nhăn ở thái dương: “Còn phu nhân gì nữa chứ, coi tôi như người bạn cũ là được rồi”
Trong trang trại của bà ấy còn có một lớp học nhỏ, nghe nói là mở cho trẻ em nghèo hiếu học.
Lúc này từ cửa của lớp học có một ông lão đeo kính đi ra, tuy chúng tôi đều đã lớn tuổi, nhưng khí chất của người này lại rất cao: “Trang trại có khách ư?”
Phu nhân quay đầu cười: “Vâng, là một người bạn cũ từ trong nước tới thăm”
Tôi bất giác thấy mắt mình mờ đi, hình như là do nước mắt.
Người đàn ông này, sao lại giống chủ tịch lúc về già trong tưởng tượng của tôi như vậy.
Giống quá…