Trọng Sinh Chi Ta Là Tướng Quân Trầm Quỳnh

Về nhà trọ, ta nhờ tiểu nhị ra chợ lao động tìm giúp hai người dân công bình thường. Ta trả tiền cho hai người này, dặn dò một số chuyện, còn giúp họ thay đổi quần áo. Sau đó, ta để hai người ấy ở lại trong phòng chờ đến tối thì mang ngọc bài tới tiệm vải tìm Trần Ngọc Giàu. Còn ta và Lê Chiêu thì cải trang rồi rời khỏi quán trọ mà không gây ra sự chú ý nào.

Ta theo xe ngựa của Dung Mai, an toàn rời khỏi thành Gian Dương trước khi trời tối.

Trần Ngọc Giàu chỉ mới gặp chúng ta một lần vào sáng nay, sẽ không dễ dàng nhận ra hai người giả mạo. Hơn nữa, ông ta chỉ mong mau chóng đưa chúng ta ra khỏi thành, chắc chắn sẽ không dò xét kỹ. Đợi đến khi La Tấn bắt được hai người dân công kia, cùng lắm sẽ nghĩ chúng ta chơi trò kim thiền thoát xác. Hắn chắc chắn cho rằng chúng ta muốn về Chính Bắc, sẽ bày binh bố trận dọc đường xuôi nam.

Nhưng chúng ta sẽ không xuôi nam, à không, chúng ta sẽ xuôi nam, nhưng không phải từ Gian Dương.

Ta và Lê Chiêu đi sâu vào đất liền, sau đó men theo đường núi ở phía Tây để tới nước Lạp.

Ta hoàn toàn không ngờ, vì một lần quyết định nổi hứng bỏ qua đại cuộc mà mục tiêu ban đầu của ta lại có thể diễn ra như kế hoạch.

Nhị hoàng tử và trưởng công chúa đều cho rằng hai chúng ta đã nằm trong tay La Tấn. Sau đó Nhị hoàng tử và trưởng công chúa bắt đầu tạo áp lực để ép La Tấn giao Lê Chiêu ra. La Tấn càng chối, họ càng cho rằng hắn đã đem chúng ta giấu đi vì tư tình riêng. Vốn phe Nhị hoàng tử và La Tấn đã cạnh tranh gay gắt từ trước, chuyện này chỉ như đổ dầu vào lửa, càng đừng nói có thêm một vị trưởng công chúa càn quấy muốn quậy banh lên. Tình hình chính sự của Hoa quốc bỗng nhiên căng thẳng cùng rối nùi. Quả nhiên khiến cho La Tấn không còn sức lực nghĩ tới kế hoạch đạp đổ Trầm gia nữa.

Ta và Lê Chiêu bôn ba hai tháng mới bình an vượt qua biên giới nước Lạp.

Trong hai tháng này, ta đã có một cái nhìn hoàn toàn mới về tướng công của ta.

Chàng vậy mà có thể rong ruổi trên lưng ngựa cả ngày, có thể ăn ngủ nơi rừng hoang núi thẳm, mặc dù còn lóng nga lóng ngóng nhưng chàng luôn cố gắng hết mình để không trở thành gánh nặng cho ta.

Chúng ta không phải tội phạm truy nã. La Tấn không thể bố cáo công văn truy bắt chúng ta. Nhưng để ngừa vạn nhất thì ta vẫn chọn những lộ trình xuyên núi vắng vẻ, đi qua những thôn làng xa xôi hẻo lánh. Dân chúng ở những nơi này đều là những người thật thà chất phác, cũng không thấy lạ khi chúng ta chẳng nói được tiếng của họ. Hoa quốc rộng lớn, là một tập hợp của nhiều tộc thiểu số, bất đồng ngôn ngữ là điều bình thường.

Ta bảo với mọi người hai chúng ta là thanh mai trúc mã, sớm đã yêu nhau nhưng cha mẹ ta lại muốn đem ta gả cho công tử nhà quan lớn, bất đắc dĩ chúng ta phải trốn nhà ra đi. Những câu chuyện tình yêu máu chó kiểu này rất dễ dẫn ra lòng thông cảm của người khác. Cho nên hai chúng ta thành công lén lút vượt qua một nửa bản đồ Hoa quốc mà không gặp phải quân binh truy đuổi nào.

