Trọng Sinh Chi Ta Là Quý Phi Bạch Tụ

Mặt sẹo ca ca là huynh đệ kết nghĩa của đại ca ta. Hắn lớn hơn đại ca ta một tuổi, lớn hơn ta ba tuổi. Hắn là người của phủ tướng quân họ Diệp, là con trai trưởng của lão nhị nhưng lại là cháu đích tôn của dòng họ.

Đại ca ta được mặt sẹo ca ca cứu thoát khỏi hàm răng của một con chó khi mới năm tuổi. Chuyện đó xảy ra trong một bữa tiệc ở Diệp gia. Mối quan hệ giữa hai nhà vốn không thân không sơ, nhưng khi ấy trong triều cũng chỉ có chúng ta là phe trung lập. Mỗi lần nhắc tới thì mọi người sẽ vô thức gọi tên chung một lúc. Lâu dần, ai cũng nghĩ chúng ta là quan hệ chi giao. Dù sao cũng không có hại nên hai nhà vẫn lưu giữ trạng thái không thân không sơ ấy.

Rồi đại ca và mặt sẹo ca ca trở thành huynh đệ kết nghĩa, còn là cái kiểu kết nghĩa vì đại ca sùng bái người ta vô cùng. Đại ca từng nói, nam nhân phải da ngăm, anh hùng phải có sẹo. Đây là niềm tin từ nhỏ cho tới lớn của đại ca, cũng không rõ là ai đã gieo vào đầu huynh ấy ý tưởng đó. Cho nên thật ra lý do đại ca sùng bái người ta rất đơn giản, bởi vì mặt sẹo ca ca có sẹo, còn là một vết sẹo lồi cực lớn cắt ngang nửa mặt.

Mà cái sự sùng bái vô lý này của đại ca lây sang cả ta. Lúc bé, những gì đại ca nói đều trở thành chân lý của ta. Chính vì vậy, ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, ta đã mở to mắt sùng bái hỏi hắn:

"Mặt sẹo ca ca, huynh là anh hùng cứu thế sao? Sẹo của huynh thật lớn a."

Nghe bảo vết sẹo này là một vết cào, hậu quả của sự lơ đãng tắc trách khi mặt sẹo ca ca chỉ mới là một đứa bé con. Còn đây là vết cào của con gì hay vật gì thì không nghe ai kể tới.

Vết sẹo của hắn khá đặc biệt, là một đường thẳng chạy ngang giữa mặt, bên dưới bọng mắt, cắt qua sống mũi. Lúc còn bé, vết sẹo lồi trông khá dữ tợn nên hắn luôn bị bọn trẻ xa lánh. Trong số con cháu quan lại thời bấy giờ, chỉ có hai anh em chúng ta là chịu chơi với hắn. Sau này lớn lên, vết sẹo khép miệng mờ dần. Lúc bình thường, vết sẹo trông như một nét vẽ màu trắng cắt ngang trên mặt mà thôi, duy có lúc hắn nổi giận thì vết sẹo sẽ tích tụ máu nóng mà chuyển sang màu đỏ.

Ta không nhớ đã gặp mặt sẹo ca ca được bao lần. Bởi vì từ lúc hắn lên tám đã theo chân phụ thân là Diệp đại tướng quân ra canh giữ ngoài biên ải. Hằng năm hắn chỉ về kinh một vài lần để thăm nội tổ mẫu, đại bá và tứ cô, là những người duy nhất của Diệp gia sinh sống trong kinh thành.

Ta không nhớ rõ nhưng cũng không dễ dàng quên. Thử hỏi trên đời có mấy người mang trên mặt một vết sẹo lớn như vậy chứ.

Ta và đại ca luôn hoan nghênh hắn mỗi lần hắn có dịp về kinh, nhưng phụ thân thì ghét hắn ra mặt. Bởi vì khi còn bé, đại ca suốt ngày chạy theo hắn đòi học võ, về sau còn đòi theo hắn ra biên ải làm lính canh phòng.

