Chuông báo thức inh ỏi reo vang.
An Nhiên lại nằm mơ.
Giấc mộng này mỗi một lần đều làm nước mắt An Nhiên rơi xuống trong vô thức, nhưng khi tỉnh táo cô lại hoàn toàn không thể nhớ nổi mình đã mơ thấy những gì.
Mỗi lần như vậy tâm trạng cô sẽ không được tốt.
An Nhiên mệt mỏi dụi mắt, đưa tay tắt chuông báo thức.
Hiện tại là ba giờ sáng, cô phải thức dậy vào lúc mọi người đang ngủ say nhất.
Cô nhanh chóng xuống giường, vào nhà vệ sinh đánh răng rửa mặt, rồi thay quần áo đi xuống lầu làm việc.
Ngôi nhà này là tất cả tài sản mà ba mẹ An Nhiên để lại.
Ba An là thợ làm bánh ngọt.
Tiệm bánh nhỏ của ông được đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng toàn bộ công sức ông đã cực lực làm việc hơn hai mươi năm qua.
Tầng trệt dùng làm tiệm bánh, tầng một là nơi gia đình An sinh hoạt, tầng hai có một nhà kho nhỏ và sân thượng.
Mấy năm trước lúc vẫn còn ba mẹ An, mẹ An thích trồng hoa và rau quả trên sân thượng.
Tuy thu hoạch không nhiều nhưng đều là những thứ rau trái mà An Nhiên thích nhất.
Từ bé An Nhiên đã thích dâu tây, mẹ An bèn đầu tư hẳn một nhà kính nhỏ ở góc sân, bên trong đều trồng dâu tây.
Mỗi ngày An Nhiên đều lẽo đẽo theo mẹ tưới cây, chân ngắn ngủn tròn trịa nhón lên, bàn tay mủm mỉm cầm bình tưới nước nhỏ rào rào tưới nước lên từng chậu dâu tây, cẩn thận không để sót chậu nào.
Ngày nào An Nhiên bé nhỏ cũng cùng mẹ chăm sóc mấy chậu dâu tây, nhìn từng bông hoa nhỏ trắng muốt từ từ lớn dần, rồi hoa rụng, rồi quả thành hình, từ quả nhỏ xanh xanh dần lớn thành trái dâu nhỏ đo đỏ, xinh xinh.
"Ngọt quá!"
Hai má của An Nhiên phúng phính gặm dâu tây, gò má đỏ hồng, da dẻ trắng muốt, nên ba mẹ An thường cưng chiều gọi An Nhiên là dâu tây nhỏ.
Hiện tại An Nhiên lại không có thời gian quán xuyến chuyện cây trồng này nữa, cả nhà kính đều xơ xác trơ trọi tiêu điều.
Bởi vì An Nhiên vui vẻ bình an đến năm hai mươi tuổi, ba mẹ An bất hạnh ra đi không lời từ biệt.
Ba mẹ An gặp tai nạn giao thông, cảnh sát bảo nguyên nhân do trời mưa đường trơn nên ba An bị lạc tay lái đâm vào cây cổ thụ bên đường.
Cả hai đều không kịp thoát thân khi xe phát nổ.
Đó là những gì cảnh sát nói lại với người nhà nạn nhân, theo như dấu vết để lại hiện trường.
Sâu trong lòng cô vẫn không tin ba mẹ đã mất, vì cảnh sát không tìm được thi thể cả hai người.
Họ chỉ qua loa nói có thể thi thể đã cháy hết rồi.
Mấy ngày sau đó, An Nhiên giống như con rối không có linh hồn, tỉnh tỉnh mê mê, bên nhà họ An muốn cô lo hậu sự cho ba mẹ An.
Do không có thi thể nên An Nhiên không đồng ý làm tang sự.
Nhưng gia đình bên nội lại nhất định bắt cô phải làm đám tang, nói rằng ba mẹ An cần có nơi an nghỉ, nếu An Nhiên không làm thì cô quá bất hiếu.
Cô chỉ có thể nhẫn nhịn đưa quần áo của ba mẹ cho nhà quàng thiêu, rồi hợp táng ở nghĩa trang nhân dân thành phố Nam Hải.
Mẹ An vốn là cô nhi, cả đời tìm kiếm người thân vẫn không thành.
Ba An còn hai người em gái, đã lập gia đình và con cái đề huề.
Sau tang lễ, một tháng đầu hai cô ruột vẫn đều đặn chạy đến trông nom An Nhiên.
Tuy nhiên chưa đến bốn mươi chín ngày, hai bên đã không vui trở mặt.
Nhà họ An cho rằng An Nhiên nhỏ tuổi, không nên sống một mình ở tiệm bánh.
Hiện tại giá bất động sản tăng cao, một căn nhỏ cũng trở nên có giá trị.
Bán nhà lấy tiền rồi gửi tiết kiệm ở ngân hàng, mua vàng hoặc mua cổ phiểu đầu tư gì đó, còn tốt hơn để tiệm bánh cũ kĩ không người quản lý ngày càng mục nát.
Đến khi đó bán đổ bán tháo miếng đất còn được, chứ nhà sập xệ làm sao bán được giá nữa.
An Nhiên sẽ “được” đưa đến ở nhà cô hai và cô út tùy vào ngày chẵn lẻ trong tuần.
Còn về vấn đề tiền bán nhà đương nhiên phải chia làm ba phần, hai cô mỗi người một phần, An Nhiên cũng chỉ được một phần.
Vì chi phí ăn ở rất đắc, hai cô đã lớn tuổi không thể nuôi nổi cháu gái nếu không có phần tiền nhà kia.
Đã nhân nhượng chuyện tang sự của ba mẹ An, chuyện bán nhà thì An Nhiên nhất quyết không đồng ý.
Tiệm bánh nhỏ là nhà của ba mẹ cô, là nơi cô sinh ra và lớn lên, kỉ niệm đẹp hai mươi năm làm sao cũng không nỡ bán.
Vả lại cô còn chút hi vọng mong manh, ba mẹ An sẽ trở lại tìm cô.
Hai cô ruột ngày nào cũng đến năn nỉ, khi không được lại quay ra thóa mạ An Nhiên ương bướng ngu ngốc, tính cách ngông cuồng, nếu hai người họ không quan tâm thì xem xem một đứa con gái sống một mình như thế nào.
Đúng là vậy, số tiền ít ỏi ba mẹ dành dụm được gần như đã lo hết vào việc hậu sự, còn dư lại một ít cũng chỉ đủ cho An Nhiên chống chọi một năm.
Vì bảo hiểm xe của ba An đã quá hạn, ông lại hay quên cho nên không tiếp tục làm mới hợp đồng.
An Nhiên vừa vào đời đã bị tiền bạc vây khốn, cô quyết định tạm đình chỉ việc học.
Cô là sinh viên năm hai ngành ngoại ngữ, nhưng để duy trì phí sinh hoạt, cô không có sự lựa chọn nào khác.
Hiện tại, An Nhiên không có khả năng trả tiền học phí.
Cô mới học được hai năm, còn thêm hai năm mài ghế nhà trường, chi phí một năm hơn cả chục ngàn, ba mẹ An đã không còn, một mình An Nhiên không đào đâu ra nhiều tiền như vậy, còn việc ăn việc ở tất cả cũng đều cần tiền.
Để có kế sinh nhai, cô nhất định phải mở cửa tiệm bánh Gia An trở lại.
Trước kia, tiệm bánh Gia An rất được lòng khách hàng, đặc biệt là bánh bông lan kem sữa tươi ngon vô cùng.
Hương vị vanila trong kem sữa hòa quyện cùng bánh bông lan mềm mại mịn màng, thêm vị chua ngọt hoàn hảo của hoa quả, có thể làm cho khách hàng ăn đến nuốt luôn cả lưỡi.
An Nhiên xem ba An làm bánh mười mấy năm, cũng biết phương pháp làm bánh của ba, nhưng do ỷ lại không chú tâm học hỏi nên thành phẩm của cô chỉ tạm được, ăn vào cũng không có dư vị vào miệng là tan như bánh của ba An.
Sau khi ba mẹ An mất, mỗi ngày An Nhiên làm không biết bao nhiêu là bánh, ăn thử không giống vị thì bỏ, bỏ rồi lại làm, miệng ngồm ngoàm ăn bánh, vừa ăn vừa chảy nước mắt, hành động giống vô ý thức khiến cô bạn thân Tống Quỳnh Anh vô cùng lo lắng.
Quỳnh Anh lớn hơn An Nhiên hai tuổi, hai người là chị em nối khố cùng nhau lớn lên.
Lúc trước nhà Quỳnh Anh là xóm giềng của nhà họ An, sau này khu nhà cũ của họ bị giải tỏa, dân cư đều được chủ đầu tư đền bù, dọn đến một chung cư cao cấp, cách tiệm bánh hơn ba mươi phút lái xe.
Tuy đã dọn đi, nhưng An Nhiên và Quỳnh Anh vẫn học cùng một trường và cùng đi học thêm ở lớp năng khiếu dạy vẽ, dạy múa, dạy đàn như bao cô gái khác ở thế hệ của họ.
Mãi đến khi lên cấp ba, do lượng bài tập ở trường quá nhiều các cô mới nghỉ vài lớp năng khiếu, nhưng lớp múa thì sau khi tốt nghiệp cấp ba mới dừng lại.
"Ăn vội như vậy làm gì, mắc nghẹn bây giờ."
An Nhiên không trả lời, mấy tuần qua cô đều như người mất hồn, thân thể như một cỗ máy, ngày ngày làm bánh, đói cũng ăn bánh, khát thì uống nước máy, khồng hề bước chân ra khỏi nhà nửa bước.
Quỳnh Anh lao nhanh vào bếp, lay mạnh hai vai của An Nhiên: "Em cứ như vậy, hai bác trên trời linh thiêng sẽ không yên lòng đâu."
Đôi mắt nâu nhạt của An Nhiên nhìn Quỳnh Anh nhưng không thật sự có tiêu cự.
Quỳnh Anh nản lòng, mấy tuần qua An Nhiên đều là bộ dạng không thiết sống này, không chết vì đói cũng sẽ chết vì quá mệt mỏi.
Quỳnh Anh nắm chặt bàn tay, mạnh mẽ lôi kéo An Nhiên ra khỏi bếp bánh, kéo cô đến cầu thang, vừa đẩy vừa lôi lên tầng một.
An Nhiên máy móc bước theo, vẫn ở trạng thái mặc kệ chuyện thế gian.
Quỳnh Anh đẩy An Nhiên xuống sô pha, lấy ảnh chụp gia đình đến trước mặt An Nhiên, mím môi nhẫn tâm tát thật mạnh lên má An Nhiên, hét lớn: "An Nhiên, em nhìn xem, ba mẹ em vẫn đang dõi theo em, em xem những gì đã làm mấy tuần qua, có xứng với kì vọng của hai bác hay không?"
An Nhiên nhìn khung hình, ánh mắt hiếm hoi mới có chút thần thức, ngón tay nhẹ nhàng vuốt ve trên mặt kính.
Đôi mắt từ ái của ba, nụ cười dịu dàng của mẹ, còn có gương mặt rạng ngời hạnh phúc của cô.
Đây là ảnh gia đình lúc cô tốt nghiệp cấp ba, là một ngày nắng đẹp, bầu trời trong xanh không gợn chút mây.
Một giọt nước mắt nhẹ nhàng đậu lên mặt kính, làm nhòe đi gương mặt tràn đầy sức sống của An Nhiên năm mười tám tuổi.
An Nhiên không hiểu, mới qua có mấy tuần, sao cuộc sống của cô lại thay đổi đến kinh hoàng như vậy.
Tim của An Nhiên đột nhiên co thắt, cô ôm ảnh gia đình trong lòng gào khóc.
Quỳnh Anh đang hùng hổ chợt chững lại, khóc cũng tốt, khóc hết nước mắt một lần, sau đó có thể dũng cảm đối mặt với cuộc sống.
Cô nhào đến ôm chặt lấy An Nhiên, hai cô gái cùng ôm nhau khóc nức nở.
Ngoài phố xe cộ vẫn ồn ào như cũ, cuộc sống luôn luôn có những bận bịu vô hình, đã sinh ra ở kiếp người dù có đau thương cỡ nào thì vết thương cũng phải dần khép lại, phải gượng đứng lên bằng đôi chân của mình, phải dũng cảm đối mặt với tất cả thử thách của cuộc đời.
Chỉ có như vậy mới không uổng công ba mẹ An đã mang cô đến thế giới này..