À, nhưng chúng ta thường xuyên đụng mặt thổ phỉ trên đường núi.

Ta không ngờ công phu của Lê Chiêu rất không tệ. Có điều chàng chưa từng chân chính giết người cho nên chiêu thức của chàng không mang theo sát ý. Đối với bọn thổ phỉ thì đây là một yếu điểm.

Lần đầu tiên chúng ta đụng thổ phỉ, Lê Chiêu bối rối đỡ đòn khiến ta phải gánh gồng có hơi tốn sức. Hậu quả là ta bị chém một nhát vào vai.

Vết thương không sâu, nhưng Lê Chiêu nhìn thấy máu liền đỏ mắt, rốt cuộc bộc lộ sát ý chân chính.

Sau khi dẹp yên thổ phỉ, Lê Chiêu ôm ta, run rẩy không dám đụng vào vết thương trên vai ta, hai mắt rưng rưng nhỏ lệ. Đây là lần đầu tiên ta thấy chàng khóc trước mặt ta. Lúc đó ta rung động đến mức làm ra một hành vi rất là phi lễ. Ta nhổm người ôm lấy hai má chàng, hôn lên môi chàng rồi nói:

"Mỹ nhân đừng khóc. Thiếp đau lòng lắm."

Lê Chiêu ngẩn ngơ quên cả khóc, sau đó bật cười rồi cúi xuống hôn ta, dịu dàng mân mê cánh môi ta. Nếu không phải tay chàng vô tình đụng tới vết thương khiến ta hút khí vì đau, có lẽ chàng đã ngồi đó hôn ta đến sông cạn đá mòn.

Chúng ta ghé vào một thôn xóm nhỏ, ở đó dưỡng thương hơn nửa tháng.

Lê Chiêu rất thích khi người khác khen chàng là một tướng công tốt. Mỗi lần được khen, hai mắt chàng sẽ tỏa sáng, còn cười bảo, bởi vì nương tử nhà chàng là tốt nhất.

Thương thế của ta chẳng đáng là gì, nhưng Lê Chiêu nhất quyết bắt ta nằm dưỡng thương để chàng có thể tự tay chăm sóc ta. Mỗi ngày nhìn chàng bận rộn ngược xuôi cũng là cảnh đẹp ý vui.

Sau một tháng dãi nắng dầm mưa, Lê Chiêu đã không còn là một vị công tử da trắng môi hồng. Nước da của chàng sạm đi vì nắng, bàn tay chai sần vì cầm cương cưỡi ngựa. Nhưng nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên môi, ánh mắt chàng nhìn ta cũng lấp lánh ánh sao.

Nửa tháng ấy là thời gian mặn nồng nhất của hai vợ chồng chúng ta từ sau khi thành thân đến giờ.

Sau khi thương thế ta đã khỏi, chúng ta lại tiếp tục lên đường. Lần này, chàng không còn run tay khi đụng phải thổ phỉ nữa. Chàng đã có thể sát cánh cùng ta chiến đấu.

Một tháng sau đó, chúng ta tiến vào biên giới nước Lạp.

Nước Lạp rất nhỏ, dân chúng đều là những người trung hậu thành thật, nhưng vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên đối mặt với nạn đói, nên ngoài chuyện sớm chiều lo lắng cho cái ăn thì họ chẳng có thời gian để bàn chuyện chính sự. Đây là lý do bọn họ không có kẻ thù cũng chẳng có đồng minh.

Kiếp trước ta là bạn thân của Tao Nàn cho nên tiếng nước Lạp ta cũng học được vài chữ bập bẹ. Ta và Lê Chiêu sẵn đường thì đi dạo một vòng xem tình hình nước Lạp.

Ta thật lòng không muốn ngăn cản nhị ca tiến tới với Tao Nàn. Cho nên ta phải nghĩ biện pháp để giải quyết nguy cơ trước khi La Tấn dùng sức ép gây uy hiếp lên nước Lạp.