Phụ thân chỉ muốn đại ca nối nghiệp của ông, theo đường quan văn, tránh xa quan võ. Cho nên lần ấy khi đại ca thổ lộ mơ ước muốn làm tướng quân thì phụ thân đã giận dữ cầm đại bản đánh nát mông khiến đại ca nằm liệt giường nửa tháng. Sau đó ông còn ra lệnh cấm không cho mặt sẹo ca ca bước qua cửa phủ nhà ta.

Về sau, chúng ta mỗi lần đều phải lén lút hẹn hò gặp nhau ngoài Phúc Kiến Lâu. Lần nào đại ca cũng kéo ta theo bởi vì chỉ có như vậy phụ thân mới không nghi ngờ. Nhưng ta tới Phúc Kiến Lâu thì cũng không cùng hai người họ nói chuyện phiếm, ta thích chạy đi nghe lão nhân kể chuyện hơn.

Có lẽ vì vậy mà suốt những năm tháng ấy, ta chưa từng phát hiện tình cảm của mặt sẹo ca ca dành cho ta có gì khác lạ. Đại ca cưng chiều ta thế nào, hắn cưng chiều ta hơn thế ấy. Ta lại tưởng hắn xem ta như muội muội, cũng như đại ca vậy. Mà hắn lớn hơn đại ca một tuổi, cho nên hắn thương ta nhiều hơn đại ca cũng là lẽ thường tình, không phải sao?

Sau khi ta gả cho tứ điện hạ thì chúng ta không có cơ hội để gặp mặt nhau. Bởi bắt đầu từ đó, Bạch gia đã chính thức lựa chọn ủng hộ tứ điện hạ, không còn là phe trung lập nữa. Để phòng ngừa những hệ lụy có thể xảy ra, Diệp gia hạn chế liên hệ với chúng ta từ đấy. Hắn và đại ca có giữ liên lạc với nhau ở sau màn hay không, ta không rõ.

========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1. Cách Một Khoảng Sân

2. Tinh Cầu Cô Độc
3. Cô Vợ Toàn Năng Trong Đầu Chỉ Có Ly Hôn!
4. Thiên Sát Cô Tinh Không Khắc Nổi Tôi
=====================================

Vài năm sau, tứ điện hạ lên ngôi, ta trở thành quý phi, chúng ta càng không có cơ hội để gặp mặt nhau.

Năm mặt sẹo ca ca tròn hai lăm tuổi, hoàng thượng phong cho hắn chức Tây Tiến tướng quân. Thỉnh thoảng hắn sẽ được mời về kinh dự tiệc. Ta trông thấy hắn trong đám người nhưng chỉ là một cái liếc mắt thoáng qua ngắn ngủi. Bối phận chúng ta đã khác biệt hoàn toàn, chẳng có lý do gì để gặp nhau nữa.

Trong các kế hoạch gầy dựng thế lực, phụ thân ta chưa từng nghĩ đến chuyện lôi kéo Diệp gia, ta cũng vậy.

Diệp gia không tham gia triều chính, đây là tổ truyền của họ. Diệp gia chỉ một lòng trung thành với người ngồi trên ngai vàng (mặc kệ đó là ai đi nữa). Sứ mệnh của gia tộc bọn họ là đánh giặc ngoại xâm, gìn giữ biên cương, bảo vệ hòa bình. Những việc khác họ sẽ không dài tay quản.

Giống như vụ án của Bạch gia, từ lúc bắt đầu, họ đã không dài tay quản.

Cho nên việc mặt sẹo ca ca chạy về kinh, ép hoàng thượng lật lại bản án của Bạch gia là một việc nằm ngoài phán đoán của ta.

Có điều, tất thảy muộn rồi, ta chẳng thiết sống trên đời này nữa.

Lần thứ ba gặp lại, mặt sẹo ca ca nhẹ nhàng ôm ta vào lòng, nói nhỏ:

"Huynh đưa muội đi xem một thứ, đi gặp một người."

Sau đó hắn bế ta ra khỏi lều. Ở bên ngoài, ta nhìn thấy một thứ mà vài ngày trước không hề tồn tại ở chốn này, một cây hoa đào đã trưởng thành.

Không phải tự nhiên mà phong hào quý phi của ta gọi là Đào phi, bởi vì ta yêu hoa đào, giống mẫu thân ta.

Ở Bạch phủ, phụ thân tự tay chăm sóc một cây hoa đào, là phụ thân tự tay trồng từ hồi yêu thầm mẫu thân. Lúc ta ra đời thì cây đào ở Bạch phủ đã cứng cáp lắm rồi. Phụ thân còn tự tay làm một chiếc xích đu treo bên dưới tàn cây. Trong trí nhớ non nớt của ta về quãng thời gian khi mẫu thân còn sống, người luôn ôm ta ngồi trên xích đu, nét mặt rạng ngời. Phụ thân và đại ca thì ngồi bên chiếc bàn đá kê gần đó, nói nói cười cười. Cả nhà chúng ta đã từng sum vầy trong niềm hạnh phúc giản đơn như thế.


Ngày còn bé, ta từng mơ mộng sẽ gả cho một người mỗi ngày đều ôm ta ngồi dưới tàn cây hoa đào chia sẻ vui buồn kể chuyện trần ai.

Vĩnh Xuân cung của ta có cả một vườn hoa đào, là ân sủng hoàng thường ban cho ta, nhưng hoàng thượng chưa từng ôm ta ngồi dưới tàn cây.

Mặt sẹo ca ca bế ta đi tới đứng dưới tàn cây hoa đào.

"Đây là huynh tự trồng, vốn muốn dành tặng muội."

Ta khẽ ngẩng đầu nhìn lên, cây này phải được mười lăm tuổi rồi, thân cao thẳng tắp, tán rộng thành vòm. Nó đã được chăm sóc cắt tỉa cực kỳ cẩn thận. Hiện giờ đang là mùa đông nên nhìn như một thân cây chết khô. Nhưng ta biết khi mùa xuân đến, nó sẽ nở hoa rực rỡ đẹp đẽ vô cùng. Rất đáng chờ mong.

"Đợi đến mùa xuân, chúng ta cùng ngắm hoa đào, có được không?"

Ta quay đầu nhìn mặt sẹo ca ca. Ánh mắt huynh ấy sâu thăm thẳm. Sau khi phát hiện tâm tư của huynh ấy, ta giờ mới thấy trong mắt huynh ấy là cả một bể tình, nồng nàn chan chứa.

Mười lăm năm trước, ta mới mười ba. Khi ấy, ta còn chưa gặp tứ lang. Khi ấy, ta còn vô tư biết bao. Nếu năm đó huynh ấy tới cầu thân sớm một bước, nếu năm đó huynh ấy tặng ta một cây hoa đào, ta hẳn đã ngã vào vòng tay của huynh ấy.

Ta nhắm mắt, thời gian không thể quay lại, có nuối tiếc thì cũng ích gì.

"Tụ nhi, muội nhìn xem là ai tới thăm muội kìa."

Ta mở mắt, nhìn thấy người kia, cánh tay liền run rẩy vươn ra. Người kia nhào tới, cầm lấy tay ta, khóc nức lên:

"Tiểu thư.. Tiểu thư.."

Cảm giác ức nghẹn nơi lồng ngực sôi trào cuồn cuộn, ta hộc ra một bụm máu đen, sau đó ngất đi. Trước khi bất tỉnh, trong đầu ta chỉ nghĩ tới một chuyện, may mắn, Tiểu Hạnh không chết, cái thai vẫn còn.

Về sau ta mới biết, Tiểu Hạnh đã ôm theo bụng bầu, trải qua hai tháng gian nan vất vả mới đi bộ tới được Biên Thành để tìm gặp mặt sẹo ca ca nhờ giúp đỡ. Đại ca trước khi lìa đời đã từng dặn dò nàng rằng người duy nhất chúng ta có thể nhờ cậy chỉ có Tây Tiến tướng quân Diệp Vĩnh Thiên.


Ta không rõ người của Diệp gia nghĩ gì hoặc là Diệp Vĩnh Thiên đã làm cách nào để thuyết phục gia đình mình, nhưng đúng là Tiểu Hạnh đã được người của Diệp gia ở Biên Thành đón nhận vào nhà chăm sóc.

Biên Thành cách nơi đóng quân ngoài biên quan hơn bốn mươi dặm đường. Nếu không phải Diệp Vĩnh Thiên nghĩ tới chuyện chạy về nhà đào gốc cây mình trồng để mang ra biên quan cho ta nhìn thì hắn đã không thể gặp Tiểu Hạnh trước thời hạn, sẽ không nghĩ tới chuyện mang nàng ấy đi gặp ta. Và như thế, ta đã chết với cõi lòng nặng trĩu, càng không có cơ hội nhìn thấy đứa cháu của Bạch gia.

Một lần nữa mở mắt, người ngồi bên cạnh đầu giường đổi thành Tiểu Hạnh. Ta giãy giụa muốn ngồi lên nhưng sức lực không cho phép. Tiểu Hạnh thấy ta đã tỉnh liền ân cần chạy tới.

"Tiểu thư, người muốn làm gì? Có khát không? Có đói không?"

Ta vươn tay đặt lên cái bụng nhô cao của Tiểu Hạnh.

"Đứa bé.."

Không nhớ đã bao lâu ta chưa mở miệng nói chuyện, cổ họng khô khốc rát buốt, âm thành khàn đặc vỡ vụn. Tiểu Hạnh nước mắt lưng tròng cầm lấy tay ta xoa xoa lên bụng mình.

"Tiểu thư đừng lo, đứa bé khỏe lắm. Tiểu thư người xem, nó đang đạp đây nè."

Ta cảm nhận được sự chuyển động bên dưới lớp áo, bên trong làn da. Xúc cảm ấy thật lạ, giống như đứa bé đang nói, xin chào.

Hốc mắt nóng lên, ta khóc, là lần đầu tiên rơi lệ kể từ giây phút vận mệnh của Bạch gia xoay chuyển.

Lúc cấm vệ quân xuất hiện áp tải ta đến đại lao, ta không khóc. Lúc nghe tin phụ thân và đại ca qua đời, ta không khóc. Lúc sáu tên lính canh cười khả ố nhục nhã ta, ta không khóc. Lúc đám binh lính hạ đẳng dày vò không thương tiếc, ta không khóc.

Hiện tại, chỉ vì cảm nhận một nhịp đập, một sức sống nhỏ bé còn chưa chính thức chào đời, ta lại khóc như chưa từng được khóc. Giống như, sự xuất hiện của đứa bé này chính là một sự cứu rỗi. Sự cứu rỗi dành riêng cho ta.

Những ngày sau đó, dưới sự chăm sóc của Tiểu Hạnh và mặt sẹo ca ca, sức khỏe của ta bắt đầu khá lên. Ta chịu ăn, ta chịu uống thuốc, bởi vì ta đã không còn muốn chết nữa.

Mỗi ngày hai buổi, mặt sẹo ca ca sẽ ôm ta ngồi dưới tàn cây hoa đào. Hắn nói, ta cần phơi nắng, cần hít khí trời. Tiểu Hạnh sẽ ngồi bên cạnh đút cháo cho ta. Mà ta thì sẽ không rời mắt khỏi chiếc bụng nhô cao của nàng.

Ta chỉ có một suy nghĩ, đứa bé sống, ta sống, đứa bé chết, ta chết.

Ngày đứa bé chào đời, ta đã có thể tự mình bước đi khập khiễng. Bà mụ thông báo, là bé trai. Tiểu Hạnh nhìn ta, nức nở nghẹn ngào:

"Tiểu thư, nhờ người đặt tên cho nó."


Ta ôm đứa bé trên tay, khẽ khàng nói ra hai chữ:

"Bạch Viễn."

Ngày đại ca thông báo cho ta chuyện Tiểu Hạnh mang thai, đôi mắt huynh ấy ánh lên vẻ rạng ngời mà rất lâu rồi ta không nhìn thấy. Huynh ấy bảo, đến cả tên đứa bé huynh cũng nghĩ xong rồi. Nếu là con gái thì tên Bạch Vụ. Nếu là con trai thì tên Bạch Viễn. Huynh ấy còn bảo sẽ lập tức viết hưu thư cho Liễu Hạ Chi để có thể chính thức thú Tiểu Hạnh vào nhà.

Lúc đó ta đã lớn tiếng ngăn cản, thậm chí còn khuyên huynh ấy hãy bỏ đứa bé đi.

May mà lần đó cuối cùng huynh ấy không chiều lòng ta nữa.

Năm xưa, đại ca đồng ý cưới Liễu Hạ Chi hoàn toàn là chiều theo sự sắp xếp của ta. Thời gian đầu huynh ấy còn không đụng vào người vợ này. Liễu Hạ Chi âm thầm làm căng, không cho phép huynh ấy nạp thiếp khi nàng ta chưa hoài thai. Ta lại không thể trở mặt hoàn toàn bởi ta cần sự ủng hộ của Liễu gia. Cho nên đại ca luôn bị kẹt ở giữa. Ta không rõ đại ca có cố ra sức hay không nhưng Liễu Hạ Chi vẫn luôn không có tin tức gì. Tình trạng giằng co ấy kéo dài những mười năm.

Cho đến một lần đại ca và Tiểu Hạnh vô tình thổ lộ lòng mình với người kia.

Tiểu Hạnh là thị nữ thân cận của đại ca, lớn hơn huynh ấy hai tuổi, từ năm mười lăm tuổi đã bị bán vào Bạch gia và chỉ theo hầu một mình huynh ấy. Ta nghĩ lúc đầu phụ thân chỉ đơn giản muốn tìm một thị nữ thông phòng cho đại ca. Lại không ngờ, đại ca nảy sinh tình yêu thầm kín với Tiểu Hạnh, vẫn luôn đặc biệt chiếu cố, vẫn luôn đối xử ngang hàng. Đại ca còn tận tay dạy Tiểu Hạnh đọc sách viết chữ. Nhưng Tiểu Hạnh ngại xuất thân, ngại tuổi tác, ngại bối phận nên chưa bao giờ vọng tưởng.

Những tâm ý nho nhỏ mà đại ca bỏ ra luôn bị Tiểu Hạnh ngó lơ. Huynh ấy lại không học được chiêu mặt dày giống như phụ thân năm đó theo đuổi mẫu thân, chỉ biết một mình lo được lo mất, chỉ biết một mình âm thầm đau khổ. Vậy là hai người họ cứ như thế bỏ lỡ nhau những mười năm.

Sau khi thông báo với ta, đại ca trở về liền viết hưu thư. Trong lá hưu thư không nhắc gì tới cái thai trong bụng Tiểu Hạnh, ta không rõ bên Liễu gia có nghi ngờ hay không. Riêng phụ thân ta thì không hề biết chuyện. Lần ấy phụ thân đồng ý cho đại ca hưu thê, bởi vì phụ thân vốn đã không hài lòng chuyện Liễu Hạ Chi mãi không cấn thai mà lại không cho đại ca nạp thiếp. Phải biết rằng mơ ước lớn nhất của phụ thân là được ôm cháu.

Bạch gia và Liễu gia hoàn toàn trở mặt.

Vài tháng sau đó, tai họa ngập trời rơi xuống Bạch gia. Ơn nghĩa lớn nhất có lẽ là chuyện Liễu gia đã không thừa dịp hoàng thượng khuấy nước đục mà đạp cho Bạch gia thêm một cú. Trong số những người đứng lên tố cáo Bạch gia, không có người Liễu gia.

Ta ôm tiểu Bạch Viễn vào lòng, khẽ cười thầm nhủ. Phụ thân, đại ca, hai người có thể tha thứ cho con không?

Mỗi ngày trôi qua, tiểu Bạch Viễn lớn lên một chút, cõi lòng ta nhẹ đi một phần. Ta cảm thấy, ta có thể vì tiểu Bạch Viễn mà tiếp tục sống sót.

Đó là một cảm giác rất thần kỳ. Tiểu Bạch Viễn không phải do ta sinh ra, ta không có cảm xúc ràng buộc với nó như một người mẹ. Nhưng chỉ cần nhìn khuôn mặt nhỏ xíu xiu kia, trái tim ta đã bình yên.

Ta muốn bảo vệ giấc ngủ của nó. Ta muốn bảo vệ nụ cười của nó. Ta muốn bảo vệ tiếng khóc của nó. Và nhất là, ta muốn bảo vệ thế giới trong veo trong đôi mắt nó.

Đáng tiếc, ta đã quá đề cao chính mình.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận