Bên bờ sông, Ngân Hà đang chơi ô ăn quan cùng Tây Thi, nhưng ánh mắt luôn hướng về phía thuyền lớn, khi nghe tiếng đồ vật đổ vỡ thì cảm thấy đau nhói trong lòng.
Ngân Hà không tập trung nên bị Tây Thi thắng một bàn, cô bé vui vẻ cười đến híp cả mắt.
An Nhiên nhìn Tây Thi chơi trò chơi cũng có thể vui vẻ như vậy, cảm thấy thật hâm mộ.
Đôi lúc cô cảm thấy quá mệt mỏi khi trở thành người lớn.
Ngân Hà thường thường liếc mắt về phía thuyền, nên vừa thấy An Nhiên đã nói chuyện xong với bề trên, thì kéo tay Tây Thi đứng dậy chạy chậm đến.
Ngân Hà quan sát gương mặt An Nhiên, cánh môi nhỏ hơi sưng còn bị sướt da thì đứng đó khổ sở cắn môi, cúi đầu vò mép áo vải.
Nét mặt An Nhiên không buồn không vui nên Ngân Hà không dám hỏi han gì.
An Nhiên bảo cô gái trẻ: “Em về thuyền đi.”
Vành mắt của Ngân Hà đỏ lên, ánh mắt rưng rưng sụt sùi nói: “An tiểu thư, Ngân Hà chỉ muốn đi theo tiểu thư.”
An Nhiên dửng dưng khoát tay, bảo Ngân Hà lên thuyền, rồi dắt tay Tây Thi đi về hướng ngõ nhỏ.
Tây Thi quan sát nét mặt lạnh lùng của An Nhiên, có chút rụt rè hỏi nhỏ: “Dì An, dì không vui sao?” Từ lúc mẹ cô bé xưng chị gọi em với An Nhiên, cô bé đã đổi cách xưng hô gọi An Nhiên bằng dì.
Cô bé này rất hiểu chuyện, An Nhiên đối với cô bé vẫn luôn có chút không nỡ, bèn gượng cười nói: “Dì An có chút lo lắng trong lòng, xin lỗi đã làm bé ngoan sợ nhé.”
Tây Thi lắc đầu, cô bé không sợ, chỉ là thấy dì An không vui nên bé cũng không vui.
Lúc hai người về đến nhà, Cát Tường vẫn chưa trở lại.
An Nhiên vào nhà nấu nước, pha nước để Tây Thi tắm rửa, sau đó mới đến lượt cô.
Lúc cô vừa ra khỏi phòng tắm thì Cát Tường cũng vừa về tới nhà, nghe hai mẹ con ríu ra ríu rít nói chuyện trong phòng khách, An Nhiên cảm thấy ấm lòng.
Sau đó ba người cùng nhau nấu cơm, ăn bữa cơm chiều đạm bạc, sau khi ăn xong An Nhiên xung phong ra sau hè đi rửa bát đũa.
Cát Tường đi nấu sữa, làm tào phớ chuẩn bị cho ngày hôm sau.
An Nhiên và Tây Thi ngồi trên cái phản tre kê dưới mái hiên, khi Cát Tường tắm xong đi ra thấy một lớn một nhỏ đang ngồi trên phản đếm sao.
Cát Tường ngồi xuống phản, ôm con gái vào lòng hôn hít vào má vào cổ cô bé, làm bé con run rẩy cười lớn.
An Nhiên nhìn bọn họ thân thiết, rồi chạnh lòng nhớ đến chuyện lúc chiều khiến cô thật tủi thân, nỗi nhớ mẹ An giống như nước tràn bờ.
Nếu có mẹ An ở bên cạnh, chắc chắn bà sẽ nấu cho cô một bữa ăn ngon, sẽ cùng cô dạo phố rồi hai mẹ con sẽ ngồi tâm sự.
Bà sẽ giúp cô mắng đại vai ác một trăm tám mươi lần, cũng sẽ cầm chổi đuổi đánh chàng mười mấy con phố.
Nghĩ đến đây, An Nhiên vội vàng đứng lên nói muốn đi nghỉ ngơi, rồi nhanh chóng đi vào nhà trước khi bị hai mẹ con Tây Thi thấy vành mắt cô đang dần đỏ lên.
Tây Thi thấy An Nhiên đi rồi thì bí mật nói nhỏ vào tai mẹ chuyện xảy ra lúc chiều, Cát Tường vội dặn con gái đừng nói chuyện này với người thứ ba, được sự bảo đảm từ con gái mới an tâm, đứng dậy bảo con gái cùng vào phòng nghỉ ngơi.
Ở Nam Quốc, nhà bá tánh bình dân thường đi ngủ sớm để tiết kiệm dầu thắp sáng.
Chỉ có người nhà giàu, quan lại, vua chúa mới ngủ trễ hơn một chút.
Nhưng đại đa số cũng đều nghỉ ngơi trước chín giờ tối, tính theo giờ hiện đại.
An Nhiên nằm trên giường nhưng không sao ngủ được, mấy tin tức đại vai ác mang tới chiều nay làm cho cô trằn trọc suốt đêm.
Rồi lại nhớ đến chàng, nghĩ đến cử chỉ nhỏ của Ngân Hà, cô mệt mỏi xoa trán.
Ngân Hà vốn đã quyết định theo lão Trịnh hồi hương làm buôn bán nhỏ, nhưng cuối cùng vẫn xuất hiện ở Nam Đô.
Bất quá chỉ ở cùng nhau mười ngày trên thuyền, thì có tình cảm quyến luyến cỡ nào.
An Nhiên tuyệt không dám nghĩ tới cô gái nhỏ kia muốn theo ‘hầu hạ’ cô đến mức bỏ cả gia đình như vậy.
Nếu thực sự Ngân Hà có cái ý nghĩ không an phận kia, An Nhiên giật mình nghĩ đến thời đại này mấy cô bé vị thành niên đúng là trưởng thành quá sớm.
Dù sao cũng không trách được họ, do từ bé đã được dạy ‘trai ba vợ bốn nàng hầu’.
Đừng nói đến việc làm hầu gái cho hoàng tộc, trên đời có ai không muốn được bay lên cành cây làm phượng hoàng đâu.
Chỉ là mấy ai hiểu, người đã vào cung thì coi như gia đình đã hoàn toàn mất đi con gái.
Cũng đừng nói đến việc nhớ người thân hoặc muốn về nhà thăm ba mẹ đang đau ốm, dừ ở trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể ra khỏi tường bao ngoài tử cấm thành.
Cũng vì vậy mà có những gia đình thương con gái, không muốn con gái làm vật hi sinh chính trị nên người xưa mới có câu ca dao:
Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Một lầu vàng, tám lầu xanh
Ba cửa thẳng, hai cửa quanh
Sinh ra em phận gái không hỏi chốn kinh thành làm chi.
An Nhiên cũng chỉ mới hơn hai mươi hai tuổi, trong hơn hai năm nay thói đời nóng lạnh đã tập cho cô vội vã trưởng thành, nhưng cũng chỉ là về phương diện suy nghĩ chứ không thể hoàn toàn điều khiển được cảm xúc.
Sâu trong lòng cô cảm giác bị bạn bè phản bội, vì cô vốn đâu coi Ngân Hà là người hầu kẻ hạ.
Đối với ai ở thế giới này, gặp gỡ là duyên, cô đều xem họ là bạn.
Bị bạn bè nhòm ngó người mình thích, thực là một cảm giác không mấy dễ chịu.
Thêm vào bị người trong lòng nói năng nặng lời, trong tim càng không được thoải mái.
Cộng với sự lo lắng đối với mẹ An làm cho đầu nhỏ của cô như muốn nổ tung.
Cứ mãi suy nghĩ nên đến rạng sáng An Nhiên mới mệt mỏi thiếp đi.
Canh năm gà gáy, Cát Tường thức dậy nhóm lò chuẩn bị hâm sữa, hâm tào phớ mang ra chợ bán.
Bình thường An Nhiên sẽ thức sớm giúp đỡ nhưng hôm nay trong phòng ngủ khá im ắng, không có âm thanh gì.
Cát Tường nhớ đến Tây Thi nói chiều qua chị An gặp người lạ sau đó vẻ mặt luôn buồn rầu không vui, nên Cát Tường làm việc cũng nhẹ tay nhẹ chân hơn, để An Nhiên ngủ thêm một lúc.
Lúc hai mẹ con ra khỏi nhà, An Nhiên vẫn chưa ngủ dậy.
Cát Tường dẫn con gái đến nhà thầy đồ rồi tiếp tục vác đôi quang gánh ra chợ bày hàng.
Quán nhỏ mọi hôm đóng cửa đều xếp bàn ghế tre vào trong quầy, hôm nay lại có người dọn sẵn ra ngoài.
Cát Tường đặt quang gánh xuống đất, trong lòng cảm thấy kì quái, không lẽ hôm qua cô quên không dọn dẹp.
Lúc chuẩn bị bày biện thức ăn nước uống trên quầy hàng, bà lão họ Trần bán bánh bao bên cạnh nhân lúc còn rảnh nên bớt chút thời gian chạy sang, hỏi nhà Cát Tường làm thân với đám người cho vay từ lúc nào.
Trong đầu Cát Tường bay đầy dấu chấm hỏi, biểu cảm trên gương mặt cũng là như vậy.
Bà lão bán bánh bao mặt mày đều tràn đầy vẻ hóng chuyện, “Tôi nói chứ thím Cát Tường, thím cũng thật là… Chú Lê cũng chỉ mất được một năm, thím vội vã quen người mới vậy không tốt, dù sao cũng còn hai năm để tang chồng cơ mà.”
Ở Nam Quốc, trong bốn nghĩa vụ của vợ đối với chồng có đồng phu, tòng phu, để tang chồng và nghĩa vụ chung thủy.
Nếu trong thời gian ba năm để tang chồng mà lại có gian díu với người khác, thì sẽ bị khép vào tội thập ác, nhẹ thì bị đánh tám mươi gậy, nặng thì bị nhà chồng gả bán đi nơi khác.
Cát Tường nghĩ đến liền rùng mình, đầu mày nhíu đến mức có thể kẹp chết một con ruồi, “Bà nói bậy bạ gì đó.”
Bà lão họ Trần mồm miệng oang oang lên: “Lúc nãy đám người Lý Đại Thạch đến dọn hàng giúp thím đấy.” Mấy chủ quán bên cạnh cũng nhao nhao lên, gật đầu khẳng định đây là sự thật.
Cát Tường giật mình, không biết sao lại như vậy, chỉ có thể chống thẳng lưng lớn tiếng đáp: “Ai biết bọn người đó muốn làm gì, bà không thấy tháng trước bọn chúng kéo đến đập phá quán tôi à, còn vả tôi hai cái làm mặt tôi sưng như cái đầu heo, bây giờ làm chút việc trả lại cũng không phải quá đáng.
Bà thấy có ai dan díu mà còn bị đánh như tôi không.”
Bà lão vẫn cạy già lên giọng: “Tôi cũng thấy tội cho chú Lê nên mới khuyên thím mấy câu thôi, ai đã kết tội thím đâu.”
“Ê bà già, đừng có chõ mõm vào chuyện của người khác, muốn dọn hàng về sớm hả?” Lý lão đại quát lớn, không biết từ đâu một thân cuồn cuộn xông tới, áo vải vạch ngực ở phía trước, ẩn ẩn có thể thấy hình xăm con hổ lớn trên da.
Mấy người chủ quán đứng xung quanh nhiều chuyện đều bị tiếng hét làm cho khiếp đảm, vội tản ra quay về quầy hàng của mình.
Bà lão họ Trần bán bánh bao nhanh chóng ngậm miệng chạy đi, sau đó cũng không nghe tiếng rao hàng lanh lảnh của bà như mọi hôm.
Cát Tường thấy Lý Đại Thạch đến cũng không vui vẻ gì, cúi đầu chuẩn bị chén đĩa để mở quán.
Lý lão đại xoa xoa bàn tay to, đi đến gần gian hàng của Cát Tường.
Hết gãi đầu rồi gãi râu, đứng ở đó như bị trời trồng, nếu có thể đứng lâu thêm một chút, người ta đều tưởng hắn bị mọc rễ tại chỗ luôn rồi.
Bình thường ai cũng biết Lý lão đại là tên du côn hoàn toàn không coi ai ra gì, từ nhỏ tới lớn đều được xưng là đại bá vương của xóm nhà lá ở thành Tây, là đứa con hoang chỉ biết phá làng phá xóm, chọi cá bắn chim, lớn lên chút thì theo mấy tay lưu manh cho vay nặng lãi, ức hiếp người thân cô thế cô, không chuyện xấu gì không làm.
Nhưng hôm nay hắn xuất hiện lại im ắng lạ thường.
Cát Tường bận bịu dọn quán, lau đến mấy cái chén đều tỏa sáng mà không thấy có ma nào đến mở hàng, lúc nhìn lên thấy Lý lão đại đứng như hộ pháp trước gian hàng của mình, hèn gì không có ai dám vào mua, khách quen nhìn thấy hắn đều đi đường vòng hết rồi.
Quẳng cái khăn xuống bàn, Cát Tường cầm đòn gánh đi ra, đập một cái xuống đất gần chỗ hắn đứng, “Cái tên khốn này cứ đứng đây là muốn bà không mở hàng được phải không?”
Cát Tường đã từng là một người phụ nữ dịu dàng lương thiện, sau khi lấy chồng họ Lê làm nghề bán tào phớ, cũng đã từng có một quãng thời gian được sống êm đẹp.
Lúc sinh con gái đầu lòng đặt tên con là Tây Thi, ngụ ý như nàng Tây Thi bán đậu phụ xinh đẹp như trong tuồng hát.
Nhưng trời không chiều lòng, mới được vài năm thì chồng mất, còn để một món nợ lớn.
Cát Tường một tay vất vả chống đỡ gia đình cho nên tính tình dần thay đổi, nếu có người đụng đến mẹ con cô thì cô sẽ quyết liều mạng với người đó.
Lý Đại Thạch không hiểu sao lại chết mê chết mệt cái tính tình hung hăn này của Cát Tường, cũng không màng chuyện cô đã có một đời chồng, ngày ngày đều lượn lờ kiếm chuyện.
Mấy tuần trước tên quân sư của gã hiến kế, nói rằng lợi dụng chuyện đòi nợ để ép Cát Tường lấy thân trả nợ, rồi từ từ sẽ có thời gian bù đắp tình cảm.
Ai ngờ có tên đàn em không biết tốt xấu trong lúc hỗn loạn đã tát Cát Tường hai cái, sau bị gã đã đánh gãy hai tay tên khốn đó, đuổi ra khỏi băng nhóm để hắn tự sinh tự diệt.
Dám đụng đến người của gã thì gã sẽ cho biết tại sao nước biển xanh mà lại mặn.
Hiện tại Lý lão đại vò đầu bức tóc, vô cùng khẩu xà tâm phật cao giọng nói: “Ông đây đợi cô dọn hàng để mua sữa đậu và tào phớ, không lý nào mở cửa buôn bán lại cấm người ta mua đồ.”
Cát Tường bực bội nuốt giận vào lòng, chỉ cái ghế bảo gã ngồi xuống, chứ cứ đứng như trời trồng trước gian hàng thế này còn bán được cho ai nữa.
Bên ngoài người đến người đi, đã bắt đầu giờ họp chợ, chẳng mấy chốc tiếng rao hàng, tiếng người cười nói ồn ào náo nhiệt cả một góc trời..