Ta không thể nói chuyện của kiếp trước nhưng ta dựa vào đó để diễn giải nỗi băn khoăn của ta. Thế mà Lê Chiêu có thể hiểu được, chàng nói:

"Sợ hãi một ngày Hoa quốc bắt ép Lạp quốc phải kết đồng minh, chi bằng hiện tại chúng ta đưa tay kêu gọi Lạp quốc liên kết với chúng ta. Trước nay, ta vẫn thấy lời mời chào của chúng ta chưa đủ thành ý. Chúng ta chỉ dùng lời lẽ để nhấn mạnh về dã tâm của Hoa quốc, lại quên rằng đối với Lạp quốc thì chúng ta cũng là cường quốc chẳng khác gì Hoa quốc. Nếu không phải rơi vào trường hợp bất khả kháng, Lạp quốc chắc chắn sẽ không bộc lộ ý đồ liên kết với bất cứ ai, bởi vì đứng về phe nào cũng đều bất lợi với họ."

"Vậy theo chàng thì chúng ta nên làm thế nào?"

"Giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình. Nếu chúng ta có thể giúp đỡ Lạp quốc giải quyết vấn nạn đói kém để tỏ rõ thành ý muốn chung sống hòa bình thì cho dù không lựa chọn liên kết đồng minh với chúng ta, bọn họ cũng sẽ không bán đứng chúng ta cho Hoa quốc."

Hai mắt ta tỏa sáng nhìn Lê Chiêu.

"Chàng có ý tưởng nào không?"

Lê Chiêu nhìn lên đỉnh núi.

"Bên chúng ta mưa nhiều. Bên này lại thiếu nước. Chi bằng tìm cách chia nửa lượng nước mưa. Ta nghĩ, chúng ta có thể bàn bạc với Lạp quốc để đào một cái hồ nhân tạo trên đỉnh núi. Bên chúng ta giảm bớt nguy cơ xảy ra lũ lụt mà bên của họ có thể tiến hành mở rộng kênh mương đê điều. Vẹn cả đôi đường."

"Đây là một công trình lớn."

"Đúng vậy. Nhưng không phải không thể thực hiện."

Vậy là ta tìm người liên hệ với nhị ca. Hai huynh muội chúng ta gặp nhau trong thôn của Tao Nàn. Nhị ca cảm thấy ý tưởng của Lê Chiêu rất tốt. Huynh ấy lập tức nhờ Tao Nàn liên hệ tìm người có thẩm quyền. Phía Lạp quốc thấy chúng ta có lòng muốn giúp đỡ như vậy thì càng không phải nói, họ mừng còn không kịp.

Thế là dự án đào đất xây hồ trên đỉnh núi cứ thế tiến hành. Bởi vì Lê Chiêu có kiến thức về vấn đề xây dựng cho nên chàng trở thành người chịu trách nhiệm chính. Ta quyết định ở lại với chàng.

Nhị ca nhìn hai chúng ta bận rộn bên nước Lạp lại nghĩ tới một mưu kế khác.

Nhị ca không báo tin bình an của ta về Trầm gia quân, còn lợi dụng việc mất liên lạc với sứ giả suốt hai tháng mà bắt đầu kêu cha ta làm căng lên. Nhất là khi hoàng thượng có được tin tức từ phía Trần Ngọc Giàu, thông báo Lục hoàng tử từng có ý giam lỏng hai chúng ta, Trần Ngọc Giàu đã giúp chúng ta chạy trốn nhưng tình hình sống chết của chúng ta sau đó thì không một ai biết.

Trầm gia quân lần đầu tiên nhận được lệnh xuất kích tấn công vào Hoa quốc để đòi người, trước giờ chúng ta toàn là phe phòng thủ.

Trầm gia quân giương cao lá cờ chính nghĩa, ý chí chiến đấu lại sục sôi cho nên chỉ sau một tuần đã đẩy lùi hàng phòng thủ của Hoa quốc. Nhưng chúng ta không có ý đồ xâm lấn thực sự. Cha ta từng nói, chạy qua chiếm đất rồi còn phải phái người tới trông nom bảo vệ mà chưa chắc được người dân nơi đó cảm kích trung thành tận tâm. Cho nên vì sao chúng ta phải làm?

Trầm gia quân lần lượt chạy qua một loạt tòa thành gần biên giới, giận dữ lan truyền thông tin hoàng tử Hoa quốc có ý đồ xấu với sứ giả Kinh quốc, đến giờ sứ giả Kinh quốc vẫn chưa rõ sống chết, trừ phi Hoa quốc trả người, bằng không Trầm gia quân sẽ tiếp tục quấy phá.

Trầm gia quân không lựa chọn đối đầu trực tiếp với đại quân của Hoa quốc mà chỉ nhắm vào các nhánh quân nhỏ, đánh nhanh thắng nhanh, sau đó an toàn rút lui. Nhị ca bảo, xem như cho quân lính đi diễn tập.

Trầm gia quân miệt mài đánh lẻ suốt một tháng. Rất nhanh, sự phẫn nộ của dân chúng phía nam chuyển từ phe địch sang nội bộ nước nhà, bởi vì tin tức nhị hoàng tử, lục hoàng tử và trưởng công chúa vì một tuyệt thế mỹ nhân mà đấu đá nhau đã không còn là chuyện bí mật nữa.

Hoàng đế Hoa quốc giận dữ trách phạt cả ba người kia trên điện rồng, còn yêu cầu La Tấn thả người. Nhưng người thì không có, La Tấn không biết phải trả lời làm sao với hoàng đế. Vì chuyện này mà hắn bị mất điểm bởi hoàng đế Hoa quốc cho rằng hắn vô năng. Con đường tiến tới ngôi vị thái tử của La Tấn bị đánh sập một nửa.

La Tấn rất không cam lòng. Hắn đã cho người dò xét tất cả các nhánh đường từ Gian Dương xuôi nam ra biên giới, lại hoàn toàn không tìm được một chút tin tức nào của Trầm Quỳnh.

Nếu là kiếp trước, La Tấn biết về mối quan hệ giữa ta và Tao Nàn, hắn có lẽ sẽ nghĩ tới chuyện ta đi nước Lạp. Nhưng kiếp này, hắn hoàn toàn không có cơ sở nào để liên hệ tới điều đó. Cho dù hắn đã tuyệt đường, đã nghĩ tới chuyện cho người dò la bốn phương tám hướng, cũng đã đi về phía Tây nhưng hắn không đủ tinh lực để dò xét sâu vào trong núi nên cuối cùng vẫn không nghĩ ra ta làm sao có thể lặng yên biến mất như vậy.

Cuối cùng, để chấm dứt chuyện này, hoàng đế Hoa quốc phải đồng ý ký kết một hiệp nghị hòa bình. Hoa quốc sẽ không xuất động đao binh đối với phía nam trong suốt một trăm năm.

Một trăm năm không dài không ngắn, vừa đủ một kiếp người.

Cha ta nói, đợi một trăm năm sau, Trầm gia quân sẽ càng lớn mạnh hơn bây giờ, càng không có lý do gì sợ hãi trước binh lực của Hoa quốc. Đây không phải nói chơi mà là sự thật. Bởi vì đời tiếp theo của Trầm gia không chỉ có Thất Tinh Bắc Đẩu mà có tới Thập Nhị Tinh Tú.

Sau khi có được hiệp nghị hòa bình từ Hoa quốc, Trầm gia quân không hề an nhàn nghỉ ngơi, ngược lại càng có xu hướng bành trướng mở rộng. Thay vì chỉ có năm tòa thành trên đỉnh bắc, chúng ta tiến hành xây thêm bốn tòa thành xen kẽ vào khoảng giữa. Về sau chín tòa thành đỉnh bắc được gọi là Cửu Đầu Trạm, đánh số theo thứ tự từ đông sang tây, còn ba tòa thành trung khu được gọi là Tam Thống Sát.

Các tòa thành Cửu Đầu Trạm cách nhau không xa, mỗi nơi còn xây một cột trụ cao chót vót, khi bị tấn công có thể châm lửa đốt để báo tin cho các thành lân cận đến tiếp viện ngay lập tức.

Binh lính của Trầm gia quân sẽ không đóng quân một chỗ. Bọn họ phải tiến hành luân phiên thay đổi trong suốt bốn năm đầu tiên, nghĩa là cứ cách một tháng họ phải chuyển sang đóng quân ở một tòa thành khác, sau một năm sẽ đi hết mười hai tòa thành. Nguyên nhân chủ yếu vì Trầm gia muốn binh lính có thể quen thuộc tất cả địa hình của đỉnh bắc. Cho dù sau này xảy ra chiến tranh, đại tướng quân muốn điều nhánh quân nào đi tới đâu thì binh lính của Trầm gia quân đều có thể dễ dàng thích nghi tới đó.

Sau bốn năm thì binh lính được quyền đăng ký xin được đóng quân ở một tòa thành nhất định. Việc xét tuyển sẽ do thống soái của tòa thành đó quyết định.

Lại nói, ta và Lê Chiêu ở nước Lạp ba tháng để giúp bọn họ hoàn tất công trình hồ nhân tạo.

Binh lính Trầm gia quân ở Trạm Đầu Cửu về sau còn có thêm một bài tập công khóa nữa, đó là mỗi ngày leo núi xách nước đổ vào hồ. Hầu như ai cũng muốn né tòa thành trên đỉnh tây bắc này.

Ngược lại, ta ở đây vài tháng liền sinh lòng cảm mến với quang cảnh núi non hùng vĩ của nơi này. Đáng tiếc, vừa xây hồ xong, ta và Lê Chiêu phải lập tức hồi kinh, bởi vì ta mang thai.

Khi y sư chẩn đoán ta đã mang thai bốn tháng, Lê Chiêu thấp tha thấp thỏm, mất ăn mất ngủ mấy ngày liền bởi vì chàng thấy ta thẫn thờ ôm bụng chẳng nói chẳng rằng suốt mấy hôm. Về sau ta mới biết lúc ấy chàng vốn nghĩ ta đang tính chuyện phá thai. Mà ta thật ra lúc ấy chỉ đang âm thầm cảm nhận một nhịp sống khác lạ vừa xuất hiện bên trong cơ thể mình.

Trước đó, quả thật ta không nghĩ muốn sinh con. Nhưng sau khi trải qua tháng ngày bôn ba cùng Lê Chiêu, ta bỗng nhiên cảm thấy, nếu là con của chàng thì có lẽ ta nhịn đau được.

Ta sinh cho Lê Chiêu tổng cộng bảy người con, ba nam bốn nữ. Cả ba con trai của ta về sau đều tranh được suất thống soái trong Thập Nhị Tinh Tú của Trầm gia quân.

Trước khi các con lớn, ta và Lê Chiêu canh giữ Trạm Đầu Bát gần bên Trạm Đầu Cửu của nhị ca.

Mỗi ngày, ta vào quân doanh luyện tập rồi tuần tra trên tường thành. Buổi chiều, Lê Chiêu sẽ ôm các con đợi ta dưới cổng thành. Sau đó, cả gia đình ta sẽ cùng về nhà.

Ta từng hỏi Lê Chiêu, giả sử trước kia ta quyết định hủy hôn rồi hoàng thượng lại ban hôn cho chàng với một người con gái khác, chàng sẽ thế nào. Lê Chiêu bảo, cả đời chàng chỉ nhận định một mình ta, dù phải cưới một người khác, chàng cũng sẽ không chạm vào người ấy.

Hóa ra, tướng công của ta đã yêu ta tận hai kiếp người.

Khi xưa, ánh mắt của ta chỉ biết nhìn về phía trước, cho nên chỉ nhìn thấy người từ xa tiến lại, mà không hề liếc mắt nhìn sang những người đang đứng bên cạnh ta, càng đứng nói quay đầu nhìn người đứng sau lưng ta như Lê Chiêu. May mà Tiểu Đào đã tát ta một cú lệch mặt, khiến cho kiếp này ta vừa vặn quay đầu.

Ta yêu La Tấn sao? Không rõ. Cảm giác tình cảm ấy giống như một mồi lửa, bén nhanh mà tàn cũng nhanh.

Ta yêu Lê Chiêu sao? Không biết. Cảm giác tình cảm kia giống như một nồi than ủ ấm, chầm chậm lan tỏa khiến cả người khoan khoái dễ chịu.

Ước nguyện của Lê Chiêu là mỗi ngày được nhìn thấy ta, được ôm ta ngủ. Cho nên, dù đi bất cứ đâu, ta cũng sẽ mang chàng theo. Từ sau khi thành thân cho đến lúc ta chết đi, mỗi một ngày, Lê Chiêu đều ôm ta đi vào mộng đẹp. Mà ước nguyện của ta, ngoài bảo vệ non sông bờ cõi, còn có, thực hiện ước nguyện của Lê Chiêu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui